CHỮ NHO... DỄ HỌC (Bài 38)
Thành Ngữ HOA-VIỆT
Trước khi vào bài viết mới, ta giải đáp câu đố của bài viết cũ :
绿水长流横山隐, Lục thủy trường lưu hoành sơn ẩn,
图中唯见有情人。 Đồ trung duy kiến hữu tình nhân.
耳边却似钟声响, Nhĩ biên khước tự chung thinh hưởng,
耳边却似钟声响, Nhĩ biên khước tự chung thinh hưởng,
待到秋過续後塵。 Đãi đáo thu qua tục hậu trần.
Có nghĩa :
Nước xanh chảy mãi núi ngang ngăn,
Chỉ thấy trong tranh tình cố nhân.
Nghe tựa bên tai chuông vẳng tiếng,
Đợi đến thu qua nối bụi trần!
Giải đáp :
1. "Lục thuỷ trường lưu" là chữ LỤC 绿 không có chữ THỦY 水 (Trường lưu là Chảy mất tiêu rồi!)
"Hoành sơn ẩn" là chữ SƠN 山 nằm ngang bên trên chữ THỦY 水, ẨN là Ẩn dấu, ẩn mình là cũng... mất luôn. Vậy nên...
Câu đầu chữ LỤC 绿 chỉ còn lại có bộ MỊCH 纟
2. "Đồ trung" là trong chữ ĐỒ 图, "hữu tình nhân" là có người có tình trong đó... là chữ ĐÔNG 冬 ở giữa chữ Đồ 图.
Ghép bộ MỊCH 纟và chữ ĐÔNG 冬 lại, ta có chữ CHUNG 终 là Hết.
3. "Bên tai nghe tựa có tiếng chuông văng vẳng" từ Tượng Thanh của tiếng chuông là từ ĐONG ĐONG là chữ ĐÔNG 冬.
4. "Đợi đến thu qua" Thu qua thì ĐÔNG đến, cũng chữ ĐÔNG 冬.
"Tục hậu trần" là Nối theo phía sau của bụi trần. TỤC 续 bỏ phần sau là chữ MÃI 卖 đi, chỉ còn bộ MỊCH 纟 rồi nối chữ Đông 冬vào, Ta cũng có chữ CHUNG 终 là Hết.
Câu 1 & 2 cho kết qủa là chữ CHUNG 终.
Câu 3 & 4 cho kết qủa cũng là chữ CHUNG 终.
CHUNG 终 là Hết, là Chấm dứt, là Chung cuộc... và đây cũng là bài cuối cùng của loạt bài CHỮ NHO... DỄ HỌC!
Trái với CHUNG là THỦY 始 ( còn đọc là THỈ ), Thủy 始 là Bắt đầu, nên: CHUNG THỦY hoặc THỦY CHUNG 始終 có nghĩa là Đuôi Đầu, Đầu Đuôi! và...
CON NGƯỜI THỦY CHUNG là Con người có đầu có đuôi, có trước có sau, trước sau như một, trước làm sao thì sau cũng làm vậy, bền lòng chặc dạ không thay đổi. Ta gọi là Con người có hậu, khác với những người HỮU THỦY 有始 mà VÔ CHUNG 無終, có đầu mà... hổng có đuôi, ăn ở đoản hậu!
HỮU THỦY VÔ CHUNG 有始無終
Thành ngữ HỮU THỦY VÔ CHUNG 有始無終 dùng để chỉ chuyện gì đó, có mở đầu mà không có kết thúc; còn dùng để chỉ tánh tình hoặc lòng dạ con người hay thay cũ đổi mới hoặc không bền lòng chặc dạ, hay bỏ vỡ nửa chừng. Những thành ngữ như thế nầy rất nhiều trong tương quan Việt-Hán, trong tập quán ngôn ngữ giữa tiếng Hoa và Tiếng Việt để diễn tả tâm lý, tình cảm và sinh hoạt trong đời sống hằng ngày. Mời tất cả cùng điểm qua những thành ngữ thường dùng trong cuộc sống qua cách phân loại sau đây:
1. SỬ DỤNG TRỰC TIẾP THÀNH NGỮ HÁN VIỆT
Do sự tương quan về tiếng nói, cách phát âm và nhất là do nhiều năm sử dụng trực tiếp chữ Nho làm ngôn ngữ chính trong học hành, thi cử, công văn, hộ tịch... nên rất nhiều thành ngữ Hán Việt theo thói quen được sử dụng trực tiếp trong ngôn ngữ tiếng Việt, như :
An cư lạc nghiệp. 安居樂業.
An bần lạc đạo. 安貧樂道.
An nhàn tự tại. 安閒自在.
An tâm hành sự. 安心行事.
Anh hùng hào kiệt 英雄豪傑.
Bách niên hảo hợp. 百年好合.
Bế quan tỏa cảng. 閉關鎖港.
Cao sơn lưu thủy 高山流水.
Chí công vô tư. 至公無私.
Chiêu binh mãi mã. 招兵買馬.
Cư an tư nguy. 居安思危.
Danh lam thắng cảnh. 名藍勝景.
Đồng cam cộng khổ. 同甘共苦.
Đại phú do thiên, 大富由天.
Đức cao vọng trọng. 德高望重.
Hoang dâm vô độ. 荒淫無度.
Hợp tình hợp lý. 合情合理.
Hồng nhan bạc mệnh. 紅顏薄命.
Hồng nhan tri kỷ. 紅顏知己.
Hư trương thanh thế. 虛張聲勢.
Kinh thiên động địa 驚天動地.
Kỳ khai đắc thắng. 旗開得勝.
Kỳ phùng địch thủ. 棋逢敵手.
Khẩu phật tâm xà. 口佛心蛇.
Khẩu xà tâm phật. 口蛇心佛.
Không tiền khoáng hậu. 空前曠後.
Lai lịch bất minh. 來歷不明.
Long tranh hổ đấu 龍爭虎鬥.
Lục dục thất tình. 六欲七情.
Mai danh ẩn tánh. 埋名隱姓.
Mã đáo thành công. 馬到成功.
Nhân qủa báo ứng 因果報應.
Phản lão hoàn đồng. 返老還童.
Quốc sắc thiên hương. 國色天香.
Tam tòng tứ đức. 三從四德.
Tài tử giai nhân. 才子佳人.
Tận tâm tận lực. 盡心盡力.
Trà dư tửu hậu. 茶餘酒後.
Thao thao bất tuyệt 滔滔不绝.
Thương hải tang điền. 滄海桑田.
Tình đầu ý hợp. 情投意合.
Tiểu phú do cần. 小富由勤.
Trường sinh bất tử 長生不死.
Tung hoành thiên hạ. 縱橫天下.
Tương thân tương ái. 相親相愛.
Vô pháp vô thiên. 無法無天.
Yểu điệu thục nữ 窈窕淑女.
Tứ hải giai Huynh đệ. 四海皆兄弟.
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. 牛尋牛馬尋馬.
Tam thập lục kế tẩu vi thượng sách. 三十六計走為上策.
.........................................
2. CÁC THÀNH NGỮ CHỈ KHÁC NHAU MỘT CHỮ
Do tập quán ngôn ngữ về thói quen của cách nói, một số thành ngữ thông dụng của ta chỉ khác nhau với người Hoa có MỘT chữ mà thôi, như:
NGƯỜI HOA NÓI TA NÓI LÀ
An phận thủ kỷ 安份守己 An phận thủ thường 安份守常.
Ẩn tánh mai danh 隱姓埋名 Ẩn tích mai danh 隱跡埋名.
Cửu tử nhất sinh 九死一生 Thập tử nhất sinh 十死一生.
Chính nhân quân tử 正人君子 Hiền nhân quân tử 賢人君子.
Dĩ độc công độc 以毒攻毒 Dĩ độc trị độc 以毒治毒.
Đa sầu thiện cảm 多愁善感 Đa sầu đa cảm 多愁多感.
Đơn thương thất mã 單槍匹馬 Đơn thương độc mã 單槍獨馬.
Độc đoán chuyên hành 獨斷專行Độc đoán chuyên quyền 獨斷專權.
Hưng yêu tác quái 興妖作怪 Tác yêu tác quái 作妖作怪.
Khai thiên tịch địa 開天辟地 Khai thiên lập địa 開天立地.
Khởi tử hồi sinh 起死回生 Cải tử hồi sinh 改死回生.
Mục trung vô nhân 目中無人 Mục hạ vô nhân 目下無人.
Nhất cử lưỡng đắc 一舉兩得 Nhất cử lưỡng tiện 一舉兩便.
Nhất lộ bình an 一路平安 Thượng lộ bình an 上路平安.
Phồn vinh xương thịnh 繁榮昌盛Phồn vinh thịnh vượng 繁榮盛旺.
Phù sinh nhược mộng 浮生若夢 Phù sinh như mộng 浮生如夢.
Quỷ khốc thần hào 鬼哭神嚎 Quỷ khốc thần sầu 鬼哭神愁.
Tác oai tác phúc 作威作福 Tác oai tác quái 作威作怪.
Thanh đông kích tây 聲東擊西 Dương đông kích tây 揚東擊西.
Thất hồn lạc phách 失魂落魄 Xiêu hồn lạc phách 漂魂落魄.
Thần xuất qủi một 神出鬼沒 Xuất qủi nhập thần 出鬼入神.
Thiên quân vạn mã 千軍萬馬 Thiên binh vạn mã 千兵萬馬.
Thông tình đạt lý 通情達理 Thấu tình đạt lý 透情達理.
Thương phong bại tục 傷風敗俗 Đồi phong bại tục頹風敗俗.
Tiên trảm hậu tấu 先斬後奏 Tiền trảm hậu tấu 前斬後奏.
Trượng nghĩa sơ tài 仗義疏財 Trượng nghĩa khinh tài 仗義輕財.
Vong ân phụ nghĩa 忘恩負義 Vong ân bội nghĩa 忘恩背義.
Xúc cảnh sinh tình 觸景生情 Tức cảnh sinh tình 即景生情.
Đơn thương độc mã Thiên binh vạn mã
........................................................
3. CÁC THÀNH NGỮ CÓ GỐC HÁN VIỆT
Vì sự tương quan mật thiết của hai nền văn hóa HOA-VIỆT, có rất nhiều thành ngữ tục ngữ trong tiếng Nôm ta, nghe rất Nôm Na, nhưng lại có gốc... Nho xưa, như:
* "ĐÀN GÃY TAI TRÂU" có gốc từ câu: Đối ngưu đàn cầm 對牛彈琴 là Gãy đàn trước mặt cho trâu nghe của Mâu Dung một học giả đời Đông Hán để chỉ làm những việc vô ích, không cần thiết, không có tác dụng vì không đúng đối tượng.
* "ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG" có gốc từ câu: Tỉnh để chi oa 井底之蛙 là Con ếch ở dưới đáy giếng theo chương Thu Thủy của sách Trang Tử. Thành ngữ nầy còn có thêm một thành ngữ phụ theo là: Tọa tỉnh quan thiên 坐井觀天 là Ngồi dưới đáy giếng mà nhìn trời. Ta tổng hợp cả 2 câu nói trên lại thành: " Ếch ngồi đáy giếng xem trời bằng vung!" để chỉ những người kiến thức nông cạn hẹp hòi mà cứ ngỡ ta đây giỏi lắm không ai bằng.
* "NGẬM MÁU PHUN NGƯỜI" có gốc từ câu: Hàm huyết phún nhân, tiên ô kỳ khẩu 含血噴人,先污其口 là: Ngậm máu phun người, dơ miệng mình trước! Câu nói của Hiểu Doanh đời Tống trong La Hồ Dã Lục (宋·晓莹《罗湖野录). Nói xấu người khác thì người ta cũng đánh giá mình không phải là người tốt.
* "MÚA RÌU QUA MẮT THỢ" có gốc từ câu: Ban môn lộng phủ 班門弄斧 là Múa búa trước cửa Lổ Ban. Lổ Ban là ông tổ của nghề thợ mộc, là người chuyên môn sử dụng búa, nên Múa búa trước cửa Lổ Ban là chỉ những người không tự lượng sức của mình mà làm trò cười cho thiên hạ. Khoe tài trước mặt những người giỏi hơn mình thì nói là: Dám múa riù qua mắt thợ!
* "VÀO SINH RA TỬ" có gốc từ câu: Xuất sanh nhập tử 出生入死 là Ra vào ở chốn hiểm nguy mà không màng đến tính mạng. Câu nói có xuất xứ từ chương 15 của sách "Lão Tử". Khi Thúc Sinh kể lại sự lưu lạc của Kiều rồi kết bằng câu: "Về sau chẳng biết vân mồng ra sao" làm cho Kim Trọng muốn treo ấn từ quan để lặn lội tìm Kiều, dù cho phải...
Dấn mình trong án can qua,
Vào sinh ra tử họa là thấy nhau.
Vào sinh ra tử họa là thấy nhau.
* "ÍCH KỶ HẠI NHÂN" có gốc từ câu: Tổn nhân lợi kỷ 損人利己 là Làm tổn thương người khác để có lợi cho mình. Câu nói có xuất xứ từ Lục Tượng Tiên truyện trong Cựu Đường Thư. Trong Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh khi luận về chữ GHÉT, ông Sãi đã nói rằng:
...Sãi ghét người ích kỷ hại nhơn,
* "NGỰA QUEN ĐƯỜNG CŨ" có gốc từ câu: Lão mã thức đồ 老馬識途 là Những con ngựa già nhận biết được đường cũ đã đi qua. Theo Hàn Phi Tử, Thuyết Lâm Thượng:
Tề Hoàn Công theo yêu cầu của nước Yên, xuất quân đánh Sơn Nhung. Bị lạc trong sa mạc núi non mù mịt không biết đường ra. Quản Trọng bèn thả những con ngựa già ra rồi cho quân đi theo. Qủa nhiên, ra khỏi được nơi bị lạc. Nên câu "Lão Mã Thức Đồ" dùng để chỉ sự đắc dụng của những người có kinh nghiệm từng trãi.
Còn câu "Ngựa Quen Đường Cũ" của ta thì lại ám chỉ "Những thói quen khó bỏ của ai đó hoặc của việc gì đó, thường là xấu hơn là tốt", như Cờ bạc, Rượu chè, Trai gái...
* "TÁM LẠNG NỬA CÂN" có gốc từ câu: Bán cân bát lượng 半斤八兩 . Một cân có 16 lạng, nên 8 lạng là nửa cân. Một đằng nửa cân, một đằng tám lạng, chỉ 2 lực lượng, 2 đối thủ, 2 thế lực, tương đương nhau, không ai hơn ai kém cả. Câu nầy có ý nghĩa giống như câu "Kỳ phùng địch thủ" vậy.
* "NHẸ TỢ LÔNG HỒNG" có gốc từ câu: Khinh ư hồng mao 輕於鴻毛. Theo Hán Thư của Tư Mã Thuyên đời Hán: Nhân cố hữu tử, hoặc trọng ư Thái Sơn, hoặc khinh ư hồng mao. 人固有一死,或重於泰山,或輕於鴻毛. Có nghĩa : Là người ai cũng phải chết, có cái chết nặng tợ Thái Sơn, có cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ý nói: Có cái chết rất có giá trị, có cái chết không có ý nghĩa gì cả. Trong tiếng Việt ta thì thường được dùng với ý nghĩa là "Không sợ chết": Xem cái chết nhẹ tợ lông hồng! Như một câu trong Chinh Phụ Ngâm Khúc:
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao!
* "ĐAO TO BÚA LỚN" có gốc từ câu: Đai đao khoát phủ 大刀闊斧. Câu nói nầy có xuất xứ từ truyện Thủy Hử của Thi Nại Am đời Minh. Ý chỉ: Dùng thực lực mạnh mẽ để tấn công cướp trại, nhưng "Đao To Búa Lớn" của ta hiện nay được sử dụng để chỉ sự khoát lác qúa mức, chưa biết có làm được việc gì không, nhưng lại sử dụng toàn những từ đao to búa lớn!
* "NGÀY THÁNG NHƯ THOI ĐƯA" có gốc từ câu: Nhựt nguyệt như thoa 日月如梭. Theo Tăng Quảng Hiền Văn của những năm Vạn Lịch đời nhà Minh thì câu nói nầy nói đầy đủ như sau: "Quang âm tự tiễn, nhựt nguyệt như thoa 光阴似箭,日月如梭" Có nghĩa: Thời gian qua mau như tên bay, ngày tháng qua mau như con thoi trong máy dệt vải. Câu nầy dùng để khuyên con em phải biết qúy giá trân trọng thời gian. Trong Kiều, cụ Nguyễn Du cũng đã viết:
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
* "NGÀN CÂN TREO SỢI TÓC" có gốc từ câu: Thiên quân nhất phát 千鈞一髮. Đơn vị đo lường xưa: 1 quân = 30 cân. Thiên quân là 1 ngàn quân = 30,000 cân mà chỉ treo lên bằng một sợi tóc. Ý chỉ đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy hiễm. Tương đương với câu "Ngàn cân treo sợi tóc" ta còn có câu "Chỉ mành treo chuông", câu nầy gần đây ít được người ta nhắc đến.
* "NẾM MẬT NẰM GAI" có gốc từ câu: Ngọa tân thưởng đãm 臥薪嘗膽 là Nằm ở trên gai cho đau mình mẩy, nếm mật cho đắng miệng mồm, để sống không yên ổn và để nhớ hoài thù hận như Việt Vương Câu Tiễn để cuối cùng cũng tiêu diệt được Ngô Vương Phù Sai trả cái mối hận vong quốc. Thành ngữ nầy của ta có nghĩa: Phải trải qua nhiều gian nan khó nhọc để hoàn thành một mưu đồ, một công trình hay một tâm nguyện nào đó. Trong bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi cũng có câu:
Đau lòng nhức óc, chốc đã mười mấy nắng mưa;
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối?!
* "UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN" có gốc từ câu: Ẩm thủy tư nguyên 飲水思源, chữ NGUYÊN 源 có 3 chấm thủy có nghĩa là Nguồn nước. Câu nói nầy có xuất xứ từ đời Bắc Chu của Dữu Tín trong Trưng Điệu Khúc: 落其實者思其樹,飲其流者懷其源. Lạc kỳ thực giả tư kỳ thọ, ẩm kỳ thủy giả hoài kỳ nguyên. Có nghĩa: Ăn trái đó thì nhớ đến cây đó; uống nước đó thì nhớ đến nguồn đó. Ta dịch thoát câu nói nầy thành: "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây; uống nước nhớ người đào giếng".
* "CHÂN TRỜI GÓC BIỂN" có gốc từ câu: Hải giác thiên nhai 海角天涯 lấy trong bài thơ Xuân Sanh của Bạch Cư Dị đời Đường Là:
春生何处暗周游, Xuân sanh hà xứ ám chu du,
海角天涯遍始休。 Hải giác thiên nhai biến thủy hưu.
Có nghĩa:
Mùa xuân đến từ đâu mà len lén đi chu du khắp cả chân trời góc bể rồi mới chịu thôi. Ý nói mùa xuân đến một cách âm thầm và phủ trùm lên mặt đất đến cả những nơi xa xôi nhất.
* "VẼ RẮN THÊM CHÂN" có gốc từ câu: Họa xà thiêm túc 畫蛇添足 là làm những việc dư thừa vô ích, thừa giấy vẽ voi một cách không cần thiết. Theo tích sau đây:
Một Đại Phu của nước Sở thời Chiến Quốc, sau khi làm lễ tế cáo trời đất xong, mới lấy một bình rượu ban tặng cho những môn nhân. Rượu chỉ có một bình nếu chia đều ra thì mỗi người chỉ nếm được có một chút mà thôi, nên có người đề nghị là tất cả cùng thi vẽ rắn, ai vẽ xong trước thì uống cả bình rượu. Tất cả đều đồng ý cùng vẽ. Có một anh chỉ trong một thoáng đã vẽ xong, thấy mọi người còn đang vẽ. Anh ta bèn vơ lấy bình rượu cười mà nói rằng: "Các anh vẽ chậm qúa, ta đã vẽ xong rồi, bây giờ vẫn còn kịp thời gian vẽ thêm 4 cái chân cho con rắn nữa!" Trong khi anh ta đang hí hoái vẽ thêm chân cho rắn, thì một anh khác đã vẽ xong, giựt lấy bình rượu trên tay anh ta bảo: "Rắn làm sao có chân được, ta đã vẽ xong rồi, cái mà anh đang vẽ không phải là con rắn nữa!" Mọi người đều cho lời nói của anh ta là có lý. Anh ta bèn tu một hơi hết bình rượu luôn. Cái anh chàng Vẽ Rắn Thêm Chân đành đứng ngẩn tò te ra mà chịu... thua !
* "SƯ TỬ HÀ ĐÔNG" có gốc từ câu: Hà Đông sư hống 河東獅吼 là Sư Tử của xứ Hà Đông rống lên. Theo tích: Bạn của Tô Đông Pha là Long Khâu Cư Sĩ Trần Qúi Thường có vợ là Liễu Thị người xứ Hà Đông. Mỗi lần Qúi Thường họp bạn có kỹ nữ múa hát. Liễu Thị ở cách vách cầm gậy gỏ vào vách mà hét lên thì bạn bè và kỹ nữ đều thảng thốt tan hàng, nên Tô Đông pha có thơ diễu rằng:
誰似龍丘居士賢, Thùy tự Long Khâu Cư Sĩ hiền,
談空說有夜不眠。 Đàm không thuyết hữu dạ bất miên.
忽聞河東獅子吼, Hốt văn Hà Đông Sư Tử hống,
拄杖落手心茫然。 Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên.
Có nghĩa :
Long Khâu Cư Sĩ giỏi ai hơn?
Đàm luận suốt đêm chẳng mỏi mòn.
Bỗng tiếng Hà Đông sư tử hống,
Giật mình gậy rớt dạ bồn chồn.
Từ đó về sau, hễ nhắc đến Sư Tử Hà Đông là người ta sẽ nghĩ ngay đến những bà vợ dữ!
* "CÁO MƯỢN OAI HÙM" có gốc từ câu: Hồ giả hổ uy 狐假虎威 có xuất xứ từ chuyện ngụ ngôn của nước Sở trong Chiến Quốc Sách như sau:
Sở Kinh Tuyên Vương hỏi quần thần: "Ta nghe nói các nước chư hầu ở Trung Nguyên đều rất sợ tướng Chiêu Hề Tuất của nước Sở ta, có đúng vậy không?" Quần thần không ai trả lời được. Giang Nhất tâu rằng: "Có một con cọp bắt được con cáo, định ăn thịt. Cáo nói với cọp rằng: "Ta là vua của các loài vật, Trời sai ta xuống cai quản muôn loài, nếu ăn thịt ta sẽ làm trái ý Trời. Nếu không tin nhà ngươi có thể đi theo ta thì sẽ thấy tất cả các con vật khác thấy ta đều sợ mà tránh xa ra cả!" Cọp tin lời đi theo sau cáo, muôn thú thấy cọp đến đều sợ mà chạy xa ra cả! Đó là vì sợ cọp chớ đâu phải sợ cáo. Nay nước Sở đất rộng 5 nghìn dặm, đại quân ngót trăm vạn, đều nằm trong tay của đại tướng Chiêu Hề Tuất. Chư hầu sợ là sợ cái uy của nước Sở chớ đâu phải sợ cá nhân Chiêu Hề Tuất đâu.
Nay câu thành ngữ Cáo Mượn Oai Hùm thường dùng để diễn tả những kẻ tiểu nhân cấp dưới, hay mượn uy và dựa hơi của cấp trên để hù hè chèn ép người khác.
* "DA NGỰA BỌC THÂY" có gốc từ câu: Mã cách khỏa thi 馬革裹屍. Câu nói có xuất xứ từ Hậu Hán Thư của danh tướng Mã Viện: "Làm trai phải chết ở chiến trường ngoài biên cương, lấy da ngựa mà bọc thây, chớ sao có thể chết ở trên giường với thê nhi được chứ?" Chỉ ý chí hào hùng của các chiến sĩ không màng đến cái chết để bảo vệ quê hương bờ cõi. Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc cũng có câu:
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
* "CHẲNG HẸN MÀ NÊN" có gốc từ câu: Bất ước nhi đồng 不約而同. Câu nói trong Sử Ký, Bình Tân Hầu chủ phụ liệt truyện: Ứng đối nhi giai động, bất mưu nhi câu khởi, bất ước nhi đồng hội. 史記·平津侯主父列傳:“應對而皆動,不謀而俱起,不約而同會。Có nghĩa: Ứng tiếng nhau mà cùng hành động, không có mưu tính trước mà cùng nổi dậy, không có hẹn trước mà cùng họp mặt nhau. Cụ Nguyễn Du đã viết về Mã Giám Sinh và Tú Bà như sau:
Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Mạt cưa mướp đắng hai bên một đàng.
* "MÔI HỞ RĂNG LẠNH" có gốc từ câu: Thần vong xỉ hàn 唇亡齒寒 là Môi mất đi thì răng sẽ bị lạnh, theo tích sau đây:
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tấn Hiến Công 晉獻公 của nước Tấn muốn đánh nước Hoắc 虢國, nhưng nước Ngu 虞國 lại nằm giữa hai nước. Tấn Hiến Công mới nghe theo lời của mưu thần là Tuân Tức, dùng ngọc quý và ngựa báu tặng cho vua nước Ngu để mượn đường đánh Hoắc. Vua nước Ngu thấy ngọc đẹp ngựa quý thì đồng ý ngay. Cận thần là Đại Phu Cung Chi Kỳ 宮之奇 can rằng: "Không nên, không nên! Nước Ngu của ta và nước Hoắc là 2 nước nhỏ liền nhau, nương tựa với nhau mà tồn tại, như môi với răng vậy, hễ môi hở thì răng lạnh, nên việc cho Tấn mượn đường để đánh Hoắc là việc không nên bao giờ, đại vương chớ khá nghe theo!" Vua Ngu vì tham của báu nạt rằng: "Tấn là nước lớn, nay lại hạ mình tặng ngọc quý ngựa báu để mượn đường, chả lẽ ta lại hẹp hòi mà từ chối hay sao ?" Cung Chi Kỳ bỏ ra buông tiếng thở dài: "Nước Ngu ta sẽ mất trong nay mai mà thôi!" Bèn dắt díu vợ con bỏ đi nước khác.
Qủa nhiên, sau khi tiêu diệt nước Hoắc, trên đường về Tấn Hiến Công bắt trói vua Ngu và nhập nước Ngu vào luôn nước Tấn của mình.
* "ĐẦU TRÂU MẶT NGỰA" có gốc từ câu: Ngưu đầu mã diện 牛頭馬面. Theo kinh Pháp Hoa Đầu Trâu vốn là Câu Hồn Sứ Giả chuyên đi bắt hồn người chết. Truyền sang Trung Hoa do phép trọng đối xứng của người Hoa nên mới có thêm một Mặt Ngưa nữa cho... đủ cặp. Mặc dù theo Phật Giáo Mật Tông cũng có một Mã Diện Minh Vương, nhưng đó lại là một Bồ Tát, mà lại là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát nữa, khác xa với câu hồn xứ giả dưới âm tào địa phủ. Trong tiếng Việt ta, Đầu Trâu Mặt Ngựa được dùng để chỉ những tay sai hung ác của quan quyền hoặc ác bá cường hào, chuyên hà hiếp, xách nhiễu, bóc lột người thường, như cụ Nguyễn Du đã miêu tả trong Truyện Kiều:
Người nách thước, kẻ tay đao,
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như xôi.
Còn rất nhiều rất nhiều những thành ngữ có liên quan đến hai nền văn học văn hóa Hoa Việt mà ta không thể nào nêu hết ra đây được, chỉ nêu lên một số câu thông dụng tiêu biểu mà thôi.
Rất mong những bài viết về CHỮ NHO... DỄ HỌC nầy cũng góp được một phần nhỏ nhoi trong việc nhắc nhở con em của thế hệ thứ hai thứ ba ở hải ngoại nầy nhớ về nguồn cội của ông bà và truyền thống văn hóa dân tộc của bốn ngàn năm văn hiến.
Mong lắm thay!
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét