Những Mảnh Vụn Muộn Màng
Bối cảnh, nhân vật và tình tiết được viết bằng tưởng tượng, xin thứ lỗi cho những trùng hợp vô tình nếu có
Đến chỗ làm, có phần trễ hơn thường ngày vì chuyến xe điện từ nhà đi, phải ngừng lại ở một ngã tư, cuối đường Union, bị ngập nước khá sâu do cơn mưa lớn, bất chợt trút xuống từ lúc hừng sáng, Phúc nhanh chân, ngang qua phòng chờ đợi, ở đó đã có năm sáu người khách Việt và Úc, không kịp nhìn, đi một mạch vào phòng của mình. Sally, cô thư ký ngồi bàn tiếp khách, sát cửa ra vào, nhìn theo lắc đầu cười nhẹ. Phúc ngồi vụt xuống ghế, chưa kịp để túi xách tay vào hộc tủ sau lưng, thấy hàng chữ Việt nhưng không bỏ dấu “Tran Thi Nha Thu” màu đen, lớn trên bìa xấp hồ sơ giữa bàn làm Phúc ngạc nhiên không ít. Anh lẩm bẩm, không lẽ là “Trần Thị Nhã Thu”, một “Trần Thị Nhã Thu”, mối tình đầu đời của những năm cuối ở trường trung học tỉnh. Phúc lật sơ hồ sơ ra xem, lại một vụ về ly dị, quên đi chuyện định ngồi nghỉ chốc lát, chuyện cũ thoáng hiện qua đầu, cộng thêm chút tò mò, Phúc nhấn nút điện thoại gọi ngay Sally, bảo mời họ vào nếu có ở phòng chờ đợi. Sally gõ vài tiếng, để cánh cửa mở rộng rồi quay đi. Người chồng vào trước, ngồi xuống cái ghế trống gần một bên bàn viết. Phúc vừa xếp lại hồ sơ vừa đứng dậy cũng là lúc người vợ bước tới, chưng hửng, đứng chết trân nhìn, lẩm bẩm nghèn nghẹn như bật khóc “trời ơi, anh Phúc”.
Quê Phúc ở Đức Huệ, ba anh mất sớm vì một tai nạn nghề nghiệp, khi ông vào làm công nhân nhà máy đường Hiệp Hòa chưa được trọn năm, năm anh vừa mới lên ba. Hai mẹ con dắt nhau về Hiệp Thạnh, nhờ người quen cất căn nhà tranh, trên miếng đất nhỏ giữa miếng ruộng lấp xấp nước, sát bên lề đường đi Sài Gòn Tây Ninh, nằm trước nhà người dì bà con bên ngoại, tại khoảng khúc cua quanh, không xa ngã ba Vên Vên bao nhiêu. Mẹ Phúc không tái giá, ở vậy một mình nuôi con, tần tảo sớm hôm, cặm cụi chặt tre, chặt trúc, đan thúng đan rỗ, cái lớn cái nhỏ, đem bán ở chợ nhà, đôi khi cũng theo xe lam mang xuống tới Gò Chùa, Gò Dầu. Nhà nghèo nhưng bà biết tiện tặn chắt chiu nên cũng tạm đủ ăn, đủ mặc, đủ mua cây viết cuốn tập cho Phúc đi học trường làng, chưa đến nổi phải rách rưới lang thang.
Thi đậu vào Đệ Thất, Phúc được mẹ gởi theo gia đình bác hai Chữ, ba mẹ của Hoàng, thằng bạn cùng lớp nhất, cũng đậu vào trường tỉnh một lượt, nhà có chiếc xe hơi cũ hiệu Peugeot, ở phía sau chợ, chỡ khách chạy đường Gò Dầu Tây Ninh, lên ở trọ tại nhà người chú bà con của hắn, trong cái hẽm nhỏ cách ngã ba cổng trường không mấy xa. Những năm đầu xa gia đình với mớ tuổi đời “ăn chưa no lo chưa tới”, Phúc nhớ nhà không thể nào tả xiết, nhớ muốn khóc, may mà còn có Hoàng, chơi “chơi đánh đáo bắn bi” với nhau nên tạm lần quên dần, riết rồi cũng quen. Phúc không còn thức giấc giữa khuya, nhiều lần gọi mẹ trong những đêm mưa dầm như trút nước, ngồi chờ chuyến xe của ba mẹ Hoàng về nhà mỗi chiều Thứ Sáu tan học và bước một bước hai, tay bưng tay đở, phụ mang thúng rỗ, chờ mời người qua người lại mua giùm sáng Thứ Bảy bên mẹ, có lẽ là niềm vui nhất trong những tháng ngày thơ ấu này. Cuối năm Đệ Tứ, chiến tranh bắt đầu lan rộng và lớn dần, ấp xóm nằm xa chợ một chút đôi lần bị quân du kích Việt cộng kéo về bắn phá ban đêm, không mấy yên ổn như những năm trước nữa. Đường tỉnh lộ, hai ba hôm, nhứt là ở mấy đoạn có rừng cao su hay đồng trống, bị đấp mô gài mìn chận xe cộ lên xuống là chuyện thường thường. Người trong làng trong chợ, cũng không còn chạy qua chạy lại hỏi han dù trời mới vừa chập chững tối, đèn nhà nào nhà nấy giờ tắt sớm hơn mọi khi. Từ ngày đó, Phúc không còn thường xuyên về thăm nhà như trước, để mẹ không phải lo chuyện rũi may.
Đầu năm lớp Đệ Tam, Phúc thôi không còn ở trọ nhà người chú bà con của Hoàng, nơi anh đã “ăn nhờ ở đậu” từ bốn năm qua, xin vào trong nam ký túc xá của tỉnh, nằm cuối ngọn dốc đồi thoai thoải, bên cạnh đình Hiệp Ninh, theo con đường sỏi đỏ từ xế cổng trường phụ cho con trai đi lên. Hoàng cũng theo vào nam ký túc xá không bao lâu sau đó, hai thằng lại “đánh đôi đánh đọ” với đám bạn mới, lớp này lớp kia, từ quê lên tỉnh. Cuối năm, hè tới, bãi trường, Phúc về nhà phụ mẹ, cũng áo thâm nón lá, hái đám đậu đen đã tới mùa trái, trồng trên mấy miếng đất mịn khá lớn, của vườn ương cây cao su, để trống từ một năm nay, do ông năm Cảnh, một người quen làm cai coi phu cạo mũ, nhà ở bên đường lộ, gần cái quán bán hủ tiếu cà phê, ngay ngã ba. Ông được ban giám đốc cho phép tạm dùng, làm đất cày bừa trồng trọt, thương tình cho mẹ Phúc một phần và giúp mua hột giống để có mà trĩa. Hai mẹ con hì hục, chí thú lặt hái hơn mấy ngày mới xong, cũng được chục bao bố lớn đầy nhóc, khá nặng, rồi nhờ chiếc xe máy cày của người mà ông năm Cảnh mướn chỡ mớ đậu xanh của ông, luôn tiện, kéo về để trước sân nhà, bán cho người mối lái từ Gò Dầu lên cân đo vài ngày sau. Bán xong, nhận được chút tiền, hai mẹ con trịnh trọng đem qua tận nhà ông năm Cảnh cúi đầu cám ơn và trả phần tiền hột giống mà ông đã ứng trước mua giùm. Tan buổi chợ trưa hôm đó, bà không quên ghé ngang chỗ bán thịt, mua mớ thịt heo còn lại, đem về nấu một nồi thịt kho lớn, nồi thịt kho thứ hai trong năm, với chút nước dừa, xin được bên nhà bà dì, pha nhiều muối hơn nước mắm, dư ăn cho mấy ngày trời.
Phúc gặp Nhã Thu trong buổi họp chuẩn bị làm số báo Đặc San Xuân với thầy Giám Học, hôm vừa bắt đầu năm Đệ Nhị, trong đám năm sáu cô cậu, Phúc đã ít nói mà Nhã Thu lại càng ít nói hơn, hỏi gì cũng chỉ mỉm cười trả lễ, khác hẳn với cô bạn tên Đoan, lăng xăng đề nghị bài này bài nọ. Vì biết Phúc có chút ít thơ văn đăng báo Trắng Đen, Tin Sáng nên cả nhóm đề nghị anh làm Trưởng Ban Biên Tập, mặc dù có anh Nam đang học lớp Đệ Nhất. Chiều đó tan học, như đã hẹn, Nhã Thu, Đoan cùng chờ Phúc ngay cổng trường, hỏi nhau chút chuyện làm quen thêm. Đám con gái chung lớp đi ngang, che miệng cười chọc ghẹo. Nắng chiều hôm ấy hình như xuống nhanh hơn mọi chiều. Đứng đó nhìn theo bóng Nhã Thu khuất xa dần trên đường về, Phúc chợt thấy lòng mình có chút gì bâng khuâng vương vấn. Những đêm sau đó, Phúc thường ngồi ở lại phòng học Ký Túc Xá muộn hơn trước, có khi quá nửa đêm, dù trang sách toán vẫn cứ nằm yên nguyên trang cũ. Những lần gặp lại tại các buổi họp tiếp, để xem lại, sửa chửa, thêm thắt nội dung tờ báo, tại nhà thầy Giám Học, Nhã Thu xem ra nói nhiều hơn và hỏi han Phúc nhiều chuyện khác, nào là ăn ở ra sao, học hành thế nào, không biết có gì không mà lần nào chia tay ra về, Đoan cũng nhìn Phúc nhìn Nhã Thu, cười cười nhắc đi nhắc lại “chừng nào mới gặp nữa đây, cho người ta đở nhớ”.
Gia đình Nhã Thu khá giàu và có tiếng tăm trong tỉnh, nhà cô nàng là một căn biệt thự xưa, tường ngói một màu nâu nhạt, nằm khuất giữa cái sân rộng có nhiều cây me cao rậm lá, ở góc đường ngó qua nhà thờ chánh tòa tỉnh. Ba Nhã Thu, bác ba Xăng, được gọi chức vị Sĩ Tải trong hàng ngủ giáo phẩm của Tòa Thánh Cao Đài, có vài sở cao su quanh tỉnh và hai cái đồn điền khá rộng lớn, không thua gì ở Trà Võ hay Hiệp Thạnh. Trên tận Xa Cam Quảng Đức, ông có vài xưởng cưa, lò đường, tiệm bán phân bón, nông cơ cụ, xe gắn máy đủ loại kể cả Honda, quanh phố chợ Long Hoa, nhà có chiếc xe hơi Datsun 1100. Nhã Thu là đứa con gái nhỏ, người anh lớn đang học năm thứ hai đại học Dược Khoa dưới Sài Gòn, có căn phố ba tầng trên đường Trần Quý Cáp, khoảng gần ngã ba Cao Thắng, không xa góc đường Hồng Thập Tự bao nhiêu.
Qua Tết, vào học trở lại, mùa thi Tú Tài ngấp nghé chờ đâu đó, Phúc và Nhã Thu thương nhau, cũng có hẹn hò cũng có chờ đợi, nhưng vẫn còn một chút gì đó vương vướng, nhận biết phận mình, dù Nhã Thu không hề nhắc tới, Phúc khó quên gia cảnh nghèo khó. Một hai lần, Phúc theo đám bạn đến nhà chơi, gặp ba mẹ Nhã Thu, hai bác vui vẻ, niềm nở, hỏi thăm đôi ba chuyện này nọ làm anh ta tạm yên lòng chút ít. Phúc cũng đưa Nhã Thu và cô bạn thân Đoan, về Vên Vên, vừa cho biết nhà, vừa để mẹ mình biết mặt xem ý kiến bà ra sao. Hai cô nhanh nhẩu, dịu dàng, làm quen gợi chuyện với bà, một bác hai bác suốt buổi, mẹ Phúc vui không ít nhưng trông mặt bà vẫn còn đâu đó chút gì không trọn vẹn. Mấy lần về thăm nhà sau này, lần nào cũng vậy, bà khen Nhã Thu nhiều, từ tính nết tới lời ăn tiếng nói nhưng bà không quên nhắc nhở Phúc về gia cảnh nhà mình, liệu chuyện thương yêu của anh có trọn vẹn như ý không.
Thi xong, Phúc về nhà, ở chơi vài ngày chờ kết quả rồi lên Tây Ninh, tìm Nhã Thu, như đã hẹn hôm chia tay ở Sài Gòn sau ngày thi. Cũng còn chút e ngại, Phúc ghé tạt qua nhà Đoan ở đầu ngã ba chợ Cũ, tính gặp Đoan rồi rũ cô nàng cùng đi, như vậy xem ra đở bối rối hơn. Đoan cho biết, Nhã Thu có về nhưng đã theo ông anh đi lên Đà Lạt hổm nay rồi, có lẽ sẽ ở dưới Sài Gòn luôn. Đoan trầm ngâm nhìn ra đường, mặt buồn buồn nói lại “trước khi chia tay, Nhã Thu đến từ giã nhưng buồn lắm, cứ rấm rức khóc, hỏi ra, cô vừa cãi vã với hai bác ba Xăng. Khi nói chuyện của cô và Phúc, hai bác thẳng thừng bảo là bạn bè với nhau thì được nhưng chuyện vợ chồng thì hai bác không bao giờ đồng ý, không bao giờ có, cảnh mẹ góa con côi như thế làm gì mà ăn. Nhã Thu tưởng chừng như đất trời sụp đổ, nhưng biết làm sao hơn”, Đoan nói thêm, “lần này chia tay Nhã Thu không hẹn ngày gặp lại”. Cầm trên tay cái thư của Nhã Thu nhờ Đoan trao lại, Phúc nghẹn lời, ngồi chết trân, một hồi lâu, rồi thẩn thờ đứng dậy ra về. Trời đã giữa trưa, chang chang nắng đổ, Phúc đi xa rồi, Đoan vẫn còn đứng ở bên đường, buồn xo nhìn theo. Hôm xuống Sài Gòn xem kết quả, cũng giữa trưa, cũng cái nắng chang chang đổ, như ngày từ nhà Đoan ra về ở Tây Ninh, Phúc lầm lũi đi ngang đường Trần Quý Cáp, đứng lặng thinh cuối góc ngã ba Cao Thắng, xót xa nhìn qua nhà Nhã Thu, cánh cửa sắt lạnh lùng khép kín, ngập ngừng đôi ba lần, định bước qua nhưng rồi cuối cùng, hối hả bỏ đi, như một người đang trốn chạy, trốn chạy một đoạn đời chưa kịp trọn thương đã phải chịu đớn đau xé nát. Những năm sau, còn vài tháng nữa ra trường, mẹ Phúc bị bệnh gan khá nặng, chạy chữa đủ thứ nhưng không qua được định mệnh, bà mất sau vài ngày vào nằm trong bệnh viện quận. Cũng nhờ bà con trong ấp chợ, Phúc đem bà chôn gần bên mộ của ba anh, được cải táng từ Đức Huệ về trước đó độ hơn một năm, tại cái gò mả, cỏ cây nhiều hơn đất, ở xế phía trong cầu Đá Hàn, ngó ra tỉnh lộ.
Trời lạnh, quá chín giờ, chưa sáng lắm, sương rừng vẫn còn một chút màu mờ đục, ươn ướt, chực chờ tan. Trên sân văn phòng quận Đức Lập, một căn nhà lộp mái tôn, nằm giữa ba bốn lô cốt gát, che đầy bao bố cát, nằm khiêm nhượng trong vòng rào kẽm gai chằng chịt, hai ba lớp, sát bên cạnh Bộ Chỉ Huy Chi Khu, ngay khúc quanh của con đường trải nhựa độc nhất, tạm gọi là phố quận. Dân chúng phần lớn là đồng bào Thượng, Mán, và người Hmong, sống tập trung ở hai bên. Lác đác, lưa thưa đôi ba tiệm buôn, quán ăn, bao quanh cái chợ nhỏ, ngày nào cũng tan từ lúc chưa tới giữa trưa. Đại Úy Nghệ, Chi Khu Phó Đức Lập, vội đẩy cửa bước vào, không đợi anh lính nghĩa quân người thượng, ngồi gác ngay đầu hành lang, chào như thường ngày, cùng lúc Phúc đi ra. Hai người nhỏ to gì đó rồi kéo nhau ra đứng ngoài mái hiên, cùng nhìn về hướng rừng rậm dưới triền núi phía Đăk Mil xa xa. Trời bắt đầu có nắng, Đại Úy Nghệ cho Phú biết, “một toán biệt kích của liên đoàn 81 Lôi Hỗ, trên đường theo dấu quân Bắc Việt, xâm nhập vào Cao Nguyên, từ ngã ba Tam Biên về, cách đây hai ngày, trong đêm ngang qua khu rừng đồn điền cao su ở xã Đức Minh hay Đăk Mil, theo người Thượng gọi, tình cờ khám phá có một nhóm quân cộng sản chừng hơn tiểu đội, đang họp hành trong cái nhà chứa mủ cao su. Họ lặng lẽ bao vây, bắt sống ba người, trong đó có tên cấp bậc Thượng Tá sau khi giết chết mấy tên canh gát bên ngoài một cách êm thấm. Toán quân Lôi Hỗ, chôn vội mấy xác chết mé ngoài bìa rừng, vì không thể mang tù binh theo nên giao lại cho Chi Khu. Khi ngang qua quận nghỉ chân, Thiếu Tá Hội, Quận Trưởng ra lệnh đưa qua phòng tạm giam, báo cáo sự việc lên tỉnh, đang chờ phương tiện chở về Gia Nghĩa. Đường bộ khá rũi ro, trực thăng cần dành ưu tiên, đổ hết cho chiến trường Bình Long nên, có thể sẽ đưa thẳng về Sài Gòn”.
Ngay từ ngày đầu về Quảng Đức, rồi xuống nhận chức vụ Phó quận trưởng Đức Lập, Thiếu Tá Hội, Quận Trưởng đã cho anh biết, “cái đồn điền cao su rộng ngút ngàn, chạy dài từ cuối xã Đức Minh rồi quanh co theo khu rừng già, xéo ngang xã Bù Nho (Dakia) và mấy cánh đồng trồng khoai mì của người Hmong, nằm sát bên này biên giới với Cam Bốt là của ông ba Xăng ở Tây Ninh”, đúng như Phúc nghĩ, nghĩ để mà biết vậy thôi, chuyện mấy năm qua rồi, Phúc âm thầm lăng lẽ theo đời, không biết tin và cũng không một lần gặp lại Nhã Thu và gia đình cô ta, buồn cho thân phận nhưng không còn gì để nhớ. Buổi trưa ngồi ăn cơm với Thiếu Tá Hội, đem chuyện ba tên sĩ quan cộng sản Bắc Việt và chuyện của bác ba Xăng ra bàn tới bàn lui, cuối cùng cả hai người đều có cùng một kết luận là, người chủ đồn điền, bác ba Xăng sẽ phải bị liên lụy, không biết nặng hay nhẹ, vì tội chứa chấp và tiếp tay cho cộng sản. Một trong ba tên này khai là cuộc họp chuẩn bị cho quân cộng sản đánh Phước Long và có báo trước sẽ về để nhận tiền thuế “nuôi quân cách mạng” của người chủ đồn điền đã đóng hàng năm.
Theo qua bên Chi Khu, Đại Úy Nghệ cùng đi với Phúc, đến cửa phòng tạm giam giữ ba người tù binh cộng sản, bảo “ông Phó cẩn thận, có gì kêu đám lính canh ở ngoài nghe” rồi quày quả bỏ đi. Ở cuối cánh rừng, sau lưng ấp chợ, vài ba tiếng súng nhỏ lẻ loi vọng về từ đâu đó. Phúc bước vào, cùng lúc người lính gác, xách túi đồ đựng chén đủa đi ra, cười gật đầu chào. Họ vừa xong bữa ăn chiều, vẫn còn ngồi ngay cạnh cái bàn ăn bằng ván cây của thùng đựng đạn, được ai đó đóng tương đối cẩn thận. Phúc đứng ngay ngạch cửa, tự giới thiệu là “Phó Quận Trưởng quận Đức Lập” rồi cho biết muốn hỏi thăm vài chuyện thông thường chứ không phải đến để điều tra hạch hỏi. Người có vẻ lớn tuổi, trong số ba người, trạc chừng trên bốn mươi lăm, xưng là Thượng Tá Tám Hưng, Trung Đoàn Phó của một trong số mấy trung đoàn của sư đoàn Tây Tiến. Hai người còn lại trẻ hơn, cấp bậc Đại Úy, là thuộc cấp của ông này. Họ nói chuyện giọng Bắc pha Nam và là dân tập kết. Cả ba đều nói chuyện một cách chậm rãi, từ từ, dù cử chỉ có vẻ không được bình tâm cho lắm. Tượng Tá Tám Hưng cũng thêm, ông là người dân Long Giang, Bến Cầu, có vợ và hai đứa con gái trước ngày ra Bắc. Người lính gác cửa phòng giam, thỉnh thoảng đứng lên, nhìn vào qua khe chấn song sắt, rồi ngồi xuống. Trời cũng lảng đảng xế chiều, nắng nhạt dần trên rừng ngoài phía xa một màu tim tím. Nhìn đồng hồ đeo tay, Phúc đứng dậy bắt tay từng người một, hẹn gặp lại sáng mai. Thượng Tá Tám Hưng, mằn mò trong vạt túi áo, lấy đưa cho Phúc xem, tờ “giấy thông hành, của chính phủ VNCH, kêu gọi quân cộng sản hồi chánh” có hình cờ vàng ba sọc đỏ, được xếp nhỏ hơn ngón tay cái đã phơn phớt thành màu sương đục. Hai hôm sau, trực thăng từ Biên Hòa lên, theo lệnh của quân đoàn ba, bốc ba người đó về Sài Gòn, với tư cách là Hồi Chánh Viên chứ không phải tù binh như lúc đầu. Sau này, Thượng Tá Tám Hưng đã có lên đài phát thanh, đọc lời kêu gọi cán binh cộng sản về hồi chánh và được đưa về làm ở trung tâm Chí Linh Vũng Tàu.
Nắng rừng rực sáng hồng cả một trời, hiếm hoi lắm, đêm qua không nghe tiếng súng, vừa sắp xếp một vài thứ lặt vặt, đút cây súng Colt 12 vào túi quần, cây súng lục mà Phúc đã nhiều lần cầm mà chưa hề bắn thử. Vậy mà khi đi xa xuống xã ấp, không có mặt thì thôi, hễ có thì Thiếu Tá Hội luôn nhắc một nhắc hai, hỏi Phúc có đem theo không, chuẩn bị chờ xe xuống tham dự buổi họp của Hội đồng xã Đức Minh. Vừa nhìn ra sân, hai ba cái xe Honda, bốn năm người, kinh thượng, đứng nói qua hỏi lại gì đó. Trước văn phòng Thiếu Tá Hội bên Chi Khu, mấy anh lính gác cũng lố nhố chung quanh, bước tới bước lui, súng mang súng vác. Uống vội hớp cà phê còn đọng chút ít trong ly, chưa kịp bỏ các thứ vào túi xách, thì Thiếu Tá Hội, cùng đi với một người theo sau đã bước vào. Phúc đứng bật dậy chào, cùng một lúc, ông quay lại giới thiệu mấy tiếng “anh Phúc, Phó Quận của tôi” với người đàn ông đi theo, rồi ngó qua Phúc, “còn đây là bác ba Xăng, chủ của mấy khu đồn điền cao su chung quanh vùng quận mình”. Bác ba Xăng cũng như Phúc, cả hai người nhìn nhau chưng hửng pha lẩn chút ngỡ ngàng, không ai ngờ lại gặp nhau ở đây. Phúc khẽ gật đầu: -Chào bác ba, bác vẫn khỏe, lâu rồi mới gặp lại bác. -Cám ơn “ông phó”, tôi cũng khỏe. Phúc cười nhẹ: -Bác gọi con là thằng Phúc như ngày nào được rồi.
Bác trả lời với giọng hơi ngượng chút ít, cùng lúc, Thiếu Tá Hội kéo cái ghế trống trước bàn làm việc của Phúc mời ông ngồi, chỉ chừng đó đôi câu thôi, quả thật, trong đầu Phúc lúc này, nhìn bác ba Xăng, đầu óc trống rỗng không biết nói cái gì bây giờ. Thiếu tá Hội tươi cười, hỏi thăm bác vài chuyện không đầu không đuôi về công việc của đồn điền cao su. Ông nhìn đồng hồ đeo tay, nói với ông ta nhưng ngó qua Phúc: -Chuyện mấy người tù binh cộng sản bị bắt tại khu đồn điền dưới xã Đức Minh, đổi thành hồi chánh viên là do sáng kiến của ông phó Phúc, do một tay ông làm ra, người bác cám ơn là ổng chứ không phải tôi đâu.
Bác ba Xăng lặng thinh, định muốn nói gì đó nhưng hình như thấy mình nghèn nghẹn. Phúc cũng không thêm lời nào. Thiếu Tá Hội cho biết ông và Phúc tới giờ có việc phải đi xuống Đức Minh, cho nên không tiếp bác lâu hơn được. Bác nấn ná chốc lát, rồi gật đầu, theo Thiếu Tá Hội ra ngoài trước. Phúc vói tay xách túi đồ trên bàn, đi phía sau, tới chỗ rẽ vào nơi chiếc xe Jeep đang đậu, Thiếu Tá Hội gật đầu chào. Phúc nói lớn “bác ba về mạnh giỏi”, xe chạy chầm chậm ra tới đầu chợ, nhìn lại, bác vẫn còn đứng đó.
Ngày Quảng Đức mất, khi quân cộng sản rầm rập xe tăng đại pháo kéo vào tỉnh lỵ Gia Nghĩa, nhờ theo Thiếu Tá Hội, Phúc leo lên được chuyến phi cơ vận tải C 130 cuối cùng, chưa kịp bay phi vụ gì đó, di tản cùng với một số đông sĩ quan, công chức và gia đình về đến Biên Hòa. Phúc cám ơn và chia tay Thiếu Tá Hội ở đó, về lại Vên Vên thăm nhà, thăm mộ ba mẹ vài hôm rồi trở xuống Sài Gòn, lang thang giữa phố phường hoang mang, dòng người nhốn nháo, chưa bao lâu thì Sài Gòn thua cuộc, miền Nam mất. Sáng 30 tháng Tư, kịp chen chúc với rừng người theo chiếc tàu hàng của ai đó, nặng chình chịch, đầy ắp, lớn nhỏ chạy về cửa Cần Giờ rồi nhập với mấy chục chiếc tàu đánh cá ở đó ra biển khơi, chỉ có trời cao mênh mông nước, nắng nung người và mưa giông bão nổi.
***
Nhã Thu do dự một chút rồi buông người ngồi xuống cái ghế bên chồng. Phúc đưa tay bắt, gật đầu cười nhẹ chào, giới thiệu mình “luật sư Phúc”, rồi lùi ngồi lại sau bàn viết, như thường lệ, lấy mấy tờ giấy nháp để trên xấp hồ sơ, nhìn hai người, bắt đầu hỏi chuyện, tươi cười, cố giấu nỗi đau của những năm tháng cũ, nhưng có lúc khi nhắc tên Nhã Thu, Phúc thấy mình ngập ngừng ở một câu nào đó. Thái, người chồng, trông còn rất trẻ, không nói gì nhiều, chậm rãi và thiệt tình trả lời những gì Phúc muốn biết. Nhã Thu lặng thinh nghe, gật đầu đôi ba lần, mắt rươm rướm đỏ.
Học vừa xong giữa năm chót Văn Khoa, Nhã Thu kết hôn với Hòa, một Thiếu Tá Cảnh Sát, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quận Phước Ninh, con trai của gia đình người bạn đồng đạo, đồng vai vế của bác ba Xăng, có hai ba tiệm thuốc tây, trong chợ Long Hoa và ngoài cửa số Một của Tòa Thánh, không may bị tử thương vì đạn pháo kích của quân cộng sản, hôm họ tràn xuống từ biên giới Miên, với ý định đánh chiếm Tây Ninh, trước ngày miền Nam mất chừng ba bốn tháng. Công việc làm ăn của gia đình bác ba Xăng lúc đó chưa có gì mai một, trừ chuyện cán bộ cộng sản bị bắt tại đồn điền cao su ở Phước Long. Nhã Thu cũng biết chuyện bác ba không bị liên lụy vào tội tiếp tay, chứa chấp kẻ địch nhờ mấy người tù binh xin được trở thành hồi chánh viên. Ba Mươi tháng Tư, chính quyền cộng sản tỉnh tịch thu toàn bộ, mấy cái đồn điền cao su rãi rác quanh chân núi Bà Đen, các tiệm buôn, nhà cửa bác ba Xăng, rồi sau đó mấy ngày, bác bị họ bắt giam vào tù về các tội “tư sản mại bản, tiếp tay cho Ngụy quyền, hút máu nhân dân”. Ở dưới Sài Gòn, bác gái dùng số vàng có được, nhờ vài người quen, là người làm việc với gia đình trước đây, có anh em “theo cách mạng” đang làm chức lớn lo lót sao đó, chừng tháng sau, bác ba Xăng được thả ra, sau khi chánh thức ký giấy tình nguyện giao lại tài sản cho “nhà nước quản lý”.
Thái, thật ra chỉ có tên là người chồng, mà cả hai cùng khai trên giấy tờ trong trại tỵ nạn bên Nam Dương, để anh được nhận đi tỵ nạn ở Úc, vì lúc bấy giờ, đợt đó, chánh phủ Úc không nhận đàn ông, thanh niên độc thân. Thái là con út của người em họ bạn dì bác gái, vừa thi xong Tú Tài 2, không được lên đại học vì lý lịch con nhà “ngụy” có hai người anh là sĩ quan Biệt Động Quân và Sư Đoàn 7, đã bị giam trong trại tù cải tạo. Đám bạn quen bên quận 10, bị phường khóm gọi trình diện đi làm “nghĩa vụ quân sự” cho chiến trường Cam Bốt, nên bất cứ giá nào hắn cũng phải trốn đi. Thái chơi thân với Quân, cũng cùng cảnh ngộ, gia đình có chiếc tàu đánh cá ngoài Vũng Tàu, và trên chiếc tàu này, với số vàng còn sót lại, phụ chút đỉnh xăng dầu, Nhã Thu, Thái cùng hai bác ba, vượt thoát đến một hòn đảo nhỏ của Nam Dương, cách thủ đô Jakarta một ngày đường, sau năm ngày đêm ròng rã trên biển cả. Người anh của Nhã Thu, ra trường dược sĩ, bị động viên, là sĩ quan quân y của một tiểu đoàn TQLC, không may bị tử trận vì đạn pháo kích của quân cộng sản, ngay bải biển Sơn Chà, hôm quân VNCH rút bỏ vùng 1, bằng đường biển xuôi Nam.
Từ tòa án về, thấy còn sớm, chưa tới giờ hẹn, Phúc định đi ra ngoài nhìn thiên hạ phố phường một chút thì cô thư ký Sally bấm máy gọi vào, cho biết “cô người Việt hôm trước, cô Trần cùng hai người nữa, chưa tới giờ hẹn nhưng đã đến chờ từ sáng, hỏi Phúc muốn gặp trước không vì hiện anh không có cái hẹn nào sớm hơn’ rồi cúp máy không đợi trả lời. Không gọi Sally mời người vào như thường lệ, Phúc sửa lại cà - vạt rồi bước ra, cũng là lúc Luke, anh luật sư lớn tuổi nhất của công ty đi tới, dừng lại nhường anh đi trước, cả hai cùng tới phòng chờ đợi. Không có Thái lần này, Nhã Thu xem ra nói nhiều hơn, hỏi han Phúc thêm việc này việc nọ, không ai nhắc tới chuyện ngày xưa. Phúc vẫn gọi “một bác hai bác” như thường gọi. Bác gái im lặng ngồi nghe. Phúc giao lại cho Nhã Thu tờ giấy phán quyết ly hôn của tòa án, nhắc một vài điều cần làm nếu muốn. Bác ba trai, nhìn con rồi nhìn Phúc, lập đi lập lại tiếng “cám ơn cậu Phúc” nhiều lần. Phúc lắc đầu cười “chuyện cũ qua rồi, thôi bác đừng nghĩ tới làm gì”, nhưng bác vẫn nói thêm “lần đó, không có cậu giúp, số phận gia đình tôi không biết phải ra sao”, nói tới đây, bỗng dưng bác gái sụt sùi muốn khóc. Phúc đứng dậy khỏi ghế, bước lại gần cầm tay bà an ủi, bác trai quay mặt đi, nước mắt già ràng rụa. Phúc theo ba người ra tận cửa văn phòng, chào từ giã “hai bác ráng giữ gìn sức khỏe”. Nhã Thu đi một bên, nói vừa đủ nghe “anh cho phép Nhã Thu được một lần nữa gặp anh”, rồi đưa tay dìu bác gái qua đường. Phúc đứng đó nhìn theo, không biết mình phải nên vui hay buồn.
Khu chung cư Altona nằm dọc theo con đường cụt, những cây khuynh diệp già nua, chạy dài thẳng hai bên, chưa thay lá dù trời đã vào Thu từ hơn mấy ngày qua, nép mình giữa công viên và cái sân đá banh rộng nâu màu cỏ úa, có chút nắng nhưng không đủ giữ ấm cho trời về chiều, vắng người và đứng gió. Căn phòng khách nhỏ, cũng là chỗ làm phòng ăn, bày biện đơn sơ. Ở một góc phòng, sát tường, trên cái kệ gỗ cũ, di ảnh của người anh Nhã Thu được đặt xéo một bên, quay ra hướng nắng sáng. Bữa cơm chiều không có gì nhiều, cũng đơn sơ như cách bày biện trong phòng. Phúc đến thăm gia đình như đã hứa, từ ngày gặp lại Nhã Thu, dù có thật lòng cố mà quên nhưng không làm sao quên được. Vết thương lòng tạm nguôi ngoai theo năm dài tháng rộng từ bao lâu nay, tưởng chừng như đã chôn vùi đâu đó vào quá khứ nhưng bỗng chợt bừng lên vừa ray rứt vừa êm dịu, như một thứ ma lực huyền hoặc không sức nào cưỡng lại. Từ đó, Phúc biết rằng tình yêu của mình với Nhã Thu vẫn còn nằm yên và nguyên vẹn. Bác ba trai, nhắc lại chuyện, gặp Phúc trong văn phòng quận Đức Lập, nhắc lại câu nói của Thiếu Tá Hội, trước khi ra về. Bác gái ngồi một bên Nhã Thu, hiền từ nhìn Phúc. Cả hai người cùng thốt lên “hai bác một lần nữa, dù có phần hơi muộn, cám ơn con và xin lỗi con về những chuyện cũ, mọi thứ đều do hai bác, con đừng trách Nhã Thu, mà tội nghiệp cho nó”. Phúc im lặng nghe, lòng chợt dưng buông xuôi yếu đuối, nhìn qua Nhã Thu, cũng vẫn là Nhã Thu mà anh đã biết vương biết vấn, của ngày gặp nhau lần đầu trong phòng thầy giám học Hùng.
Ra về, trời vừa nhá nhem, vẫn còn lưa thưa, rãi rác dăm ba tia nắng cuối ngày trên đường, hai người đi bên nhau tới chỗ bải đậu xe. Mấy đứa con nít người mình, chơi đuổi nhau trong sân vườn chơi trẻ em, chạy ngang qua gọi tên Nhã Thu thở hổn hển. Phúc vào xe, quây cửa kiếng xuống, Nhã Thu mỉm cười “thôi anh đừng giận ba mẹ em nữa, ổng bả xin lỗi rồi đó”, đứng bên xe chờ. Phúc mở máy, quay đầu ra, hẹn tuần sau đến thăm, Nhã Thu gật đầu nói vói theo “nhớ nghe, em chờ”. Xe chạy ra tới đầu ngã ba đường Kensington, Nhã Thu cũng còn đứng đó nhìn theo, vẫy tay chào. Phúc thấy mình bỗng dưng vui, một cái vui mà anh đã không có từ lâu lắm rồi, những mảnh vụn của cuộc tình đầu đời, cuối cùng cũng được chấp vá lại dù có một chút muộn màng.
(Để tặng anh Phan Văn Năm, cũng con nhà nghèo, người thầy dạy kèm tôi mấy bài toán hình học đầu năm đệ thất trung học, nếu vẫn còn đâu đó.)
Thuyên Huy
(Trích tập truyện ngắn Rồi Cũng Lãng Quên của Thuyên Huy)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét