Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn XVII (Ngộ Không Phí Ngọc Hùng)

Chữ Nghĩa Làng Văn XVII


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.
Ngộ Không Phi Ngọc Hùng


***


Chữ Nghĩa Làng Văn


Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thơ Nôm để chuyển sang văn học quốc ngữ đã xuất hiện hai gương mặt thơ tiêu biểu là Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Họ cùng thời và đồng hương nhưng thế giới các cảnh quan và tâm trạng trong thơ họ rất khác nhau. 


Nguyễn Khuyến, đó là sự tĩnh lặng làng quê; Tú Xương trong huyên náo kẻ chợ. Kể cũng hơi lạ. Bình Lục của Nguyễn Khuyến chỉ cách Nam Ðịnh nơi có phố hàng Nâu của Tú Xương vài mươi cây số, thế mà thế giới thơ của ông sao hiu hắt thế. Tú Xương chưa phải làm câu đối khóc vợ như Nguyễn Khuyến:
Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm. 
(Hai bà vợ trong thơ Nôm - Phong Lê)



Chữ Việt Cổ
Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại


Hom lấy: giữ lấy, ràng lấy 
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
.
Nguồn Gốc Tộc Việt 
Chi tiết về báo cáo khoa học của GS. Chu và các đồng nghiệp có ba điểm căn cốt như sau:

Điểm thứ nhất:
Công trình khảo cứu của GS.Chu phủ nhận người Trung Hoa đã tự sinh ra và phát triển độc lập trên đất Trung Hoa như nhiều nhà khảo cổ trước đây đã chủ trương đồng thời khẳng định gốc gác của người Trung Hoa từ Đông Nam Á di dân lên.


Điểm thứ hai:
Người từ Đông Nam Á di dân lên đó cũng không hẳn tự phát sinh ở Đông Nam Á mà họ đã đến từ Phi Châu qua ngả Nam Á.


Điểm thứ ba:
Sau khi phối kiểm với kết quả của khảo cổ học như việc đo đạc xương cốt sọ mặt. GS. Chu kết luận riêng người phương Bắc Trung Hoa sau khi đã từ Đông Nam Á di lên sau lại lai giống với người từ Trung Á và Âu Châu di cư đến
(Nguồn: Cung Đình Thanh)



Chữ nghĩa lơ ngơ lớ ngớ
Em ơi nên lấy thợ bào
Khom lưng ảnh đẩy cái nào cũng êm

Nguyên Hồng
Tôi hỏi:
– Anh thích lối nào?
– Lối nào tôi cũng thích cả. Cái điều quan trọng là nội dung câu chuyện. Cậu diễn đạt làm sao cho cái ý định của mình truyền được sang người đọc. Cậu thấy Nam Cao có tài không? Chỉ trong một truyện ngắn mà anh ấy mô tả cả một cái nông thôn thời Pháp. Nghề viết, ai có lối nấy, không ai giống ai.
– Anh cũng tài chớ, cái Bỉ Vỏ của anh dịch ra tiếng ngoại quốc, thì phải được xếp ngang hàng với…
Nguyên Hồng cười khà.
Một hôm đi nhậu thịt chó với anh ở Ô Yên Phụ. Ngồi nhâm nhi một chốc, bỗng tôi nhìn vào bếp thấy bà chủ quán, tôi trỏ bà ta và nói với anh: “Bảy Hựu của anh kìa, anh Nguyên Hồng?” Anh cười rẻ lên sung sướng lắm, và cụng ly uống với tôi liên miên.

Chúng tôi thường gọi anh là Maxim Gorki Việt Nam. Và nếu có một nhà văn nào đã tả Balzac như sau: “ông ta có một dáng điệu của một anh hàng bánh mì, có nét mặt của anh hàng thịt, và đôi tay của một anh thợ đóng giầy
Tôi có thể tả Nguyên Hồng: “Anh có dáng điệu của một người nhà quê, thích xoay trần, chân không bao giờ mang giầy, nhưng lại có một tâm hồn nghệ sĩ lớn! Hãy trông kìa: Cái xe đạp thô kệch của anh dựng ở gốc ổi già với chiếc cặp da cũ rách há họng, vì chứa đầy giấy bên trong. Nó được ràng vào poọc-ba-ga bằng một sợi dây thừng cột trâu. Anh sợ chiếc cặp rơi mất. Đó là cặp bản thảo tiểu thuyết của anh! Mất là chỉ có chết, chớ không viết lại được?”.

Không hiểu sao anh khoẻ mạnh mà lại mất sớm thế? Vào lúc 63 tuổi (1982).
(Xuân Vũ)


Cành đào của Quang Trung
Cành đào Thăng Long mà vua Quang Trung khi đang ở Phú Xuân (Huế) gửi ra Thăng Long tặng Ngọc Hân công chuá do một nhà viết chèo… bịa ra. 
Sau này được sử dụng trong sách như một tư liệu chính thức về mối tình cao đẹp của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.
 (Vấn đề nói dối – Trần Nhuận Minh)


Ghế và Bàn
Tôi ghé lại một tiệm nước Tàu ở Chợ Lớn để giải khát, loại tiệm mà họ đề bảng hiệu là “Trà Gia”. Tôi gọi một bình trà. Thế là ông chủ hiệu hô to lên cho hầu xáng bưng bình trà cho tôi. Ông ta nói bằng tiếng Quảng Đông: “Một bình trà cho kỷ xà hướng đông”. 


Sao lại là ghế trà hở trời ? Không lẽ họ dám vô lễ đặt bình trà cho khách trên một chiếc ghế? Còn cái bàn, trước mặt tôi thì để làm gì kia chớ? Lúc anh hầu xáng bưng bình trà lại, để lên bàn, tôi hỏi anh ta:
- Kỷ xà là gì ? 
- Là bàn dùng để bình trà. Cái bàn trước mặt thầy đó.
- Vậy kỷ là bàn, chớ không phải là ghế ?
- Dạ, kỷ là bàn.
- Sao người Việt Nam chúng tôi gọi cái ghế dài là trường kỷ ?


Anh hầu xáng cười rồi đáp:
- Ai biết đâu. Chừng nào chính tôi gọi như vậy thì mới là kỳ đó, mới là đáng hỏi. Các ông khác nước, khác tiếng với chúng tôi, các ông dùng tiếng Tàu cách nào, chúng tôi đâu có biết được.
(Học lại chữ Tàu – Bình Nguyên Lộc)



Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi 
Nhà văn Xuân Vũ tên thật là Bùi Quang Triết, tham gia kháng chiến ở miền Nam và tập kết ra Bắc năm 1954, đã hồi chánh năm 1968 khi được CS Bắc việt đưa trở lại miền Nam trong chiến dịch tổng công kích Tết Mậu Thân. 
Với những kinh nghiệm bản thân của một nhà văn trong hàng ngũ cộng sản hơn 20 năm, nhất là hơn 10 năm sống ở miền Bắc, Xuân Vũ biết rất rõ sinh hoạt văn học ở miền Bắc. Sau khi hồi chánh, Xuân Vũ nổi tiếng ở miền Nam với tác phẩm “Xương Trắng Trường Sơn” và “Đường Đi Không Đến”, viết về những sự thật trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam. 
Khi miền Nam VN sụp đổ, Xuân Vũ đã kịp di tản ra khỏi VN cùng gia đình và định cư tại San Antonio, Texas, Hoa Kỳ và tiếp tục viết cho đến ngày qua đời, 1/1/2004. 
(Viên Linh)



Hiện Tượng Phản Ngôn Ngữ

Có thể tóm gọn các cách nói mới ấy vào bốn điểm.
Thứ nhất, hiện tượng dùng nguyên cả một cụm từ hoặc một từ ghép hoặc một tên riêng của một người, một địa phương hoặc một nước để chỉ lấy ra một từ tố trong đó. 
Ví dụ, thay vì nói “lâu”, người ta nói “Hà Văn Lâu” (hay “Hồng Lâu Mộng”); thay vì nói “đông” (đúc), người ta nói “Hà Đông”; thay vì nói “xa”, người ta nói “Natasha” (chỉ lấy âm cuối, “Sha”, phát âm theo giọng miền Bắc là “xa”); thay vì nói “xinh” (xắn), người ta nói “nhà vệ sinh” (âm /s/ bị biến thành /x/); thay vì nói “tiện”, người ta nói “đê tiện”; thay vì nói “cạn” (ly), người ta nói “Bắc Cạn”; thay vì nói “can” (ngăn), người ta nói “Lương Văn Can”; và thay vì nói “chia” (tiền), người ta nói “Campuchia”. 


Cuối cùng, người ta có một mẩu đối thoại lạ lùng như sau:
“Đi gì mà Hà Văn Lâu thế?''
''Ừ, tại đường Hà Đông quá!''
''Từ đấy đến đây có Natasa không?''
“Không. À, mà hôm nay em trông hơi nhà vệ sinh đấy nhé!”
“Khéo nịnh! Tí nữa, đi về, có đê tiện, mua giùm em tờ báo nhé!”
“Ừ, mà thôi, bây giờ nhậu đi!”
“Ừ, Bắc Cạn đi, các bạn ơi!''
“Thôi, tôi Lương Văn Can đấy!”
''Này, hết bao nhiêu đấy, để còn Campuchia?

(Nguyễn Hưng Quốc - Hiện tượng phản-ngôn ngữ ở Việt Nam)



Mả Ngụy 
https://cuocsongsaigon.vn/wp-content/uploads/2017/12/manguy.jpg


Vị trí địa lý của Mả Ngụy có nhiều ý kiến khác nhau:
– Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu xác định khoảng gần Mô Súng, tức Ngã sáu Công trường Dân Chủ ngày nay.



Chữ là nghĩa
"Ai cũng nói nhưng không ai nói điều mình muốn nói"
“Ai cũng đi làm nhưng không ai làm ra cái gì hết"
"Làm cái gì cũng sai chỉ không làm là đúng”



Triết lý củ khoai
Tôi (Tràm Cà Mau) cứ yên chí là hạnh phúc không có thật trên đời nầy, và không tội gì uổng công tìm kiếm. Dù sách vở, thơ văn, có nói nhiều đến hạnh phúc, tôi e rằng đó là chuyện mơ mộng hão huyền, chuyện bánh vẽ của những người chuyên làm thơ văn. Nhưng khi lớn lên, được đọc kinh Phật, kinh Thánh, và nhiều sách triết lý Âu Á như Khổng, Lảo, Chu... và luôn cả kinh Koran và kinh đạo Bahai nửa, thì  tôi tìm cho tôi được một triết lý đơn sơ, mộc mạc, là cái món hổ lốn vắt ra từ tinh túy của các triết lý khác. 


Tôi tạm gọi là Triết lý củ khoai”. Vì nó đơn sơ như củ khoai, rẻ tiền, mộc mạc, và dễ tìm thấy như củ khoai trong đời nầy. Triết lý đó được đơm gọn lại trong một câu ngắn ngủi: “Nếu chỉ có một củ khoai thôi, thì hãy nướng nó cho thật thơm mà đớp”. 


Ý nghĩa của câu đó cũ mèm, hình như ai cũng biết, và có nhiều câu nói tương tự . Cái triết lý đơn giản nầy giúp tôi thấy được rằng, hạnh phúc là cái rất cụ thể, rất gần gủi, bất cứ ai, và bất cứ lúc nào, cũng có thể tìm được hạnh phúc rất dễ dàng. Ai cho rằng hạnh phúc là xa vời, thì vì họ từng nghe một phần của triết lý củ khoai, sách vở cũng có nói đến, nhưng người đọc vô tình…
(Tràm Cà Mau)


Mả Ngụy

Học giả Vương Hồng Sển dẫn lại trong cuốn Sài Gòn năm xưa. Như ý kiến của ông Lê Văn Phát trong quyển Khảo về Tả quân Lê Văn Duyệt (xuất bản năm 1924 tại Sài Gòn) cho biết Mả Ngụy ở gần trường đua ngựa cũ, thuộc làng Chí Hòa, tại góc đường Thuận Kiều và Général Lizé.



Giai Thoại Làng Văn
Giai thoại văn học kể rằng thời nhà Mạc có tiến sĩ Vũ Thế Dĩnh, quê Hải Dương, nổi tiếng hay chữ. Người nọ vừa mất bố, đến xin bài văn khắc bia mộ. Tiến sĩ họ Vũ hỏi: "Ông cụ có chức sắc gì?" Người nọ đáp: "Phụ thân tôi làm tài quan" (một chức quan võ nhỏ). Tiến sĩ họ Vũ hạ bút:
Sinh vi tài quan, 
Tử nhập quan tài. 
Kỳ sinh dã vinh, 
Kỳ tử dã ai.

Nghĩa :
Sống làm tài quan, 
Chết vào quan tài. 
Sống thì vinh hiển, 
Chết thì bi ai.



Văn chương
Văn chương – Văn: lời văn. Chương: từng bài.


Những gì diễn tả bằng chữ, thành câu, thành bài ghi lại những sự kiện trong đời hay do trí tưởng tượng mà ra, gọi là văn chương.


Truyện Kiều có câu: Văn chương nết đất – Thông minh tính trời”.


Tác giả cuộc đời và sự kiện
Tạp chí Vấn Đề và Ngụy Ngữ “Con thú tật nguyền” - 1


Ngụy Ngữ đến với Vấn Đề đầu tiên qua truyện Con thú tật nguyền ký tên thật là Nguyễn Văn Ngữ. (VĐ số 21). Sau đó hầu như cách khoảng 1, 2 số bút hiệu  Ngụy Ngữ xuất hiện thường xuyên, và sự mạ lỵ lính miền Nam càng lúc càng tận tình. Mãi đến số 52, báo mới bị tịch thu, và đến số 56, mới có một bài không có gì đến chuyện mạ lỵ. Để rồi VĐ không còn xuất hiện nữa.
Dù Vấn Đề không giải thích tại sao số 52 bị tịch thu, nhưng sau khi đọc số này, tôi biết chắc là từ truyện ngắn của Ngụy Ngữ (NN). Vậy Ngụy Ngữ là ai. Ai cũng biết trước 1975 Ngụy Ngữ có một thời làm lính miền Nam. Sau 1975, Ngụy Ngữ trở thành đảng viên CS, làm việc trong ngành điện ảnh, chuyên môn viết kịch bản, phim bản. Là một người lính, nhưng Ngụy Ngữ là một người lính mang bộ đồng phục, nhưng lại chửi rủa cái bộ đồng phục ông mang trên người  dữ dội và thậm tệ  hơn ai hết.
Ông khác với Ngộ Kha sau 1975, được xem là người của phía CS, dù  họ đã từng mang áo lính miền Nam trước 75. Ngô Kha, không thóa mạ hàng ngũ lính miền Nam, trái lại dành cho tập thể này một sự trân trọng hiếm tìm thấy nơi bất cứ một thi sĩ nào. Dưới đây là đoạn thơ chúng tôi tìm được trên một số báo Mai cũ, ông làm tặng khóa 16 Thủ Đức, trong ngày ông mãn khóa:
cát bụi công bình mà thương cho số phận tất cả
bởi ai đã chối bỏ chìa khóa mở cửa chốn địa đàng này
nên bây giờ có những lũ người đi vào bằng bạo lực
(Ngô Kha – Mặt trời mọc)
Nếu có một người  mà  Ngụy Ngữ giống, người ấy là Vũ Hạnh.
Thật vậy, Vũ Hạnh mạt sát tờ Sáng Tạo vì tạp chí này làm số tưởng niệm Quách Thoại (1). Vũ Hạnh đã lôi cả người chết là Quách Thoại lên để tố. Ngụy Ngữ cũng vậy. Ngay cả một người chết là  cố đại úy dù Nguyễn Văn Đương, nhân vật chính trong bài hát “Anh không chết đâu anh” của Trần Thiện Thanh, Ngụy Ngữ cũng không chịu buông tha:
”…Chuyện kể lại cái chết của một tên sĩ quan dù tại mặt trận Hạ Lào, nhắc lại thuở y còn là một thiếu úy, thiếu úy dù đi xe gắn máy chồng ba bốn mạng một xe  chạy giữa phố Sài Gòn, tông nhằm một cô gái, cô gái nhận làm em gái hậu phương đi ca hát gì đó cho lính nghe rồi nhận làm vợ tên thiếu úy luôn, tên thiếu úy lên đại úy, tên đại úy đi trận sang Lào và mở lựu đạn chết khi căn cứ bị tràn ngập, chết xong chưa yên chuyện lại còn hiện hồn mang mặt máu về đứng hát anh chưa chết đâu em…”.
Trích Vấn Đề số 52 tháng 11-71
(Tạp chí Thư quán Bản thảo số 63 tháng 2-2015 – Trần Hòai Thư)


(1) Dưới bút hiệu Nguyên Phủ, Vũ Hạnh “phang” Sáng Tạo. 
Lý do Sáng Tạo đã làm một số tưởng niệm Quách Thoại vì Quách Thọai làm những bài thơ chống cộng, ca tụng chế độ như Cờ Dân Chủ,  Đường Tự Do:
Câu đố dân gian 
Con chi đầu khỉ đuôi lươn,
Ăn no tắm mát, lại trườn lên cây?
(cái gáo dừa)


Tác giả cuộc đời và sự kiện
Tạp chí Vấn Đề và Ngụy Ngữ “Con thú tật nguyền” - 2
Rõ ràng, Ngụy Ngữ đã dùng Vấn Đề để trút những hằn học căm hận lên một hàng ngũ, gọi thương phế binh VNCH là “bọn què quặt hết thời”,  kêu cố đại úy dù Nguyễn văn Đương là “tên”, kêu lính miền Nam là “bọn”… 


Đòn thù của Ngụy Ngữ còn dữ dội hơn cả Vũ Hạnh. Vũ Hạnh chỉ nhắm vào mặt trận văn hóa, chưa bao giờ có một câu ca ngợi lộ liễu phe trong bưng mà VH đã gia nhập từ năm 1961… còn NN thì lộ liễu công khai. Ca ngợi hết mình phía “giải phóng” là có chính nghĩa bằng cách phết sơn đen lên một tập thể quân đội miền Nam như là  “những con thú tật nguyền” một bọn “bệnh hoạn”, “say sưa”, “phá phách”, không lý tưởng… Ngay cả người sĩ quan Dù miền Nam mở chốt lựu đạn tự sát trên đồi máu sau khi đồi bị tràn ngập thì  cũng bị NN đem ra mai mỉa bỡn cợt “anh chưa chết đâu anh”. 


***
Bây giờ NN  đã hả dạ. Giấc mơ của NN đã thành tựu, NN trở thành một đảng viên CS.  Con thú tật nguyền từng đăng trên Vấn Đề dưới tên Nguyễn Văn Ngữ  đã được NN viết thành phim bản và dựng  thành phim.
Ngụy Ngữ đến với Vấn Đề đầu tiên qua truyện Con Thú Tật Nguyền ký tên thật là Nguyễn Văn Ngữ. Mãi đến số 52, báo mới bị tịch thu. Như vậy, theo chúng tôi, kẻ đáng trách là mấy ngài lảnh lương tại sở kiểm duyệt tại SG. Tại sao phải đợi đến số 52 mới tịch thu, không tịch thu số 21 khi NN đăng “con thú tật nguyền” để VĐ phải thận trọng hơn khi đăng bài NN? Tại sao không làm như họ đã làm đối với Bách Khoa, Văn? 

Trong khi chỉ một bài của Mặc Đỗ đăng trên tuần báo Khởi Hành là “Mặc Cảm Kaki” đã gây nên phản ứng mạnh đối với những người viết văn trẻ bấy giờ, thì những bài của NN không một ai lên tiếng phản ứng.
Và cũng  vì không thấy ai lên tiếng , nên   buộc lòng tôi mới viết bài này. Dù rằng quá muộn.
(Tạp chí Thư quán Bản thảo số 63 tháng 2-2015 – Trần Hòai Thư)


126 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Trần Văn Thủy: Thế theo chị thế nào là “ngụy”?
Hòang Bắc: Theo từ điển Hán Vịêt nghĩa là dối trá, nghĩa là giả, nghĩa là nói một đằng làm một nẻo. Theo phong kiến Minh Mạng thì ngụy là bọn làm phản, làm loạn, chẳng hạn Mả Ngụy, ở đó chôn bọn làm phản Lê Văn Khôi chống lại chính quyền phong kiến Nguyễn. Theo tự điển nhà nước XHCN Việt Nam thì ngụy quyềnchính quyền lập ra để chống lại chính quyền hợp pháp của nhân dân
(Từ Ðiển Tiếng Việt, NXB Ðà Nẵng, 1996).
(…)
TVT: Bây giờ, nếu có thể được, ta nói chuyện một chút về Cộng đồng người Việt ở Mỹ . Chị có thể phác họa vài nét về Cộng đồng người Việt ở Mỹ, (…) Chị thấy các sinh hoạt đó như thế nào?
HB: Tôi đề nghị anh đọc Unbearable Lightness of Being của Milan Kundera để anh dễ thâm nhập và nhận diện bộ mặt của cộng đồng Việt ở hải ngoại. 

Kundera viết quyển này lấy bối cảnh biến cố Mùa Xuân Praha năm 1968 và các nhóm di dân Tiệp vào thời điểm đó, đến nay, trải qua mấy chục năm rồi, giọng điệu, ngôn ngữ, suy tư của đám di dân Tiệp vẫn còn có thể dùng để mô tả được chính xác hình ảnh các hội đoàn chống Cộng của người Việt rải rác và đầy dẫy ở các nước Mỹ, Pháp, Úc, Canada... Lâu lâu lại phải đọc tuyên cáo này, tuyên cáo nọ, lên án bọn cộng sản trong nước và tay sai ngoài nước, lâu lâu lại có vụ đốt một quyển sách hay hăm dọa một nhà xuất bản nào đó đã dám bày bán quyển sách thiên cộng kia, (…)

Chuyện này, tôi chia sẻ với suy nghĩ của nhân vật Sabina trong tiểu thuyết của Kundera:
“...Cái yếu tính cốt lõi để trở thành người Tiệp tan biến vào hư không mất rồi... Hay vì những bậc vĩ nhân. Jan Hus? Không ai trong căn phòng đó từng đọc một dòng chữ nào của ông. Họ chỉ có thể hiểu được ngọn lửa, niềm vinh quang của ngọn lửa khi ông bị hỏa thiêu, niềm vinh quang của tro tàn, và do đó, yếu tính để thành người Tiệp là đám tro tàn và chỉ có thế thôi. Ðiều duy nhất giữ họ lại là sự chiến bại và những lời khiển trách lẫn nhau...”

Nên tôi không mấy ngạc nhiên khi đọc các diễn văn, tuyên ngôn, tuyên cáo cùng các bài báo ở các loại báo biếu lá cải các nhân vật cộng đồng tố cáo mạ lỵ chụp mũ tưng bừng lẫn nhau, người oan kẻ ưng cá mè một lứa. Trung tâm William Joiner tặng cái grant anh Thủy đang làm đó cũng gây ra một vụ kiện đang đưa nhau ra ba tòa quan lớn Mỹ đấy, chắc anh có nghe rồi! 
(Phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng Bắc – Trần Văn Thủy)

Sè sè 
Sè sè: rất thấp
(sè sè nấm đất bên đường - Kiều)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)


Thổ thần
Người ta thường thấy giữa đồng ruộng Bắc Việt nổi lên một cái gò, cái đống đất, bên trên có một gốc cây cổ thụ che một cái bệ xây gạch gọi là cái án. Dân quê xung quanh đấy thường đem lễ vật hương hoa đến lễ bái, vì đấy là một cái án thờ Thổ Thần.


Những thổ thần ngự trên cây thiêng ở một cái gò chỉ hành động trông coi ruộng đất mùa màng của một làng, cho nên trong một làng thường có nhiều án thờ thổ thần, không phải để cúng riêng thổ thần mà còn để tống tiễn chúng sinh gồm các vong linh có hồn không có thừa tự, của kẻ chết đường, chết chợ, xa cửa xa nhà, không nơi nương tựa.

Thương thay thập loại chúng sinh,
Phách đơn, hồn chiếc, linh đinh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Phận mồ côi lần lữa đêm đêm. 
(Nguyễn Du – Văn tế thập loại chúng sinh)

(Tục thờ cây ở Việt Nam – Nguyễn Đăng Thục)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Trong tiệm ăn người Tầu hay dùng “dấm” đỏ là “xủ”. Khách hàng thay vì gọi cô xẩm xin “dấm” hay “xủ”, họ gọi gom chung cả Việt lẫn Tầu là “dấm xủ”. 
“Dấm xủ nói lái là…vú xẩm.



Nhớ món ngon Sài Gòn
Phở Hoà

Trên đường Pasteur có phở Hòa, khá nổi tiếng. Ban đầu, lúc khai trương năm 1960, tiệm phở này mang tên Hòa Lộc. Có lẽ sau này khách ăn cứ gọi tắt là Hòa nên Hòa Lộc biến thành Hòa theo kiểu gọi tên một chữ cho dễ nhớ thường thấy ở các tiệm phở (?).

Phở Hòa chỉ chuyên loại phở bò, nếu vào đây mà tìm tô phở gà thì không có. Khách phải chịu khó ra đường Hiền Vương, đến tiệm Hương Bình, “chuyên trị” phở gà.

(Hồi ức một đời người - Nguyễn Ngọc Chính)



Từ điển và từ ngữ Việt Nam
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.


Chúa đất. Từ miền Nam chỉ địa chủ lớn

Trong Nam, không có ai dùng hai tiếng chúa đất để «chỉ bọn địa chủ lớn» cả. Người ta gọi là đại điền chủ.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Chán đời cắt tóc đi tu.
Nghĩ đi nghĩ nghĩ lại... đi tù sướng hơn.
Trong tù làm chủ giang sơn,
Một căn phòng đá với dăm ba thằng.
Thằng nào cũng có khiếu năng,
Thằng thì giỏi hoạ thằng thì làm thơ.
Có thằng lại đứng ngẩn ngơ. 
Vì sao ta lại trở vô nhà tù


Đồng dao, đồng diêu 
Một bài đồng dao khác được phổ nhạc là Thằng Bờm, nói lên đầu óc thực tiễn của dân quê không cần xa hoa phù phiếm cung ngũ long, lầu ngũ phụng, dinh thự cao ốc, hay đặc sản miếng ngon vật lạ, mà chỉ muốn no bụng:

Thằng Bờm có cái quạt mo/ phú ông xin đổi ba bò chín trâu 
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu/ phú ông xin đổi ao sâu cá mè 
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè/ phú ông xin đổi ba bè gỗ lim 
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim/ phú ông xin đổi một đôi chim mồi 
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi 
Phú ông xin đổi nắm xôi...  Bờm cười!!!
(Trần thị LaiHồng – Đồng dao và trò chơi trẻ con)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Vương Hồng Sển có nhiều chuyện nói lái, như xe thổ mộ được gọi là xe “u mê” vì đàn bà con gái ngồi bệt trên sàn xe gỗ cứng nên … “ê mu”. 


Khắc
Đêm thu khắc lậu canh tàn
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm sương
(Kiều)


Xưa người ta dùng thủy lậu hay khắc lậu. Thúy lậu là nước giọt, khắc lậu là giọt thành khắc. Nước gịot từ cái vòi xuống bể nước, nước dâng từ mức này đến mức kia, từ khắc này đến khắc nọ, để phân chia thời gian một cách rõ ràng
(Việt Nam anh hoa – Thái Văn Kiểm)



Lục bát dân gian 
Về cách gieo vần lục bát dân gian cũng có 2 dạng biến thể. Dạng biến thể vần bằng thì thay đổi vị trí chữ mang vần của câu tám từ chữ thứ 6 lên chữ thứ 4. Ở vị trí này, chữ mang vần nhất thiết phải mang thanh huyền (trầm bình thanh) và để tương thích với nó các chữ thứ 8 bắt buộc phải mang thanh không dấu (phù bình thanh). Dạng biến thể này khá phổ biến trong Lục bát dân gian:

Con cò mà đi ăn đêm 
Đỗ phải cành mềm lộn cổ xuống ao 
Ông ơi ông vớt tôi nao 
Tôi có lòng nào ông sẽ sáo măng.
(Nguồn: Đỗ Đình Tuân)



Hát bội 
Lối hát tuồng, còn gọi là hát bội du nhập vào Việt Nam vào thời điểm nào chưa được minh xác nhưng có truyền thuyết ghi rằng vào thời Tiền Lê năm 1005, một kép hát người Tàu tên là Liêu Thủ Tâm đến Hoa Lư và trình bày lối hát xướng thịnh hành bên nhà Tống và được vua Lê Long Đĩnh thâu dụng, bổ là phường trưởng để dạy cung nữ ca hát trong cung .

Sang thời nhà Trần, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn bắt được một tên quân nhà Nguyên tên là Lý Nguyên Cát vốn là kép hát. Vương tha tội chết cho Cát và sai dạy lối hát đó cho binh sĩ. Cát cho diễn vở Vương mẫu hiến đào để vua ngự lãm cùng các triều thần xem. Ai cũng cho là hay.

Tuy nhiên người đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng Việt Nam là Đào Duy Từ (1572-1634). Ở Miền Trung Việt Nam trở ra gọi “tuồng” do chữ “liên trường” là kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn. Từ “liên trường” do ngôn ngữ địa phương mà thành “luông tuồng”, “luôn tuồng”...

Chúng ta không biết chính xác bộ môn hát bội đã từ miền Trung vào miền Nam (1) từ năm nào, nhưng theo sử sách ghi lại thì vào năm 1760, khi người con trai thứ chín của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) tên Hạo (Hiệu) bị bịnh chết, chúa vô cùng đau xót nên hạ lịnh cấm dân gian không được ca hát trong một trăm ngày. Sau một trăm ngày đau buồn đó, chúa cho người vào Trấn Biên (đất Biên Hòa ngày nay) gọi những “con hát” (hát bội) ở đó ra Phú Xuân để biểu diễn cho chúa xem, như vậy là vào năm 1760, tại miền Nam đã có những đào kép hát hay và nổi tiếng nên chúa mới
biết đến. 


(1) Theo Vương Hồng Sển…“hát bội” phát sinh từ người Minh Hương ở miền Nam. Chiều chiều họ nhớ cố quốc, họ tụ tập trước sân nhà để hát và múa may theo điệu bộ tuồng tích cũ ở bên Tàu.
Vì vậy mới có “hát bộ”, sau gọi là… hát bội.

               Ngộ Không Phí Ngọc Hùng biên soạn







































Không có nhận xét nào: