Cùng Bạn ,
Bây giờ trời đang vào thu, mới chớm Thu mà tiểu bang South Dakota Hoa Kỳ tuyết đã rơi.
Tình cờ đọc hai bài Thu Dạ của Nguyễn Du, lòng tôi thấy nao nao cho tâm trạng của ông trong hoàn cảnh khốn đốn tản cư lánh nạn giữa thời ly loạn. Hai bài thơ nầy được trích trong Thanh Hiên Thi Tâp (78 bài) nằm trong phần "Mười năm gió bụi" (1786-1795) thời gian ông lẫn trốn ở Quỳnh Côi quê vợ thuộc Thái Bình. Hai bài thơ buồn thật! Nhân đây xin Bạn lướt sơ lại ở phần dưới tiểu sử của cụ Tiên Điền để thấy cái bối cảnh lịch sử thời Lê-Trịnh -Tây Sơn - Nguyễn thời bấy giờ mà có lẽ phần lớn chúng ta đã quên mất. Xin cám ơn
Thân kính
Mailoc
THU DẠ (1)
Phồn tinh lịch lịch lộ như ngân,
Đông bích hàn trùng bi cánh tân
Vạn lý thu thanh thôi lạc diêp,
Nhất thiên hàn sắc tảo phù vân.
Lão lai bạch phát khả liên nhữ,
Trú cửu thanh sơn dạ yếm nhân.
Tối thi thiên nhai quyện du khách,
Cùng niên ngọa bệnh Tuế giang tân.
Dịch nghĩa :
Sao đầy rõ mồn một, sương trắng như bạc
Vách phía đông, dế lạnh kêu buồn thảm
Muôn dặm tiếng thu giục lá rụng
Bầu trời màu lạnh ngắt không một vần mây,
Gìa rồi. làn tóc bạc này trông mà đáng thương
Ở mãi nơi đây núi xanh chưa chán người
Nhất là du khách bên trời đã mỏi mệt
Suốt năm đau ốm nằm ở bến Tuế giang
Dịch Thơ :
Đêm Thu (1)
Sương bàng bạc sao trời lấp lánh,
Quanh tường Đông dế lạnh sầu than.
Tiếng thu lá đổ dặm ngàn,
Bầu trời lạnh ngắt trong ngần mây tan.
Thương nỗi mình mái đầu bạc trắng.
Núi xanh đây chưa chán chê người,
Khách du thắm mệt bên trời,
Cả năm nằm bệnh bên bờ Tuế giang.
Mailoc phỏng dịch
THU DẠ (2)
Bạch lộ vi sương thu khí thâm,
Giang thành thảo mộc cộng tiêu sâm.
Tiền đăng độc chiếu sơ trường dạ,
Ác phát kinh hoài mạt nhật tâm.
Thiên lý giang sơn tần trướng vọng.
Tứ thời yên cảnh độc trầm ngâm.
Tảo hàn dĩ giác vô y khổ,
Hà xứ không khuê thôi mộ châm.
Dịch nghĩa :
Móc trắng thành sương, hơi thu đã già
Cây cỏ quanh thành bên sông đều có vẻ tiêu điều.
Một mình khêu ngọn đèn trong, đêm bắt đầu dài.
Vắt tóc vẫn lo cho cái chí nguyện trong những ngày chót.
Non sông nghìn dặm nhìn mà buồn
Phong cảnh bốn mùa riêng mình ngậm ngùi
Mới rét mà đã thấy khổ vì không áo,
Nơi đâu tiếng đập vải của người khuê phụ rộn rã trong bóng chiều .
Dịch Thơ :
ĐÊM THU (2)
Móc như sương hơi thu lạnh ngắt,
Quanh thành sông xơ xác cỏ cây .
Đèn khêu độc chiếu đêm chầy,
Ngổn ngang chí nguyện tháng ngày lo toan.
Núi sông xa dặm ngàn buồn ngóng,
Khói bốn mùa một bóng sầu mang.
Lạnh về không áo dao hàn,
Tiếng chày khuê phụ chiều tàn giục mau.
Mailoc phỏng dịch
(tài liệu lấy từ Wikipedia )
Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; Sinh năm Ất Dậu 1765– mất năm Canh Thìn 1820) tên chữ Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ (鴻山獵戶), là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê Mạt, Nguyễn Sơ ở Việt Nam. Ông là một nhà thơ lớn của Việt Nam, được người Việt kính trọng gọi ông là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1965, Nguyễn Du được Hội đồng hòa bình thế giới công nhận là danh nhân văn hóa thế giới và ra quyết định kỷ niệm trọng thể nhân dịp 200 năm năm sinh của ông [1][2].
Tiểu sử[|
Theo gia phả của dòng họ Nguyễn ở làng Nghi Xuân, Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (tức ngày 3 tháng 1 năm 1766 tại phường Bích Câu, Thăng Long. Cha là Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), sinh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, tên tự Hy Di, hiệu Nghi Hiên, có biệt hiệu là Hồng Ngự cư sĩ đậu Nhị giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Đại Tư Đồ (Tể tướng), tước Thượng thư bộ Hộ triều Lê. Mẹ là bà Trần Thị Tần [3] (24 tháng 8 năm 1740 - 27 tháng 8 năm 1778), con gái một người làm chức câu kế, quê làng Hoa Thiều, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du (Đông Ngàn), xứ Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Bà Tần là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm (kém chồng 32 tuổi sinh được năm con, bốn trai và một gái).[4][5]
Tổ tiên của Nguyễn Du có nguồn gốc từ làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội), sau di cư vào Hà Tĩnh, có truyền thống khoa hoạn nổi danh ở làng Tiên Điền về thời Lê Mạt. Trước ông, sáu bảy thế hệ viễn tổ đã từng đỗ đạt làm quan.
Năm Đinh Hợi (1767), khi Nguyễn Du mới một tuổi, Nguyễn Nghiễm được thăng Thái tử Thái bảo, hàm Tòng Nhất Phẩm, tước Xuân Quận Công nên Nguyễn Du thời đó sống trong giàu sang phú quý.
Năm Giáp Ngọ (1774), cha Nguyễn Du sung chức tả tướng, cùng Hoàng Ngũ Phúc đi đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Từ thời gian này Nguyễn Du chịu nhiều mất mát:
Năm 1778 (Mậu Tuất) bà Trần Thị Tần, mẹ Nguyễn Du qua đời. Cũng trong năm này, anh thứ hai của Nguyễn Du là Nguyễn Điều (sinh năm 1745) được bổ làm Trấn Thủ Hưng Hóa. Mới 13 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ nên ông phải ở với người anh khác mẹ là Nguyễn Khản (hơn ông 31 tuổi)
Năm Canh Tý (1780), Nguyễn Khản là anh cả của Nguyễn Du đang làm Trấn Thủ Sơn Tây bị khép tội mưu loạn trong Vụ án năm Canh Tý, bị bãi chức và bị giam ở nhà Châu Quận Công. Lúc này Nguyễn Du được một người thân của Nguyễn Nghiễm là Đoàn Nguyễn Tuấn đón về Sơn Nam Hạ nuôi ăn học.
Năm Nhâm Dần (1782), Trịnh Sâm mất, Kiêu binh phế Trịnh Cán, lập Trịnh Tông lên ngôi chúa. Hai anh của Nguyễn Du là Nguyễn Khản được làm Thượng thư bộ Lại, tước Toản Quận công, Nguyễn Điều làm Trấn thủ Sơn Tây.
Năm Quý Mão (1783) Nguyễn Du thi Hương ở trường Sơn Nam, đậu Tam trường (Tú tài). Ông lấy vợ là con gái Đoàn Nguyễn Thục và ông được tập ấm chức Chánh Thủ Hiệu hiệu quân Hùng hậu của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên. Cũng trong năm này anh cùng mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Đề (sinh 1761) đỗ đầu kỳ thi Hương ở điện Phụng Thiên, và Nguyễn Khản đầu năm thăng chức Thiếu Bảo, cuối năm thăng chức Tham Tụng.
Năm Giáp Thìn Tháng 2 năm (1784), kiêu binh nổi dậy đưa hoàng tôn Lê Duy Kỳ lên làm thái tử. Tư dinh của Nguyễn Khản ở phường Bích Câu, Thăng Long bị phá, Nguyễn Khản phải trốn lên ở với em là Nguyễn Điều đang là Trấn Thủ Sơn Tây. Đến năm 1786 thì Nguyễn Khản bị mắc bệnh rồi chết ở Thăng Long.
Năm Kỷ Hợi (1789) Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Đoàn Nguyễn Tuấn hợp tác với Tây Sơn, giữ chức Thị Lang Bộ Lại. Lúc này Nguyễn Du về ở quê vợ (Quỳnh Côi, Thái Bình).
Tháng mười, năm Tân Hợi (1791), anh thứ tư cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh do chống Tây Sơn nên bị bắt và bị giết, dinh cơ họ Nguyễn ở Tiên Điền Hà Tĩnh bị Tây Sơn phá hủy.
Năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Du về thăm quê Tiên Điền và đến cuối năm ông vào kinh đô Phú Xuân thăm anh là Nguyễn Đề đang làm Thái Sử ở Viện Cơ Mật và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn.
Năm Giáp Dần (1794), Nguyễn Đề được thăng Tả Phụng Nghi Bộ Binh và vào Quy Nhơn giữ chức Hiệp Tán Nhung Vụ. Đến năm 1795 Nguyễn Đề đi sứ sang Yên Kinh dự lễ nhường ngôi của vua Càn Long nhà Thanh, đến năm 1796 trở về được thăng chức Tả Đồng Nghị Trung Thư Sảnh.
Mùa Đông năm Bính Thìn (1796), Nguyễn Du trốn vào Gia Định theo chúa Nguyễn Ánh nhưng bị Quận Công Nguyễn Thận bắt giam ba tháng ở Nghệ An. sau khi được tha ông về sống ở Tiên Điền. Trong thời gian bị giam ông có làm thơ My Trung Mạn Hứng (Cảm Hứng Trong Tù)
Mùa Thu năm Nhâm Tuất (1802), Vua Gia Long diệt nhà Tây Sơn. Nguyễn Du ra làm quan Tri Huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnhHưng Yên). Mấy tháng sau thăng Tri Phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc Hà Nội).
Năm Quý Hợi (1803), Nguyễn Du được cử lên ải Nam Quan tiếp sứ nhà Thanh sang phong sắc cho vua Gia Long.
Năm Ất Sửu (1805) ông được thăng Đông Các Đại Học Sĩ (hàm Ngũ Phẩm), tước Du Đức Hầu và vào nhậm chức ở Kinh Đô Phú Xuân. Năm Đinh Mão1807 được cử làm giám khảo kỳ thi Hương ở Hải Dương. Mùa Thu năm Mậu Thìn1808 ông xin về quê nghỉ.
Năm Kỷ Tỵ (1809) ông được bổ chức Cai Bạ (hàm Tứ Phẩm) ở Quảng Bình
Năm Quý Dậu (1813) ông được thăng Cần Chánh Điện Học Sĩ và được cử làm Chánh Sứ sang nhà Thanh. Năm 1814 ông đi sứ về, được thăng Hữu Tham Chi Bộ Lễ (hàm Tam Phẩm).
Năm Bính Tý ((1816)), anh rể Nguyễn Du là Vũ Trinh vì liên quan đến vụ án cha con Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành nên bị đày vào Quảng Nam.
Năm (Canh Thìn) 1820 Gia Long qua đời Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm Chánh Sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch chết ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch (16 tháng 9 năm Canh Thìn (1820) lúc 54 tuổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét