CÓ NHỮNG CÁI CHẾT
Trong đời, không ai tránh khỏi phải chứng kiến hoặc đưa tiễn những người thân, bạn bè, đồng đội... về nơi an nghỉ cuối cùng.
Sự ra đi nào cũng để lại trong ta một niềm đau và nỗi nhớ, có khi ngắn ngày, có khi day dứt mãi...
Tôi cứ nhớ mãi sự ra đi của một thằng bạn thân cùng quê, một pilot trực thăng trong QLVNCH vào cuối năm 1973, mang lon đại úy. Đi "cua" đào, tôi mà theo nó, chỉ có nước húp cháo rùa! Nó thua tôi một cấp nhưng hơn tôi về mọi mặt: cao lớn, đẹp trai, dẻo miệng... Theo nó là không có "cửa"! Chả thế mà nó lấy được hoa hậu Phan Thiết! Ngày họ lấy nhau, tôi cũng đã có vợ. Con trai xứ Bắc chỉ được cái miệng là không ai bằng! Tôi dân BẮC nên không sợ bị đánh mới dám nói thế, kẻo không lại bị lên án là kỳ thị!
Hình ảnh người con gái ngoài hai mươi tuổi mặc chiếc áo đen với vành khăn tang trắng, ôm chiếc quan tài, nước mắt đầm đìa... lại nhớ tới nhạc Phạm Duy:
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu...
Sáu năm ngồi ở BTTM, tôi đã phải đại diện Phòng TQT tới nghĩa trang Quân Đội ở Biên Hòa để đưa tiễn các chiến hữu, lần nào tôi cũng nhìn bức tượng TIẾC THƯƠNG ở cổng với câu thơ:
Một lần ra đi
Ngàn năm thương tiếc
Câu thơ thật hay cho cả người ra đi và cho người ở lại.
Người vợ trẻ đó, lúc chồng ra đi, mang một bào thai 3 tháng trong bụng, và hình ảnh đó còn đọng mãi trong tôi...
Nhân, tên thằng bạn tôi, ra đi ở tuổi 33 (đúng là 31 chưa qua, 33 đã tới) và bây giờ chị ở đâu, còn sống hay đã theo anh về chốn ngàn trùng? Chỉ có trời mới biết... chị có còn thì cũng là bà lão 75!
Mới đây, ở quê nhà, một thằng cháu rể bà xã, gọi bả bằng BÀ vừa mới mất vì tai nạn nghề nghiệp. Nó là kỹ sư đi thanh tra một nhà máy, bị đứt một cánh tay, cấp cứu vào nhà thương nhưng không kịp, để lại vợ và hai đứa con nhỏ 7, 8 tuổi.
Một đứa cháu rể vợ, với tôi, đại bác bắn không tới, xa lắc xa lơ, chưa thấy mặt bao giờ mà chỉ thấy trên hình... thế mà cái chết đó đã làm tôi xúc động và day dứt mãi.
Đời là VÔ THƯỜNG: còn đó rồi mất đó, nhưng những cái chết trẻ vẫn để lại nhiều thương nhớ.
Anh chị em bà xã, hai đứa con tôi cùng dâu rể (và bạn bè facebook) đã đóng góp tiền gửi về, tôi cũng góp một phần để chia sẻ đau thương với cô cháu gái (mà tôi cũng chưa gặp bao giờ).
Có thể có người cho tôi là nhiệt tình quá đáng, ngay cả con gái tôi cũng ngạc nhiên vì biết bố nghèo! Chính cái nhiệt tình quá đáng đó mới COUNT, chứ không thì cũng chỉ là CHUYỆN THƯỜNG NGÀY Ở HUYỆN!
Dù sao thì "Một giọt máu đào còn hơn ao nước lã", người ngoài mình còn đóng góp được nữa là!
Nếu quan niệm TÌNH NGHĨA là cao cả thì đâu có thể đóng kín trong một khung trời nhỏ hẹp như bạn nhốt con chim sơn ca trong lồng, dù đó là một chiếc lồng son.
Nếu quan niệm TÌNH NGHĨA là cao cả thì đâu có thể đóng kín trong một khung trời nhỏ hẹp như bạn nhốt con chim sơn ca trong lồng, dù đó là một chiếc lồng son.
Tiền bạc chỉ là bụi đất như câu nói:
Tiền bạc như phấn thổ
Phú quý tựa thiên kim
Đồng ý là không tiền, chết liền tại chỗ, nhưng chỉ nên coi TIỀN là "phương tiện" để giúp ta sống, chứ coi nó là "cứu cánh" của cuộc đời thì chả còn gì để nói.
Một chị quả phụ trong Khóa chúng ta, hàng năm vẫn gửi tiền về VN giúp những người thương binh QLVNCH, âm thầm và lặng lẽ, mà chị có giầu có gì đâu!
Thi ân bất cầu báo
Người cho không biết ai sẽ nhận và người nhận không biết ai đã cho !
Khóa chúng tôi ra Trường, hơn 400 thiếu úy hiện dịch mang danh NGUYỄNCÔNG TRỨ và đã không làm hổ danh bậc tiền bối:
Đã mang tiếng đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Với 10 năm chinh chiến bưng biền (1965-1975), tàn cuộc chiến, điểm danh lại, thất thoát hơn 100 người và có những bạn mang thương tật suốt đời trong số những người còn ở lại. Chúng tôi hy sinh như thế và sự "đóng góp" đó là quá đủ nên vẫn ngẩng cao đầu và chưa hề quỳ gối! Hèn hạ như chúng ta đã thấy ở xứ sở tạm dung này, mà toàn là tai to mặt lớn cả, thế có nhục nhã không cơ chứ!
Kể cả trong chốn lao tù, chúng tôi cũng không bán linh hồn cho quỷ! Chúng tôi vẫn gắn bó với nhau theo TRUYỀN THỐNG và lấy câu thơ của Thi Bá Vũ Hoàng Chương để gối đầu giường:
CHÚNG TA MẤT HẾT, CHỈ CÒN NHAU
Chúng tôi nay ở vào tuổi BÁT TUẦN... THƯỢNG THỌ, công danh, sự nghiệp đã đi vào cổ tích!
Trở lại cái chết của đứa cháu rể bên bà xã, tuổi mới ngoài bốn mươi, còn trẻ quá: vợ cô giáo, chồng kỹ sư, cuộc sống ổn định, nay bỗng tang thương như thế: ông trời thật cay nghiệt, không cho ai tất cả, cho cái này, lại lấy lại cái kia...
AN HOÀNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét