Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Chuyện Đi Thi - Hoàng Đằng

Chuyện Đi Thi

Mấy hôm nay, thi tuyển sinh Đại Học rộn ràng cả nước. Trên TV, chiến dịch “tiếp sức mùa thi” đang rầm rộ ra quân. Mục đích là giúp cho các thí sinh từ xa đến có nơi ăn, chốn ở, đi lại dễ dàng. Thí sinh bây giờ may mắn quá! Tôi chạnh nhớ đến năm 1960, tôi dự kỳ thi tuyển vào Viện Hán Học Huế mà chạnh lòng, thèm khát. Giá như thời ấy cũng như bây giờ ...

Ngày trước thi, từ Đông Hà tôi vào Huế. Thời ấy, đường Đông Hà - Huế còn hẹp, hành khách ít, mỗi ngày trên con đường ấy chỉ có một chuyến xe, gọi là xe Hoàng Đồng Tịnh (có lẽ là tên vị chủ xe); buổi sáng khởi hành từ Huế đến Đông Hà khoảng hơn 11 giờ và rời Đông Hà khoảng 2 giờ chiều để trở lại Huế lúc trời gần tối.
       Đến Huế, mặt trời đã lặn, tôi ăn cơm ở một quán tại bến xe; bữa cơm giá 10 đồng (# 1,5kg gạo theo thời giá), rồi thơ thẩn vào trường thi - nhà Di Luân Đường, cơ sở tạm của Viện Hán Học.




Nhà Di Luân Đường

Nhà Di Luân Đường là một nhà gỗ lớn, hai bên là những dãy nhà trệt, kiến trúc vững chắc, làm cơ sở cho trường trung học Hàm Nghi. Quần thể này nằm trên một khu đất rộng có thành thấp bao quanh. Bên ngoài, cả bốn phía đều có đường nhựa. Ở mặt trước, bên kia đường, trải dài những đám cỏ rộng. Những hàng cây mù u cao lớn làm vành đai cho khu đất cỏ này.
      Trời đã nhá nhem tối. Xem xong số phòng thi và số báo danh, tôi đi tới đi lui trước cổng trường mấy vòng. Chán chê, tôi đi qua con đường phía bên kia bãi cỏ - con đường chạy dọc trong thành từ cửa Ngăn đến cửa Thượng Tứ. Cũng đi tới đi lui.”Thì giờ là vàng bạc”, thế mà lúc ấy tôi không biết làm gì cho hết thì giờ, dù hôm sau đã là ngày thi. Mỏi chân, tôi đứng nhìn trời nhìn đất, nhìn tứ phương Đông Tây Nam Bắc.
      Trời sầm tối. Tôi chọn cây mù u có tán rộng lá rậm đứng dựa lưng, cái túi hành trang đeo choàng qua vai, thoòng vừa ngang tay để giữ chặt. Tôi quyết ngủ trong tư thế đứng như vậy qua đêm. Tôi không đủ tiền để thuê phòng trọ. Bà con làng xóm của tôi ở đây không có ai. Người quê tôi chỉ quanh quẩn trong làng:
                                         “Ta về ta nắm áo ta,
                                  Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.”
      Cưới vợ gả chồng cứ xóm trên xuống xóm dưới, xóm dưới lên xóm trên. Công việc làm ăn thì cứ trên nương dưới ruộng. Không bao giờ đi xa mà đi cũng chẳng biết để làm gì. Hậu quả là đêm nay tôi không biết ngủ nhờ ở đâu.
      Trời đã sang Thu, mưa có thể đến bất chợt, mây vần vũ đầy trời, tối om. Thân hình tôi ghép vào gốc cây mù u, chắc chẳng ai để ý.
      Trong cái nhà nhỏ bên đường, ngọn đèn điện leo lét, cái mùng trắng đã ố màu được treo lên. Hai đứa nhỏ uể oải lên giường, người phụ nữ nâng mép chiếu đằn lên bốn phía biên mùng. Muỗi thành phố thị xã nhiều lắm, nhất là những buổi tối trời chuyển mùa như buổi tối nay. Người đàn ông đang ngồi trên chiếc ”đòn bào” (ghế băng) kê trước nhà. Người phụ nữ đến ngồi bên cạnh, nhìn ra đường, im lặng. Nhà cửa chật chội, tiết trời oi bức, ông bà chưa ngủ được. Tiếng côn trùng đang rên rỉ giữa bãi cỏ hoang. Khách đi đường vắng. Chốc chốc một tiếng xe đạp lộc cộc đạp qua hay tiếng rao không mấy thanh tao “lộn... khôông...” ngân dài theo sau một thiếu phụ mà dáng hình ẩn hiện không rõ ràng trong màn tối.
       Người đàn ông đứng dậy, đi về phía tôi, dưới ánh sáng hắt ra từ ngọn đèn điện trong nhà, chiếc áo mai-giô không tay, cái quần cụt để lộ những cơ bắp sạm đen gân guốc. Lòng tôi nôn nao... sợ vu vơ. Đến mép cỏ, ông thò tay cầm lai mép dưới quần vén xếch lên. Ông lo tiểu tiện trước khi đi ngủ. Chợt thấy tôi, ông thả quần xuống, bụng nghi là kẻ gian, lên giọng nạt nộ:
- Mày lam cái gì mà giờ này còn ở đây?
       Cái giọng Quảng Nam lạ tai, tôi khó khăn lắm mới nghe được. Tôi run, miệng lắp bắp:
- Cháu ngủ chờ sáng mai vào thi ở cái nhà bên kia kìa. Tôi phải dùng tiếng phổ thông vì sợ tiếng Quảng Trị của tôi ông không hiểu rồi chuốc thêm phiền hà. Vừa nói, tôi vừa chỉ tay sang bên Di Luân Đường.
- Thật không? Mày quê ở mô? Ông hạ giọng nhưng cái kiểu tra vấn vẫn làm tôi khó chịu. Dầu vậy, tôi phải dịu lời để mong lấy được cảm tình:
- Dạ thật. Cháu từ Đông Hà vào, không có nhà quen.
       Người đàn ông vào nhà nói gì với người đàn bà; hai người gật đầu nhiều lần. Rồi quay mặt về hướng tôi, ông cất tiếng gọi:
- Cháu vô trong nhà ngủ. Ngủ ngoài đó không chịu nổi mô!
       Cách xưng hô đã đổi, giọng nói lại nhỏ nhẹ, chứa chan tình cảm. Tôi mừng, một cảm giác nhẹ nhỏm lâng lâng trong lòng. Tôi bước vào nhà.
      
Ngôi nhà hai căn, vách đóng chắn bằng gỗ két đạn pháo binh. Diện tích không nhiều; bề dài khoảng bốn mét, bề ngang khoảng ba mét. Ở căn bên trái, đặt cái giường trải chiếc chiếu lác hoa văn màu đỏ trên đó hai cái gối nằm kê mép lên nhau; cái cửa sổ trập chống lên trông ra đường. Đó là chỗ ngủ của hai ông bà. Ở căn bên phải, phía trong là cái giường hai đứa bé đang ngủ, phía ngoài là chiếc bàn con với hai chiếc ”đòn bào”. Đây là nơi dọn ăn, tiếp khách mà cũng là chỗ học tập của hai đứa bé. Cửa ra vào trổ ở căn này. Cửa rất đơn sơ; đai sàng đóng bằng gỗ thông, bản tráp bằng tôn ố rỉ.
       Ông trạc 35 tuổi, bà cũng trạc ấy. Bà người dong dỏng cao, vẻ mặt duyên dáng nhưng nhuốm màu khắc khổ. Ông người thấp, mập, quê ở tỉnh Quảng Nam, đi lính, đơn vị đóng ở Huế, thuê ngôi nhà nhỏ này, đưa gia đình ra ở. Trong quê, chiến tranh đã châm ngòi, tình hình an ninh không bảo đảm. Việc về thăm gia đình của một người lính không những khó khăn mà còn nguy hiểm.
       Tôi được phép kê hai chiếc “đòn bào” sát nhau để làm chỗ ngủ. Ông bà cho mươn một chiếc chăn để vừa trải lót vừa trùm dắp. Trong nhà không còn chỗ trống. Muốn đi qua đi lại phải lách người. Tôi kéo chăn phủ kính luôn cả đầu để muỗi khỏi cắn. Tôi nằm yên lặng, không dám trở mình. Giấc ngủ đến rồi đi, chập chờn không tròn giấc. Khi nào ngột, tôi vén chăn cho mặt hở, tai vẳng nghe bên ngoài như có tiếng mưa rơi.
        Sáng ngày sau, tôi là người dậy đầu tiên. Tôi sè sẹ xếp chăn, sắp ghế lại chỗ cũ. Chưa dám mở cửa, tôi ngồi yên lặng, không nhúc nhích. Tôi thầm nghĩ: mình đã gặp may. Nếu không vào đây, hồi đêm mưa gió, quần áo ướt đẫm; việc thi cử chắc chắn gặp khó khăn. “Cám ơn cô chú đã cưu mang cháu, đúng là chật nhà không chật bụng”, tôi nhẩm câu ấy nhiều lần để lúc chia tay tránh xúc động không nói nên lời.
        Trời sáng mặt. Ông bà dậy, nhìn tôi, nhoẽn nụ cười trên môi, hỏi thăm: “Cháu ngủ ngon không?” Tôi chưa kịp nói gì thì ông bà đã ân cần dặn: “Những ngày còn thi, cháu cứ về đây ăn cơm, ngủ lại, chú thím coi cháu như người nhà từ trong quê ra. Cháu đừng ngại chi hết.”
         Tôi chào ông bà qua trường thi...
                Hoàng Đằng

       

Không có nhận xét nào: