Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

TUẦN BÁO LẬP TRƯỜNG TẠI HUẾ NĂM 1964 & HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CỨU QUỐC, MỘT KHẢO LUẬN SỬ HỌC (P. 3) (Nguyễn Đức Cung)

            TUẦN BÁO LẬP TRƯỜNG TẠI HUẾ NĂM 1964

& HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CỨU QUỐC,

MỘT KHẢO LUẬN SỬ HỌC (Tiếp theo)

Nguyễn Đức Cung



III.- ĐỌC VÀO VĂN BẢN VÀ ĐÁNH GIÁ TRÊN SỰ KIỆN LỊCH SỬ.


1.- Nghiên cứu một số văn bản của tờ Lập Trường và các tư liệu khác.


Người ta thường nói “Văn tức là người” (Style c’est l’homme). Hơn sáu mươi năm về trước người dân Miền Nam, nhất là dân Huế có dịp đọc báo Lập Trường của ‘tam đầu chế’ Lê Tuyên, Cao Huy Thuần, Tôn Thất Hanh đã có thể đánh giá được họ từ đâu đến, biết được mùi vị của của những cây bút viết văn thuộc trường phái nào, Hà Nội hay Sài Gòn mặc dù đa số những bài viết trên tờ Lập Trường đều ký bút danh và nhóm người chủ trương tờ báo đều là những vị giáo sư dạy ở Viện Đại Học Huế hay xuất thân từ cơ sở giáo dục này. 


Trước hết ai cũng biết Lê Tuyên vốn là học trò cũ của LM Cao Văn Luận khi Cha Luận dạy Triết ở trường Trung học Khải Định và được ngài giúp cho đi du học tại Pháp tức là cũng có ít nhiều ân nghĩa trong tương quan “sư sinh”. Trong cuốn hồi ký của mình, giữa những ngày dầu sôi lửa bỏng tại Huế sau năm 1964, LM Cao Văn Luận vẫn cố ghi lại hình ảnh người học trò cưng của ngài với tâm tư của mình như: “Tôi còn cảm động hơn lúc giáo-sư Lê Tuyên với một người bạn gái tới mừng tôi với bức Hoành Phi ghi mấy chữ “Sư sinh đại nghĩa”. Tuyên là học trò của tôi, chọn mấy chữ nầy, tôi thấy vừa khéo vừa cảm động.” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 439). Hiện nay Lê Tuyên sống ở tại Washington DC. Hoa Kỳ. Người bạn gái của Lê Tuyên là cô Nguyễn Phước Thị Ái, học trò của Lê Tuyên ở Đại Học Sư Phạm ban Hán Việt, mà sinh viên ở Huế ai cũng biết. Phu nhân của Giáo sư Lê Tuyên là Hồ Thị Hường, năm 1966 cũng tham gia cuộc nổi dậy của Phật Giáo tại Huế, bị An ninh Quân đội bắt ngày 17.6.1966 và sau đó GS Lê Tuyên ra trình diện và bị đưa vào Sài Gòn. GS Lê Tuyên có hai người em là Lê Miêu, Lê Duệ cũng là học sinh trường Khải Định Huế 1948-1955. 


Trong hồi ký Thác Lũ Mưa nguồn, Nguyễn Lý Tưởng cho biết: “Theo tác giả Đoàn Thêm, “1966, Việc Từng Ngày” Xuân Thu xuất bản, 1968, trang 116: “An Ninh Quân Đội bắt vợ GS Lê Tuyên trong Lực Lượng Tranh Đấu Huế, cùng một số sinh viên là Việt Cộng”. “Theo chúng tôi, tin này đã được đăng trên các báo Sài Gòn vào thời gian đó. Nhiều người không biết vợ của GS Lê Tuyên là ai?Tại sao bị tình nghi là Việt Cộng? Chúng tôi biết vợ của GS Lê Tuyên là Hồ Thị Hường (Dược Sĩ) có người anh ruột là Hồ Súy, thời Việt Minh là Đội Trưởng Công An Biệt Động. Khoảng năm 1949-1950, ở Huế có dư luận cho rằng chính Hồ Súy đã gài bẫy bắt Giáo Sư Ngô Văn Hân, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã từng là Giám Đốc (Phó Giám Đốc?) Thông Tin Trung Việt. Hồ Súy cho em gái là Hồ Thị Hường, học sinh Đồng Khánh Huế hẹn GS Ngô Văn Hân tại nhà (gần cầu Lòn) đường Huyền Trân Công Chúa. GS Ngô Văn Hân đã bị Việt Minh bắt tại đó đem lên chiến khu Dương Hòa (Thừa Thiên) xử tử. Trên thực tế thì GS Lê Tuyên và bà Hồ Thị Hường đã chia tay nhau và bà Hồ Thị Hường đã làm chủ một Pharmacy tại Quảng Trị. Năm 1966, GS Lê Tuyên sống với một người học trò là Nguyễn Phước Thị Ái, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế (Ban Việt Hán)” (trang 422).


Trong bài “Tiểu luận về Hiện hữu của tiểu thuyết”, GS Lê Tuyên đã hai lần nhắc đến cuốn Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái mà Linh mục Nguyễn Phương đã đánh giá là một sử liệu hơn là một tập lịch sử tiểu thuyết trong bài viết có tên “Giá trị quyển Hoàng Lê Nhất Thống Chí ”(Xem Tạp chí Bách Khoa, số 150 trở đi). Giáo sư Lê Tuyên cũng đồng ý phần nào với luận cứ về sử học nên đã có viết: “Nhưng kể một câu chuyện đời không phải ghi chép một cách trung thành như Ngô Thời Chí viết Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Vì đấy là làm lịch sử, viết lịch sử chứ không phải viết tiểu thuyết.” (Lê Tuyên, Tiểu luận về Hiện hữu của tiểu thuyết, Tạp chí Đại Học, số 2, Tháng 4-1961, trang 156). Vậy thì câu chuyện sau đây trích từ trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí với những lời lẽ của một người học trò đối với ông thầy ngày xưa (nghe ra rất đau đớn) có giống với hành vi phản phúc của một vài Giuda Ítcariốt ngày nay, đối với một vài vị thầy thời hiện đại, đang làm lịch sử trong tổ chức Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc và đang viết lịch sử qua Tuần báo Lập Trường vốn là những hiện thực, hay không? Câu chuyện này được chép trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí hồi thứ tư, bản dịch Nguyễn Đức Vân - Kiều Thu Hoạch, Nhà xb Văn Học Hà Nội 2002, trang 110, và cũng được Quốc Sử Quán triều Nguyễn ghi lại. Xin tóm lược câu chuyện theo Linh Mục Nguyễn Phương trong “Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn” như sau: “Nguyễn Noãn là gia thần của Chúa; gặp lúc biến, được lệnh về làng mộ quân. Chúa thấy Noãn không đem quân đến đón, sinh ngờ vực, mới bảo ông đi tìm một viên tiến sĩ, mong rằng văn thần sẽ trung thành hơn. Nguyễn Noãn gặp được viên Thiêm Sai Tri Lại Phiên Lý Trần Quán ở làng Hạ Lôi. Trần Quán là người làng Vân Canh, huyện Từ Liêm, đậu tiến sĩ năm Bính Tuất (1766). Ông có làm việc ở triều đình và hiện đang trốn loạn. Sở dĩ ông ở Hạ Lôi là vì ở đó ông có một tên học trò cũ đang làm chức Tuần Huyện, tên là Nguyễn Trang. Trang vốn tính hung hãn và lúc đó có một số thủ hạ. Vì vậy Trần Quán nhờ Trang hộ tống Chúa. Khi giới thiệu Chúa cho Trang, Trần Quán đã khôn khéo giấu sự thật và nói đó là quan Tham Tụng Bùi Huy Bích. Nhưng Trang đã được Nguyễn Noãn cho biết rõ người đó là ai, và bọn họ cùng với đồng đảng là Nguyễn Ba Châu, thay vì đem Chúa đi nộp cho địch. Biết được cớ sự, Trần Quán hết sức hối hận, ngon ngọt khuyên bọn Trang đổi lòng. Trang đáp một cách vũ phu rằng: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, mến Chúa không bằng yêu thân” rồi dẫn Trịnh Tông đi.” (trang 172). Sách Cương Mục vốn là một bộ sử đồ sộ của nhà Nguyễn, q. 46, tờ 21 ghi lại nguyên văn chữ Hán như sau: Úy sư bất như úy tặc, ái vương bất như ái thân.” 畏 師 不 如 畏 賊 ,愛 王 不 如 愛 身.


Năm 1955, tôi tu học tại Tiểu Chủng Viện Phú Xuân Huế. Giáo sư dạy môn Việt Văn của tôi là Linh Mục Nguyễn Văn Phước, người giáo xứ Thạch Hãn, Quảng Trị, bút hiệu Hùng Anh, chủ bút tờ Nguyệt san Mầm Sống, có nói chuyện rằng một võ sư  không bao giờ truyền thụ hết mọi ngón võ cho bất cứ một võ sinh nào mà hay giữ lại một vài thế võ bí truyền để đề phòng đứa học trò nào làm phản, nhưng ông thầy dạy học thì không làm như thế mà truyền hết, dạy hết cho dù biết đứa học trò ấy có ngày sẽ phản mình. Có lẽ trường hợp Linh Mục Cao Văn Luận, Linh Mục Nguyễn Huy Lịch hay bất cứ một vị Linh Mục nào lo công tác giáo dục cũng hành xử rộng lượng, vị tha như vậy ngay cả đối với những môn sinh sau này sẽ trở giáo chống họ.


Riêng GS Tôn Thất Hanh, sinh viên Huế thường gọi “Hanh Râu” vì ông có bộ râu quai nón khá đẹp, thuộc gia đình Hoàng tộc ở Huế, sau đó làm Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học thuộc Viện Đại Học Huế. Sau ngày 30-4-1975, Tôn Thất Hanh có lúc là Thành viên Đoàn Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc, Trưởng Ban đại diện Hội Người Cao Tuổi Thừa Thiên - Huế (2004). Trong thời còn sinh tiền, GS Hanh dạy khoa học, cũng chẳng thấy viết lách bao giờ trên Tạp Chí Đại Học của Viện Đại Học Huế. Trên tờ Lập Trường, GS Hanh làm Chủ Nhiệm vốn là chức chưởng mang tính cách hành chánh, vả lại tờ báo này ra đời trong hoàn cảnh sôi động không cần xin phép ai nên chức vụ của ông có cũng được mà không cũng chả sao. Sau này tôi có đọc một bài viết của ông Hanh trên niên san 1973, tập I có tên Nghiên Cứu Việt Nam của GS Nguyễn Hữu Châu Phan, bài viết có tên Vấn Đề Nước thuần mang một nội dung đầy tính khoa học. Bài báo đó được viết tại Huế vào tháng 5/1973 có một đoạn khiến tôi chú ý như sau: “Tại Việt Nam, trong vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long vấn đề thiếu nước cũng được đặt ra trong mùa nắng. Trong mùa nắng, nước mặn vào sâu đến 60-70 km trong nội địa, khan nước trong mùa nắng: phải trữ nước mưa mà uống. Do đó ở miền Nam, trong mùa khô, đồng bào ở các vùng nước mặn đều phải “đổi nước” để uống. Ghe đổi nước thường thổi tù và để rao hàng. Nghe tiếng tù và, đồng bào ở hai bên bờ sông ra bến ngoắt ghe ghé lại. Có nhà chỉ cần úp cái thúng trên ngọn sào thì ghe nước liền ghé lại. Dân mình kỵ hai tiếng “bán nước” nên gọi ghe bán nước là ghe đổi nước. Thật là tế nhị vậy.” (trang 51)


Bài báo này được ông Tôn Thất Hanh viết sau sự xuất hiện của tờ báo Lập Trường và Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc đến 9 năm, thì liệu những bài báo cay độc nhằm tấn công vào Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, truy chụp những người Công Giáo hiền lương vào tội Cần Lao, những bài thơ xỏ xiên mạ lị người Công Giáo lúc bấy giờ, những bài báo của những tên nằm vùng CS khoác áo tôn giáo đòi tự do, dân chủ, hòa bình (qua trích dẫn của hồi ký LM Cao Văn Luận nói trên) là “bán nước” hay “đổi nước” ? 


Theo một cuốn sách nhỏ có tên Vietnamese Macrobiotic Cookery Book (Nghệ thuật nấu ăn chay kiểu Việt Nam theo phương pháp dinh dưỡng) do bà Ngô Thị Vân (và em là Dr. Ngô Thị Vĩnh, cả hai là cháu ngoại của Bác sĩ PhanVăn Hy ở Quảng Trị) ở Thousand Oaks, CA tặng,  mà tác giả là phu nhân cũng của một vị GS tên Tôn Thất Hanh, bà Nguyễn Thị Thu Ba (1920-1995) thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt và văn gia khoa bảng. Bà sinh tại Đà Nẵng (Tourane) năm 1920 con gái ông Nguyễn Bá Trác bút hiệu Tiêu Đẩu, đỗ cử nhân năm 1906, hưởng ứng Phong trào Duy Tân, Đông Du, sang Nhật Bản, sau về Hà Nội làm ở phòng báo chí phủ Toàn Quyền Pháp, tham gia làm chủ bút phần chữ Hán của Tạp Chí Nam Phong của Phạm Quỳnh. Ông Nguyễn Bá Trác đổi vào Huế làm Tá Lý Bộ Học tức phụ tá cho cụ Phạm Quỳnh, ít lâu sau thăng Tuần Phủ Quảng Ngãi, Tổng Đốc Thanh Hóa, Bình Định. Trong loạt bài đăng trên báo Nam Phong có tên Quảng Ngãi Tỉnh Chí, tác giả Nguyễn Bá Trác cung cấp nhiều tư liệu quan trọng rút ra từ sách Vũ Man Tạp Lục Thư của Nguyễn Tấn (1822-1871) [Nguyễn Đức Cung, Lịch sử vùng cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư, Nhà xb. Nhật Lệ, Philadelphia, 1998, trang 85]. Nguyễn Bá Trác cũng là tác giả nhiều tác phẩm văn chương, lịch sử quan trọng khác trong đó có bài thi Hồ Trường là một tuyệt tác về văn chương được xưng tụng từ trước cho đến nay có nhiều câu chấn động lòng người:


Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường.

Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương!

Trời Nam nghìn dặm thẳm,

Non nước một mầu sương.

Chí chưa thành danh chưa đạt,

Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc,

Trăm năm thân thế bóng tà dương.

Vỗ gươm mà hát,

Nghiêng bầu mà hỏi,

Trời đất mang mang ai người tri kỷ,

Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.

Hồ trường! Hồ trường!

Ta biết rót về đâu?

Rót về Đông phương, nước biển Đông chẩy xiết sinh cuồng loạn.

Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan.

Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương.

Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng.

Nào ai tỉnh, nào ai say?

Lòng ta ta biết, chí ta ta hay.

Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ,

Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.*


(*Bản ghi tạm đúng nhất do Nguyệt san Thế Kỷ 21 [số 115, tháng 11, năm 1998, trang 8] ghi lại từ một băng thơ do Lệ Ba, ái nữ của Nguyễn Bá Trác thực hiện với giọng ngâm của chính Lệ Ba).


Về cái chết của ông Nguyễn Bá Trác, thân phụ của bà Thu Ba, tài liệu của bà Phạm Thị Ngoạn, con gái cụ Phạm Quỳnh (1892-1945) ghi rằng “Năm 1945, ông bị bắt và giải về Quảng Ngãi. Có tin đồn sau đó ông được trả tự do, nhưng một nhóm “thanh niên” đã bắt lại ông, trong lúc ông đang hớt tóc cạo râu trong một tiệm ở tỉnh lỵ. Và ông ra đi vĩnh viễn không hẹn ngày về.” (Phạm Thị Ngoạn, Tìm hiểu Tạp Chí Nam Phong, Ý Việt, Paris 1993, trang 72; Nguyễn Đức Cung, Sách đã dẫn, trang 91).


Theo Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, in lần thứ năm của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế “Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn bị nhân dân và các lực lượng cách mạng xử bắn công khai tại Qui Nhơn (Bình Định). Nguyễn Bá Trác là tác giả một số bài báo trên Nam Phong và đã xuất bản các sách: Hoàng Việt giáp tí niên biểu, Hán học văn học khảo cùng một số thơ, văn in trong tạp chí Nam Phong.” (Bản in năm 1999, trang 482). Nói rõ ra, Việt Minh đã giết ông Nguyễn Bá Trác công khai vì cho rằng Nguyễn Bá Trác cộng tác với Nam Triều (với Phạm Quỳnh) là tay sai của Pháp cũng như Việt Minh đã bí mật thủ tiêu Phạm Quỳnh cùng với ông Ngô Đình Khôi, anh ruột Tổng Thống Ngô Đình Diệm và người con của ông Khôi là Ngô Đình Huân tại Cổ Bi (Hiền Sĩ) tỉnh Thừa Thiên sau khi họ cướp được chính quyền năm 1945.


Trong tư tưởng Việt Nam, người ta thường nhắc đến câu nói của Nguyễn Bá Học, ông nội của bà Thu Ba, vợ GS Tôn Thất Hanh coi như là một danh ngôn : “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi và khó vì lòng người ngại núi e sông.”


Nguyễn Bá Học cũng có những câu nói đáng để tâm suy nghĩ như: “Khéo mồm mép mà làm hại tâm thuật, không gì bằng văn chương. Vì văn chương hay vì tình mà không hay vì lý; cho nên những người làm văn hay không biết chép sự thực, và những câu luận chân lý lại không phải những văn hay, xem thế thì văn chương không phải đồ thực dụng.” (Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Nhà xb. Khoa học Xã hội, Tập một, 1989, trang 111). Đây là những lời tiên tri đối với các bài báo của Lập Trường chăng? 


Ông Nguyễn Bá Học là một trong những nhà văn thời tiền chiến của Việt Nam, sánh vai cùng Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Vĩnh, Đỗ Mục, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến, Trương Vĩnh Ký. Huỳnh Tịnh Của v.v… Ông là một nhà văn tiên phong trong thể viết truyện ngắn của Việt Nam, nhưng theo Vũ ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại, ( Nhà xb Khoa học Xã hội, tập một, 1989, trang 166) truyện ông “cổ lổ”. Ông có nhiều tư tưởng hay để lại cho đời. 


Trong cuốn sách bằng tiếng Anh nói trên, bà Thu Ba cho biết: 

“When I reached the age of 22 – or my 22nd spring, (as we say in our flowery language), a great change occurred in my life. My parents betrothed me to a young man of royal blood who had just returned from France, where he had spent his childhood. He had completed his secondary education and had now come home to continue his studies at the University of Hà-nội. We were well-suited and came from the same social rank. We were like two carefree birds, drunk on freedom, flying here and there over fields of sweet-scented flowers, flitting through the landscape, guided only by the wind and our inclination. This was in 1941.

Alas! One year later tho communists took over the country. My mother, devastated by the disastrous effects this had on our family, fell ill and died shortly afterwards. My father was arrested by the Việt-minh and murdered. All our belongings were confiscated. From one day to the next we found ourselves penniless and were thrown out into the street.” (page 19).


Tạm dịch:


Khi tôi vừa đến tuổi hai mươi hai hoặc nói theo văn vẻ là mùa xuân thứ hai mươi hai, một biến chuyển lớn đã xảy ra trong cuộc đời của mình. Cha mẹ tôi đã hứa gả tôi cho một người thanh niên thuộc hoàng tộc vừa ở Pháp về, nơi chàng từng sống qua những ngày thơ ấu. Chàng đã học xong trung học và bấy giờ đang tiếp tục con đường học vấn tại Viện Đại Học Hà Nội. Chúng tôi đều xứng đôi và cùng môn đăng hộ đối. Cả hai chúng tôi tựa đôi chim tự do sổ cũi tháo lồng tha hồ bay lượn khắp nơi trên những thảm đồng xanh đầy hoa cỏ thơm phức, nhẹ nhàng tung cánh khắp vùng theo chiều gió và ý muốn của mình. Đó là năm 1941.  Than ôi! Một năm sau người cộng sản tóm thâu toàn bộ đất nước. Mẹ tôi tinh thần sa sút vì những hậu quả khốc liệt này giáng xuống trên gia đình mình, ngã xuống bệnh và mất sau đó không lâu. Cha tôi bị Việt-minh bắt và xử tử. Toàn bộ tài sản, nhà cửa, đất đai, ruộng nương, của cải gia đình bị họ tịch thu. Chỉ trong một ngày chúng tôi không còn một đồng xu dính túi và bị tống ra ngoài đường…” 


Thế rồi, những biến cố của một nhúm người thiên Cộng xảy ra ở Huế năm 1964 khiến tôi có nhiều suy nghĩ, thắc mắc…


Sau khi báo Lập Trường đình bản, không biết ông Tôn Thất Hanh có bị chính quyền của nền Đệ Nhị Cộng Hòa làm khó dễ gì không? Điều này tôi không được rõ. Tuy nhiên theo một vài người biết chuyện thì sau vụ phản loạn Miền Trung năm 1966, chính quyền ở Sài Gòn đã sa thải các giáo sư Viện Đại Học Huế như Lê Tuyên, Bùi Tường Huân, Tôn Thất Hanh, Mai Văn Lễ … nhất là những người trực tiếp điều hành tờ Lập Trường hay hoạt động năng nổ trong Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc như Lê Khắc Quyến chẳng hạn, bị điều ra khỏi ngành giáo dục. Nghe nói Lê Khắc Quyến về sau vào Sài Gòn được người trong bang Tàu Chợ Lớn thuê làm Giám Đốc Bệnh viện Sùng Chính? Quyến có một người con là tu sĩ Phật giáo hiện ở California, một vị thiền gia và đại gia nổi tiếng.


Một người bạn Giáo sư Viện Đại Học Huế, Trưởng khoa Pháp văn, GS Đỗ Trinh Huệ, sau khi đọc bản thảo thiên khảo luận này, đã gửi cho tôi một vài tin tức liên quan đến bà vợ của Giáo sư Tôn Thất Hanh, tên chị Thoa là kỹ sư Nông Nghiệp dạy ở Trường Nông Lâm Súc, trẻ hơn GS Hanh nhiều. Chị bị ung thư chết trước Tôn Thất Hanh (Tôn Thất Hanh này là anh vợ của GS Nguyễn Đức Kiên, Khoa Trưởng Đại Học Sư Phạm Huế), cho biết GS Tôn Thất Hanh lấy vợ rất trễ, sau năm 1975, và chính các yếu tố này đã giải mã các thắc mắc của tôi.


Như vậy là ở Huế có hai GS Tôn Thất Hanh, một Tôn Thất Hanh (xin lỗi tạm gọi Hanh già) dạy tiếng Anh ở Quốc Học, Đồng Khánh 1948-1955 mà một số cựu học sinh của ông hay nhắc đến trong Tập san có tên Tập san 48-55 Khải Định. Ông GS Hanh này có bà vợ là bà Thu Ba, con cụ Nguyễn Bá Trác là người đã bị Việt Minh xử tử năm 1945, tác giả bài thơ nổi tiếng Hồ Trường. Gia đình ông Hanh này “được” tống xuất sang Pháp ngày 3 tháng Tư năm 1980, không có liên quan gì đến các biến cố Huế 1964; và một Tôn Thất Hanh gọi là “Hanh râu” theo nhóm Lập Trường năm 1964, nguyên Giám Đốc Nhà vôi Long Thọ, kỹ sư, Hội trưởng Hội Cao Niên Huế sau này. Trong bản cáo phó của Ban liên lạc cựu sinh viên ĐHSP Huế hai khóa Lương Văn Can & Huỳnh Thúc Kháng cho biết GS Tôn Thất Hanh nguyên quán Lương Quán, phường Thủy Biều, thành phố Huế [sau đó là một lô chức tước của ông như Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, Nguyên Chủ Nhiệm báo LẬP TRƯỜNG, Nguyên Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học Huế, Nguyên Khoa Trưởng Đại Học Sư Phạm Huế (1965-1966), Nguyên Trưởng Ban Điều Hành Viện Đại Học Huế (1975) ] vừa từ trần vào lúc 12 giờ 10 ngày 17/2/2020 nhằm ngày 24 tháng Giêng năm Canh Tý. Hanh Râu này nghe nói chỉ có bằng Kỹ Sư mà sao dưới ảnh hưởng của  “Thầy tôi”, lại được đưa lên chức vụ cao quá vậy?


Trong nhóm chủ trương tờ báo Lập Trường thì kẻ được nhắc tên khá nhiều là Cao Huy Thuần vì Thuần có nhiều cuốn sách được Cộng Sản VN cho xuất bản trong nước. 


Cao Huy Thuần sinh năm 1937 tại Bình Sơn, Quảng Ngãi, là con của cụ Cao Huy Hy, mẹ là người Bồ Bản, Triệu Phong, Quảng Trị. Ông Thuần là con trưởng, em ông Cao Huy Tấn, học ĐHSP ban Lý Hóa, em kế là Cao Huy Hóa, tốt nghiệp ĐHSP ban Toán, em gái là Cao Thị Như Quỳnh học ĐHSP ban Anh Văn (1962-1965) sau du học Hoa Kỳ đậu MA, có chồng là GS John Chaffer (?) cũng dạy Đại Học Văn Khoa Huế, em gái Cao Thị Mỹ Lộc trước 1975 du học Mỹ, tốt nghiệp Kỹ sư ở lại Hoa Kỳ. Sau 1945 gia đình Cao Huy Thuần về Huế vốn là nguyên quán của gia đình, ông học trung học tại trường Khải Định (Quốc Học) rồi vào Saigon học Đại Học Luật và từ năm 1962 dạy Luật tại Đại Học Huế. Cuối năm 1964 CHT nhận học bổng của chính phủ Pháp và sang Paris du học. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris đầu năm 1969, được bổ nhiệm giảng dạy tại Đại học Paris, sau đó chuyển sang Đại học Lille rồi Đại học Picardie (tại đây CHT kiêm nhiệm Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Cộng Đồng Châu Âu). Về hưu với chức danh Giáo sư Danh dự Đại Học Picardie, CHT là tác giả hoặc đồng tác giả của hàng chục bài nghiên cứu và hơn chục tác phẩm bằng tiếng Pháp. Sách của Thuần là luận án tiến sĩ có tên “ Les missionnaires et la politique coloniale francaise au Viet Nam, 1857-1914” và cuốn sách nhỏ có tên Tôn giáo & Xã hội Hiện đại, Biến chuyển lòng tin ở phương Tây (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2006) nhắm vào đối tượng đả kích là đạo Công Giáo với tất cả sự hung hãn tuôn trào dưới ngòi bút.  Xin đọc đoạn văn ngắn do một người bạn học cũ của Cao Huy Thuần, ông Trương Quí Địch ở Canada, trong bài báo “Vô cùng thương tiếc bạn Nguyễn Ngọc Dung” sau đây để biết thêm một chút về con người của GS Thuần: “Thật vô cùng đáng tiếc, nhất là tôi cùng hai anh Võ Viết Di và Cao Huy Thuần là những người bạn đã học chung với anh Dung ở lớp Đệ Nhất Sinh Ngữ niên khóa 1954-1955, rồi sau đó ở chung với ảnh hai năm tại Câu Lạc Bộ Phục Hưng, số 43 đường Nguyễn Thông, Quận 1 Saigon, để học Luật Khoa và Sư Phạm. Đây là một cư xá sinh viên dành cho sinh viên miền Bắc di cư do Linh Mục Nguyễn Huy Lịch làm Giám Đốc. Cả bốn chúng tôi đều là sinh viên miền Trung và cũng không phải là sinh viên Công Giáo, nhưng cũng được Cha Lịch giúp đỡ và cho lưu trú tại cư xá này. Chúng tôi không phải trả tiền gì cả, ngoại trừ một số tiền nhỏ về điện nước. Còn việc ăn uống và giặt ủi thì đã có nhà thầu lo cho sinh viên. Việc học tập ở cư xá này rất tốt vì im lặng và có kỷ luật nên có nhiều sinh viên Huế và miền Trung đến đây trọ học và đều tốt nghiệp trong mọi ngành y nha dược, văn khoa, luật khoa, kiến trúc, sư phạm…”(Tập san 48-55 Khải Định, Số 19.2014, trang 307).


Trong một bài báo có tên Con tắc kè Cao Huy Thuần, nhà báo Lữ Giang đã viết về nhiều vấn đề trong đó có câu chuyện về GS Cao Huy Thuần như sau:


NHÀ TRÍ THỨC TRÍ TRÁ


Trong cuốn “Divers Voyages et Missions” Các Cuộc Hành Trình và Truyền Giáo) của LM Alexandre de Rhodes xuất bản tại Paris năm 1653, ở đoạn cuối, chương 19, phần thứ 3, có một đoạn nguyên văn như sau:


“J’ai cru que la France, étant le plus mieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujettir à Jésus-Christ, et particulièrement que j’ytrouverais moyen d’avoir des évêques, qui fussent nos Pères et nos Maîtres en ces Églises. Je suis sorti de Rome à ce dessein le 11ème Septembre de l’année 1652 après avoir baisé les pieds du Pope”.


Trong cuốn “hành Trình và Truyền Giáo”, trang 263, xuất bản tại Việt Nam năm 1994, Hồng Nhuệ đã dịch ra Việt Ngữ như sau: “Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông phương đưa về qui phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi, và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Đức Giáo Hoàng.”

Ở đây Hồng Nhuệ đã sửa mấy chữ “plusieurs soldats” (nhiều chiến sĩ) thành “quelque soldats” (mấy chiến sĩ), đó là điều đáng tiếc. Các đoạn khác được dịch khá trôi chảy. Hồng Nhuệ có chú thích ở trang 289: danh từ “chiến sĩ” (doldat) nói ở đây là chiến sĩ Phúc Âm tức là nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xâm lăng.


Nhưng trong Luận án Tiến sĩ “Đạo Thiên chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam (1857-1914)”, [Christianisme et Colonialisme au Vietnam (1857-1914) xuất bản tại Paris năm 1968, Cao Huy Thuần đã sửa đổi và trích không trọn câu nói trên của LM Alexandre de Rhodes, sau đó đã dịch ra tiếng Việt trong bản do Quê Hương xuất bản năm 1988 ở Los Angeles như sau:


“ Tôi tin rằng: Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều binh sĩ để đi chinh phục toàn thể Đông phương, cũng như ở đó, tôi sẽ có cách để có nhiều giám mục vốn là Cha và các Thầy của chúng ta ở trong các nhà thờ. Tôi rời La Mã ngày 11 tháng 9 năm 1652 với ý định đó.


Với đoạn trên, Cao Huy Thuần đã:


  1. Bỏ đi đoạn “đưa về qui phục Chúa Kitô”.

  2. Sửa đoạn “và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn” lại thành “tôi sẽ có cách để có nhiều giám mục vốn là Cha và các Thầy của chúng ta ở trong các nhà thờ.

  3. Câu cuối cùng “tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Đức Giáo Hoàng”, đã được biến ra thành: “Tôi rời La Mã ngày 11 tháng 9 năm 1652 với ý định đó.”


Các nhà khảo cứu ở trong cũng như ngoài nước đã phê bình khá nhiều hành động trí trá này của Cao Huy Thuần.


Trước hết, Cao Huy Thuần có bằng tiến sĩ ở Pháp mà không phân biệt được chữ “Église” viết hoa (có nghĩa là Giáo Hội) và chữ “église” viết thường (có nghĩa là nhà thờ)!


Cao Huy Thuần thừa biết trong Giáo Hội Công Giáo cũng như trong xã hội, chữ “soldat” hay “soldier” không chỉ dùng để chỉ binh lính, bộ đội mà còn để chỉ những người xã thân cho một lý nào đó, vì thế Từ điển Pháp Việt của Đào Duy Anh đã dịch chữ “soldat” là “lính, bộ đội, chiến sĩ…” Hiện nay, những chữ như Soldiers of Mary, Soldiers of Christ, Soldiers of the Cross, Soldats du Christ, Soldat du communautarisme chrétien, L’armée du Christ, Legion of Mary (Legio Mariae)… được dùng rất nhiều trong Giáo Hội Công Giáo để chỉ những tổ chức và những chiến sĩ truyền giáo dưới những dạng thức khác nhau. Trong lãnh vực hoạt động xã hội, chúng ta cũng thường thấy những chữ như Soldats de la civilization (Chiến sĩ văn hóa), Soldats de la liberté (Chiến sĩ tự do), Soldier of Mercy, Soldier of Love, Soldiers of Peace v.v… Có ai coi những chữ “soldat”hay “soldier” nói trên là binh lính hay bộ đội như Cao Huy Thuần đâu?


Trong lễ tưởng niệm 400 ngày sinh của Alexandre de Rhodes, Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm đã dịch thẳng câu chữ “plusieurs soldats” là “chiến sĩ truyền giáo” và hiện nay “tên gián điệp đội lốt tôn giáo” Alexandre de Rhodes đã trở thành danh nhân Việt Nam được đặt bia ở Thư viện Quốc gia và tên đường ở Sài Gòn.” (Lữ Giang, Website Một Góc Trời, Tài liệu trên mạng ngày 9/9/2011).


Trong tác phẩm có tên Les missionnaires portugais et les débuts de l’Église catholique au Viêt-nam, Linh Mục Tiến Sĩ Roland Jacques (tên Việt Nam là Dương Hữu Nhân), người sành sỏi các thứ tiếng như Hy Lạp, Do Thái, La tinh, Bồ-đào-nha, Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây-ban-nha, Việt Nam, và Hán tự… đã viết rằng: “Il est vrai qu’Alexandre de Rhodes a parfois employé dans ses publications un langage image: “J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujettir à Jésus-Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des évêques, qui fussent nos pères et nos maîtres en ces Églises…” Il s’est trouvé des universitaires pour interpreter litéralement les pieuses metaphors de ‘soldats et de ‘conquêtes’. [Alexandre DE RHODES, Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient, Paris, Sébastien Mabre-Cramoisy et Gabriel Cramoisy, 1653; reed. En fac-similé avec trad. Vietnamien par HỒNG NHUỆ [pseudonym de Nguyễn Khắc Xuyên], Hồ-Chí-Minh Ville, Tủ sách Đại kết, 1994: 3e partie, p.78-79). Dịch nghĩa đoạn văn trên và chú thích: “Sự thực thì Alexandre de Rhodes đôi khi đã dùng một lối nói bóng bảy trong các tài liệu ông đã xuất bản: “Tôi đã nghĩ rằng Pháp quốc vốn là vương quốc sùng đạo nhất trên thế giới, hẳn có thể cung ứng cho tôi nhiều chiến sĩ lên đường chinh phục toàn Đông phương, để đưa về Chúa Giêsu Kitô, và đặc biệt là tôi mong xứ ấy giúp tôi có được những giám mục, là những bậc làm cha, làm thầy của chúng tôi trong các giáo hội ấy…” Thế mà, có những bậc học giả cấp đại học từng giải thích các hình ảnh tỷ dụ trong ngôn ngữ sùng đạo “chiến sĩ” và “chinh phục” theo nghĩa đen của chúng!” [Alexandre de Rhodes, Divers voyages etmissions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient, Paris, Sébastien Mabre-Carmoisy et Gabriel Cramoisy, 1653; tái bản bằng bản chụp với phần dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ [bút hiệu của Nguyễn Khắc Xuyên], TP Hồ Chí Minh, Tủ sách Đại Kết, 1994; phần 3, tr.78-79. Xem John DE FRANCIS, Colonialism and Language Policy, La Haye, 1997. Cũng xem chú thích 74. Bản dịch Việt ngữ tác phẩm của Roland Jacques do các dịch giả Nguyễn Đăng Trúc - Trần Duy Nhiên - Nguyễn Bá Tùng - Hồ Ngọc Tâm, Định Hướng Tùng Thư, 13 g rue de l’Ill, 67116 Reichstett, France, xuất bản 2004, trang 33].


Chúng tôi lấy làm tiếc không có sách của John de Francis để xem thái độ trí trá của tác giả này như thế nào, có giống Cao Huy Thuần hay không, tuy nhiên Cao Huy Thuần đã tỏ ra biết phục thiện và lắng nghe các lời chỉ trích phê phán thẳng thắn của các bậc thức giả khác nên trong ấn bản do Nguyên Thuận dịch (do Nhà xuất bản Tôn Giáo, in năm 2003 tại Hà Nội) tác giả đã bỏ đoạn văn này. Cũng là may, bởi nếu còn giữ lại đoạn đó thì cũng là một vết nhục của một giáo sư đại học mà thôi!


Trong phần nầy, để bạn đọc nhận rõ những gì đã được đăng tải trên Tuần báo Lập Trường, chúng tôi xin phép in đậm nguyên văn.


Một nhà nghiên cứu văn học, ông Nguyễn Văn Lục đã viết về tuần báo Lập Trường và Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc như sau:


“Vào tháng 3 năm 1964, tờ Lập Trường xuất bản ở Huế với chủ nhiệm là ông Tôn Thất Hanh, chủ bút Lê Tuyên, và thơ ký tòa soạn là Cao Huy Thuần. Tờ báo nhằm hỗ trợ cho Phong trào Nhân dân Cứu quốc trong đó mục tiêu là chống sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam đồng thời chống những phần tử bị coi là Cần Lao của chế độ cũ. Tờ báo viết như sau: “Vì tại Huế đô này, có những phần tử lưu manh, dư đảng của chế độ cũ, tay sai của đảng Cần Lao đang âm mưu lập một tổ chức để đánh phá, hành hung và ám sát Lập Trường. Ít nhất cũng có một số công văn giữa các cơ quan công quyền và an ninh địa phương chứng minh rằng sự hăm dọa trực tiếp này đang có thực. Và âm mưu này ám chỉ Bộ Thông Tin. (Trích Lập Trường, thứ bảy, 4/7/1964).


Và ông Nguyễn Văn Lục đưa ra những ghi nhận khá chính xác: “Đặc biệt, ngôn từ tờ Lập Trường như thể nặng tính chất đấu tranh. Thật ra, trong thời kỳ này, dân chúng và chính quyền Sài gòn “sợ” Hội đồng Nhân dân Cứu quốc (HĐNDCQ) và tờ Lập Trường hơn là Lập Trường sợ bóng, sợ gió bị đe dọa. Phía chính quyền, nói rõ là các chính phủ quân nhân sợ cái khí thế đằng đằng sát khí của HĐNDCQ và nhóm Lập Trường. Người ta liên tưởng đến một quyền lực chính trị phát xuất từ Huế “ngang hàng” với chính quyền địa phương. HĐNDCQ nay nghĩ lại, nó là một tổ chức ở bên ngoài chính quyền và có thể ở trên chính quyền, một phong trào nồng cốt là Phật Giáo Miền Trung. Ảnh hưởng của phong trào này lan rộng ra một số tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang. Nhớ lại thời kỳ đó đến là kỳ quặc. Ở Nha Trang có một vài giáo sư dạy tại trường trung học Võ Tánh – Nha Trang vốn hiền lành, mực thước – nay trở thành quá khích và độc đoán. Tôi còn nhớ hai anh trong nhóm giáo sư ấy đến nhà tôi thuyết phục gia nhập HĐNDCQ. Tôi dửng dưng chẳng theo mà cũng chẳng chống đối… Một trong hai, nhẹ nhàng buông ra những lời đe dọa bóng gió vu vơ. Thời ấy, tâm trạng, thái độ những anh em ấy nó như thế đấy. Nhắc lại thôi mà không phê phán gì về cái thời của những chuyện kỳ quặc… Trong tờ Lập Trường, người ta đọc thấy những chữ như phần tử, lưu manh, dư đảng, âm mưu và những chữ kế tiếp như đánh phá, hành hung, ám sát. Nghe còn rất lạ tai và ngỡ ngàng đối với dân chúng miền Nam.” (Nguyễn Văn Lục, Nhìn lại một số tạp chí từ 1964-1972, Trang mạng Đàn Chim Việt, ngày 12/19/2007).


Trong một cuốn sách có tên Về Phong Trào Đô Thị Miền Nam, trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) của Lê Cung, sinh viên Sử Địa của Trường Đại Học Văn Khoa Huế trong những năm đầu thập niên 1970, đã có trích dẫn tuần báo Lập Trường như sau: “Tiếng thét nhân dân đã đập vỡ một cái gọi là Hội Đồng Cách Mạng. Và lực lượng của nhân dân đã quét sạch chúng trong có mấy ngày! Chúng nó chỉ thọ được có chín ngày trong lúc ông Diệm thọ được chín năm. Chín năm hay chín ngày thì giờ đền tội vẫn phải đến. Ông Diệm đền tội ngày 1-11-1963. Chúng nó đền tội ngày 25-8-1964. Những kẻ đến sau hãy nhìn vào những ngày đền tội ấy. Để luôn đứng về phía nhân dân.” (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, trang 259).


Nhờ tuần báo Lập Trường người dân xứ Huế và Miền Nam mới được thưởng thức loại văn chương “mày tao chi tớ” của những cây bút “nằm vùng” chỉ mới ngóc đầu dậy sau khi chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm sụp đổ. 


Đoạn trích dẫn ở trên cũng thấy ông Nguyễn Văn Lục đưa vào bài viết của mình với nhan đề là Lực lượng nhân dân cùng lời bình luận là “những lời lẽ nảy lửa khá sắt máu” có lẽ đúng nguyên văn báo Lập Trường hơn là cách trích dẫn của Lê Cung : Tiếng thét của Nhân dân đã làm vỡ mật cái gọi là Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng…”


Ông Nguyễn Văn Lục cũng cho biết “một số bài trên tờ Lập Trường như “Đồng bào Huế và Trung Việt  nghĩ sao Đặng Sỹ ra tòa tại Sài gòn?Bài có tính khích động trước khi vụ án được xử. Tiếp theo là các bài “Đặng Sỹ cái củ trối” của tác giả Chung Hoàng…”


Đặc biệt trong tờ Lập Trường cũng có các bài thơ chửi Công Giáo thí dụ bài thơ viết về những con quạ đen mục đích xỏ xiên hàng giáo sĩ CG với chiếc áo chùng thâm.


Sau hết, tác giả Nguyễn Văn Lục nêu ra một thắc mắc: “Vấn đề cần đặt ra ở đây là câu hỏi giữa HĐNDCQ và tờ Lập Trường có liên quan gì, có cùng là một tổ chức đấu tranh không? Nhiều người cho rằng không.” Tôi xin khẳng định là có, họ cùng một đồng một bóng với nhau, nghĩa là đồng hội đồng thuyền, và tôi sẽ đưa ra chứng từ sau.


Cũng trong sách của Lê Cung, đoạn báo sau đây của tờ Lập Trường hậm hực ghi nhận tình trạng “xôi hỏng, bổng không” của cái gọi là “lực lượng nhân dân” như sau: “Sau cuộc chính biến 1-11-1963, đâu vẫn vào đấy, quyền hành giao vào tay Đốc Phủ Sứ của ông Thơ... Cuộc chỉnh lý 30-1-1964 càng bi thảm hơn, vì núp dưới chiêu bài cách mạng, ngụy trang dưới những danh từ tốt đẹp, cái Hội Đồng Quân Đội đã lần lượt phục hồi chức tước, địa vị và quyền hành cho dư đảng Cần Lao. Người ta có thể nói mà không sợ Nguyễn Khánh phủ nhận chút nào là đại đa số cán bộ chính quyền dưới thời ông Khánh là Cần Lao và Cần Lao hạng nặng”. Họ “không còn tin ai nữa ngoài mình, tất cả đều đã cướp công cách mạng của dân. Vì mù quáng, vì vị lợi, vì bè đảng, vì đố kỵ, suốt trong 10 tháng vừa qua, tất cả tập đoàn độc tài đã làm cho nhân dân điêu linh đồ than. Cho nên, ngày nay, người dân không còn tin ở những cái Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, Chính Phủ Lâm Thời, hay Chính Phủ Cách Mạng, không tin ở những danh vị Thủ Tướng, Tổng Thống, không còn tin ở những Trung Tướng, Đại Tướng, không còn tin ở những nhãn hiệu đảng phái.” (Lập Trường, số 24, ngày 5/9/1964).


Là một chứng nhân lịch sử, LM Cao Văn Luận đã theo sát tình hình đất nước sau cuộc đảo chính 1/11/1963, đã viết trong hồi ký những nhận xét rất xác thực như sau: “Sau cuộc Cách mạng, Phật Giáo bắt đầu bất mãn vì nghĩ rằng họ có công nhiều mà không được trọng vọng xứng đáng. Tổ chức Phật Giáo còn quá mới mẻ, thời kỳ tranh đấu quá ngắn ngủi chưa kịp ra ánh sáng, chưa có một số lãnh tụ chính trị đáng giá nào cho nên giả sử lúc bấy giờ chính quyền được giao cho Phật Giáo thì tình hình Việt Nam, có lẽ còn bi đát gấp mấy lần giao cho Tướng Lãnh.” (LM Cao Văn Luận, Sđd, trang 414).

Trở lại với tuần báo Lập Trường qua đoạn văn trích dẫn ở trên cho rằng “tất cả đều đã cướp công cách mạng”. Sự thật lịch sử ngày nay đã quá rõ ràng ai là người điều khiển cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 kể cả cuộc “tự thiêu” của HT Quảng Đức nếu không phải là Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn. Đọc lại tờ báo cũ, người có lương tâm và tinh thần quốc gia cũng cảm thấy đâu là chân lý lịch sử.


Trong bài Cách mạng cho ai ?, tác giả Nguyên Tâm viết: “Phật giáo đồ… đã là nạn nhân của chế độ cũ, lại đã và đang là nạn nhân của những chính quyền kế tiếp sau ngày 1-11-1963, vì các chính quyền đó đã hoàn toàn phản bội lại ý nguyện chân thành của Phật Giáo, mà chỉ lợi dụng Phật Giáo để củng cố chính quyền rồi cướp luôn công lao của Phật tử đã đấu tranh cho sự thực hiện ngay chính quyền đó! Sự thật đau đớn như vậy, chỉ vì các chính phủ sau ngày 1-11 đều là những chính phủ thoát thai từ chế độ cũ mà ra chứ không phải sinh ra từ cách mạng. Nguyễn Ngọc Thơ hay là Nguyễn Khánh vẫn là những sản phẩm trung kiên nhất của chế độ Ngô Đình Diệm”. (Lập Trường, số 29, ngày 29/10/1964).


Đọc đoạn văn này, tôi chợt nhớ những năm tháng đi tù CS trong các trại tập trung từ trong Nam ra đến ngoài Bắc, sau ngày 30-4-1975, các tù nhân VNCH chúng tôi bị gán cho tội là “phản cách mạng”. Trong chúng tôi nhiều người trả lời thẳng với cán bộ chấp pháp hoặc viết trong tờ kiểm điểm nhiều lần: “Chúng tôi sinh sống, trưởng thành và phục vụ ở Miền Nam. Chúng tôi chưa bao giờ biết cách mạng là ai, chưa bao giờ phục vụ cách mạng, chưa bao giờ là người của cách mạng thì sao lại bảo chúng tôi là phản cách mạng!”


Chính Lê Cung đã khai thác tuần báo Lập Trường qua đoạn văn trích dẫn trên kia, với nhận định rằng: “Đối với Phật Giáo, một lực lượng đã góp phần quan trọng trong việc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, sau ngày đảo chính, mâu thuẫn giữa Phật Giáo với Mỹ và các chính quyền tay sai không giảm bớt, trái lại ngày càng trở nên gay gắt hơn, bởi lẽ ngoài việc mở rộng chiến tranh xâm lược, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục chính sách kỳ thị và đàn áp Phật Giáo.” (Lê Cung, Sách đã dẫn, trang 257).


Sau khi đọc vào một ít tư liệu thật hiếm hoi nhưng cũng rất quý giá thu nhặt được trên sách vở, báo chí của tuần báo Lập Trường còn rơi rớt lại, chúng tôi lại có dịp đọc chính vào những lời của Cao Huy Thuần qua đó có thể giải mã được một số thắc mắc về tuần báo Lập TrườngHội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc do chính ông là một trong ba người sáng lập nên cơ quan ngôn luận và tổ chức chính trị này, nhân dịp xảy ra cái chết của HT Thích Trí Quang tại Huế ngày 8/11/2019 mà tiếng nhà Phật gọi là “thị tịch”  視 寂(?). TS Thái Kim Lan (con gái của viên cựu Tri Huyện tên Thái Nguyên Trinh, bị Việt Minh giết trước năm 1954), là một thành phần thuộc nhóm cực đoan của Phật Giáo tại Huế, cũng có viết một bài báo trong dịp này. 


Bài báo của Cao Huy Thuần đăng tải ở một cơ quan ngôn luận tại Paris và được phổ biến lại trên BBC Tiếng Việt có tên “Đại lão Hoà Thượng Thích Trí Quang: Một trang lịch sử”. Sau đây là lời của Cao Huy Thuần: “Đầu năm 1964, một nhóm giáo chức Đại Học Huế họp nhau tại trường Đại Học Sư Phạm để quyết định về việc ra một tờ báo tranh đấu tiếp nối khí thế của “cách mạng” 1963, chống lại khuynh hướng lập một “chế độ Diệm không có Diệm” được người Mỹ ủng hộ. Trong dự định ban đầu, tờ báo là tiếng nói của lực lượng giáo chức và sinh viên Huế đã tham gia vào việc lật đổ Diệm.  Chuếnh choáng hơi men chiến thắng của một cuộc nổi dậy thành công, tham vọng của chúng tôi là biến đại học thành một thành trì chống độc tài. Tuổi trẻ thường có những giấc mơ phạm thượng. Buổi họp giao cho ba chúng tôi, anh Tôn Thất Hanh, anh Lê Tuyên, và tôi, trách nhiệm suy nghĩ và điều khiển tờ báo. Tên của tờ báo, Lập Trường, là do chúng tôi đặt ra. Lúc đó tôi 27 tuổi. Ít lâu sau buổi họp, tôi được mời ăn cơm với ông tướng chỉ huy vùng I chiến thuật. Khi đó tôi mới thấy mình đang chơi một trò chơi quá so le trước gươm giáo, với một tuổi đời còn quá non và một tầm nhìn không xa hơn quyển sách. Quần chúng, tờ báo có. Nhưng dăm ba anh nhà giáo thì an ninh quân đội muốn tóm lúc nào chẳng được. Nương thế “cách mạng”, chúng tôi ra báo không cần xin phép, nhưng anh sĩ quan tâm lý chiến đang ngồi ăn cơm chình ình trước mắt tôi, tôi qua mặt anh ta được chăng? Viết bài thì phải có lập trường chống Cộng hẳn hoi, anh ta khuyên nhủ thế, không chống Cộng tức là thân Cộng.”


Khi cho ra tờ báo Lập Trường, nhóm chủ trương phải đi tìm chỗ dựa để đối phó với các lực lượng thù địch gồm có tướng tá, người Mỹ, và dư đảng Cần Lao của cụ Diệm mà theo Cao Huy Thuần đó là những con mèo sẵn sàng vồ con chuột nhắt là cơ quan ngôn luận của nhóm ông, chưa kể con mèo khác đó là “các lực lượng tôn giáo quá khích, sinh ra và lớn lên nhờ chiến tranh”. Không biết Cao Huy Thuần muốn ám chỉ tôn giáo nào, cho đến giờ phút này. Thế là nhóm của ông đi tìm chỗ dựa. Sau đây là những điều Cao Huy Thuần viết tiếp:


Chỗ dựa duy nhất của chúng tôi là quần chúng đang căm giận dư đảng của chế độ cũ. Nhưng quần chúng mà không có tổ chức thì khác nào gạch đá không có xi măng? Sự thế hiển nhiên thúc đẩy chúng tôi đi tìm xi măng. Nghĩa là lên chùa Từ Đàm! Chứ đâu nữa? Từ Đàm chẳng phải là nơi đã khởi đầu và tạo nội dung, hình hài, ngọn lửa cho cuộc tranh đấu hay sao? Tôi phải kể rõ ngọn ngành như vậy để giải thích tại sao một tờ báo bắt nguồn từ đại học lại trở thành một tờ báo được xem như tiếng nói bán chính thức của Từ Đàm, nghĩa là của Phật Giáo… Chúng tôi đang say men tranh đấu, chưa thừa hưởng được bả rượu chính trị của các bậc trưởng thượng. Lên chùa Từ Đàm với tâm hồn phơi phới giống như đi tìm lại thời gian chưa mất, nói phỏng theo văn chương của Proust. Một lần nữa, tôi phải kể rõ ngọn ngành như vậy để trả lại cho César cái gì của César: tờ Lập Trường không phải là do chùa Từ Đàm lập ra, không phải là công cụ chính trị của Thầy tôi.”


Sau khi vẽ lại chân dung của TT Trí Quang, với “mắt Thầy sáng quắc, dữ”  Cao Huy Thuần cho biết quần chúng “kháo nhau mắt Thầy có điện” , giờ thì nhóm ông như chiếc đũa trong một bó, muốn bẻ gãy cũng không dễ và “tờ báo ra đời sau đó. In ở nhà in đại học và trong sự chờ đợi nóng hổi của quần chúng, in bao nhiêu cũng không đủ bán, bán cũng không nghĩ đến chuyện thu tiền. Đó là giấy khai sinh thứ hai của tôi.”


Bài báo của Cao Huy Thuần cho biết tờ báo ra đời trong bối cảnh “cách mạng 1963 bị phản bội, chiến tranh với “bộ máy đàn áp” từ trung ương đến xã thôn vẫn còn y nguyên không suy suyển. Ngòi bút của ông bây giờ đang mang văn phong của cơ quan tuyên truyền của MTGPMN chăng? Tôi chợt nghĩ như thế. Cao Huy Thuần lên án chế độ dựa trên chiến tranh để nắm quyền và cho biết khí giới của phe kia là bom đạn và khí giới của phe này tức nhóm Phật Giáo miền Trung là lá phiếu. Còn các tôn giáo và các đoàn thể khác thì sao mà không thấy Cao Huy Thuần nhắc tới? 


Khi nhận thức bầu khí chính trị giữa Sài gòn và Miền Trung, Cao Huy Thuần nói rõ về sự ra đời của tờ Lập Trường và tổ chức chính trị của nhóm ông: “Thế nhưng, oái oăm của thời cuộc, dân chúng cũng không phải là con số không, dù là trước mắt tướng tá. Lồng trong chiến tranh còn có một bối cảnh khác cũng lao xao binh khí: tranh giành quyền lực giữa các ông tướng chỉ huy các vùng chiến thuật. Giữa họ với nhau, đảo chánh lật nhau không khó; giữ thế đứng của mình trong vùng cát cứ khó hơn, mà muốn thế phải dựa vào dân, trước hết là mấy ông “nhân sĩ” được dân nghe. Chúng tôi, ở miền Trung, có cái thế đó để đối đầu với các ông tướng ở Sài Gòn và đòi họ “cách mạng”. Trong bối cảnh ấy, Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc ra đời tại Huế năm 1964. Do tờ Lập Trường chủ xướng, hành động này là để bảo vệ thành quả của 1963, chống lại một cuộc đảo chánh ở trung ương của phe tướng tá thân chế độ cũ. Tổ chức này cũng vậy, không do Thầy tôi đẻ ra; lúc ấy Thầy đang ở Sài Gòn. Ai học lịch sử cách mạng Pháp đều biết Comité de Salut public. Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc là dịch nguyên văn tổ chức của Robespierre. Trong đầu bọn trí thức nửa mùa chúng tôi hồi đó, 1963 như được ủ hơi men của cách mạng 1789 thần thoại.”


Trong những đoạn tiếp của bài báo, Cao Huy Thuần nói về tổ chức chính trị của nhóm ông như sau:


“Ra đời chưa kịp khóc ba tiếng, các tỉnh ở miền Trung đã tức tốc đẻ theo, cùng một khuôn, một mặt, các HĐNDCQ địa phương. Tự động đẻ. Chẳng do chỉ thị một ai. Rồi cũng tự động, các HĐNDCQ khắp miền Trung kéo nhau về Huế để thống nhất đường lối. Tranh đấu trở thành chính trị. Mà toàn là tự động! Ký giả ngoại quốc bắt đầu kéo nhau đến Huế, tưởng như sắp chứng kiến một màn thay bậc đổi ngôi. Người Mỹ lân la dọ ý chúng tôi về tướng Thi, tư lệnh Vùng I, tưởng như HĐNDCQ sắp sửa làm bàn đạp cho một người hùng mới. Miền Trung bỗng nhiên trở thành trung tâm chính trị mà Huế là đầu não một cách tự phát, tự phất. Quần chúng hưởng ứng nhiệt liệt, chẳng cần biết lãnh tụ của HĐNDCQ là Bác sĩ Quyến hay là ai. Mơ hồ, họ chỉ thấy ai đó “đằng sau” tờ Lập Trường, nghĩa là Thầy tôi. Họ thấy như vậy cũng không phải là vô căn cứ. Không có Thầy, sao lại có một “Thư về Huế” của Thầy đăng trong Lập Trường, ngày 23-5-1964? Thầy viết: “Tiếng “thầy” được kêu lên trong khi chết chóc, trong cơn điên loạn, trong những ngày Từ Đàm bị bao vây và tấn công như một chiến khu, tiếng “thầy” được gọi lên trong nước mắt và máu, tiếng “thầy” đó, tôi biết Phật tử Huế đã dành cho tôi”. Giữa lãnh tụ và quần chúng, mấy ai có được sự gắn bó thiết tha như vậy. Chừng đó thôi, mấy lời tình cảm huyết lệ ấy đủ để quần chúng biết Thầy ở đâu mà đứng theo Thầy. Từ tờ Lập Trường cho đến HĐNDCQ, tôi lặp lại, trí thức ở Huế không phải là công cụ của Thầy. Thầy không nhúng tay vào bất cứ hành động nào của họ, nhưng không có Thầy thì họ không phải là họ, được dân thương đến thế.”


Qua bài viết của Cao Huy Thuần, nhân dịp ngày HT Thích Trí Quang “thị tịch”, chúng ta đọc thấy những dòng chữ của “Thầy tôi” trên báo Lập Trường nhân ngày giỗ đầu của 7 em bé (thật ra là tám vì trong số đó có một em bé Công Giáo mà có lẽ vì là Công Giáo nên em này bị loại ra, nên chỉ còn 7) “bị lính ông Diệm bắn chết trước đài phát thanh Huế đêm Phật Đản 1963”: “Tôi, cho đến bây giờ, vẫn không sao nguôi ngoai được tâm trạng của một người nhìn thấy đống xương thịt máu huyết bị hất vào một góc tường, xương thịt máu huyết của những kẻ thân yêu mới cười nói với mình trước đó không quá 10 phút! Biết bao giờ, hay sẽ không bao giờ, con người bớt tàn bạo, biết xấu hổ vì tội ác của mình, để con người đừng kinh hãi vì con người.”


Sự thật về vụ Đài Phát Thanh Huế, qua rất nhiều sử liệu ngày càng tiếp cận với chân lý lịch sử, thí dụ việc xe tăng (tank) cán chết Phật tử trước đài phát thanh Huế là do báo chí ngoại quốc loan tin, nhưng sau đó rất nhiều cuốn sách viết cho biết đó là xe thiết giáp bánh cao su. Binh sĩ dưới quyền Thiếu tá Đặng Sĩ chỉ trang bị lựu đạn MK3 là thứ để giải tán biểu tình, không có khả năng sát thương và lựu đạn cay.


Sau đây là lời tường thuật của một nhân chứng hiện còn sống và cư trú tại Chicago, Tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ, ông Phạm Bá Vịnh, trích trong hồi ký Thác lũ Mưa Nguồn của nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Lý Tưởng. Bài viết có tên “Vụ “Nổ” tại Đài Phát Thanh Huế tối 8 tháng 5/1963” như sau:


“Tiếng nổ tại Đài Phát Thanh Huế vào tối 8 tháng 5 năm 1963 khiến cho 8 người chết và một số bị thương. Đa số là trẻ em, đặc biệt có 6 người từ 12 đến 15 tuổi. Anh Phạm Bá Vịnh, một Phật tử có mặt tại Đài Phát Thanh Huế tối hôm đó kể lại cho tôi:


“Phía bên ngoài đường Lê Lợi, ngã ba trước mặt Morin Đại Học Văn Khoa xe cộ không lưu thông được. Phía bên trong Đài, thương thuyết xảy ra thế nào thì tôi không rõ, nhưng chừng 7 giờ tối thì xe cứu hỏa đến, hai chiếc, có thêm xe cảnh sát. Họ bắt đầu kêu gọi đồng bào giải tán, trở về nhà, nhưng đám đông không giải tán, còn vây xe lại, xe cứu hỏa chạy chậm từng bước, đám đông rẽ ra và xe cứu hỏa dừng lại bên ngoài Đài, vẫn trên bùng binh ngã tư trước Đại Học Văn Khoa. Sau nhiều lần kêu gọi, đồng bào không giải tán, xe bắt đầu phun nước, phía sau xe cứu hỏa là ba xe thiết giáp bánh cao su (loại tuần tra trong thành phố) mà chỉ huy là Thiếu Úy Vũ Thế Hùng (bạn của tôi) vẫn đậu tại chỗ. Hoàn toàn không có chuyện xe thiết giáp cán bừa lên đồng bào như Nguyễn Khắc Từ đã viết láo, có tiếng súng bắn chỉ thiên chứ không bắn thẳng vào đám đông nên cũng không có ai bị thương.


“Cuộc kêu gọi giải tán bên ngoài không thành, còn bên trong Đài thì tiếng của Thượng Tọa Trí Quang vẫn kêu gọi đồng bào Phật tử giữ hàng ngũ trật tự và bình tĩnh. Sau đó chừng 9 giờ tối có tin thông báo ông Tỉnh Trưởng Thừa Thiên-Huế đến Đài Phát Thanh. Theo lời yêu cầu của Thượng Tọa Trí Quang, chúng tôi được kêu gọi rẽ ra làm thành hàng rào để ông Tỉnh Trưởng đi vào. Tôi nhìn rất rõ như sau: Ông Tỉnh Trưởng còn mặc quần dài ngủ, áo dài đen, chân mang dép đi giữa 4 người Hiến Binh (chứ không phải Quân Cảnh) đội mũ đỏ, có hai Huynh trưởng Phật tử đi trước mở đường theo vào Đài. Nhưng ông Tỉnh Trưởng mới đi đến giữa sân đài, thì đã bị đám đông xông ra xô ông Tỉnh Trưởng, giật mũ Hiến Binh ném xuống đất, bị đánh mấy thoi. Một cuộc xô xát xảy ra trong nháy mắt. Cuối cùng ông Tỉnh Trưởng vất vả lắm cũng đến chân bậc thềm tam cấp của Đài. Thằng bạn tôi là Phan Văn Huế nhanh chân chạy theo, tôi cũng đi theo sau dòng người bước lên mấy bậc cấp trước Đài. Tôi vừa bước lên mấy bậc cấp trên cùng, phía sau cái cột (trụ vôi) thì một tiếng nổ lớn ngay trong góc Đài phía bên trái, tia lửa lóe lên, thằng bạn tôi trúng một mảnh bị thương ở chân ngã quỵ xuống, còn tôi thì nhờ đang đứng sau cái cột lớn nên an toàn, tiếng nổ chát chúa đó đúng vào lúc ông Tỉnh Trưởng vừa lọt vào ngưỡng cửa đi vào trong Đài”. (trang 285).


Cuốn hồi ký cung cấp danh sách nạn nhân như sau:


 1.-Nguyễn Thị Ngọc Lan pháp danh Tâm Chính, 13 tuổi, con ông Nguyễn Hàm và bà Nguyễn Thị Sương Quy, trú tại 4/4 đường Huyền Trân Công Chúa (Dương Biều).

2.-Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa, 12 tuổi, con ông Bửu Bằng, chánh quán Thanh Hóa, trú tại 138 B đường Lam Sơn Huế.

3.-Nguyễn Thị Yến, 19 tuổi, số nhà 67 đường Võ Tánh, Huế.

4.-Dương Viết Đạt, 13 tuổi, trú tại 110 đường Chi Lăng, Huế.

5.- Đặng Văn Công, 15 tuổi, trú tại đường Lam Sơn, Huế.

6.-Trần Thị Phước, 15 tuổi, trú tại đường Phan Châu Trinh, Huế.

7.-Lê Cảnh Thái, con ông Lê Cảnh Thâm, trú tại Trần Bái, Dương Xuân Thượng (Dương Biều).

8.-Nguyễn Thị Phúc, 15 tuổi, con bà Nguyễn Thị Vơ, chánh quán Phò Trạch, Phong Điền.

9.-Trần Thị Thái Xương, trú tại 76 đường Duy Tân, Hữu Ngạn, Huế.


Và một số khác bị thương. (trang 286).


Theo phúc trình của Đại Tá Đỗ Mậu, Giám đốc An ninh Quân đội, chất nổ đặt trên hành lang đài phát thanh Huế là chất plastic. Chất nổ này chỉ có Việt Cộng và Mỹ có mà thôi. Khi Mỹ muốn lật cụ Diệm thì cái gì mà họ không làm, đến Tổng Thống của họ mà họ còn giết thì sá gì mươi mạng trẻ con Việt Nam. Tối hôm đó tôi cùng anh Trần Vinh Anh (1937-1967) và Linh Mục Nguyễn Phương (1921-1993) đã lội bộ từ Trường Trung Học Thiên Hựu (Providence) ra Trường Đại Học Văn Khoa đến đầu đài phát thanh Huế thì người đi biểu tình đông nghẹt nên ba người dừng lại không đi được nữa. Đến đầu cửa trường Văn Khoa, chỗ có bày sạp báo thì nghe một tiếng nổ long trời lở đất rồi tiếp theo là những loạt lựu đạn cay, không thể chịu thấu chúng tôi vội tháo lui chạy về trường Thiên Hựu. Sáng hôm sau, LM Nguyễn Phương có người thân là Đại Úy Phạm Bá Thích là Trưởng Ty An Ninh Quân Đội Thừa Thiên-Huế đến cho biết nội dung vụ việc như phúc trình của Đỗ Mậu. Đến đây tưởng cũng cần nhắc lại một chút là sáng ngày 8-5-1963 tôi cùng một số bạn học rủ nhau lên chùa Từ Đàm xem biểu tình, vào trong sân chùa thì gặp Tống Nhạn, sinh viên Sư Phạm Pháp Văn. Hắn hỏi tôi: “Mày Công Giáo mà cũng vào đây hả?” . Tôi vặn lại: “Bộ Công Giáo không vào đây được sao?” Hắn im lặng bỏ đi. Nhạn là con cụ Tống Quyền, Trưởng Ty Xã Hội Quảng Nam, có nhà ở Hội An. Vì không có tài ăn nói, vả lại hay nói ngọng vốn là tật cố hữu của dân làng Diêm Điền ở Đồng Hới, Quảng Bình nên TT Trí Quang thường dùng xảo thuật là đưa ra những câu hỏi rất ngắn, thí dụ : “Phật Tử có thương Thầy không?” Dĩ nhiên, đám đông trả lời: “Thương!”, rồi ông hỏi tiếp : “Phật tử có nghe Thầy không? Lại câu trả lời của đám đông: “Nghe!”… đại loại những câu vấn đáp như vậy trong các cuộc mít-tinh quần chúng.


2.- Đánh giá các sự kiện lịch sử năm 1964 liên quan đến Lập Trường và Hội đồng Nhân dân Cứu quốc.


Có nhiều biến cố xảy ra ở Huế, Đà Nẵng, và nói chung ở Miền Trung cũng như trong Nam, nhưng ở đây chúng ta chỉ đề cập tới một vài sự kiện tiêu biểu mà thôi.


2-1.-LM Cao Văn Luận, cái “ung thư” cần cắt bỏ khỏi Viện Đại Học Huế.

Để thấy rõ hơn sự kiện này xin đọc vào hồi ký của chính LM Cao Văn Luận.

Qua hồi ký, chúng ta thấy LM Cao Văn Luận đã rất chán nản trước cảnh nhóm Lê Khắc Quyến, Lê Tuyên cứ tiếp tục chiếm cứ đại học, nên cuối tháng 8/1964 ngài đã thảo đơn từ chức nhưng chưa dứt khoát quyết định vì còn nhiều việc phải làm cho Đại Học Huế, Đại Học Y Khoa với viện trợ của Gia-nã-đại chưa xây cất hết, Đại giảng đường của Đại Học Khoa Học cũng đang còn bỏ dở, Đại Học Sư Phạm vừa xây cất xong chưa khánh thành, chương trình xây cất Trung Tâm Kỹ Thuật ở đồng An Cựu với sự giúp đỡ của Đại Học Stanford chưa bắt đầu, việc hiệu đính các Châu Bản Triều Nguyễn khởi công từ ba năm trước với sự cộng tác của Giáo Sư Chen Ching Ho (Trần Kính Hòa) cũng chưa hoàn tất. 


Hồi ký viết: “Ngày 9 tháng 9 tôi vào Sài Gòn để gặp ông Đại Sứ Anh xin giúp cho Đại Học Y Khoa một vài Giáo sư và một số dụng cụ thí nghiệm. Từ trước đến nay tôi đã liên lạc mấy lần với tòa Đại Sứ Anh để xin viện trợ cho Đại Học Huế nhưng luôn luôn bị từ chối, lần này tôi hy vọng thành công vì ông Đại Sứ Anh vừa mới ra thăm Huế và hứa hẹn giúp đỡ, tôi vào Sài Gòn mới được ba hôm công việc chưa xong gì, thì ngày 12 tháng 9 xảy ra vụ đảo chánh do nhóm Phạm Ngọc Thảo chủ động. Nhân cơ hội đó Lê Tuyên và Lê Khắc Quyến đã cho phao đồn ở Huế rằng tôi đã vào Sàigòn lần nầy chỉ là để cổ xúy và trực tiếp tham gia vào cuộc đảo chánh ấy, họ đã hội họp các sinh viên và giáo sư lại để công khai lên án tôi và đòi tôi phải từ chức, phần đông các giáo sư và sinh viên phản đối việc đó vì còn muốn tôi ở lại. Tuy thế ngày 14 tháng 9 tôi đã nhận được một điện tín từ Huế đánh vào yêu cầu tôi từ chức, viện lẽ rằng sự hiện diện của tôi ở Đại Học Huế trong giai đoạn hiện tại là không còn thích hợp và cần thiết. Đã nuôi sẵn ý định rút lui từ 2 tháng nay rồi, nên khi nhận được điện tín ấy của Lê Khắc Quyến đồng ký với Lê Tuyên, Tôn Thất Hanh, Mai văn Lễ, và một vài giáo sư khác, tôi đã không ngần ngại đắn đo, lập tức đến gặp Bùi Tường Huân, lúc đó mới được phe Phật Giáo đưa lên làm Tổng Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục, và đưa cho ông ta cái thư xin từ chức mà tôi đã viết sẵn hai tháng trước và lúc vào Sài Gòn tôi đã mang theo. Bùi Tường Huân hình như đã sắp đặt trước với nhóm Cứu Quốc ở Huế trước, nên đã vui vẻ chấp nhận sự từ chức của tôi liền và vài hôm sau đã ký nghị định giải nhiệm cho tôi và bổ nhiệm tôi làm Giáo Sư Đại Học Sư Phạm Saigon. Lúc chấp nhận sự từ chức của tôi Bùi Tường Huân có nói: “Ít hôm nữa, lúc nào thuận tiện mời Cha trở lại Huế làm lễ bàn giao. Chúng tôi sẽ tổ chức một lễ tiễn đưa Cha thật trọng thể và sẽ gắn huy chương cho Cha để tỏ lòng tri ân công lao cha đối với Đại Học Huế nói riêng và nền Giáo Dục nói chung.”Tôi đã từ chối và đã không trở lại Huế làm lễ bàn giao, chỉ nhờ một người bạn đưa sách vở và đồ đạc vào Saigon thôi.” (Sách đã dẫn, trang 453-455).


Trong cuốn sách Những bí ẩn đàng sau các cuộc thánh chiến tại Việt Nam, Lữ Giang đã nhìn thấy rõ ý đồ của những người chủ trương tuần báo Lập Trường ở Huế:

Đối với Thượng Tọa Thích Trí Quang, có một cái gai mà ông muốn nhổ ngay từ đầu đó là Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, nhưng không dám nhổ ngay vì Linh Mục Cao Văn Luận có công rất lớn trong việc xây dựng Viện Đại Học Huế, ông lại được hầu hết các giáo sư và sinh viên Đại Học Huế yêu chuộng vì tính tình hòa nhã, có tinh thần phục vụ tích cực, và bất vụ lợi… Trong thời gian Phật Giáo chống chế độ Ngô Đình Diệm, ông không đứng về phe chính phủ. Nhưng sự hiện diện của ông lúc này gây trở ngại cho cuộc đấu tranh cướp chính quyền mà Thượng Tọa Thích Trí Quang đang phát động vì ông không bằng lòng cho đưa chính trị vào đại học. Ngoài ra, Thượng Tọa Trí Quang không muốn có một người Công Giáo nắm địa vị quan trọng trong Viện Đại Học Huế, nhất là khi người đó là một linh mục. Viện Đại Học Huế phải trở thành của Phật Giáo. Vì thế, khi đã làm chủ được tình hình ở Huế và đa số các tỉnh miền Trung, Thượng Tọa Thích Trí Quang liền ra lệnh cho các giáo sư thuộc phe ông trong Viện Đại Học Huế dứt điểm vụ này. Trước hết, nhóm này cho xuất bản tờ tuần báo Lập Trường để triển khai chủ trương của nhóm, cổ võ cho đường lối của Thượng Tọa Thích Trí Quang và công khai chống chính phủ.” (Bản in năm 1994, trang 318).


Viết như nhà báo Lữ Giang, người ta có thể hiểu rằng việc xuất bản tờ báo Lập Trường đi trước việc Linh Mục Cao Văn Luận bị nhóm giáo sư và sinh viên Phật Giáo yêu cầu từ chức chỉ là ngày trước với ngày sau mà thôi nhưng trong thực tế tuần báo này ra đời từ tháng 3-1964, còn vụ việc LM Cao Văn Luận xảy ra ngày 14.9.1964 nghĩa là sau thời gian hơn nửa năm.


Trong bài “Loạn để trị” đăng trong tạp chí Tìm Hiểu số 2 tháng 10 năm 1964, Giáo sư Lý Chánh Trung, một người Công Giáo thân Cộng đã ủng hộ Phật Giáo trong cuộc tranh đấu chống chính phủ Ngô Đình Diệm, nhưng nay thấy cảnh trái mắt nói trên, đã phản ứng như sau (trích từ Lữ Giang, Sách đã dẫn) : “Một nhóm Giáo chức Đại Học họp lại, đánh điện tín là ông Viện Trưởng phải từ chức, vì sự hiện diện của ông”không cần thiết nữa”. Rồi người ta thấy Bộ Giáo Dục chấp nhận ngay sự từ chức đó, rồi ông Thủ Tướng bổ dụng ngay chính ông Tổng Trưởng Giáo Dục kiêm nhiệm chức Viện Trưởng Viện Đại Học Huế. Ôi, Con rùa hành chánh sao bổng nhưng lại đi nhanh thế!”


Nhà báo Lữ Giang viết thêm: “Các sinh viên Đại Học Huế không đồng ý quan điểm của một số giáo sư nói trên, đã làm kiến nghị phản đối. Một giáo sư đại diện cho phe Phật Giáo đấu tranh đã trả lời rằng Cha Luận giống như một “ung thư”phải cắt đi để khỏi làm tê liệt thân thể. Giáo sư Lý Chánh Trung đã nói về cái “ung thư” đó như sau:

“Cái ung thư” Cao Văn Luận đã mọc từ trong bào thai của Viện Đại Học Huế. Nó đã khai sinh và làm cho trưởng thành bào thai đó. Cái “ung thư” đó đã lê cái thân già đi khắp cùng trái đất, xin tiền, kiếm người, khẩn khoản mời mọc từng người về giúp Viện Đại Học Huế, không phân biệt chính kiến, địa phương, tôn giáo. Và kết quả sau 7 năm trời xem cũng “được” lắm chứ. Cái trường Y Khoa của Bác Sĩ Quyến, nếu không có niềm tin tưởng, cái gan lì và công vận động của Cha Luận, làm sao thành hình?”


Sau khi nói về những bất mãn của nhiều giới, giáo sư Lý Chánh Trung viết tiếp:

“Thật ra các anh đã “cách chức” Cha Luận vì Cha không đồng ý với các anh về mặt chính trị. Như vậy Viện Đại Học Huế đã biến thành một đảng chính trị rồi đó. Và ai không đồng ý với các anh đều là “ung thư” phải mổ phăng đi cho… “dễ làm việc” có phải vậy không?”

“Các anh đòi hỏi dân chủ. Đòi hỏi dân chủ bằng cách bắt đầu độc tài, độc đoán; bắt đầu khệnh khạng, huênh hoang; bắt đầu làm chủ nhân chân lý, “xếp sòng cách mạng”. (Lữ Giang, Sđd, trang 319).


2-2.- Vụ đốt hai làng Công Giáo Thanh Bồ - Đức Lợi ở Đà Nẵng.


Muốn thấy rõ việc hai làng Công Giáo Thanh Bồ - Đức Lợi ở Đà Nẵng trở thành mục tiêu đốt phá của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc ở Huế cần thiết phải theo dõi các việc làm của nhóm chính trị của Lê Tuyên, Tôn Thất Hanh, Cao Huy Thuần, và Lê Khắc Quyến dưới sự lãnh đạo của TT Thích Trí Quang, nhất là bầu không khí căng thẳng, sợ sệt đầy kinh hoàng mà người Công Giáo tại một số tỉnh Miền Trung phải chịu đựng sau cuộc chính biến 1/11/1963 lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm.


Một vài ghi nhận của LM Cao Văn Luận về sự u trầm giữa quần chúng các tôn giáo được phản ánh qua ít nhiều nét đậm nhạt như sau: “Trong các chính phủ sau Cách Mạng phe Phật giáo không có một chân gì được coi là xứng đáng. Nhiều nơi bắt đầu có những cuộc biểu tình lẻ tẻ phản đối chính phủ. Phía Công Giáo thì lo sợ nạn kỳ thị tôn giáo, đôi lúc cũng có vài hành động vội vàng, như cuộc biểu tình của các giáo dân từ các trại định cư ở Biên Hòa kéo về công trường Lam Sơn, tố cáo những kẻ lợi dụng cách mạng gây nên những vụ đàn áp Công Giáo. Tại Huế, hôm 15-9 hàng vạn giáo dân biểu tình trên các đường phố lớn, nêu lên những lời tố cáo tương tự như ở Sài Gòn. Tôi lo sợ sẽ có những cuộc chống lại các cuộc biểu tình của Công Giáo. Rất may chuyện này không xảy ra, ít nhất trên một qui mô rộng. Sở dĩ những cuộc chống đối giữa Phật Tử Huế và những cuộc xuống đường lên án kỳ thị tôn giáo của giáo dân Phủ Cam không bùng nổ trên một qui mô rộng, vì sau cách mạng đa số Phật Tử Huế đã hiểu thế nào là sự tiến công, sự phản bội sau nhiều ngày tranh đấu cam go, không khí cách mạng đã mang lại những đột biến không ngờ ngoài sức tưởng tượng của họ.” (trang 432)


Ở một đoạn khác, Linh Mục viết: “Người Công giáo phần nhiều tuy không hưởng lợi lộc gì của chế độ cũ, khi Cách Mạng đã tỏ ra thức thời. Họ sống khép nép, thu mình trong giáo khu Phủ Cam, hoặc Cầu Kho. Mọi hình thức phô diễn vào các ngày lễ cũng được giới hạn. Ngôi thánh đường Phủ Cam đang xây cất dở dang, vội vàng ngưng ngang. Cho tới bây giờ vẫn chỉ có mặt tiền uy nghi vươn lên giữa trời xanh, phô bày nhiều vết tích loang lở, tội nghiệp.” (trang 434).


Trong cuốn hồi ký có tên Thác lũ Mưa nguồn, tác giả Nguyễn Lý Tưởng đã cho biết những chứng tích cụ thể hơn: “Giáo dân ở những vùng xa xôi hẻo lánh cũng bị bắt bớ đánh đập trong đó có Linh Mục Nguyễn Cao Lộc ở Mỹ Á, quận Vinh Lộc, tỉnh Thừa Thiên và Linh Mục Nguyễn Hoàng Diệp ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Cha Lộc bị một nhóm người, tự xưng là sinh viên bắt trói, bị đánh đập, bị dẫn đi ngoài đường để cho đồng bào sỉ nhục. Cha Diệp ở nhà thờ Công Giáo trên đảo Lý Sơn bị Quận Trưởng đến bắt ra trước mặt nhà thờ, đứng bên cạnh mấy giáo dân trong ban Đại Diện giáo xứ. Quận Trưởng tuyên bố sẽ xử bắn Linh Mục và ông Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ và tuyên bố phải triệt hạ nhà thờ Lý Sơn (mới xây dựng). Có người báo tin cho Linh Mục Trần Tử Nhãn, Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, Cha Nhãn trình với Trung Tướng Trần Thiện Khiêm và ông Khiêm đã điện thoại ra Quân Đoàn I tại Đà Nẵng “không được làm như vậy”. Biết được lệnh đó, vị Quận Trưởng kia mới chịu rút lui. Những tín đồ Công Giáo buôn bán làm ăn ở Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị phải bỏ chạy vào Sài Gòn, không thể sống nổi ở Miền Trung vì bị tố cáo là kinh tài Cần Lao. Mặc dù Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ rồi, chính quyền trao vào tay các tướng lãnh và Quân Đội, nhưng Phật tử ở Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn vẫn còn biểu tình đòi “Tiêu diệt Cần Lao”, “Tiêu diệt kinh tài Cần Lao” (Nguyễn Lý Tưởng, Thác lũ Mưa nguồn, NgườiViệtBooks 2016, trang 314).


Vào thời điểm đó, chúng tôi đang sinh hoạt trong Đoàn Sinh Viên Công Giáo Viện Đại Học Huế. Một ngày Chúa Nhật nọ, sau Thánh Lễ xong, có người chở Linh Mục Nguyễn Cao Lộc đến thăm chúng tôi tại Trường Thiên Hựu Huế với cái đầu còn băng kín mặt vì bị đánh và sưng húp nhiều chỗ. Chúng tôi vô cùng xúc động.


Cũng trong cuốn hồi ký, tác giả Nguyễn Lý Tưởng cho biết: “Sau khi thành lập “Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc”, sinh viên Huế xuống đường, Phật tử xuống đường kéo vào Đà Nẵng hô hào “tiêu diệt Cần Lao”. Ngày 26/8/1964, khi đi qua trại lính Mỹ, có người ném đá vào trong nhà, lính Mỹ nổ súng chỉ thiên, đoàn biểu tình tràn vào khu Thanh Bồ - Đức Lợi (khu định cư của người Công Giáo sau 1954). Lực Lượng Tự Vệ và một số lính Biệt Kích, Biệt Hải có gia đình ở đây cho là “vô cớ bị tấn công” nên đã tự vệ. Các làng Công Giáo di cư ở vùng bờ biển lân cận báo động kéo nhau đến tiếp cứu người đồng hương, đồng đạo. Hai bên đánh nhau kết quả 11 người chết, 42 người bị thương, nhà cửa của dân bị phe biểu tình đốt cháy.” (Nguyễn Lý Tưởng, Sách đã dẫn, trang 343).


Khu vực đoàn biểu tình là đại lộ Bạch Đằng bên bờ sông Hàn xuôi từ Chợ Hàn ở trên phố kéo xuống rất nhiều tiệm buôn, nhà hàng, khách sạn v.v… đến Tòa Thị Chính rồi một số nhà ở của tư nhân, Trường Trung học Blaise Pascal, Nha Thương Cảng, kế tiếp là khách sạn có nhiều gia đình cố vấn người Mỹ, vùng này được gọi là Trẹm nơi có con đường xe lửa chạy song song với khu vực Thanh Bồ Đức Lợi và cũng là nơi xảy ra trận chiến giữa đoàn biểu tình và giáo dân làng này. 


Giáo xứ Thanh Bồ Đức Lợi vốn là hai giáo họ được thành lập tại vùng Trẹm gọi là phía tây vùng Trẹm và phía đông vùng Trẹm gồm các giáo dân di cư từ năm 1954. Giáo họ Thanh Bồ chọn xây dựng tây vùng Trẹm gồm các giáo dân các làng Kẻ Sen, Kẻ Bàng, Sáo Cát ở bắc vĩ tuyến 17 lấy tên cũ là Thanh Bồ (cũng gọi Bồ Khê) do linh Mục Phaolô Nguyễn Thanh Hòa lãnh đạo. Giáo họ Đức Lợi gồm các giáo dân thuộc Giáo phận Vinh tức tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh do linh Mục Phêrô Trần Đức Triều coi sóc. Từ năm 1954 đến 1964 hai giáo họ này vẫn ở cạnh nhau, có nhà thờ riêng và những sinh hoạt mục vụ riêng biệt. Tên Đức Lợi là lấy từ tên Đức Giám Mục Trần Hữu Đức của địa phận Vinh và tên Đức Giám Mục Marcel Picquet Lợi Giáo phận Quy Nhơn mà thành. Sau biến cố hỏa hoạn 1964, Đức Giám Mục Phạm Ngọc Chi đã sáp nhập hai giáo họ Thanh Bồ Đức Lợi lại làm một và gọi tên là giáo xứ Thanh Đức cho mãi tới ngày nay. (Theo Website Giáo phận Đà Nẵng, ngày 26-01-2010).


Trong cuốn hồi ký Năm Tháng Dâng Người của Lê Công Cơ (sinh viên CS) có viết: “Tiếp sức với Huế, lực lượng của ta tại Đà Nẵng đã chủ động tổ chức bãi khóa và xuống đường. Hàng vạn học sinh Đà nẵng giương cao biểu ngữ: -Đả đảo Hiến Chương Vũng Tàu; -Đả đảo Nguyễn Khánh. Dòng biểu tình cứ kéo qua các phố chính tại Đà Nẵng không dứt, càng về trưa dòng người càng đông nghịt, ngăn tất cả các lối trong thành phố. Sơn Hải và Cẩm Nhung cùng một số cốt cán của ta dẫn đoàn biểu tình đến thẳng khách sạn Đà Nẵng, nơi mà các gia đình cố vấn Mỹ ở. Đoàn biểu tình vừa đến thì một số lính Mỹ đứng trên tầng cao khách sạn ném chai lọ xuống và to mồm chửi tục. Lập tức, dòng người biểu tình ào vào xông lên khách sạn, lính Mỹ nổ súng, cuộc ẩu đả xảy ra mỗi lúc một ác liệt. Cuộc biểu tình lui về phía Thanh Bồ Đức Lợi để tránh đạn, thì từ phía sau nhiều toán thanh niên được trang bị gậy gộc xông vào đánh túi bụi đám đông đang cố thủ dọc đường rầy xe lửa. Thế là một cuộc đánh nhau đã diễn ra giữa đàn biểu tình với khu Thanh Bồ Đức Lợi, cho mãi tới xế chiều đoàn người được tăng viện mỗi lúc một đông hơn và cơn giận đã biến thành ngọn lửa đốt rụi nhiều nhà tại đây. Tôi đến tận nơi lúc trời gần tối, gặp Sơn Hải và anh Đồng đang gào thét: “đả đảo Mỹ” với hàng ngàn người biểu tình. Tôi kéo anh Đồng lại và nói ngay: - Hãy hướng dẫn đoàn biểu tình về ngay Tòa Thị Chính Đà Nẵng ngay bờ sông Hàn. Hàng vạn người tràn qua đường Bạch Đằng nối theo không dứt và tràn vào chiếm Tòa Thị Chính.” (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2006, trang 208-209).


Đoạn tường thuật trên đây trích từ bài viết của Nguyễn Đắc Xuân có tên “Ai gây ra vụ đốt phá Thanh Bồ Đức Lợi ở Đà Nẵng 45 năm trước?” trên trang điện tử Sách Hiếm, đề ngày 27 tháng 1, 2009. Bài viết của NĐX có trích hồi ký của Phạm Văn Liễu, nhưng ông Liễu cũng cóp nhặt lại một số sách báo của người khác không giá trị gì nên chúng tôi bỏ qua mà chú ý đến đoạn của NĐX sau đây:

Cái dư luận ‘Phật tử gây ra vụ đốt phá khu Thanh Bồ Đức Lợi’ đã qui trách nhiệm cho ông Hoàng Văn Giàu - người đứng đầu đoàn Sinh viên Phật tử Huế lúc ấy. Nhiều người hỏi tôi (một Sinh viên Phật tử của Hoàng Văn Giàu những năm 1963-1964) dư luận ấy có đúng không? Tôi đã kể lại rằng:

-Lần đầu tôi nghe chuyện Thanh Bồ Đức Lợi bị đốt phá ở phòng riêng ông Hoàng Văn Giàu (Đoàn trưởng đoàn SVPT Huế), trên dãy lầu sau Morin. Hôm ấy ông tiếp sinh viên ban sử địa Đại Học Văn Khoa Lê Đình Cai. Không biết hai người đã trao đổi với nhau trước đó những gì, tôi đến sau chỉ nghe ông Giàu phê bình Lê Đình Cai đã gây ra vụ đốt phá Thanh Bồ Đức Lợi trái với đường lối bất bạo động của Phật Giáo. Lê Đình Cai ngồi chống cằm nghe rất buồn. Lê Đình Cai vốn có hoạt động với đoàn SVPT nhưng từ sau ngày bị ông Giàu phê bình như thế Lê Đình Cai xa dần chúng tôi. Có người giải thích rằng Lê Đình Cai bị SVPT bỏ rơi nên mới chuyển qua hoạt động cho đảng Đại Việt. Người khác lại bảo Lê Đình Cai đã là đảng viên Đại Việt trà trộn vào hoạt động với Phật tử sau khi bị khuyết điểm với Phật giáo Lê Đình Cai ra mặt hoạt động cho Đại Việt thế thôi. Lê Đình Cai có thời là bạn học sử với tôi nhưng chưa bao giờ tôi hỏi chuyện ấy thực hư như thế nào.”


Sau đây là bài viết của Hoàng Văn Giàu trên tờ Khai Phóng số 4 được coi là  của cư sĩ Phật giáo đầu tiên trên đất Mỹ, xuất bản năm 1981. Hoàng Văn Giàu viết:

Biến cố này xảy ra năm 1964, và khởi sự từ một cuộc biểu tình do Đảng Đại Việt Cách Mạng tổ chức để phản đối Thủ Tướng Nguyễn Khánh trong việc tranh chấp quyền lực giữa lãnh tụ đảng này với Thủ Tướng Nguyễn Khánh.

Kẻ tổ chức cuộc biểu tình này là Lê Đình Cai, đặc trách Thanh niên, Sinh viên Học sinh của Đảng này tại miền Trung, vì thiếu tổ chức và lãnh đạo cho nên sự việc đã xảy ra như sau: Đám biểu tình được hướng dẫn qua một khu dân cư, một bên kia là các bar, các room-for-rent cho lính Mỹ thuê ở. Đám biểu tình bị các cô bán bar trêu ghẹo diễu cợt. Một số người biểu tình phản đối, đấu khẩu, một số lấy đá ném các cô. Các cô ấy hoảng hốt kêu cứu các ông bạn Mỹ. Những người Mỹ này tưởng lầm bị biểu tình tấn công, lấy súng bắn. Dân biểu tình hoảng hốt dạt về phía bên làng Công Giáo. Vốn sẵn mặc cảm bị đàn áp sau khi chế độ Ngô Đình Diệm đổ, nhưng người dân nơi đây tưởng là đám biểu tình tấn công, nên họ đã nổ súng vào đám biểu tình khiến có người chết và người bị thương. Quân Đội và Cảnh Sát phải đến can thiệp và đòi giải giới dân Thanh Bồ Đức Lợi. Họ không chịu. Quân đội phải nổ súng thị uy và tiến vào. Trong lúc đó, một số nhà bị cháy, một số do chính dân trong khu đốt để vu cáo cho quân đội theo phe biểu tình đàn áp họ. Tướng Nguyễn Chánh Thi là người biết rõ vụ này. Ngoài ra, một nạn nhân khác của vụ Thanh Bồ Đức Lợi đã viết sách có nói đến vụ này, đó là nhà văn Lệ Hằng và quyển “Bản Tango Cuối Cùng”, sách đã được tái bản ở Hoa Kỳ. Tác giả là người Thanh Bồ Đức Lợi. Phật tử Huế cũng như Hoàng Văn Giàu không dính líu gì đến vụ này”. (Hoàng Nguyên Nhuận, trích lại trong bài viết của Nguyễn Đắc Xuân).


Hai lời tường thuật này của Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Văn Giàu đều sai sự thật nếu không nói là chủ tâm vu khống người khác.

Để có những nhận định chính xác về biến cố Thanh Bồ Đức Lợi, chúng tôi đã nghiên cứu các tư liệu do nhiều người viết và tiếp cận nhiều nhân vật có liên hệ đến sự kiện này nhằm mục đích trả lại sự thật cho lịch sử về một sự kiện xảy ra trên hơn nửa thế kỷ, và cũng để đính chính những chỗ cố tình viết sai sự thật của Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Văn Giàu (Nguyên Nhuận)


Về thời điểm đánh dấu biến cố TBĐL, chúng tôi biết đó là nhân kỷ niệm một năm Pháp nạn của Phật giáo (21.8.1963 - 21.8.1964) nên một nhóm sinh viên Huế đã từ Huế vào Đà Nẵng để hỗ trợ tinh thần cho giới Phật giáo tại Đà Nẵng mà vị sư trụ trì Chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng lúc bấy giờ là Thượng Tọa Thích Minh Chiếu. Nhóm sinh viên đó gồm có Bửu Tôn, sinh viên năm thứ ba Đại Học Y Khoa Huế làm Trưởng đoàn. Bửu Tôn là người lớn nhất và có uy tín trong hàng ngũ sinh viên, em ruột của Linh Mục Bửu Dưỡng nổi tiếng ở Huế. Sau đó phải kể đến một số sinh viên có tên như Thái Thị Ngọc Dư, sau biến cố Phật Giáo có đi du học Pháp đậu Tiến sĩ Địa Lý và đã gia nhập đảng CS tại Pháp; sau ngày Huế mất y thị đã tiếp quản Trường Đại Học Văn Khoa Huế; Bạch Lan (em ruột ca sĩ Hà Thanh, em ruột Phương Thảo vợ Bùi Tường Huân), Lê Cảnh Thạnh, con của ông Lê Cảnh Vệ (Trưởng Ty Cảnh Sát Huế, thành phần Đại Việt) và Lê Đình Cai. Có hai điều ghi nhận ở đây là mặc dù có người anh làm Linh mục, Bửu Tôn lại là người hoạt động rất hăng say của Phật giáo ở Huế; Lê Cảnh Thạnh là sinh viên theo Phật giáo rất nhiệt tình trong khi bố là một cán bộ Đại Việt lại chống Cộng và chống Phật giáo tranh đấu rất quyết liệt. Cả năm Sinh Viên Huế này đều biết rất ít về Đà Nẵng, cả địa hình, địa vật cũng như không hề có bạn bè gì ở đây.


Cầm đầu đoàn biểu tình ngày 25/8/1964 xuất phát từ Chùa Tỉnh Hội đường Ông Ích Khiêm là PHẠM THẾ MỸ, một cán bộ Cộng Sản nằm vùng tại Đà Nẵng. Phạm Thế Mỹ sinh năm 1932 tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định là con thứ 11 trong một gia đình trung lưu. Anh của Phạm Thế Mỹ là nhà văn Phạm Văn Ký và nhà văn Phạm Hổ. Từ năm 1947 đến năm 1949, ông học và hoạt động văn nghệ trong trường Thiếu Sinh Quân ở Liên khu V. Đầu thập niên 1950, ông làm công tác tuyên huấn và làm phóng viên cho báo Quân Đội Nhân Dân. Nhạc phẩm đầu tay của ông là bản “Nắng Lên Xóm Nghèo”. Sau hiệp định Genève Phạm Thế Mỹ được bố trí ở lại Miền Nam. Năm 1959, Phạm Thế Mỹ học trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài Gòn. Từ năm 1959 đến 1970 ông dạy Việt Văn và Âm Nhạc tại các trường trung học tư thục Bồ Đề, Tây Hồ, Sao Mai, Bán Công, Nguyễn Công Trứ, Tân Thanh ở Đà Nẵng (Theo trang web Yeunhacvang.com). Đến đây xin nói một ghi nhận của rất nhiều giáo sư dạy học ở Đà Nẵng là trường trung học Tây Hồ là một “ổ cộng sản” tại Đà Nẵng. Tại trường trung học tư thục Phan Thanh Giản có ông giáo sư Trương Văn Thông, dạy Toán nổi tiếng cũng là một thành phần thiên Cộng. Ông Thông bị Cảnh Sát ở Đà Nẵng bắt nhiều lần vì tội hoạt động cho CS. Đặc biệt nhóm giáo sư thiên Cộng này có đường dây liên lạc với nhà văn Vũ Hạnh tức Nguyễn Đức Dũng ở Sài Gòn (viết nhiều báo ở đây như Bách Khoa, Mai) vì cũng là người gốc Quảng Nam với nhau. Bên cạnh Phạm Thế Mỹ trong cuộc biểu tình này còn có Phan Xuân Huy, con ông Phan Xuân Cáo (đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng), Hà Xuân Kỳ, ngồi trong một chiếc xe Jeep có trang bị loa phóng thanh và biểu ngữ đi trước dẫn đường. Sau khi dừng lại đọc một số tuyên cáo và hô khẩu hiệu trước Tòa Thị Chính Đà Nẵng, đoàn biểu tình muốn đi một vòng lên phố để “biểu dương lực lượng” cùng bà con Phật Tử rất đông ở đây, thì phải quẹo vào đầu đường Quang Trung, gặp đường Độc Lập quẹo trái nữa ắt sẽ dẫn ra phố thì Phạm Thế Mỹ trong xe dẫn đầu lại cho xe đi thẳng tới dừng trước khách sạn Đà Nẵng là nơi có lính Mỹ cư trú. Đây là ý đồ đã chuẩn bị trước của Phạm Thế Mỹ, là mục tiêu mà nhóm của y đã lên kế hoạch khiến cho giới lãnh đạo Phật Giáo Đà Nẵng cũng ngỡ ngàng. Thế là đoàn biểu tình bị động phải đi theo xe dẫn đường và cũng dừng lại trước khách sạn Đà Nẵng. Khách sạn này là của bà Agnes Hoàng Thị Năm, một thương gia Công Giáo giàu có tại Đà Nẵng cho một số cố vấn người Mỹ thuê. Nguồn tin đăng ở Web Yeunhacvang.com cho biết cuối đời Phạm Thế Mỹ sống trong một căn nhà nhỏ ở Quận 4, Sài Gòn, bệnh hoạn và thiếu thốn trong suốt thời gian nghỉ hưu. Một số học sinh cũ của ông ở hải ngoại trong đó có một số theo Công Giáo (ở Houston, TX) được kêu gọi đóng góp chút ít giúp ông sống qua ngày và điều này chứng tỏ CS là chế độ “vắt chanh bỏ vỏ”. Người nhạc sĩ cầm đầu cuộc biểu tình của Phật giáo ngày 25-8-1964, tác giả vụ đốt giáo xứ Thanh Bồ Đức Lợi, rốt cuộc chết (ngày 16-01-2009) trong tuổi 79, nghèo túng, bệnh hoạn.


Trong hồi ký Việt Nam Một Trời Tâm Sự, Nguyễn Chánh Thi viết: “Đoàn biểu tình được một số người quá khích và Cộng sản xúi giục có ý định đốt phá các làng di cư Tam Tòa, Thanh Bồ, và Đức Lợi. Tôi nhận được kêu cứu của vị Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn, cho biết là tình trạng rất nguy hiểm mà Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng và ông Thị trưởng Đà Nẵng là Lê Quang Mỹ vắng mặt. (Tin cho biết, tướng Xứng đi Sài gòn, còn Lê Quang Mỹ lánh mặt vì được tin dân chúng có ý định đốt Tòa Thị Chính và bắt ông ta làm con tin.” (Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam Một Trời Tâm Sự, Anh Thư xuất bản tại California, 1987, tr. 245).


Ở đoàn xe dẫn đầu cuộc biểu tình, người ta nghe giọng của Phạm Thế Mỹ oang oang trong máy: “Thanh Bồ Đức Lợi đã bắn vào chúng ta, tất cả mọi người hãy tiến lên bảo vệ lẫn nhau.” Thế là hàng ngàn người phía sau tiến lên dồn dập kéo tới để tiếp cận với khu vực giáo xứ này. Nhóm sinh viên Huế dưới sự hướng dẫn của Bửu Tôn không ngờ lại khiến xảy ra biến cố này khi họ thấy đoàn biểu tình ném đá vào khách sạn Mỹ và lính Mỹ cầm súng ra bắn chỉ thiên, cốt chỉ dọa thôi. Như vậy là không được rồi, là hỏng rồi, bởi vì mục đích của Phật Giáo là biểu tình bất bạo động, chỉ là đòi tự do dân chủ, nay cục diện đã trở thành bạo động, mà bạo động mang tính cách thánh chiến giữa hai tôn giáo lớn ở Việt Nam. Nhóm Sinh Viên Huế cũng đi dọc đường rầy xe lửa song song với hàng rào của khu Thanh Bồ Đức Lợi và giả tảng như không dính gì với đoàn biểu tình cốt là để ra khỏi hiện trường đang diễn ra trận tranh chấp quyết liệt có đổ máu và chóng về tới được chỗ nhà trọ. Lúc đó một chiếc xe chở TT Thích Minh Chiếu, Linh Mục Lê Văn Ấn lúc bấy giờ là Cha chính Địa Phận Đà Nẵng, cùng một vị sĩ quan đại diện Quân Đoàn I Đà Nẵng chạy đến kêu gọi đoàn biểu tình và giáo xứ Thanh Bồ Đức Lợi bình tĩnh và dừng lại các hành động gây mất hòa khí để chính quyền tìm phương thế giải quyết tình hình. Tuy nhiên khi tướng Nguyễn Chánh Thi đưa một tiểu đoàn Biệt Động Quân và một tiểu đoàn Bộ Binh vào tước khí giới của nhóm thanh niên Công Giáo tại Thanh Bồ Đức Lợi, đoàn biểu tình ồ ạt tiến theo sau quân đội và phóng hỏa đốt hết toàn bộ nhà cửa khoảng trên 500 nóc gia. Nhà báo Lữ Giang ghi nhận: “Khi tôi ra Đà Nẵng quan sát tại chỗ thì thấy quang cảnh như một bãi tha ma. Nhà thờ và tượng ảnh bị đập nát, những cột nhà đen nám chơ vơ giữa đống tro tàn. Tướng Nguyễn Chánh Thi tuyên bố chỉ cứu trợ chứ không chịu bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân, viện lý do vụ thiệt hại đó không phải lỗi của chính quyền…” (Lữ Giang, Những bí ẩn đàng sau các cuộc thánh chiến tại Việt Nam, 1994, trang 315).


Điểm qua một số tư liệu vừa dẫn ở trên, chúng ta thấy Lê Công Cơ, một sinh viên Huế và là cán bộ Cộng Sản đã bí mật điều hành các tên CS khác là Sơn Hải, Cẩm Nhung, và Đồng (mặt chìm) xâm nhập đoàn biểu tình để tìm cách gây hấn với lính Mỹ tại đây trong khi đó nhóm Phạm Thế Mỹ, Hà Xuân Kỳ, Phan Xuân Huy (mặt nổi) dẫn đoàn biểu tình đến mục tiêu đã chọn lựa từ trước. Nhóm Sinh Viên Huế gồm năm người trong đó Bửu Tôn là người cầm đầu nhưng không biết lộ trình của cuộc biểu tình, còn bốn bạn khác trong đó kể cả sinh viên Lê Đình Cai hoàn toàn không biết gì về Thành phố Đà Nẵng, ngay cả tên một con đường cũng không biết thì viết như Nguyễn Đắc Xuân rằng “… nghe ông Giàu phê bình Lê Đình Cai đã gây ra vụ đốt phá Thanh Bồ Đức Lợi trái với đường lối bất bạo động của Phật Giáo” hay như Hoàng Văn Giàu viết “Kẻ tổ chức cuộc biểu tình này là Lê Đình Cai” thì quả thật các ông Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Văn Giàu tức Hoàng Nguyên Nhuận là những kẻ nghe hơi nồi chõ hoặc ngồi xổm trên sự thật khi muốn viết lịch sử, nhất là một biến cố có liên hệ đến Phật Giáo. Người Việt Nam có câu “Rừng nào cọp đó”, làm sao những sinh viên lạ hoắc ở ngoài Huế lại vào lãnh đạo cuộc biểu tình ở đất Quảng được, thử hỏi ai mà chấp nhận? Dù họ có nổi tiếng ở ngoài Huế thì cũng không thể có đất đứng ở Đà Nẵng, nhất là lãnh đạo một cuộc biểu tình, dù là do tôn giáo giật dây, điều động. Lại nữa,  trong khi Hoàng Văn Giàu “tung” và Nguyễn Đắc Xuân lại “hứng” trong một câu rằng: “Lê Đình Cai, đặc trách Thanh niên, Sinh Viên Học sinh của Đảng này tại miền Trung” ý nói Đảng Đại Việt Cách Mạng. Nguyễn Đắc Xuân cho biết từng là bạn học sử với Lê Đình Cai nhưng Xuân tỏ ra không nắm được lịch sử đảng phái, (kể cả Hoàng Văn Giàu nhưng điều này không nên trách Giàu vì ông ta chỉ học Triết) vì năm 1964, Đảng Đại Việt Cách Mạng chưa ra đời, mà lúc đó chỉ có Đại Việt Quốc Dân Đảng mới trở lại hoạt động sau chín năm bị chế độ Đệ I Cộng Hòa cấm đoán. Lê Đình Cai lúc bấy giờ ở BCH Đặc khu Trương Tử Anh I vốn là một sinh viên còn quá trẻ không thể đảm nhiệm chức vụ như Hoàng Văn Giàu nói mà chức vụ đó nằm trong tay một giáo sư của Đại Việt từng tham gia chiến khu Ba Lòng. Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Văn Giàu muốn chứng tỏ cái gì các ông cũng biết cả, tuy vậy, một chuyện nhỏ như lãnh đạo cuộc biểu tình ở Đà Nẵng ngày 25/8/1964 là ai mà các ông viết cũng trật lất, huống chi là đảng phái Việt Nam. Ngay chuyện nhà văn Lệ Hằng nghe nói là vợ của Hoàng Văn Giàu, mà Giàu cũng tỏ ra vờ vịt. Hoàng Văn Giàu nói rằng Lệ Hằng là người Công Giáo ở Thanh Bồ Đức Lợi. Nhà tôi ở giáo xứ Tam Tòa, Đà Nẵng cứ nghe bọn em của tôi hay kháo nhau “Con Hằng xóm ga”, một cô bé lọ lem học Đệ thất, Đệ lục gì đó tại trường tư thục Nguyễn Công Trứ, cơ sở kinh tài của ông Lâm Mỹ Bạch Tuyết, dân biểu thời cụ Diệm. Xóm ga là xóm có một số cư xá của nhân viên thuộc Sở Hỏa Xa Đà Nẵng xây dọc theo con đường Trần Cao Vân nối dài xuống con đường Quang Trung kéo tận tới sông Hàn. Từ trên Tam Tòa đi xuống bên phải là cư xá hỏa xa gồm nhiều dãy nhà tương đối sạch sẽ, có tường cao; bên trái cũng có một dãy nhà dài chia thành từng lô, trông tồi tàn hơn có lẽ là cấp cho thành phần công nhân cấp thấp. “Con Hằng xóm ga” ở một trong các nhà tại đây, gia đình Công Giáo, có lẽ là Bắc Kỳ di cư, sau nghe nói thuộc xóm đạo Nội Hà đường Đinh Tiên Hoàng tức phía sau lưng sở Quân Cụ Đà Nẵng. Sau vụ tranh đấu Phật Giáo, tôi nghe nói Hoàng Văn Giàu bị động viên vào Quân đội và nhiệm sở là ở Đà Nẵng thì có lẽ gặp ý trung nhân “con Hằng xóm ga” ở đây. Rõ là “ghét của nào Trời trao của đó.” Trước năm 1975, Lệ Hằng khá nổi tiếng về các loại tiểu thuyết tình cảm, rẻ tiền. “Bản Tango cuối cùng” không biết viết gì trong đó hay có lẽ cũng là “phịa sử” hoặc thuộc loại “nghe hơi nồi chõ” mà thôi.


Ngày 26/8/1964, Phật giáo lại biểu tình trên một vài con đường ở Đà Nẵng và có bảy tư gia Công Giáo ở đây, đa số là những gia đình có tài sản, tiệm buôn bị  nhóm biểu tình cướp phá, ghi nhận rõ nhất là tiệm đồng hồ sang trọng của ông Nguyễn Kỳ Quyền (em là ông Nguyễn Kỳ Nghè nhà cũng bị hôi của) gần rạp xi-nê Lido đường Độc Lập, tư gia Lâm Mỹ Bạch Tuyết, cựu Dân biểu Quốc hội thời Đệ I Cộng Hòa cũng bị chiếu cố. Cuộc biểu tình của Phật giáo Đà Nẵng đòi tự do, dân chủ, chống người Mỹ phần nào đã bị một số nhỏ lợi dụng để biến thành hành động cướp bóc thổ phỉ, gây nên việc trả thù giữa tôn giáo này với tôn giáo khác. Buồn thay!


Ngày 27/8/1964, tôi từ Huế vội vào Đà Nẵng thăm nhà thấy mọi người lo lắng ra mặt vì sợ sau vụ đốt Thanh Bồ Đức Lợi nghe là đến phiên Tam Tòa. Ngó vào các tủ sách của mình thấy trống trơn, tôi hỏi chị tôi và chị kéo ra sau nhà chỉ vào cái hồ xi măng dài hai thước, rộng và cao mỗi bề một thước vốn dùng hứng nước mưa. Bao nhiêu sách vở của tôi bà chị đã chịu khó chất vào hết trong hồ, và chị bảo: “Chị biết em quý sách vở nên nếu nhà có cháy thì ít ra cũng còn mấy quyển sách cho em.” Bà chị kể tiếp: “Trưa hôm qua, trên máy phóng thanh, cha Hồ đã tuyên bố: ‘Gió đã đổi chiều rồi, các con hãy chuẩn bị thôi’” . Tôi lặng người đi.


Tối hôm đó, có một cuộc họp tại nhà cha sở khoảng cả trăm người đại diện tham dự và tất cả nhất quyết “rào làng chiến đấu”. Chúng tôi cùng với các anh Bùi Văn Giải, Dương Văn Thuận, Nguyễn Văn Đờn, Bùi Ngọc Châu, Nguyễn Văn Hòa lặng lẽ rủ nhau làm tờ báo tuần báo in ronéo lấy tên Tự Vệ, mỗi lần ra khoảng 1000 ấn bản lưu hành khắp các giáo xứ ở Đà Nẵng mục đích giữ vững tinh thần của người Công Giáo ở đây và dĩ nhiên cốt vạch rõ các thành phần Cộng Sản núp bóng trong cái gọi là Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc tại Đà Nẵng. Chúng tôi sẵn sàng chờ đợi một cuộc đụng độ có thể xảy ra ngày một ngày hai trong thời buổi “hỗn quan loạn quân” này nhưng cũng may tình hình mỗi lúc lại lắng dịu…


Ở họ đạo Thanh Bình, trên đường Khải Định, giáo dân cũng được khuyến khích đoàn ngũ hóa để bảo vệ giáo xứ dưới sự chỉ đạo của LM Trần Văn Cần và GS Nguyễn Công Kinh, Giáo xứ Phước Tường (Hòa Cường) của cha cố Đinh Hưng Lợi (mới từ trần) cũng được yểm trợ triệt để vì giáo dân đa số là sĩ quan, binh sĩ thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Hòa Cầm giáp ranh với Quảng Nam. Các giáo xứ An Hải, Sơn Trà tuy nằm khuất dưới chân núi Sơn Trà cũng được kêu gọi để sẵn sàng tiếp ứng cho những nơi bị đe dọa.


2-3.- Một số biến cố của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc gây ra các nơi và phản ứng của Công Giáo.


Sau khi một số giáo xứ ở Đà Nẵng và Quy Nhơn bị tấn công phải kêu cứu Sài Gòn, ngày 27/8/1964, khoảng 2.000 giáo dân các giáo xứ di cư đến bao vây Bộ Tổng Tham Mưu ở Sài Gòn đòi gặp Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng, yêu cầu giải quyết vụ Đà Nẵng và Quy Nhơn, đòi phải có biện pháp đối với các tổ chức thân Cộng đang gây rối. Cuộc xô xát với binh sĩ xảy ra, có 4 người bị bắn chết, và 11 người bị thương. Một toán khác đến đài phát thanh Sài Gòn yêu cầu đọc bản Tuyên Ngôn Chống Cộng và Chống Trung Lập. Tại đây lại có cuộc xô xát với học sinh trường Nguyễn Trường Tộ. Toà Tổng Giám Mục Sai Gòn và Viện Hóa Đạo phải ra thông cáo yêu cầu các tín đồ giữ bình tĩnh và giữ hòa khí.


Ngày 28.8.1964, Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc vây trường Công Giáo Nguyễn Bá Tòng, vào đập phá nhà in của trường, đốt phá toà báo Xây Dựng do Linh Mục Nguyễn Quang Lãm làm chủ nhiệm. Thanh niên các xứ Bùi Phát, Nghĩa Hòa, Tân Sa Châu, và Xóm Mới hay tin kéo đến giải vây. Cuộc xô xát giữa hai bên rất ác liệt. Lực lượng Nhảy Dù được huy động tới để giải vây đã phải nổ sung. Kết quả có 2 người chết và 48 người bị thương phải vào bệnh viện. Hai xác thanh niên bị chết do tấn công vào trường Công Giáo Nguyễn Bá Tòng được đem về quàn tại Viện Hóa Đạo để làm lễ cầu siêu.


Ngày 21.9.1964, Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc cho lệnh tấn công đài phát thanh Quy Nhơn và lùng bắt dư đảng Cần Lao, Thượng Tọa Trí Quang và Võ Đình Cường ra lệnh mở các cuộc lùng bắt dư đảng Cần Lao tại Huế và các tỉnh miền Trung.


Ngày 25.9.1964, Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc tại Sài gòn hô hoán lên rằng dư đảng Cần Lao đang thuê lò rèn Lâm Hiệp Thành ở Xóm Củi rèn hàng ngàn con dao để chống cách mạng. Nhưng sau đó, Phái Đoàn Viện Trợ Hoa Kỳ ra thông cáo nói rõ số dao đó do Phái đoàn đặt để cung cấp cho Phủ Bình Định và Phát Triển phát cho nông dân chớ không phải của dư đảng Cần Lao.


Ngày 27.9.1964, “Lực Lượng Sinh Viên Học Sinh bảo vệ Giáo Dục thuần túy” tập họp và biểu tình trước Viện Hóa Đạo yêu cầu “đưa chính trị ra khỏi học đường”. Hội Đồng Chỉ Đạo Sinh Viên Học Sinh Sài Gòn họp ra quyết nghị chống việc các tổ chức chính trị xen lấn vào học đường và lôi cuốn sinh viên học sinh vào các cuộc phiêu lưu chính trị. Các tổ chức này đều bị phe tranh đấu tố cáo là tay sai của “dư đảng Cần Lao”.


(Còn tiếp)





Nói chung, khi các giáo xứ Công Giáo tại miền Trung và chung quanh Sài gòn đã tự động võ trang tự vệ và sẵn sàng ứng chiến thì Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc không thể lộng hành như trước được. (Lữ Giang, Sách đã dẫn, trang 316-318).

Không có nhận xét nào: