Từ trò chơi đá dế trẻ con
đến trò chơi chọi chó người lớn
Bây giờ đang là tháng 2 Âm Lịch,
khoảng một tháng nữa, lúc sáng tinh mơ, ai có dịp đi ra đồng, đều nghe được
tiếng dế vang lên chỗ này chỗ nọ.
Thuở trước, ở quê lão, trong
những trò chơi trẻ con, có trò “đá rế” (rế là tiếng quê lão chỉ con dế). Dế đực
mới đá nhau, dế cái thì không. Dế đen gọi là dế mọi, dế vàng gọi là dế lửa, dế
có màu giữa đen và vàng gọi là dế pha.
Con dế đực (dế pha)
Ảnh mượn từ Internet
Bọn trẻ làng, cứ trời hửng sáng, chạy ra đồng,
lần theo tiếng kêu tìm bắt dế. Dế bắt về được thả vào một hộp rộng; trẻ dùng
một cái que đót nhỏ quét nhẹ vào miệng; dế mở rộng 2 càng hàm ra, căng 2 cánh
trên lưng, xát kèn kẹt vào nhau, tạo thành tiếng kêu “reng reng” rất vui tai. Nếu trong hộp có 2 con đều được kích động như
thế, chúng sẽ xáp đầu đấu. Khi thì húc
nhau, con mạnh húc con yếu văng lui, khi thì giao hàm, cắn nghiến nhau. Con thua bỏ chạy, con thắng hùng dũng vừa chạy
lui chạy tới, vừa cất tiếng “reng reng.” Thấy cũng “đã mắt.” Lũ trẻ phố thị muốn chơi đá dế, phải mua. Mỗi mùa dế, nhiều trẻ thôn quê kiếm được khá
tiền, có thể may được quần áo, sắm được sách vở.
Đến tuổi thiếu niên, lão phải
giúp đỡ cha mẹ trong công việc đồng áng. “Sáng đi trường, chiều lại theo trâu”
(hay bò). Nhà lão nuôi trâu bò để cày kéo trong việc làm nông và sinh lợi để
chi phí việc học hành của lão. Trong đàn trâu bò nhà, luôn có con đực nổi.
Bò đực nổi hay trâu đực nổi là
những con có độ tuổi khoảng từ 4 đến 6, cổ to, riêng bò thì nổi u lớn giữa cổ và
lưng
Bò đực nổi
Ảnh mượn từ Internet
Bò và trâu đực nổi giữa nhà này
và nhà khác, giữa làng này và làng khác ra đồng cỏ thường đánh nhau do tranh
đồng, tranh vai trò thủ lãnh đàn hay do tranh gái (bò hay trâu cái trong kỳ
“dọi đực” – trứng rụng, muốn được “cọ” để mang thai). Lão chứng kiến nhiều vụ trâu, bò đánh nhau rất
oanh liệt và kéo dài. Con nào, sau trận
đấu, dù hơn hay thua, đều mang thương tích ở đầu, ở cổ, ở mắt, ở tai.
Dế đá nhau là một trò chơi trẻ
con và sau trận đá, lão chưa hề thấy con nào mất mạng. Bò, trâu đánh nhau ngoài đồng chỉ là một trong
những sinh hoạt tự nhiên của muôn loài trong cuộc cạnh tranh sinh tồn.
Chuyện lão muốn bàn ở đây có khác. Loài vật bị con người bắt đá, đánh, chọi, cắn
nhau đến chết để mua vui.
Chọi gà:
Gà được nuôi trong mỗi gia đình
nông thôn Việt Nam để lấy thịt hay lấy trứng. Gà đi kiếm ăn trong môi trường tự nhiên, để
giành phần, gà thường hay đá nhau. Khác
với loài dế, gà mái cũng đá nhau. Gà mái
gặp nhau, nếu không ưa ý nhau hay tranh chấp gì đó, hai con xông vào nhau, dùng
mỏ mổ nhau vài cái, con thua bỏ chạy, con hơn chẳng thèm đuổi theo nhiều. Gà trống thì khác, hai con thấy nhau từ xa đã
cất tiếng gáy, rồi tiến lại gần nhau, xáp la cà, cắn xé nhau dữ dội, con thua
bỏ chạy, con thắng rượt theo nhiều vòng, rồi nhảy lên chỗ cao đứng, đập cánh,
cất tiếng gáy “cô cô cồ”.
Một đàn gà chỉ chấp nhận một con
gà trống làm thủ lãnh, gà mái có thể sống chung với nhau, nhưng gà trống thì
không. Ngay cả lứa gà trống cùng một mẹ
cũng đá nhau hoài để chọn ra con đứng đầu. Từ đấu đá nhau trong môi trường tự
nhiên, gà được lựa giống, nuôi dưỡng chuyên dùng vào việc chọi để mua vui cho
con người.
Chọi gà
Ảnh mượn từ Internet
Loại gà chọi đấu với nhau rất
dai, máu me đỏ cả mồng, cả đầu, thậm chí máu chảy rỉ, lông xơ tước tung tóe,
rơi vãi. Qua chọi gà, trò đánh bạc bằng
hình thức cá độ bày ra. Tuy nhiên, trò
chơi đá gà trông ít hồi hộp và người xem ít có cảm giác rùng rợn; còn những
loại trò chơi chọi dưới đây trông mới khủng khiếp.
Chọi trâu:
Từ môi trường tự nhiên, trâu đánh
nhau đã được con người tổ chức nhằm mua vui. Để long trọng hóa, linh thiêng hóa, và để thu
hút nhiều khán giả với mục đích thu lợi, con người dựng thành lễ hội – Lễ Hội
Chọi Trâu.
Ảnh mượn từ Internet
Và mới đây (12/9/2013) Lễ Hội
Chọi Trâu Đồ Sơn Hải Phòng được công nhận là là Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Quốc
Gia. Giáo sư Hà Văn Thịnh đã lên tiếng
phản bác sự công nhận này; ông viết trong bài “Chọi trâu có nên là di sản văn
hóa cấp quốc gia?” như sau: “... Lễ hội
chọi trâu Đồ Sơn đã có nhiều năm trước và mới phục hồi 24 năm nay là chuyện của
Đồ Sơn; nâng nó lên tầm quốc gia thì lại hoàn toàn là chuyện khác. Bởi nhân
danh văn hóa để thúc đẩy thêm cho tính phi văn hóa trượt dài là điều từ cổ chí
kim chưa thấy bao giờ!”
Đúng vậy, văn là vẻ đẹp, hóa là
biến đổi. Chỉ được gọi là văn hóa những
gì tạo ra biến đổi để chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Văn hóa hướng con người đến chân, thiện, mỹ;
chọi trâu trong lễ hội không còn là chân, nhất định không là thiện, nhất định
không là mỹ. Trong sân chọi, 2 con trâu
không thù ghét gì nhau, không tranh giành nhau bất cứ gì bị con người thúc;
chúng dùng sức đẩy nhau, dùng sừng đâm nhau khiến mình mẩy bị thương tích nặng
nề. Con thua không có đường thoát nhanh,
đảo lui đảo tới nhiều vòng giữa sân. Thậm
chí, trong quá trình húc nhau, có con phải chết ngay ở trận tiền. Mà không chết vì chiến trận phi lý như nói
trên, cũng chết vì bàn tay con người. Trâu thắng, trâu thua đều bị đem mổ thịt bán
với giá cao cho người mua về ăn lấy “hên”!!! Thế thì văn hóa gì nhỉ!
Chọi chó:
Ở xứ ta, ngày
trước, nhiều gia đình nuôi chó để giữ nhà, để đi săn: chồn, thỏ ..., để vén vệ sinh cho con trẻ khi ỉa. Do hoàn cảnh thiếu đói của phần lớn dân chúng,
phần ăn mỗi bữa dành cho chó rất ít – khoảng 1 chén cơm lưng, có khi, do đà
ngon miệng, cả nhà ăn hết cơm, thế là chó không có phần, Bụng đói, chó phải tận
dụng hết phân rơi ra và dùng lưỡi liếm đít trẻ rất sạch. Bà mẹ hay người giữ trẻ khỏi cần dùng giẻ hay
giấy để lau. Nhiều nơi, khi chó già hay
khi cần tổ chức liên hoan, người ta bắt chó làm thịt, cách giết thịt chó rất
tàn nhẫn, bỏ vào bao bố, cột chặt bao rồi dìm xuống nước cho chết ngạt. Hiện nay, ở nước ta, việc ăn thịt chó đã phổ
biến; ngày trước, thịt chó chỉ ăn nhiều ở miền Bắc. Nhiều người nước ngoài thấy dân mình ăn thịt
chó, không bằng lòng, lên án. Đơn giản
bởi vì chó là vật nuôi rất trung thành với chủ và khôn ngoan, tục ngữ Việt Nam
đã có câu: “Lạc nhà theo chó, lạc ngõ theo trâu.”
Khi tiếp xúc với
phương Tây, những gia đình quyền quý nước ta, ngoài nuôi chó giữ nhà, còn nuôi
chó để làm bạn. Trong trường hợp này, chó
có chế độ ăn uống đầy đủ, được chăm sóc y tế khi ốm đau.
Và gần đây, dân
giàu nuôi chó còn để tham gia một trò chơi mới: chọi chó .
Giống chó nuôi
để tham gia trò chơi là giống chó Pitbull - giống cắn nhau liều và dai. Vì vậy, trong và sau trận đấu, thân hình con
chó bị rách nát, máu me khiến những ai có lòng trắc ản không thể nhìn được.
Trong trò chơi này, lão không tìm
ra một ý nghĩa tốt đẹp nào hết mà thấy đó chỉ là một hình thức bạo lực tàn
nhẫn.
Một con chó sau cuộc đấu
Ảnh mượn từ Internet
“Sau khi
trang tin tiếng Anh DTI news của Báo điện tử Dân trí đăng lại bài viết trên báo
Tiền Phong về thú chọi chó bạo lực đang được một số người du nhập vào Việt Nam,
nhiều độc giả quốc tế đã bày tỏ phản ứng dữ dội về hoạt động tàn nhẫn
này.
Chỉ trong thời gian ngắn sau khi bài viết được đăng tải hôm
10/3, nhiều độc giả nước ngoài đã có những bình luận bày tỏ sự ghê sợ,
phẫn nộ, thậm chí yêu cầu cơ quan chức năng phải vào cuộc.”
Sau đây là một vài ý kiến điển hình.
Catherine Till viết “ ...Thế giới, với tôi, là một nơi rất đáng sợ… Tôi không thể tưởng tượng sự
sợ hãi của những con vật không tự bảo vệ được mình kia, khi chúng bị buộc phải
tham gia các cuộc đấu…”
T. Sanger còn tuyên bố tẩy chay du lịch đến Việt Nam: “... Tôi sẽ
không tới thăm đất nước của các bạn cho tới khi việc làm này chấm dứt …”
Trên thế giới, nhất là tại các nước phát triển, chọi chó bị
xem là bất hợp pháp.
Đạo luật cấm chọi động vật của Mỹ ban hành tháng 5/2007 xem
chọi chó là trọng tội theo luật pháp liên bang, và có thể bị phạt tối đa
250.000 USD và 3 năm tù giam.
Tại Anh, đạo luật các giống chó nguy hiểm ban hành năm 1991
quy định cấm nuôi giống chó pitbull.
Ngày xưa, Khổng Tử (551 – 479 tr CN) nói: “Bản
tính con người gần giống nhau, nhưng do môi trường sinh hoạt, do giáo dục, tính
trở nên khác nhau xa giữa người này và người khác” (Tính tương cận dã, tập
tương viễn dã). Như vậy, tính con người dù vốn là thiện như quan niệm của
Mạnh Tử (372 – 289 tr. C.N.) hay là ác như quan niệm của Tuân Tử ( 298 – 238 tr.
C.N.), qua quá trình sống chung đụng trong cộng đồng, qua giáo dục tốt hay xấu
mà trở thành ác hay thiện.
Thế thì có ai trong chúng ta nghĩ rằng những ẩu đả giữa
người và người trên đường chỉ vì một duyên cớ rất nhỏ nhặt, những vụ giết người
cướp của với máu lạnh, thói vô cảm của con người trước nỗi đau của bà con, làng
xóm, đồng bào mình... một phần bắt nguồn từ việc xem nhiều lần các trò chơi
buộc động vật đấu chọi, cắn xé nhau không nhỉ?
17/3/2014
Lão Gàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét