Chữ Nghĩa Làng Văn 38
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.
***
Tươi
Tươi : ngay lập tức
(chết tươi)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Chữ là nghĩa
Hôm qua đọc được câu thơ thấy tiếng Việt mình phong phú quá.
Ai về để áo cho ai
Ai về ai nhớ áo ai ai chờ
Chỉ có 2 câu thơ mà có 6 chữ "ai" mà chữ ai lại có ý nghĩa khác nhau. Ai mà học tiếng Việt thì chắc phải điên đầu vì…“ai”
Chữ Việt cổ
Quê vấc: quê quán, xứ sở
Quê vậc: quê quán
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Con lợn con heo
Đọc sử, ta thấy người miền Nam phần lớn là những di dân từ miền Trung đi xuống, tiếng nói của họ nặng, khi phải bẩm trình với quan lớn, họ lại phát âm thành quan lợn. Quan cho là vô phép nên sai lính lấy hèo phạt, ai bẩm “quan lợn” là phải đòn 10 hèo.
Nhiều người bị phạt hèo như vậy, nên khi thấy con lợn họ hình dung tới những cây hèo vút vào mông họ, nên họ gọi con lợn là con hèo. Để khỏi lầm lẩn con lợn với cây gậy quái ác ấy, họ bớt đi dấu huyền, còn lại là… con heo.
Con lợn từ miền Bắc xuống miền Nam thành con heo là vậy
Viện Viễn Đông Bác Cổ
Cuốn sách có từ thế kỷ XVII, có tựa đề: Mối quan hệ của phái đoàn các Cha dòng Tên với Vương quốc Nam Kỳ..
Còn đây là một cuốn khác: Lịch Sử Vương Quốc Bắc Kỳ, cũng là một tác phẩm có từ thế kỷ XVII. Chúng tôi có nhiều tác phẩm về những tiếp xúc đầu tiên của phương Tây với Đông Dương và Việt Nam. Tiếp theo, Viễn Đông Bác Cổ được thành lập ở châu Á, trong đó có rất nhiều nghiên cứu khảo cổ, nhân chủng học và triết học đáng quý.
Ngoài trụ sở tại Paris, Viện Viễn Đông Bác Cổ có mặt tại Ấn Độ. Trong khu vực Đông Nam Á có các trung tâm hoặc chi nhánh ở Lào, Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan, và Indonesia.
(Thu Hằng)
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Chữ Hán được sử dụng hơn 1000 năm, từ năm 939 đến năm 1924 là chấm dứt. Năm 1885, Pháp xâm lược Việt Nam ký hiệp định lập chế độ bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam. Từ đó do sức ép của Pháp chữ Hán từng bước bị loại trừ theo tiến trình sau đây:
- Năm 1915 thời Duy Tân bãi bỏ thi Hội, thi Đình ở Bắc kỳ.
- Năm 1918 thời Khải Định bãi bỏ thi ở Trung kỳ
- Năm 1919 bãi bỏ hoàn toàn chữ Nho. Chữ Quốc ngữ được dạy năm đầu tiểu học.
(Vũ Anh Tuấn)
Đã có một thời…
Thanh Nam
Thanh Nam được giải ngũ, một vài năm sau vì nhu cầu quân lực mở rộng, lại được lệnh tái ngũ. Trung Tâm Nhập Ngũ Quang Trung gần Sài Gòn, đông quá nên một số quân nhân được gửi ra Trung Tâm Nhập Ngũ ngoài Đà Nẵng học tập. Vào thời gian Tết Nguyên Đán, tôi thường đi làm phóng sự Tết đơn vị. Lần đó, tôi xin sự vụ lệnh đi miền Trung, tất nhiên trong đó đã tính tới chuyện ghé qua Đà Nẵng “lôi” Thanh Nam ra khỏi Trung Tâm Huấn Luyện đi giang hồ. Ngày 28 Tết đi xe lửa ra đến Đà Nẵng, tôi đến thẳng tư dinh của tướng Đỗ Cao Trí thăm ông vì đã có thời gian tôi làm việc với ông ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 ở Pleiku. Nói là thăm nhưng mục đích là xin ông cho Thanh Nam đi cùng tôi làm phóng sự trong quân đoàn của ông từ đây cho đến Bến Hải.
Đêm trên đèo Hải Vân
Tướng Đỗ Cao Trí rất “hắc búa” nhưng cũng rất “chịu chơi”. Ông điện thoại ngay cho Trung Tâm yêu cầu cho Thượng sĩ Trần Đại Việt (tên thật của Thanh Nam) trình diện Tư Lệnh Quân Đoàn. Hôm đó là ngày Trung Tâm được nghỉ, cả bộ chỉ huy chạy tán loạn, bủa đi tìm ông Trần Đại Viêt khắp Đà Nẵng. Họ có biết đâu rằng tôi và Thanh Nam đã gặp nhau ở nhà một người bạn. Tôi phải điện thoại cảm ơn tướng Trí đã tìm thấy rồi. Tết đó tôi và Thanh Nam trên chiếc xe jeep đi khá nhiều đơn vị. Một đơn vị đáng nhớ nhất là đồn Bảo An đóng trên đỉnh đèo Hải Vân, cao chót vót. Chúng tôi ăn một cái Tết trên đỉnh đèo với sương mù giăng ngang túi quần. Cuộc đời cũng đã qua, chỉ còn lại những kỷ niệm. Kỷ niệm thì quá nhiều, nói làm sao cho hết.
Tôi viết những hàng này như một nén hương cho bạn tôi vào đúng ngày giỗ Thanh Nam 2-6-2007
(Thanh Nam Trong Hoài Niệm – Văn Quang)
Ca dao tục ngữ thời hiện đại
Trăm năm Kiều vẫn là Kiều
Lấy chồng phải chửa là điều tất nhiên.
Đã có một thời…
Nhà thơ Tô Kiều Ngân từ đời lính đến Tao Đàn
Đến “cuộc chơi” ở Ban Tao Đàn
Khoảng thời gian tôi và anh Tô Kiều Ngân làm việc với nhau chừng hơn 3 năm và cũng có khá nhiều kỷ niệm của thời trai trẻ.
Tô Kiều Ngân rất tài hoa và cũng đào hoa, nhưng anh rất ít khi đi ăn chơi cùng chúng tôi. Anh hơn tôi đến 6 tuổi và đã có gia đình nên chơi khác với cánh còn “xê li bạt”…
Tôi nhớ hồi đó Huy Sơn, Nguyễn Ái Lữ và tôi, còn rách như cái mền, nhưng Thứ Bảy Chủ Nhật lại ngứa chân muốn đi nhảy. Ông Nguyễn Ái Lữ hiền như bụt, vài lần rủ Tô Kiều Ngân, anh cũng không chịu đi. Anh dành thì giờ cho ban Tao Đàn.
Đó là khoảng thời gian từ 1957- 1960, anh Tô Kiều Ngân là một trong những nhân vật chủ chốt của Ban Tao Đàn ở Đài Phát Thanh Sài Gòn. Với hơn 20 năm trong cuộc đời quân ngũ (1953-1974) thì Tao Đàn đối với anh chỉ là một cuộc chơi. Nhưng cuộc chơi ấy lại để lại dấu ấn đậm nét nhất, đáng giá nhất trong cuộc đời anh và thi ca Việt Nam.
(Văn Quang)
Ca dao tục ngữ thời hiện đại
Trăm năm Kiều vẫn là Kiều
Mê trai, "sình bụng" là điều tất nhiên.
Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết
Vũ Ngọc Phan với Thạch Lam
Thạch Lam ngay trong tác phẩm đầu tay của ông, người ta cũng nhận thấy ông đứng vào một phái riêng biệt về tiểu thuyết. Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp, những cảm tình cảm giác con con nảy nở và biểu lộ ở đủ các hạng người mà ông tả một cách tinh vi. Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết câu này: "Một cơn gió hay một mầm cỏ non đối với chàng đều có ý nghĩ riêng."
Ý nghĩ đây là những ý nghĩ gây nên bởi cảm giác đối với ngoại vật và cảm tình của người ta đối với một hoàn cảnh thích hợp với mình. Những cảm giác con con, Thạch Lam tả rất khéo. Người ta đọc Cô Hàng Xén, phải thấy Thạch Lam ghi các cảm giác rất tài tình... Thật là buồn nhưng cũng thật là đẹp sự đơn giản ở đây thật hay thật thấm thía đoạn mô tả sau đây:
Tâm (cô hàng xén) buồn rầu nhìn suốt cả cuộc đời nàng, từ tuổi trẻ đến già, toàn khó nhọc và lo sợ ngày nọ hệt ngày kia như tấm vải thô. Nàng cúi đầu đi mau vào ngõ tối..."
Trong những cảnh nghèo, cảnh đồng ruộng, nét bút ông ngượng ngập tỏ ra nhà văn chuyên tả tình còn chưa quen với lối tả cảnh. Ông tả đồng quê thật nhạt nhẽo và rời rạc.
Thạch Lam có những đoạn tỉ mỉ vô ích, nhân vật nào cũng giống nhân vật nào. Sở dĩ các nhân vật của ông giống nhau là vì ông đã đem tính tình riêng của mình để tạo nên các nhân vật. Tất cả các nhân vật trong truyện của Thạch Lam đều có những cái phảng phất của tâm hồn Thạch Lam.
Thạch Lam là một nhà văn đã trút cả những tính tình của mình sang các nhân vật do ông sáng tạo nên các vai không mấy khác nhau mấy tí. Nhưng ông có tài của một tiểu thuyết gia kể những chuyện tâm tình tuyệt diệu.
(Xuân Vũ)
Ca dao tục ngữ thời hiện đại
Trăm năm Kiều vẫn là Kiều
Đàn ông "ăn vụng" là điều tất nhiên.
Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết
Vũ Ngọc Phan với Nguyên Hồng
Nguyên Hồng, khác với Trương Tửu. Trong Nguyên Hồng, người ta không thấy cái giọng kêu gọi cổ võ như trong Trương Tửu. Ông tả cảnh nghèo của những người sống ngoài rìa xã hội một cách bình tĩnh, không xen vào một lời bình phẩm, để mặc cho những việc ông tả gây cho người đọc những cảm tưởng vui buồn.
Quyển Bỉ Vỏ, ngoài ít khuyết điểm là một truyện hay vô cùng, thật hay. Các việc xảy ra đều có mạch lạc, mà đi đến kết một cách tự nhiên. Cái thâm trầm bao quát các truyện của Nguyên Hồng là cái tư tưởng: Tuy đã sa chân vào vòng trụy lạc, người ta vẫn có thể mang một tâm hồn trong sạch được. Thật vậy, Tám Bính là một gái điếm rồi theo chồng ăn cắp. Ở gần chồng giúp đỡ chồng ăn cắp nhưng luôn luôn nàng khuyên chồng trở lại lương thiện. Bỉ Vỏ là một quyển cho nhà xã hội học những tài liệu quí.
Trong Cảnh Khốn Cùng và Đây, Bóng Tối là hai truyện hay tuyệt. Những truyện của Nguyên Hồng phần nhiều pha một giọng chua cay kín đáo, phần nhiều dùng việc thay lời, nên cái nghệ thuật của ông thật sâu sắc.
(Xuân Vũ) *
Ca dao tục ngữ thời hiện đại
Trăm năm Kiều vẫn là Kiều
Đẹp trai bị ghét là điều tất nhiên.
Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết
Nhà văn Xuân Vũ (*) tên thật là Bùi Quang Triết, tham gia kháng chiến ở miền Nam và tập kết ra Bắc năm 1954, đã hồi chánh năm 1968 khi được CS Bắc việt đưa trở lại miền Nam trong chiến dịch tổng công kích Tết Mậu Thân.
Với những kinh nghiệm bản thân của một nhà văn trong hàng ngũ cộng sản hơn 20 năm, nhất là hơn 10 năm sống ở miền Bắc, Xuân Vũ biết rất rõ sinh hoạt văn học ở miền Bắc. Sau khi hồi chánh, Xuân Vũ nổi tiếng ở miền Nam với tác phẩm “Xương Trắng Trường Sơn” và “Đường Đi Không Đến”, viết về những sự thật trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam.
Khi miền Nam VN sụp đổ, Xuân Vũ đã kịp di tản ra khỏi VN cùng gia đình và định cư tại San Antonio, Texas, Hoa Kỳ và tiếp tục viết cho đến ngày qua đời 1/1/2004.
Vũ Ngọc Phan với Ngọc Giao
Ngọc Giao là một nhà văn chuyên viết có một loại truyện: Truyện ngắn! Và hầu hết trong các truyện ngắn của ông đều trùm phủ một thứ tình uất, tình sầu. Những truyện hay hơn cả của Ngọc Giao là những truyện gợi mối thương tâm cho người đọc. Ngọc Giao thật là một nhà văn sở trường về lối văn đạo tình.
Nhưng truyện của ông nói toàn cái chết, không chết thì cũng gần chết, chết nhiều đến đỗi như có một dãy xe tang đen ngòm lặng lẽ đi vào sương mù, không kèn không trống.
Về đường nghệ thuật, lối văn ấy không phải là không đặc sắc.. Người ta bảo Ngọc Giao là một nhà văn thuộc phái hay thương tiếc cái đã qua (un passéiste). Chỉ đối với cái đã qua, ông mới thiết tha cảm động. Ông không thuộc phái văn sĩ lo việc xây dựng tương lai cho thế hệ mới.
Người ta thường khen văn Ngọc Giao điêu luyện, nhưng theo ý tôi (VNP) cũng không nên gọt đẽo quá làm cho nhiều đoạn mất tự nhiên, hóa ra cổ lỗ, không nên quá chú trọng vào lời, làm cho ý hóa ra tầm thường, nhiều câu như sáo ngữ.
Tôi tin chắc có một số thiếu nữ ưa văn Ngọc Giao. Các cô thích vì nó êm ái, nhẹ nhàng. Ngọc Giao là người giàu tình cảm. Ông thường xúc động trước cảnh điêu tàn, thê lương, những cái mai một, chết chóc.
(Xuân Vũ)
Ca dao tục ngữ thời hiện đại
Trăm năm Kiều vẫn là Kiều
Ăn sau rửa bát là điều tất nhiên.
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ - 1
Phan Khôi được nhiều người yêu thích dù cũng có không ít người ghét. Ông đã từng tranh luận với Trần Huy Liệu về lịch sử với Trần Trọng Kim liên quan đến Nho Giáo, và đặc biệt công kích Phạm Quỳnh là học phiệt… Ông cũng được coi là “ngự sử văn đàn” vì dùng ngòi bút bắt bẻ những sai lầm, kể cả sai lầm về chính tả. Tuy nhiên, trước 1945 Phan Khôi đa tài nên mến kẻ có tài, học rộng nên yêu kẻ uyên bác, thích kẻ đổi mới.
Vũ Hoàng Chương đã ghi lại cuộc gặp gỡ bất ngờ:
“Bước xuống ga Hàng Cỏ, tôi về trụ sở Ban Kịch Đông Phương. Ở đấy, tôi được tin các văn hữu Kinh Kỳ đang chào đón một số anh em từ miền Trung miền Nam mới ra. Ngồi mạn đàm với anh em chưa hết một tuần trà, tôi đã thấy lừng lững hiện lên từ cầu thang gác cái mũi khoằm khoằm của anh bạn họ Nguyễn. Anh trịnh trọng tuyên bố: “Xin lỗi toàn thể Ban Kịch, tôi có chút việc riêng, cần phải mượn tạm Vũ quân đây…” Thế là tôi cùng Nguyễn Tuân vội vã ra đường. “Này! Ông Phan Khôi muốn gặp anh đó! Mà gặp ngay tức khắc kia! Đi chứ?”
Quả nhiên ông Phan đang có ý trông đợi! Cái phút nhìn mặt cầm tay đã hào hứng vô cùng. Lần thứ nhất tôi cùng Phan Khôi hạnh ngộ. Chiều hôm sau, thấy tôi ngỏ lời cáo biệt, tiên sinh trầm ngâm nửa khắc, rồi bảo: “Được, hai ta sẽ cùng đi”.
Tôi cười thầm tự nhủ: “Gió đã lên!”
(Phan Khôi và tri âm – Hoàng Yến Lưu)
Ca dao tục ngữ thời hiện đại
Trăm năm Kiều vẫn là Kiều
Học lười, thi rớt là điều tất nhiên.
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ - 2
Một già một trẻ, thẳng đường về bến Vị non Côi (Vũ Hoàng Chương quê gốc ở thành Nam, có nhà khá lớn ở Bến Thóc, Nam Định)… Và, trong căn gác xép ở bờ sông, dài như cái ống, tối như cái “hũ Xuân Thu”, tôi (Vũ Hoàng Chương) đã tiếp chuyện Phan tiên sinh hai ngày tròn với hai đêm trắng; toàn chuyện văn chương cả, mà quái thay, dứt không ra nữa thôi!
Nguyên do: Buổi liên hoan tại Hà Nội, kịch sĩ Hoàng Cầm được ban tổ chức đề cử ra ngâm mấy bài thơ gọi là để thắt chặt mối duyên văn nghệ Nam Bắc. Tình cờ trong số bốn bài ấy lại có một bài của tôi. Bài ca sông Dịch đó vậy! Thai nghén từ 1940, nó đã bị Ban Kịch Thế Lữ thúc đẩy bằng “đủ mọi phương tiện” để ra chào đời năm 1943, cốt mượn dùng làm khai từ cho vở kịch Kinh Kha của Vi Huyền Đắc.
Rồi chuyến này, chính nó đã khiến ông Phan Khôi “thú” tác giả và nóng lòng muốn gặp mặt ngay. Ấy là ông bảo thế! Chứ riêng phần tác giả, thì phải hiểu rằng người ta “thú” đây là “thú” cái tinh thần hào hiệp của anh chàng giết hụt Tần bạo chúa ở Hàm Dương kia!
Hiểu cách nào thì hiểu! Mặc ý tác giả! Điều ấy bất túc luận. Nhưng can hệ là cái cử chỉ kia đã nói lên những gì về “con người của ông Phan Khôi”? Thiết tưởng nó đã nói lên đủ lắm!
(Phan Khôi và tri âm – Hoàng Yến Lưu)
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Ngô Thì Nhậm
Vì sao ông còn được gọi là Ngô Thời Nhiệm? Vì đến đời vua thứ tư của triều Nguyễn là Tự Đức trở về sau người ta gọi ông là Ngô Thời Nhiệm chẳng qua sợ phạm húy, đó là vì vua Tự Đức có cái tên cúng cơm là Nguyễn Phúc Thì và tên hiệu là Hồng Nhậm.
(Đinh Cường vẽ lại dựa theo bản in gỗ “Điếu ngự giác hoàng, in vào đời Cảnh Thịnh (Bính Thìn 1796) của Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm.)
Ông được đánh giá dưới nhiều phương diện khác nhau, một nhà nho uyên bác, một nhà chính trị tài ba và một nhà ngoại giao lỗi lạc. Ngoài ra ông còn được coi như một trong những cư sĩ đóng góp nhiều cho Thiền Học phái Trúc Lâm. Sau khi vua Quang Trung mất, ông không còn được trọng dụng như trước nên chuyển sang nghiên cứu Phật Giáo, hoàn thành một tác phẩm rất có giá trị là Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh (1796).
Chữ và nghĩa địa danh
Kamran phát âm thành từ tiếng Chàm là Cam Ranh.
Thị trấn Ya-Tră phát âm từ tiếng Chàm thành Nha Trang.
Kể từ thế kỷ thứ 2, dưới thời Lâm Ấp (Chiêm Thành), hải cảng Kamran là nơi thuyền buôn từ Ấn Độ đến buôn bán, và truyền bá văn minh, văn hoá của Ấn Độ. Đạo Bà La Môn và Phật Giáo (Tiểu Thừa) thịnh hành ở Nam Chiêm. Như vậy, Phật Giáo đã có ở Nha Trang từ thế kỷ thứ 2, là trung tâm tôn giáo (Tháp Bà).
Đồng Tháp Mười
Theo tập san Sử Địa số 14, 15 năm 1969, viết
“Tháp Mười là một trong những ngôi tháp làm bằng đá do vua Jayavarman VII xây cất để thờ vị thần Bà La Môn. Thời gian trôi qua, tàn phá tất cả các công trình kiến trúc cổ, chỉ còn một tượng sư tử đá và một linh phù (linga) cũng bằng đá, dưới bệ có khắc chữ Bắc Phạn (sanscrit) ghi Tháp thứ mười.
(Nguồn gốc một số địa danh miền Nam – Hồ Đình Vũ)
Chữ và nghĩa địa danh
Đà Nẵng mà người Pháp gọi là Tourane. Thực ra Đà Nẵng phiên âm từ tiếng Chàm.
Vì theo một số nhà nghiên cứu về Chàm là Inrasara và Sakaya cho rằng "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chàm cổ Đaknan.
Đak là nước, nan hay nưn, tức Ianưng là rộng. Địa danh Đaknan hàm ý chỉ vùng sông nước rộng mênh mông ở cửa sông Hàn.
Cũng như Cam Lộ, theo nhà cổ học Madrolle là phiên âm từ tên đất “Khalu-Cà lơ”của một sắc dân thiểu số người Lào cư ngụ ở vùng này. Khi người Pháp lập địa đồ vùng Quảng Trị, khí hậu quá nóng vì gió Lào. Người Pháp hỏi người địa phương vùng đất này tên gì? Thấy người Pháp mồ hôi nhễ nhại, ngỡ hỏi thời tiết nên trả lời là: “Gió Lào”. Người phu lục lộ ghi vào sổ là: Gio Linh.
Ngược lên phương bắc, gặp một con sông có bến thuyền bè qua lại tên Bến Hói. Người Pháp hỏi tên gi, được trả lời là… Bến Hói. Người Pháp lại ghi vào sổ tay: sông Bến Hải.
(Thái Văn Kiểm – Bóng xế trăng lu)
Sài Gòn một chút quán xá
Khu Dân Sinh với quán bar, quán ăn
Trước 30 tháng 4, 1975, Khu Dân Sinh là nơi buôn bán, đặc biệt là đồ“lạc xon” và quần áo cũ; trung tâm vui chơi giải trí: rạp chiếu phim, quán bi-da, banh bàn,… các quán bar, quán ăn và rạp chiếu phim thường trực, gọi là “cinéma permanent.” Có thể xem Khu Dân Sinh là một Passages Eden bình dân của Sài Gòn.
Rạp chiếu phim Dân Sinh thường chiếu phim với những người hùng cưỡi ngựa phi nước đại, bắn súng bằng cả hai tay. Bây giờ hồi tưởng, còn nhớ lại được cả cảm xúc hồi hộp khi xem phim cao bồi miền Viễn Tây Hoa Kỳ, trong rạp chiếu phim của Khu Dân Sinh, có máy lạnh mát rượi giữa Sài Gòn oi bức
Khu Dân Sinh khá lớn rộng, 4 con đường bao quanh: Yersin-Nguyễn Công Trứ- Ký Con- Nguyễn Văn Sâm. Lối vào, mặt trước ở đường Yersin, mặt sau ở đường Nguyễn Công Trứ.
Ngay cả lúc đã gia nhập quân đội, chúng tôi cũng thường vào Khu Dân Sinh mỗi khi có dịp. Chúng tôi có thể mua những chiếc áo “treillis” bốn túi; những đôi botte-de-saut chính hiệu của quân đội Mỹ, gọi là giày MAP; và nón lưỡi trai nhà binh của Mỹ.
Khu Dân Sinh bây giờ không thể gợi dậy những hình ảnh của Khu Dân Sinh thuở trước, chỉ là cái chợ như biển hiệu của nó, dù hiện nay trong Khu Dân Sinh cũng có sạp hàng bán đồ “lạc-xon”.
Bây giờ Khu Dân Sinh không còn là một đặc điểm của Sài Gòn; trở thành một trung tâm buôn bán như các trung tâm buôn bán khác, được lập nên vô số ở khắp nơi của thành phố. Lứa tuổi học trò hôm nay ở Sài Gòn không có được niềm vui từ những trò chơi giải trí như thuở trước.
(Khu Dân Sinh, một thuở Sài Gòn – Nguyễn Đạt)
Nâng chén, cụng li, chạm cốc…
Khoảng năm 1950 Hà Nội có kem cốc bằng thuỷ tinh. Tách nhỏ hơn cốc, thường làm bằng sành, sứ. Tách khác chén ở chỗ có tay cầm. Sau 1975, miền Nam được nếm mùi cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc. Thật ra chỉ là bình mới rượu cũ thôi. Cà phê phin (filtre) được đổi tên mới ngộ nghĩnh. Cái nồi ngồi trên cái cốc. Cái nồi Việt Nam ngạo nghễ ngồi trên đầu cái cốc Tây. Ta đã thắng, đã đồng hoá được thực dân. Cái thời ăn xó mó niêu đã qua, cái nồi đường đường bước lên địa vị ăn trên ngồi trốc.
Công dụng chính của li, cốc bây giờ là chứa bia. Sành điệu thì dùng li, cốc bằng thuỷ tinh. Lạc điệu thì li giấy, cốc nhựa. Nước ta bây giờ có rất nhiều thương hiệu bia. Chưa uống mà đã hoa cả mắt. Hà Nội, Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, Halida (Hà Nội liên doanh với Đan Mạch), Huda (Huế- Đan Mạch), Sài Gòn đỏ, Sài Gòn xanh, 33, 333, Larue (ta quen gọi là bia con Cọp)... Đấy là chưa kể cả chục thứ bia ngoại. Bia ngoại chưa chắc đã... đã, nhưng đắt hơn bia nội. Trăm hoa đua nở, trăm quán đua mở bia.
Từ sáng đến tối, ngày ngày tuổi trẻ cụng li, chạm cốc. Mấy ông già nâng chén. Đám ngưu ẩm đụng lon. Vui như làng vào đám.
Trăm năm bia đá còn đầy
Nghìn năm bia miệng phây phây, ai cười?
(Nguyễn Dư)
Duy Tân ngọai truyện
Charles Edouard Hocquard là bác sỹ Tây, ông được nhiều người Việt biết đến qua “Bộ tranh Hocquard” mà ông chụp từ Hà Nội vào tới Huế. Tuy nhiên cũng may nhờ ông tới Huế triều kiến vua Tự Đức năm 1886 sau đó viết hồi ký:
“…Mỗi bữa đều thay đũa mới. Vua dùng đũa tre không dùng đũa ngà vì đũa ngà nặng quá. Gạo vua dùng được lựa từng hạt. Hạt nào cũng phải còn nguyên vẹn, không bị sứt mẻ. Cơm được nấu bằng nồi đất, dùng một lần rồi đập bỏ…”
Vì vậy nhờ Charles Edouard Hocquard, người sau mới hay biết cơm niêu (đập bể nồi đất) từ vua Tự Đức mà có.
(Nguyễn Dư)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Theo “Tự điển tiếng Viêt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):
Bản sắc: màu tự nhiên
Đường Cô Giang
Lại có vỉa hè mà người đi bộ không được sử dụng, thí dụ vỉa hè Cô Giang tại chợ Cầu Muối. Người đi bộ ở đoạn nầy hễ xuống đường thì bị xe cán, còn lên lề thì bị mấy chị bạn hàng đuổi, vì mấy chị mướn vỉa hè ấy có đóng tiền chỗ đàng hoàng. Thành ra qua đoạn đường đó y như là qua cầu đoạn trường, lên lề thì đoạn tâm, còn xuống thì đoạn cẳng.
Có lắm vỉa hè công khai dùng làm ga-ra, xe để trên ấy nằm đó năm nầy qua năm khác mà không sao cả. Thế nên chỉ mướn một căn phố bé nhỏ thôi mà người ta có thể mở ga-ra to là nhờ vậy.
(Phố của thành phố 1957 - Bình Nguyên Lộc)
Lên đồng
Mục đích của hai nghi lễ này đều xuất phát từ mong muốn của con người về một cuộc sống bình yên. Thông qua các lễ ấy, con người muốn cầu mong thần thánh ban cho sức khỏe, tài lộc trong làm ăn buôn bán hay trồng trọt chăn nuôi, chữa bệnh, xua đuổi điều không may mắn…
Trước khi hành lễ, các thầy đồng đều có những kiêng cữ nhất định để làm trong sạch bản thân như không được gần gũi với người khác giới, phải kiêng các đồ ăn như thịt, cá… tức phải ăn chay. Đối với các ông đồng bà đồng thì ngoài các kiêng cữ trên đây, những người đang có tang, đang có thai, nuôi con bú hoặc đang kỳ kinh nguyệt không được vào đền hầu thánh.
Với kỹ thuật lên đồng, trạng thái (sau khi chay tịnh) sẽ góp phần tạo cho ông đồng bà đồng dễ rơi vào trạng thái ngây ngất để thoát hồn hay nhập hồn.
(Lên đồng của người Việt – Bùi thị Thoa)
Xẩm
Về nhạc cụ, điều đáng nói trước nhất là cây đàn bầu. Theo truyền thuyết, nó được coi là nhạc cụ đặc trưng của xẩm lúc ban đầu (thế nên người ta còn gọi nó là đàn xẩm). Song, phần vì âm lượng hạn chế, phần vì khó học, khó chơi hơn đàn nhị nên không phải nhóm xẩm nào cũng sử dụng đàn bầu.
Theo thời gian, một nhóm xẩm thường phải có đàn nhị, sênh, phách, và cặp trống mảnh (trống da một mặt). Tùy vào điều kiện nhân lực, họ cũng có thể chơi đủ cả đàn bầu hay đôi khi thêm vào chiếc trống cơm hoặc sáo. Nhưng với hoàn cảnh lang thang kiếm sống nay đây mai đó, nhiều khi chỉ cần một đàn nhị và cỗ phách đơn hay cặp sênh là đủ tiếng tơ đồng phụ họa.
Xẩm thường vừa hát vừa có thể sử dụng trống phách bằng cả tay… lẫn chân. Ngón chân phải kẹp 1 dùi gõ cỗ phách. Tay trái cầm cặp sênh, đồng thời gác lên thành chiếc trống mảnh thứ nhất, giữ chặt chiếc trống này tỳ vào đùi bên trái theo phương thẳng đứng. Chiếc trống mảnh thứ hai được gác vào bắp vế đùi trái. Tay phải cầm dùi vừa gõ trống, vừa gõ vào cặp sênh.
(Âm nhạc dân tộc – Bùi Trọng Hiển)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Trước cổng đền thờ, anh và em
Hai đứa ấy nhau, Thánh đứng xem
Giật mình Thánh bảo: Này hai đứa
“Ấy”… nhau như thế, Thánh cũng thèm
Văn hoá chửi
Có lẽ dân tộc nào cũng ít nhiều chửi và chửi tục, không phải dân tộc nào cũng mang các bộ phận sinh dục ra quất vào mặt kẻ thù.
Theo Nicholas Bornoff, trong cuốn Pink Samurai: The Pursuit and Politics of Sex in Japan, London: Grafton, 1992, đối với người Nhật, bộ phận sinh dục không phải là cái gì đáng ghê tởm, do đó, họ không dùng để nguyền rủa hay sỉ nhục người khác.
(Nguồn: Nguyễn Hưng Quốc)
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Hình tượng dương vật
Như thế, cái hình tượng dài tròn ấy bắt đầu chế ngự trong các đền đài hay nghi lễ. Người Hy Lạp có thể rườm rà với những nghi thức ở đó hình tượng dương vật có thể xoay xoay động đậy hay ngỏng lên ngỏng xuống giống như trò múa rối. Vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, hình tượng dương vật đã tràn ngập những đô thị Hy Lạp với những phù điêu chạm trổ cho đến những "cột dương vật" đứng dọc theo đường phố: cứ theo những trước tác của Delos thì người Hy Lạp đã xây dựng một đại lộ với những cột dương vật lớn dương thẳng lên trời, như thể là nòng đại bác.
Người Ấn Độ cũng mê say dương vật không kém với truyền thuyết về con cu lớn nhất thế giới, gọi là "gậy trời" của nữ thần Shiva: từ cõi trần, con cu này vươn mãi lên cao cho đến khi bị bầu trời ngăn lại. Điều đó, thậm chí, còn gắn bó với cả những thói tục man rợ thời chiến. Chúng ta đã nghe nói đến tập quán bêu thủ cấp, cắt tai hay lột da đầu kẻ thù như là biểu tượng chiến thắng của những bộ lạc hay sắc tộc đó đây; khi mà chim cu của người đàn ông được xem là thiêng liêng, nó cũng từng là biểu tượng của chiến thắng. Bức phù điêu chạm quanh ngẫu tượng dương vật tại Karnak, Ai Cập, dựng vào năm 1300 B.C. còn kể lại đời sau một chiến công lẫy lừng của hoàng đế Meneptha:
Cắt được 13,240 con cu của đối phương.
(Tạ Chí Đại Trường)
Chửi mất khoai
Cha tiên nhân ông nội, ông ngoại,
Ông dại, ông khôn,
Đồng môn chi rễ nhà mày nhá
Ờ gần mà ra,
ở xa mà đến,
mà trả cho bà…
Củ khoai nhà bà
Khoa xinh khoai đẹp
Củ bẹp củ tròn
Vợ chồng mày đến lon ton
Mày lấy thuổng mày đào
Mày lấy dao mày cạo ”
Mày bỏ thỏm vào nồi
Mày đun sôi sùng sục
Mày bưng ra một mâm
Mày ăn ngấm ăn ngầm
Mày còn khen khoai nhà bà bở
Một kết thúc bất ngờ.
(Đỗ thị Đông Xuân)
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Lá nho
Kín đáo là đòi hỏi đầu tiên của người phụ nữ, và nếu người phụ nữ không thể tự nhiên phô bày cái xuân thì phơi phới thì những nghệ sĩ cũng phải đoạn tuyệt với truyền thống của các hoạ sĩ hang động thời tiền sử: có diễn tả thân thể của người đàn bà, họ cũng phải vẽ thêm cánh lá nho che đậy.
Cái dâm trong văn chương cũng ví như màu sắc đậm nhạt của chiếc lá nho mà người hoạ sĩ thời nào đã vẽ nên che đậy: thoạt tiên lá chỉ trơ cành, lá mọc đậm đà, lá trong dần rồi lá rơi dần. Lá trơ cành như cái ngày:
Em van mà nó chẳng tha
Nó đem nó đút thằng cha nó vào.
Lá mong mỏng he hé như khi Nguyễn Du Xem trong âu yếm có chiều lả lơi... Lá đùng đục cau có đáng kiếp tà dâm hay mô phạm chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều... Rồi lá rơi rụng, rơi rụng như những trang giấy rướn cong hơi thở dục tình. Vậy thì biết làm như thế nào đây? Cúi nhặt dăm ba cánh lá rụng rơi hay yên lòng với những gì lá đã để lại đằng sau? Cái đó thì tuỳ. Vẽ chiếc lá che đậy cũng là một nghệ thuật mà ngắt chiếc lá vứt đi, phơi bày lồ lộ cũng là một nghệ thuật. Cái ấy, cái ở đằng sau chiếc lá, không thành vấn đề, vấn đề là vẽ hay xoá chiếc lá đi như thế nào.
Thế thôi, cái quan trọng là cái cách, là nghệ thuật. Còn như chỉ muốn trần trụi cái ấy thì chỉ cần đơn giản nhập vai Tràng Khanh, Tống Ngọc: biết bao là kẻ sớm đưa tối tìm, vừa tiện, vừa nhanh, sao lại phải mất thì giờ để loay hoay vạch lá?
(Tạ Chí Đại Trường)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân
diêm vương 閻 王
Diêm vương là vua của địa ngục, là thần chết. Ðiều này thì hầu như mọi người đều biết, nhưng diêm là gì?
Diêm là lối gọi tắt của từ “Diêm la”, mà Diêm la trong tiếng Hán là phiên âm từ Yama trong tiếng Hindu, nghĩa là vua của địa ngục.
Nhưng soạn giả lại cho rằng,"yama" là hai vua, tức là hai anh em coi địa ngục. Chúng tôi đã tra cứu các từ điển lớn của Trung Quốc, Pháp và Anh, Mỹ, đâu cũng diễn giải rằng, yama là vị thần chủ quản địa ngục trong tín ngưỡng của người Ấn Ðộ.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)
Rạp hát xưa: Những thiên đường của Tết
Rồi chuyện Tết xưa ùa về trong mạch chảy của dòng câu chuyện không đuôi mà lại cũng không đầu. Thể nào cũng có đứa nhắc về mùa xuân tuổi nhỏ mà rạp hát chính là thiên đường mơ mộng của chúng tôi... Những đứa trẻ xóm nghèo quận 6 tụi tôi hồi ấy, có chút tiền là rủ nhau đi coi hát bóng ban ngày hoặc cải lương vào tối thứ bảy.
Trong tuần, hết giờ học hoặc phụ việc nhà cho ba má xong, chúng tôi quanh quẩn bên các rạp hát Tân Bình, Tân Lạc để chờ xem phim Ấn Độ, phim cao bồi Mỹ. Vô rạp Hương Bình, Vĩnh Khánh xem phim kiếm hiệp Tàu. Đấy là những rạp hát với các hàng ghế xập xệ. Rạp Kim Châu, một rạp nghèo thật là nghèo, chuyên hát bóng tuồng võ hiệp Tàu cũ xì.
Rồi lên Chợ Lớn hi vọng tìm lại chút vận may trước khi rã gánh - có những hàng ghế bằng gỗ đầy rệp.
(Lê Văn Nghĩa)
(xem kỳ tới rạp Nam Quang và phim The Magnificent Seven, với Yul Brynner, Steve McQueen, Charles Bronson, James Coburn.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét