Kí Ức Tuổi Thơ
Hoàng Hữu Chiểu
Đời người …
Có lẽ ai cũng nghĩ rằng thời thơ ấu là cái thời đáng nhớ nhất, cái thời mà sự vô tư, hồn nhiên, trong trẻo luôn luôn ngự trong tâm hồn; để rồi, khi thời gian làm bạc mái đầu, da hằn sâu những dấu chân chim, con người ta còn nhớ mãi về những kỉ niệm thuở ấy. Và ngậm ngùi hoài niệm!....
Tuổi thơ của tôi gắn liền với những lũy tre làng, những ao cá, cây đa, bến nước, sân đình, đặc biệt những cánh đồng của làng...
Cánh đồng làng tôi, phần lớn, trồng lúa.
Đầu tháng 11 âm lịch, dân làng tôi ra đồng cày ải, “làm giường” (“phạng” cỏ bờ ruộng và bồ thêm đất vào bờ để giữ nước), chuẩn bị cấy lúa vụ Đông Xuân.
Thời ấy, chưa có máy cày bừa, việc làm đất phải cậy đến sức trâu. Bác nông dân đứng trên chiếc bừa làm bằng gỗ, con trâu kéo chiếc bừa xé đất cho tơi và bàn đất cho phẳng; chiếc bừa tiến lên, nước dạt ra hai bên; lũ trẻ chúng tôi đi theo để bắt cá và đam (cua đồng). Cá hay đam trôi theo dòng nước; phát hiện chúng tôi chồm xuống tranh nhau, ngã chúi mũi xuống bùn, mặt đứa nào đứa nấy lấm lem rồi nhìn nhau cười toe toét.
Hết buổi, cá và đam đem về nhà; có đứa trong chúng tôi ghé hàng xóm xin mấy quả khế chua; thế là mạ chế biến cho một bữa gồm cá đồng kho gừng, đam nấu với khế chua… Ăn với cơm độn sắn khô hay khoai khô, ngon chi lạ!
Vào mùa Đông, đang tuổi ăn, tuổi ngủ, bụng đủ no, chúng tôi leo lên giường nằm co mình trong chiếc chăn cũ, rách; mùi hăng hăng, tanh tanh của bùn bốc lên làm thổi dậy những giấc mơ đẹp.
Rồi Tết qua, giêng, hai, ba vụt tới, dân làng tôi chuẩn bị nào liềm, nào hái để giữa tháng ba âm lịch, thấy lúa chín đều, ra đồng thu hoạch.
Lũ trẻ chúng tôi cũng háo hức ngóng chờ mùa gặt không kém. Người lớn thì phấn khởi vì sau mấy tháng trời chân lấm tay bùn, vất vả vì dãi nắng dầm mưa, thành quả lao động sắp được gánh về nhà. Còn chúng tôi thì nôn nóng mong mùa gặt để được ra đồng chạy nhảy, thả diều, tìm bắt những tổ chim "chắt chắt" gắn chặt giữa những chẽn lúa trĩu hạt, những tổ chim chiền chiện khéo giấu mình dưới gốc lúa, hay theo tiếng kêu, lần tìm, đào những chú dế mọi, dế lửa, dế pha nép mình dưới những đường nẻ hay hang giữa ruộng khô về nuôi trong những chiếc thùng các-tông, cho đá nhau, xem… thích lắm!
Dế được bắt giữa cánh đồng lúa lúc nào đá cũng mạnh mẽ, dẻo dai, hấp dẫn hơn dế bắt được giữa nương khoai, cồn bắp… Chắc nhờ môi trường sống… Ruộng lúa có hàm lượng đất sét cao, khi lúa chín, người ta tháo nước để dễ gặt, đất sét khô nên rất cứng, dế phải thích nghi với môi trường ấy, muốn đào hang, phải có sức mạnh và nhất là phải có đôi hàm khỏe.
Mùa gặt, cánh đồng làng tôi như một bức tranh của tạo hóa. Cả cánh đồng mênh mông toàn một gam màu vàng óng dưới ánh nắng đầu hè, vọng lên tiếng hò xen lẫn tiếng nói cười râm ran của mấy toán thợ gặt.
Lũ chúng tôi thì thả lên không trung xanh biếc, lúc chiều về, những chú diều màu sắc sặc sỡ. Mỗi chiếc diều mang theo những ước mơ hồn nhiên của chúng tôi bay lên trời cao. Chúng tôi hi vọng ông Trời ở trên tầng cao ấy nắm bắt được, soi xét, thoả mãn những ước mơ ấy để chúng tôi có tương lai tươi đẹp hơn.
Xa ở đằng kia, tiếng máy tuốt lúa (thời ấy máy tuốt thủ công quay bằng sức chân người đạp) ầm ầm, người thì tuốt, người thì đứng cạnh hốt những hạt lúa đã tuốt cho vào bao chất lên chiếc xe bò đang đợi sẵn, í ới vang đồng hối nhau kéo mau về kẻo trời sắp mưa…
Chừ nhớ lại, thấy vui vui! Và tiếc tiếc vì không còn chi nữa!
Bây giờ, ở quê tôi, đà đô thị hóa diễn ra nhanh lắm. Những cánh đồng làng tôi bị lấp để làm khu dân cư. Còn đâu những cánh đồng xanh mướt khi lúa đang thì con gái! Còn đâu những cánh đồng vàng ươm khi lúa đang kì thu hoạch! Còn đâu những cánh đồng mà ở đó bao thế hệ dân làng tôi đều gởi gắm kỉ niệm thời thơ ấu vô tư, hồn nhiên! Còn đâu cái mùi hăng hăng tanh nồng của bùn mà tôi và đám bạn ngày nào đem theo vào giấc ngủ để có những giấc mơ đẹp! Còn đâu cái vị của nồi canh khế nấu với đam ngon miệng! Còn đâu tiếng dế kêu báo hiệu bình minh hay hoàng hôn mỗi ngày! Còn đâu trò chơi bắt dế, đá dế của trẻ thơ!
Đồng ruộng không phải tự nhiên mà có; đồng ruộng nên hình nên dáng là do công sức của bao thế hệ dựng nên. Tổ tiên đã đổ bao mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu đương đầu với ma thiêng, nước độc, thú dữ để khai hoang, lên bờ vùng, bờ thửa. Các Ngài lao động bất chấp hiểm nguy vì các Ngài ôm ấp kỳ vọng là tạo nguồn sống muôn đời cho con cháu mai sau. Các Ngài chắc không bao giờ nghĩ ruộng đồng sẽ bị san lấp ồ ạt như bây giờ…
Không biết hồn thiêng các Ngài nghĩ thế nào khi thấy ruộng đồng biến mất nhanh đến thế!
Hoàng Hữu Chiểu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét