TUẦN BÁO LẬP TRƯỜNG TẠI HUẾ NĂM 1964
& HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CỨU QUỐC,
MỘT KHẢO LUẬN SỬ HỌC.
Nguyễn Đức Cung
Có ai đó trước đây đã từng ví von rằng Viện Đại Học Huế trước năm 1975 là viên kim cương đắt giá gắn vào chiếc nhẫn tuyệt vời là con sông Hương mỹ miều phẳng lặng, đặc biệt là môi trường trí thức đó được điểm xuyết qua rất nhiều thành quả mà phần lớn là công lao của Linh mục Cao Văn Luận cùng tập thể các giáo sư, giảng viên, phụ khảo có tâm huyết với tinh thần của những bậc lương sư. Nổi bật nhất trong các thành quả của Viện Đại Học Huế là Tạp chí Đại Học, xuất bản từng tháng một từ 1959 đến 1965, được nhà Huế Học Phan Thuận An trong một bài viết mới đây đã đánh giá rằng: “Với hình thức trang nhã và với nội dung đầy ắp giá trị học thuật của mình, bộ Tạp chí Đại Học là một di sản văn hóa quý báu, một đứa con tinh thần của Viện Đại Học Huế” (Đặc san Đại Học Huế, kỷ niệm 60 năm Đại Học Huế 1957-2017, Phan Thuận An, Tạp chí Đại học, đứa con tinh thần sáng giá của Viện Đại Học Huế, 2017, trang 143). Tiếp nối Tạp chí Đại Học vốn là một kho tàng văn hóa tuyệt diệu của Viện Đại Học Huế, người độc giả Miền Trung nói riêng và giới thức giả VNCH nói chung phải thẩm định ra sao với Tuần báo Lập Trường, sản nhi của một số giáo sư Đại Học chịu ảnh hưởng của Phật Giáo tại Huế, chủ trương dùng Viện Đại Học Huế làm môi trường chính trị, và tuổi thọ của Tuần Báo này và tổ chức chính trị của nó chỉ kéo dài trong khoảnh khắc sau khi nền đệ I Cộng Hòa sụp đổ ngày 1-11-1963?
Thông thường một đoàn thể, tổ chức chính trị ra đời cũng đều có một cơ quan thông tin đi kèm để nói lên chủ trương, đường lối, lập trường và huấn luyện của đoàn thể tổ chức chính trị đó. Tuần báo Lập Trường và tổ chức Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc ở Huế năm 1964 xuất hiện sau khi nền Đệ I Cộng Hòa của Miền Nam Việt Nam sụp đổ cũng không đi ngoài thông lệ đó nhưng trong một hoàn cảnh lịch sử chịu sự thúc đẩy éo le của thời cuộc mà những người chủ trương bắt buộc phải nhắm mắt chạy theo.
Một cơ quan ngôn luận xuất hiện tại Cố đô Huế cũng được gọi là đất Thần Kinh năm 1964, trong một thời gian rất ngắn, cách đây 56 năm trong môi trường của Viện Đại Học Huế, mà những người chủ trương đều là những người “Huế rặc” hiện nay vẫn còn sống đó là là GS Lê Tuyên (DC, Hoa Kỳ), GS Cao Huy Thuần (Paris, Pháp), và GS Tôn Thất Hanh (mất ở Pháp cách đây mấy năm), đã một thời gây được ít nhiều ba động trên công luận vùng đất Miền Trung và để lại dấu ấn qua dư luận trong nước trước năm 1975 thiết tưởng cũng còn là một vấn đề cần tìm hiểu.
I.- NHỮNG HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ ĐẶC THÙ SAU CUỘC ĐẢO CHÍNH TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM 1/11/1963.
Cuộc đảo chính và sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ là Cố Vấn Ngô Đình Nhu do Hoa Kỳ chủ trương đã để lại một vết nhơ trong lịch sử phản bội của nước này đối với đồng minh của họ trên thế giới mà còn gây ra hậu quả tâm lý khôn lường trong bang giao quốc tế nữa. Có thể nói rằng sau Thế Chiến II, vụ thảm sát này đã cho những người lãnh đạo nhiều nước trên thế giới kinh nghiệm trong việc hợp tác với Hoa Kỳ. Khi thẩm định về sự đồng lõa của Hoa Kỳ trong việc ám sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm của Miền Nam Việt Nam, Tổng Thống Ayub Khan của Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rằng biến cố đó đã gợi ra một tâm lý phức tạp có lẽ không chỉ cho cá nhân ông mà chung cho các nhà lãnh đạo khác đó là “thật là nguy hiểm khi làm bạn của Hoa Kỳ; nếu đứng trung lập thì phải trả giá; và một đôi khi tốt là làm kẻ thù của họ.”(“that is dangerous to be a friend of the United States; that it pays to be neutral; and that sometimes it helps to be an enemy.- Richard Nixon, In The Arena, A memoir of victory, Defeat and Renewal, Simon and Schuster, 1990, trang 71).
Đối với Hoa Kỳ đóng vai trò chủ động trong việc lật đổ và sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một số những cơ quan truyền thông lớn của quốc gia này như New York Times qua ngòi bút của David Halberstam, hân hoan với đầu đề “Vụ đảo chánh tại Sài gòn cho người Mỹ hy vọng” với nội dung nào là người Mỹ hài lòng với niềm vui họ thấy được tại Sài gòn..., hy vọng rằng khí hậu chính trị đàn áp đè nặng trên dân chúng và quân đội đã được tháo gỡ mãi..., hy vọng rằng chính phủ mới sẽ có thể tập họp lại dân chúng và đánh bật lại mối đe dọa của cộng sản.” (Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức, Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Quang Vinh & Kim Loan & Quang Hiếu xb., in lần ba, 1999, trang 534). Tuy nhiên đây chỉ là một bộ mặt được báo chí đưa ra, còn một phương diện khác, người Mỹ tỏ ra trì hoãn trong việc công nhận chính quyền mới của Dương Văn Minh và họ cố gắng chạy tội đối với việc giết Tổng Thống của một quốc gia có chủ quyền và như ngoại trưởng Dean Rusk “cảm thấy rằng sự trì hoãn sẽ làm giảm bớt vẻ bề ngoài việc Hoa Kỳ đồng lõa trong cú đảo chính và làm cho các tướng lãnh ít cảm thấy mình công cụ của người Mỹ.” (“felt that a delay would reduce the appearance of American complicity in the coup and would make the generals look less like American stooges” (Pentagon Papers, p. 194; Nguyễn Phương, A parade of American puppets, A story of South Vietnam from 1954 to 1975, bản thảo chưa in 1978, trang 155).
Một điều đặc biệt phản ánh tâm lý hoảng sợ đến chối bỏ trách nhiệm là nhóm tướng lãnh tổ chức cuộc đảo chính gồm Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân, Trần Thiện Khiêm v.v..., một nhóm người mà Tổng Thống Lyndon B. Johnson gọi là bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa (a goddamn bunch of thugs) đã không một ai cho đến bây giờ dám đứng ra nhận trách nhiệm về cái chết của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm mặc dù ngày 2/11/1963, đài phát thanh Sài Gòn loan tin Tổng Thống và bào đệ đã tự tử nhưng không một ai tin. Người nào cũng sợ hết, bởi lẽ cái trách nhiệm này quá nặng nề. Ngay cả Hoa Kỳ cũng không dám nhận trách nhiệm, huống hồ gì là bọn tay chân.
Trong cuốn hồi ký Gọng Kìm Lịch Sử, Bùi Diễm đã có vài ghi nhận: “Những câu hỏi về cái chết của hai ông Diệm và Nhu (tại sao, ai giết, trong hoàn cảnh nào v.v…) đã không được các tướng lãnh trả lời minh bạch… Hơn nữa, nhiều người Công Giáo cho rằng vì có Phật Giáo chống đối nên mới có đảo chính, nay lại thấy trong Hội Đồng Quân Nhân nhiều tướng tá theo đạo Phật (như tướng Đôn và tướng Kim) nên không khỏi e ngại rồi đây sẽ có kỳ thị chống Công Giáo; mối ác cảm của họ đối với Hội Đồng Quân Nhân càng gia tăng khi họ thấy các tướng lãnh đối xử quá tàn nhẫn với hai ông Diệm và Nhu.” (Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000, trang 183).
Sáng ngày 2/11/1963, cả nhà tôi ở giáo xứ Tam Tòa, Đà Nẵng khi nghe Đài Sài Gòn đưa tin về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ là Cố Vấn Ngô Đình Nhu, mọi người trong nhà đều khóc, và có lẽ trong làng ai cũng đều chung một niềm đau vì vị ân nhân của chúng tôi đã đưa chúng tôi chạy nạn Cộng Sản từ Quảng Bình vào đây tháng bảy năm 1954, đã không còn nữa. Đối với gần một triệu người Công Giáo Việt Nam Bắc di cư, Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một vị ân nhân vì đã giải thoát họ khỏi cuộc sống lầm than cơ cực ở Miền Bắc dưới chế độ Cộng Sản mà đưa họ vào một Miền Nam trù phú, thịnh vượng do sự cần cù lao động của họ. Bọn tướng lãnh nhận tiền của Hoa Kỳ để làm cuộc đảo chính giết vị tổng thống ái quốc này thì chính bọn tướng lãnh côn đồ đó trở thành kẻ thù của họ dù đằng sau bọn này có bất cứ ai. Tự trong thâm tâm của bất cứ người Công Giáo nào, ngày 2/11 là một ngày lễ kính nhớ Các Đẳng Linh Hồn (Fête Des Morts) mà ai chết vào ngày đó cũng là một ân sủng cho nên việc Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đã vị quốc vong thân trong chính ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn đó cũng là một ơn phước lớn.
Cái chết của Tổng Thống không chỉ gây xúc động vào thời điểm lúc bấy giờ mà còn ảnh hưởng cho tới ngày hôm nay. Ở hải ngoại hằng năm đến gần tháng 11 dương lịch khắp nơi đều tổ chức lễ tưởng niệm để ghi nhớ công ơn của vị lãnh tụ đã sáng lập nền Cộng Hòa với tâm tình biết ơn và ngưỡng mộ. Các trường Đại Học Hoa Kỳ cũng đã có những nổ lực đáng khen nhằm tìm hiểu và đánh giá lại nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, một nền giáo dục dựa trên các tiêu điểm Dân tộc, Nhân bản, và Khai phóng.
Sau ngày 30-4-1975, hơn nửa triệu quân, dân, cán, chính VNCH bị đẩy vào các trại tập trung của CS với tâm trạng chung là ai ai cũng đều cảm thấy rằng nếu còn Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì Miền Nam làm sao có thể lọt vào tay Cộng Sản Miền Bắc được. Trong trại tù Vĩnh Quang (tỉnh Vĩnh Phú), một cựu tù nhân cấp Úy của QLVNCH, đã chửi thề và hỏi thẳng mặt Dương Hiếu Nghĩa, người lúc bấy giờ có cấp bậc Thiếu Tá ngồi trên chiếc xe thiết giáp đã tham gia vào vụ thảm sát TT Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu khi từ nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn về Bộ Tổng Tham Mưu sáng ngày 2/11/1963, rằng:
“Một vị Tổng Thống suốt đời tận tụy hy sinh làm việc cho dân như vậy mà vì sao các anh lại giết Ngài ? Trả lời cho tôi đi!”
Rất nhiều lời đồn đoán trong nhân dân phản ánh tâm lý tiếc thương, chua xót xen lẫn niềm hy vọng mong manh khi có người cho rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn sống và đang lẫn tránh chỗ này, chỗ nọ hoặc Gia Kiệm, hoặc Tây Ninh. (Huỳnh Văn Cao, hồi ký Một Kiếp Người, 1992, trang 115). Điều này phản ánh nỗi hoài vọng khôn nguôi của người dân.
Trong một bài viết của Nguyễn Tường Tâm, hậu duệ của gia tộc nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một người bất đồng chính kiến với chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và đã tìm cái chết bằng cách tự tử để khỏi bị đưa ra Tòa án Quân sự tại Sài Gòn trước ngày 1/11/1963, có nhan đề “Cuộc biểu tình đầu tiên của ‘quần chúng tự phát’ ủng hộ cách mạng lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963” đăng trên Web Talawas của Phạm Thị Hoài, ngày 1.11.2008, chỉ có một vài người thuộc gia tộc Nguyễn Tường, sau phải “áp giải” thêm một số người của Bộ Công Dân Vụ tham gia cuộc biểu tình đó, tác giả này ghi nhận rằng “Đại đa số người Bắc kỳ Công giáo di cư đều trung thành với Tổng thống Diệm”. Thật sự, không chỉ người Công giáo di cư toàn quốc thương tiếc và trung thành với Tổng thống Ngô Đình Diệm mà cả những người thuộc các tôn giáo khác di cư ở từ Miền Bắc vào Nam, hoặc ngay cả những người có quê quán trong Nam, với cảnh sống thanh bình thịnh vượng từ năm 1954 đến 1963, nhất là họ được hưởng cảnh an ninh đêm ngày trong cuộc sống và trong giai đoạn này tất cả mọi di chuyển trong sinh hoạt, dù là ban đêm mọi người đều có thể tự do an toàn đi lại trên quốc lộ 1 hay các tỉnh lộ, hương lộ không bị một đe đọa nào hết. Chính vì vậy mà họ mến thương Tổng thống Ngô Đình Diệm chứ không phải chỉ là yếu tố tôn giáo như ông Nguyễn Tường Tâm viết.
Trong một đoạn dưới kết thúc bài viết này, ông Nguyễn Tường Tâm nhận xét rằng: “Mặc dù đoàn biểu tình đầu tiên này không phải là tự phát của quần chúng, nhưng trong thực tế của những thời gian mấy tháng trước đó, quần chúng đã chán ngấy chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Có lẽ đó là lầm lẫn lớn nhất của người dân Miền Nam, khiến họ phải chịu thảm cảnh của “Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa”sau 30-4-1975”. Có hai nhận xét cho đoạn văn mà tác giả Nguyễn Tường Tâm đã viết trên đây. Thứ nhất, quần chúng ở đây là quần chúng nào, địa phương và tôn giáo nào, cần phải nói rõ chứ không thể viết chung chung mặc dù đây là một vấn đề khá tế nhị. Thứ hai, sự lầm lẫn trong thái độ “chán ngấy” của quần chúng đã khiến họ phải chịu “thảm cảnh” sau ngày 30-4-1975 là một liên hệ có tính lô-gích. Chúng tôi đồng ý với tác giả là sự “chán ngấy chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm” của “quần chúng” nào đó nếu có thì đó là “lầm lỗi lớn nhất” nhưng có lẽ không lớn hơn cái lầm của nhóm tướng lãnh đảo chính tham tiền, tham danh trong cuộc chính biến ngày 1/11/1963.
Trong cuốn hồi ký “Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm” của Nguyễn Hữu Duệ, tác giả ghi lại nhận định của Trung Tá Nguyễn Văn Châu, tùy viên quân sự của TT Ngô Đình Diệm, là người viết cuốn “Ngô Đình Diệm, nỗ lực hòa bình dang dở”:
“Từ khi cụ Diệm chết, “moi” thấy sớm muộn gì Việt Nam cũng mất về tay cộng sản.”
(Nguyễn Hữu Duệ, sách in năm 2003, tác giả xuất bản, trang 98).
Trong bài viết có tên “Ngô Đình Diệm, qua suy nghĩ của một hậu sinh”, ông Chu Tất Tiến đã viết: “Khi nghe tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị giết, tôi xúc động và buồn bã vì trong ký ức non trẻ của tôi, bài hát “Ai bao năm từng lê gót nơi quê người” mà tôi thường hát trước giờ vào học vẫn âm hưởng trong tôi và hình ảnh vị Tổng Thống hiền hòa nhìn nghiêng trong một khung hình bầu dục hiện lên trên màn hình trước giờ chiếu phim trong các rạp xi-nê đã hiện diện trong tôi như hình ảnh một anh hùng dân tộc, người đã cứu chúng tôi ra khỏi miền Bắc Cộng Sản, đã cho chúng tôi an cư trên miền đất mới đầy Tự do và no ấm.” (Tài liệu trên mạng, ngày 10/27/2013).
Sau khi cuộc chính biến đẫm máu ngày 1/11/1963 kết thúc, thái độ Hoa Kỳ tỏ ra muốn quên đi nhóm tướng lãnh đảo chính. Sử gia Nguyễn Phương đã viết: “This appeared in the behavior of Lodge toward the junta. “This was a time when the United States has the arrogance to play God in Vietnam,” said Miss Marguerite Higgins. [Our Vietnam Nightmare, New York, Harper and Row, 1965, page 289] And Lodge showed a “god-like” attitude, paying no attention to the new rulers. On the one hand, this would reduce the appearance that the Vietnamese government was a puppet one; on the other hand, this would cause the junta to disintegrate. John Mecklin, looking at Lodge’s policy, wondered, “He seemed to have built his policy on the hope that Minh would be a natural leader who surely needed our material support. When it turned out that Minh instead was stalling his country into the ground, to the benefit of the Vietcong, Lodge was fresh out of a policy.” [John Mecklin, Mission in Torment, p. 284] Nguyễn Phương, sách đã dẫn, trang 157. Dịch là: “Điều này biểu lộ trong thái độ của Lodge đối với nhóm tướng tá. Đây là lúc Hoa Kỳ tỏ thái độ ngạo mạn khi đóng vai trò Thượng Đế ở Việt Nam, bà Marguerite Higgins đã nói như vậy [Our Vietnam Nightmare, New York, Harper and Row, 1965, trang 289]. Và Lodge đã đóng vai “giống như một ông trời” khi chẳng thèm để ý đến các người cai trị mới. Một đàng điều đó sẽ làm giảm thiểu bề ngoài rằng chính quyền Việt Nam là một bọn bù nhìn; đàng khác điều đó sẽ làm cho nhóm tướng tá mau tan rã. John Mecklin khi nhìn vào chính sách của Lodge, đã tự hỏi, “Dường như ông ta đã có chính sách muốn Minh sẽ trở thành một người lãnh đạo chắc chắn cần đến sự hỗ trợ vật chất của chúng ta. Nhưng khi sự việc tỏ ra rằng Minh đang hủy hoại đất nước, và Việt Cộng đang hưởng lợi, Lodge quả không có chính sách tiếp gì hết.” [John Mecklin, Mission in Torment, trang 284].
Cái chính sách “không chính sách” của một người đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ, Henry Cabot Lodge được LM Cao Văn Luận mô tả trong cuốn hồi ký “Bên giòng lịch sử”, khi ông ta xin gặp Linh Mục để ‘vấn kế’ đã được ghi lại bằng những nét như sau: “Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông Lodge. Nét mặt, dáng điệu của ông làm cho tôi nhớ đến hình ảnh một “businessman” thành công đầy tự tin khinh bạc và kiêu ngạo, tuy nhiên bề ngoài và trong lời ông hết sức niềm nở, cởi mở, vui vẻ, câu chuyện giữa tôi và ông Lodge cũng bắt đầu như câu chuyện với ông Giám Đốc Viện Trợ Mỹ, nhưng tôi trình bày các nhận định của tôi cặn kẽ hơn. Cuối cùng ông Lodge có vẻ thành khẩn tha thiết hỏi tôi:
-Theo ý cha thì bây giờ chúng ta phải làm cách nào để thành công, để thoát qua những khó khăn mà cha nêu lên. Tôi mỉm cười: -Đáng lý các ông phải tính đến chuyện này trước khi có cuộc đảo chánh mới phải chớ... ( Bên Giòng Lịch Sử, Hồi ký 1940-1965, Sống Mới xuất bản, trang 419).
Chính ông Ngô Đình Nhu trong một cuộc nói chuyện với nữ ký giả Suzane Labin trước cuộc đảo chính đã gọi Cabot là “Quan Thái Thú” trong đoạn văn được trích dẫn như sau: “Ông Lodge luôn luôn hành động chống lại chúng tôi, với một thành kiến bất di dịch mà Quan Thái Thú tại một xứ bảo hộ có thể có được, trước đây ba mươi năm đối với một xứ bảo hộ. Mặc dù Tổng Thống Ngô Đình Diệm cố gắng hết sức để chứng minh rằng mỗi cái trò chơi của ông Lodge chắc chỉ có thể làm lợi cho Cộng sản, và đang rơi vào bẫy của Cộng sản nhưng càng cố gắng chứng minh sự thật, thì ông Lodge lại càng hiểu ngược ý chúng tôi.” (LM Cao Văn Luận, Sách đã dẫn, trang 403)
Một ký giả Việt Nam, Lữ Giang cho rằng Đại sứ Cabot Lodge đã xử sự tại Sài Gòn y hệt một tên thái thú của Tàu ở Việt Nam ngày trước trong bài viết có tên “Chuyện quan thái thú”, cho biết Đại sứ Lodge đã nói với Bộ Ngoại Giao rằng “phải làm cho Nam Việt Nam từ bỏ độc lập và đặt dưới chế độ bảo hộ của Hoa Kỳ để đem lại sự ổn định của chính phủ. Nếu không thì hoặc là tăng cường sự can thiệp về quân sự của Hoa Kỳ, hoặc là Mỹ bỏ Miền Nam hoàn toàn.”(South Vietnam be made to relinquish its independence, and it be made a protectorate of the United States so as to bring governmental stability. The alternatives, he warned, were either increased military involvement by the U.S., or else total abandonment of South Vietnam by America.). Ngoài ra chính Lodge đã nhờ ông Senera Gunewardene, Đại Sứ Tích Lan ở Liên Hiệp Quốc vận động các nước Á Phi đưa ra một bản tuyên bố lên án chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo, vận động LHQ phải cử một phái đoàn đến Việt Nam điều tra. Khi phái đoàn đang điều tra thì cuộc đảo chính xảy ra. Bản phúc trình được phổ biến tại LHQ ngày 9.12.1963 xác nhận chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm không hề có hành động nào đàn áp Phật Giáo. Tuy vậy Lodge vẫn gian manh tìm cách chận đứng việc phổ biến bản phúc trình này. (Lữ Giang, Chuyện Quan Thái Thú, Nov 3, 2010).
Đây là một trong những hành động gian ác của Cabot Lodge ngoài việc y nhúng tay giết toàn bộ gia đình cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong đó có cả ông Ngô Đình Cẩn mặc dù trước đó y có hứa với Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI sẽ cứu mạng ông Cẩn. Ngày 5/5/1964, ông Cẩn bị hành quyết tại Sài Gòn.
Tất nhiên, nếu đề cập tới các tầng lớp tâm lý dân chúng và thành phần xã hội, kể cả người Hoa Kỳ như nói trên mà không đề cập đôi điều về tâm lý người tín đồ Phật Giáo nói chung và Huế nói riêng sau cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì thật là một thiếu sót. Người dân Việt Nam theo Phật Giáo nói chung trước đây vốn không có gì thù nghịch với người Công Giáo, trái lại với tinh thần từ bi hỉ xã vô cùng độ lượng bao dung của giáo lý của Đức Phật, trong nhiều trường hợp họ còn che chở, giúp đỡ, cưu mang, đùm bọc người Công Giáo nhất là dưới thời Văn Thân, Cần Vương trong khi các nho sĩ tung ra Hịch Cần Vương tổ chức đánh phá các làng Công Giáo, bách hại các Ki Tô hữu, nhất là dưới triều các vua nhà Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức mà độc ác nhất là các sắc chỉ cấm đạo, thi hành chính sách “phân tháp” một sáng kiến vô cùng thâm độc và nghiệt ngã của Tự Đức, thì sự thương yêu dùm bọc đó lại càng bộc lộ hết sức rõ ràng cụ thể.
“Phân tháp” là gì? “Phân tháp người Công Giáo là ở các làng Công Giáo là xé nhỏ các gia đình Công Giáo, các làng Công Giáo để không còn là một đồng thể rồi ghép vào các gia đình không Công Giáo (thuật ngữ gọi là người “bên lương”) ở các làng “bên lương” khác quản lý, người Công giáo sẽ bị đồng hóa về mặt tôn giáo với người “bên lương”. Ý đồ sâu xa của nhà vua và các quan, là người Công giáo sẽ không còn liên lạc được với “đạo trưởng”, không còn đọc kinh, xem lễ trong môi trường “xa lạ” ở các gia đình, các làng “bên lương” thì từ đó các cộng đồng người Công Giáo là các họ đạo, các giáo xứ sẽ tàn lụi, sẽ bị xóa sổ.” (Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế, Tập I, Kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo phận Huế, 1850-2000, Lưu hành nội bộ, trang 43. Đọc thêm Châu Bản Triều Nguyễn đời Duy Tân, Xem bài Phú phân tháp trong Lịch sử Giáo phận Vinh, Tập I , Công Giáo Nghệ-Tĩnh-Bình Thời Các Thừa Sai Nước Ngoài, bản in năm 2015 do Vương Đình Chữ chủ biên, trang 173)).
Nhà sử học Lê Ngọc Bích (1933-2009) đã ghi lại cuộc tập kích và tàn sát giáo dân họ đạo Buồng Tằm, một giáo điểm ở thượng nguồn sông Hương, ngày 11-12-1883, do Tôn Thất Cường chỉ huy đã tập trung “33 giáo dân lại đem ra chặt đầu trước nhà ông Trùm Dần. Bà Thanh đang mang thai bị chôn sống. Ông Biện GIUSE Nguyễn Văn Hướng núp trong vườn dứa (thơm), quân Văn Thân đem chó săn đánh hơi. Ông Hướng sợ quá, đọc kinh ăn năn tội chuẩn bị chết. Quân lính vung tay chém bừa vào đám dứa cao quá đầu người. Tên lính đang say rượu, chém loạn xạ, tay loạng quạng chém tứ tung, nhờ đó ông Hướng không bị phát hiện. Cả hai ông BIỆN HƯỚNG và ông GIÁP TÝ được ông Thiệu và bà Phú là người không Công giáo giúp đỡ, hai ông chạy thoát lên núi. Sau đó, có ông Định cũng là người không Công giáo tiếp tế cơm nước, đưa về nhà rồi gởi hai ông về Phủ Cam.” (Lê Ngọc Bích, Sách đã dẫn, trang 60. Nguyễn Đức Cung gạch dưới).
Trong tác phẩm Những bí ẩn lịch sử đàng sau cuộc chiến Việt Nam, nhà báo Lữ Giang có viết rõ về một trường hợp “một nhà quen không Công giáo” đã giúp đỡ một người Công giáo như sau:
“Cô Ngô Đình Thị Tiến, em ruột cụ Ngô Đình Khả, lúc đó khoảng 12 tuổi, may mắn sống sót trong vụ Văn Thân đốt nhà thờ Đại Phong, trong một trường hợp rất lạ lùng. Khi Văn Thân đến vây giáo xứ Đại Phong, một số giáo dân chạy vào nhà thờ, một số chạy ra đồng hay các làng chung quanh để ẩn trốn. Văn Thân đến vây nhà thờ, chận ở các cửa ai ra thì chém. Sau đó, Văn Thân nổi lửa đốt nhà thờ. Theo cô Tiến kể lại, khi lửa đang cháy bên ngoài, giáo dân bình tĩnh đọc kinh cầu nguyện. Linh Mục chính xứ đứng giữa Cung Thánh hướng dẫn giáo dân cầu nguyện. Tro trên nóc nhà thờ đổ xuống như mưa, khói tỏa mịt mù. Linh Mục chính xứ đã lấy một cái thúng đội lên đầu, tiếp tục đứng cổ võ giáo dân giữ vững đức tin, cho đến khi ngài ngã quỵ vì bị ngộp thở. Khi thấy tiếng kinh không còn nữa, Văn Thân biết mọi người trong nhà thờ đã ngã gục, liền mở cửa vào nhà thờ lục soát, thấy ai còn sống thì chém cho chết. Lúc đó vì còn nhỏ, cô bị đè bẹp dưới xác của những giáo dân người lớn, nên Văn Thân không thấy. Khi Văn Thân rút đi, chờ đêm tối cô bò ra khỏi khu nhà thờ, nhưng không dám tìm về nhà mà đến môt nhà quen không công giáo xin ẩn trốn. Bà chủ nhà có hai người con cũng theo Văn Thân đi đốt phá các làng công giáo nên rất sợ. Khi thấy hai người con cùng với những người khác đến lục soát ở khu gần đến nhà bà, bà bảo cô Tiến lội xuống dưới ao, rồi bà lấy bèo phủ lên. Văn Thân đi qua bờ ao có thọc mũi giáo xuống ao tìm kiếm, cô bị ngọn giáo dâm trúng ở trán, nhưng Văn Thân không biết, nhờ vậy cô đã sống sót. Sau này người ta vẫn còn thấy một vết thẹo dài trên má cô. Khi phong trào Văn Thân bị dẹp tan, cô đã tìm lại được gia đình người anh là ông Ngô Đình Miều và theo gia đình này ra ở giáo xứ Tam Tòa mới thành lập. Năm 1888, Linh Mục Bonin lập Dòng Mến Thánh Giá Tam Tòa. Dòng này là hậu thân của Dòng Mến Thánh Giá ở Mỹ Hương đã bị Văn Thân đốt năm 1885. Cô Tiến đã xin đi tu ở Dòng này và về sau được thăng lên chức Bề Trên của Dòng.” (Lữ Giang, Những bí ẩn đàng sau cuộc chiến Việt Nam, quyển I, 1998, trang 394). Câu chuyện trên đây cũng được ông Anrê Lê Thiện Sĩ kể lại, qua lời xác nhận của Bà Elizabeth Nguyễn Thị Thu Hồng, bào muội của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận trong tập sách nhỏ có tên “Tôi Tớ Chúa Đức Hồng Y Phanxicô Xavie NGUYỄN VĂN THUẬN 1928-2002, California, 2012, trang 14).
Các sách sử của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam còn ghi nhận rất nhiều trường hợp như vậy. Dĩ nhiên tình yêu thương dân tộc cũng được thể hiện song phương, nghĩa là cũng có nhiều khi người Công Giáo cưu mang, giúp đỡ cho anh chị em Phật giáo trong suốt trường kỳ lịch sử. Giáo xứ của tôi, xứ đạo Tam Tòa ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, hồi cách mạng tháng Tám được một vị chủ chăn là Linh Mục Lê Văn Thành coi sóc; Cha đã từng xin tha chết cho nhiều cán bộ Việt Minh đi theo kháng chiến, bị quân đội Pháp bắt sau năm 1947 khi Pháp vừa trở lại tái chiếm Đồng Hới.
Trong một video phổ biến gần đây nói về đất đai của Dòng Thiên An ở Huế bị chính quyền Huế chiếm đoạt, Đan sĩ Stanilas Trần Minh Vọng, 82 tuổi, (vào dòng từ năm 1953), cho biết Đan sĩ Bề Trên Dòng Thiên An (người Pháp) cùng các Đan sĩ khác đã từng đứng lên bảo vệ, can thiệp với chính quyền Pháp trong vùng để trả lại tự do cho nhiều cán bộ theo kháng chiến bị bắt. Chính thân nhân những người này hiện còn sống, nhưng buồn thay, có vài người lại a tòng theo công an phá phách nhà Dòng đủ chuyện.
Trong một cuốn sách viết bằng tiếng Pháp có tên La civilization annamite của Nguyễn Văn Huyên, Tiến sĩ Văn chương, nhân viên trường Viễn Đông Bác Cổ, xuất bản tại Hà Nội năm 1944, đã có viết: “Người Việt Nam có một thái độ khoan dung hoàn toàn, nếu không phải là thờ ơ, đối với các hệ thống hoặc tín điều tôn giáo khác nhau. Những cuộc đàn áp tôn giáo chống các giáo sĩ Cơ Đốc ở thế kỷ XIX không hề có nguyên nhân là sự thù hằn đạo Thiên Chúa, mà chỉ là cuộc đấu tranh chống những người nước ngoài do truyền đạo mà gây nguy cơ hủy hoại uy quyền của nhà nước quân chủ cùng uy quyền những nhà nho nắm giữ quyền chỉ đạo mọi thể chế xã hội công và tư lúc đó. Cả ngày nay nữa, nêu ở một số làng có cả người lương và giáo mà xảy ra những cuộc xung đột nội bộ, thì phần lớn đấy là những bất đồng liên quan đến các cuộc tranh chấp về phân chia ruộng công, hay việc thực hiện đặc quyền của lý dịch. Ở các trung tâm lớn và tại những nơi không có các quyền lợi đó, thì người ta biểu lộ sự thờ ơ hoàn toàn đối với việc truyền đạo, dù là đạo Cơ Đốc hay đạo Phật.” (Nguyễn Văn Huyên, La civilization annamite, Đỗ Trọng Quang dịch, Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2016, trang 256)
Trong hồi ký Sự thực có sức giải phóng, Linh Mục Trần Văn Kiệm, một nhà văn và học giả Công Giáo, (tác giả nhiều sách biên khảo về văn học Việt Nam, Tự điển Hán Nôm, bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt) có ghi lại cuộc gặp mặt sau cùng giữa Linh Mục với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, và một vị đại diện Hòa Hảo (quên tên), ngày 15/8/1963 đã viết rằng: “Tổng Thống nhìn tôi chằm chặp rồi trước mặt Đức Cha Ngô Đình Thục và một vị chức sắc Hòa Hảo tôi không nhớ tên, ông chậm rãi bảo tôi rằng: “-Cha ơi! Người Mỹ đổ oan cho tôi bách hại Phật Giáo là lên án giết tôi. Tôi vô tội mà phải chết thì cũng cam lòng, nhưng còn tương lai quốc gia? Tương lai Giáo Hội Công Giáo? Sau này cha sẽ giảng đạo cho ai nếu giữa Công Giáo và Phật Giáo có mối thù địch vô phương hóa giải.” (Bản in năm 2013, do Đặng Thị Kim Dung phát hành, trang 79).
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét