Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

           Chữ Nghĩa Làng Văn

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.


***


Vải

Vải : ông nội, ông tổ

(ông bà ông vải)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

(Gs Hà Quang Năng - ThS Hà Thị Quế Hương)


Táng: táng gia bại sản” 


Viết đúng là “tán gia”. Vì “tán” 散 là từ gốc Hán, có nghĩa tiêu tan, mất mát. Tán gia bại sản 散 家 敗 產 = gia đình tan nát, tài sản tiêu tan (Dị bản gốc Hán: khuynh gia bại sản - 傾 家 敗 產).

(Hòang Tuấn Công)



Hai "cô hàng" đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam

Hai ca khúc ra đời vào những năm đầu tiên của nền tân nhạc nước nhà, được viết theo dạng truyện ca và hai tác giả đều mượn lối kể tâm tình từ dân ca để thể hiện tình cảm, trước cuộc đời. Nếu “Cô hàng nước” vay mượn điệu hò ơi để một mình tự sự, dàn trải, sâu lắng thì “Cô hàng cà phê” phảng phất, luyến láy chút ca dao và truyện Kiều. Hai ca khúc gắn liền với hai hình ảnh yêu kiều dù là cô hàng nước bình dị ta vẫn thấy đâu đó ở thôn quê hay cô hàng cà phê, sản phẩm của cuộc khai thác thuộc địa từ văn minh phương Tây. Và từ cô hàng nước của Vũ Huyến tới cô hàng cà phê của Canh Thân, cả dân tộc đã đi một bước đi lớn về xã hội, văn hóa.

 

Hai ca khúc này cùng với “Cô lái đò” (Nhạc: Nguyễn Đình Phúc, Thơ: Nguyễn Bính) và “Cô láng giềng” (Hoàng Quý) đều “là những bài hát lãng mạn, những khúc tình ca mà hầu hết các nhạc sĩ Việt Nam trong giai đoạn khai hoa nở nhụy đầu tiên của mình đều nói lên những cảm xúc nồng cháy, bộc lộ tâm tình sâu kín của mình đối với thiên nhiên, đối với quê hương, làng xóm, đối với những người thân yêu. Những nét nhạc, lời ca bật ra một lúc xuất thần nào đó đã để lại dấu ấn của tác giả và gieo vào lòng người nghe những ấn tượng khó phai mờ…”

   (Nhạc sĩ Lê Văn Thương)


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (1919-2002) là một trong những nhạc sĩ thời tiền chiến. Tác phẩm tiêu biểu: Đêm Đông, Trên Sông Hương, Bình Trị Thiên Khói Lửa, v…v…

***

Khác với Nhạc sĩ Lê Thương (1914-1996) với tác phẩm Thằng Cuội, Hòn Vọng Phu. Ông mất tại nhà riêng ở đường Bùi Viện (cùng đường với Lê Văn Trương), Sài Gòn.



Cửa Phật

Có người cho rằng cửa Phật là nơi thờ Phật.

Đúng ra thì Cửa Phậtnơi chốn tu hành (theo Phật giáo) chứ 

không chỉ là nơi thờ Phật.


Dương Nghiễm Mậu, bác đã đi rồi - 1

Tôi đã có thêm một người bạn, từ hôm ấy, tận dưới đáy bản đồ đất nước. Hơn nửa thế kỷ qua, tôi với ông chẳng là tri kỷ tâm giao gì, nhưng vẫn một lòng quý trọng nhau. Về tuổi tác, ông lớn hơn tôi hai tháng rưởi. “Cùng một lứa bên trời lận đận”, ông và tôi cùng chung chịu những hoàn cảnh xã hội, thời thế, chinh chiến, đặc biệt sau Tháng Tư, 1975, hai chúng tôi cùng ở lại trong nước suốt hơn bốn mươi năm qua.

Cùng bầu trời ấy, hạnh phúc thì kham khó lượm nhặt năm thì mười họa, nỗi khổ thì trốn đâu cũng gặp. Rất nghi ngờ niềm vui nó lẫn trốn kin đáo, hóa thân trong nỗi buồn tưởng như vạn đại.

Trong cái “lò cừ nung nấu”, “thử tài với con tạo điêu ngoa” - nói theo cách Nguyễn Gia Thiều – chúng tôi đã trải, đã thấu thị cái lẽ vô thường. Ông Mậu, ông được khóc oa dưới bầu trời, trước tôi chừng mươi tuần lễ. Ông biết đi chập chững trước tôi, tập nói trước tôi, vậy là ông trưởng thành hơn tôi, ông Mậu hỉ. 

 

Gặp nhau một lần, cơ duyên sẽ cho gặp nhau hoài. Gặp mãi nhau, rồi có một ngày sẽ mãi mãi chẳng gặp được nhau.  “Bác Dương, thôi đã thôi rồi”.

(Cung Tích Biền)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Cờ bạc là bác thằng... ăn trộm



Dương Nghiễm Mậu, bác đã đi rồi - 2

Sáng hôm nay Chủ nhật. Mỗi buổi sáng cuối tuần tôi thường đi vơ vẩn khu trung tâm thành phố, quanh nhà thờ Đức Bà, xem có gì “lạ” không. Xa xa, trên đường phố, có thể có một đám đông.  Một đám đông dân chúng đi biểu tình đòi quyền sống, quyền ngôn luận, quyền làm chủ một đất nước có danh dự. Một phản xạ có điều kiện, cứ sáng sáng chủ nhật là tôi ra khỏi nhà. 


Vòng vo. Lẩn quẩn. Mong đợi. Sàigòn nắng hay mưa, vẫn là cuộc đời vòng vo mong đợi. Mặt đất ta đi, cũ quá rồi, cằn cỗi rất mực, cần cày xới, tháo tung, gieo hạt mầm, trồng những hy vọng.

Tôi dọc theo đường Catinat về hướng bờ Bạch Đằng. Đây rồi, quán Cái Chùa ngày xưa, quán thường trực là nơi gặp gỡ các bạn, tôi thỉnh thoảng gặp ông Mậu. Hôm nay La Pagode không còn, sau tháng Tư 1975 nó bị xóa tên, rồi đập bỏ cả, để trở thành một góc trơ của tòa nhà cao tầng. Quán Givral ở góc kia, nhìn ra tòa nhà Hạ Nghị Viện Cộng Hòa, nay cũng không còn dấu tích.


Nhớ ông Mậu, “Tìm một người đã Ra Đi đêm qua”, tôi rẽ trái, qua khách sạn Continental gặp La Dolce Vita ngày xưa, đây rồi, tôi lại gặp ông Mậu, nhân một cuộc triễn lãm của Hội Họa sĩ trẻ. Nhớ khuôn mặt lặng lẽ “rất Huế” của Nguyên Khai, nhớ nụ cười hồn nhiên Nghiêu Đề, những họa sĩ tài danh. Buồn quá, bước mãi thôi. Lại đến cái nền đất của Đại Học Văn Khoa Sàigòn thuở nọ, tiền thân nơi đây là khám Lớn. Trước giam tù, sau nói triết.

Khuôn viên rộng lớn, thuở chúng ta có giấc mộng dài, từ 1966, nơi này, một góc này là trụ sở của Hội Họa Sĩ trẻ, góc kia là nơi sinh hoạt của Nguồn Sống - Về Nguồn, một góc khác là trụ sở CPS. Tất cả chỉ là nhà tiền chế, mái tôn vách ván, nhưng cái “nội dung của nó”, tất cả là đầy sinh lực, sức trẻ, tài hoa, là một dung nạp năng lượng cho mọi khởi đầu.


Sàigòn, Cộng Hòa, mỗi khắc giây là một ngày mới của sáng tạo. Tôi lại gặp ông Mậu nơi này, Quán Văn, một bãi đất rộng, là nền cũ của trường Văn Khoa. Lót giấy trên nền cỏ, đêm đầy sao, ngồi quanh nhau, nhâm nhi cà phê, và thơ, và nhạc. Là Thái Thanh tiếng hát Tự Trời, giấc mơ từ Thiên đường đưa lại. Là Khánh Ly từ Đà Lạt xuống núi, một Nữ thần gây mê qua Tiếng hát. Là Lê Uyên và Phương, đầu tiên ra mắt tại Sàigòn. 


Chúng tôi vẫn thường gặp nhau. Vẫn một Dương Nghiễm Mậu ấy, thầm lặng đến lạnh lùng, như tấm gương một ngày mùa đông.

(Cung Tích Biền)


Tiểu sử: Cung Tích Biền tên thật là Trần Ngọc Thao, bút hiệu Chương Dương, Việt Điểu, Uyên Linh, sinh ngày 8.2.1938 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Trước ở tại Đồng Ông Cộ, Sàigòn, nay ngụ cư tại Mỹ

Tác phẩm : Ai Tỉnh Ai Điên - Cõi Ngoài - Bạch Hóa - Chim Cánh Cụt - Thằng Bắt Quỷ



Võ Hồng nhân cách và chữ nghĩa - 1

Ông mang tất cả vào những trang sách với niềm vui tột cùng, bởi Nha Trang-Tuy Hoà chỉ cách một ngọn đèo nhưng với ông nó thăm thẳm, khiến tâm can luôn cồn cào, nao nao để hoài nhớ…Ta hãy nghe những dòng chữ mang nỗi lòng của ông: 

“Từ quê tôi ở Tuy Hoà, tôi mang ruột nghé gạo đi ra Tuy An để theo học trường Lương Văn Chánh. Đi bộ bốn mươi cây số, từ nhà ra tới Định Trung, xã An Định, nơi mở trường. Khi ra đi, có hồi tôi cao hứng leo ngồi xe ngựa. Lọc cọc… Rầm rầm… Lịch kịch. Đường cái bị phá hoại, đồng bào được huy động đào xới, có đoạn vết đào chạy xiên xiên, sóng sóng nhau, rất ngay ngắn, như cái xương cá. Có đoạn thì hăng quá, hốt gọn luôn một quãng, phi tang biến mất tiêu, khiến lòng đường còn sâu hơn mặt ruộng xung quanh. Và nước đọng thành ao. Cỏ gấu, cỏ mực, cỏ may, cỏ chỉ… rau chóc, rau sam, móc mèo, móc ó… vội vàng xâm chiếm,. Và khi hoàng hôn xuống thì biến thành hội trường cho ễnh ương toàn vùng hoà tấu” (Những Ngày Lương Văn Chánh).

 

Trong truyện ngắn Bên Đập Đồng Cháy mô tả cảnh những người dân quê lam lũ, nghèo khó gồng gánh nhau chạy giặc ở quê ông trong cuộc chiến khốc liệt trước năm 1975, mà nghe chừng như chính ông cùng gồng gánh chạy theo những bà Xự, trùm Đẹt

“Đã đến nước cùng rồi, đã đến mức chót rồi, không còn trì hoãn được nữa. Bà con lối xóm đi đâu hết. Vơ vét gạo củi, đùm túm quần áo đi hết. Lùa bò, dắt trâu đi hết. Quẩy lúa gánh đường đi hết. Trên xóm Dương không còn tiếng người nói. Dưới Đồng Dài không có tiếng gà gáy trưa. Bà Xự ngồi yên trên ngạch cửa, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má”.


  (Nguyễn Lệ Uyên)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Vợ ta nhiều nói, ít... cười
Vợ người ít nói, cười tươi suốt ngày
Vợ ta giống chiếc... cối xay
Vợ người yểu điệu, mảnh mai, dịu dàng



Võ Hồng nhân cách và chữ nghĩa - 2

 Sau năm 1975, có 14 đầu sách của ông được các nhà xuất bản ấn hành, gồm truyện ngắn, truyện thiếu nhi, thơ và tiểu thuyết…, nhưng hầu hết, hoặc ông đã viết trước kia như tiểu thuyết Thiên Đường Ở Trên Cao. Những truyện viết mới hầu hết là những phác thảo được sửa chữa viết lại, kể cả tập Chúng Tôi Có Mặt (khởi viết từ 1972) và Trầm Tư là gom lại những suy nghĩ nhận xét của ông về các vấn đề quanh cuộc sống thường ngày. 

 

Trong 14 tác phẩm sau này ông viết bằng nỗi niềm hoài nhớ quê hương, viết về người cha, người thầy, về các em nhỏ, về cây mãng cầu, bụi ớt… Trong tất cả những đầu sách này (XB sau 75) đều “dễ thương”, bỡi người đọc sau khi gấp sách lại, hình như cảm thấy trong truyện có bóng dáng mình, bạn bè, người thân của mình thấp thoáng đâu đó, có mái trường mà hồi xưa, ngày còn trẻ thơ đã thênh thang cắp sách vở đi về ngày hai buổi… và mỉm cười thích thú với những hồi tưởng mang mang… trải bay nhẹ theo cơn gió nồm chiều.

 

Nhưng trong số ấy, tôi chú ý nhất vẫn là quyển Chúng Tôi Có Mặt, một tập truyện không có bóng dáng con người, con người bị đẩy qua bên kia chiến lũy, bị lên án… để cho loài vật hiện diện, làm chủ cái tập thể gia súc, gia cầm, chồn, cáo, beo, gấu, niềng niễng, bọ chét, rệp… Ngay Lời Mở Đầu của tập truyện, ông nói: “Tôi viết tập truyện nhỏ này với niềm say mê thích thú chưa từng có. Một mình trên căn gác, suốt ngày tâm hồn đắm vào thế giới loài vật những cọp những beo, cáo, gấu, chìa vôi, bìm bịp, chèo bẻo… tôi tưởng như chúng đang chạy nhảy và đối thoại quanh tôi. Thật là những giờ phút kỳ diệu. Viết xong đọc lại, cười. Như đọc văn của ai. Thích hơn khi viết vê người, bởi nghĩ rằng viết về người đã có nhiều ngòi bút khác viết rồi. Đằng này do mình tưởng tượng dựng ra thì hy vọng chúng mang trọn vẹn bản sắc của tâm hồn mình.”

 

(Nguyễn Lệ Uyên)


Trăng

Trăng hôm nay cao quá, 
Anh muốn hôn vào má. 
Trăng hôm nay cao tít, 
Anh muốn hôn vào...
Trăng hôm nay mới nhú, 
Anh muốn hôn vào…



226 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ  

Vương Trí Nhàn là một nhà nghiên cứu văn hóavăn học và là nhà phê bình văn học. Ông sinh ngày 15-11-1942 tại Hà Nội. Quê quán của ông là xã Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Đại học Sư Phạm năm 1964, sau đó là dạy học và về sau làm báo. Tác phẩm:

Sổ Tay Truyện Ngắn (Sưu tầm, biên soạn, dịch, Tác phẩm mới 1980, in lại 1998)

Bước Đầu Đến Với Văn Học (tiểu luận phê bình, Tác phẩm mới)

Một Số Nhà Văn VN Hôm Nay Với Hà Nội (kể chuyện đời sống văn học, Hà Nội, 1986)


Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã nhận xét về ông:

Trong số những cây bút phê bình lý luận Việt Nam hiện đại, Vương Trí Nhàn là một người từ mấy chục năm nay đã tạo được một giọng điệu riêng khó lẫn. Ông không phải là người tiếp cận thật sâu một vấn đề gì đó và triển khai nó đến tận cùng, mà thường vấn đề gì cũng lướt qua một cách nhẹ nhàng, nhưng lại có những nhận xét khá thâm thúy.


***

Những trang viết của Vương Trí Nhàn không bao giờ tẻ nhạt. Ông viết về chân dung các nhà văn dưới nhiều lát cắt khác nhau, bằng những trải nghiệm của mình, theo cách riêng của mình. Vì vậy, dù có thể là những chân dung nhà văn ta đã đọc, đã có nhiều người nghiên cứu, nhưng tập sách Cánh bướm và đóa hướng dương của Vương Trí Nhàn, phác hoạ chân dung 39 nhà văn từ cổ điển tới nửa sau thế kỷ XX, vẫn có nét hấp dẫn. 


Với các nhà văn cổ điển hay các nhà văn qua đời đã lâu mà ông chưa có dịp tiếp xúc, Vương Trí Nhàn dành nhiều công sức khảo cứu, đúc rút những nét riêng. Từ một Nguyễn Gia Thiều rực rỡ và khắc khoải, Hồ Xuân Hương ham muốn sống “thật đã đầy, thật trọn vẹn”, một Tản Đà tự nhiên, thành thực… đến một Phan Khôi hiếu sự, Thế Lữ mở đường táo bạo, Thạch Lam về với cội nguồn từ văn hóa, Hàn Mặc Tử hồn thơ siêu thoát…, qua những trang viết của Vương Trí Nhàn, ta không chỉ hiểu văn chương mà còn nhận ra những mẫu người thời đại đó, thời kỳ đó. Nhưng, có lẽ đầy đặn và sinh động hơn cả là những trang viết về những đời văn kéo dài suốt hai nửa thế kỷ: Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Tế Hanh… và gần với chúng ta hơn: Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu… Không chỉ qua tác phẩm mà còn qua chính cuộc đời của họ, Vương Trí Nhàn viết với tất cả những gì đã thâu lượm được từ những lần tiếp xúc, trò chuyện với họ

(Vương Trí Nhàn và những nỗ lực bền bỉ - Nguyên Trường)



Hà Nội trong mắt người trí thức

ĐT : Tháp Bút ở Hồ Gươm mang hàng chữ "tả thanh thiên" của cụ Nguyễn Văn Siêu, một trong hai "bồ chữ" của thiên hạ. Không biết cụ Nguyễn Văn Siêu do nghĩ nhiều quá, mong muốn nhiều quá mà không làm được gì nên đành viết lên trời xanh như vậy? 

NHC : Nguyễn Văn Siêu là hình ảnh lộn trái của Cao Bá Quát. Cao Bá Quát muốn có một cơn bão quét sạch bụi bặm để đổi mới chóng vánh mọi cái cũ trên đời, đó là ý thức nung nấu trong lòng Cao Bá Quát. Sĩ phu thuở ấy muốn gì? Muốn có thay đổi và tất cả như dồn lại trong tâm hồn họ Cao. Cao Bá Quát chính là sự bột phát nhãn kiến bén nhạy của sĩ phu Thăng Long. Nguyễn Văn Siêu thì không thế. Mọi điều suy nghĩ ông đều nén lại trong lòng. Nén lại đến mức không còn tìm ra lời giải cho những điều mình nghĩ. Không tìm ra, không biết hỏi ở đâu thì hỏi ở trời xanh


ĐT : Tại sao phải nén lại như vậy? 

NHC : Họ là hai người bạn, cùng chí hướng nhưng tính cách có khác nhau. Nguyễn Văn Siêu là một người nhẫn nhục chịu đựng, tự thấy những cái ngưỡng không vượt được. Không vượt được cả chính mình. Ông rất khâm phục Cao Bá Quát. Nhưng hành vi quá khổ của Cao Bá Quát thì tư tưởng của ông không bắt kịp. Đó chính là cái mâu thuẫn ông không giải quyết được cho chính mình. Phải viết lên trời xanh là vì lẽ ấy. Mỗi ông đều có cái hay. Người mà như Cao Bá Quát thì ít.

(phỏng vấn Gs Nguyễn Huệ Chi - Đào Tuấn)


Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua 

Ở miền Nam, những truyện Tàu có được dịch ra như Phong Thần, Tam Quốc, Đông Châu Liệt Quốc. Rồi khuôn mặt của Hồ Biểu Chánh nổi bật trong những năm 1912 với những tác phẩm bình dân của ông. Như thế là tiểu thuyết hiện đại khai sanh ở miền Nam nhưng những truyện của Hồ Biểu Chánh chỉ được biết đến ở Nam Kỳ còn độc giả ở Bắc hoàn toàn không biết tới. Phải đợi đến năm 1925 khi "Quả Dưa Đỏ" của Nguyễn Trọng Thuật và "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách được in ra, tiểu thuyết mới có một tiếng vang trong toàn quốc (155-156).


Ngoài việc tiết lộ một bức thư riêng của Nguyễn Tiến Lãng cho biết ý kiến của ông Lãng coi "Giấc Mộng Con" mà ông đề tựa in năm 1916 là tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên, ông Nguyễn Trần Huân vẫn giữ luận điểm của ông đã viết ra trong Introduction à la Littérature coi "Tố Tâm" là "tiểu thuyết đích thực" (le vrai roman) và có một "tiếng vang cả nước" (retentissement national) cùng với "Quả Dưa Đỏ" mặc dầu truyện này có nhiều khuyết điểm và vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề văn chương Trung Hoa, trái lại Tố Tâm chịu ảnh hưởng văn chương Pháp (cuốn La Dame aux Camélias) và ông kết luận bằng khẳng định: "Thực tế có thể coi năm 1925 là năm khai sinh tiểu thuyết Việt Nam". 


Điều đáng lưu ý là ông Nguyễn Trần Huân đã nêu lên trong bài là "Vấn đề đặt ra cả ở miền Bắc và miền Nam là tìm xem cuốn tiểu thuyết nào kể như cuốn truyện được mọi người nhìn nhận là tiểu thuyết hiện đại cho đến nay vẫn chưa được giải quyết" và ông đã biết giả thuyết của nhóm ông Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng về cuốn tiểu thuyết đầu tiên có ở miền Nam vào quãng 1872 có lẽ là cuốn Trần Đại Lang, ông cũng đã nhắc đến cuốn "U Tình Lục" của Hồ Biểu Chánh (1913). Nhưng không thấy ông có ý tìm kiếm ở miền Nam xem có gì khác ngoài Trần Đại Lang, Hồ Biểu Chánh, và vẫn tiếp tục giới thiệu các tác giả miền Bắc.


(Lê Tấn Tài giới thiệu và trích dẫn)


Làng văn xóm chữ

Sáng chủ nhật 1 tháng 12, 2002 vợ chồng Nguyễn Đắc Điều và vợ chồng tôi đã tới thăm chị Thái Thanh ở thành phố Garden Grove. Anh Điều là cựu chủ tịch Tổng Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh, tức là đồng môn với tôi.

Buổi thăm nhau tuy diễn ra bình thường, nhưng cũng có ý đến cảm ơn chị, chả là hồi tháng 10, hai gia đinh chúng tôi tổ chức sinh nhật chung ở một nhà hàng, chị Thái Thanh đã tới dự và đã lên sân khấu trình bầy nhiều ca khúc để mừng chúng tôi.

Tôi tò mò hỏi:

- Chị có ba chị em là chị Thái Hằng, anh Hoài Bắc, và chị. Cả ba đều nổi tiếng về âm nhạc. Vậy ông cụ hay bà cụ hay cả hai đã "di truyền" dòng máu văn nghệ này?

Thái Thanh : Vâng ba người mà anh vừa nói là cùng mẹ ruột. Ông cụ tôi còn bà trưởng, tức là mẹ trên của chúng tôi, thì có anh Phạm Đình Sỹ và anh Hoài Trung.


Khi bà trên mất rồi thì ông bố tôi mới cưới mẹ tôi. Nói đúng ra thì cả bố tôi và mẹ tôi đều chơi đàn cổ như đàn tranh, đàn bầu, nhị, sáo... Cụ ông chơi những thứ đàn đó còn cụ bà thì chơi tỳ bà. Mẹ tôi giỏi về nhạc lắm. Tôi nhớ ngày xưa tôi có được nghe cụ hát ả đào thật tuyệt. Hát ả đào ngày xưa khác với thời bây giờ nhiều. Thời xưa nó là một thú chơi rất văn học nghệ thuật. Các bạn của bố tôi mỗi khi làm được những bài thơ hay là tới đưa cho cụ hát, rồi mọi người ngồi thưởng thức.


(Đỗ Tiến Đức)



Bản Bolero đầu tiên của âm nhạc Việt 

Thật không ngờ, bài tình ca viết với điệu thức rumba bolero đầu tiên lại có sức chinh phục và cuốn hút người nghe đến vậy. Nắng Chiều được phát liên tục trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, Đài Pháp Á (đường Hàm Nghi, Sài Gòn) và Đài Phát Thanh Huế. Lúc bấy giờ, người ta chỉ được nghe nhạc qua sóng phát thanh từ radio; nhà nào sang lắm mới có được máy pick up hát đĩa than. Nhiều thế hệ ca sĩ sau bà Minh Trang như Quỳnh Giao, Mai Hương, Kim Tước, Hà Thanh và các ông Anh Ngọc, Ngọc Long cùng hát Nắng Chiều và cũng được người yêu nhạc tán thưởng.


Lê Trọng Nguyễn viết Nắng Chiều đúng quy chuẩn của một ca khúc, xét về mặt nhạc pháp. Ca khúc được viết với cung sol trưởng; mỗi ô nhịp 4/4 rất ít nốt nên tiết tấu khoan thai, vận dụng nhịp ngoại tài tình, chuyển âm giai rất phong phú. Đặc biệt, đoạn điệp khúc được ông biến tấu qua mi thứ – âm giai tương đương cùng bộ khóa, nên giai điệu ca khúc rất mềm mại và đẹp. Âm hình cấu tạo của ca khúc gồm đoạn A (A1 + A2) + B (B1 + B2) + A’ (giống như A2). Cấu trúc ca khúc cổ điển nhưng nội dung lại hàm chứa nét nhạc hiện đại và lãng mạn như phong cách rumba bolero Mỹ Latin.


(Vũ Đức Sao Biển)



Chữ nghĩa làng văn

Ngẫm chuyện hồi xưa - 2

Sau năm 1954, ở miền Nam, chương trình Hoàng Xuân Hãn vẫn được xem là bộ khung để sửa đổi, cập nhật, kể cả các môn khoa học cho phát triển chung. Hệ 12 năm vẫn duy trì cho bậc giáo dục phổ thông, phân ban ở đệ nhị cấp (cấp 3 bây giờ), với ban A (Lý hóa Vạn vật), ban B (Toán lý hóa), Ban C (ngoại ngữ văn chương/Triết cho lớp 12), và ban D (cổ ngữ và văn chương/Triết).


Điều thấy rõ là thể chế thi cử ngày càng nhẹ. Mới đầu là bỏ thi vấn đáp ở kỳ thi trung học đệ nhất cấp từ năm 1959, và rồi bỏ luôn thi vấn đáp ở đệ nhị cấp.


Kể từ niên khóa 1962- 1963, miền Nam bỏ thi tiểu học. Năm 1967 bỏ thi trung học đệ nhất cấp, và năm 1974 bỏ luôn thi tú tài 1.


(Vũ Thế Thành)



Để nhớ lại một thời

Hoài niệm xe đò

Nghe vậy thôi, sau này tôi tìm hiểu thêm chút ít, biết rằng người Bắc gọi xe đò là xe khách hoặc xe ca, còn người Trung lại gọi xe đò giống như người Nam. Một số người giải thích vì hầu hết các chủ nhà xe đi miền Trung là người Sài Gòn nên “xe đò” trở thành phương ngữ chung cho tiện. 


Và rồi câu chuyện sôi nổi hơn khi nhà văn (Sơn Nam) nhắc tới kỷ niệm thời học sinh trung học từng đi xe đò từ Rạch Giá về Cần Thơ mà ông có nhắc lại trong tập “Hồi Ký Sơn Nam”: 

“…Tiền xe từ Rạch Giá đến Cần Thơ là một đồng hai (120km) nhưng nhỏ tuổi như tôi chỉ tốn có 6 cắc. Tôi lên xe ngồi để người phụ xế sắp đặt chỗ ngồi cho gọn, khép nép, chung quanh xe là nhiều người rao hàng để hành khách ăn buổi sáng vì buổi trưa mới đến bến Cần Thơ. Tôi còn nhỏ, ba tôi cho riêng tôi 2 cắc, trong khi ấy gia đình khá giả dám trả 1 đồng hai (hai chỗ dành cho trẻ con) lại dành cho con một cái bánh bao to để ăn dọc đường. Xe đò bóp kèn inh ỏi, chạy vòng quanh để tìm kiếm khách…”.

(Trang Nguyên)



Nền giáo dục đại học ở Việt Nam 

Tại Việt Nam, Viện Đại Học Đông Dương được thành lập năm 1906 trên cơ sở các trường đại học Y Khoa, trườnh Hậu Bổ (sau là trường Luật, trường Hành Chánh), trường Công Chánh…Nhiều người xuât thân từ trường Đại Học Đông Dương là những trí thức nổi tiếng của hai miền Nam Bắc. Đây là điều chúng ta thẳng thắn nhìn nhận là niềm hãnh diện chung của đất nước.


Hòan cảnh lịch sử của đất nước đã đưa đến việc từng giai đoan. Nền giáo dục đại học tại nước ta chịu ảnh hưởng của các nước Tây phuơng khác, từ tên gọi bằng cấp đến việc giảng dạy. Trước 54, chúng ta chịu ảnh hưởng của Pháp. Tại miền Nam, một phần của ảnh hưởng kéo dài đến 75, bên cạnh ảnh hưởng của nền giáo dục Mỹ. Trong khi đó miền Bắc chịu áp lực của Liên Xô và Trung Quốc...Hậu quả là sau 75 có nhiều ngộ nhận trong vấn đề tiêu chuẩn hóa bằng cấp.


Thí dụ như văn bằng thạc sĩ, tại miền Nam trước 75, đây là văn bằng để chỉ người thi đậu kỳ thi của Pháp nhằm để tuyển giáo sư dậy đại học và trung học. Rất khó để so sánh văn bằng này với tiến sĩ (vì có một số những người ứng thí này đã là tiến sĩ rồi) vì tiến sĩ đòi hỏi một công trình nghiên cứu. Trong khi thạc sĩ phải qua một kỳ thi rất khó và số đậu chỉ có giới hạn. Người đầu tiên có văn bằng này là Phạm Duy Khiêm, thạc sĩ văn phạm năm 1935, sau đó là thạc sĩ tóan Hòang Xuân Hãn, thạc sĩ triết học Trần Đức Thảo, thạc sĩ kinh tế Vũ Quốc Thúc, v…v…


Hiên nay ở trong nước vì theo Trung Quốc, dịch chữ “thạc sĩ” chỉ người đậu “cao học”. Thuật ngữ này gây nhiều hiểu lầm khi đề cập đến hệ thống văn bằng Anh, Mỹ, Pháp. (master)


(Ông Nghè ông Cống xưa và nay – Trần Thạnh)



Thưởng trà

Vào lúc đẹp trời, chủ nhân (và khách) trong không gian có sương rơi (hoặc không rơi) có chim hót (hoặc chim gù) có mây bay (hoặc ngừng bay) có gió hây hẩy (hoặc lượn lờ) có hoa nở hàm tiếu (hoặc mãn khai) ngắm nhìn thích thú những cảnh vật như thân quen dường như vẫn chưa khám phá hết nét diệu kỳ của nó
Mấy cái độc bình, cái choé, bức bình phong đứng im lìm nhưng lại phát ra những thông điệp bất tận...

Tôi thấy cha tôi và các chú như mãi thẩm bình chuyện xưa không biết chán! Cái bình vẽ tích Chu Du (Trời đã sinh ta sao còn sinh Lượng)  Cái choé vẽ cảnh Hàn Tín vấn Tiều  (Hàn Tín hỏi thăm tiều phu đường để chạy trốn, rồi giết tiều phu vì sợ ông ta nói lại với người đuổi theo...).  Tích cũ nhưng ngắm lại vẫn cứ gật gù... như chưa thế nào hiểu hết tâm sự của Chu Du và Hàn Tín.


Rồi ấm và chén uống trà, cha tôi sắm đủ cả nào Thế Đức , Mạnh Thần... ba loại độc ẩm, song ẩm, quần ẩm... và đĩa chén thì năm sáu bộ như ông Nguyễn Tuân vậy. Nước đã sẵn sàng (ông Nguyễn Tuân nhấn mạnh về nước giếng... ) với than và quạt , luôn tính toán cho độ sôi vừa đủ (cái ấm bằng đồng thau có tay cầm bằng gỗ, dưới đáy ấm có vài kim hoả bằng đồng đỏ cho mau sôi và khi sắp sôi có tiếng reo để ta biết độ sôi của nó đã đến).


Tôi thấy nước từ ấm đồng rót qua ấm Thế Đức để một lúc cho trà ngấm rồi rót qua chén tống, gạn qua chén quân để ta cầm chén uống liền. Các cụ đã thưởng trà bằng cách để môi cách mặt nước và lấy hơi rít nước lên để thưởng hết cái mùi hương trong nước và mùi hương... đang bốc lên. Cái ấm đất quần ẩm sẽ đủ cung cấp nước cho dăm chén quân. Và thế là xong một tuần trà . 

Cái ấm đồng trên lò than đã được bớt lửa, không để sôi lâu làm cho nước chín quá! Muốn uống tới tuần 2 thì người ta lại đổ trà trong ấm đất đi, tráng qua ấm rồi đổ trà mới. Rồi quạt lò, rồi làm lại từ đầu... Nhưng hai tuần trà không liền nhau đâu, và ở giữa là một màn bình thơ. Một buổi thưởng trà thường chỉ kéo dài hai ba tuần là cùng. Một buổi mấy tiếng đồng hồ mà chỉ dùng tới hai, ba chén bằng ngón chân cái thì sao gọi là “uống trà” được? 

Vì vậy các cụ nôm na là...“thưởng trà”.

(Chân Diện Muc)



Thành ngữ tục ngữ… sai 

Có những từ Hán-Việt quan trọng trong câu thành ngữ bị GS bỏ qua khi dịch nghĩa làm mất đi cái hay, cái đẹp, hoặc khiến bản chất câu thành ngữ bị thay đổi:

Làm trai cho đáng nên trai, 

đánh đông đông tĩnh, đánh đoài, đoài tan 

(Đoài là từ địa phương có nghĩa là phía Tây).


- Không biết “địa phương” mà GS nói là vùng nào, xứ nào? Thưa GS, “Đoài” (兌)không phải là “từ địa phương” mà là một từ Hán-Việt, tên một quẻ trong bát quái ứng với hướng tây (chính Tây), nên người ta còn gọi hướng Tây là hướng Đoài.  

Xưa, cách đặt tên làng, xóm đơn theo phương hướng, vị trí như: xóm Đông, xóm Đoài, làng Thượng, làng Hạ… Cách đặt tên này có ở nhiều vùng. Hoàn toàn không phải mang tính địa phương. Thậm chí cả vùng Sơn Tây rộng lớn được gọi chung là xứ Đoài.


Tham khảongười ta còn gọi gió tây là gió Đoài, gió mùa thu là gió Đoài (vì mùa thu ứng với hướng tây thuộc hành kim). “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Paulus Của giải thích: “Đoài một dấu trong 8 quẻ chỉ nghĩa là nước núi. Hướng đoài-Hướng tây. Gió đoài, gió tây, gió thu. Xứ Đoài Sơn Tây”. 

Thơ Quang Dũng: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm,…”. Thơ Nguyễn Bính: “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông, cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?” 


(Hoàng Tuấn Công)



Tản mạn về tiếng Việt 

Cái 

Cái gì tĩnh, hay ít động hơn thì gọi là cái như cái ly, cái cốc, cái chén, cái bát, cái bàn, cái ghế, cái tủ, cái giường, cái nhà... và cái giếng, cái ao, cái hồ, cái (hĩm)... của phụ nữ. Theo nguyên tắc hễ động (dương), thì dùng mạo từ con, còn cái gì tĩnh thuộc âm, thì dùng mạo từ cái, như cái giếng, cái ao, cái hồ.... và cái nhà.

(Minh Võ)


Đường quan

Căn cứ vào vết tích của những đoạn đường cũ, kết hợp với ký ức của dân bản địa, có thể xác định con đường thiên lý xưa. 

Từ đền Dâu, cách thị xã Ninh Bình 18 km, cách Hà Nội 111 km, đường thiên lý vòng về Quốc lộ 1. Di tích của đường thiên lý còn khá rõ với gờ đường khá rộng khoảm 4 m.

Dân bản địa gọi là “đường quan” hay “đường triều chính” nay gọi là đường cái quan.


(Tìm về cội nguồn – Phạm Huy Lê)



Tản mạn về tiếng Việt 

Con


Luật trừ: có một thứ không sinh động nhưng gọi là con như con dao. Nhưng với cái kéo. Cứ nhìn con dao và cái kéo trong lúc chúng được dùng vào việc thì thấy rõ ràng cái kéo linh hoạt hơn con dao. Nên đáng lý phải gọi con kéocái dao thì mới đúng luật âm (tĩnh) dương (động) chứ. Nhưng ngôn ngữ Việt là vậy. Do đó trường hợp này phải coi như luật (mẹo) trừ. Và, con đường có phải cũng là luật trừ không? Hay vì đường cũng được gọi là đường đi, mà trong chữ đi thì có hàm ý di chuyển, chuyển động.


(Minh Võ)


Võ Kỳ Điền với thảo mộc

Cây hòe

Có một loại cây mà thơ văn thường nhắc đi nhắc lại, khiến tôi tò mò. Đó là cây hoè. 

- Tiếng sen sẽ động giấc hoè, bóng trăng đã xế hoa lê lại gần (Kiều)
- Thừa gia chẳng nết nàng Vân, Một cây cù mộc, một sân quế hòe (Kiều).

- Cù mộc thì là cây si (ficus benjamina họ Moraceae), Việt Nam mình có nhiều, thuộc loại cây to, tàn rậm, lá nhỏ, nhánh có nhiều rễ mọc lòng thòng xuống tới đất. 

Cây hoè cao chừng 15 đến 20 thước, tàn rậm to, ngọn tròn vỏ đen nâu sần sùi. Lá nhỏ như lá me, mọc đối nhau, trái cũng giống như trái me nhưng nhỏ và dẹp. 

Hoa vàng tươi nhỏ cở 1 cm, nở vào tháng tám. Vài ngày sau khi nở phai nhạt từ từ, rụng thành thảm hoa trắng trên bãi cỏ xanh. 


Nhân nghĩa bà Tú Đễ

Lại có chuyện, bà Tú Đễ còn có thói quen hay đồ xôi nếp để ăn. Chẳng cần đợi đến giỗ chạp Tết nhất, hễ cứ thích là bà bắc nồi nổi lửa. Gạo nếp thổi lên thơm bay khắp cả xóm. Bọn trẻ thấy vậy ùa vào xin ăn chực. Không cho thì mang tiếng hà tiện, cho thì xót của, bà lẳng lặng gọi tụi trẻ vào, rồi bảo chúng sắp hàng ngửa tay ra bà cho. Cơm nếp đang nóng rực, bà ghế ra cả tảng rồi đổ thẳng vào tay. Chúng vội vã hất trả bà rồi chạy mất tăm.


Và tính cách bà Tú Đễ đã từ đấy đi vào kho tàng thành ngữ tiếng Việt như một câu chuyện bất bình thường về lòng nhân nghĩa.

(Bảo Lâm)



Lịch sử người Hoa ở Chợ Lớn 

Đình chứ không phải là đền. Đình trong văn hóa Việt Nam là đơn vị quan trọng dính liền với làng. Đình Minh Hương được dựng cho làng Minh Hương. Người Tầu tới Chợ Lớn bất kể nguồn gốc cố hương, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, Hẹ, hay Phước Kiến…, nói phương ngữ khác nhau, các di dân nhà Minh cũng quây quần sống chung với nhau, tổ chức thành làng xã, và  cũng xây đình như người Việt. 


Trong đình, thay vì họ thờ thần hòang như mọi nơi khác, mà họ thờ các bậc tiên hiền, hậu chủ, và các danh nhân gốc Minh Hương, như Trần Thượng Xuyên, một trong những di tướng nhà Minh, sau là người khai phá Cù Lao Phố.

 

Hay một ông tướng học trò của Võ Trường Toản, mà ông nội đã có mặt trong nhóm 3000 người tỵ nạn tại Đàng Trong, tên là Trịnh Hoài Đức (1765-1825), là tác giả những bộ sách địa dư chí nói về vùng đất Gia Định (Gia Định Thành Thông Chí). 


(tượng Nguyễn Hữu Cảnh)


Đặc biệt nhất là đình Minh Hương thờ một ông tướng Việt: Đó là Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh.

(Huỳnh Thị Mỹ Nhàn)


Tìm lại tam cúc

Mặc những bất cập ngây ngô, tam cúc vẫn lừng lững đi vào văn thơ. Từ tam cúc của thời thơ dại như bài thơ của Trần Đăng Khoa viết về câu chuyện có thật của cô em gái tên Giang đánh bài tam cúc với con mèo.

Bé đánh tam cúc

Với con mèo khoang

Nắng hồng chín rực

Bỗng nhiên bay vào

Rung râu, chớp mắt 

Mèo ta “Ngoao! Ngoao!”

Đây là tướng ông

Chân đi hài đỏ

Đây là tướng bà

Tóc hiu hiu gió

Đây là con ngựa

Chân có bụi đường

Và đây quân sĩ 

Thuộc làu văn chương


(Song Thao)


Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)

Cuốn Perils of Dominance của Gareth Porter quá nhiều thiếu sót, sẽ không có bạn đọc uyên thâm nào để ý đến, khoan nói tới chuyện nổi lôi đình vì những nhận thức sai lạc đến kinh ngạc của tác giả. Tóm lược bao quát về những cái sai của Gareth Porter về các sự kiện lịch sử ở Đông Nam Châu Á đã trở thành thông tin đại chúng. Rất tiếc, một số học giả và nhà xuất bản có tiếng ở Hoa Kỳ đã không kiểm tra những thông tin đại chúng ấy đến nỗi mua nhầm phải hàng dỏm. 

Lý luận ngày xưa, cách đây đã 34 năm về những cuộc thảm sát ở Huế hay về chiến tranh Việt Nam trong cuốn Perils of Dominance  cũng như nhau, chẳng có gì mới hơn để đọc. 


Đến năm 2008, Gareth Porter có thêm đồng minh: Đại tá quân đội nhân dân, Phó Tổng biên Tập Báo Nhân Dân, phụ trách Nhân Dân Chủ Nhật, người thoát ly với chế độ cộng sản từ năm 1990 – Bùi Tín. Trong cuộc phỏng vấn (20) với Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt, “Mậu Thân 68: Chuyển bại thành thắng”, ngày 24 tháng Giêng 2008.


(20) Nghe phỏng vấn ông Bùi Tín. Nguyễn Hùng, BBC Tiếng Việt, 24/01/2008. Online: http://snipurl.com/21hr6 [www_bbc_co_uk], February 15, 2008

Đại tá Bùi Tín nói:

… tôi biết có một kỷ luật chiến trường rất chặt chẽ, nghiêm cấm đánh đập, nghiêm cấm đối xử xấu với tù binh. Tù binh được giữ để đưa lên núi; những lượng nào (mà) những người nào (mà) gọi là phản động, nguy hiểm (thì) phải đưa ra miền Bắc; sau này được biết là anh em họ cũng có một (cái) lệnh thêm nữa là giải lên núi, lên căn cứ đó nhưng không được để cho tù binh trốn thoát. Và nếu (họ) trốn thoát là để lộ bí mật, rất là nguy hiểm; thế cho anh em mới không cho tù binh trốn thoát cho nên khi quân Mỹ, nhất là TQLC Mỹ đổ bộ lại từ Phủ Bài trở ra để lấy lại Huế, anh em họ trói (tù) hàng mấy trăm, hàng nghìn người, rồi do bị vướng chân là một, rồi lại bị (hải) pháo ở ngoài biển bắn vào, cho nên phần lớn là do tự động các chỉ huy tiểu đoàn, đại đội, trung đội, cho đến trung đoàn cùng đồng lõa với nhau để thủ tiêu không cho cấp trên biết. (TGT viết nghiêng)


Trước đó là việc bắt tràn lan, và đưa ra thông tin là ở Huế rất nhiều người phản động, dân vệ cũng phản động, họ hàng tôn thất cũ của hoàng gia cũng phản động, đảng Dân chủ cũng phản động, chính quyền cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, đều bị coi là những phần tử nguy hiểm, phản động cả. Cho nên là trong danh sách những người không được để bỏ chạy, không được để thoát thân, rất là nguy hiểm mà cũng không đưa lên núi được vì rất vướng chân, rất khó khăn; đến khi bị truy kích theo, pháo kích theo, rồi bị bom B52 nữa, do đó phần lớn những anh em đó đã bị anh em thủ tiêu.

(Trần Giao Thủy)


Bức tượng “Thương Tiếc”

Tổng thống Thiệu vui vẻ và đồng ý xem “tốc họa” trên bao thuốc lá. Ông cầm bản phác thảo Hạ sĩ Võ Văn Hai vẽ ngồi trên ghế ngắm nghía, một lúc sau ông nói: “Anh Thu à, người nghệ sĩ hay lãng mạn lắm mà chiến sĩ của mình thực tế hơn, họ cần một cái tên cho đề tài, anh cho tôi biết đề tài của bức hình là gì đây?”


Anh Thu lần lượt đề nghị các tên: (1) Khóc bạn, (2) Tình đồng đội, (3) Nhớ nhung, (4) Thương tiếc và (5) Tiếc thương. Cuối cùng Tổng thống chọn tên Thương Tiếc cho bức phác họa Hạ sĩ Võ Văn Hai ngồi nhớ bạn. Tổng thống còn nhắc nhở phải làm sao nói lên được ý nghĩa vừa thương tiếc bạn bè nằm xuống nhưng cũng phải thể hiện tinh thần chiến đấu của người lính VNCH lúc nào cũng vững tay súng.


Bất ngờ, Tổng thống yêu cầu anh vẽ một bản thứ hai lớn hơn, vẽ tại chỗ, ngay ở dinh Gia Long. Thế là với dụng cụ giấy vẽ, bảng đen và các loại màu được cung cấp ngay theo yêu cầu, anh Thu bắt đầu… “ra tay” trước mặt Tổng thống Thiệu và một số sĩ quan thân cận của ông. Anh Thu có thêm yêu cầu cần một người ngồi làm mẫu… và trong số các sĩ quan hiện diện, chính Đại tá Cầm “xung phong” làm… người mẫu! Thực ra thì hình ảnh Đại tá Cầm mặc quân phục chỉnh tề, “ủi hồ láng cóng”, không thích hợp với hình ảnh người lính thật sự nhưng đó chỉ là một hình ảnh gợi ý để sáng tác cấp tốc.


Anh Thu còn xin thêm thêm 1 khẩu súng trường cho Đại tá Cầm để trên đùi, đó là khẩu Garant M1 đang được quân đội sử dụng trên chiến trường… Anh cũng đề nghị trong lúc anh vẽ, tất cả mọi người miễn đặt câu hỏi, vì nếu như thế anh sẽ mất sự tập trung trong sáng tác và sẽ thất lễ nếu anh không dừng vẽ để trả lời.  


Khó khăn của anh Thu là phải hoàn thành tác phẩm trong một thời gian gấp rút, anh tâm sự: “Lúc bấy giờ, không biết có một điều xui khiến vô hình nào đó mà tôi xuất thần phóng bút vẽ lại Hạ sĩ Hai… Không biết là tôi vẽ hay là ai nữa!”.

(Nguyễn Ngọc Chính)



Mây Hàng, mây Tần

Gửi áng mây hàng là tên một nhạc phẩm của Vũ Thành.

Mây hàng là mây trắng bay trên núi Thu (sic) Hàng:

Lòng còn gửi áng mây Hàng

(Kiều)

Mây Hàng cũng là mây trắng trong truyện Địch Nhân Kiệt

đi làm quan xa, một hôm lên núi Thái (sic) Hàng nhìn thấy

mây trắng bay ở xa, nói với người đứng bên rằng “Ngô thân 

xá kỳ hạ”, nghĩa là cha mẹ ta ở dưới đó Địch Nhân Kiệt đứng

một hồi lâu chờ đám mây bay đi mới rời bước.

Bạch vân thiên tải không du du

(Thôi Hiệu)

Nghìn năm mây trắng trên trời còn bay

(Tản Đà)


Mây Tần là mây trên núi Tần Lĩnh, chỉ lòng nhớ quê hương…

Lòng quê theo ngọn mây Tần xa xa

(Kiều)


Mây Hàng, mây Tần đều là tình cảm nhớ quê hương 


(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)


Kịch tác gia Trần Lê Nguyễn

Buồn, buồn quá đi thôi khi ngồi trước Tú Kếu, nhà thơ sinh ra ở đất Sơn Tây, bây giờ có lẽ đã quên rồi. Rất may có một dạo, sau khi ra tù, Tú Kều đưa vợ con về thăm quê nội, còn sót lại gì trong anh không? Hãi hùng quá trước một sự trống rỗng thăm thẳm.

Đây cũng là những gì cần trả lời cho Khanh, cháu của cậu Nhiên (lên tục của Tú Kều). Cháu viết thư về thăm hỏi cậu Nhiên, cậu Long, mơ ước một ngày về thăm quê hương được cùng cậu thăm lại xứ Sơn Tây. Cháu Khanh bé nhỏ hồi nào, thương cậu Nhiên, thương cả bạn thân của cậu Nhiên là cậu Long. Khi đó hai cậu theo đuổi nghề viết văn làm báo, nghèo lắm, và có lẽ cái nghèo, cái khốn khó ấy đeo đuổi suốt đời

Cho đến bây giờ, sau mấy chục năm trời, sau khi Hồi Ký Viết Trên Gác Bút của tôi ra mắt độc giả ở bên ngoài quê hương, tôi nhận được thư của Khanh. Bức thư của Khanh từ nước ngoài, xứ Texas xa xôi về được địa chỉ của tôi ở ấp Đông Ba Gia Định xưa thật khó khăn, vì Khanh chỉ nhớ mài mại đến căn nhà của tôi ở đó. Thư cũng đến nơi nhưng mất một thời gian dài, công lao của người đưa thư tìm ra. Tôi biết hoàn cảnh của Khanh ở nước ngoài. Lời lâm sự của Khanh trong thư nói đến gió mưa ở xứ người và nhớ mưa Sài Gòn. Tình cậu cháu nhưng không thể coi là lãng mạn của thời mới lớn. Khanh chưa đến tuổi về hưu, nhưng cũng có cháu nội và sắp có cháu ngoại rồi. Bây giờ thì Khanh sống cô đơn trong một căn nhà ở xứ người, nhớ Sơn Tây, Sài Gòn, thèm nghe tiếng nói Việt Nam nên vẫn thường phải mở đài phát thanh Little Sài Gòn để nghe tiếng Việt. Tôi quí mến cô cháu gái như thuở nào. Tôi ngồi vào bàn viết thư hồi âm cho Khanh. Đang viết thư thì nhận được tin Trần Lê Nguyễn mất.

(Nguyễn Thụy Long)

tựa đề nguyên bản Giữa đêm trường


Tác giả: 

Nguyễn Thụy Long: bút hiệu đầu tay: Lan Giao. Sinh ngày 9.8.1938 tại Hà Nội.

Mất ngày 3.9. 2009 tại Gia Định

Tác phẩm:

Loan Mắt Nhung , Vác Ngà Voi, Tay Anh Chị , Vết Thù, Thưở Mơ Làm Văn Sĩ, Hồi Ký Viết Trên Gác Bút 



Thầy Nguyễn Khắc Hoạch, nhà giáo nghệ sĩ

Chính trong Tình Khúc Đại Học chúng ta thấy rõ sự pha trộn rất nhuyễn tình cảm và trí tuệ của thầy, ngay cái đầu đề đã cho thấy như vậy. Đại học là nơi vun trồng trí tuệ, nhưng ông đã đặt “tình khúc” tại những nơi ấy. Đại học là môi trường mênh mông của truyền thống kiến thức mà cũng là nơi chứa đựng bao sinh hoạt của tuổi trẻ, bao ước mơ xây dựng đời, bao dự phóng sửa đổi thế giới, bao mộng mơ của những tâm hồn trí thức chứa nặng hoài bão tương lai, và tất nhiên, không thể khác được, đó là đất của tình yêu. Tình khúc ở đây thì vẫn là tình đấy, nhưng đầy trí tuệ; đam mê vẫn thiết tha cuồng nhiệt đấy, nhưng luôn được nâng cao chất lý tưởng. Đẹp làm sao, các tình khúc đại học, nó chứa đựng bao thăng hoa cao thượng nhất, xứng đáng nhất mà tuổi trẻ thời đại nào cũng mong đạt tới. Khi tác giả viết “Tôi yêu...” thì cùng lúc ông muốn truyền đạt cho người đọc những gì đáng yêu nhất của cuộc đời này trong môi trường trong sáng nhất, trí tuệ nhất, là những trường đại học lừng danh của các dân tộc.


Tư chất nghệ sĩ giúp thầy Hoạch gần gũi với môn sinh, vì ông cảm nhận được những trạng thái và nhu cầu của tâm hồn lớp trẻ hơn mình. Ông không trao truyền những kiến thức lạnh giá. Ông không nhìn học trò như đám đông xa lạ đang chen chúc dưới thềm của khu đền trí tuệ nơi ông đang đứng để ban phát những tinh hoa cổ kim. Ông chia sẻ với họ kiến thức bằng những lời giảng nồng nàn, cũng như những câu thơ, bài viết mà ngôn ngữ trước khi tuôn tràn ra giấy đã đi qua trái tim của ông.


“Tôi sợ những chữ ism, một số đã tàn phá lịch sử nhân loại. Tôi sợ bị gò bó, trói buộc hay xa rời cuộc sống, vì lúc nào cũng muốn thoải mái, thênh thang, mình là mình.”


(Phạm Phú Minh)


***


Phụ đính I


40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn

nhà thơ đã khuất núi 

(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn 

Tổng hợp từ nhiều nguồn)

 

Thanh Tâm Tuyền
(1936-2006)

Nhà thơ, nhà văn Thanh Tâm Tuyền, tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13-3-1936, tại Vinh, Nghệ An. Từ 16 tuổi đã đi dạy học tại Hà Đông, viết truyện đăng trên báo Thanh Niên tại Hà Nội. Từ 1954 ông hoạt động trong Tổng Hội Sinh viên Hà Nội, chủ trương nguyệt san Lửa Việt, rồi vào Nam.


Tại Sài Gòn, ông làm cho các báo Dân Chủ, Người Việt và tham gia ban biên tập tạp chí Sáng Tạo (1956-1960) do Mai Thảo đứng tên, có ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam suốt một thập niên.

Do động viên năm 1962, ông hoạt động trong quân lực VNCH, cấp bực cuối cùng là đại úy. Từ 1975 bị đi học tập nhiều năm tại nhiều trại cải tạo miền Bắc. Sau đó sang định cư tại Hoa Kỳ.


Đã xuất bản khoảng mười tác phẩm. Ba tập thơ : Tôi Không Còn Cô Độc (1956), Liên – Đêm – Mặt Trời Tìm Thấy (1964, Sài Gòn), Thơ Ở Đâu Xa (1990, Mỹ). Ba truyện : Bếp Lửa (1957) ; Khuôn Mặt (1964), Dọc Đường (1967). Ba tiểu thuyết : Cát Lầy(1966), Mù Khơi (1970), Tiếng Động (1970), v…v… 

Ông còn nhiều tác phẩm chưa xuất bản, như tiểu thuyết Ung Thư đăng nhiều kỳ trên báo Văn, Sài Gòn.


Ông qua đời lúc 11 giờ 30 ngày 22-3-2006 tại thành phố St Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, nơi ông cư ngụ, hưởng thọ 70 tuổi.


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Gần đây thôi nhà văn Nguyễn Khắc Trường với truyện dài Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma. Ông đã làm sống lại từ trong mồ nhiều chữ mà người viết đã nghe, hoặc chính mình đã dùng và nay đã quên, đã không dùng nữa. Người viết cảm động như một khám phá, như một sưởi ấm lại ký vãng đã quên. 


Chẳng hạn thay vì nói, ông ấy bệnh nặng, sắp chết, hay ông ấy đang hấp hối, đã cấm khẩu, tay bắt chuồn chuồn. Nhưng ông lại hạ một câu: Ông ấy sinh thì rồi thì đã quá. 

Và cứ như thế dàn trải ra khắp các cuốn sách quê hương cũ tìm về, dấu chân kỷ niệm và niềm thơ ấu

(Cuộc di cư của chữ nghĩa – Nguyễn Văn Lục) 


Chữ nghĩa làng văn

Nguyễn Mộng Giác là chủ nhiệm chủ bút đầu tiên nguyệt san Văn Học, Cao Xuân Huy là chủ nhiệm chủ bút cuối cùng của tạp chí Văn Học, một nguyệt san văn chương, xuất hiện ở hải ngoại từ năm 1985 cho tới 2008, khi Cao Xuân Huy lâm vào căn bệnh hiểm nghèo và không thể cáng đáng nổi việc điều hành tờ báo. Nói như thế có nghĩa là tờ Văn Học đã không còn hiện diện trong cõi đời này vài năm, trước khi những người chủ trương quan trọng nhất của tờ báo vĩnh viễn nằm xuống.

(Hòang Khởi Phong) 



Chữ nghĩa làng văn

Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 

Năm 1959, Chế Lan Viên có bài đọc Hoa Đăng của Vũ Hoàng Chương, bài viết kèm theo nhiều trích dẫn. Trước đó, trên báo Văn Nghệ, còn thấy in một lá thư, trong đó nhà văn Nguyễn Tuân thay mặt Hội văn nghệ mời các nhà văn miền Nam cùng dự Hội nghị các nhà văn châu Á tổ chức ở Ấn Độ cuối năm 1956. Lá thư có cái giọng thực sự chân thành và trân trọng.

“Thân gửi các bạn nhà thơ nhà văn miền Nam. Chúng tôi lấy làm sung sướng chuyển vào các bạn lời mời của Ban trù bị Hội nghị Hội Văn nghệ Việt Nam trong khi cử ba bạn nhà văn nhà thơ miền Bắc sang dự hội nghị cũng rất thiết tha mong mỏi được gặp các bạn để trao đổi những kinh nghiệm sáng tác của chúng ta”.









Không có nhận xét nào: