Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Những Mảnh Đời Thua Thiệt - Lão Gàn

Những Mảnh Đời Thua Thiệt
                                             Bài viết của Lão Gàn

5:30 giờ sáng, ả mở cổng nhà. Hai con chó đang lẹo nhau ngay giữa cổng. Con cái là giống chó ta, nhỏ, thấp; con đực là giống chó Tây, to cao. Thấy ả, sợ hay thẹn - chẳng ai biết được tâm trạng của chó, con đực chạy, kéo con cái theo dùng dằng; có lẽ đau, con cái vừa lết vừa gào “căng, căng.”  Một vài trẻ trong xóm ùa ra vỗ tay, la hét; hai đứa nghịch ngợm, tìm lấy cái sào, định thò vào giữa đít đang đấu nhau của hai con chó gánh lên; nhưng may, chúng đã tháo ra được, quặp đuôi, chạy mỗi con mỗi đường, biến mất.

Ả đã trên 60 tuổi. Mặt mũi còn hồng hào, da dẻ còn trắng trẻo. Mấy ông lão rảnh rỗi thường đến nhà ả, hút điếu thuốc lẻ, uống chai bia, cốc rượu, xem như kiếm cơ hội để gần gũi ả.
Chiến tranh ác liệt đã giết quá nhiều trai tráng cả ở miền Bắc lẫn ở miền Nam. Con gái trưởng thành khó kiếm chồng, trong đó có ả.
Trong thời chiến tranh, gái lớn lên phải hy sinh quyền riêng cho lợi chung. Đặc biệt ở miền Bắc, họ bị ràng buộc bởi chính sách “ba khoan”: (1) Chưa yêu thì khoan yêu, (2) Lỡ yêu rồi thì khoan cưới, (3) Lỡ cưới rồi thì khoan có con. Xã hội quản lý con người rất chi li, nghiêm khắc; phụ nữ không chồng mà chửa bị cho là “hủ hóa,” bị phê bình kiểm điểm ở nhiều nơi, ở nhiều cấp... trong nhiều cuộc họp: đoàn, đội, hội, hợp tác xã...

Sau năm 1975, tối tối, dân thường xuyên tập trung học tập chủ trương, đường lối của chế độ mới. Người người dự họp đông đủ; thuở ban đầu, người ta vừa sợ vừa tò mò muốn biết cán bộ phổ biến những gì, nên không ai dám trễ họp và vắng họp. Tan họp, ra về, những người có nhu cầu lợi dụng màn đêm tối để thỏa mãn chút dục vọng. Lại thêm, chính quyền phát động những chiến dịch làm thủy lợi, huy động dân cơm đùm gạo bới phục vụ đào mương đắp đê từng thời gian dài. Ngày lao động trên công trường, đêm về trong các lán trại, người ta nằm chung đụng nhau hay những ai có tình ý rủ nhau ra những lùm cây, những bụi bờ vắng vẻ tâm sự tỉ tê.  “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” và những đứa trẻ mà tông tích bố không rõ ràng ra đời.

Trong những năm mới hòa bình, Nhà Nước có chủ trương phụ nữ được quyền làm mẹ đơn thân nghĩa là cho phép những phụ nữ nào không chồng được kiếm con. Mà phải vậy thôi! Ở nước ta, ai cũng cần có con; con xem như chỗ dựa lúc già yếu, ốm đau và chung sự. Còn lâu nước ta mới có đủ nhà dưỡng lão nuôi những cụ ông, cụ bà cô đơn như ở các nước hiện đại có hệ thống an sinh xã hội vững vàng. Ngoài ra, những phụ nữ đơn thân chả lẽ sống đến chết mà không biết chi “chuyện ấy” hay sao! Họ cũng cần hưởng một chút “mùi đời” chứ!

Ả cũng như nhiều ả khác trong làng, sắc diện trông cũng được, tính tình cũng hiền hậu, vui vẻ, vượt qua tuổi hai mươi, bắt đầu “hâm” đi “hâm” lại, nhờ có nhiều cơ hội do tình thế mang lại và dựa vào chính sách “thông thoáng” về gia đình của Nhà Nước, tìm cách xin con và có được một con trai.
Con khôn lớn, đi làm. Tuổi già, một mình không thể theo nghề nông được, ả dọn bia, rượu và nhu yếu phẩm linh tinh tại nhà bán cho dân trong xóm.

Hôm ấy, đã 9 giờ sáng rồi mà chưa thấy ai đến mua gì, ả đi lui đi tới, bắt mặt nhìn ra, như đang chờ đợi ai; ả cầm chổi quét nhà, quét sân. Ả dọn vén luôn tay để tiêu phí thời giờ và vốn là dân nông thôn, ả có tính thích làm việc. Nhà ả trông ngăn nắp lắm,

Ba cụ trong xóm bước vô, ngồi vào bàn.  Cụ trên 70, cụ xấp xỉ 70, cụ ít tuổi nhất cũng 65. Họ không việc. Mà người cao tuổi thời nay đa số đều không việc; con, dâu đi làm, kiếm sống; cháu nhỏ thì gởi nhà trẻ, mẫu giáo, cháu lớn thì đi trường. Nhà cũng không cần người giữ; người đi ra hết, chỉ cần bấm ổ khóa  lại là xong.
Khỏi trông cháu, khỏi giữ nhà, việc còn lại của các cụ là giúp phơi cất, chế biến nông sản; nhưng khốn nỗi, nghề nông cũng không còn! Trên đà đô thị hóa, Nhà Nước thu hồi ruộng đồng đưa vào quy hoạch thành khu dân cư, khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí... 

Các cụ trước đây có phục vụ "cách mạng" giờ về hưu, còn tham gia công tác ở địa phương, trong hội người cao tuổi..., nay họp chỗ này, mai họp chỗ kia, vừa có thêm thu nhập vừa qua hết thì giờ.
Các cụ hưu trí khác rảnh rỗi thì sáng chiều gặp nhau, ngồi uống trà, bàn chuyện thời sự: tình hình Ukraina, chiến sự Trung Đông, công tác chuẩn bị đại hội đảng 12 ... Nhờ thế, ngày tháng trôi qua mà ít để ý.


Một số cụ - không nhiều - có chút học vấn thì ngồi làm thơ, tham gia các câu lạc bộ thơ; làm xong thơ, trong hội họp, trong tiệc tùng, đọc để khoe thi tài của mình. Tội nghiệp do hơi yếu, giọng đọc đứt tiếng nhiều chỗ; chẳng ai thèm nghe, người ăn cứ ăn, người uống cứ uống, người nói chuyện riêng cứ nói.
Mấy cụ có chút lộc do con cháu ở xa về mừng thì tụ tập ở các sòng cờ quân; mê mải theo kiệu cờ, ngồi quên trưa quên tối; ở nhà, vợ con đến bữa phải chờ đợi, cằn nhằn.
Các cụ còn lại thì hết ngồi lại nằm, hết nằm thì đi lòng vòng quanh xóm. Học vấn không, thành tích không, tiền bạc không, họ sống kiếp dư thừa mà không hay biết.

Ba cụ - có hẹn nhau hay tình cờ gặp nhau, không biết - vào quán, ngồi nói chuyện “trên trời dưới đất.”  Ba cụ thèm, muốn uống bia, nhưng không cụ nào có tiền trong túi. Tiền mô ở các cụ cựu nông dân này! Ăn uống thường ngày được con lo cho là may lắm rồi.  À thế đó!  Cuộc sống đô thị tạo ra cái tính đua đòi; ngày xưa, để chống nhức mỏi, đi làm đồng về, các cụ ghé nhà nấu rượu, uống một cốc nhỏ, gọi là “uống rượu trự” (trự là đồng bạc lẻ), ghi sổ; đến vụ, có thể trả bằng lúa. Bây giờ, giới trẻ uống bia thì giới già cũng uống bia. Các cụ không biết rằng giới trẻ làm ra tiền, nhiều khi không cần làm mà vẫn có tiền – tiền do mánh mung, tiền do gian lận, tiền do người bị làm khó dễ trong công việc đút lót.

Để bà chủ quán yên tâm cho ngồi, một cụ bày chuyện nói:
- Từ giờ đến chiều, ai đoán đúng có mưa ở vùng mình hay không. Đúng, tui chịu một két, sai, người đoán chịu một két.
Cụ bên cạnh góp ý:
- Nói vùng mình thì rộng lớn quá. Từ Thanh Hóa vô Thừa Thiên  Huế? Cả tỉnh mình? Chỉ thành phố mình? Chỉ phường mình đây?
Để xác suất mình phải chịu một két ít đi, cụ phát biểu đầu tiên nói rõ:
- Thôi chỉ tại ngã tư, nơi chúng ta đang ngồi.
Cụ còn lại biết việc bàn cãi chẳng đâu vào đâu, kết luận sự việc:
- Cần uống chừ mà hỏi: đến chiều có mưa không. Uống xong, về,  ghi sổ nợ hay răng. Mà ghi sổ nợ, rồi biết lấy chi để trả; thóc trong bồ không có, lấy chi xúc trộm đem lén bán. Mấy ông nói chuyện viễn vông. Thôi tui về, hai ông muốn mần răng đó thì mần.
Một cụ bước ra, rồi hai cụ còn lại bước ra theo. Một chầu bia hụt.

Sáng nay, bà chủ quán mất “mè xưa,” bà chưởi lằm bằm: “Tổ cha hai con chó nhà ai mới sáng đã lẹo chắc trước cổng nhà tao, hèn chi!”

28/8/2014




Không có nhận xét nào: