Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Còn Vương Nỗi Nhớ.pps (thơ:vhp.Hải Vân, nhạc đệm Dòng An Giang) & Lời Bình Của Ngân Triều & Các bài cảm tác



Còn Vương Nỗi Nhớ.pps (thơ: vhp.Hải Vân, nhạc đệm: Dòng An Giang - Anh Việt Thu) 


           
                  ***************
Còn Vương Nỗi Nhớ
Thơ vhp.Hải Vân
Lời bình Ngân Triều (Hậu Nghĩa) 

Tự nhiên, tôi bỗng liên tưởng đến đoạn thơ Kiều nhớ nhà lần thứ ba của chặng đường đớn đau, 15 năm lưu lạc. Trong nỗi nhớ đó, có hai câu thơ tả tâm trạng Thúy Kiều nhớ Kim Trọng thật hay:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
(Kiều 2241-2242).
Còn vương tơ lòng là chưa mất đi, chưa thể nào dứt được những sợi nhớ, sợi thương đầy uẩn khúc, ẩn chứa trong tận đáy lòng… đối với người tình cũ.
Thế Lữ cũng đã đồng tình với tứ thơ đó:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.
 (Thế Lữ-Lời than thở của nàng Mỹ Thuật-khổ 4/11).
Tình yêu đôi lứa đầu đời cho dẫu bất tương phùng nhưng người trong cuộc cứ thường mãi nghĩ đến nhau luôn, tình cảm đó, khó mà phôi pha với thời gian. Tình cảm đó được chuyển tải bằng hình ảnh của một cọng ngó sen, tuy đã ngắt đôi ra, đứt lìa đi, nhưng những sợi tơ bên trong của nó, vẫn còn quyến luyến, vương vấn như không nỡ đứt đoạn, không muốn lìa nhau. Biểu tượng đó thể hiện một sắc thái biểu cảm tuyệt vời trong tình yêu đầu đời trắc trở nhưng người trong cuộc tình, vẫn thương hoài ngàn năm.
Phải chăng, bài thơ Còn vương nỗi nhớ của chị Hải Vân, đã véo von cất cao một giai điệu nhớ thương khắc khoải đó?



   Còn  Vương  Nỗi  Nhớ

Nhớ xưa hai đứa “Trốn-Tìm”                             
Dư âm ngày cũ, trong tim còn đầy.
“Oánh-Tù-Tì”, em thua dài,
Nên em cứ mãi tìm hoài “người ta”.
Trốn em, anh lại trốn xa,                          
Để em đêm tối sợ ma, thua hoài,
Để em nước mắt ngắn dài,
Anh lau giọt lệ, một đời khó quên!
Lớn lên chinh chiến triền miên,                                
Anh đi biền biệt, bỏ quên quê nhà,
Mặn nồng cơm hến* miền xa,
Nhạt tình xóm nhỏ, mắm và với rau,**
Ngó sen bông súng năm nào
Còn vương nỗi nhớ, dạt dào tình thơ.
Tre vàng kẽo kẹt trăng mơ,                               
Lệ nhòa tóc rũ thẫn thờ bên song.
Ngày ngày gói nhớ chôn mong,
Đêm đêm hồn mộng vượt sông trèo đèo.    
Tình đi dưới ánh trăng treo,
Tình về với dĩa dầu hao bấc tàn.                         
Bao năm ôm giấc mộng vàng                   
Tỉnh ra lại thấy mộng hoàn mộng thôi.
Nỗi lòng khôn tỏ, người ơi!!!

          vhp.Hải Vân
         (CA. March 10-2012)

* Nội dung có thể phân thành 3 đoạn:
(1) Đoạn đầu (8 câu): tự sự, hồi tưởng
Nhớ xưa hai đứa “Trốn-Tìm”
Dư âm ngày cũ, trong tim còn đầy.
“Oánh-Tù-Tì”, em thua dài,
Nên em cứ mãi tìm hoài “người ta”.
Trốn em, anh lại trốn xa,
Để em đêm tối sợ ma, thua hoài,
Để em nước mắt ngắn dài,
Anh lau giọt lệ, một đời khó quên!
Trong những phút giây nhớ lại về những kỷ niệm thời thơ ấu (Nhớ xưa), nhân vật trữ tình bỗng sống lại một trò chơi quen thuộc, phổ biến, trò chơi “trốn-tìm”. Để nhập cuộc, người chơi thường “oánh-tù-tì” cho người thua cuộc phải “đi tìm” người thắng cuộc (được đi trốn). Trò chơi nầy rất hồi họp, thú vị...  Hai đứa trẻ thơ, có lẽ nhà ở gần nhau (?), nên thường chơi chung trò chơi đó và khắc sâu nhiều kỷ niệm ân tình. Lâu dần thành thân quen và không biết tự lúc nào... khi lớn lên, cơ duyên gắn bó đầu đời ấy như đã thắt chặt hai đứa trẻ bằng một sợi dây tơ vô hình của tình trong như đã, phải mắc nợ nhau, phải đem lòng thương nhớ.
Người dưng khác họ, sao phải nhớ nhau? Sao phải gắn bó nhau? Sao lại thương hoài ngàn năm? Cho dẫu bến tình là hợp tan, dâu bể, đường trần là đau khổ, đa đoan…
Chính cái cơ duyên khi xưa ta bé ta chơi... mà “em cứ thua dài”, phải đi “tìm hoài người ta”, mà người ta cứ “trốn xa”... “đêm tối sợ ma”... thua cuộc hoài... phải thắng người ta chứ, phải giả bộ phụng phịu, làm nũng chứ (?), phải khóc lên chứ (nước mắt ngắn dài)... để anh phải năn nỉ, dỗ dành, để “anh lau giọt lệ”… không đòi nghỉ chơi nữa, làm lành ngay thôi…
Có chuyện tình nào đã hình thành và chớm nở một cách dễ thương như thế không?  Nỗi nhớ nhung đó, đối với người con gái, mãi đến bây giờ, vẫn không phai, vẫn còn đầy trong tim… và chắc chắn, như vàng, như đá không bao giờ nhạt phai.
(2) Đoạn giữa (12 câu): vẫn tỏ lòng, nâng cao lên, trải rộng ra nỗi nhớ mong, những băn khoăn và chứa chan lòng chung thủy sắt son, đậm đà, tha thiết qua những hình ảnh gợi cảm, ân tình... khi hoàn cảnh cách xa, đậm nhạt những “nhãn tự điểm xuyết”:
Lớn lên chinh chiến triền miên,
Anh đi biền biệt, bỏ quên quê nhà,
Mặn nồng cơm hến* miền xa,
Nhạt tình xóm nhỏ, mắm và với rau,**
Ngó sen bông súng năm nào
Còn vương nỗi nhớ, dạt dào tình thơ.
Tre vàng kẽo kẹt trăng mơ,
Lệ nhòa tóc rũ thẫn thờ bên song.
Ngày ngày gói nhớ chôn mong,
Đêm đêm hồn mộng vượt sông trèo đèo.
Tình đi dưới ánh trăng treo,
Tình về với dĩa dầu hao bấc tàn.
Chú thích:
Cơm hến: là một đặc sản ẩm thực Huế. Cơm hến được trình bày dưới hình thức cơm nguội trộn với hến luộc, nước hến, mắm ruốc, rau bắp cải, tóp mỡ, bánh tráng nướng, mì xào giòn, ớt màu, đậu phộng rang nguyên hạt, dầu ăn chính, tiêu, vị tính (bột ngọt, mì chính).  Các món ăn cải biên như bún hến, mì hến… không phải là đặc sản Huế.  / Cơm hến ở đây, còn có thêm một nghĩa khác, cơm của “thị hến” trong Ngao, Sò, Ốc, Hến, (một vở tuồng đồ dân gian).  Thị Hến, một người con gái đẹp, lẳng lơ, khôn ngoan, sắc sảo, điêu ngoa… / Phải chăng anh ấy đã say mê người con gái khác.
** Mắm và với rau động từ, dùng đũa đưa cơm hoặc thức ăn từ chén (bát) vào miệng.  “Chèo quanh, chèo quất, chèo vô chỗ hẽm” Đố là gì?  (Xuất nhân, động tác).  Đáp: và cơm.
Khói lửa chiến tranh đau thương, trên quê hương cuốn theo chiều gió. Thời buổi chiến chinh, thân trai dãi dầu nơi gió cát sa trường. Lâu lắm, không về thăm xóm nhỏ!  Phải chăng anh đã “bỏ quên quê nhà”, khi mà, Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh  (Tây Tiến – Quang Dũng).  Hay là anh đã mặn nồng với cơm hến, nhạt tình với cơm nghèo xóm nhỏ(Đam mê nhiều cô gái đẹp tròn xứ lạ) 
Đó chính là những nỗi niềm băn khoăn... canh cánh bên lòng, để ngẩn ngơ trăm mối, để nuối tiếc sợi dây dài… Và nếu quả như vậy thì e là tệ bạc với nhau quá... và như ai đó (nhungnguoibank2?) đã lên tiếng, “đọc mà ngậm ngùi”... cho nhân tình thế thái!
Ngó sen bông súng năm nào
Còn vương nỗi nhớ dạt dào tình thơ.
 Hai câu thơ gợi nhớ về hương vị của món rau tối thiểu, cần thiết, không đắc tiền, đạm bạc, quê nghèo. Ngó sen luộc,thân bông súng tước vỏ, hoặc chẻ ra từng đoạn nhỏ, làm rau chấm mắm kho thịt ba chỉ, hoặc chấm nước mắm cá chiên lễnh loãng, nhiều nước ít cái. Đó là một trong những món ăn dân dã tuyệt vời của vùng sông nước ĐBSCL, Đồng Tháp Mười, Đức Hòa (Long An)...  Món ăn ân tình như thắm đượm hồn quê hương vời vợi! Cũng một giai điệu như món canh rau muống, món cà dầm tương…
Anh đi, anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương.
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao!
                                         (Ca dao)
 Tiếp theo là những hình ảnh, âm thanh khéo chọn:
Tre vàng kẽo kẹt trăng mơ
Lệ nhòa tóc rũ, thẫn thờ bên song
Hai câu thơ hàm súc nhiều điều. Đó là một khung cảnh rộng, trông xa, nhìn gần của tầm nhìn bên cửa sổ. Hình ảnh có màu sắc nhạt nhòa của vầng  trăng khuất mây, ánh trăng huyền ảo, hữu tình (trăng mơ). Hình ảnh ngoạn mục đến thi vị của những rặng tre tỏa sáng, dát đầy ánh trăng (tre vàng).  Thỉnh thoảng có gió nhẹ hắt hiu.  Những cây tre ngả nghiêng, đong đưa theo từng cơn gió nhẹ, phát ra những âm thanh kẽo kẹt vô hồn, buồn tênh. Những chi tiết đó như đã tạo nền cho một bức tranh tâm trạng buồn nhớ miên man của nhân vật trữ tình. “Lệ nhòa” là đẫm lệ,  mắt mờ, đang khóc.   Tóc rũ, tóc xỏa, biếng trang điểm vì nỗi buồn thương.  
Không có ai, mà trang điểm cho ai? Để rồi tâm hồn đắm đuối trong thẫn thờ, xót xa. “Thẫn thờ” là đờ đẫn, như mất hết vẻ linh hoạt của tâm hồn khi tâm sự nhớ thương ru lòng buồn dạt dào theo tầm nhìn mông mênh bên cửa sổ (bên song), tô điểm  những nét chấm phá linh hoạt bằng những từ ngữ khéo cân nhắc của một ngòi bút khả ái, tài hoa. 
Tiếp theo là 2 câu nhớ mong vời vợi:
Ngày ngày gói nhớ chôn mong,
Đêm đêm hồn mộng vượt sông trèo đèo.



Nhóm từ “gói nhớ, chôn mong” được thể hiện một cách gợi hình và sáng tạo. (Hai tổ hợp từ “gói chôn” và “nhớ mong” được cắt đôi, đan chéo vào nhau, đặc tả thậm xưng về sự nén lòng, cam chịu, nhớ mong). Ban ngày thì “nàng” kín đáo, vô tư, một mình mình biết, một mình mình hay. Chỉ có đêm về, trong tĩnh lặng, riêng tư… nhân vật trữ tình mới bộc lộ chân thực lòng mình, tâm trạng mong nhớ réo rắt, thiết tha. Ta hãy nhớ nhau trong thời gian bất tận, trong không gian tiêu sơ, trong buổi chiều phơn phớt lạnh, dõi theo vầng mây xa xăm:
Rồi có khi nào ngắm bóng mây,
Chiều thu đưa lạnh gió heo may
Dừng chân trên bến sông xa vắng
Chạnh tưởng tình tôi trong phút giây
      (Thế Lữ - Giây phút chạnh lòng).
Nhớ thương và hình dung những nỗi vất vả, gian nan, nguy hiểm, (vượt sông trèo đèo), tỏ rõ một tâm tình vẫn để hồn theo người lận đận, rất tự nhiên, rất phụ nữ. Tứ thơ  như  réo rắt hơn với điệp từ (ngày ngày, đêm đêm), với lồng lộng những hình ảnh chiêm bao của mộng (hồn mộng) và hiện thực là hình ảnh gian nan, khổ sở (vượt sông, trèo đèo.  Từ ngữ đối lập của cả thời gian 24/24 giờ, lặp đi lặp lại những công việc khổ sai (ngày/đêm) làm cho lời thơ không những bóng bẩy, kín đáo trong khắc họa về tình trạng của chàng mà nó còn thắm đượm lòng thương cảm mênh mông của người trong cuộc..
Tình đi dưới ánh trăng treo,
Tình về với dĩa dầu hao bấc tàn.
Vẫn là những tứ thơ trau chuốt, óng ả như tơ vàng, vừa cổ điển vừa mới mẻ. Trăng treo là giữ chặt một nỗi lòng trên cao (trăng = nỗi lòng)/ còn có thể hiểu đôi mắt mòn mỏi nhớ mong (trăng treo = đôi mắt mòn dần theo biến thể của hình dáng trăng hạ tuần: Trăng rằm mười sáu trăng treo, Đồng dao),// hằng dõi theo người đi xa, (trăng = ánh trăng soi rọi khắp nơi, con mắt)// thi vị, trữ tình, lãng mạn, thi vị hóa những thử thách, gian lao, trăng treo trên đầu súng: Đầu súng trăng treo... làm cho người đọc liên tưởng đến cảnh đưa tiễn của Kiều-Thúc Sinh/ (trăng = người thương, ½ của đôi tình nhân, tình cảm tha thiết của đôi lứa phải cách xa nhau:
“Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai sẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
            (Kiều câu 1519-1526).
Xin hãy quay lại với hai câu thơ dệt gấm. Hai câu thơ đối ý giữa mộng và thực nao lòng! Cái mộng phải chăng là hy vọng, hoài mong mòn mỏi, về một ngày tái hợp xa vời? Còn cái thực là chợt tỉnh mộng, trở về với chính mình, với hiện thực cay đắng để thấy sự phôi pha, héo hắt của tuổi xuân tàn úa, theo thời gian mòn mỏi, đợi chờ? Cho hay, sầu tư như hóa đá, đối diện với hiện thực bất định, người đi như cánh hồng bay bỗng, như lý ngư mất tăm… thì tâm hồn càng ngơ ngẩn, càng tê tái ngập lòng…
 (3) Đoạn kết (3 câu cuối): tâm trạng của tác giả.
Bao năm ôm giấc mộng vàng(*)
Tỉnh ra lại thấy mộng hoàn mộng thôi.
Nỗi lòng khôn tỏ, người ơi!!!
Tâm trạng đó, thật ra là một lời tâm sự... về một cuộc tình tha thiết nhưng vô vọng, hư ảo. Tình yêu đó rất đẹp nhưng chỉ là một giấc mộng vàng, hư không. (Mộng hoàn mộng thôi). Thật là não nề! Đó là một sự bất khả kháng trong tình yêu rất tha thiết, đầy uẩn khúc của một người con gái... trong thời chiến chinh của đường trần 12 bến nước, chợ tình.
 (*) “Giấc mộng vàng”  hay  “giấc hoàng lương”  điển tích Lư Sinh đời Đường hõng thi, trên đường về thất chí, mệt mỏi và đói lã... Ý nói cuộc đời là mộng ảo, phù du, ngắn ngủi... vô nghĩa.
Giấc mộng vàng là giấc mộng “hoàng lương” hay giấc mộng kê vàng. Tích Lư Sinh đời Đường (618-907), văn hay, chữ tốt, nhiều lần ứng thí nhưng cứ hõng thi. Lần đó, Sinh có nhiều hy vọng nhưng lại tiếp tục số đen! Đường về quê thê lương, ngại ngùng thất thểu, não nề chân bước, nặng gánh ưu tư… vừa chán nãn, mệt mỏi, vừa thất chí trách phận… đói lạnh… trong mưa. Duyên may, tới nơi ở của một lão đạo sĩ, liền xin tá túc qua đêm.
“Ta đoán ngươi mệt mỏi đường xa, có lẽ cần lót dạ. Ta đang nấu cháo kê, hãy nằm nghỉ đi! Có sẵn chiếc gối bằng đá của ta đó. Một lát nữa, cháo kê chín, ta và nhà ngươi sẽ cùng ăn và đàm đạo”. Vừa nói, vị đạo sĩ vừa khuấy đều nồi cháo kê.
Vất vả, kiệt lực, khi mới ngả lưng, đầu kê gối đá, Lư Sinh đã chìm sâu vào giấc điệp. Sinh thấy mình thi đỗ Tiến sĩ, có vợ đẹp, con ngoan. Năm đứa con thảy đều thành nhân chi mỹ, vinh thân phì gia… cuối đời, làm quan đến chức Tể Tướng được 10 năm… Lúc 80 tuổi, Sinh bị oan tình phải chịu án chém… Khi người đao phủ đưa đao lên… liền giật mình thức dậy. Vị đạo sĩ vẫn còn đang ngồi đấy, tay còn đang khuấy đều nồi kê… nồi kê chưa chín!Sinh thẫn thờ, chợt cảm ngộ ý nghĩa đời người. Những hoài bảo vinh hoa phú quý ở thế gian thảy đều hư ảo, phù du, vô nghĩa.  Sống đến 80 quả vô cùng hiếm thấy… nhưng quả là vô cùng ngắn ngủi, trong khoảng trăm năm trong cõi đời người, thật như gang tấc, như khoảnh khắc của một công đoạn nhỏ, đang nấu nồi kê… mà nồi kê chưa chín… Vậy sao cứ mê muội chen chúc vào cuộc đời ô trọc, phù du để tự làm khổ lấy mình? Sao cứ mãi đua chen vào cái vòng danh lợi cong congthiên tứ vạn chung?Sao quên đi những điều cao khiết, lòng vui? Sao không thuận theo sự biến hóa âm dương mà về với đời thường giản dị?  Những bề bộn lo toan, sao không bỏ phứt đi?... Nghĩ vậy, Sinh chợt thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, thanh thản, niềm vui phơi phới, không chút bận lòng…
Câu cuối bài thơ, nhà thơ còn cố ý kết thúc bằng một câu  lục vời vợi, điểm một sắc thái riêng (không có câu bát như kiểu thông thường). Ý muốn nói, với chuyện tình hoài mong buồn như lệ đá, lâm ly đó, những cảm xúc thẫm mỹ của một tấm lòng đó... vẫn mãi là một dư âm ai hoài, một âm hưởng vang vọng, ngân nga không bao giờ dứt, vẫn mãi còn vương nỗi nhớ vô cùng… của những giây phút chạnh lòng.
* Tóm lại:
“Còn vương nỗi nhớ” là tiếng lòng ngân nga về một câu chuyện tình ngát hương thời gian hoa mộng.  Chuyện tình đó mới chớm nở, phải ly biệt trong cảnh mây mờ và khói lửa chiến chinh giăng đầy đất nước…
“Còn vương nỗi nhớ” là một chuyện tình dang dở, một cung đàn nỉ non ngang cung, một tiếng lòng u uất, phảng phất những kỷ niệm thời thơ ấu, những hồi tưởng của ngày xanh… đầy cảm kích, tuyệt vời!
Tiếng lòng đó là một tiếng nói chung của một thế hệ lứa đôi, trong một thời đại… một thời đại đã qua, còn chăng là dư ba tắt dần, của một thời vang bóng.
Hậu Nghĩa, ngày 12 tháng 7 năm 2013
Một chiều mưa buồn
                                       Ngân Triều

                                  *****************
                                    
                        Các bài cảm tác



                                 Anh Chịu Phạt
                                   Võ Ngọc
                                               
                                                ***

Ngày xưa anh Trốn  em Tìm,
Ngày nay em Trốn anh Tìm nơi đâu?!
Lời thơ ghi dấu tình đầu,
Sao em lại để nỗi sầu vương mang!?
Tình ta nay đã lỡ làng,
Trách anh tham Đó bỏ Đăng chứ gì!?
Em đừng vội giận làm chi,
Chỉ vì chinh chiến người đi khó về...
Ngày dài chờ đợi lê thê,
Nên anh không muốn em thề thủy chung.
Cơm Hến dù có mặn nồng,   
Cơm Rau vẫn muốn em cùng chung mâm.
Nhưng em vẫn cứ âm thầm,
Chịu đau, chịu khổ hiểu lầm tình anh!
Lòng tin em quá mong manh,
Nên em đã để tóc xanh phai màu.
Em về nhặt lại nắm Rau,
Ngó Sen bông Súng bỏ vào nồi canh
Mắm chưng cùng với dưa hành,
Chung mâm chung gối chung tình như xưa.
Oảnh Tù Tì anh sẽ thua,
Để anh chịu phạt cho vừa lòng em!?
                           Võ Ngọc 

                        ****************

      Chỉ Chừng Đó Thôi
           vkp.Đạm Phương
                        ***
Ngày xưa cơm hến quá ngon
Nên anh đành đoạn bỏ mâm cơm nghèo!
Chắc giờ cơm nhạt hến thiu
Nên đòi cơm mắm và rau mặn mòi?!
Ngày nay đầu bạc như vôi
Bấy nhiêu tóc trắng chưa vơi khổ sầu.
Chung mâm còn có nghĩa sao
Tình xưa đã cạn, khác nào người dưng!   
Niềm tin đã mất, thôi đừng
Nghĩ về chuyện cũ… chỉ chừng đó thôi.
Kỷ niệm chôn chặt một thời
Sẽ không còn nhớ... lòng ai khó lường!
Bỏ mồi bắt bóng tình trường
Gắng mà đi hết đoạn đường chông gai.
Đừng gây thêm chuyện đắng cay
Khổ cho cơm hến, vui gì cơm rau!
Mai này nếu có kiếp sau
Có nên đừng gặp kẻ mau quên tình?!
                          vkp.Đạm Phương


      
  

                

Không có nhận xét nào: