Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Đọc Thư Giùm Bạn - Trần Khánh Tiếu

        

         
              Đọc Thư Giùm Bạn
          Người đọc Trần Khánh Tiếu khóa III

Từ khi phát động gởi thư “ngỏ” đi khắp bốn phương: trong nước lẫn ngoài nước ngoài ngày 15.05.2008. rồi gởi thư báo ngày 10.08.2009, kêu gọi đóng góp bài vở. Tiếp theo thông báo thay giấy mời đến quí thầy và các bạn đồng môn.
Ban liên lạc và tổ chức chúng tôi, đã được sự hưởng ứng đồng tình, các bạn cũng háo hức như chúng tôi.
Trong cuộc vận động, quả nhiên bước đầu cũng gặp nhiều băn khoăn trăn trở về tài chánh. May thay, trước mắt đã có rất nhiều tâm lòng vàng từ phương xa, nhất là chị Võ Hồng Phi chủ chòm, đã nhiệt tình dài “hơi” phone các bạn nhiều nơi ở nước ngoài gởi tiền về để hỗ trợ cho ngày lễ gặp mặt và làm Đặc San kỷ niệm 50 năm ngày thành lập viện Hán Học Huế.
Đó là sự khích lệ đầu tiên cho chúng tôi trong ban liên lạc và tổ chức, để mạnh dạn hơn trong việc thúc đẩy làm nên một đặc san.
Tôi thiết nghĩ đây là một việc làm không phải giản đơn. Thú thật 50 năm qua, chỉ biết cầm bút chép bài, viết thư, viết đơn... chứ có làm báo bao giờ ? Nhất là “báo viết” lại càng khó khăn hơn nữa. Ngoại trừ anh Phan Thuận An, anh Ngô Văn Lại, anh Trần Văn Dật và Nguyễn Công Thuần, họ đã từng là tác giả các bài viết in thành sách, từ điển...(nhưng cả ba anh nêu sau đều ở xa Huế).
Dưới mắt tôi, đó là một việc làm “chẳng đặng đừng!” Suy cho cùng câu nói minh triết của Khổng Tử: “ Các nhân tự tảo môn tiền tuyết. Mạc quản tha nhân ốc thượng sương” (Các người hãy tự quét tuyết trước cửa nhà mình. Chứ dừng để tâm đến sương đọng trên nhà người khác) Điều đó cũng thấy lạnh cả sương sống...
Xin các bạn đồng môn thông cảm giùm cho trường hợp nầy, chẳng khác gì, khi một chiếc thuyền đã ra khơi, vị thuyền trưởng không may bị đau ốm, thì tất cả thuyền viên phải kê vai vào, gắng sức, cố chèo cho đén bờ: “ chớ có sóng cả mà ngã tay chèo”.
Vì lẻ đó mà tôi phải dấn thân nhận lấy trọng trách, bên cạnh sự hỗ trợ đắc lực của quí anh chị : Phan Thuận An (cũng không giám làm phiền nhiều), anh Hoàng Xuân Minh, Lý Văn Nghiên, Nguyễn Văn Tạo, Phạm Đăng Thiêm, chị Trần Thị Nguyệt, Nguyễn Hữu Châu, và Hồ Đăng Kế : cùng ở trong Ban biên tập, phân công ra từng bộ phận để làm việc. Về thơ do hai anh phụ trách là anh Phạm Đăng Thiêm và anh Nguyễn Văn Tạo. Về văn có anh An, tôi và chị Nguyệt, anh Kế, anh Châu, cùng duyệt.
Bên cạnh đó còn có sự góp ý từ phương xa, một người khả kính và nhiệt tình nhất là anh Ngô Văn Lại. Tuy đã 80 rồi, nhưng “Thân lão mà tâm bất lão”. Anh đã dốc sức già của mình, cùng một lúc trong thời gian ngắn từ Đà Nẳng gởi ra 6 bài viết rất súc tích, trí nhớ phi thường sau đây “Văn tế các thầy bạn quá cố 1959 – 2009”, “Thi thơ xuân”, “Dòng đời dun rủi” “Nhớ cha Thich”, Dịch L’Isolement của La Martine. Dịch “ Trường hân ca” của Bạch Cư Dị. Chắc hẵn các bạn còn nhớ, vào năm học thứ nhất, chúng ta đã học “Tỳ Bà Hành” của tác giả trên do cụ Hồ Đắc Định dạy chúng ta rất kỹ. Cụ làm thơ Đường rất bay bướm như bài “Cô tùng hiên”... Tôi còn nhớ như in, hồi ấy cụ giảng rõ mấy câu đầu mà dư âm còn văng vẳng trong người:
“Tầm Dương giang đầu dạ tống khách
Phong diệp địch hoa thu sắc sắc
Chủ nhân hạ mã khách tại thuyền
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền”

Dịch thơ:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu   
Người xuống ngự khách dừng chèo
Chén Quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti.

Tôi đã quá dài dòng phải không các bạn? Trở lại vấn đề anh Ngô Văn Lại còn bồi thêm hai bài thư pháp của cha Thích nữa: “Qua đèo ngang” của Bà Huyện Thanh Quan do cha diễn ra chữ Hán và bài: “Vũ Trụ” của cha do anh dịch và chú thích. Một điều đặc biết đáng nói là anh chỉ học 3 năm ở Viện Hán Học Huế. Sau đó anh qua học Đại học Sư Phạm. Nhưng tôi tin chắc rằng anh xem Hán học là linh hồn, nên hết mình.
Riêng mỗi bài gởi còn có thêm mỗi lá thư góp ý rất tích cực và xây dựng, làm cho tôi càng thêm sức mạnh để tiếp tục hành trình.
Đôi khi chỉ một lời khuyên, hay động viên làm cho người ta đứng vững, như lá thư của anh đề ngày 2-9-09 sau đây: “...Mình rất muốn biết tình hình Đặc san Đại Kỷ miệm ra sao? Liệu có vượt 200 trang không? Công trình chỉ ra mắt một lần cho mãi mãi, lơ mơ sao được? Đăng vài dòng trên báo hay VTV để gây không khí chứ! Xin lập lại đây là chuyện một lần cho mãi mãi_
Thấy trên báo có lời bạn yêu cầu góp thêm bài nên mình dốc sức lao động, nhưng chỉ sợ mang tiếng tham lạm át giọng anh em_”
Lần cuối cùng anh gởi bài thư pháp của cha Thích, theo yêu cầu của anh Lê Ngọc Bích. Anh cũng ân cần nhăn nhủ: “Theo mình ai gởi bài cũng nhận tất, in tất, bài dở bình đẵng với bài hay. Thơ con “cóc” cho cơi lên thơ con “voi” cũng được”
Anh Lại ơi! Xin nói nhỏ, anh đừng giận nhé. Vì tiêu chí của BBT là không quá 4 bài, xin anh thứ lỗi cho. Đa tạ.
Một ý kiến từ ngàn dặm nói lên sự khát vọng về một mối tình không bóng của “Vang bóng một thời”. Đó là chùm thơ “Khu vườn thi văn tình ái VHH mà nguyên soái là chị Võ Hồng Phi rất có chất lửa. Chúng ta hãy lắng nghe chị thì thầm mà dữ dội qua Email nhé:
“Anh Tiếu ơi! Tờ kỷ yếu đến đâu rồi. Cho tôi lập mục vườn thơ tình ái VHH cho vui vậy mà, 50 năm rồi để cho những tình câm, tình một chiều, tình thơ, tình mơ... được thổ lộ kẻo chết không nhắm mắt. Tôi phải mất công lắm, mỏi cả tay lẫn mỏi cả miệng mới moi ra được những bài thơ tình đó. Anh làm ơn cho đăng vào Đặc San nhé. Thêm vài trang đi, không đăng thì tôi bị giận đó, Cả dời mới được một tờ báo mà được vui vẻ cả làng phải không anh?”
- Ui chao các bạn ơi! Đây là những lời chân thành mộc mạc và tha thiết, không đăng sao được!
Cảm ơn chị nhiều lắm, nhờ vậy mà đặc san có thêm chùm thơ dí dỏm và ngộ nghĩnh của một thời xa vắng! Thật đáng nhớ để đời!...
Một người anh xứ Huế, hiện ở Sài Gòn rất quen thuộc trong chúng ta, có trí nhớ rất phong phú. Đó là anh Phan Đình Trừng – Anh vẫn còn nhớ quán bún bò bà Ba cầu Ga, tiệm Tailleur Tân Đức... Anh đã gởi bài về, kèm những lời thành thật :
“...Mong có gì tốt nấy, xin có lời ủy thác để phù hợp với kỷ yếu, phát hành nội bộ, các anh toàn quyền biên tập, cắt bỏ sửa chữa...”
Lời cuối:
“Xa xôi, tôi cũng như một số bạn, rất phấn chấn là chúng ta sẽ gặp nhau dúng ½ thế kỷ. Kính chúc thành công.”
Tiếp theo là lời chúc của anh Hoàng Đằng nữa, mà là cụ Đằng ra phết – Các bạn sẽ thấy qua hình ảnh cụ thể. Một ông già râu bạc phơ rất đẹp lão).
Chuyện lạ thế nầy: Vào khoảng tháng 6–2008, nhân dịp thầy Nguyễn Văn Dương của chúng ta về thăm Huế, Thầy có đem theo tặng phẩm “tuyển tập Phan Chu Trinh” do tác giả tặng anh em chúng ta, có chữ ký của Thầy. Hôm ấy toàn bộ cựu SVHH tại Huế đã có mặt đông đủ, với sự tham gia của thầy cao niên là thầy Cao Xuân Duẫn, do tôi xuống tận nhà rước thầy lên. Các sinh viên đều cảm động. Mắt thầy đã bị mờ từ lâu, mặc dầu khuôn mặt vẫn vui vẻ, rất thích trò chuyện. Bữa tiệc ấy có cả thầy Nguyễn Hữu Châu Phan, thầy Nguyễn Văn Trọng và gia đình thầy Dương (Cô, con trai cùng dâu quý và 2 cháu nội) tại Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn của anh chị Phan Thuận An đã dành mọi ưu ái và thuận lợi cho buổi gặp mặt.
Thầy Nguyễn Văn Trọng ngồi gần tôi, chỉ qua bàn kế cận:
            - Cụ nào ngồi ở bên ấy ?
            - Thưa thầy, đó không phải là cụ mà là anh Hoàng Đằng học trò của thầy đó.
Thật vậy so ra anh Hoàng Đằng còn già hơn thầy nhiều, nên anh Đằng được gọi là cụ Đằng từ đó. Hẹn ngày tái ngộ chắc các bạn sẽ ngạc nhiên nhiều...
Nghe giai thoại về anh Đằng cũng giống như khi các bạn đọc bài sâu lắng của anh: “Chuyện riêng nhớ mãi chút này xin ghi” và nhất là bài thơ “Khóc bạn” nói về người bạn quá cố Phan Cảnh Dai. Tôi đã đọc đi đọc lại bài nầy nhiều lần mà nước mắt cứ tự nhiên trào ra. Nói như chị Minh Hoàng “Anh em VHH như trong một nhà” cũng không sai. Thật vậy tôi và anh Dai tuy khác lớp, nhưng xem nhau như anh em. Mỗi lần tôi thấy anh làm gia sư cho một gia đình sau “Lò tể sinh” phải đi qua con hẽm ngóc ngách mà hôi hám, toàn mùi phân heo rất nóng nực, khó thở. Tôi bèn mời anh về ở tại nhà tôi rất nhiều tháng. Khi nghỉ hè tôi lại về quê anh ở Phú Lương chợ Cầu để học thi Tú Tài II. Khi anh có con đầu lòng, anh đã đặt tên Phan Cảnh Khánh Châu để có chữ “Khánh” Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó.
Phần cuối thư anh Đằng vẫn không quên: “Chúc các bạn cố gắng lên, để chúng ta có thể gặp nhau trong dịp 50 Hán học hội ngộ”.
Chuyện đời lắm lúc thật khó nói. Đôi khi “người thân bắt đầu thành sơ “ hay ngược lại “Tuy gần mà xa, tuy xa mà gần” phải không các bạn?
Lại một chuyện buồn cười nữa là sự ngộ nhận khi gởi thư đi. Rồi một cú điện thoại làm tôi cảm động chảy nước mắt khi nghe một giọng nữ phone về :
-Có phải bác là bác Tiếu gởi thư cho ba con phải không? Ba con là Phạm Đức Minh.
- Vâng, chính bác đã gởi thư cho ba.
- Thưa bác, ba con đã mất rồi, còn vài ngày nữa là giáp năm. Cám ơn bác đã quan tâm.
Nghe tin buồn. Tôi bàng hoàng tôi nghẻn lời và hình như phía bên kia đương dây cũng vậy, Tôi đành phải mạn phép anh chị em ở Huế, xin tạ lỗi vì đường sá xa xôi, thật vô tình, hẹn sang năm 2009 sẽ làm lễ tưởng niệm có tên ba nhân ngày gặp mặt tại Huế và mời gia đình ra dự lễ nếu thuận tiện.
Nghe chớp nhoáng ở trong điện thoại nên phân vân, vì té ra có hai anh tên Minh. Một là Phạm Đức Minh đã quá vãng, hai là Pham Văn Minh, lầm lẫn nên đánh dấu vào danh sách Phạm Văn Minh là Bà, để viết gởi thư mời.
Do vậy mới có lá thư của anh Phạm Văn Minh trách khéo nhẹ nhàng (Xin lỗi ngàn lần, có vậy em sẽ chuộc tội, sẽ lo cho anh ngày về...) "...Chẳng biết các bạn và ngay cả Tiếu nữa nói mình “về bên kia thế giới” Mình còn đây và gởi lời cho bạn đây. Mong một ngày không xa sẽ gặp lại nhau.
Cho mình gởi lời thăm hỏi các bạn ở Huế.
Chúc sức khỏe và an khang. Bài mình viết đã lâu, hôm nay mới có phần kết. Gởi tới bạn, cứ việc sửa nếu cảm thấy chưa tốt, được viết và được đăng trong đặc san là quí và hân hạnh lắm rồi.”
Tôi còn nhớ một người khả kính nữa, và là người đầu tiên đề xướng làm đặc san trước năm1998. Đến năm 1999 trong lễ kỷ niệm 40 năm, đặc san đã không thực hiện được, đó là anh Lê Ngọc Bích hiện ở Sài Gòn.
Khi nhận được lá thư ngỏ năm 2008 và thư báo tôi gởi vào tháng 6-2009. Đến ngày 12.8.2009 anh mới hồi âm, lời lẽ thống thiết đọc ra ai nghe cũng xúc động: “...Nhận lá thư ngỏ của Thuận An và bạn Tiếu gởi vào lâu rồi, hôm nay mới xin hồi âm. Sở dĩ chờ lâu vậy là để tôi nghiền ngẫm xem cái thể xác của tôi nay đã già yếu, coi thử nó có thể ra Huế lần cuối cuộc đời thăm lại bạn bè xưa và gia đình quê hương được không?
Xem xét lại, thử đi thử lại, làm test nhiều lần thì nay mới thấy cái thân xác tôi, nay đã đi vào thời phế bỏ rồi, không đi xa (đi bộ) được vì càng đi thì xương chậu (bassin) bị trặt đau lắm lết đi không nổi.
Tôi tính chuyện một công mà đôi ba việc: sắp xếp về mừng lễ 50 năm VHH, gặp lại bạn cũ, thầy xưa một lần cuối đời, để khi chết còn có bạn nhớ đến. Sau nữa về thăm quê hương cũng lần cuối đời rồi chết. Vậy mà cái thể xác tôi nó tệ lắm rồi, nó nặng nề vì bệnh hoạn, nó không nhanh nhẹn làm theo ý muốn cua tinh thần.
Tôi không thể không mời các bạn nghe tiếp đoạn nầy: “Tôi có gắng hết sức để đi một chuyến... cầu xin ơn trên phù hộ cho tôi được gặp lại bạn bè thân thương! Nếu không gặp được thì thật bất hạnh cho lão già Bích nầy lắm thay!
Chúc Thuận An và các bạn bình an may mắn. Xin gởi tấm ảnh của lão già nầy, tấm hình không còn “xưa” nữa mà cũng đúng là thời “nay” lụm khum”.
Bi quan làm gì! Xin hãy tha thứ cho mình và cho tất cả mọi người. Định luật của đời là thế:
“...Mới tóc xanh kế đã bạc đầu
Rồi lại đến gò hoang một nấm
Ôi! Hơi thở khi nhân duyên mượn tạm
Một sớm vô thường trả lại thôi!
Muôn việc đều nương mấy tấc hơi
Hơi vừa dứt việc đời cũng dứt...”
Cầu xin ơn trên che chỡ và phò trì cho anh hồi phục sức mạnh “Nội lực tự sinh”. Một ngày không xa, hẹn gặp lại sẽ hàn huyên nhiều.
Nếu nói về tình bạn, không ai bằng một người ở xa tít tắp tận Vĩnh Long đó là anh Trần Văn Dật, tuy xa mà gần như tôi đã nói ở trên. Anh thường xuyên thư từ và phone cho tôi. Lá thư đề ngày 2.9.2009 anh tâm sự; “...Tôi rất xúc động và nôn nao..., nhưng tôi cứ bị đau ốm hoài, những bệnh của tuổi già “rất bất tiện” khi phải đi xa! Nên chắc chắn là tôi không thể ra dự để gặp thầy cũ và bạn bè xưa. Đời một lần mà không có mặt mình trong cuộc vui, thật là đáng tiếc. Tôi buồn lắm “lực bất tòng tâm” biết làm sao bây giờ ?
Vậy tôi nhờ anh Tiếu chuyển lời xin lỗi đến quí thầy và tất cả bạn bè...”
Lá thư thứ 2 đề ngày 8/9/2009 anh đã góp ý như sau: “... Vì bọn mình xuất thân từ viên Hán Học mà trong đặc san báo không có một bài: “Thất ngôn bát cú Đường luật” thì cũng hơi “khó coi!”  Tôi chỉ gợi ý như thế, còn tùy anh em trong Ban Biên Tập quyết định!
Anh còn có tâm trạng của người vắng mặt là có lỗi, qua đoạn thư sau: “Một lần nữa, tôi xin thưa với mấy anh em ngoài Huế răng:”vì sức khỏe không cho phép” nên tôi không dám đi ra Huế dự chơi với mấy anh em! Đó là một thiệt thòi rất lớn đối với tôi! Mấy chục năm gặp lại bạn bè ai mà chả thích? Mà tôi lại là người rất “sánh bạn.”  Ngày xưa ở VHH tôi có bạn trong lớp đã đành, mà ngay cả những lớp khác, tôi đều quen thân! Nói như thế để anh em thấu hiểu cho tôi, mà chớ trách móc! Thật sự lần nầy không về dự với anh em, tôi rất áy náy và có lỗi với anh em!”
Nhớ lại chặng đường đi qua nhanh quá mà tủi phận. Hồi ấy 1965 Viện Hán Học bị giải thể.  Vào 1966, 70 sinh viên VHH tốt nghiệp được bộ Giáo dục hồi ấy bổ dụng gồm khóa I và khóa II đều được đi dạy.
Cuộc sống cho ta nhiều quên nhớ vui buồn. Bè bạn cũ ngày xưa không lầm được. Buồn là ngày gặp mặt đã có nhiều bạn “khuất núi.”  Nói về nàng Tôn Nữ cụ Đông Hồ Lâm Tấn Phát đã co câu thơ này:
“Gió cầu vướng áo nàng Tôn Nữ
Quai lỏng nghiêng vàng chiếc nón thơ”
Hai câu thơ bất hủ này đã làm cho tôi nhớ đến lớp tôi có đến ba nàng Tôn Nữ. Một là Tôn Nữ Hiếu mới gởi ra cho tôi hai tấm ảnh thật đẹp, từ hồi mới đám cưới mặc áo mạng phụ, đội khăn vàng trông rất đài các, khiến phu quân Giám đốc Kho bạc thời ấy phải mê mệt, một tấm là sinh nhật năm 2006 lại “đẹp lão”, nên chi chị một hai đòi lại cho được sau khi về dự lễ. Gởi thư cho tôi cho tôi chị đã nói: “... và anh học ở lớp nào mà tôi nghe rất quen. Xin lỗi anh nhé, tôi đi vô Nam quá lâu nên tôi không còn nhớ  nhiều ở Huế, anh thông cảm cho.”
Hồi ấy tôi ngồi sau lưng chị đó, bên cạnh bạn Lê Văn Bảy, Phan Lục Tú, Lê Sùng (anh đã quá cố), và Trần Viết Thủ ngồi một hàng ghế...
Chị còn thắc mắc: “Tại sao anh biết địa chỉ của tôi mà gởi thư cho tôi thế, thật tình tôi rất cảm động và cảm ơn anh rất nhiều.”
Người thứ hai là: Tôn Nữ Hòa đã “Một thời vang bóng” với mái tóc thề óng mượt ngang vai, biết bao chàng ở lớp trên để ý.  Chị còn phone cho tôi hỏi ngày nào tổ chức cụ thể để bỏ ống mà về (tri thứ thiểu dục là tốt là tốt) Bấy giờ tôi chỉ biết chơi với các bạn nam như Lê Sùng, Thủ, Huỳnh Văn Như (đã quả cố) nên không hề biết phụ nữ. Chị thứ ba là Tôn Nữ Du cũng có mái tóc thề óng ả ngang vai, da ngăm, môi son, hiền thục, đoan trang.
Một người chị rất xa tận Bình Dương là chị Nguyễn Thị ngọc Sương khỏa II, cũng cho con gái cưng của mình là Túy Vân đi du lịch về Huế, có tìm đến nhà tôi để tin tức cho mẹ.
Thật bất ngờ khi gặp Túy Vân, người con gái chị Sương với phong cách công nghiệp rất lễ phép và lịch lãm. Con của nhà giáo có khác! Khi hồi âm cho tôi chị đã nói:
“...Bạn đã quan tâm đến các bạn miền Nam. Rất cảm động. Đồng thời với thư thông báo họp mặt, tự dưng Sương có cảm xúc và viết một bài thơ nhỏ, nếu cảm thấy không có gì trục trặc và còn chỗ; cho nó nằm vào một góc nha”. Thật là khiêm nhường.
“Vô đề” đi kẻo lục thập, nhất thập “run lập cập đến nơi, hơi sức đâu mà tri thiên mệnh”. Đó cũng là đầu đề cảm xúc thật của người anh miền Nam tại Long An: Anh Nguyễn Văn Đức đã trút nỗi lòng:
“...Tôi nhận được cả hai thư của bạn... quá cảm xúc tôi viết ngay bài tạp bút này. Nay gởi cho bạn tôi không thêm bớt một chữ nào, có thể nó không phù hợp với đặc san, nhưng đó là cảm xúc thật của một người miền Nam đi học chữ thánh hiền rất xa (Huế). Đăng được nếu có “chỗ” không được tôi cũng rất vui vì đã tỏ bày được tình cảm của mình.”
Thưa hiền anh, hiền chị “chỗ” không bao giờ hết, nhắc gì đến: “...Nè chú em nồi gạo còn hay hết?  Còn xị nào thứ thiệt để cùng say!” Hẹn ngày về vui vẻ hơn.
Trên đây là những tâm tình của anh chị nói lên tâm trạng của mình và bộc bạch tấm lòng trong ngày gặp nhau “lịch sử” 50 năm VHH chúng ta. Thông qua thư đi thư lại bốn phương mà tôi là thư ký thường trực.  Xin ghi lại trung thực để bật mí cho tất cả cùng nghe.
Thay mặt anh chị en trong BBT xin chân thành cám ơn sự đóng góp ý chân thành và động viên để hoàn thành tốt công việc trước mặt. Hẹn gặp lại.



                Huế, ngày 11.11.2009
           Trần Khánh Tiếu khóa III











Không có nhận xét nào: