TUẦN BÁO LẬP TRƯỜNG TẠI HUẾ NĂM 1964
& HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CỨU QUỐC,
MỘT KHẢO LUẬN SỬ HỌC (Tiếp theo)
Nguyễn Đức Cung
II.- TUẦN BÁO LẬP TRƯỜNG VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CỨU QUỐC SAU KHI CHẾ ĐỘ ĐỆ I CỘNG HÒA SỤP ĐỔ.
Tuần báo Lập Trường xuất bản từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1964 do các GS Lê Tuyên, Cao Huy Thuần, và Tôn Thất Hanh cùng tổ chức Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc do BS Lê Khắc Quyến làm Chủ Tịch chủ trương nhằm giành lại thế chính trị của Phật Giáo miền Trung sau khi chế độ của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm sụp đổ bao gồm những kế hoạch gì thì chúng ta sẽ tìm hiểu sau nhưng ở đây trước hết để thấy rõ đường lối của tờ tuần báo cùng tổ chức chính trị của nó có lẽ không gì hơn trước hết phải tìm hiểu chung hoàn cảnh lịch sử, địa lý, thổ nhưỡng địa phương cùng phạm vi nhân sinh đã ảnh hưởng vào những người đứng ra hình thành nên các tổ chức đó vốn là thành phần trí thức xuất thân từ miền núi Ngự sông Hương.
1.- Tâm thức Huế
Người Việt Nam thường nói “Địa linh sinh nhân kiệt”. Không ai phủ nhận tính cách địa linh và nhân kiệt của xứ Huế. Để thấy rõ giá trị của thuật ngữ này, trước hết về tính cách địa linh của nó, chúng ta đọc vào nhận xét của một nhà Việt Nam Học đồng thời cũng là một nhà Huế Học nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử VN và ngôn ngữ dân tộc học, Linh Mục Léopold-Michel Cadière (1869-1955), tên VN là cố Cả, đã viết trong tập san Bulletin Des Amis Du Vieux Hue như sau:
“Đất thần kinh: 神 京 đó là tên mà vua Thiệu Trị ban tặng cho Huế khi Ngài miêu tả hai mươi cảnh đẹp của Huế. Khi ban tặng tên như vậy, Ngài không chỉ muốn nói đến cảnh trí mê hồn của cả vùng thủ đô An Nam, có con sông Hương hai bờ màu bích ngọc; những dãy đồi màu đỏ gạch thông phủ sầm u; những cánh đồng màu mỡ; các đền đài lăng tẩm màu sắc chói lọi hay mang một thảm rêu; những mặt thành phòng ngự màu vàng đất; cổng thành uy nghi; những cống thành đồ sộ; các làng mạc ẩn mình trong các lũy tre dày đặc, một bầu trời sáng tỏa; một dãy núi đằng xa bao bọc tất cả cảnh trí vòng trong vòng ngoài. Ở gần với màu đỏ rực rỡ màu lục, ở xa với màu lam đục và trắng sữa lốm đốm vàng kim hay được pha thêm màu tím.
Nhà vua trẻ đã ca ngợi tất cả các thứ trên một cách trung thực. Tuy nhiên, cái chính mà Ngài muốn ca ngợi đó là tính chất siêu nhiên làm nên cái vĩ đại của kinh đô nhà Nguyễn; đó là sức mạnh bí ẩn tạo nên cho kinh đô một vị trí quy tụ được các sức mạnh thiên nhiên cũng như của thế giới vô hình, đó là sức mạnh tế vi xuất phát từ các thế phòng thủ ma lực tự nhiên hoặc được tạo nên do con người bao quanh và bảo vệ bốn phía kinh đô chống lại mọi hiểm họa, đó là sự uy nghi có một không hai, cái an toàn yên tĩnh, cái hiện đại muôn đời của kinh đô cũng như của dòng họ đang ngồi trên ngai tại đó, và đó là tất cả những phúc ân từ cõi vô hình ở trần gian, ở trên đời cô đọng lại ở đó.
Tất cả những ân huệ siêu nhiên mà cảnh trí Huế có được đã lôi kéo chú ý các vua An Nam. Tôi nói gì đây? Lâu đời trước khi nhà Nguyễn có mặt trong lịch sử thì vùng lân cận của kinh đô đều đã được dòm ngó đến do hình thế mỹ quan của nó về mặt địa chiêm.” (Bulletin Des Amis Du Vieux Hue, Tập 3, 1916, bản dịch có tên Những Người Bạn Cố Đô Huế, Nhà xb. Thuận Hóa, Huế , 1997, trang 252).
Hai chữ “Thần kinh” là một tên lạ nhưng lại được các nhà thơ xứ Huế, các nhạc sĩ, văn gia có ít nhiều thân thuộc với sông Hương núi Ngự sử dụng trong các tác phẩm văn chương của họ để chỉ kinh đô Huế hay cũng gọi là cố đô. Các chữ như kinh đô, thủ đô có thể lẫn lộn là Sài Gòn, hay Hà Nội nhưng chữ “Thần kinh” thì chắc chắn là nói về xứ Huế mà thôi. Hai chữ “Thần kinh” chắc phải có một sức hấp dẫn nào đó, mà một vị khoa bảng đất Bắc, Tiến Sĩ Nguyễn Tuấn Cường, từng là nghiên cứu sinh của Đại Học Harvard, Hoa Kỳ, nay là Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Hán Nôm tại Hà Nội, thuộc tầng lớp sinh sau đẻ muộn ở ngoài Bắc, khi viết về Viện Hán Học Huế, cũng đã biết đến hai chữ “Thần Kinh”, trích đoạn như sau: “Viện được thành lập ở Huế cũng là một sự lựa chọn đúng đắn nếu xét đến các khu vực trung tâm trong toàn bộ lãnh thổ VNCH khi ấy, bởi trong suốt gần 150 năm triều Nguyễn, đất Thần Kinh ( 神 京) là nơi hội tụ được nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng, lưu giữ được nhiều di tích và tư liệu cổ, và vẫn còn nhiều nhà cựu học tâm huyết với việc trao truyền văn hóa kinh điển Hán học.” (Trích từ http://havuvhp.blogspot.com/2015/11/1-vien-han-hoc-hue-cua-vnch-duoi-cai.htmi và trong Thi tập Bạch Vân Vô Sở Trú – Mây Trắng Thong Dong của Nhà thơ Hạt Cát, 2016, trang 8).
Tuy nhiên, muốn thấy rõ và am tường được nét tâm lý của những người xuất thân từ cố đô Huế, không gì bằng mượn chính lời của một người rất quen thuộc với đất Thần kinh, cũng xuất thân từ Viện Đại Học Huế trước năm 1975 và nay khá nổi tiếng ở hải ngoại, TS Trần Kiêm Đoàn đã viết về tính cách nhân kiệt của xứ Huế như sau:
“Đất Huế, với phong thổ gian truân về mọi mặt đã tạo nên một tâm lý phản kháng: Phản kháng sự khắt khe của hoàn cảnh, phản kháng quyền lực áp bức đọa đày, và trên hết là phản kháng cái tâm thức an bài thủ phận. Nhưng bên cạnh đó, có một nguồn tâm lý thỏa hiệp, thanh thản, bình an đầy mâu thuẫn nẩy sinh. Thiên nhiên kỳ tú xung quanh đã mở ra những phương trời cao rộng cho những viễn tưởng – có khi chỉ là ảm vọng - về cuộc đời. Nhu cầu bứt phá bên cạnh nếp cũ an phận thủ thường đã thôi thúc tuổi trẻ Huế dấn thân đi tìm cái mới.
Người con trai, rồi đàn ông Huế thường có một cái nhìn rõ nét và khắt khe lẫn tự hào về mình. Nhưng lại có cái nhìn mơ hồ và dễ dãi lẫn hoài nghi về người. Tâm lý vọng ngã (egoism) nầy là gốc rễ của sự thành công bước đầu đối với các phong trào quần chúng nổi dậy chống áp bức và quyền lực thống trị. Thế nhưng, đấy cũng là nguyên nhân của hiện tượng “buông tay cho người khác cầm cương” ngay sau khi đợt gió đầu mùa của các cao trào phản kháng hay nổi dậy đã đi qua. Lịch sử cận đại của các biến cố từ Thất Thủ Kinh Đô, phong trào Cần Vương, kháng chiến chống Pháp, Phật giáo xuống đường, sinh viên tranh đấu… đã nói lên điều này.” (Trần Kiêm Đoàn, Tiêu Dao Bảo Cự - Mảnh trời xanh trên thung lũng, Web. Thông Luận, 10-12-2008).
Đoạn văn trên đây tuy viết cho Tiêu Dao Bảo Cự giai đoạn gần đây (2008) nên có vài chỗ khác với giai đoạn lịch sử của năm 1964, nhưng nói chung môi trường địa lý và tâm thức con người so với hiện tại cũng không có gì khác biệt xa lắm. Những người của Tuần báo Lập Trường tuy không phải “nhảy núi” như Tiêu Dao Bảo Cự, Nguyễn Đắc Xuân, hai anh em nhà họ Hoàng Phủ, hay Trần Vàng Sao… bởi vì khi họ đứng ra chủ trương tờ báo này họ có cái vỏ bọc là giáo sư Đại Học, và quan trọng hơn nữa họ có một chỗ tựa rất đỗi kiên cố vững vàng là Phật Giáo Miền Trung. Sau một thời gian ngắn và đình bản tờ Lập Trường, các vị này trở lại môi trường Đại Học Huế và lúc bấy giờ cho dù chính quyền quân sự ở Sài Gòn có muốn “hỏi thăm sức khỏe” của họ cũng cảm thấy đắn đo?
Tuần báo Lập Trường quả có đúng là đã thể hiện một thái độ phản kháng quay cuồng nhắm vào nhiều đối tượng và phản ảnh một tâm lý vọng ngã như Trần Kiêm Đoàn viết không thì chúng tôi sẽ dựa vào những dữ liệu mà phân tích ở sau.
Nói chung Huế là đất là nơi các chúa và vua Nguyễn chọn làm kinh đô suốt mấy trăm năm từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) cho đến khi vua Gia Long chính thức chọn nơi này làm kinh đô (1802) nên ở đây là nơi hội tụ rất nhiều những người tài giỏi về quân sự, chính trị, hành chánh cũng như các bậc khoa bảng, uyên bác về văn học, tri thức từ khắp mọi miền đất nước. Dĩ nhiên giữa một tập thể quan chức vốn là những người tài năng phải có sự tranh đua và kèn cựa lẫn nhau để vươn lên các chức vụ cao hơn trong triều đình, cho nên theo nhận xét của sử gia Nhật Bản, Giáo Sư Yoshiharu Tsuboi “tổ chức quan lại chuyên chế và sự giám sát lẫn nhau giữa các quan càng củng cố uy quyền tuyệt đối của vua.” (Nước Đại Nam đối diện với Pháp & Trung Hoa, Nhà xb. Trẻ TP. HCM, 1999, trang 214).
Sự tranh giành ảnh hưởng và quyền lực trong chốn quan trường nơi đất Thần Kinh qua trường kỳ lịch sử, sự thù ghét giữa cảnh “trâu buộc ghét trâu ăn”, sự tranh giành miếng đỉnh chung trong nơi quyền quý hay ngoài xã hội, sự thù ghét nhau giữa các thành phần giai cấp, các sắc dân, hay vùng miền, thậm chí giữa các tôn giáo, tín ngưỡng là điều không một ai có thể phủ nhận được. Liệu tình huống tranh đấu, kèn cựa, đố kỵ đó có ảnh hưởng đến tâm linh các thế hệ về sau hay không thiết tưởng cũng là điều cần biết.
Hơn nữa, học giả Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược cũng có lời nhận xét chung về người Việt rằng: “Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang, và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác.” Những nhận định trên đây được ghi lại trong một cuốn sách nhỏ có tên Người xưa cảnh tỉnh của Vương Trí Nhàn và Trần Văn Chánh, Nhà xuất bản Tổng Hợp in năm 2018, xét ra có thể đúng với nhiều người được coi là lãnh tụ trên chính trường Miền Nam Việt Nam sau ngày chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ.
Một nhà tranh đấu dân chủ ở Âu châu, ông Nguyễn Gia Kiểng đưa ra một nhận xét có dính líu đôi chút về Huế, rằng: “Người Việt Nam tìm đủ mọi lý do để ghét nhau. Người thành thị thì gọi người nông thôn một cách khinh bỉ là “bọn nhà quê” với ngụ ý nói là những người dốt nát, dần độn, ngớ ngẩn. Còn người nông thôn thì gọi người thành thị là “kẻ chợ” với hàm ý là gian trá, lật lọng. Người ta mạt sát nhau vì lý do nghề nghiệp: “Đồ hàng cá, hàng thịt!”. Khi còn ở ngoài Bắc, tôi đã được nghe câu tục ngữ: “bạc quân xứ Huế, tệ quân xứ Nam”. Xứ Huế đây là để chỉ miền Trung. Như vậy là người Trung và người Nam đều tệ bạc, chỉ có người Bắc là chung thủy thôi sao? Nhưng vào tới trong Nam, tôi lại thấy phần đông người miền Nam coi người Bắc và người Trung là không ngay thẳng. Ra tới Huế, tôi lại có thể nhận thấy rõ ràng người Huế tự nghĩ mình có văn hóa và có chiều sâu hơn người miền Nam và miền Bắc. Tuy họ không nói trắng ra nhưng tôi có thể cảm thấy rõ ràng rằng theo họ, trừ một vài ngoại lệ, nói chung người Bắc và người Nam tuy có khác nhau nhưng đều hời hợt và phù phiếm. Thế nhưng một ông vua nhà Nguyễn (Minh Mạng hay Tự Đức) lại mạt sát xứ Huế của chính ông là “sơn bất cao thủy bất thâm, nam đa trá nữ đa dâm 山 不 高 水 不 深 , 男 多 詐 女 多 淫 (Núi không cao, sông không sâu, con trai gian trá, con gái đa dâm). Đó là mạt sát theo thành kiến của một thời đại thôi chứ đa dâm thực ra là một tính tốt, nó chứng tỏ con người sinh lực, nhạy cảm và thông minh. Như vậy rõ ràng là người Việt Nam khinh ghét nhau giữa những người khác miền với nhau và ngay cả giữa những người cùng sống một nơi. Khác biệt địa phương, cũng như mọi khác biệt, đều chỉ là những lý cớ để người Việt biểu lộ sự khinh ghét lẫn nhau đã sẵn có ở trong lòng.” (Tổ Quốc Ăn Năn, Nghĩ lại đất nước trên ngưỡng cửa một thế kỷ và một thiên niên kỷ mới, Paris, 2001, trang 72-73).
2.- Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc và Tuần báo Lập Trường, những cái nhìn ngoại diện.
Theo lệ thường, để chuẩn bị cho sự ra đời của một tổ chức chính trị thì một cơ sở tuyên truyền hay vận động phải được xúc tiến trước đó một thời gian vừa phải hay khá lâu để chuẩn bị dư luận, kết nạp đồng chí, huấn luyện cán bộ, hướng dẫn quần chúng chấp nhận hay hướng theo đường lối của tổ chức sẽ vạch ra. Thí dụ trước khi Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời (1927) thì đã có Nam Đồng Thư Xã (năm 1925) của ba thanh niên trí thức Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống đặt trụ sở tại số 6 đường 96 khu Nam Đồng chuyên trứ tác, dịch thuật và xuất bản các loại sách thuộc loại ái quốc, tổ chức các lớp dạy quốc ngữ, hô hào vận động các công tác chính trị v.v… cho đến khi chính đảng này ra đời ngày 25-12-1927. (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lịch sử đấu tranh cận đại, 1927-1954, Tái bản kỳ II, 1970, trang 25).
Trong cuốn Hồ Chí Minh tại Trung Quốc của Tưởng Vĩnh Kính, từ mùa thu 1928, Hồ Chí Minh đã lưu ý đến việc tổ chức cán bộ tại Xiêm La khi ông hoạt động ở đây, phát triển các tổ chức Việt kiều, sửa chữa các tờ báo tuyên truyền do CS xuất bản và đến khi thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 3.2.1930 ông Hồ cũng luôn luôn chú trọng đến việc trau dồi tư tưởng chính trị cho đội ngũ cán bộ (Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, Thượng Huyền dịch, Văn Nghệ xuất bản, 1999, trang 104, tr. 111) .
Trong sách Báo chí Việt Nam, Từ khởi thủy đến 1945, Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng cho biết Nguyễn Ái Quốc trước khi thành lập đảng CS cũng đã dùng tờ báo Thanh Niên vận động sự đoàn kết nội bộ, kích thích tinh thần độc lập dân tộc, giúp độc giả nhận thức về tình hình thế giới qua 88 số báo (từ tháng 6-1925 đến tháng 4-1927).
Một lãnh tụ chính trị quốc gia, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, trước khi cho ra đời đảng Hưng Việt rồi sau đó cải tên là Đại Việt Dân Chính (năm 1939), trước đó từ ngày 2-3-1933, đã thành lập Tự Lực Văn Đoàn qua Lời Tuyên Bố với tôn chỉ gồm 10 điều nói lên các chủ trương, đường lối của nhóm ông và đã cố gắng thực hiện, phổ biến các chính sách đó trong xã hội Việt Nam qua sách vở, báo chí.
Cũng không đi ra ngoài thông lệ hoạt động trong lãnh vực chính trị chung, Đảng Trưởng Trương Tử Anh trước khi thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng vào tháng 10-1938, cũng đã nghiền ngẫm và hình thành chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn từ năm 1936, phổ biến vào hàng ngũ sinh viên thuộc Trường Đại Học Đông Dương tại Hà Nội làm lợi khí đấu tranh cho quần chúng Việt Nam.
Với chế độ Đệ I Cộng Hòa cũng vậy, từ thập niên 1950, ông Ngô Đình Nhu cũng đã làm tờ báo Xã Hội tại Sài Gòn để chuyển tải các sách lược đấu tranh vào trong dư luận quần chúng và cũng để xây dựng tầng lớp cán bộ chuẩn bị cho một giai đoạn lịch sử mới.
Sau hơn nửa thế kỷ nhìn lại người ta bỗng thấy sự xuất hiện của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc và Tuần báo Lập Trường sau cuộc chỉnh lý ngày 30-1-1964 của tướng Nguyễn Khánh sau khi chế độ của nền Đệ I Cộng Hòa sụp đổ, dường như là một phản ứng chính trị cấp thời của khối Phật Giáo Ấn Quang khi họ nhận thức được thực trạng lịch sử và cảm thấy công lao của mình đã bị “phản bội” sau ngày 1/11/1963.
Trong cuốn hồi ký Bên Giòng Lịch Sử của Linh Mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại Học Huế là một chứng nhân lịch sử và cũng là người trong cuộc, có những ghi nhận khá chính xác như sau:
“Tôi không nhớ rõ phong trào chính trị hậu cách mạng ở Huế được chuẩn bị từ thời gian nào. Với động lực nào thúc đẩy. Tôi vốn không quan tâm tới chính trị, nên muốn tìm hiểu lúc này thật khó khăn. Tuy nhiên tôi có thể ghi lại đây không sai chạy cái ngày mà tổ chức Nhân Dân Cứu Quốc Huế hình thành, khởi đầu cho giai đoạn đấu tranh chống đối mãnh liệt thời đó… Thoạt đầu nhóm hoạt động chính trị mang tên Phong Trào Nhân Dân Cứu Quốc quy tụ một số giáo sư như Lê Tuyên, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần, Tôn Thất Hanh, và do Bác sĩ Lê Khắc Quyến, Khoa trưởng Y khoa làm Chủ Tịch, nhưng sau đó Phong Trào lan rộng trong hàng ngũ sinh viên Huế, thực sự biến Đại Học Huế làm môi trường hoạt động chính trị, trái hẳn với những nguyện ước của tôi. Giáo sư Lê Khắc Quyến còn ngang nhiên đặt văn phòng của Phong Trào trong Viện Đại Học. Họ lấy mọi phương tiện trong cơ sở văn hóa nầy để dùng vào các chương trình chính trị của họ. Tôi có nghe một vài sinh viên thân tín tường trình lại những hoạt động nầy, nhưng tôi không tin, vì mới hôm nào đây Lê Khắc Quyến, Lê Tuyên còn tới mừng lễ Ngân Khánh của tôi bằng mấy bức hoành phi, mang những giòng chữ “Thiện Mỹ Lưỡng Toàn” 善 美 兩 全 , “Sư sinh đại nghĩa” 師 生 大 義.” (LM Cao Văn Luận, Sđd, trang 442).
Trong một đoạn ở dưới của hồi ký này, LM Cao Văn Luận có viết về Lê Khắc Quyến, Khoa Trưởng Đại Học Y Khoa Huế và Lê Tuyên, học trò cũ của LM Cao Văn Luận như sau khi Quyến đến mời Linh Mục tham gia Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc: “Không ngờ vật đổi sao dời, ngày một ngày hai họ đã phát lộ một bộ mặt khác, chủ trương khác, tới khi Lê Khắc Quyến đích thân đến gặp tôi và mời tôi tham gia Phong Trào Nhân Dân Cứu Quốc lúc đó mới thấy thực sự chán nản bàng hoàng. Tôi đã cố gắng giữ vững tinh thần trong lúc đó với Quyến để câu chuyện diễn ra trong vòng thân thiết bình thản. Tôi im lặng nghe Quyến trình bày về Phong Trào Nhân Dân Cứu Quốc, có lẽ Quyến nói khá nhiều về mọi đề tài, mọi khía cạnh. Nhưng cho tới nay tôi chẳng còn nhớ được gì. Tuy nhiên điều làm tôi không bao giờ quên đi, Quyến ngỏ lời yêu cầu tôi ủng hộ phong trào chính trị này. Và tôi thành thực nói với giáo sư Chủ Tịch Lê Khắc Quyến:
-Các anh lập phong trào chính trị tôi không có quyền ngăn cản. Nếu lập phong trào tranh đấu tự do dân chủ cho quê hương, tôi càng tán thành là đằng khác nữa. Hơn lúc nào hết anh thấy quê hương đang cần nhiều hậu thuẫn để đánh bại hay đối đầu với làn sóng đỏ Cộng sản…
Tôi nhấn mạnh với Bác sĩ Quyến rằng, tư cách một Linh Mục Viện Trưởng Viện Đại Học, không cho phép tôi có ý kiến rõ ràng về phong trào chính trị của ông ấy. Tôi còn nhắc lại lập trường cũ của tôi là tách rời chính trị khỏi sinh hoạt Đại Học và nói với ông Quyến là tôi không chấp thuận việc phát động phong trào trong giới sinh viên của tôi.
Bác sĩ Quyến có vẻ bất bình, ông ta viện dẫn một vài lý do để bênh vực cho lập luận của ông. Tuy nhiên tôi vẫn trầm tĩnh nói:
-Anh dư biết mơ ước của tôi là phát huy văn hóa dân tộc. Trước đây tôi đã nhiều lần nói với các anh rằng chính trị là nhất thời, văn hóa mới trường cửu. Nếu Đại Học muốn trường cửu, Đại Học không nên làm những chuyện nhất thời. Các anh đã đồng ý với tôi về điểm đó trước, thì bây giờ tôi cũng xin các anh cho tôi giữ vững một lập trường ấy.
Bác sĩ Quyến chống chế:
-Trước đây tình thế khác, chúng tôi đã chấp thuận lập trường của Cha. Bây giờ với không khí chính trị mới, phải có sinh khí mới trong Đại Học.
Tôi mỉm cười, có lẽ nụ cười bấy giờ chua xót lắm, buồn thảm lắm.
-Tôi xác định với anh một lần nữa: Tôi không muốn cho Đại Học có Đảng phái chính trị. Chẳng phải lúc này tôi mới có chủ trương lập trường này mà ngay từ khi Đại Học khai sinh, tôi cũng đã nhấn mạnh đến lập trường của tôi. Khi nào tôi còn giữ chức coi sóc Đại Học Huế, tôi còn tranh đấu tới cùng, để Đại Học chỉ là khu vực thuần túy văn hóa thôi. Không ngờ lúc nầy các anh đặt văn phòng của phong trào ở Đại Học mà không cho tôi hay. Lại khám xét sinh viên trước khi họ vào trường nữa. Đó là chuyện trái ngược với không khí Viện Đại Học nầy. Nếu các anh tiếp tục hoạt động, các anh gắng tìm chỗ khác đặt văn phòng, xin trả Đại Học lại cho tôi ngay.
Giáo sư Lê Khắc Quyến lớn giọng:
-Cha đuổi chúng tôi hả?
Tôi lắc đầu:
-Không phải đuổi. Anh nói quá. Tôi chỉ yêu cầu các anh trả lại không khí trầm mặc cho Đại Học. Tôi chưa hiểu rõ lắm về phong trào của các anh, nhưng có đi phố và nhìn thấy nhiều khẩu hiệu đả đảo tướng lãnh, đồng hóa người Công Giáo với Cần Lao. Tôi là người Công Giáo, nhưng không phải bất cứ người Công Giáo nào cũng là đảng viên đảng Cần Lao của chế độ cũ. Tập thể Cần Lao không xấu, chỉ có cá nhân xấu mà thôi. Cho nên các anh đừng lẫn lộn… Các anh cần phân tích người nào tốt, kẻ nào xấu, đừng đồng hóa tập thể tôn giáo và Cần Lao, làm như thế không đạt được mục đích gì, chỉ gây chia rẽ giữa tôn giáo này và tôn giáo khác mà thôi.
Tôi cũng nhấn mạnh với ông Quyến:
-Lực lượng duy nhất hiện nay để chống Cộng Sản là lực lượng Quân Đội. Bây giờ các anh nêu đích danh những tướng lãnh cầm đầu Quân Đội đả kích. Hành động đó có khác nào chúng ta phá đi bức thành trì chống Cộng. Điều đó không thể chấp nhận được… Đất nước chúng ta đã chìm đắm bao nhiêu năm. Không thể tạo cơ hội thuận tiện để cho mảnh đất còn lại của quê mẹ khốn khổ này rơi vào tay Cộng Sản.
Tôi còn nói với Giáo sư Quyến một lần nữa là, ông ta hãy dời văn phòng của phong trào ra khỏi Viện Đại Học để tôi khỏi lấy làm thất tín vì đã không giữ vững lập trường duy trì văn hóa của mình. Giáo sư Quyến không nói gì. Ông ta đứng dậy cùng với mấy giáo sư đi theo xin cáo lui.” (LM Cao Văn Luận, Sách đã dẫn, trang 444-447).
Về Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc, tác giả Liên Thành trong cuốn Thích Trí Quang, thần tượng hay tội đồ dân tộc, cho biết “Tổ chức nầy đóng một vai trò bề nổi hết sức cần thiết trong những cuộc tranh đấu quan trọng của Thích Trí Quang và đám Cộng Sản nằm vùng trong kế hoạch lâu dài là thôn tính Miền Nam Việt Nam. Nhân sự chủ chốt trong Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc gồm có: Chủ Tịch Bác sĩ Lê Khắc Quyến. Các hội viên gồm có: Tôn Thất Hanh, Giáo sư Đại Học Huế, Lê Tuyên, Giáo sư Đại Học Huế. Võ Đình Cường, Cư sĩ Phật giáo. Lê Văn Hảo, Giáo sư Đại Học Huế. Tôn Thất Dương Tiềm, Giáo sư Trung học. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Giáo sư Trung học. Thân Trọng Phước, Nguyễn Ngọc Bang, và Cao Huy Thuần v.v… Những thành phần chủ lực hành động trong tổ chức nầy gồm có một số các tổ chức hợp pháp trong trường Đại Học Huế như Tổng Hội Sinh Viên Đại Học Huế, Tổng Hội Sinh Viên Văn Khoa, Luật Khoa v.v… và một số khá lớn các Sinh viên có tên dưới đây: Nguyễn Đắc Xuân, Sinh Viên Sư Phạm Ban Việt Hán. Hoàng Phủ Ngọc Phan Sinh viên Y khoa Đại Học Huế, Hoàng Văn Giàu. Bửu Tôn, Sinh viên Y khoa, Tôn Thất Kỳ, Sinh viên Y khoa…” (Bản in năm 2014, trang 35).
Riêng tại trường Quốc Học có các giáo sư như Văn Đình Hy, Châu Trọng Ngô, Vĩnh Linh tham gia tổ chức này.
Bác sĩ Lê Khắc Quyến là một nhân vật nổi tiếng ở Huế, sinh năm 1920 chánh quán làng Văn Xá, xã Hương Phú, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Từ năm 1954 khi ông là một cộng sự viên thân tín với TT Thích Trí Quang trong Ủy Ban Bảo Vệ Hòa Bình, một tổ chức thân Cộng. Sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa hình thành, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã dùng ông để chăm sóc sức khỏe cho bà cụ cố Ngô Đình Khả ở tại Phủ Cam. Nhờ đó ông lên làm Giám Đốc Bệnh Viện Trung Ương Huế và từng tháp tùng Linh Mục Cao Văn Luận đi nhiều nơi vận động cho Ttường Đại Học Y Khoa Huế. Trong bí mật Lê Khắc Quyến còn là Bí Thư chi bộ Cộng Sản tại Huế cho nên với tư cách Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc, người ta thấy tổ chức này có những việc làm không khác gì các tổ chức Cộng Sản thuần túy.
Nói đến BS Lê Khắc Quyến mà không nhắc đến một tấm gương cung cúc phục vụ Cộng Sản đó là Bác Sĩ Lê Đình Thám thì thật là một điều thiếu sót.
“Cư sĩ Lê Đình Thám có pháp danh là Tâm Minh, sinh năm 1897 tại làng Phú Mỹ, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông thuộc dòng dõi khoa bảng. Thân phụ ông là cụ Lê Đỉnh, Thượng Thư Bộ Binh dưới triều vua Tự Đức. Ông thạo cả Hán Học lẫn Tây Học, đậu Đông Dương Y Sĩ năm 1916 và Y Khoa Bác Sĩ năm 1930 tại Y Khoa Đại Học Đường Hà Nội.
Năm 1928, Bác Sĩ Lê Đình Thám được đưa đến phục vụ tại Viện Pasteur Huế. Ông là một trong những viên chức cao cấp của chính quyền thuộc địa đứng ra tổ chức phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Trung Kỳ. Ông đã thọ giới với hai Hòa Thượng Giác Tiên và Phước Huệ nên rất am tường về Phật Học. Năm 1932, ông đứng ra thành lập Hội An Nam Phật Học ở Huế và ông là Hội Trưởng đầu tiên của hội này. Sau đó, ông cùng với Thượng Tọa Thích Mật Khế đứng ra lập Trường An Nam Phật Học tại chùa Trúc Lâm ở Huế vào năm 1934. Trường này đã đào tạo rất nhiều tăng sĩ sau này tham gia Mặt Trận Việt Minh như Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Mật Thể. Năm 1940 ông thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục. Chính ông và cụ Đinh Văn Chấp, thân phụ Thích Minh Châu, đã đích thân huấn luyện cho các thanh niên Phật Tử. Võ Đình Cường, “cố vấn chỉ đạo” của ThượngTọa Thích Trí Quang, cũng xuất thân từ đoàn này. Năm 1944 ông thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ. Đến năm 1951, tổ chức này được đổi thành Gia Đình Phật Tử.
Năm 1945 ông tham gia Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc của Mặt Trận Việt Minh ở Huế và là lý thuyết gia điều hợp chủ nghĩa cộng sản với Phật pháp. Năm 1946 Pháp chiếm Huế, ông và gia đình tản cư về Quảng Nam và giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ ở Liên Khu V của Việt Cộng gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Bình Định. Tại đây ông đã tập họp các thanh niên Phật tử vào Đoàn Phật Học Đức Dục ở Bồng Sơn, Bình Định, để giảng dạy về “Phật Giáo và dân chủ mới, coi con đường của Phật Giáo và con đường của cộng sản chủ nghĩa là một, với mục tiêu thúc đẩy thanh niên Phật tử gia nhập Đảng Cộng Sản và tham gia kháng chiến. Ông cho lập ban nghiên cứu tổng hợp giáo lý Phật Giáo với chủ thuyết Mác-Lê. Kết quả, Nguyễn Hữu Quán đã tóm lược lại công trình nghiên cứu này trong cuốn “Phật Giáo và nền dân chủ mới” phổ biến khắp các tỉnh miền Trung. Ảnh hưởng của cuốn sách này rất lớn lao đối với các tăng sĩ và một số Phật tử ở miền Trung như Thích Đôn Hậu, Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm v.v…
Năm 1949, khi Hồ Chí Minh quyết định trao Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ lại cho một người khác, ông bị gọi ra Bắc và cho giữ chức Chủ Tịch Phong Trào Vận Động Hòa Bình Thế Giới để mở chiến dịch chống lại việc Pháp tái lập các thuộc địa. Ông phải theo đường Trường Sơn để đến Hà Tĩnh, vì lúc đó các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, và Quảng Bình đã bị Pháp chiếm. Năm 1953, khi bắt đầu mở các cuộc tấn công lớn để buộc Pháp nhường đất, Hồ Chí Minh đổi Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình Thế Giới thành Ủy Ban Việt Nam Bảo Vệ Hòa Bình. Bác sĩ Lê Đình Thám cũng được chuyển qua làm Chủ Tịch Ủy ban này. Năm 1956, ông được nhà cầm quyền Hà Nội cử đi dự lễ Buddha Jayanti tại Ấn Dộ với Hòa Thượng Thích Trí Độ. Trong dịp đó ông đã tiếp xúc nhiều với các tăng sĩ miền Nam đến tham dự lễ. Sau chuyến đi này, nhà cầm quyền Hà Nội đã đặt nhiều nghi vấn về lập trường của ông nên không cho ông làm Chủ Tịch Ủy Ban nữa. Kể từ đó ông dành những ngày thất sủng trong khoảng đời còn lại để dịch bộ Kinh Lăng Nghiêm. Ông mất tại Hà Nội ngày 23.4.1969.” (Lữ Giang, Những bí ẩn đàng sau các cuộc thánh chiến tại Việt Nam, 1994, trang 134. Xin xem thêm Trang Web phatgiaoquang nam, có bài viết về Cư sĩ Lê Đình Thám và cuộc hội thảo về vị cư sĩ này).
Theo ông Lê Văn Trác, bạn học của Cao Huy Thuần ở Melbourne, Canada, “ Chùa Vạn Thiện là nơi hội họp tụng niệm của khuôn hội Vạn Thiện. Tôi là đồng ấu Phật tử ở khuôn hội nầy năm 1942, 1943, và cũng tại nơi nầy tôi đã từng được nghe Bác sĩ Lê Đình Thám, một cư sĩ Phật giáo uyên bác thuyết pháp. Bs Thám là người sáng lập ra khuôn hội và gia đình Phật tử miền Trung và đã có nhiều bài viết có giá trị trong tạp chí Viên Âm, Tiếng chuông chùa v.v… Nghe đâu Bs Thám cũng là người đã hướng dẫn đạo pháp cho đại đức tăng ni ở Huế. Năm 1945 Bs Lê Đình Thám tập kết ra Bắc. Cũng cần nói thêm là hồi gần đây tôi có gặp chị Mai Ánh Tuyết, cháu ngoại Bs Thám. Chị cho biết: Ở miền Bắc Bs Thám xem như bị thất sủng, gần cuối đời đã sống trong nghèo đói khổ cực, và sau khi chết thì chính quyền lại tâng bốc, ca ngợi tài năng đức độ Bs Thám hết lời! Thật là mỉa mai!” (Lê Văn Trác, Một góc Huế xưa, trang 350, trích trong Tập san 48-55 Khải Định, số 17, 2012).
Tưởng cũng nên nói thêm BS Lê Đình Thám có một người con là Lê Đình Duyên, theo Phật giáo, cán bộ cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Đảng, cựu Dân biểu VNCH đơn vị tỉnh Quảng Nam. Ông sinh ngày 14-4-1918 tại Phú Mỹ, Điện Bàn, Quảng Nam, chính ủy Liên Khu chiến Nam Ngãi chống lại Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong năm 1955-1956, là Trưởng Khối Dân-Tộc Xã-Hội Hạ Nghị Viện (niên khóa 1972-1973) và là đồng viện của tôi tại đơn vị tỉnh Quảng Nam nơi tôi một thời sống trong quân ngũ và dạy học. (Trích trong Niên-Giám Hạ-Nghị-Viện Việt-Nam Cộng-Hòa, Pháp-Nhiệm II, 1971-1975).
Ngoài ra Bs Lê Đình Thám có một người anh ruột là Lê Đình Dương, Y Sĩ Đông Dương, đã theo phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu đi du học Trung Hoa rồi Nhật Bản hồi đầu thế kỷ XX. Không rõ ông này có tham gia đảng CS hay không nhưng chúng tôi biết rõ tên ông được đặt cho một con đường lớn tại Đà Nẵng, đường Lê Đình Dương, trước Trường Trung Học Sao Mai, gần Cổ Viện Chàm Đà Nẵng, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Trong một chế độ tôn trọng tự do, dân chủ như Việt Nam Cộng Hòa, mặc dù BS Lê Đình Thám theo Cộng Sản, con trai ông là Lê Đình Duyên không bị gây khó dễ, cũng vẫn có tiếng nói trong Quốc Hội và là đại diện hợp pháp cho người dân ở miền đất này.
Tiếc thay những người trí thức như Bác sĩ Lê Khắc Quyến, GS Cao Huy Thuần, GS Lê Tuyên đã không học được tấm gương của người đi trước như Bs Lê Đình Thám, một người dấn thân hết mình cho chế độ CS qua vỏ bọc tôn giáo của ông rốt cuộc vẫn bị chế độ CS gạt ra rìa.
Tác giả “Bên Giòng Lịch Sử” đã viết tiếp như sau: “Sở dĩ tôi góp ý họ về những vấn đề đả kích Tướng lãnh, tố khổ Cần Lao là vì, ngay sau khi phong trào Nhân Dân Cứu Quốc hình thành, họ ra một tờ báo lấy tên là Lập Trường làm cơ quan ngôn luận. Tờ báo đặt ngay ở nhà in của Viện Đại Học dưới chân cầu Bạch Hổ. Và mọi phương tiện của nhà in này, phong trào đều xung công vào việc ấn loát tờ báo này. Từ những số đầu tiên, những tờ báo này vạch mặt chỉ tên những kẻ họ cho là Cần Lao ác ôn, tay sai hoặc công an mật vụ của chế độ cũ. Hầu như tất cả những nhân vật nắm những chức vụ từ hạ tầng cơ sở như xã quận tỉnh thành đều là những mục tiêu chính để cho họ nguyền rủa, mặc dầu trên thực tế, những kẻ bị chỉ trích, chỉ là công cụ mọn hèn của chế độ Ngô Đình Diệm.” (LM Cao Văn Luận, Sđd, trang 448).
Một tập hồi ký chính trị đề tên Đỗ Mậu, (vốn thuộc thành phần bất mãn vì không được Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho lên Tướng) nhưng trong thực tế do một tập thể chấp bút có tên là Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, đã cho biết:
“Tại Huế, nhóm Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần, Lê Tuyên… (cha đẻ của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc sau này) cho xuất bản báo Lập Trường làm cơ quan tranh đấu mà chiến thuật đầu tiên là đả kích nặng nề chính phủ Nguyễn Khánh với những luận điệu khích động và khuynh đảo…” (Nhà xuất bản Văn Nghệ, ấn bản thứ ba, 1993, trang 682).
Trong phần sau, Đỗ Mậu đã viết về các việc làm của Thượng Tọa Thích Trí Quang như sau: “Nhưng sau khi tướng Khánh chỉnh lý, thấy đảng Đại Việt và người Mỹ âm mưu đưa ông Nguyễn Tôn Hoàn là một nhân vật Thiên Chúa Giáo từ Pháp về nắm chức Thủ Tướng và thấy uy thế Thiên Chúa Giáo đang được phục hồi mà thể hiện trắng trợn đầu tiên là việc giết Thiếu Tá Nhung, thì một mặt Thượng Tọa bí mật yểm trợ cho tướng Khánh giành lấy chức Thủ Tướng, một mặt để cho báo Lập Trường và Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc ra đời làm phương tiện đối phó với tình thế mới. Thật ra thì ông Nguyễn Tôn Hoàn chỉ là lãnh tụ tượng trưng, chính hai ông Hà Thúc Ký và Nguyễn Ngọc Huy, những Phật tử thuần thành mới là người lãnh đạo đảng Đại Việt. Đảng Đại Việt lại cũng đã cùng với Phật Giáo chống đối nhà Ngô và đã đóng góp công lao rất lớn cho Phật Giáo trong cuộc đấu tranh chống Diệm năm 1963. Nhưng thái độ quá khích và kỳ thị của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc cộng thêm lập trường chống ông Nguyễn Tôn Hoàn của Thượng Tọa Trí Quang đã tạo ra xích mích và đối lập giữa Phật Giáo và Đại Việt.” (Đỗ Mậu, Sách đã dẫn, trang 702).
Thật ra đảng Đại Việt chỉ chống lại nhà Ngô qua sự kiện chiến khu Ba Lòng tại Quảng Trị năm 1955, sau đó các cơ sở Đảng một phần bị tù đày, phần khác án binh bất động và chỉ xuất đầu lộ diện lại sau ngày 1/11/1963 với đường lối quốc gia chống Cộng và chống các phần tử tay sai của CS.
(Còn Tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét