Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Đưa Dâu Trên Sông Vàm Cỏ - Đào Anh Dũng

    Đưa Dâu Trên Sông Vàm Cỏ 
      Truyện ngắn Đào Anh Dũng



Dùng cơm trưa xong, ông hai Thành nhâm nhi tách trà trong lúc bà hai xuống bếp bảo trẻ dọn bàn và mang trái cây lên cho ông ăn la-xét (1). Bỗng có tiếng con Vàng hư hứ mừng ai trước nhà. Ông hai ngó thấy vợ chồng ông tư Ngà đang lui cui mở cổng rào. Bước ra đón khách, ông vội vàng hỏi:
“Trưa trờ trưa trật mà chú tư thím tư nó không ở nhà cho khoẻ. Có chuyện gì mà coi bộ gấp gáp quá vậy? Mời chú tư thím tư vô nhà.”
Ông hai lớn hơn ông tư một tuổi, sanh trưởng cùng làng Hiệp Ninh lại là bạn cùng lớp với nhau từ lúc học sơ cấp nên hai ông thân nhau như hai anh em ruột. Cả hai gia đình họ đều có của ăn của để. Ngoài số ruộng đất cấy lúa, trồng mía non trăm mẫu, ông hai bà hai còn làm chủ một lò đường trên Ngả Ba Vịnh. Ông tư bà tư cũng có ruộng đất vài chục mẫu thêm đàn bò hơn trăm con. Hơn hai năm trước, đang làm chức hương chủ trong làng, ông hai tính nghỉ hưu. Chuyện chưa ngã ngũ bỗng ông hương cả Ngôn qua đời, ban hội tề nài nỉ xin ông hai ngồi lại nhận chức hương cả giúp làng, đồng thời cử ông tư lúc đó làm hương thân lên làm hương chủ. Thấy chức hương cả cũng không đa đoan công việc bao nhiêu, lại có ông tư bầu bạn trong công việc làng xã nên ông hai bằng lòng.
 Hai ông vô ngồi vào ghế trường kỷ giữa nhà. Bà hai kéo bà tư qua ngồi trên bộ ván gõ có sẵn khay trầu và ống nhổ bằng đồng. Trẻ chưa kịp rót trà mời khách, ông tư quay qua ngó ông hai bà hai, rồi nói, giọng run run:
“Thiệt, vợ chồng tui rối trí quá anh hai chị hai à. Con Hiền mới nói với vợ chồng tui là nó lỡ thương thằng Tánh rồi!”
Ông tư rối trí cũng phải vì đã có giao ước sui gia với bạn từ khi con cái của hai gia đình còn là trẻ sơ sinh. Ông hai bà hai có ba người con, hai trai, một gái. Nhơn, người con trai trưởng du học bên Pháp. Người con trai kế tên Hòa học trường Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn, đang chuẩn bị thi đíp-lôm (2). Riêng Thảo, cô con gái út, ông bà đã gả về nhà chồng ở vùng Ngũ Long, Bến Cầu ba năm rồi. Trong nhà ông hai còn có Tánh. Cha mẹ Tánh là tá điền của ông hai bà hai. Nhà nghèo lại đông anh chị em, nên khi học xong lớp ba Tánh đi ở đợ nhà hai ông bà cho đến nay. Còn ông tư bà tư có bốn người con, ba gái với một cậu con trai út. Hiền là con gái đầu lòng, năm nay đã đến tuổi cập kê. Hai bên định bụng kết sui gia sau khi Hòa thi đậu. Hai cô em gái của Hiền là Hậu và Phước. Cũng như Hiền, cả hai cô thi đậu xẹt-ti-phi-ca (3) xong thì ở nhà phụ giúp cha mẹ và học nữ công gia chánh. Riêng Đức, cậu con út của ông tư bà tư còn nhỏ tuổi, đang học tiểu học.
Trong hoàn cảnh này ông hai cũng thấy khó xử cho cả hai bên gia đình. Tiếng là kẻ ăn người ở trong nhà, nhưng ông hai thương Tánh như con. Tuy học lực chỉ có sơ cấp, Tánh rất thông minh, chỉ đâu biết đó, lại làm việc siêng năng, tánh tình hiền hòa, thiệt thà, có sao nói vậy. Con cái của ông bà, một đứa đã nên gia thất, hai đứa học hành xa nhà. Vì thế, hai vợ chồng ông bà sống cu ki một mình, có Tánh lo trong, lo ngoài, làm sao mà không thương cho được. Mấy năm gần đây ông giao khoán công việc lò đường cho Tánh, có một đứa em ruột của nó theo phụ giúp, học nghề. Sổ sách rành mạch, việc làm phân minh, khách hàng vừa lòng cho nên lợi tức lò đường ngày càng gia tăng. Ông hai bà hai vốn là người nhơn đức, công bằng, nên thời gian qua đã trả công thêm cho Tánh bằng cách bán rẻ năm mẫu ruộng. Cha mẹ Tánh không phải mướn ruộng của ông bà nữa. Mới đây, Tánh gợi ý cho ông hai mở thêm một lò đường trên bờ sông Vàm Cỏ để đón mối mía từ vùng Ngũ Long. Ông hai viện cớ lớn tuổi, không màng đến làm ăn mua bán thêm nữa, nhưng ông giúp vốn cho Tánh mở lò đường riêng cho mình. Lò đường tuy nhỏ thôi, nhưng ông hai dự đoán không bao lâu Tánh sẽ phát tài nhờ đầu óc thông minh và đức tánh cần cù của nó. Thấy Tánh đã trên 25 tuổi, chưa lập gia đình, chỉ lo chí thú làm ăn, ông hai bà hai có ý dòm ngó con gái nhà ai công dung ngôn hạnh mà làm mai cho nó. Ông hai đâu có ngờ Tánh để ý đến Hiền, cô con dâu tương lai của ông bà.
“Vậy mình tính sao bây giờ, thưa anh hai chị hai?”
Ông hai giật mình. Ông còn khá bất ngờ về chuyện rắc rối này nên chưa kịp suy nghĩ gì thêm. Ông đành trả lời vô thưởng vô phạt:
“Ngặt cái là tui cũng thương thằng Tánh như con cháu trong nhà. Mình đâu có dè hai đứa có tình ý với nhau.”
Ông tư tiếp lời:
“Dạ, vợ chồng tui cũng vậy. Hôm kia, vợ tui dạy con Hiền rằng thằng Hòa thi đậu xong là anh chị sẽ đi hỏi cưới nó về làm vợ thằng Hòa. Nó “dạ” nhưng mặt buồn hiu. Hỏi riết hôm nay nó mới nói thằng Hòa lâu nay ăn học ở Sài Gòn, nghỉ hè mới về nhà, có quen biết đâu mà thương, mà lấy. Anh chị nghe coi có được không?”
Ông hai khoát tay:
“Cái khó của bọn già mình bây giờ là ở chỗ đó. Ngày trước cha mẹ đặt đâu mình ngồi đó. Còn đám nhỏ bây giờ tụi nó suy nghĩ khác mình nhiều quá.”
Ông tư vội đáp:
“Vậy thì ông bà cha mẹ mình sai à? Chớ anh chị, rồi vợ chồng tui nữa, có ai quen biết nhau trước đâu mà rồi cũng thương yêu, con đàn, con đống … Vợ chồng tui thiệt  vô phước hết sức!”
Không muốn làm bạn bối rối thêm, ông hai từ tốn nói:
“Chuyện đâu còn có đó. Chú tư thím tư đừng buồn, rầy la cháu tội nghiệp nó. Nói thiệt, vợ chồng tui cũng chưa có dịp để nói chuyện nầy với thằng Hòa nữa. Mình cũng vô ý quá, lâu nay chỉ nói bóng nói gió, chắc tụi nó nghĩ bọn mình nói chơi cho vui vậy thôi. À, mà thằng Tánh với con Hiền để ý nhau từ lúc nào vậy chú thím?”
Ông tư đưa mắt nhìn vợ. Bà có vẻ ngượng ngập, ngó bà hai, ấp úng: “Dạ … dạ …”. Ông tư liền nói thay vợ:
“Dạ, vợ chồng tui tra hỏi riết nó mới thú thiệt rằng tụi nó thương nhau từ cái hôm đưa dâu ở Bến Cầu, chuyến về bà con mình bị cướp cạn đó …”
Ừ, cái đêm hôm đó, làm sao ông quên được, ông hai thầm nghĩ. Đó là một biến cố quan trọng trong đời ông, khiến ông có một suy nghĩ mới về cuộc sống. Không ngờ hôm ấy cũng là một ngày định mệnh cho đôi trẻ thương nhau.

ÎÍ

Tháng chạp năm ấy, cách nay hơn ba năm, ông bà hai Thành kết sui gia với ông bà hương cả làng Long Vĩnh,  ở vùng Ngũ Long, Bến Cầu. Trong khi người đời thường hay so đo về mặt môn đăng hộ đối, ông hai bà hai lại lo lắng hơn về phần phước đức của gia đình đàng trai. Dò hỏi, ông bà biết được gia đình của ông cả Nghiệp có tiếng là đạo đức, nề nếp, con cái hiếu thảo với cha mẹ, học hành đỗ đạt lại không hống hách, kiêu căng. Vì vậy, ông bà mới chịu gả Thảo, con gái út của mình cho Minh, con trai thứ của ông bà cả Nghiệp. Khi ấy Minh vừa học xong trường nọt-man (4) và được bổ đi dạy học ở Sa Đéc.
Đàng trai coi tuổi, xin rước dâu vào ngày 16 tháng chạp, thầy nói là ngày lành tháng tốt. Họ đàng trai đến rước dâu bằng bốn chiếc ghe đậu ở bờ rạch Tây Ninh. Chờ đến đúng giờ, họ xếp hàng, mang mâm quả đến nhà gái, cách bờ sông chừng một trăm thước tây. Quí ông khăn đóng áo dài thâm. Quí bà quần áo là lượt, đội khăn, che dù. Chú rể cũng khăn đóng, áo dài, nhưng màu xanh, đi sau ông mai cùng với hai chú rể phụ, hai bên có trẻ cầm lộng che. Ngó thiệt là ngộ. Họ đàng gái đưa dâu bằng hai chiếc ghe. Một chiếc là ghe nhà, do Tánh đứng chèo lái, Hòa chèo mũi. Ông hai Thành giao cho Nhơn ở lại coi nhà, lo đãi đằng bà con cô bác đến dọn đám cưới. Chiếc ghe kia của ông hương quản Sĩ cho mượn, có sẵn hai người chèo và lái là người làm công của ông bà hương quản. Ông hai lo việc này mấy tháng trước rồi. Ông muốn nhân rằm 16 sáng trăng, trên đường từ Bến Cầu về Hiệp Ninh bạn bè ông có dịp thưởng ngoạn thú thơ văn, uống trà đàm đạo trên ghe cho vui. Ông đã có vài lần du ngoạn trên sông Vàm Cỏ về đêm cùng với quí ông bạn thơ văn của ông rồi.
Sau buổi tiệc tân hôn ở nhà trai, trời đã tối. Tuy có ánh trăng 16 sáng vằng vặc, nhà trai cũng sai trẻ cầm đuốc dầu chai, đưa họ nhà gái ra về tận bến sông Vàm Cỏ. Khi đi đưa dâu,  quí ông bà ngồi trên ghe có đôi, có cặp. Chuyến về, quí ông đi ghe này, quí bà, quí cô ngồi ghe kia. Đó là ý muốn của bà hai Thành. Bà nói: “Nghe mấy ổng ‘thơ với thẩn’, buồn ngủ chết!” Ông hai vốn là người cẩn thận, ông giao cho Tánh là đứa tâm phúc trong nhà và Hòa theo phụ chèo chiếc ghe chở mấy bà. Ngoài mấy bà đã có gia đình, trên ghe có hai cô phù dâu là Hiền và Hậu, con gái của ông bà tư Ngà.
Rời bến được một đỗi, quí bà bắt đầu nói về quần áo, trang sức, và các món ăn trong buổi tiệc cưới ở nhà trai. Riêng quí ông bàn đến lễ lạc, phép tắc, lời ăn cách nói của ông mai, rồi cũng đi đến việc đãi đằng, rượu này, món nọ. Người khen, kẻ chê, so sánh đám cưới nhà này với nhà kia, là chuyện thường tình, nhưng nhờ vậy mà câu chuyện rôm rả, vui như ngày Tết. Chuyện trò bàn bạc chấm dứt, ông hai rót trà, mời ông hương sư Ngọc mở màn cuộc ngâm thơ. Ông hương sư thiệt xứng đáng là người hay chữ trong làng. Ông thuộc làu nhiều tập thơ truyện, như Thúy Kiều,  Lục Vân Tiên, Bạch Viên Tôn Các… Riêng Lục Vân Tiên, ai hỏi đoạn nào ông ngâm đoạn ấy. Tiếng ngâm thơ trong đêm khuya thanh vắng, thoảng vọng tiếng mái chèo, nghe mà thấm thía, lòng người trong ghe như muốn về cõi thiên thai …
Bỗng có tiếng mái chèo dồn dập, quát tháo ra lịnh ghe ngừng lại. Ông hai giật mình, mở mắt, định thần mới biết ghe đang ở Gò Chai, gần ngả ba tẽ vào rạch Tây Ninh, có ba chiếc tam bản, mỗi chiếc chở vài người quấn khăn rằn, mặt đen thui, đang tiến gần đến chiếc ghe của ông. Ông hai chưa biết tính sao thì nghe tiếng ra lịnh của ông hương quản, chủ chiếc ghe:
“Đàn, mầy lấy trong khoang ghe cây súng hai nòng cho tao ngay lập tức. Tao phải trị cái lũ cướp cạn này!”
Đàn là đứa bạn trong nhà của ông bà hương quản. Hôm nay anh ta đứng chèo lái. Ông hương quản lo việc an ninh, cảnh sát trong làng nên ông có súng. Đàn bỏ mái chèo, khom người lẹ tay lấy ra cây súng trong khoang ghe, nhưng thay vì quăng cây súng ngay cho ông hương quản anh ta quay mũi súng chĩa vào đám người đi ghe. Ông hương quản chỉ biết la Trời mà trách tự mình đã nuôi ong tay áo.
Ông hai Thành coi chuyện bị cướp đêm hôm ấy là một bài học như mọi bài học khác trong cuộc đời của ông. Tuy nhiên, mỗi lần nhớ lại, ông không khỏi thầm cám ơn Trời Phật đã phù hộ cho ông có một quyết định thật sáng suốt trong cơn hoạn nạn. Lúc ấy, suy nghĩ đầu tiên trong đầu ông là tánh mạng của quí bà. Ông nhìn sang chiếc ghe bạn cách độ năm, bảy thước, thấy hai chiếc tam bản đã kè hai bên, Tánh và Hòa đang thủ thế với hai cái mái chèo. Ông nghĩ ngay đến tình huống nếu tên Đàn không tạo phản, cây súng hai nòng của ông hương quản cũng không giúp được gì. Bọn cướp có thể mang theo dao (mà chúng thật sự có mang theo dao và rựa) trong khi Tánh và Hòa không một tấc sắt trong tay. Ngoài ra, trong lúc xô xát chiếc ghe có thể bị chìm, hậu quả không thể lường được. Ông la lên:
“Bà con bình tĩnh! Hòa! Tánh! Hai con đứng im! Đừng chống cự!”
Đoạn ông nhỏ giọng:
“Em Đàn, qua với ba má em chỉ có ơn chứ không có oán. Hôm nay là ngày vui của con qua, qua xin em nể qua một chút, muốn gì thì cứ nói, chớ đừng gây đổ máu, chết chóc bà con mà ân hận.”
Gương mặt của tên Đàn lạnh như tiền, anh ta hất mặt:
“Được, nếu biết điều thì sống, không thì xác trôi sông. Tiền bạc, đồng hồ, dây chuyền, cà rá hột xoàn lột ra hết. Đừng có hòng mà giấu, tụi nầy xét từng người.”
Nghe nói vậy, ông hai liền bảo mọi người:
“Bà con cứ nghe lời họ. Có gì tui lo sau. Đừng có tiếc của, bổn mạng con người là quí hơn hết.”
Sau khi bọn cướp leo hết lên ghe, tên Đàn ra lịnh mọi người cởi mọi món quí giá đeo trên mình cùng bóp đựng tiền bỏ vào một cái bao bố tời. Sau đó, bọn chúng khám xét từng người, đàn ông phải lột hết quần áo. Tuy nhiên, bọn chúng cũng còn có chút nhơn đạo, chỉ buộc quí bà cởi áo và quần dài, chừa lại cái quần lồng và cái áo túi. Xong, bọn chúng rút lui, mang theo của cải cướp được cùng cây súng  của ông hương quản, quần áo của mọi người và các mái chèo ghe. Chúng chỉ để lại mỗi chiếc ghe hai cây sào tre để họ chống ghe mà về nhà. Ông hai ngẫm nghĩ bọn cướp này có tính toán, ngoài tên Đàn đã xuất đầu lộ diện, các tên khác bôi mặt lọ nghẹ,  không nói một câu nào, chỉ ra dấu hiệu, chứng tỏ bọn chúng là dân xóm làng gần đây thôi.  Lý do bọn chúng lấy mất mái chèo và buộc đàn ông phải cởi truồng là vì chúng muốn có thời gian để tẩu thoát, nhóm người bị cướp khó lòng mà rượt theo hay cớ làng xã cho kịp lúc.
Bọn cướp chèo ghe đi mất dạng rồi bà con mới hoàn hồn, ngồi im lặng một hồi sau mới ríu rít hỏi thăm nhau. Hai chiếc ghe trôi lặng lẽ trên sông lấp lánh ánh trăng. Phong cảnh thật hữu tình, nhưng không ai có lòng dạ nào mà thưởng thức. Giọng nói ồ ồ của ông hương quản phá tan cái không khí ảm đạm ấy:
“Thôi, chống ghe về nhà bà con ơi!”
Đoạn ông nhảy phóc về đuôi ghe, chân mang giày Gia Định, tay chống cây sào tre mà mình trần như nhộng. Ngó thấy dị họm, tức cười nhưng không ai lên tiếng. Tánh, Hòa và đứa phụ chèo bên ghe ông hương quản là trai mới lớn, mắc cỡ nhưng cũng phải đứng lên chống sào. Bỗng có tiếng ông hương sư ngâm câu hò:
Hò … ớ …trên trăng dưới nước,
anh đây đứng trước mũi thuàn…
Bao nhiêu sóng dợn … ờ…
Bao nhiêu sóng dợn
anh thương nàng bấy nhiêu…

Rồi câu trả lời của ông hương quản:
“Anh hương sư ơi, anh ngâm trật lất rồi. Tình cảnh của bọn chèo ghe của tụi tui bây giờ phải là trên trăng dưới d.. chớ!”
Nghe đến đó bà con cười ồ lên, quên hết phiền muộn tuy họ vừa bị ăn cướp. Chặp sau, thấy bóng bốn người đàn ông trần truồng, trong số có đứa con trai của mình, đứng dưới ánh trăng chống cây sào tre coi thiệt là kỳ khôi, bà hai Thành ngẫm nghĩ: “Mình ngồi trong khoang ghe, trăng không dọi tới, không mặc áo túi cũng không sao.” Bà lẹ làng cởi cái áo túi của mình trao cho Hậu lúc ấy ngồi kế bên:
“Cháu làm ơn đưa cho thằng Hòa che cho đở coi. Bác như vầy đứng lên coi không được.”
Hậu do dự, rồi bẽn lẽn đi đến đuôi ghe, đứng xa cả sải,  trao cho Hòa cái áo túi mà mắt thì ngó về hướng khác. Thấy vậy, bà tư Ngà cũng cởi cái áo túi của mình ra, sai Hiền đem đưa cho Tánh. Hiền rụt rè hơn cả cô em của mình, cô cũng đứng xa cả sải nhưng khi trao chiếc áo túi cho Tánh cô trợt chưn té quỵ làm Tánh phải cuối xuống đỡ cô đứng lên. Bà hương quản và bà hương sư cũng bắt chước, nhờ chuyển áo túi của hai bà cho ông hương quản và cậu phụ chèo ghe bên kia. Mọi chuyện xuôi chèo mát mái.
Nhóm người đưa dâu hôm ấy về đến Hiệp Ninh quá nửa đêm. Vì mất cây súng hai nòng, sáng hôm sau ông hương quản Sĩ phải đi cớ trên quận. Ngay hôm ấy, quận cho lính xuống ăn-kết (5). Ông hai Thành muốn bỏ qua mọi việc nên không thưa gởi gì cha mẹ của tên Đàn. Ông theo ý của người xưa mà lý luận rằng cha mẹ sanh con chứ đâu có sanh tánh. Nhớ lời hứa trên ghe, ông hai bỏ ra gần năm ngàn đồng bồi thường cho bà con bị cướp. Riêng tên Đàn bỏ làng đi biệt tích, năm sau có tin đồn anh ta bị bắn chết vì cờ gian bạc lận ở Đại Thế Giới. Cũng có người nói anh ta đã vô bưng rồi bặt tin luôn. Ông hai không vui mà cũng không buồn, ông chỉ tiếc cho một con người lầm đường lạc lối. Bổn tánh “ruột để ngoài da”, bà hai không màng mất của cải vì bà tin rằng “của đi thay người”. Riêng ông hai, sau trận đó ông thay đổi quan niệm sống. Ông thấy rằng tiền của ông tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt, thấy đó rồi mất đó, rất phù du. Sống công bằng, làm phước để đức lại cho con cháu của riêng mình cũng chưa đủ mà còn phải biết nghĩ đến hạnh phúc kẻ sống chung quanh mình. Ông không còn thiết tha việc làng, tính xin về hưu nhưng chưa được. Về trường hợp trở mặt của Đàn, ông nghĩ nếu có ai giúp đỡ nó có cơ hội ngóc đầu lên, không sống cơ cực như ba má của nó, thử hỏi nó có đi ăn cướp, rồi phải sống biệt xứ, tứ cố vô thân hay không?

ÎÍ

 Bốn người bạn già ngồi trầm ngâm nhớ lại chuyện đã qua hơn ba năm rồi, mà coi chừng như nó mới xảy ra đây thôi. Bà hai chợt đánh vào bắp vế mình nghe cái “chát”, đoạn nói:
“Đó là do lỗi của tui. Tại sao hôm đó tui lại nhờ con Hậu đưa cái áo túi cho thằng Hòa mà không biểu con Hiền? Phải chi …”
Ông hai ngắt lời vợ:
“Thôi, cho tui xin má nó. Bộ con người ta chỉ có cái vụ đó thôi sao? Sống trên đời, còn hiếu đễ, còn tình nghĩa nữa chớ!”
Bà hai không chịu thua:
“Ông nói sao … Truyện nàng công chúa Tiên Dung cưới anh chàng nghèo mạt rệp Chử Đồng Tử còn rành rành trong sách đó.”
“Bà thiệt là … Tích nói rằng sau khi ra cớ sự, công chúa Tiên Dung hỏi thăm mới biết chàng trai họ Chữ vì quá thương cha, không nỡ để cha chết trần truồng, dùng chiếc khố độc nhứt của hai cha con để liệm cha mà đem chôn. Tích cũng nói công chúa Tiên Dung nghĩ đây là duyên trời định nên đòi kết nghĩa vợ chồng. Riêng tôi thì tôi nghĩ cô thương cái hiếu đễ của Chử Đồng Tử mới xin kết nghĩa với chàng. Cũng có thể, cô biết nhìn người, thấy được tìm ẩn thông minh của Chử Đồng Tử vì sau đó hai người buôn bán, giao thương rất giàu. Người ta nói trai tài, gái sắc mà.”
Bà tư Ngà lúc ấy tỏ vẻ ngần ngại như có điều khó nói. Rồi bà cũng phải lên tiếng:
“Dạ, con Hiền nó có thổ lộ với tui rằng nó thương thằng Tánh vì thấy nó hiền, biết lo làm ăn, nuôi em, phụng dưỡng cha mẹ. Lâu nay nó lo làm lụng để có tiền nhờ mai mối đi nói con Hiền. Ngặt nỗi nó nghe phông phanh mình đã giao ước, anh chị muốn cưới con Hiền cho thằng Hòa, nên nó đâu dám hó hé gì.”
Nghe đến đó, ông hai Thành nhíu mày, suy nghĩ đăm chiêu. Ông thấy một lời hứa giữa hai người bạn thâm giao không phải là lý do chánh đáng để chia uyên rẽ thúy đôi trẻ này. Vả lại ông bà cho Hòa theo Tây học, không chắc nó sẽ nghe lời cha mẹ định trước việc trăm năm của nó. Xét thiệt lòng mình, ông hai cũng thương Tánh như con cháu. Ông thấy hài lòng vì Tánh là một đứa có quyết tâm xây dựng cuộc sống của mình khá hơn y như ông thời trai trẻ. Nhìn vợ rồi ngó qua vợ chồng bạn, ông nói:
“Theo lời thím Tư kể, tui nghĩ chú thím cũng có lòng thương thằng Tánh và muốn kết hợp cho hai đứa nó. Nếu thiệt vậy thì mơi chiều tui sẽ đánh tiếng với ba má thằng Tánh và làm ông mai luôn. Chú thím còn đứa kế là con Hậu. Lo gì mình không còn dịp làm sui với nhau, nhưng lần này mình phải tạo điều kiện thuận lợi cho hai đứa nhỏ quen biết, tìm hiểu nhau trước mới được. Mình đừng có thủ cựu, ép buộc con cái nữa.”
Bà hai tiếp lời ông:
“Ông tính vậy hay lắm, hạp ý của tui đó.”
Tuy nhiên, cái tích Tiên Dung và Chử Đồng Tử vẫn còn trong tâm trí của bà trong lúc ấy, nên bà nói thêm:
“Ối, mà lo gì, hôm đó chính tay con Hậu nó đưa cái áo túi của tui cho thằng Hòa, chứ ai vô đây. Khỏi phải ép uổng ai hết!”
Ông hai đành cười trừ trong lúc ông tư bà tư không hẹn mà nói một lượt:
“Dạ, được vậy thì vợ chồng tui mừng lắm.”
Bỗng một cơn gió đưa hương cau bay nồng nàn khắp nơi. Ông hai khoan khoái hít một hơi dài. Ông nhìn ra vườn trầu, ngước mắt thấy mấy buồng cau đang trổ bông vàng lườm dưới bầu trời xanh trong vắt. Ông liên tưởng đến mùa cau sắp tới sẽ là đám cưới của Tánh và Hiền nên ông buột miệng nói:
“Lần này, đàng trai và đàng gái ở cùng làng nên mình khỏi phải đưa rước dâu bằng ghe. Không lo bị cướp cạn nữa, hén!”

đàoanhdũng
Đông 2009

Thân mời bạn viếng trang Thơ Văn đàoanhdũng. Xin bấm vào đường truyền dưới đây:
daoanhdungwriter.blogspot.com

(1)   Dessert - tráng miệng
(2)   Diplôme - Văn bằng tương đương với trung học đệ nhất cấp sau này.
(3)   Certificat – Văn bằng tiểu học

Show message history
   Ecole Normale Trường Sư phạm
(5)   Enquêter - Điều tra

1 nhận xét:

Hoa Pham nói...

Mấy tấm hình bạn chọn rất đẹp