Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

Sư Sở Cuồng Ở Thị Trấn Ryogoku - Ngộ Không Phi Ngọc Hùng


      Sư Sở Cuồng Ở Thị Trấn Ryogoku

Cảm tác từ nhà báo, nhà văn Lê Thiệp qua ký sự Sư Triệt Học lận đận nơi nao, sư đây là đồng môn của ông, năm 1978 ông vượt biển, được tàu vớt đưa tới thị trấn Chiba, ông gặp bạn cũ. Sư Triệt Học là sinh viên du học thập niên 60, sau là tăng lữ Nhật, tu theo phái Tào Động.

       ***
http://dotchuoinon.files.wordpress.com/2010/01/japanese_buddhist_monk.jpg?w=200&h=275Theo ký sự của ông Lê Thiệp, tăng tịch Nhật không có chức sắc, pháp danh. Pháp y là tăng bào, đội nón u lờ, đi tất vải thô, guốc mộc quai rơm. Bào bên trong mầu nâu đất, bào ngoài là áo choàng như áo giáp của kiếm sĩ. Thắt lưng có miếng vải nhỏ bắt chéo để thị dân biết ấy là…sư. Sư tu đạo, ngoài kinh kệ, sư còn phải học đánh kiếm như kiếm sĩ (Samurai). Chín tháng còn lại, sư tự mưu sinh lấy, vì tu theo phái Tào Động nên sư ăn uống như người ta, có gì ăn nấy, có Saké còn vui hơn.

       Thị trấn có lữ quán Momiji, có sư Tanizaki người Nhật gốc…Việt cổ...
       Với chuyện Sư sở cuồng ở thị trấn Ryogoku, thị dân ở thị trấn đồn đãi Tanizaki không phải người Nhật thuần gốc, bởi gốc gác tục xâm mình có từ ở một nước hình chữ “S” xa xăm bên kia biển. Thiên hạ sự đắng đãi ở đền Daionji, người ta tìm được bản chữ Nôm của người Kochi (phiên âm của chữ Giao Chỉ) lưu giữ trong đền viết: Thiền sư Thủy Nguyệt người Kochi sang Trung Hoa được phái Tào Động nhận là truyền nhân để truyền ấn bát. Dòng Tào Động là một trong dòng thiền tông lớn của Phật giáo Trung Hoa. Đến cuối thể kỷ 17, dòng này truyền được 36 đời, Thiền sư Thủy Nguyệt đời thứ 37 của Trung Hoa hay đời thứ nhất ở Kochi.
       Riêng dòng Tào Động truyền sang Nhật thời nào, với tam sao thất bản không ai hay biết. Nhưng người viết bòn mót được một nhẽ: Tục xâm mình nước Việt có từ thời cổ đại Văn Lang, hình xâm là quái vật sống ở sông nước là thủy quái, ma da hay thuồng luồng. Tục xâm mình nước Việt phát triển mạnh nhất vào thời Trần vì vua quan cũng…xâm mình luôn. Thời hậu Trần thói tục xâm mình bị bãi bỏ vì có một vị vua Trần ta…hãi quá thể, vì sợ…đau.

        Thêm cảo bản người Kochi họ Lý phiêu bạt khắp nơi, thay tên đổi họ để tránh bị diệt vong. Một dòng hòang tộc họ Lý (năm 1226 với Lý Long Tường) lên thuyền qua Cao Ly, trên đường vượt biển bị bão, một nhánh họ Lý lạc vào đảo Đài Loan. Hiện có bộ tranh màu đang lưu trữ ở Toyo Bunko, ngòai ra còn có một bộ tranh khác, màu tương tự, có tên là An Nam quốc giang phiêu lưu phong tục hồng sinh đồ lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc. Hai bộ tranh này tuy giống nhau về số lượng tranh, nhưng nội dung miêu tả trên từng bức tranh qua chú thích tiếng Nhật, tiếng Tàu lại khác nhau. Vì sợ Trần Thủ Độ sát hại, trước khi vượt biển, một chi họ Lý đổi qua họ Trần. Vì thâm Nho của chiết tự chữ “Lý” có chữ “y” là...quần áo, bỏ áo quần...trần như nhộng thì…cái họ vay mượn trả lại cho…họ Trần. Qua chuyện “Sư sở cuồng ở thị trấn Ryogoku”, người viết mót chữ thêm nhiễu sự nữa: ông họ Trần lánh nạn qua Cao Ly, khi nước này bị Mông Cổ xâm lấn, ông từ Ong Jin Gun, tỉnh Hwang Hac thuộc Cao Ly lên thuyền trôi dạt tới thị trấn Ryogoku vào thời Mạc phủ 1728 và là hầu vệ của tướng quân Tokugawa Yoshimune. Thêm một lần, ông họ Trần đổi tên họ là Tanizaki Sekishui.

        Sau Tanizaki gác kiếm, là họa sĩ, tu tỉnh hóa kiếp thành sư xâm mình và ngộ ra chiết tự chữ…“Lý” ra chữ…“Trần” đã thay đổi một kiếp nhân sinh. Vì vậy không phải ai muốn xâm là được, dù họ có đặt xuống bàn lữ quán một bao vải tiền. Vì sư chỉ xâm một bài thơ Haiku hay một chữ thư pháp để nói lên với tha nhân với giác duyên: Mọi sự đều tùy duyên, thay đổi vô thường. Vì thế thên hạ sự vãi miệng gọi sư tàng tàng, hâm hâm là…sư sở cuồng.
      
       Một chữ “Xích”…
       Ngày kia có một cô gái đến để xâm mình. Trong khi chờ đợi, cô thấy bản vẽ của sư có bức tranh vẽ Đắc Kỷ thản nhiên nhìn người tình cũ của mình bị cột bằng xích sắt đợi bị hành hình. Sư đi đến buông xả: "Theo Y ma thần tướng, Đắc Kỷ phản ảnh cái vô hình tướng của cô đấy". Sư bảo cô vạch áo, nhìn da ngực trắng như tuyết núi Phú Sĩ. Sư gật đầu. Bởi xâm mực lên da ngực đối với sư không…dễ chịu chút nào, vì bầu ngực thịt mềm, da trơn mỏng. Rồi thì sư châm một mũi, rút một mũi, đường kim dần dần hiện lên trên làn da hình một chữ…“Xích”. Qua thư pháp, sư phải thâm nho với gốc gác chữ thuộc bộ nào, bộ mộc hay bộ thủy. Với chiết tự có ba, bốn nghĩa khác nhau. Ấy là chưa kể nghĩa chữ Tàu hay Nhật còn lây dây hơn nữa.

Chữ Xích qua Nhật tự chẳng phải là…”xích sắt” trong tranh Đắc Kỷ của Tàu. “Xích” đây của người Nhật có chấm màu đỏ. Hay “xích’ là màu đỏ trong tên nước Xích Quỷ của người Kochi vào thời cổ sử. Từ chữ xích có chấm màu đỏ nó vận vào người, sau này cô gái ấy trở thành Geisha ở xóm yên hoa tại thị trấn Nagasaki. Với một chữ thư pháp có thể thay đổi cả một kiếp người là thế. Huống chi một bài kệ.
    
     Bài kệ của Yoda…   
     Bởi chưng tu theo Tào Động, sư sở cuồng phải học đánh kiếm (Samurai) bằng…cái đầu. Là rút kiếm ra không tra vào vỏ là…bay đầu. Thế nên mới có chuyện đệ tử tầm sư dị bằng vào một bữa, có một “sư đồ” xách kiếm gỗ đến trai phòng tìm sư. Như bức tranh Đắc Kỷ, sư đồ tìm thấy bức tranh con ve sầu có cánh bò trên lá bồ đề tu…thiền.

Góc tranh với bài kệ của Yoda:
Con ve sầu
Bứt hai cánh
Quả ớt

       Chỉ bài kệ ngắn không thôi diễn tả kiếp nhân sinh của nhà Phật. Sư sở cuồng xâm bài thơ Haiku của Yoda lên lưng sư đồ. Nét bút tung hòanh như những đường kiếm tuyệt luân, sư kẻ cả cho sư đồ thấy công danh sự nghiệp trong cõi đời chẳng qua là hư ảo của thế tục. Sư vẽ chữ như tranh lên da người như tưới mực lên giấy, sư viết cực lẹ, sư vẽ tuyệt nhanh, đường nét vun vút như múa kiếm. Sư sở cuồng rút kiếm ra loáng một cái bay…hai cánh con ve sầu thật là hiếm có trong kiếm đạo. Sư không quên…”chích” trên lưng sư đồ…cái dấu triện đỏ.

       Thơ Haiku của Basho…
       Nhìn làn da trên lưng sư đồ sần sùi như da cóc quả thật cực hiếm. Sư “vẽ” tâm ý của sư lên da sư đồ xong. Sư đồ nhìn lưng mình qua gương thấy bài thơ Haiku của…Basho:
       Quả ớt
 Bứt hai cánh
 Con ve sầu

      Sư đồ dòm dỏ Basho chỉ cần đảo ngược hồi văn bài kệ của Yoda, con ve sầu bị cắt hai cánh hóa thân thành…trái ớt. Sư đồ hóa ngộ, rút thanh kiếm gỗ chém phăng…trái ớt của mình. Thu kiếm tra vào vỏ trả lại cho nhà chùa. Đến tao đọan này, trong “Sư sở cuồng ở thị trấn Ryogoku”, người viết vồ được kỳ tích, kỳ cổ:
      Một là thời Lê-Trịnh, vua Lê Thần Tông có thứ phi là Geisha người Nhật. Có thể vì vậy người Nhật được ưu đãi, khi Phố Hiến phát triển, thương thuyến Nhật tới đây buôn bán và mang về rất nhiều cổ vật ở Đàng Ngòai. Hiện nay ở Okinawa gốm sứ Việt của Chu Đậu gồm gốm men tam thể, men ngọc, men rạn, men da lươn niên đại khoảng thế kỷ XVI. Đồ gốm Việt còn tìm thấy ở Sakai có một ít đồ gốm Gò Sành (Bình Định) men lam, men nâu, men nâu đỏ xuất xứ từ Đàng Trong, niên đại khoảng thế kỷ XV-XVI.

       Hai là ngòai đồ sứ, đồ gốm, còn có tranh vẽ…

Ảnh 25cĐàng Trong, Tướng quân Tokugawa Yoshimune (1684-1751) mua một con voi xám, một con voi trắng ở Quảng Nam đưa về nước. Họa sĩ Ogata Tanko vẽ tranh thủy mặc nay trưng ở hòang cung Nhật hòang.

(bức tranh lưu giữ ở chùa Jomyo-ji tỉnh Aichi vẽ thương thuyền thuộc dòng họ Chaya từ Nagasaki đến Giao Chỉ tức Đàng Trong năm 1634)

Ảnh 26a

     



       (hai con voi tới hải cảng Nagasaki, sau đó được đưa đến Kyoto và Edo để “yết kiến”
       Tướng quân Tokugawa Yoshimune, Thiên hoàng Nakamikado và Pháp hoàng Reigen).

Tại thư viện đại học Kansai còn có bức tranh Đông Hồ con gà do người Việt tên Lý Nghĩa vẽ năm 1727. Từ bức tranh con gà Việt này, sư vẽ lại cho giống gà Nhật rồi để đó. Bây giờ có sư đồ, sư viết thêm chữ: “Tửu” màu đỏ. Sư vẽ chuyện: “Phái Tào Động của người Kochi, người ta say vì…uống rượu”. Sau khi được tặng bức tranh con gà có chữ tửu để uống với…Saké, sư đồ lững thững tìm về cái ngã của mình bằng vào mở một tửu quán có thùng tắm bùn, rượu Saké nóng ở xóm yên hoa Nagasaki.
       Từ chuyện sư đồ hoàn tục, trước đó sư sở cuồng, sư đồ gần gũi nhau với lưỡng tính, lưỡng thể vì vậy thị dân to nhỏ…“quả ớt” của sư sở cuồng dường như cũng không còn nữa. Nay sư như người cõi trên sống ở một cõi khác, và…sống cũng như chết, như sư mõ
       Được gọi là “sư mõ”. Sư chỉ ư hử buông hai tiếng…buông xuôi: Vậy ư…Rồi thôi…

       Vì sư nửa tu nửa tục, trong sư từ lâu chôn dấu những khoái cảm qua bài thơ Haiku hao tốn hàng trăm mũi kim với những gịt máu li ti đỏ tươi, thí chủ đau đớn rên rỉ sư càng thống khoái. Làm như những âm u từ hỏa ngục được dịp vờn qua bộ mặt thống khổ của thí chủ, nhấn chìm họ dưới ngục A Tì với rên la, rên rỉ để sư thống muội hơn. Thị dân biết sư sở cuồng chẳng phải là người nước Sở bên Tàu, vì vậy khi họ gọi sư là sư cọ vì cái đầu nhẵn thí như đít nồi. Lúc họ kêu sư là sư tàng bởi tính khí sư tàng tàng sao ấy nên miệng lưỡi dân gian có câu: “Làm bộ sư tàng” là thế. Hoặc thảng như sư mõ ở trên với: “Sư mõ gì với ông sư ấy” là thế đấy!
       Nghe người đời kêu là “sư cọ”. Sư cũng chỉ ơ hờ: Vậy ư…Rồi cũng thôi…

       Lại theo lời ong tiếng ve của thị dân ở thị trấn Ryogoku, khát vọng bấy lâu nay của sư tìm được một người đàn bà nào đấy để sư đem hết tâm ý của mình xâm một bức họa để đời. Người đàn bà ấy phải có một khuôn mặt ẩn khuất để sư ra tay cải nghiệp. Bởi con người ta chỉ có thể thay đổi mảnh đời của mình…vì một cái nốt ruồi. Với Y ma thần tướng nếu ngày nào đó cái nốt ruồi ở cuối mắt, bờ môi biến mất ảnh hưởng tới một số bà mất ý niệm cảm tính, họ tin rằng họ đã…mắc sai lầm. Thay vì lẩn tránh những lỗi lầm, họ tìm đến…những sai lầm khác. Vì vậy mới nấy sinh ngoại cảm…”ngoại tình”. Hoặc có một cái tật nào đó lạ lẫm không giống ai.
      Một ngày như mọi bữa, sư dậy sớm ra vườn thiền. Trên vai khoác túi vải nặng chĩu kinh sách và giấy bút. Vì nếu có cảm hứng tao ngộ với đất trời, sư sẽ thảo dăm câu kệ, câu thơ để xâm cho tha nhân. Sư lững thững bước tới ba hòn đá thiên, địa, nhân cạnh hồ cá Koy để tọa thiền. Trên hòn đá tên “địa” giữa trời và đất. Sư ngồi thiền kiểu…”phu tọa”, tức ngồi để hai bàn chân ngữa gác lên vế, tay bắt ấn tam muội, mặt cúi xuống, tai lắng nghe.
      Sư nghe có những bước chân không đều đặn đi tới. Sư chậm rãi nhìn xuyên qua lùm cây đào Kwansan Nishiky. Càng gần tiếng chân từng bước dẵm lên lối đi trải sỏi khiến sư lao xao. Như có một cái gì vướng mắc của vô ngã, đang lần mò từng bước đi tìm...chân ngã. Sư nom dòm và lặng người vì hóa ra người kia…chân cao chân thấp. Mặc dù cao thấp chỉ cách nhau...một sợi tóc, nhìn kỹ mới thấy. Mắt sư rón rén bám theo từng tiếng guốc xao xác vì theo Y ma thần tướng, những người đàn bà có chân bị khuyết tật thường...bị ẩn ức tình dục.

      Ngước đầu lên một chút nữa, mắt sư vướng víu vào một bà mặc Kimono màu hòang yến, màu sắc đài các thượng lưu của những bà mệnh phụ thuộc giới quan quyền ở thị trấn Nagasaki. Mắt sư đậu vào mặt bà. Qua tri giác ngoại cảm, chui vào đầu sư một khuôn mặt lãnh đạm ẩn chứa những khắc khỏai. Ngay lúc ấy, sư bắt gặp đây là một tác phẩm sống mà sư mong đợi từ lâu. Theo cái nhìn thần tướng, bà có một khuôn mặt lãnh đạm. Qua mắt nhân tướng, sắc diện, thần sắc có những biến động của kinh mạch, chân khí trong lục phủ ngũ tạng từ đó suy ra trạng thái, bệnh lý, tâm thần. Với sư dường như bà bị…lãnh cảm.

       Hà tất hằng tương thức, lọ sẵn quen nhau…
       Bỗng không chợt nhớ năm ngóai sư nhận được ”Thiệp sự” của bà gửi từ thị trấn Nagasaki. Thiệp sự của Nhật là thiệp kể sự tình: Một là sự tình bà là hậu duệ, hậu thân của công nương Ngọc Hoa, tên Nhật là Anio, là người Việt đầu tiên sang làm dâu xứ Phù Tang.
Ảnh 23
Đền DaionjiNagasaki có di vật của bà (gương soi), ngòai cổng đền ghi bà là con nuôi (musume, không phải hime như princess) của lãnh chúa Kochi (Nguyễn Phúc Nguyên). Bà, tức công nương Anio kết hôn với hòang thân Araki Sotaro dòng dõi võ sĩ đạo.
(tranh vẽ công nương Anio, tướng quân Araki Shotaro, đang ngồi trong một chiếc xe kiệu có đoàn tùy tùng theo hầu)

       Hai là mùa hoa Sakura này, bà muốn đến thăm lữ quán Momiji của sư có thùng tắm bùn, rượu Saké nóng. Lây lất tới bài cổ phong Tỳ bà hành với hà tất hằng tương thức? Lọ sẵn quen nhau! Vì qua gia phả, gia cang của tha nhân gán ghép, bà và sư có cùng cô lý thốn thổ Kochi ở bên kia Thái Bình dương. Lây dây thêm nữa, sư không biết người kỹ nữ Đắc kỷ ở xóm yên hoa hay sư đồ của sư có cây kiếm gỗ giới thiệu bà tới đây. Vì cả hai đều ở Nagasaki. Khổ nỗi ở thị trấn Ryogoku mùa này làm gi có...mưa lâm thâm, có...hoa Sakura lay lắt rụng rơi.

      Nhớ - Chỉ là hạt bụi…
      Bà lặng lẽ bước tới hồ cá, nhún nhín nhúng chân xuống nước. Ắng im. Bà lẫn dẫn đi đến ba hòn đá. Im ắng. Ẩn mình dưới hòn đá tên nhân là đám cỏ úa vàng, bỗng có tiếng dế kêu “réc, réc” một hồi dài…Ngừng lại. Rồi “réc, réc”…Trong chốn không, sư vọng động:
      Trong đại im 
      Tiếng dế ăn vào 
      Thớ đá ..
      (Basho)

      Bà nhíu mày vì chưa bao giờ nghe nói tới…cõi đại im, dưới hòn đá lại có con dế ẩn mình như bà. Sư tàng tàng chỉ tay vào hòn “nhân” và hâm hâm với nó: Đạo tại tâm chứ không phải cảnh giới, hình hài hay nghi thức”. Xong, sư hoằng pháp cho…hòn đá nghe Phật pháp cổ sự thế này đây: Xuất thế gian mà không rời thế gian pháp”. Sư nhắm mắt trong tĩnh không:
-  Bà cần tịnh độ.
-  Để làm gì thưa thầy.
Sư trong hư vô:
-  Để tháo bỏ những cái cần tháo bỏ.
Bà hững hờ:
-  Có gì để tháo bỏ.
Sư hờ hững:
-  Tâm động.
    
      Tiếp đến, giọng trầm đục:
      - Phật dậy: “Thân động chuyển hóa được tâm động”.
      Sư trải tờ giấy lên hòn đá tên “thiên”. Bà nhìn xuống tờ giấy hoa tiên có hai câu “Bất tục tức tiên cốt – Đa tình thị Phật tâm”. Bà lắc đầu không hiểu. Sư độ trì với hòn đá về đa tình thị Phật tâm thì hãy nhìn tha nhân bằng vào nhận thức đối cảnh vô tâm với khai tâm. Sư hoằng pháp với bà qua ông thầy xem tướng đã tìm ra cái vô ngã tiềm ẩn của bà cất dấu trong cái siêu ngã. Sư khật khừ: “Ấy là tự kỷ ám thị”. Làm như không nghe, bỗng không bà hỏi sư:
      -  Tâm động có triệt được không.
-  Không. Nếu còn vướng mắc.
-  Tâm diệt thì được gì.
-  Tịnh lạc.
-  Dục ái có tịnh lạc không.
Và sư u mê ám chướng:
-  Có. Với duyên nghiệp.
     
     Bà chớp mắt làm như có hạt bụi vướng vào mắt bà. Sư âm ử tịnh độ:
Vạn vật khởi từ tâm
Tâm biến ảo khôn lường
Dẫu là bụi trần vương
Nhớ:
Chỉ là hạt bụi

      Với chỉ là hạt bụi bà gật đầu…
      Từng vết kim một. Rồi từng vết kim khác như những vết dao khắc. Mặt trời lay lát rọi vào lưng như muốn đốt cháy lưng bà. Trong khi sư đem nghệ thuật vị nhân sinh vào từng nét chấm phá. Từng giọt máu hòa lẫn với hai mầu đen, đỏ vờn nhau nhẩy múa…theo khói lởn vởn chui ra từ nồi hâm rượu Saké trên bếp lửa. Từ hơi hướng Saké, sư…theo khói lan man Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti qua Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị khi bị đi đày ở quận lỵ hẻo lánh Giang Châu, gặp người kỹ nữ một chiều trên bến nước sông Bồn: Theo khói bếp lam chiều len lỏi qua mái tranh, sư lạc hoa lưu thủy tới nước Kochi thời sơ thủy Tàu gọi là nước Xích Quỷ. Với “xích” là…màu đỏ, sư thay bút chấm vào bát mực…màu đỏ.
      
       “Chiều trúc ti” buông xuống…
       Mái tóc bà xổ tung xuống hai gò má. Hai bờ vai chịu đựng chẳng mảy may động đậy. Dồn hết tâm sức vào tác phẩm, mặt sư trắng bệch rồi tái dần, chuyển qua màu xanh xao như lá cây Sakura. Có một lúc chân tay da thịt đụng chạm qua xát, xoa, lăn, vê. Sư bị bấn loạn đẩy đưa vào cõi ta bà và thế tục. Sư miên man về dòng đời và biển. Chưa có giông bão, mặt biển im ắng, nhưng chính lúc ấy, làn sóng ngầm đang chuyển động ở dưới đáy. Đời các sư cũng vậy, chỉ phẳng lặng ở bên ngòai và chỉ đợi một cơn giông. Trong não bộ sứt mẻ, sư nóng hổi với đời thường, với da thịt đàn bà chưa một lần nếm trải. Tất cả chỉ là ảo ảnh lãng đãng với sư.     

       Lãng đãng theo bóng xế của một ngày tàn vờn lên lưng bà. Mảng lưng trần bà lấm tấm mồ hôi. Những giọt mồ hôi hòa với những giọt mực ngấm vào da thịt qua vết chích, ngâm ngẩm xót, ngâm ngấm đau. Hốt nhiên bờ vai bà giật giật. Ấy chỉ là giao thoa của thân thể nửa kín nửa hở của tấm lưng trần trắng nhễ nhại. Tay sư cũng giật giật theo giao tình nửa tu nửa tục. Cũng vì những cái giật giao hòa ấy, dăm ba sợi tóc lạc lõng lòa xòa vương vấn qua khuôn mặt của bà, toát ra một vẻ man dại huyễn hoặc. Bỗng có làn gió đi hoang chui qua mảng giấy rách ngăn vách tịnh phòng, dăm ba sợi tóc lạc loài vắt qua tay sư qua bóng chiều.
      Cái tâm của sư đang động đậy cùng đất trời đang len lén vào đêm. Thì trong vô thường, vô ngã, có con thiêu thân chui qua vết rách của vách tường giấy bay tới và…ngã vào ngọn đèn dầu. Ngọn đèn gặp con thiêu thân, gặp da thịt, bùng lên như một tia chớp…Sư biết tâm động, tà niệm đã khơi. Sư lắc đầu xua đuổi cái ý tưởng ta bà, tà ma ấy đi.

       Mắt sư đậu lên trên lưng nhễ nhại của bà…không có cái nốt ruồi nào cả.
       Cùng nhân sinh vị nghệ thuật, sư pháp tọa và nhiếp mình vào chính niệm vào cái nốt ruồi không có ấy. Sư tụng kinh “Bát nhã ba la mật đa: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha. tức Đi, đi qua, đi qua nữa, đi qua nữa nữa. Sư đổi lại thế ngồi kiết già, vun vén tăng bào lại cho nề nếp. Sư thong thả cúi cầm bút kim màu đỏ để đó hồi nãy, rất an nhiên tự tại, sư vung bút lên như thanh kiếm và…Chấm…một dấu chấm li ti như…hạt bụi.
       Buông bút, sư vật người ra, không hẹn mà gặp, bà và sư đều lăn ra chiếu. Ánh trăng chui qua khung cửa sổ tre vật vờ bò lên manh chiếu cói…Ánh trăng leo lên lưng bà. Vừa lúc…
       Dấu chấm rún rẩy như vừa thoát ra cái kiếp lai sinh và đang ngọ nguậy để tồn sinh.

       Bao lâu chợt tỉnh, sư chẳng hay, chỉ hay biết trong nửa tối, nửa sáng: Bà mệnh phụ bước từ thùng tắm bùn ra đứng trước mặt sư, nét mặt bà không còn những khắc khoải nữa.
       Quay lưng lại sư, bà hỏi về…cái dấu chấm.
       Sư ngúc ngắc đầu đừng để tâm cảm giao động, da thịt chuyển động theo tâm, làm mất đi cái nốt ruồi. Tuy nhiên nếu có mất đi chăng nữa nó trở về với bản ngã của nó là…một chữ “tâm”, trong có dấu…chấm đỏ.
(Nhật tự “Tâm” với chữ thư pháp)


      Nghe rồi, bà từ từ quay lại nhìn sư từ trên xuống dưới. Sư nhủ thầm chắc là bà muốn bái vọng, bái tạ hay lạy thánh mớ bái gì đây. Vừa lúc bà ngập ngọng: Thầy ơi…hết…hết…tự kỷ ám thị rồi. À ra thế, hóa ra bà đã khai thị được chữ nhất tự thiên kim của sư. Bà khai ngộ được cái tâm bệnh của mình qua một chữ “Tâm”. Sư mỉm cười, nụ cười rất hiếm hoi trên khuôn mặt bấy lâu nay ngập ngụa những méo mó, héo mòn của sư.

      Nhiễu sự óc ách là thế đấy, và thế đó. Vừa lúc bà buông rơi mảnh Kimono xuống chân.
      Bà âm ỉ trong mê hoang, mê trần:
      -  Thầy…thầy…thưởng lãm…tác phẩm của thầy đi.
      Bất chợt ngòai kia, dưới hòn đá tên “nhân” có tiếng dế kêu “réc, réc” một hồi dài…Ngừng lại, rồi “réc, réc” như ễnh ương chẫu chuộc gọi tình báo cho con người ta sắp có…mây mưa.

      Tịnh phòng chìm trong tĩnh lặng. Nhiễu sự tiếp đến cho đến nay chẳng một ai biết…Hiểu theo Vô môn quan của thiền Nhật là cánh cửa đóng lại chẳng có gì để mà nói với…
       Có là…không. Không là…có.

Có làn gió len lỏi chui qua mảng giấy rách ngăn vách tịnh phòng. Tia lửa tim đèn dầu lóe lên trong một sát na một màu xanh thao thiết như như tấm tăng bào màu nâu phủ lên áo Kimono màu hòang yến ở góc phòng.
(Nhật tự “Không” với chữ thư pháp)

       Thế là thêm một con thiêu thân chui qua vết rách của vách tường giấy bay tới sa vào ngọn đèn, da thịt bùng lên…Chiếc đèn dầu câm nín phụt tắt trong chốn không.

                          Trúc gia trang  
                          Mậu Tý 2008
                 Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
                        (sửa chữa 2017,  2019)





       Nguồn: Trần Đức Anh Sơn, Đỗ Thông Minh,
       Trương Văn Tân. Xâm mình của J. Tanizaki.

      

     
      

Không có nhận xét nào: