Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

* Kỳ Vĩ Bá - Thái Trọng Lai


Kỳ  Vĩ  Bá 

(Viên Bá tước vĩ đại kỳ diệu)

Đ
ẤY LÀ TƯỚC PHONG CỦA vua Tự Đức dành cho Nguyễn Văn Tường (người được học giả Vương Hồng Sển cường điệu là kẻ giết một nửa nhân vật quan trọng triều Nguyễn).
Có lẽ Việt ngữ không cò từ nào hoành tráng hơn kỳ vĩ. Ý nghĩa ấy hoàn toàn cân xứng với tính cách nhân vật Nguyễn Văn Tường. Và chỉ có vua Tự Đức mới tìm ra từ ngữ xứng đáng ấy cho một “hoàng đế của các hoàng đế” dành cho viên bá tước trên cả các bá tước khác.  Bởi lẽ, vua Tự Đức lúc lâm chung cố gượng đặt cho mình miếu hiệu Dực Tông Anh hoàng đế có nghĩa là vị hoàng đế cao cấp nhất. Sách Từ nguyên định nghĩa:
- Kẻ nổi trội nhất trong số 10 người là Hào.
- Kẻ nổi trội nhất trong số 100 người là Kiệt.
- Kẻ nổi trội nhất trong số 1000 người là Tuấn.
- Kẻ nổi trội nhất trong số vạn người là Anh.
Theo ước lệ từ ngữ thời trước thì Vạn là tột cùng ( vạn dân, vạn vật, vạn quốc, vạn dặm, vạn phúc,v.v…)
Vậy thì Anh hoàng đế là vua đứng trên cả các vua cho nên Tự Đức phong cho Tường như thế mới là danh giá sự thể hơn đời.
Ấn tượng kỳ vĩ thứ nhất là Tự Đức phong vượt cấp khá phóng tay. Ngay đến Trương Đăng Quế là Thái sư cả ba triều được ban tặng biển vàng “Tam triều thạc phụ” (cha lớn ba triều) thế nhưng dưới thời Minh Mệnh khi chưa được ban biển ấy họ Trương cũng chỉ được phong Tuy Thạnh nam mặc dù cuối đời Trương Đăng Quế được phong đến Tuy Thạnh quận công.
Ấn tượng kỳ vĩ thứ hai là việc lừa thầy phản bạn có tầm cỡ:
Khi giữ chức “Tán tương quân vụ” bên cạnh Tổng thống Bắc kỳ quân vụ Hoàng Kế Viêm, nhiệm vụ của Tường là bàn tán mưu lược quân cơ tức là bạn cùng ban Tham mưu của Hoàng Kế Viêm, nhưng Tường không bàn bạc gì mà âm thầm tâu lên Tự Đức là họ Hoàng báo cáo tình hình không trung thực, mặc dầu họ Hoàng vốn là em rể vua Thiệu Trị lại lãnh đạo trực tiếp quân lực Bắc kỳ. Báo cáo ngầm như thế đã khiến Tự Đức tức giận, bất chấp tất cả, kết án họ Hoàng vào tội đồ làm lính (nhưng thực tế vẫn tạm giữ chức Tổng thống như cũ tức là giáng lưu). Về việc này Trần Tiễn Thành bất bình dâng phiến cho rằng đã là Tán Tương thì phải góp ý trực tiếp với Tổng thống, báo cáo mật là không làm đúng chức trách Tán Tương. Còn giáng chức viên chỉ huy cao nhất đang cùng làm việc với phó tướng nhà Thanh trong công cuộc truy diệt dư đảng Thái bình thiên quốc (Cờ đen, Cờ vàng, Cờ trắng) thì việc để cho chủ tướng của ta chịu hình phạt giáng lưu gây hại thể thống  rất khó chỉ huy chung. Thế nhưng vị “Anh hoàng đế” cũng như vị “Kỳ vĩ bá” cùng coi là Trần Tiễn Thành không hiểu quốc pháp. Hoàng Kế Viêm có lẽ là người bạn bị phản nặng tay nhất. Sự lừa dối của ông chủ yếu là chiều ý bạn Đồng minh bấy giờ là Phó tướng Tạ Kế Quy.
Về lừa thầy thì Trần Tiễn Thành là người thầy duy nhất đi Quảng trị đích thân đem về cho Tự Đức viên Bang biện huyện Thành hóa (Cam Lộ ngày nay) để Tường tung cánh bay cao làm chuyện kỳ vĩ. Thế rồi rốt cuộc Thành đã bị đám bộ hạ của Tường - Thuyết ám sát. Chẳng qua Trần Tiễn Thành thấy trước sự lộng quyền không chịu dừng tay của cặp vua tôi nên đã có những hành động ngăn chặn từ xa bằng cách xin khước từ những ân huệ mà nếu mình nhận sẽ tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Tường nhận kỳ vĩ  hơn. Những lần từ khước ấy của Trần Tiễn Thành làm cho Tự Đức và Tường rất đỗi khó chịu vì họ quá thông minh để dễ dàng nhận ra cái trò “Dưỡng Độn”  như thế của Trần Tiễn Thành (nhất là lần họ Trần khước từ chức Hiệp biện Đại học sĩ - Tòng nhất phẩm) vốn là cái đích mọi kẻ làm quan đều ao ước vì bổng lộc được nâng cao ngót 30% phẩm trật cũ. Thế nhưng họ Trần xin hoãn khiến cả ê kíp ở vị trí thấp hơn như Tường cũng phải hoãn theo. Những mánh khóe vặt như thế của Trần Tiễn Thành đã gây cản trở không ít cho Tường, lâu ngày kết thành oán giận.
Điều kỳ vĩ  tầm cỡ đáng sợ là dư luận xôn xao chung quanh việc tư thông của Thái hậu Từ Dũ với Trương Đăng Quế mặc dầu kẻ khờ khạo nhất đời cũng phải thấy những nhân vật đó khó mà gặp gỡ nhau dễ dàng trốn được tầm ngắm của kẻ hầu hạ, bảo vệ. Thế nhưng loại chuyện “thâm cung bí sử” ấy thường kích thích tâm lý ưa đồn đãi của thiên hạ để khoe mẽ tài thạo tin cao miễn là khi cho rằng Tự Đức không phải con chính thức thì vai trò của Nguyễn Văn Tường mới thực sự là con hoàng tử Miên Tông. Tin đồn ấy hoàn toàn có lợi cho Tường.
Cú lừa gạt thâm nhất, thành công nhất, kỳ vĩ nhất là cải tạo hình ảnh Thái sư Trương Đăng Quế. Trước quần thần, Tự Đức luôn luôn đề cao Trương Đăng Quế. Cứ hễ có dịp bàn về nhân cách bề tôi là Tự Đức ca ngợi họ Trương là mẫu trung thần hoàn hảo nhất, mẫu mực nhất. Thậm chí còn tuyên dương họ Trương bằng tấm biển vàng “Tam triều thạc phụ” (Cha lớn ba triều). Dường như không có đại thần nào được vinh dự đến thế. Khi nhân vật Nguyễn Văn Tường được Trần Tiễn Thành moi ra khỏi nơi cất giấu (huyện Thành Hóa khỉ ho cò gáy ở Quảng Trị) dắt về Kinh cho nhà vua mặc tình bù đắp số ân huệ thất thu đã mấy mươi năm thì Trương Đăng Quế qua đời trước đó gần mười năm, hình ảnh của họ Trương chỉ còn phảng phất trong trí nhớ mơ hồ của một số hưu quan cùng quân sĩ và hình như họ Trương không để lại chân dung, truyền thần, vì nghề chụp ảnh chỉ xuất hiện ở Huế vào thời Đồng Khánh tức hai mươi năm sau. Bản thân họ Trương lại rất giản dị, thậm chí đi đánh giặc gian khổ nơi sơn lam chướng khí mà có người đề xuất lấy lòng quân sĩ nhân dịp tết Đoan ngọ nhưng ông ta kiên quyết không cho phép viện cớ này nọ để rượu chè ầm ĩ. Thế mà Nguyễn Văn Tường dám tùy tiện vẽ chân dung Trương Đăng Quế nhờ vào điều duy nhất là khó ai còn nhớ để trưng lên bàn thờ riêng ở gia đình mình, coi họ Trương là ân sư mặc dầu từ ngữ ấy người ta chỉ dành cho khảo quan chấm đỗ mình mà Nguyễn Văn Tường thì chưa thi Hội lần nào, nói chi là coi họ Trương là ân sư ? Mấy lần chủ khảo thi Hội (tức quan Độc quyển) Tự Đức toàn dành cho Trương Đăng Quế thành thử hầu hết tiến sĩ giữ chức vụ lớn trong triều đình đều do họ Trương “tiến” lên khiến sức mạnh của triều đình toàn là nhờ họ Trương. Việc sai họa chân dung “ân sư”, rõ ràng là sản xuất “hàng giả” nhưng được con cháu họ Trương lặn lội ra tận Huế “thỉnh” về đặt ở nhà thờ họ Trương, rối rít tri ân Nguyễn Văn Tường coi trọng họ Nguyễn là ân sư của dòng họ mình mà không biết rằng ông kỳ vĩ bá  đã “chơi” Trương Đăng Quế thật kỳ vĩ vì bức truyền thần Trương Đăng Quế không hề thể hiện một đại thần ba triều, không mặc triều phục, không đeo bài ngà, bội tinh, kim khánh, kim tiền mà chỉ thể hiện một ông lão nông áo khăn bình thường. Người khác nhìn vào bức chân dung ấy cứ nghĩ nó toát lên vẻ thân tình, khâm phục vẻ giản phác mà ít ai nghĩ rằng Nguyễn Văn Tường cố tình xóa sạch hình ảnh một Tam triều thạc phụ mà cố phơi bày một ông phú hộ dư ăn thừa để. Mãi đến khi Học văn dư tập dịch ra quốc ngữ, người ta mới thấy bức chân dung Trương Đăng Quế vẽ theo kế hoạch kỳ vĩ của Nguyễn Văn Tường, khiến cho tất cả những lời tuyên dương của vua Tự Đức bị vô hiệu hóa một cách nham hiểm trong khi những đầu óc bình thường lại coi bức chân dung ấy là điều để hậu thế mang ơn đời đời.
Hầu hết các bức truyền thần quan lại ngày xưa dành vào việc thờ cúng đều triều phục uy nghi vì đấy là cách biểu hiện đánh giá một đời người, đạo đức thánh hiện biểu lộ ở đấy (Chỉ riêng trường hợp cá biệt ông Tam nguyên Nguyễn Khuyến áo the khăn xếp cầm chén rượu trên tay để tỏ ra mình không thích nhắc lại quá khứ tủi nhục, quốc phá gia vong).

Kế hoạch “trần tục hóa” một nhân cách “Tam triều thạc phụ” như thế mới xứng tài kỳ vĩ bá !
    Thái Trọng Lai
(Trích tác phẩm Tản Mạn)



Không có nhận xét nào: