Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

Trăm Năm Một Kiếp Chưa Vừa Nhớ Thương - Vkp.Phượng Tím


            TRĂM NĂM MỘT KIẾP CHƯA VỪA NHỚ THƯƠNG
                                             vkp phượng tím


                                                 (Ảnh Quan Trần: Theo nhau đến chân trời cuối biển)

 MỘT lần gặp lại cố nhân
 HAI hàng mi ướt bần thần xốn xang!
        BA năm tình muộn đi hoang
BỐN phương tám hướng, bàng hoàng mộng du
        NĂM nào trời cũng mưa ngâu
SÁU bầy ô thước bắt cầu chưa xong...
        BẢY mươi bảy tuổi long đong
       TÁM mươi lội suối băng đồng... còn mê
       CHÍN mong mười đợi... người về
       MƯỜI đôi (20) năm kế, vẹn thề ước xưa
      TRĂM năm một kiếp chưa vừa...
      NGÀN câu ân ái... đong đưa bến tình!
      TRIÊU Thương,
      TỶ Nhớ...
      Lung linh!!!

         Saigon tháng 8/2019
          vkp phượng tím



Em và Thơ - Như Nguyệt


        Em Và Thơ

Đọc thơ anh, em đã rơi nước mắt
Cảm động nhiều dù biết chỉ là thơ
Chỉ là thơ, chỉ là thơ thôi nhé
Nhưng sao lòng xao xuyến, chẳng thờ ơ

Đọc thơ anh, những dòng chữ ngọt ngào
Chữ nhẩy nhót, bay múa vời mộng ảo
Những câu thơ bay lên tận trời cao
Thơ đánh thức những ngôi sao ngủ gật

Chẳng có ai làm thơ… mà nói thật*
Anh đã viết một câu thơ như thế
Thơ không thật cho nên tình không thật
Tình vẽ vời… nên tình đẹp anh ơi!

Vẫn ngác ngơ, ngơ ngác sống giữa đời
Vẫn lặng lẽ, thích sống trong mộng tưởng
Em và thơ, đủ vui và hạnh phúc
Nhân vật trong thơ, không quan trọng, vô thường!
Quách Như Nguyệt
August 29th, 2019



Tiếng Gọi Biển Đông - Trầm Vân


Tiếng Gọi Biển Đông

Bãi Tư Chính giặc vào ra
Như không người, bước vào nhà giặc thôi
Biển Đông tiếng sóng rã rời
Nỗi căm hận đốt lửa trời xót xa
Mang theo nỗi hận Hoàng Sa
Gạc Ma còn đó máu nhòa sóng loang
Hỡi ơi " 16 chữ vàng "
Nghĩa tình " bốn tốt " dối gian thắt vòng

Cám ơn Mỹ chống giặc Trung
Nhân dân cả nước đồng lòng hoan nghênh
Bãi Tư Chính sóng gập ghềnh
Còn mang dáng vóc bóng hình ngàn năm
Xưa hiên ngang bóng đức Trần
Cọc chông nhú nhọn Bạch Đằng giang reo
Đánh cho quân giặc gục xiêu
Mộng xâm lược lụi tàn theo tháng ngày

Oai hùng xưa vẫn còn đây
Bàn tay nối lớn vòng tay oai hùng
Còn vang tiếng gọi Diên Hồng
Tiếng hô Sát Thát vang lừng núi sông
Không hèn yếu trước thù chung
Phất cờ Hưng Đạo lẫy lừng tiến lên

Cám ơn Mỹ thắp niềm tin
Đánh đòn kinh tế giặc mềm thân đau
Chúc tình Việt Mỹ đẹp màu
Chống ngăn quân giặc bền lâu nghĩa tình

Trầm Vân





Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

*Sao Anh Không Về Thăm Trà Võ - Thuyên Huy


Sao Anh Không Về Thăm Trà Võ
(Nhớ một nơi cứ nhớ mà chưa về và chắc cũng không về)

Sao anh không về thăm Trà Võ
Cao su rừng thay lá lâu rồi
Bến Đình chuông chùa chiều vẫn đổ
Sông Vàm cứ sáng lớn chiều vơi

Cây điệp già lẻ loi trước chợ
Khẳng khiu cứ mưa nắng hai mùa
Người vẫn đông chợ phiên ngày cũ
Sân trường làng cũng tiếng trống xưa

Dân lầm lũi đời phu cạo mủ
Gốc cây già gầy guộc trốn mưa
Leo lét ngọn đèn dầu cuối phố
Gió hững hờ lùa liếp cửa thưa

Ngày anh đi không người đưa tiễn
Trà Võ buồn giấu lệ tiễn đưa
Nhớ ai như sông về với biển
Cao su rừng ngủ muộn dưới mưa

Anh đi rồi Trà Võ vẫn vậy
Mưa Bông Trang nhớ nắng Bến Mương
Mực mồng tơi tím như ngày ấy
Chờ người về viết trọn chữ thương

Thuyên Huy
Ballarat giữa thu 2018









Vịn Bức Dư Đồ Rách (Tản Đà) & Bài họa của Mai Xuân Thanh, Đỗ chiêu Đức


          VỊNH BỨC DƯ ĐỒ RÁCH-Tản Đà 


         



VỊNH BỨC DƯ ĐỒ RÁCH 

Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sau con cháu lấy làm chơi
Thôi thôi chớ trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi !
  TẢN ĐÀ


Họa : 
                 Bức Dư Đồ Rách
Dư Đồ cũ quá đứng dòm... coi
Biển bạc rừng vàng... dở khóc, cười !
Lúc trước, tiền nhân, lành tươm tất
Mà nay, con cháu, rách nhàu tơi
Ông cha giữ giá cao vời vợi
Con cháu lên khung thấp rẻ chơi
Nền nếp Nho Phong xưa phảng phất
Giang sơn gấm vóc liệu tô bồi

Mai Xuân Thanh
Ngày 26/08/2019

Họa vận:     VỊNH BỨC DƯ ĐỒ  
Dư đồ trên vách đứng mà coi, 
Núi núi sông sông rõ nực cười. 
Ô Lý Chiêm Thành tiêu mất tháp, 
Sài Gòn Kẻ Chợ rả mồng tơi.  
Biển Đông sóng dậy đâu là giởn, 
Sông Cửu đập ngăn há phải chơi. 
Đất nước tương lai ai vẽ lại ?! 
Cháu con gắng sức bỏ công bồi !!! 
  Đỗ Chiêu Đức 







Ta Tìm Ta - Trầm Vân



         TA TÌM TA
Bao năm ta mãi tìm ta
Bàn tay chống gậy mù lòa trước sau

Sân ga buồn những nhịp tàu
Tiếng còi biết hú về đâu chia lìa

Vầng trăng vàng vọt phía kia
Bóng đêm biết có chảy về trong xanh
Ngày rơi giọt nắng lệch hanh
Có còn che được một vành nón thơ

Với tay chạm tuổi dại khờ
Bóng người xa tắp cơn mơ lụi tàn
Con đò trôi đã sang ngang
Ta tìm ta giữa mênh mang trời buồn

Giữa trời bão tố mưa tuôn
Có ai rơi lệ dỗi hờn về xưa
Tóc bay con gió có lùa
Như thời mê đắm đón đưa nhau về

Cái ngày sũng ướt cơn mê
Lau làm sao hết lời thề môi hôn
Tháng năm thương nhớ chập chờn
Ta tìm ta : lá vùi chôn thu vàng
         Trầm Vân



Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Lục Bát Cho Em: Buồn -Thương - Nhớ (nvs.Vũ Thụy)


LỤC BÁT CHO EM

BUỒN
Buồn lên tiếng hát môi em
Buồn gieo nuối tiếc từng đêm não nề
Buồn nghe mưa khóc lê thê
Buồn ca nức nở vỗ về hoàng hôn
Buồn rưng nước mắt linh hồn
Buồn dâng hờn tủi - Từ hôn cuộc đời
nvs.Vũ Thụy


THƯƠNG
Thương người ủ kín tim côi
Thương ta phó mặc tình đời thờ ơ
Thương tình chỉ đẹp trong mơ
Thương rong rêu phủ kín bờ môi thâm
Thương em cam chịu giam cầm
Thương ta ôm mối tình câm bẽ bàng
      nvs.Vũ Thụy

      NHỚ
Nhớ em kiều diễm kiêu sa
Nhớ đôi cánh mỏng tiên nga giáng trần
Nhớ từ đầu đến bàn chân
Nhớ cười, nhớ khóc lúc hờn giận ta
Nhớ em tha thướt lượt là
Nhớ hương yêu tẩm trên da thịt nàng
Nhớ từng hơi thở mê hoan
Nhớ môi run rẩy bàng hoàng châu thân
Nhớ ơi là nhớ ngút ngàn
Nhớ sao cho phỉ muôn vàn ái ân
                  nvs.Vũ Thụy





Thơ Xướng-họa/ Xứớng: Buồn Thu (Hàn Mặc Tử) & Họa: Thu Ơi Có Nhớ (Hồ Nguyễn) & Thu Đầu Mùa (Mai XThanh) & Mãi Buồn Thu (Liêu Xuyên)


     
Ấp úng không ra được nửa lời, 
Tình thu bi thiết lắm thu ơi!
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt,
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi...
Nằm gắng đã không thành mộng được, 
Ngâm tràn cho đỡ lúc buồn thôi.
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt, 
Cảnh sắp về đông mắt đã vơi.
Tác giả: Hàn Mặc Tử


HỌA: 
           THU ƠI! CÓ NHỚ?
Bâng khuâng không nói được nên lời,
Bi thiết thu nào biết đó ơi!
Cánh nhạn vội vàng bay vút bóng,
Hơi may hiu hắt thoảng kia rồi.
Cố nằm gắng chút không thành mộng,
Ngâm tiếp khi buồn đỡ chút thôi.
Bóng liễu ngàn trùng xanh ngắt dáng,
Cảnh nhìn đông đến mắt buồn vơi. 
HỒ NGUYỄN (13-12-16) 


                 Họa
                  Thu Đầu Mùa

              Tiễn ai nuốt lệ có đôi lời
              Thu nhớ về nhau bạn quý ơi
              Cánh nhạn bay đi đâu đó mất
              Tình yêu gởi lại ở đây rồi !
              Sáo ngàn dỗ mãi nghe buồn nữa
              Gió núi ru hoài thấy chán thôi
              Dặm liễu đìu hiu mong mạnh khỏe 
               Rừng phong quạnh quẽ khổ thầm vơi...!

                       Mai Xuân Thanh
                      Ngày 23/08/2019 
                               *****

                         MÃI BUỒN THU  

                    Đọc Xuôi:
                    Thu buồn mãi nhớ khóc than lời,
                    Tiểu nhược lòng đau Tổ Quốc ơi !
                    Thù hận biển trời căm tức quá,
                    Tái tê sông núi thảm thương rồi !
                    Ngu ngơ sự chính tiêu là thế,
                    Ngốc nghếch hồn quê mất phải thôi !
                    Thư bút thẹn đời non nước khổ…
                    U tình nghẹn đổ lệ đầy vơi !
                                          
                     Đọc Ngược:
                     Vơi đầy lệ đổ nghẹn tình u,
                     Khổ nước non đời thẹn bút thư.
                     Thôi phải mất quê hồn ngốc nghếch,
                     Thế là tiêu chính sự ngơ ngu.
                     Rồi thương thảm núi sông tê tái,
                     Quá tức căm trời biển hận thù.
                     Ơi Quốc Tổ đau lòng tiểu nhược...
                     Lời than khóc nhớ mãi buồn Thu !
                                 Liêu Xuyên






Tung Cờ (Mai Xuân Thanh)

           Tung Cờ
1)
Đông phương dậy sóng, giặc phương đông
Trùng điệp nhấp nhô nổ điệp trùng
Mở mắt Hồ Gươm Rùa mắt mở
Tung cờ đất nước cán cờ tung
Quốc thù ngoài nớ thờ thù quốc
Thần hộ trong ni vọng hộ thần
Sáo thổi vi vu nghe thổi sáo
Lồng nuôi cà cưởng phí nuôi lồng
2)
Rồng xưa xưng đế nghiệp xưa rồng
Thân thích quan liêu họ thích thân
Rộn rã bia lon nâng rã rộn
Thầm thì cha mẹ đói thì thầm
Thể hình lạc phách xa hình thể
Dân chúng tan hồn cách chúng dân
Biển muối quang mây đây muối biển
Mầm ươm thiếu nước đó ươm mầm

Mai Xuân Thanh
Ngày 23/08/2019





Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

Thành Ngữ Điển Tích 33: CAM (Đỗ Chiêu Đức)

 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 33 : 

                                     CAM
               Inline image
           
              
       CAM 甘, chữ Nho có nghĩa là Ngọt. Cam là chữ vừa Tượng Hình vừa Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết như sau:

  GIÁP CỐT VĂN     ĐẠI TRIỆN   TIỂU TRIỆN    LỆ THƯ
                 Inline image   Inline image   Inline image    Inline image
Ta thấy :
       GIÁP CỐT VĂN là Tượng Hình của cái miệng há ra, trong miệng có một gạch ngang tượng trưng cho một thức ăn nào đó được ngậm trong miệng, với Hội Ý: Vật nào đó được ngậm trong miệng tức là thức ăn ngon ngọt (nếu không ngon ngọt thì đã nhả ra rồi), nên CAM có nghĩa NGỌT là thế. Ta có từ TRÂN 珍 là Qúy, ghép với CAM là Ngọt, thành TRÂN CAM 珍甘 là Món ăn ngon ngọt qúy hiếm để con cháu hiếu kính dâng lên cho cha mẹ như lời cô Kiều nhớ đến cha mẹ khi ở lầu xanh:

              Sân Hòe đôi chút thơ ngây,
       TRÂN CAM ai kẻ đỡ thay việc mình ?!
     
     CAM là ngọt, nên CAM ĐƯỜNG 甘棠 là một loại lê có vị ngon ngọt, ta gọi là cây Đường Lê. CAM ĐƯỜNG còn là tên một bài thơ trong thiên Thiệu Nam 詩經,召南 của Kinh Thi, kể lại tích của Thiệu Bá (Thiệu Công Thích) đời nhà Chu. Ông làm quan thanh liêm, tính tình giản dị, khi đi kinh lý các đất ở phương nam, ông thường hay ngồi dưới gốc cây cam đường để nghỉ ngơi, làm việc và xử án. Dân chúng cảm mến nên bảo vệ cây cam đường và làm thơ ca ngợi như sau:

                蔽芾甘棠,   Tế phế Cam đường,
                勿翦勿伐,   Vật tiễn vật phạt,
                召伯所茇。   Thiệu Bá sở bạt.
    
                蔽芾甘棠,   Tế phế cam đường,
                勿翦勿敗,   Vật tiễn vật bị (bại),
                召伯所憩。   Thiệu Bá sở khí.

                蔽芾甘棠,   Tế phế cam đường,
                勿翦勿拜,   Vật tiễn vật bế (bái),
                召伯所說。   Thiệu Bá sở thuế (thuyết).
Có nghĩa :

               Inline image

                    Cây cam đường um tùm, 
                    Chớ cắt xén chớ chặt đốn, 
                    Vì là nơi Thiệu Bá (từng ngồi) ở đấy.

                    Cây cam đường um tùm,
                    Chớ cắt xén chớ hũy hoại,
                    Vì là nơi Thiệu Bá từng nghỉ ngơi.

                    Cây cam đường um tùm,
                    Chớ cắt xén chớ vin cành,
                    Vì là nơi Thiệu Bá từng dừng chân.
Diễn Nôm :
                    Cam đường cành lá xanh xanh,
                    Xin đừng cắt xén xin đừng đốn cây,
                    Thiếu Bá đã từng ngồi đây.

                    Cam đường cành lá xanh um,
                    Xin đừng cắt xén xin đừng phá cây,
                    Thiếu Bá từng nghỉ nơi đây.

                    Cam đường cành lá um tùm,
                    Xin đừng cắt xén xin đừng bẻ cong,
                    Thiếu Bá đã từng dừng chân.
                                                 ĐCĐ

       Cụ Nguyễn Trãi của ta cũng có bài thơ CAM ĐƯỜNG trong Quốc Âm Thi Tập như sau :

                  Thấy bóng CAM ĐƯỜNG nhớ Thiệu Công
                  Ðất dư dời được bạn cùng thông.
                  Bút thơ đã chép hương còn bén
                  Ngâm ngợi nào ai chẳng động lòng.

       Trong truyện Nôm NHỊ ĐỘ MAI của ta cũng có câu:

                    Tấc lòng xem tựa mẹ cha,
          Đọc ca mạch tuệ ngâm thơ CAM ĐƯỜNG.
    
       CAM là Ngọt, nên CAM LỘ 甘露 là Sương Ngọt. Theo sách "LÃO TỬ": Thiên địa tương hợp, dĩ giáng CAM LỘ 天地相合,以降甘露。Có nghĩa: Khi trời và đất hợp với nhau thì sẽ cho rơi những giọt sương ngọt. Ý nói khi thái bình thịnh thế, quốc thái dân an thì giọt sương rơi xuống người ta cũng cảm thấy là nó rất ngọt ngào. Theo Phật Giáo thì CAM LỘ là ví những lời giáo pháp chân lý của đức Nhu Lai là "CAM LỘ CHÂN NGÔN 甘露真言", như đang lúc trời nóng nực mà uống được những giọt nước mát mẽ làm cho tâm thần được sảng khoái vậy. CAM LỘ còn chỉ nước ở trong tịnh bình của Quan Thế Âm Bồ Tát, có thể cứu khổ cứu nạn, cải tử hồi sinh. Ông bà xưa của ta có để lại câu nói:

   Inline image Inline image

     Khát thời nhất trích như CAM LỘ,   渴時一滴如甘露,
     Túy hậu thiêm bôi bất như vô.       醉后添杯不如無.

Có nghĩa :
          Khi khát thì chỉ một giọt nước thôi cũng có tác dụng như là nước Cam Lộ trong tịnh bình của Phật Bà Quan Âm vậy. Còn...
          Khi đã uống đến say mèm rồi thì có uống thêm một ly nữa cũng như không mà thôi, không có tác dụng gì nữa cả!

      Xin giới thiệu đoạn tả cảnh chùa Kim Sơn là đoạn thơ đẹp nhất trong SƠ KÍNH TÂN TRANG của Phạm Thái sau đây: 

           Đầu non vượn hót khỉ treo,
       Cây kê cửa động, hoa leo mái già. 
           Chim rừng dóng dả tiếng ca,
       Nước tuôn khe biếc, khói pha lá vàng. 
           Kinh Thủy Sám, kệ Kim Cương,
       Rẩy cành CAM LỘ, thét gươm Đại Hùng ...      
   Inline image  Inline image  Inline image

      Đọc truyện Bát Tiên Qúa Hải, khi Bát Tiên đại náo Đông Hải thì lâu đài lầu các của Thủy Tinh Cung đều bị sập đổ tan hoang, cũng nhờ sự hòa giải của Quan Âm Bồ Tát mà đôi bên mới hòa nhau và nhờ nước CAM LỘ trong tịnh bình do Quam Âm Đại Sĩ bay lên trên cao, rồi dùng nhành dương liễu rãi xuống khôi phục lại tất cả lâu đài của Thủy Tinh Cung trở về nguyên trạng như cũ.

      Ngoài CAM LỘ, ta còn có CAM TUYỀN 甘泉 là Suối nước Ngọt. Thật ra thì nước suối nào mà chả ngọt, nhưng đây là tên của một ngọn núi và một cung điện nổi tiếng đời Tần Hán nằm ở phía bắc đất Quan Trung, gần địa đầu biên tái, trên Cam Tuyền Sơn của tỉnh Thiểm Tây. Hán Vũ Đế đã cải tạo Lâm Quang Cung của Tần Nhị Thế thành Cam Tuyền Cung. Đây là một ly cung nổi tiếng vì thường diễn ra các hoạt động chính trị quân sự quan trọng và là nơi tiếp đãi các sứ thần ngoại bang, nơi họp bàn các cơ mật của quân cơ... Trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm Khúc của ta diễn tả chiến sự nổi lên với các câu thơ mở đầu tác phẩm của Đặng Trần Côn là:
                     
  鼓鼙聲動長城月,  Cổ bề thanh động Trường Thành nguyệt,
  烽火影照甘泉雲.  Phong hỏa ảnh chiếu CAM TUYỀN vân.

       Đã được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn Nôm thật hay như sau:

      Trống trường thành lung lay bóng nguyệt,
      Khói CAM TUYỀN mờ mịt thức mây.

         Inline image

      Như ta đã biết, trước khi có chữ viết thì đã có tiếng nói; nên chữ CAM 柑 chỉ Cây Cam, Trái Cam được ghép bởi bộ CAM 甘 là Ngọt với bộ MỘC 木 là Cây lại với nhau mà thành. Trong văn học cổ của ta thì CAM và QUÍT thường đi liền nhau để chỉ Tôi Tớ, người giúp việc trong nhà, theo tích sau đây:

     Theo Tương Dương Ký của Tam Quốc Chí chép lại truyện Đơn Dương Thái Thú Lý Hành, vì vợ hay tranh cải trong việc trị gia, cho nên ông cho người cất nhà riêng ở đất Long Dương Võ lăng, trong vườn trồng một ngàn cây quít ngọt. Lúc ông gần chết mới nói với các con rằng: " Mẹ con hay cản trở ta trong việc trị gia, nên nhà ta mới sa sút thế nầy. Trước đây ta đã cho cất nhà riêng và có một ngàn gia nô bằng cây (Ý chỉ một ngàn cây quít), mỗi năm mỗi cây có thể cho hoa lợi bằng một sấp lụa, đủ cho các con sinh sống, không sợ đói nghèo.

     Vì tích trên, nên trong văn học cổ có từ QUẤT NÔ 橘奴 (gia nô là cây quít), như trong bài thơ 行天長行宮 Hành Thiên Trường Hành Cung là "Dạo Chơi Hành Cung Thiên Trường" của vua Trần Nhân Tông trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên có câu:

      百步笙歌禽百舌,   Bách bộ sanh ca cầm bách thiệt, 
      千行奴僕橘千頭.   Thiên hàng nô bộc quất thiên đầu.
Có nghĩa :
            Trong vòng trăm bước tiếng sanh ca vang vang như có trăm cái lưỡi của chim muông kêu hót.
            Nô bộc đứng xếp cả ngàn hàng như có hàng ngàn cây quít.

     Trong TỰ THÁN bài 13 của cụ Nguyễn Trãi cũng có câu:
           Ngoài cửa mận đào là khách đỗ,
          Trong nhà CAM QUÍT ấy tôi mình.

     Trong ngôn ngữ hàng ngày, ta cũng thường hay nghe câu QUÍT LÀM CAM CHỊU để chỉ việc gì đó, người nầy làm mà người kia phải chịu trách nhiệm hay hậu qủa theo như truyện cổ dân gian kể về Trạng Lợn; và cũng cho ta thấy rằng CAM QUÍT là hai loại trái cây bình dân được trồng rộng rãi trong dân gian và thường được dùng để đặt tên cho con cháu.

            Inline image  Inline image   
                  Inline image

     Trở lại với từ CAM 甘 là Ngọt. Vì Ngọt nên mọi người thường ưa thích, vui vẻ chấp nhận, nên ta lại có thành ngữ CAM LÒNG, CAM TÂM TÌNH NGUYỆN... để chỉ việc gì đó mà ta chấp nhận đi làm, không bị ai cưởng bức bắt buộc, làm mà trong lòng... ngọt ngào vui vẻ !

     Trong đời sống hằng ngày, ta cũng hay thường gặp thành ngữ ĐỒNG CAM CỘNG KHỔ 同甘共苦. ĐỒNG là Cùng Nhau, CAM là Ngọt, CỘNG là Cùng Chung, KHỔ là Đắng. Nên nghĩa đen thui của thành ngữ nầy là: "Cùng nhau ngọt và cùng chung đắng"; hiểu rộng ra là Sướng thì cùng sướng; Khổ thì cùng khổ; Giàu sang thì cùng hường, Hoạn nạn thì cùng chịu... Nhưng ông bà dạy thì dạy thế, chớ con cháu diễn câu thành ngữ đó chỉ có một chìêu mà thôi: Ta hay nghe câu "CHIA NGỌT XẺ BÙI ", nghĩa là chỉ chia xẻ khi có NGỌT có BÙI mà thôi, và cũng có nghĩa là chỉ ĐỒNG CAM mà không thấy nhắc tới CỘNG KHỔ  là "Chia Đắng Xẻ Cay" gì cả!
     
     Ở đời, hễ cục MUỐI thì cắn đôi (mặn qúa, nuốt nguyên cục không nổi!), còn cục ĐƯỜNG thì... lủm hết! Âu đó cũng là Nhân Tình Thế Thái mà thôi!

                 Hẹn bài viết tới!

                               Đỗ Chiêu Đức