Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Thành Ngữ Điễn Tích 63: Lửa (Đỗ Chiêu Đức)

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 63 : 
                                      
                              LỬA
                                             
                                   
        

                                  Sự đời đã tắt Lửa Lòng,
                         Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi?

         Đó là hai câu thơ mà Thúy Kiều đã phân bua với Vương Viên Ngoại khi ông muốn nàng từ giả sư Giác Duyên để theo mọi người về quan nha để cùng đoàn tụ. Ta còn gặp từ LỬA LÒNG một lần khác trong Truyện Kiều,  khi Hoạn Thư đưa Thúy Kiều ra Quan Âm Các trong vườn nhà để đi tu, ta hãy nghe tâm trạng của Thúy Kiều khi đã xuất gia:
                    Cho hay giọt nước cành dương,
            LỬA LÒNG tưới tắt mọi đường trần duyên. 

         Lửa Lòng là lửa ở trong lòng , là Tâm Hỏa 心 火, như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã tả tâm trạng của nàng cung nữ khi bị thất sủng:

                       Ngọn Tâm Hỏa đốt dàu nét liễu,
                       Giọt hồng băng thấm ráo làn son.
                                      
 

        Không gọi là Lửa Lòng, Tâm Hỏa, thì gọi là LỬA TÂM, để tả ngọn lửa ghen tuông trong lòng của Hoạn Thư khi biết Thúc Sinh đã nạp thiếp ở bên ngoài:

                      Lửa Tâm càng dập càng nồng,
              Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.

       Còn LỬA HƯƠNG là từ nói gọn lại của Ba Sinh Hương Lửa hay Hương Lửa Ba Sinh theo tích sau đây:

       Trong sách "Quần ngọc chú 群 玉 註" có ghi lại chuyện Tỉnh Lang đi chơi chùa Nam Huệ Tự. Ở chùa, Tỉnh Lang nằm chơi một lúc đã ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ, Tỉnh Lang mơ thấy mình đi chơi đến Non Bồng. Ở chốn ấy, Tỉnh Lang gặp một ông thầy ngồi niệm kinh, trước mặt có một cây hương đang cháy dở. Do tò mò, Tỉnh Lang bèn hỏi về nguyên do cây hương nàỵ. Thầy tăng bèn đáp rằng, trước đó đã có một người lên chùa và thắp cây hương này để khấn nguyện, cầu phúc. Nay cây hương vẫn còn cháy mà người ấy đã sinh được ba kiếp rồị. Kiếp đầu tiên là vua Huyền Tôn, kiếp thứ hai là vua Hiến Tôn ở đời Đường, và kiếp thứ ba là Tỉnh Lang. Nghe đến tên mình, Tỉnh Lang giật mình tỉnh giấc, lòng nửa tin nửa ngờ. Về sau, điển tích này được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và dần dà đã hình thành nên thành ngữ "Tam sinh hương hỏa 三 生 香 火" hay "hương lửa ba sinh" để chỉ lời nguyện có hiệu lực đến ba đời người.
                           

       Nên BA SINH HƯƠNG LỬA hay HƯƠNG LỬA BA SINH trong văn học cổ đều dùng để chỉ TÌNH DUYÊN giữa gái trai đã được định sẵn từ ba kiếp trước, như khi lỡ "Hạ công chén đã qúa say" với Thúy Kiều rồi, đến rạng ngày Hồ Tôn Hiến tỉnh rượu lại lo lắng "Nghĩ mình phương diện quốc gia, Quan trên ngó xuống người ta trông vào", nên mới ép Thúy Kiều lấy Thổ Quan với cái cớ:

                     Dạy rằng: HƯƠNG LỬA BA SINH,
                     Dây loan xin nối cầm lành cho ai.

      HƯƠNG LỬA còn để chỉ duyên nợ hay tình nghĩa vợ chồng, như trong truyện nôm Nữ Tú Tài:
  
                      May mà HƯƠNG LỬA bén duyên,
                      Cũng vì mấy chữ trúc tiên thơ đồ.

       Khi chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, để "Phỉ nguyền sánh Phượng đẹp duyên cởi rồng" rồi, thì Từ Hải lại dứt áo ra đi làm việc lớn trong khi:

                      Nửa năm HƯƠNG LỬA đương nồng,
               Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

       Khi trở lại vườn Thúy để tìm Thúy Kiều không gặp, đến khi thi đậu làm quan vẫn không tìm gặp được Thúy Kiều, Kim Trọng những tưởng kiếp nầy đã hết trông mong gì gặp lại người xưa, nên khi "Thề xưa giở đến kim hoàn, Của xưa lại giở đến ĐÀN với HƯƠNG" để dạo lại khúc đàn xưa, thì cảm thấy:

                             Đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây,
                      LỬA HƯƠNG biết có kiếp này nữa thôi?
                          

       Cái LỬA HƯƠNG của Kim Trọng và Thúy Kiều đã bén từ những ngày đầu hẹn ước, để cho chàng Kim cứ "Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông". Kịp đến khi cả nhà đi mừng thọ ngoại gia, Thúy Kiều mới có dịp gặp gỡ Kim Trọng để nghe chàng trách móc:

                            Trách lòng hờ hững với lòng,
                     LỬA HƯƠNG chốc để lạnh lùng bấy lâu.

      Ta thấy khi đã yêu nhau rồi thì gái trai gì đều đắm đuối mê mẫn như nhau. Khi đã chuộc Thúy Kiều từ lầu xanh về để "Một nhà sum hợp trúc mai" cho "Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông" rồi, cụ Nguyễn Du còn hạ thêm hai câu để chỉ sự khắng khít đam mê sôi nổi hơn của đôi lứa đang yêu nhau là:

                     HƯƠNG càng đượm LỬA càng nồng,
                     Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen.

        Còn LỬA NỒNG là lửa cháy rất lớn rất nóng, do từ Hỏa Khanh 火 坑 là Cái Hầm Lửa, từ dùng để chỉ các cô gái điếm sống cuộc sống đày đọa đồi trụy ngột ngạt như bị nhốt trong hầm lửa vậy, nên cụ Nguyễn Du đã gọi là “LỬA NỒNG” khi cho Thúy Kiều phân tách để Thúc Sinh hiểu được là sống cảnh lẻ mọn bị vợ lớn ghen tuông hành hạ (giấm chua) còn tội nghiệp hơn là sống đời kỹ nữ nữa:

                            Cúi đầu luồn xuống mái nhà
                      Giấm chua lại tội bằng ba LỬA NỒNG !

         Cũng là Lửa, nhưng LỬA HUỲNH thì lại đẹp mà nên thơ, lại chẳng nóng chút nào cả! Vì HUỲNH 螢 là con Đom Đóm chỉ sáng lên trong đêm bằng cái đóm lân tinh ở phía sau đuôi mà thôi. Nhưng chỉ có những chàng thư sinh nghèo mới cần đến những đóm Lửa Huỳnh nầy, như Cao Bá Quát trong bài "Tài Tử Đa Cùng Phú" có câu:

               Túi thanh bạch ngược xuôi miền khách địa, trăm nghìn đường chỉ nhện dệt thưa mau;
                   Đèn toan hàn thức nhắp mái nam song, dăm ba ngọn LỬA HUỲNH khêu nho nhỏ.
     
                                 
      Xa Dận, người đời Tấn, tự là VŨ TỬ. Theo Tấn Thư quyển 83 Xa Dận Truyện, ông người đất Nam Bình, từ nhỏ đã hiếu học, nhưng nhà nghèo, ban ngày phải đi làm lụng kiếm sống, ban đêm không có tiền mua dầu thắp đèn để học. Nhân những tháng mùa hè có nhiều đom đóm, ông bèn đuổi bắt tập họp chúng lại gói trong vải mỏng để lấy ánh sáng (gọi là TỤ HUỲNH 聚 螢) mà đọc sách, sau cũng trở thành một văn học gia nổi tiếng đời Tấn. Cụ Nguyễn Công Trứ trong bài Hàn Nho Phong Vị Phú có nhắc đến TỤ HUỲNH và Chàng Vũ với câu: 

                Cần nghiệp Nho khi tạc bích TỤ HUỲNH,
                Thuở trước chàng Khuông, CHÀNG VŨ.

      Còn trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập thì gọi là SONG HUỲNH, là cái cửa sổ có nhiều con đom đóm bay đến để soi sáng:

      Củi quế gạo châu, kham khổ nằm chung trường ốc;
       SONG HUỲNH án tuyết, dùi mài mến nghiệp thi thư.
                               

      Còn trong truyện Nôm Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì gọi ngược lại là HUỲNH SONG 螢 窗 :

                        Lưu liên khi lại HUỲNH SONG,
                   Gương nga đã gát non đông nửa vùng.

      Cuối cùng, ta có tích của LỬA THÀNH AO CÁ, xuất xứ từ bài văn "Vị Đông Ngụy Hịch Thục Văn" của Đỗ Bậc người đời Bắc Tề 北 齊· 杜 弼《為 東 魏 檄 蜀 文》như sau: Đản khủng Sở quốc vong viên, họa diên lâm mộc; Thành môn thất hỏa, ương cập trì ngư 但 恐 楚 國 亡 猿,禍 延 林 木;城 門 失 火,殃 及 池 魚。Có nghĩa: Chỉnh e là Nước Sở mất con vượn, sẽ họa lây đến rừng cây (Rừng cây bị đốn để tìm con vượn); Cửa thành bị lửa cháy, tai ương sẽ lại đến với lũ cá dưới ao (Người ta lấy nước để cứu lửa, làm cho cạn ao nước gần đó, cá sẽ bị bắt hết), nên LỬA THÀNH AO CÁ là chỉ bị vạ lây, bị họa liên can, mà giới bình dân gọi là bị "văng miểng". Trong tác phẩm sử ký bằng văn vần Thiên Nam Ngữ Lục có câu:

                  LỬA THÀNH AO CÁ đẩy xô,
              Nếu trai mà mắc thời cò khôn ăn. 

                              

      Trước mắt, tất cả các ngành nghề trong toàn xã hôi đều bị một pha "văng miểng" lớn hơn bao giờ hết, nhất là các ngành nail, cắt tóc, và các quán ăn nhà hàng... khi dịch Covid-19 đang bùng phát lây lan trên toàn thế giới!

                Hẹn bài viết tới !

                                                      杜 紹 德
                                                  Đỗ Chiêu Đức








Không có nhận xét nào: