TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐỨC NHÂN TRONG LUẬN NGỮ CỔ NGHĨA CỦA ITÔ JINSAI (Bài 3)
Đức nhân trong chương 4 Lý Nhân
Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng
Phàm lệ
– Dịch là của Nguyễn Hiến Lê.
– Chú thích và Bàn thêm là của Jinsai.
– Các mục khác là của người dịch.
CHƯƠNG 4 LÝ NHÂN
Bài 4.1 Ngoài việc chọn nơi nhân hậu để ở còn phải chọn đức nhân
để làm mẫu mực sống mới là bậc trí giả.
Tử viết: “Lý nhân vi mĩ. Trạch bất xử nhân, yên đắc trí?”
子曰:里仁為美。擇不處仁,焉得知?
Dịch
Khổng tử nói: “Làng nào có đức nhân, là nơi ấy tốt. Chọn chỗ ở mà
không lựa chọn nơi có đức nhân, thì sao gọi là sáng suốt được.
Chú thích
Làng có đức nhân đức sâu đậm (nhân hậu) là nơi ở tốt của con người.
Khi chọn tiêu chuẩn để sống cả cuộc đời mà không lấy đức nhân làm
tiêu chuẩn thì làm sao có thể gọi là bậc trí giả (người có trí tuệ).
Giải thích
Ý bài này nói khi môi trường nơi ở không tốt thì nên nhanh chóng
di chuyển đến nơi khác. Những tai hại gây nên do môi trường ở xấu
thì nhiều vô số không thể nào liệt kê ra hết được từng cái.
Tuy nhiên người đời ai cũng biết tuyển chọn, phán đoán nơi ở nhưng
khi đến việc ứng xử cách sống trong cuộc đời của bản thân thì không
biết phán đoán. Do đó không ít người trở thành con người bất nhân
(con người không có đạo đức). Mức độ bất trí (không có trí tuệ) này
phải nói là rất to lớn! Thành ngữ “không biết nặng nhẹ” là để chỉ
loại con người này.
Nhận xét
(1) Điều nên lưu ý trước tiên là cách hiểu ý nghĩa câu cuối của bài
giữa Jinsai và cụ Lê khác nhau. Cụ Lê giải thích là “lấy nơi có đức
nhân làm chỗ ở” (theo cách giải thích của Chu Hy, người biên soạn
Tứ thư). Còn Jinsai thì nói “lấy đức nhân làm cơ sở để làm người”.
Câu nói “sai một li xa một dặm” để chỉ trường hợp này chăng?
Theo người dịch thì cách hiểu của Jinsai hợp lý hơn. Jinsai cũng đã
công nhận sự quan trọng của việc tuyển chọn chỗ ở và cho rằng người
đời thường quan tâm đến việc chọn chỗ ở nhưng lại không lắm quan
tâm về việc chọn khuôn thước, mẫu mực để sống, điều mà Mạnh tử
thường hay nhận xét về thói quen không tốt của người đời.
Lời nói của thánh nhân ngày xưa thường cô đọng và hàm xúc nên
câu sau không lập lại ý của câu đầu tiên, hiểu như thế là hợp lý hơn.
Đồng thời việc chọn mẫu mực sống quan trọng hơn chỗ ở thì không
cần phải nói nhiều. Phu tử thường nói người quân tử dù nghèo khó
khốn khổ vẫn vui vẻ với việc giữ gìn đạo đức (nghĩa là môi trường
sống ít ảnh hưởng đối với người quân tử) hoặc dù ở nơi không có
đạo đức, người quân tử cũng sẽ cảm hóa được những người ở dó,
cũng nói lên sự hợp lý hơn về cách hiểu của Jinsai.
(2) Đối với tầm mức quan trọng của môi trường sinh sống, quý độc
giả có liên tưởng đến việc mẹ của Mạnh tử đã phải dời nhà 3 lần, và
nhờ vậy mà Mạnh tử mới trở thành bậc á thánh.
Fukuzawa Yukichi trong Phúc Ông Bách Thoại (Trăm Truyện) cũng
thường nói “Không Cần Phải Lo Ngại Trình Độ Giáo Dục Của Một
Quốc Gia Quá Cao” (Truyện 73) hoặc “Tiền Bạc Không Quý Bằng
Giáo Dục” (Truyện 74) (1) v.v…
Sách “The Formula” của Ronald F. Ferguson và Tatsha Robertson
(phiên bản tiếng Việt “Đại Công Thức” do Hồng Hạnh dịch, nhà
xuất bản Nhã Nam) cho chúng ta thấy rất cụ thể ảnh hưởng của môi
trường nơi ở đến sự thành công cả đời của con cái.
(3) Không biết ngày xưa bao có bao nhiêu người như mẹ Mạnh tử
làm hoặc như Jinsai nói, là biết quan tâm và biết chọn nơi ở, nhưng
theo người dịch biết phần lớn người thường phải ở nơi đã sinh trưởng
và lớn lên hoặc phụ nữ khi lập gia đình phải về ở bên nhà chồng
mấy ai có cơ hội để chọn lựa bởi vì thời thế hoặc tình trạng kinh tế
sinh hoạt còn nhiều khó khăn.
Đến thời nay, số người có khả năng hoặc có cơ hội chọn lựa tăng
nhiều hơn thời đất nước còn trong tình trạng chiến tranh và nghèo
khó. Tuy nhiên khi chọn nơi ở hoặc mua nhà người ta thường lấy
tiêu chuẩn là giá cả, tiện lợi, khả năng tăng giá nhà trong tương lai
v.v… rất ít người nghĩ đến ảnh hưởng đến việc giáo dục của con cái.
Họ quên rằng người lớn có thể tránh được các cám dỗ xa đọa, xấu
xa nhưng trẻ em thì không thể như vậy. Người dịch tin rằng nếu họ
biết ảnh hưởng của bạn bè ở chung quanh hoặc ở nhà trường có
ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của con cái như trong sách Đại
Công Thức đã xem xét và đề cập thì họ sẽ cẩn thận chọn nơi ở hơn
nhiều khi họ có khả năng chọn lựa nơi ở, vì bậc làm cha mẹ ai cũng
mong muốn con cái mình thành đạt và sống tốt lành. Do đó, có lẽ
như hiểu ý nghĩa bài này theo cả 2 cách của cụ Lê và Jinsai.
(4) Khi người dịch tra ý nghĩa của từ “Bất tri loại” trong nguyên văn
của Jinsai thấy từ điển tiếng Nhật thông thường giải thích ý của từ
này là “không biết nặng nhẹ” và ghi xuất xứ từ Bài 12 chương 11
Cáo Tử thượng, sách Mạnh Tử). Theo người dịch, đây là một ưu điểm
lớn của các từ điển tiếng Nhật giúp biết được một phần xuất xứ của
từ vựng và nếu cần thiết có thể xem xét đến cội nguồn để hiểu chính
xác hơn.
Trong khi đó trong sách Tứ Thư Bình Giải của Lý Mạnh Tuần dịch
là “không biết giống loài”, rất khó hiểu. Từ điển Hán Nôm trên Internet
dịch là “không biết sự lý”, cũng còn hơi khó hiểu.
Xong ngày 30/6/2024
Tài liệu tham khảo
(1) Fukuzawa Yukichi (1897 ): Phúc Ông Trăm Truyện, Truyện 73
và 74.
http://www.erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/73-Khong-can-lo-ngai.htm
http://www.erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/74-Tien-bac-Giao-duc.htm
Bài 4.2 Thái độ của người đạo đức, người trí tuệ và người không đạo
đức đối với đức nhân: sống không rời, làm vì biết có lợi, không thể
sống lâu dài.
Tử viết: “Bất nhân giả, bất khả dĩ cửu xử ước, bất khả dĩ trường xứ
lạc. Nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân.”
子曰:不仁者,不可以久處約,不可以長處樂。仁者安仁;知者利仁。
Dịch
Khổng tử nói: “Người không có đức nhân thì không thể ở lâu trong
cảnh khốn cùng, cũng không thể ở lâu trong cảnh hoan lạc. Người
có đức nhân vui lòng làm điều nhân, người thông minh sáng suốt
biết rằng đức nhân có lợi cho mình và cho người nên làm điều
nhân.”
Chú thích
1) “Ước” là “khốn”, khốn cùng, quẫn bách, mệt nhọc cực khổ. Ý
câu đầu nói, người bất nhân (người không có đạo đức) khi bị khốn
cùng lâu dài sẽ làm việc xấu xa, nếu được vui thích lâu ngày chắc
chắn sẽ sinh ra cao ngạo và khinh rẻ người khác.
2) “An” là hài lòng thỏa mãn, không rời bỏ. “Lợi” có nghĩa là đức
nhân đem đến thuận lợi tới hoặc thích hợp với (họ) nên (họ) thực
hiện hoặc sống theo. Ý của câu sau như sau. Bởi vì người hài lòng
sống theo đức nhân nên là bản thân họ và đạo là một, do đó dù gặp
hoàn cảnh khổ cực hay vui sướng họ vốn đều có thể sống. Người
thấy đức nhân thuận lợi, thích hợp với họ nên họ không rời bỏ đức
nhân; do đó dù có gặp khó khăn, khốn khổ họ cũng có thể sống theo
đức nhân.
Giải thích
Đối với sự khổ sở khốn khó, người bất nhân vì bắt buộc hoặc do
cưỡng bách họ có thể chịu đựng một lần trong thời gian ngắn nhưng
nếu thời gian khốn khổ này kéo dài họ sẽ không chịu đựng được và
muốn thoát ra; và nếu ở trong môi trường vui sướng lâu ngày họ sẽ
sinh ra cao ngạo khinh rẻ xem thường người khác.
Trái ngược với hạng người bất nhân, thái độ của người có đức nhân
đối với đức nhân giống sự thích hợp giữa thân thể và y phục họ mặc,
giữa đôi chân họ với đôi giày họ mang, nên họ không thấy vui thích
khi phải xa rời đức nhân dù trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.
Đó là ý nghĩa của chữ “an”.
Thái độ người có trí tuệ (trí giả) đối với đức nhân giống như người
bệnh sử dụng thuốc trị bệnh, người mệt dùng xe để di chuyển. Không
phải lúc nào trí giả cũng thân thiết với đức nhân nhưng bởi vì trong
lòng họ biết hiệu quả tốt của đức nhân nên họ không rời bỏ. Đó là ý
nghĩa của chữ “lợi”.
Tại sao người “no đầy” (bằng lòng với) nhân nghĩa không nghĩ đến
việc ham muốn mỹ vị tối cao, nét đẹp của nhung gấm y phục? Bởi vì
“Tất cả mọi vật đều có sẵn trong con người ta (người có đức nhân)”
(Bài 4 chương 13 Tận Tâm thượng, Mạnh Tử) nên phú quý, nghèo
hèn của bên ngoài không thể làm dao động tâm hồn của bản thân
người có đức nhân. Do đó, đối với người có đức nhân việc ứng đối
với hoàn cảnh nghèo túng hoặc giàu sang nhất định không phải là
vấn đề quan tâm.
Nhận xét
(1) Theo giải thích của Jinsai, thái độ của người có đức nhân (nhân
giả) đối với đức nhân gần như tự nhiên hoặc như bẩm sinh hoặc
như bậc thánh nhân. Thái độ của người có đức trí (trí giả, người có
trí tuệ) đối với đức nhân là do lý trí, không phải do tình cảm, không
phải do tự nhiên, hiểu như vậy không biết có đúng với ý của Khổng
tử muốn nói không?
Sự phân biệt giữa quân tử, nhân giả, và trí giả ra sao? Quân tử phải
thỏa mãn tam đức: trí, nhân, và dũng hoặc tứ đức: nhân, nghĩa, lễ,
và trí. Nhân giả là người chỉ cần có đức nhân là đủ hay phải có cả tứ
đức? Trí giả là người chỉ cần có đức trí hoặc trí tuệ? Đây là vấn đề
người dịch quan tâm tìm hiểu.
(2) Là con người thật ra nếu không có đủ ăn mặc, nhà ở thì khó sống
đàng hoàng, đặc biệt là trong thời đại hiện nay. Ngoài ra, còn phải
nghĩ đến con cái, bởi vì con cái còn nhỏ, sức chịu đựng và đề kháng
đối với ảnh hưởng từ ngoại giới, thấp nhiều hơn người lớn. Do đó,
Fukuzawa Yukichi đã chủ trương muốn sống độc lập trước tiên phải
có cơ sở sinh kế đầy đủ tối thiểu. Muốn sống có đạo đức cũng tương
tự.
Theo nội dung của bài này thì người có đức nhân là người yêu thích
đức nhân một cách tự nhiên như bẩm sinh, nếu không họ phải là
người có chí, hoặc ý chí rất kiên cường.
Bài 4.3 Yêu ghét của người có đức nhân thích đáng vì họ xuất phát
từ lòng yêu thương chứ không phải theo đúng sai theo phán đoán lý
luận như Tống Nho giải thích.
Tử viết: “Duy nhân giả năng hiếu nhân, năng ố nhân.”
子曰:唯仁者,能好人,能惡人。
Dịch
Khổng tử nói: “Chỉ có người đức nhân mới biết yêu người, ghét
người (một cách công tâm, chính đáng)
Chú thích
Bởi vì người có đức nhân lấy sự yêu thương làm tâm của họ, nên sự
yêu thích và chán ghét của họ chính đáng không có sai trái.
Giải thích
Không thừa nhận đầy đủ việc làm tốt của người khác trong khi đó lại
chán ghét quá đáng việc làm xấu của người khác là khuyết điểm
thường có của người đời.
Do đó, khi giao tiếp với người khác với lòng yêu thương thì chúng ta
sẽ thừa nhận việc làm tốt của họ thỏa đáng, và đối với việc làm xấu
của họ cũng không chán ghét một cách quá đáng.
Ngược lại, giao tiếp với người khác với lòng chán ghét thì đối việc
làm tốt của họ sẽ không thừa nhận một cách thỏa đáng mà đối với
việc làm xấu của họ sẽ chán ghét một cách quá đáng.
Do đó, chỉ có người có đức nhân mới có thể yêu ghét người khác
người khác một cách thích đáng.
Bàn thêm
Các Nho gia đời Tống lấy đức nhân làm cơ sở của lý luận học thuyết
của họ (dĩ nhân vi lý). Do đó, họ giải thích đức nhân theo sự phán
đoán việc yêu ghét có nhất trí với cơ sở của lý luận học thuyết của họ
hay không. Nghĩa là họ xem nhân như một tấm gương sáng chói
không có một điểm nhỏ lu mờ, như một mặt nước trong suốt yên tĩnh.
Họ xem nhân là một thứ không có tình cảm, là một thứ không có
lòng ham muốn, họ không biết nhân là một thứ đức của con người,
mặc dù có sự phân biệt giữa cạn và sâu, nhỏ và lớn nhưng không có
đức nhân nào mà không xuất phát từ lòng yêu thương người khác.
Do đó, chỉ có người nhân ái mới yêu ghét người khác thích đáng.
không sai lầm, không sợ có tai hại do sự bạc tình (không có hoặc có
ít tình cảm) hoặc không công bình.
Thiên Đại Vũ Mô của kinh Thư viết “Khi tội còn có điểm nghi ngờ
thì xử nhẹ, khi công lao còn có chỗ không rõ thì thưởng nhiều” (Ý
nói đây là phương châm thưởng phạt của vua Thuấn khi ông thấy
còn điểm không rõ ràng).
Do đó, nội dung mà các Tống Nho cho rằng việc nhân giả (người có
đức nhân) yêu ghét thỏa đáng với việc sự yêu thích của nhân giả,
đúng với cơ sở lý luận học thuyết (cái mà mà cho là lý) của họ, không
đơn giản nhất trí với nhau như họ nghĩ. (Ý nói sự phán đoán của
nhân giả do sự phán đoán xuất phát từ lòng thương yêu người khác
chứ không phải do sự phán đoán đúng sai theo nguyên lý hoặc tiêu
chuẩn của học thuyết Tống Nho bằng lý trí).
Nhận xét
(1) Đây là một bài quan trọng nói về sự khác biệt về giải thích về
đức nhân giữa Khổng Mạnh học và Tống Nho theo cách hiểu của
Jinsai.
Người dịch chưa thật sự nắm rõ và chính xác điều kiện cần thiết và
đủ của người có đức nhân là gì nhưng ở thời điểm hiện tại có cảm
giác giải thích của Itô hợp lý hơn Tống Nho và thế nào là “sai một
li xa một dặm”!
(2) Giải thích của Jinsai cho bài này “chỉ có người có đức nhân mới
có thể yêu ghét người khác người khác một cách thích đáng” cho
chúng ta thấy được tại sao đức nhân giúp cho người ta phán đoán
sáng suốt, khách quan hơn, nghĩa là đức nhân nâng cao đức trí và
đức nghĩa, bởi vì phán đoán sáng suốt thì tránh được phạm điều bất
nghĩa. Phải chăng do đặc tính này mà đức nhân được xếp đứng đầu
không các thứ đức?
Bài 4.4 Cách suy nghĩ về đức nhân của thánh nhân: không bị người
chán ghét.
Tử viết: “Cẩu chí ư nhân hĩ, vô ác dã.”
子曰:苟志於仁矣,無惡也。
Ghi chú
Theo cách hiểu của Jinsai thì chữ 惡 phải đọc là “ố” (chán ghét)
chứ không phải “ác” (việc ác, việc xấu).
Dịch
Khổng tử nói: “Nếu quyết chí thực hành đức nhân thì không làm
điều ác.”
Chú thích
Nếu tâm chỉ lập chí hướng về việc thực hiện đức nhân thì tự nhiên
sẽ không bị người khác chán ghét.
Giải thích
Nhân là một thứ đức cụ thể (thật đức). Một khi lập chí vào (quyết
định làm) đức nhân thì tâm hồn trở nên khoan dung rộng lượng, từ
ái thương yêu, không tranh cãi với người khác, nên tự nhiên không
bị người khác chán ghét.
Bàn thêm
Học thuyết của Tống Nho, lý luận cao siêu khó nắm bắt, có khuynh
hướng xem việc hoà hoãn, khoan dung đối với việc làm xấu của
người khác là bẻ cong đạo, do đó giải thích từ “vô ác” trong câu là
“không làm việc xấu” (trong Luận Ngữ Tập Chú của Chu Hy. Trong
khi đó Jinsai giải thích “không có người chán ghét”). Cách giải thích
này không phải ý muốn nói của thánh nhân (tức Khổng tử).
Tôi nghĩ rằng nếu như có thực chất đáng để bị chán ghét thì việc bị
người khác chán ghét là đạo lý đương nhiên. Tuy nhiên, trường hợp
không có thực chất đáng để bị chán ghét mà bị người khác chán ghét
ngay cả đối với bậc người quân tử cũng có thể xảy ra. Thế mà thánh
nhân giảng dạy “không bị người khác chán ghét” là tại sao?
Bình phẩm đánh giá của người đời rất công bình, và lòng người rất
ngay thẳng, nếu vì muốn lấy lòng thì chắc chắn người tiếp nhận sẽ
xem đó là hành động muốn lấy lòng. Nếu là nịnh hót, không thật lòng
thì chắc chắn người tiếp nhận sẽ cho đó nịnh hót và giả bộ.
Muốn lấy lòng người khác ngược lại bị khinh rẻ. Người thật sự quyết
chí thực hiện đức nhân không lấy lòng người khác nên tâm hồn họ
khoan dung, độ lượng, từ ái; do đó tự nhiên họ không bị người khác
chán ghét. Đó là lý do mà phu tử lấy việc không bị người khác chán
ghét làm quan trọng.
Kinh Thi viết “Ở chỗ kia không ai ghét, ở chỗ này không ai chán,
sớm cũng như tối. Nhờ vậy được khen ngợi mãi mãi.” Nếu người
quân tử không giữ được như thế, thì sao sớm được thiên hạ khen
ngợi?” (“Tại bỉ vô ố; tai thử vô đố; thứ cơ túc dạ, dĩ vĩnh chung
dự.” Quân tử vị hữu bất như thử, nhi tảo hữu dự ư thiên hạ giả dã.)
(Chương 29 Trung Dung).
Khi Trọng Cung hỏi đức nhân, phu tử trả lời “Khi phục vụ việc nước
không có oán hận, khi ở gia đình (có thể hiểu khi không ra làm quan)
cũng không có hận oán” (“Tại bang vô oán, tại gia vô oán.”, Bài 2
chương 12 Nhan Uyên). Lại cũng nói “Đã vào tuổi 40 mà còn bị
người chán ghét thì cuộc đời kể như hết.” (“Niên tứ thập nhi kiến ố
yên, kỳ chung dã dĩ”, Bài 25 chương 17 Dương Hóa).
Từ các nội dung trên, chúng ta có thể hiểu cách suy nghĩ của thánh
nhân về đức nhân.
Nhận xét
(1) Trước hết nên lưu ý cách hiểu nghĩa của chữ 惡 giữa cụ Lê
(theo giải thích của Chu Hy) và Jinsai khác nhau. Theo nội dung
“Giải thích” và “Bàn thêm” của Jinsai, người dịch nghĩ rằng cách
hiểu của Jinsai hợp lý hơn. Đây cũng là một thí dụ của “sai một li
xa một dặm”!
Trong Luận Ngữ Tập Chú, Chu Hy giảng như sau:
“Ác 惡 ở đây có nghĩa thông thường. “Cẩu” có nghĩa chân thành.
“Chí” có nghĩa phương hướng hướng đến của tâm. Nếu lòng chân
thực có nhân thì tất nhiên không có việc làm việc xấu. Dương thị nói
“Dù tâm có đặt chí hướng về nhân nhưng không hẳn là việc làm
không có điều sai lầm. Tuy nhiên không có việc làm việc ác”.
Nghĩa là Chu Hy (1130~1200) trích dẫn lời của họ Dương để làm
căn cứ cho giải thích của ông. “Dương thị” ở đây là Dương Thời
楊 時 (1053~1135), người xem trọng học thuyết của anh em họ
Trình, là cao đệ của Trình môn.
(2) Theo Thiều Chửu “ố” là ghét; “oán” là oán giận (giải nghĩa
như vậy làm sao hiểu!) Theo Đào Duy Anh, “ố” là ghét hoặc chán;
“oán” là giận hờn hoặc thù hằn.
Trong câu trong chương 29 của Trung Dung và Bài 17. 25 mà Jinsai
dẫn chứng đúng là dùng từ “ố” nhưng trong Bài 12.2 dùng từ “oán”.
Theo người dịch, nghĩa trong tiếng Việt của “oán” nặng hơn “ố” rất
nhiều không biết trong tiếng Hán như thế nào. Do đó, ở bài này đã
dịch “ố” là chán ghét không dùng thù ghét bởi vì nghĩ đối với người
có đức nhân thì có thể chán ghét vì không hợp chứ không đến mức
thù ghét.
(3) Trong Luận Ngữ Tập Chú, Chu Hy giảng “oán” trong Bài 12.2
như sau:
“Giữ “kính” trong lòng mình, lấy “thứ” (điều mình không muốn thì
đừng làm cho người) ứng xử với người thì không có tư ý (ý riêng
của mình) và như vậy đức của tâm được thành tựu hoàn toàn”.
Theo cách nghĩ này thì “oán” có thể hiểu là chán ghét hoặc thù ghét.
Trong Bài 17.25 Chu Hy cũng giải thích 惡 có nghĩa “ố” giống như
Jinsai.
(4) Tóm lại, theo người dịch, đúng như Jinsai nói, qua các lời trong
bài này, chương 29 Trung Dung, Bài 12.2 và Bài 17.25 cho thấy cách
suy nghĩ của phu tử về đức nhân, và “không bị người khác chán ghét
hoặc thù ghét” là một điều kiện quan trọng để có được đức nhân.
Hơn nữa, bởi vì đức nhân là thứ đức cao nhất thì làm gì có việc người
có đức nhân làm chuyện ác, chuyện xấu! Nói một câu đương nhiên
như vậy để làm gì? Theo cách giải thích của Jinsai thì mục đích của
bài này là nói hiệu quả to lớn của đức nhân: không bị ai chán ghét
hoặc thù ghét.
(5) Thiết tưởng chúng ta cũng nên lưu ý lời nhận xét của Jinsai
“Bình phẩm đánh giá của người đời rất công bình” không phải luôn
luôn đúng!
Bài 4.5 Người có đức nhân luôn luôn vui sống với đức nhân dù phảinghèo khó để sống với đức nhân.
Tử viết: “Phú dữ quý, thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi,
bất xử dã. Bần dữ tiện, thị nhân chi sở ố dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi,
bất khứ dã. Quân tử khứ nhân, ố hô thành danh? Quân tử, vô chung
thực chi gian vi nhân, tháo thứ tất ư thị, điên bái tất ư thị.”
子曰:富與貴,是人之所欲也,不以其道得之,不處也。貧與賤,是人之所惡也,不以其道得之,不去也。君子去仁,惡乎成名?君
子無終食之間違仁,造次必於是,顛沛必於是。
Dịch
Khổng tử nói: “Giàu và sang, người ta ai cũng muốn, nhưng chẳng
phải đạo mà được giàu sang thì người quân tử chẳng thèm. Nghèo
và hèn, người ta ai cũng ghét, nhưng chẳng lỗi đạo mà phải nghèo
thì người quân tử chẳng bỏ”. Người quân tử mà bỏ đức nhân thì làm
sao được gọi là quân tử? Người quân tử dù trong bữa ăn (một thời
gian ngắn) cũng không làm trái điều nhân, dù trong lúc vội vàng
cũng theo điều nhân.
Chú thích
1) Mong muốn phú quý, chán ghét nghèo khó là thường tình của
người đời. Tuy nhiên, hành động của người quân tử phải căn cứ vào
đạo. Do đó, nếu không căn cứ vào đạo mà có được phú quý thì người
quân tử không tiếp tục. Ngược lại nếu căn cứ vào đạo mà dù phải
nghèo nàn, người quân tử cũng không rời bỏ đạo. Đạo ở đây là đức
nhân. Do đó, cuối bài phu tử lập lại đức nhân để kết thúc.
Mạnh tử khen ông Y Doãn nên nói “Nếu không phải là điều hợp với
đức nghĩa, không hợp với đạo đức dù có đem cả thiên hạ làm bổng
lộc cho ông, ông cũng không để ý đến” (“Phi kỳ nghĩa dã, phi kỳ đạo
dã, lộc chi dĩ thiên hạ, phất cố dã”, Bài 7 chương 9 Vạn Chương
thượng, Mạnh Tử) là có cùng ý với bài này.
2) Người quân tử được đánh giá là quân tử là bởi vì kiên trì giữ gìn
đức nhân. Nếu như rời bỏ đức nhân thì giá trị xứng đáng quân tử
làm sao còn?
3) “Tháo thứ” nghĩa là vội vàng, hấp tấp. “Điên bái” nghĩa là ngã
nằm xuống (phó yển仆偃). Lý do lập đi lập việc gìn giữ đức nhân,
ngay cả trong lúc ăn uống cũng không trái ngược với đức nhân là
muốn nói trong cuộc sống việc giữ đức nhân lúc nào cũng quan
trọng chứ không phải chỉ giới hạn trong trường hợp chọn lựa giữa
phú quý và nghèo nàn.
Giải thích
Bài này giảng giải ý nghĩa của việc người có đức nhân an trú (ăn ở
ổn định, lúc nào cũng gìn giữ) đức nhân.
Có người hỏi “Đức nhân rất rộng lớn. Tại sao phu tử chỉ nói quan
hệ giữa đức nhân và phú quý, nghèo nàn?” Tôi trả lời như sau. Từ
xưa con người thường hay không sợ nguy hiểm đến sinh mạng và
không sợ làm mất lòng vua nên bình thản khuyên cản vua hoặc
phấn đấu không màng bản thân ra sao. Tuy nhiên, đến khi gặp
trường hợp phải chọn lựa giữa phú quý và nghèo nàn thì không thể
không động lòng bị vật chất quyến rũ lôi cuốn. Bởi vì tâm hồn của
người quân tử luôn luôn sống yên vui với đức nhân, nên đối với phú
quý không được phép tiếp tục (nghĩa là không hợp với đạo đức) thì
không tiếp tục; đối với nghèo khó không được rời bỏ thì không rời
bỏ. Do lý do này, nên phu tử lấy việc phú quý và nghèo khó làm điểm
chính yếu để giảng giải. Đồng thời nói “Trong lúc ăn uống cũng
không được trái ngược với đức nhân. Khi vội vàng cấp bách hoặc
lúc hoạn nạn khó khăn nhất định cũng sống yên định với đức nhân”
chính là để giảng giải trạng thái đức nhân đã được thành tựu.
Nhận xét
Giống như người dịch đã nhận xét trong Bài 4.2, theo nội dung của
bài này thì người có đức nhân là người yêu thích đức nhân một cách
tự nhiên như bẩm sinh, nếu không họ phải là người có chí, hoặc ý
chí rất kiên cường. Thật không quá đáng khi cho họ là bậc thánh
nhân!
Bài 4.6 Nội dung khác biệt giữa người yêu thích đức nhân và người
chán ghét điều bất nhân. Không có việc “con người không thể thực
hiện đức nhân”, chỉ do không gắng sức mà thôi. Điều kiện không
thể thiếu để được gọi là “có đức nhân” là “thực hiện điều tốt một
cách tự nhiên như bẩm tính”.
Tử viết: “Ngã vị kiến hiếu nhân giả, ố bất nhân giả. Hiếu nhân giả,
vô dĩ thượng chi; ố bất nhân giả, kỳ vi nhân hĩ, bất sử bất nhân giả
gia hồ kỳ thân. Hữu năng nhất nhật dụng kỳ lục ư nhân hồ? Ngã vị
kiến lực bất túc giả. Cái hữu chi hĩ, ngã vị chi kiến dã.”
子曰:我未見好仁者,惡不仁者。好仁者,無以尚之;惡不仁者,
其為仁矣,不使不仁者加乎其身。有能一日用其力於仁矣乎?我未
見力不足者。蓋有之矣,我未之見也!
Dịch
Khổng tử nói: “Ta chưa thấy ai thật ham điều nhân và ai thật ghét
điều bất nhân. Người thật ham điều nhân thì không cho điều gì hơn
điều nhân; người thật ghét điều bất nhân thì khi làm điều nhân
không để cho điều bất nhân vướng vào mình. Có ai trọn ngày tận
lực làm điều nhân chăng? Ta chưa thấy ai không đủ sức làm điều
nhân cả. Hoặc có chăng mà ta chưa thấy.”
Chú thích
1) “Thượng” là thêm vào. Ý nói đức nhân là tốt nhất trên đời nên
không còn việc tốt gì khác để khuyên người yêu thích đức nhân nên
yêu thích thêm.
Người chán ghét điều bất nhân thì thật sự (nguyên văn: thành 誠)
hiểu rõ sự đáng chán ghét của điều bất nhân, giống như người ta
chán ghét mùi hôi thối (ý nói việc chán ghét này là do tự nhiên chứ
không phải do cố gắng hay miễn cưỡng) nên có lẽ cũng nên xem
việc chán ghét điều bất nhân là đức nhân. Tuy nhiên đối với người
chán ghét điều bất nhân có một điều cần nên thêm là họ không nên
làm điều bất nhân dù điều bất nhân đó nhỏ như thế nào. Đây chính
là khoảng cách của giữa người yêu thích đức nhân và người chán
ghét điều bất nhân.
2) (Phần “Hữu năng… bất túc giả”) “Làm điều nhân là do mình,
chứ đâu có do người đâu!” (“Vi nhân do kỉ, nhi do nhân hồ tai!”,
Bài 12.1), và nếu như vào lúc nào đó quyết chí cố gắng thực hiện
đức nhân thì“Đức nhân sẽ đến ngay với mình” (“Ngã dục nhân, tư
nhân chí hĩ”, Bài 7.29). (Ý nói việc thực hiện đức nhân là do tự bản
thân mình thích làm chứ không phải do người khác cưỡng bách,
bắt buộc nên một khi muốn làm thì sẽ làm được ngay). Người đời
không thực hiện được đức nhân là bởi vì họ không dùng sức, không
nỗ lực cố gắng mà thôi chứ không phải không có khả năng. Do đó
làm sao có việc có người nỗ lực cố gắng mà không đủ khả năng?
3) (Câu cuối) “Cái” là trợ từ chỉ sự nghi vấn. Ý nói có thể có
người tinh thần suy nhược yếu đuối nên không thể thực hiện được
đức nhân nhưng có thể là bản thân phu tử chưa hề gặp người như
vậy. Câu “Ta chưa hề gặp” được lập lại để tỏ ý khẳng định rằng
“không có việc con người không thể thực hiện được đức nhân”.
Giải thích
Người yêu thích đức nhân là người tới được đỉnh tối cao của đức.
Người chán ghét điều bất nhân có điểm tốt là họ không làm việc bất
nhân.
Người yêu thích đức nhân khi thấy người khác làm điều bất nhân
họ cảm thấy thương hại và bản thân họ tự muốn cùng với người
khác làm điều tốt, điều thiện.
Còn đối với người chán ghét điều bất nhân thì khi họ thấy người
khác làm điều bất nhân họ chống đối, cự tuyệt sự bất nhân mãnh
liệt như chim ưng hoặc chim cắt (chuẩn隼, falco peregrinus) công
kích các loài chim nhỏ hoặc chim sẻ.
Có một khác biệt, chênh lệch rất to lớn giữa 2 hạng người này. Nếu
nói cả 2 đều là đức đã thành tựu là sai lầm. (Người dịch không hiểu
được ý của câu này! Cả người yêu thích đức nhân cũng không thể
nói là đã thành tựu được đức? Như vậy tại sao ở đầu Giải thích lại
nói “Người yêu thích đức nhân là người tới được đỉnh tối cao của
đức”?) Có người hỏi “Có lúc phu tử nói “Nếu muốn thực hiện đức
nhân thì đức nhân sẽ đến ngay với mình” (“Ngã dục nhân, tư nhân
chí hĩ”, Bài 7.29) thế tại sao ở bài này lại nói “Ta chưa hề thấy”
(“Ngã vị kiến”). Tôi (tức Jinsai) trả lời như sau.
“Đức nhân thật sự có ở trong lòng người. Không cần tìm kiếm ở đâu
xa. Tuy nhiên, đức nhân lấy lòng thành làm căn bản chính yếu.
Phu tử nhìn nhận có người khó thực hiện được đức nhân không phải
là bởi vì đức nhân khó thực hiện mà do việc hết sức chân thành rất
khó thực hiện (lòng thực sự chân thành rất khó có được). Giữa người
yêu thích đức nhân với người chán ghét điều bất nhân có một khoảng
cách rất lớn; tuy nhiên bên nào cũng xuất phát từ lòng chân thành,
không phải chỉ do sự nỗ lực gắng sức mà có được (Nhận xét này của
Jinsai rất hay!) Do đó, phu tử mới nói “Ta chưa hề thấy” là vì lý do
này.
Nhận xét
(1) Qua Chú thích và Giải thích của Jinsai cho chúng ta hiểu tường
tận, sâu sắc hơn ý muốn nói của phu tử hơn là chỉ đọc và hiểu qua
lời dịch.
(2) Giải thích ý nghĩa bài này của Jinsai rất hay mặc dù hơi khó hiểu,
vì nếu không hiểu rõ sẽ thấy có vẻ mâu thuẫn trong nội dung giải
thích của ông. Cụ thể như sau. Trong mục 2) của Chú thích, Jinsai
giải thích ý của phu tử trong bài 7.29: “Người đời không thực hiện
được đức nhân là bởi vì họ không dùng sức, không nỗ lực cố gắng
mà thôi chứ không phải không có khả năng.” Trong khi ở phần cuối
của Giải thích lại nói “Giữa người yêu thích đức nhân với người
chán ghét điều bất nhân có một khoảng cách rất lớn; tuy nhiên bên
nào cũng xuất phát từ lòng chân thành, không phải chỉ do sự nỗ lực
gắng sức mà có được.” Tại sao ban đầu trách “không dùng sức”,
sau đó lại nói “xuất phát từ lòng thành, không phải chỉ do sự nỗ lực
gắng sức mà có được”?
Người dịch hiểu như sau không biết có đúng không? Theo người
dịch hiểu, điều quan trọng là cách hiểu thế nào là “lòng thành hoặc
chân thành hoặc thực sự” (thành 誠).
Con người nếu sinh ra đã là, nghĩa là bẩm sinh là người có đức nhân
thì là bậc thánh nhân, không cần phải bàn tới. Đối với người bình
thường, sau khi chào đời, để trở thành người có đức nhân trước hết
tự bản thân cần phải muốn sống với đức nhân và gắng sức tu dưỡng
cách sống của mình theo đúng đức nhân. Thực tập nhiều lần, nếu
sai thì tu sửa lại cho đúng đến mức sống thuần thục với đức nhân
như bản tính tự nhiên (như bẩm tính của thánh nhân), nghĩa là phải
đạt tới mức độ như thói quen tự nhiên thì mới có thể gọi là “có lòng
thành”, chứ mỗi lần trước khi thực hiện điều nhân cần phải nhắn
nhủ với lòng “phải cố gắng” thì chưa phải là người có đức nhân
thật sự. Câu phu tử nói “Ta chưa hề gặp” là ý nói “Ta chưa từng
thấy người không phải bẩm sinh là thánh nhân mà cố gắng chịu tu
dưỡng cho đến mức trở thành người có đức nhân”. Phu tử than
khóc khi Nhan Hồi qua đời là bởi vì ông thấy Nhan Hồi là người duy
nhất mà ông từng gặp có thể trở thành nhưng lúc chưa thành được
thì đã phải qua đời!
(3) Theo cách hiểu nói trên của người dịch thì từ “bản本” trong câu
“đức nhân lấy lòng thành làm căn bản chính yếu” (nhân dĩ thành
vi bản) của Giải thích cần phải hiểu là “điều kiện không thể thiếu”
để được gọi là “có đức nhân”. Người dịch phát hiện ra một nguyên
tắc học tập quan trọng trong Khổng Mạnh học như sau:
Gắng sức tu tập làm việc tốt → (Để trở thành) thói quen tốt tự
nhiên → (Mới trở thành ) thành hoặc chí thành → (Mới trở thành )
có được đức
Bài 4.7 Lỗi lầm thường hay do tình cảm đối với người thân hoặc
bạn bè mà phát sinh. Do đó nên xem xét kỹ nguyên nhân và khoan
dung tha thứ nếu biết hối cải tu sửa.
Tử viết: “Nhân chi quá dã, các ư kì đảng. Quan quá, tư tri nhân hỹ.”
子曰:人之過也,各於其黨。觀過斯,知仁矣。
Dịch
Khổng tử nói: “Lỗi của một người thuộc về từng loại. Xét một người
phạm những lỗi nào, có thể biết người đó có đức nhân hay không.”
Chú thích
“Đảng” chỉ thân thuộc và bạn bè.
Giải thích
Lời này nói ra bởi vì người đời thường làm ngơ không quan tâm đến
việc kết tội người phạm lỗi lầm.
Tất cả các lỗi lầm của con người không phải vô cớ mà xảy ra, chắc
chắn vì thân thuộc hoặc bạn bè mà phạm lỗi lầm. Do đó, phu tử mới
nói “Hãy nên xem xét đến thân thuộc, bạn bè của người phạm tội.”
(“Các ư kỳ đảng”). Tùy theo trường hợp, rõ ràng chúng ta không
nên trách cứ, kết tội. Từ câu nói “Xem xét nội dung phạm tội mà
biết được đức nhân”(Quan quá, tư tri nhân hỹ.” ), chúng ta có thể
từ trong lỗi lầm cần nên rút ra điều gì đó.
Mạnh tử nói “Quản Thúc là anh, Chu công là em. Việc sai lầm của
Chu công là chắc chắn không sai chạy chỗ nào (bởi vì Chu công giao
cho Quản Thúc giám sát vua nước Ân mà Quản Thúc lại cùng vua
Ân làm phản, tạo loạn). Nhưng lỗi lầm của Chu công không phải là
hợp lý sao?” (Bài 9 chương 4 Công Tôn Sửu hạ, Mạnh Tử). Đó là
chỗ Chu công xứng đáng là bậc thánh hiền (vì biết lỗi lầm thì tu sửa
ngay). Phu tử không nặng nề kết tội người khác là bởi vì con người
còn có đạo (con đường) nếu biết tự tu sửa khi hối cải sai lầm thì chắc
chắn sẽ làm được như Chu công (các học giả đời xưa, thí dụ như
Khổng tử, đều xem Chu công là bậc thánh nhân).
Bàn thêm
Lỗi lầm của con người không phải sinh ra từ sự lạnh lùng của tỉnh
cảm mà sinh ra từ sự ấm áp của tình cảm là tại sao?
Khi tình cảm lạnh lùng, con người phòng tránh được tai họa và tránh
xa được tai hại, bởi vì khi đó con người suy tính cho bản thân của
mình và kế hoạch suy tính hoàn hảo, và cũng không vội vã cấp bách
để cứu người. Do đó, tránh được sai lầm. Mặc dù nói vậy nhưng đôi
khi lỗi lầm do sự lạnh lùng của tình cảm cũng có xảy ra. Tuy nhiên,
lỗi lầm do sự lạnh lùng của tình cảm rõ ràng là việc xấu không thể
gọi là lỗi lầm. Không phải là người có đức nhân chí thượng của
thánh nhân, mà lại lấy lý do lỗi lầm mà trách cứ nặng nề và không
tha thứ thì ai có thể hiểu được?
Nhận xét
Nội dung bài này cảnh giác chúng ta nội dung rất hữu ích. Bởi vì
đúng như Jinsai nhận xét: “Người đời thường làm ngơ không quan
tâm đến việc kết tội người phạm lỗi lầm”. Thấy phạm lỗi lầm là trách
phạt ít khi chịu tìm hiểu nguyên nhân do đâu. Nếu phạm lỗi vì người
thân hoặc bạn bè thì họ cũng vì lòng thương yêu nhưng phạm lỗi
do không đủ sáng suốt (đức trí) hoặc không biết cách xử lý cho đúng
(đức nghĩa). Do đó, nếu họ biết sai lầm để tu sửa thì thiết tưởng cũng
nên tha thứ.
Nguyễn Sơn Hùng, kiểm tra và bổ sung 16/8/2024
Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét