Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

DỤNG TÂM CẦN CÓ CỦA NGƯỜI SỐNG ĐỘC LẬP FUKUZAWA Yukichi - Dịch : Nguyễn Sơn Hùng

 DỤNG TÂM (1) CẦN CÓ CỦA NGƯỜI SỐNG ĐỘC LẬP 

FUKUZAWA Yukichi (*) 

Dịch : Nguyễn Sơn Hùng 

***  

Đối với văn minh Tây Phương, cá nhân sống độc lập và gia đình sống độc lập không có gì là lạ. Người thường xem là chuyện đương nhiên. 

Nhưng đối với Nhật Bản, nước mới vừa mở cửa tiếp xúc với văn minh Tây Phương, nghe rất mới lạ, giải thích cho người khác hiểu cũng khó.  

Tại sao vậy? Theo phong tục từ xưa của Nhật Bản, việc giao tiếp giữa người và người đã bắt đầu từ nồng độ đậm và quá thân mật. Rồi theo thế tự nhiên phát sinh ra khuynh hướng muốn ỷ lại vào người khác, lẽ ra không nên ỷ lại. Cái này có thể nói là cái độc của nho giáo để lại.  

Trong môi trường ỷ lại nhau như thế, việc khó khăn để giải thích lý do nên sống độc lập còn có thể chịu đựng được, nhưng thật đáng thương khi thấy người đời hiểu lầm, tức giận, ghét bỏ những người chủ trương sống độc lập. Hãy nói sơ lược về chuyện này. 

Cái quan trọng thứ nhất để sống độc lập là tự chúng ta làm việc để sống, giả sử dù có làm phiền lòng họ đi nữa cũng không cho phép bản thân nhờ vả vào người khác, phải sống và xử lý mọi việc với trách nhiệm của chính bản thân chúng ta. 

Do đó không những chỉ gìn giữ nghiêm túc tài sản của bản thân mà cũng phải xem trọng tài sản của gia đình và đồng thời không được xâm phạm tài sản của người khác. Thí dụ, dù có cần tiền nhưng nếu chắc chắn không thể hoàn trả thì không được mượn vay tiền. 

Nếu vạn nhất vay mượn tiền và không thể hoàn trả được, dù chủ nợ không hối thúc trả, lo lắng hay khổ tâm lúc đó chúng ta sẽ tựa như bị người dí dao đe dọa sau lưng. Ngày xưa Toyotomi Hideyoshi khi còn là Kinoshita Tokichiro (1), ông lấy tiền của chủ là Matsushita Kiheiji bỏ trốn. Sau khi lập thân xuất thế đã trả ơn nhiều cho chủ cũ. Nhưng đó là chuyện của anh hùng  thời loạn không nên lấy làm gương mẫu cho người đời sau. 

Người sống độc lập đời nay phải theo phương châm: ra sức làm việc, tự làm để sống, dư dả thì để dành, thiếu thốn thì chịu đựng, dù ít cũng không đoạt của người, không giúp người hơn cần thiết. Người ngoài cho rằng cách sống như vậy nghiêm khắc, không thú vị hay hoa lệ chút nào. Có người sẽ cho đó  là cách sống tính toán lợi hại. 

Thêm vào đó, lời nói và việc làm của người sống độc lập phần lớn xuất phát từ suy nghĩ của bản thân, không do ảnh hưởng của người khác. Do đó mặc dù không có ý nhưng đôi khi có thể đụng chạm đến chỗ yếu của người khác.  Tự nhiên điều này sẽ làm mất lòng hay làm tức giận người khác nhưng không  thể tránh được. 

Không những chỉ có vậy. Một khi đã quyết định sống độc lập trong thực tế, không chỉ không nhờ giúp đỡ của người khác về vấn đề tiền tài, vật chất, mà trong đời sống gia đình, hoạt động xã hội, dù cho một lời nói, một việc làm phải nghiêm chỉnh giữ mình, không làm điều ti tiện, luôn kiên cố để tâm, không để kẽ hở, sơ ý nào trong đời sống riêng tư hay trong hoạt động xã hội.  Việc này lại làm người đời không ưa, khó chịu. 

Thường nói bản tâm con người là yêu điều tốt ghét điều xấu, nhưng tình đời hay thế gian này không phải vậy. 

Chủ nhà của gia đình ở phía đông có phẩm hạnh tốt, xử lý mọi việc sáng suốt, hợp lý phải đạo, lúc nào cũng bình tĩnh điềm đạm, ít nói chuyện riêng của bản thân với người, khó đoán biết được ông sống hạnh phúc hay chán đời.  Biết rõ là ông không có ý thù địch với ai, nhưng giao tế của ông khô khan, khó có cảm tình. 

Ngược lại, chủ nhà của gia đình phía tây hoạt bát, lễ phép, mới nhìn giống như nhân vật đáng kính nhưng thực sự trong gia đình lộn xộn, lúc nào cũng khốn khổ về tiền bạc. Không chỉ có vậy, đức hạnh hay việc làm đều ti tiện, trái luật, muốn giấu kín mà giấu không được, rồi cúi đầu năn nỉ người khác nói là sám hối biết lỗi, nhờ kín miệng đừng tiết lộ bí mật, xử lý cho qua 

chuyện, là chuyện ông thường làm. Tóm lại, bên ngoài như vẽ nhân vật trọng vọng, đáng kính, nhưng phía sau thì đầy lỗi xấu xa, là người sống rất khác xa cách sống độc lập. 

Bây giờ, nếu so sánh hai ông chủ nhà phía đông và phía tây, và hỏi người đời thích giao tiếp với ai. Bao giờ người đời cũng chọn kẻ nhún mình hơn kẻ khô khan. Người đời không phải không biết các lỗi xấu của người đầy lỗi, nhưng nhiều khuyết điểm là chứng cớ cho biết người này dễ giao tiếp, có lẽ trong lòng họ xem đối tượng như tù nhân (3) vừa khinh bỉ vừa giao tiếp và không cần phải e dè hay để ý đến đối phương.  

Hơn nữa, người ti tiện xấu xa giao thiệp với người ti tiện xấu xa sẽ ra thế nào? Cái ti tiện xấu xa sẽ làm người giao thiệp càng ngày càng xấu xa ti tiện  hơn. 

Người sống độc lập nên hiểu rằng trong hoàn cảnh mọi người chung quanh xem ta là tài giỏi hơn họ và tránh xa nhưng ta vẫn thản nhiên ung dung sống  theo mình là không phải dễ. 

Vì vậy là người trí thức, có học hay được trọng vọng đã quyết tâm sống độc lập phải luôn nghiêm chỉnh tự giữ lấy mình, là điều không cần phải nói thêm.  Không phải chỉ có vậy mà đồng thời còn phải tự giữ lấy mình, phải thay đổi cách giao tiếp với người, sống khoan dung, tâm phải rộng lớn như sông như  biển

Do đó, dù đối tượng là người ti tiện hay kẻ bạc tình, với ai ta cũng giao tiếp, không ghét bỏ ai. Ai không hại đến mình thì xem là người tốt, với ai cũng bao dung giao tiếp thân thiện. Cách để người hối lỗi, cải tâm chính là đừng phí nhiều lời vô ích mà cho họ thấy chân dung, cái tâm thật sự của chính bản thân người sống độc lập, để cho người phạm lỗi tự thấy ra điều họ phải cải đổi

Mới chỉ biết sống độc lập được một ít, rồi tự cao, tự xưng chính mình là  người sống độc lập trong thế gian này, xem thấp người khác, kẻ nào khác mình một chút cũng chê ghét, thâu hẹp phạm vi giao thiệp. Ngược lại, bị người ghét bỏ thì suốt đời bất bình bất mãn. Những người như vậy không phải là người sống độc lập đáng được kính nể, thực tế là hạng tiểu nhân hay bắt chẹt người khác.  

Sống độc lập là vật tinh thần chí bảo của người trí thức, có học. Vật chí bảo thì phải cất giữ nơi kín đáo. Theo lời dạy của Phật giáo phái Tịnh độ chân tông, kẻ niệm Phật không để cho người khác biết mình là người niệm Phật.  Tôi cũng học theo lời dạy này, mong mỏi rằng các người trẻ trí thức, có học đừng nói sống độc lập ngoài miệng nhưng hãy tin tưởng sâu xa cái tôn nghiêm của việc sống độc lập trong tâm và lẳng lặng thực hiện cách sống đó  trong thực tế. 

Nguyễn Sơn Hùng 

Tháng 6/2017 

(*) Nguồn: Truyện số 6 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện Tiếp Theo” của  Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành. 

Chú thích: 

(1) Dụng tâm: Việc/điều nên để ý, quan tâm thực hiện. 

(2) Kinoshita Tokichiro đã đổi tên nhiều lần. Toyotomi Hideyoshi là một trong các Tướng quân lỗi lạc, và là Tướng quân trước Tướng quân Tokugawa Ieyasu sau cùng của Nhật Bản. Hệ gia đình Tướng quân Tokugawa truyền được 15 đời.  

(3) Có lẽ quá nặng nhưng ở đây giữ nguyên bản.







Không có nhận xét nào: