Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Đời Còn Đáng Sống - Hoàng Đằng

Đời Còn Đáng Sống                             
Bài của Hoàng Đằng

Một bạn học ngày xưa của lão ở Đông Hà trở về thăm quê sau hơn 50 lưu lạc đó đây. Bạn ấy già rồi, muốn gặp số bạn bè còn ở lại Đông Hà, lẽ đương nhiên không nhiều. Chiến tranh đã lấy mạng nhiều người lúc còn trai trẻ; tuổi tác, bệnh tật đã đưa dần một số nữa về bên kia thế giới; một số đã rời quê tản mác khắp nơi.
Phương tiện đi lại của bạn ấy khó khăn. Đi bộ không nổi. Xe máy không có sẵn. Xe ôm, xe taxi tốn tiền. Lại thêm, sáng kiến của bạn ấy cũng độc đáo. Tự mình đi nhà này rồi nhà kia sẽ mất nhiều thì giờ, mất nhiều sức lực, mà nội dung việc đi cũng thế thôi – thăm hỏi; chi bằng chia cho mỗi người chịu một ít (chỉ tốn thì giờ và sức lực đến một nơi) thì mình khỏe hơn.
Bạn ấy điện thoại mời mọi người tới một quán cà phê để thăm nhau và ngồi cùng nhau nói chuyện đời.

 
Già rồi, phải khôn ngoan một chút; không tính kỹ mọi việc thì làm sao mà tồn tai. “Lão lai tài tận” (tuổi cao thì không làm chi để có tiền của). Uống cà phê tương đối ít tiền, vừa túi; số tiền tiêu tốn có thể trích bớt từ số tiền do con cháu cấp cho ăn sáng. Tội nghiệp cho người già! Sống chẳng bao lâu nữa mà việc gì cũng phải tính toán kỹ; không những tiền bạc mà sức khỏe cũng phải tiết kiệm – tiết kiệm để cái chết đến chậm hơn; hy vọng thế thôi dù biết rằng sống chết là vô thường.
Giá như còn trai trẻ, sung sức, túi nặng tiền, thì kiếm một quán nhậu, mời bạn bè ra đó, nhấm chút “đồ mồi”, cụng ly bia, hay ly rượu, mặt gay gay đỏ, “tửu nhập ngôn xuất”, vui náo hơn.
Uống cà phê thì không khí trầm. Tuy nhiên, xa nhau lâu ngày cần một không gian phù hợp để tâm tình, thì không đâu bằng ở quán cà phê. Không ồn ào, không đột ngột xẩy ra ẩu đả như thường có ở quán nhậu. Đặc biệt vào buổi tối nữa thì tuyệt vời, chọn cái bàn ở một xó góc, dưới ánh đèn mờ ảo, những ông già quây quần bên nhau; trong chuyện trò, dù tai đã lảng, người nói vẫn có người nghe được.

Một bạn già tới tận nhà chở lão đến quán; quán cách xa khoảng hơn cây số. Trời tối, lão lên ngồi sau, bạn lão nổ máy, xe chạy. Chạy được một đoạn đường, xe tự dưng dừng laị không chạy nữa. Trục trặc chi đây rồi! Bạn nhấn nút “đề” lại, xe không nổ; bạn rán hết sức đạp càng chân, xe cũng không nổ; bạn rút khóa, mở xem bình xăng còn hay hết. Ôi thôi rồi, xe hết xăng; mà xe hết xăng như thân cây hết nhựa như động vật hết máu, hoạt động đâu còn – xe chết máy.

Bạn của lão là người rất chỉnh chu; dù ít dùng, xe luôn đổ đầy xăng, hễ cần việc gì, xách xe ra, chỉ việc ấn nút “đề” là xe chạy. Tính của bạn lão luôn biết lo xa; chuyện trò với ai, bạn lão thường dẫn câu sách xưa: “Nhân vô viễn lự tất hữu cận ưu” (người không biết nghĩ xa ắt sẽ có lo gần). Vậy mà giờ gặp nông nỗi này! Té ra mấy hôm rồi, thằng cháu dùng xe đi liên hệ cơ quan này cơ quan khác xin việc, xe chạy nhiều mà xăng không chịu đổ chêm.
Trời tối, đèn đường ở thành phố nghèo này bố trí quá thưa, không gian chập chờn, chỗ tối chỗ sáng; bạn lão đẩy xe tìm chỗ bán xăng lẻ. Không thể đến cây xăng vì xa lắm, hơi sức đâu nơi thân già mà đẩy thấu đó! Buổi cà phê tới giờ hẹn rồi!
Bạn lão đẩy xe, lão lẽo đẽo theo sau, đẩy lên theo hướng quán cà phê khoảng 100 mét, không thấy quầy xăng lẻ nào, hỏi một nhà bên đường, người ta nói dọc đường này không ai bán xăng lẻ và họ đưa tay chỉ phải trở lại con đường dưới kia. Bạn lão quay đầu xe, hì hục đẩy, phì phò thở, tới ngả ba, nơi đây đèn sáng rõ, một thanh niên đang hạ “tay ga” chậm xe để quành, xe chở một can nhỏ; thanh niên nhìn vào hai lão; rồi khi quành khỏi ngả ba, thanh niên ấy tạt xe vào mép đường, cất tiếng gọi:
- Bớ hai ôông, xe hai ôông răng rứa? Hết xăng à?
Bạn lão, do quá mệt, phải gắng hết sức nói to để cậu thanh niên nghe rõ:
- Phải, xe hai ôông hết xăng, cháu biết ngược lối này dọc đường có ai bán xăng lẻ không?
Người thanh niên vừa đưa tay ngoắt vừa nói:
- Mấy o bán xăng lẻ dẹp hàng hết rồi, hai ôông đẩy xe tới đây cháu giúp cho.
Bạn lão đẩy xe tới nơi, người thanh niên dịu dàng nhìn bạn lão rồi nói:
- Ôông mở nắp bình xăng ra, cháu rót cho một ít chạy tạm; ôông nội cháu chắc tuổi cũng bằng hai ôông. ÔÔng nội cháu còn khỏe, thỉnh thoảng cũng đi xe máy, nhưng chỉ trên những cung đường ngắn thôi. Xe ôông cháu cũng vừa hết xăng, nằm nhà. Cháu cả ngày đi làm, tranh thủ giờ chừ ra cây xăng mua một ít đổ cho xe ôông nội cháu, lỡ mai cần việc gì, ôông nội cháu có thể đi ngay.
Hai lão quá mừng, cảm ơn người thanh niên. Xe có xăng rồi, tươi cười, bạn lão cho xe nổ máy chạy. Bạn lão cứ xuýt xoa:
- Thằng nhỏ tốt bụng quá!.
Lão nói phụ họa thêm.
- Con nhà ai chắc được giáo dục tốt. Người ta thường phàn nàn xã hội xuống cấp, đạo đức suy đồi, thời này là thời “mạt pháp”. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, nghĩ kỹ thì trong cộng đồng, vẫn còn người tử tế, biết giúp đỡ người gặp sự cố và chắc chắn số người này không ít. Có thế, xã hội mới tương đối bình yên; nếu số người hung ác (đụng chút gì, đã vác dao đâm chém; vì tình, vì tiền, nhẫn tâm giết người hàng loạt), số người tham lam (thấy tai nạn xẩy đến cho người khác: hỏa hoạn, thiên tai… thì “hôi của, khó dễ với người cần giúp để đòi hối lộ) mà nhiều thì xã hội đã đảo điên, loạn lạc.

Hai lão tới chỗ hẹn cà phê, các bạn của hai lão đang ngồi, ly cà phê trước mặt mỗi người còn đầy, họ chưa uống, nóng lòng chờ hai lão tới.
Chuyện tình cờ thú vị. Trong quán, bản nhạc: “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do ca sĩ Khánh Ly hát đang trầm trầm, không biết vì sao, bật to âm thanh lên đập vào tai lão ./.

12/10/2015 (30/8/Ất Mùi)





Không có nhận xét nào: