Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

* Xin Được Làm Người Có Tội - Thuyên Huy


 Xin Được Làm Người Có Tội                         
(Để tặng đám bạn đã có thời làm PQT ở miền cao, mưa rừng gió núi của những năm 1974)

    Chiến cuộc cứ ngày càng tăng mà không thấy giảm, Kontum cũng không khác gì hơn, những ngày Quyền mới lên nhận chức còn sờ sợ chút đỉnh nhưng rồi thì, tiếng súng, tiếng bom, ngày cũng như đêm, từ miệt trên tam biên xuống hay dưới vùng biển mặn lên, xa phía rừng núi, gần bên chợ bên làng, nghe riết rồi quen tai, tập cứ phớt lờ đi như lời thiếu tá Hiếu, quận trưởng Đắk Tô, thượng cấp của Quyền, thì “mọi việc sẽ đâu vào đó.”  Quả đúng vậy, với Quyền, bây giờ thì “mọi việc đã đâu vào đó”. Chuyện đi lên đi xuống từ quận tới xã, từ xã lên quận, sớm đi chiều về, theo bên mình, hai ba anh lính nghĩa quân, súng mang đạn quấn, có cho vui, để chạy cho khỏi mấy vụ phục kích lẻ tẻ của đám du kích địa phương, chứ gặp quân bộ đội Bắc Việt thì, phó mạng số trời. Tuy nhiên còn may, chưa lần nào chạm họ, mặc dù ai cũng biết, không phải người thôi mà xe tăng đại pháo của họ đã có mặt cả một khu rừng tam biên từ lâu lắm rồi. Việc quân đoàn 2 của VNCH cho tăng cường lực lượng ở phía bắc Kontum, gồm cả quân tiếp vận từ dưới Bình Định lên, đóng bản doanh tại Tân Cảnh, chưa kể căn cứ bộ chỉ huy của trung đoàn 42 bộ binh gần ngã ba quốc lộ 14 và tỉnh lộ 512, quận nơi Quyền đang làm việc, xem ra có an ninh hơn và làm cho dân chúng yên tâm đôi chút.
    Trời đầu mùa hạ, rừng núi bớt sương mù, đã có nắng sớm và chút âm ấm, xuống tới xã Đắk Rơ Nga. Trời sắp vào giữa trưa, dân chúng, người lớn con nít đứng lố nhố bên ngoài cổng văn phòng xã. Lá cờ vàng vẫn còn rũ ướt hơi sương, tiếng một tiếng hai “ông phó” khi xe Quyền chạy vào sân; cả hai bác Nông, chủ tịch hội đồng xã và Hỹ, chủ tịch ủy ban hành chánh xã, cũng cái áo vết tông ở trên, cái khố phía dưới tươi cười, đi ra đón cùng một lúc, một số nhân viên theo sau lăng xăng chào. Đã xuống đây vài lần, nên Quyền quen mặt gần hết nhưng không thấy Đái Nguyệt Giêng, cô thư ký người thượng gốc Sedang lai Tây, anh Nho, tài xế mang súng M16 đi kế bên hiểu ý, dòm trước dòm sau, quay qua nhìn Quyền lắc đầu. Lần đầu xuống làm quen với xã ấp, sau ngày về quận này, Quyền xuống xã Đắt Rơ Nga trước nhất, một phần vì ở đây đang lộn xộn vụ tiền trợ cấp hồi cư, một phần có chút tò mò vì tại văn phòng quận, ai nấy đều xì xầm, ở dưới Đắk Rơ Nga có cô thư ký lai Tây đẹp lắm, còn độc thân.
     Quả thật, là dân miền nam, đi học mấy năm ở Sài Gòn, con gái thấy không biết bao nhiêu, mơ mộng cũng không biết bao nhiêu, Quyền đồng ý với thiếu tá Hiếu, Đái Nguyệt Giêng chắc nhỏ hơn anh chừng bốn năm tuổi, đẹp thật, cái đẹp nửa Thượng nửa Tây khó nói. Hôm đó, bác Hỹ , xã trưởng cứ tìm cách cho Giêng đi bên cạnh, khi Quyền thăm chỗ này chỗ nọ, trong văn phòng ngoài chợ xã, Giêng nói năng nhỏ nhẹ, không giống như bác Hỹ, giọng cô ta không pha tiếng Thượng chút nào. Ba của Giêng người Pháp, không biết vì lý do gì, gặp mẹ cô, rồi có Giêng, không may bà mất sớm. Trong một hôm mưa lũ, bà bị đất lỡ chùi xuống cái đường mòn, dọc theo ven sườn đồi, quanh con suối nhỏ, nơi bà vừa nhổ khoai mì về, đè chôn hơn hai phần ba người, bà chết cái gùi còn dính chặt trên lưng, người đi rẫy khiêng bà mang về làng. Giêng chưa đầy hai tuổi, bác Hỹ, lúc đó chưa làm xã trưởng, tội nghiệp con nhỏ, vài người muốn đem Giêng về nuôi, nhưng bác Hỹ đứng ra nhận trước, giao cô cho người em gái góa chồng nuôi. Giêng học trường tiểu học Đắk Rơ Nga rồi ra Kontum học trung học, tới cuối năm đệ tứ thôi không học nữa, và được cho vào làm thư ký xã. Mộ mẹ cô chôn ở khu đất sau lưng cái nhà làng của buôn, mấy năm lớn lên, khi biết gốc gác mình, hình như nấm mộ đó thường có nhiều hoa quả. Trở về lại quận, từ ngày đó, Quyền chợt dưng thấy có cái gì nhớ nhớ, bước đi bước ở trong lòng và cảm thấy vui vui, khi có ai đó nhắc tới cô thư ký lai Tây ở Đắk Rơ Nga.
    Buổi họp, bàn giải quyết việc hồi cư cho một số gia đình ở xã, kết thúc tốt đẹp; hai bên chính quyền dân chúng đều hài lòng. Mọi chuyện xong xuôi, trời cũng lưng lửng quá xế trưa, không mưa nhưng nhiều mây nên chiều có vẻ muốn đi ngủ sớm, dân lục đục kéo nhau ra về, trong phòng họp chỉ còn nhân viên xã và hai bác chủ tịch, mấy người lính đi theo, tụm ba tụm năm, hút thuốc, tán gẩu, bên chiếc xe jeep, ngoài sân chờ. Quyền ngồi nói chuyện với bác Nông cuối phòng, nhưng mắt nhìn quanh tìm Giêng, chưa gặp được nên cứ nấn ná không muốn về. Anh Nho tài xế tự nãy giờ đứng nhỏ to gì đó với bác Hỹ, xã trưởng, bỏ đi lạị cho biết, sáng nay Giêng xin phép đi ra chợ quận mới vừa về tới, Quyền gật đầu cười, bác Nông cười theo. Từ lối cửa sau của văn phòng xã, Giêng đi lên, bẽn lẽn chào Quyền, rồi đứng nép qua một bên, ngó lại bác Hỹ theo sau như chờ cái gì đó. Bác Hỹ chậm rãi “mời ông phó ở lại uống chút rượu rồi mới về, cô Giêng và mấy chị trong xã lo chuyện nấu nướng hết rồi.”  Quyền chưa kịp trả lời thì có tiếng ai đó rè rè, gọi trong máy truyền tin gắn trên xe ngoài sân; một người lính chạy ùa vào nói lớn “thiếu tá hỏi ông phó về chưa.” Trong văn phòng, không ai nói gì, cùng nhìn Quyền chờ đợi, Quyền bảo anh lính trả lời “nói thiếu tá đừng lo, đang chuẩn bị đi”, rồi ngó qua Giêng. Cô nàng thẹn thùng nhìn xuống. Một lần nữa, Quyền chợt thấy lòng mình xôn xao, anh gật đầu ở nán lại. Bác Hỹ rối rít hai tiếng “cám ơn” rồi quay qua Giêng “thôi chạy đi nói mấy người kia sắp xếp đi con, ông phó ở lại ăn cơm với mình.”  Giêng dạ một tiếng nhỏ rồi bỏ đi. Quyền nhìn theo, cười mà không biết tại sao. Anh Nho tài xế đi ra cửa,  hỏi “mình ở lại hả ông phó”, mà không cần nghe câu trả lời.
    Cũng theo lệ làng, Quyền ngồi xếp bằng, nối thành một vòng tròn cùng với hai bác Nông, Hỹ, trên mấy tấm chiếu bông lớn trước sân văn phòng xã, chính giữa đặt thức ăn, thịt gà thịt heo gì đó, cái tô hột gà luộc trắng bóc dành cho khách quý, rau cải đủ loại và cái bình đựng “rượu cần” cao gần nửa người ngồi, có cái ống hút cong, lớn bằng ngón tay dài ra tới chỗ người ngồi. Mấy người lính đi theo Quyền, mấy anh chị nhân viên còn lại và đám con gái dân xã trong đó có Giêng, lăng xăng vòng ngoài khi ngồi khi đứng, ở một phía góc tường dăm ba ống cây lồ ồ đựng nước dựng cao tới mái nhà . Mấy người lính đi theo ngồi sau lưng, nhìn Quyền rồi nhìn nhau ái ngại, đi theo anh từ đó tới giờ, trong quận, lớn nhỏ gì cũng biết Quyền không uống được một giọt rượu nào, kể cả bia mà bọn họ thường uống. Rượu cần của người Thượng, mới uống vô thì ngọt nhưng say hồi nào không ai biết, nhưng khổ một nổi, người Thượng có tục lệ hễ được họ xem như khách quý, nhất là với Quyền, khi đã mời thì không từ chối được, vì nếu từ chối là không thương họ, họ sẽ không thương lại, mà không thương thì không nghe, mà không nghe thì không theo phe mình. Quyền không còn cách nào tránh né hay từ chối, thôi thì tới đâu hay tới đó, nếu có say thì cũng không đến nổi chết, vẫn còn có mấy người lính lo cho.
    Trời bớt nắng, có phần mù mờ đôi chút nhưng vẫn còn sớm, Quyền bảo mấy người lính ăn uống qua loa rồi cáo từ. Nhờ anh Nho tài xế, rù rì gì đó với Giêng, bác Hỹ kéo cái tăm đo mực rượu ngắn, nên Quyền uống đầu tiên thấy khỏe ru. Từ đó lần lượt  xoay vòng, chắc cũng năm sáu vòng rồi, lại tới lần Quyền đưa cái ống hút cho bác Nông.  Ông  vừa cầm lấy, súng đủ loại lớn nhỏ, bổng dưng nổ liên hồi xa xa miệt trên đường về Tân Cảnh. Ai nấy đều ngưng mọi việc, nhìn nhau lo lắng không biết chuyện gì.  Chập sau có anh lính nghĩa quân của xã, chạy xe Honda hớt hơ hớt hãi tới. Mọi người trố mắt chờ. Anh thở hổn hển, tiếng mất tiếng còn, cho biết, quân Bắc Việt đụng độ với toán quân của trung đoàn 42 Bộ binh VNCH từ xã Đắk Trăm về. Hai bên đánh nhau dữ dội, đường đi Tân Cảnh bị chặn rồi, không biết chừng nào mới qua được. Bác Hỹ nhìn Quyền lắc đầu, Quyền cũng chưa biết làm gì. Anh tài xế Nho và mấy người lính đi theo, đứng dậy chờ. Bác Hỹ cũng như bác Nông buột miệng “thôi ông phó ở lại đêm nay, có tụi tui lo, sáng mai về.” Quyền đưa mắt nhìn họ “thôi cứ như vậy đi.”  Mọi người lại ngồi xuống, tiếp tục bữa ăn. Bình “rượu cần” được đổ thêm nước từ các ống cây lồ ồ mấy lần nữa, tiếng người cười nói nghe rõ hơn tiếng súng trận.
    Tiếng súng thưa dần, trời chạng vạng tối, ngậm ống cần hút chưa kịp uống, Quyền ngã bật người té ngữa ra sau, mắt lờ đờ, mặt trắng xanh không còn chút máu. Anh Nho tài xế đở Quyền ngồi dậy chưa nửa người thì anh đã mửa ra đầy cái áo lính mà anh mới đưa cho Quyền mặc vào sợ lạnh, đầu Quyền gục qua một bên. Ai nấy quýnh quáng vây quanh, Giêng ngồi xuống kế bên, nắm lấy hai bàn tay của Quyền, nhìn Nho nói: “tay ông phó lạnh quá anh ơi”, rồi bỏ chạy đi. Nho nói với theo “ông phó say rượu thôi, chắc không có sao đâu”. Mấy người lính khiêng Quyền lên xe jeep, chở đưa qua trạm y tế xã, gần bên kia ngã ba đường. Đám dân làng phụ ăn uống, tay cầm đuốc chạy lấp xấp theo, sáng hơn cả ánh đèn điện vàng vỏ ở đầu đường. Chị y tá xã phụ họ để Quyền nằm trên cái giường bệnh, tấm trải giường còn trắng tinh trong phòng trong, đèn sáng. Giêng trở lại với bác Hỹ, tay cầm mớ lá cây rừng, bác Hỹ dặn dò cô gì đó rồi bảo mấy người lính “thôi mấy anh về ngủ tạm bên văn phòng xã đêm nay, có hai cô này lo cho ổng được rồi”, rồi bỏ đi ra trước. Đám người dân cầm đuốc bên ngoài, tản ra thưa dần. Đêm tối đen, vài tiếng chim kêu rã rời đâu đó ngoài bìa rừng, trời lặng yên, không có tiếng súng.
    Gần khuya, Quyền vẫn chưa tỉnh rượu, hai người nhìn nhau lắc đầu, chị y tá xã đứng ngồi không yên, có ý muốn về nhà; cùng lúc đó ngoài đường, toán lính nghĩa quân xã tuần đêm đi qua ngang, chị bước ra ngoài cửa, cầm cây đuốc còn lửa, chào Giêng về trước, lặng lẽ theo sau toán lính khi nãy, một khoảng không mấy xa, không ai nói tiếng nào. Chị y tá xã đi rồi, còn lại một mình, Giêng ngồi ở một góc phòng nhìn Quyền co quắp người qua một bên giường, bổng dưng thấy vui, Giêng mỉm cười một mình. Đâu đó xa xa, có tiếng đại bác vọng về từng chập một, mù mờ sương rừng bắt đầu xuống, đường làng vắng rợn người, ngọn đèn điện vàng trong bệnh xá tắt tự nãy giờ. Trong phòng, giữa màn đêm đục màu lặng thinh, đôi lúc, có tiếng “ông phó, Giêng” lập lại kéo dài, đứt quảng rồi ngưng bặt. Đêm đó, Giêng đã vui lòng cho đi đời con gái một cách trọn vẹn, với ước mơ thầm kín đầu đời, chưa biết sáng mai này sẽ ra sao, nhưng không có gì hối tiếc.
    Thiếu tá Hiếu cản không cho Quyền đi Đắk Rơ Nga, mặc dù ông đã biết chuyện của Quyền ở lại đêm tại xã này hai ngày trước, vì tình hình mấy hôm nay căng thẳng quá, từ từ rồi tính, rũi ra có việc gì thì ân hận. Quyền thờ thẩn đứng ngồi trông ngóng. Thật vậy, ngày 23 tháng 4 năm 1972 quân Bắc Việt hơn hai sư đoàn cộng với quân thiết giáp bắt đầu tung quân tấn công Tân Cảnh bằng những trận mưa pháo ác liệt và cả hỏa tiển Sagger 13. Ở ngoài không ổn, thiếu tá Hiếu cùng sĩ quan các ban và Quyền phải chạy vào bên trong căn cứ; chiến xa M41 của VNCH nằm ở các vị trí phòng ngự bị trúng đạn tê liệt; hệ thống truyền tin cũng không còn gì nữa. Khoảng 2 giờ sáng ngày 24 tháng 4 năm 1972, chiến xa T54 của quân Bắc Việt vây chặt, căn cứ Tân Cảnh và quận Đắk Tô thất thủ. Thiếu tá Hiếu và một số sĩ quan của sư đoàn 22 Bộ Binh VNCH, thoát được ra ngoài, một số lớn đã bị bắt làm tù binh, trong đó có Quyền.
    Theo đoàn người chạy nạn bỏ Đắk Rơ Nga, bỏ Đắk Tô, Bác Hỹ xã trưởng, đem gia đình và một số người bà con, có cả Giêng, dắt díu nhau về tới thị xã Kontum mấy ngày sau rồi ở lại đó. Suốt năm, bác Hỹ, Giêng không ngừng tìm hỏi tin tức về Quyền, cuối cùng họ gặp một anh sĩ quan của trung đoàn 42, sống sót khi thoát được khỏi căn cứ Tân Cảnh, anh bị thương nặng, do bên tiểu khu Kontum tìm giùm, cho biết Quyền bị bắt đêm đó.  Giêng khóc không biết bao nhiêu mà nói, bỏ ăn bỏ ngủ, mẹ nuôi, vợ chồng bác Hỹ khuyên lơn, an ủi lời nọ lời kia, riết rồi cũng mỏi mệt. Mùa hạ năm sau, Giêng sinh con, thằng bé trai bụ bẩm, tên đặt Đái Tân Cảnh, nơi sinh Đắk Rơ Nga, cha vô danh, mang họ mẹ trên giấy khai sanh.
    Lưng chừng tháng 3 năm 1975, Giêng bồng con cùng gia đình bác xã trưởng Hỹ, một lần nữa, theo đoàn người di tản, rời Kontum Pleiku xuôi nam, sau khi quân VNCH triệt thoái bỏ cao nguyên.  30 tháng Tư,  ngày hai mẹ con Giêng vào tới Sài Gòn thì Sài Gòn không còn nữa, miền Nam đã mất sau mấy tháng dài chiến trận khốc liệt, cũng là ngày Quyền được thả ra, từ đâu đó ở Khe Sanh gió mùa. Trội giạt giữa dòng người xa lạ, súng trận cây rừng, Quyền nhớ ray rứt, nhớ quặn thắt cái đêm tội tình ở Đắk Rơ Nga suốt những ngày tù tội, bao lần muốn tìm lại chốn cũ, gặp Giêng nhưng cũng đành bỏ cuộc, rồi về tới Đà Nẵng Sơn Chà, len lỏi theo đám tàu của dân đánh cá ven biển ra khơi, được tàu hải quân Mỹ vớt, đưa vào đất Phi Luật Tân, mang theo mình “chuyện một đêm” ngày đó, bỏ lại Sài Gòn sau lưng một nỗi buồn, buồn xa xăm buồn vời vợi. Nhờ gặp lại một người quen làm rừng hồi còn ở Quảng Đức, bỏ về Sài Gòn từ lâu, giờ có quen biết gì đó với anh em người chủ tịch xã mới, bác Hỹ đem gia đình và mẹ con Giêng về Thạnh An, ngay mé cửa Cần Giờ, xây cái nhà tranh nhỏ, đủ có chỗ ăn chỗ ở trên miếng đất khô, bên cạnh con rạch nhỏ chảy ra biển, theo dân làng ở đây, chài lưới bắt cá bắt tôm, trồng khoai trồng mía, chở ngược về chợ Cầu Ông Lãnh bán.
    Dân làng bắt đầu bàn tán xì xầm chuyện vượt biên, trong mấy tháng qua, đã có mấy chiếc tàu đánh cá biển, chở đông người, lớn nhỏ ra đi từ Thạnh An, có những lần biển động, họ ở lại tại đây cả đêm chờ, lân la hỏi dân quanh chỗ tàu đậu, chuyện này chuyện kia, có khi họ cho lại dân, cả chục cả trăm đồng tiền mới mang theo người. Một đêm tháng 3 năm 1982, giữa nhóm người vượt biên từ Sài Gòn ra, lố nhố chen chúc nhau, trong bóng đêm, lờ mờ ánh trăng khuya bàng bạc, Giêng đẩy thằng Tân Cảnh theo lên chiếc tàu đậu tại đầu con rạch chờ. Thằng nhỏ nhìn lại ngơ ngác, Giêng nói vói theo “đi nhớ cẩn thẩn nghe con, mẹ không sao đâu, ráng nghe lời người ta”, nước mắt đầm đìa. Đâu đó vắng tanh, sông nước lặng thinh, chiếc tàu lừ đừ theo ánh đèn của cái ghe câu nhỏ ai đó đi trước, ra khơi, Giêng bật khóc sướt mướt “con tôi, Cảnh ơi, con ơi”. Trời còn thương, tàu đến trại tỵ nạn Galang, lên đảo, thấy thằng nhỏ bơ vơ một mình, khóc nhiều ít nói tội nghiệp, vợ chồng một người dược sĩ trẻ, gia đình có tiệm thuốc tây trên đường Nguyễn Văn Thoại, gần cư xá Nguyễn Văn Thoại, thêm tên vào tờ khai cho nó khỏi lẻ loi và tạm có nơi ăn chốn ở. Rời trại, vơ chồng người dược sĩ đi Mỹ hôm trước, được một hội nhà thờ bảo lảnh, thằng Cảnh theo họ qua Úc vài ngày sau.
*
    Sáng chủ nhật, đã vào hạ, mặt trời lên thật sớm, trời hâm hấp nóng từ giữa khuya, vừa uống ly trà xong, loay hoay định thả bộ qua bên kia sông, xem mấy anh người Việt câu cá, tán gẩu cho vui, thì ông Keith Herten, người đở đầu cho Quyền xin được việc tại văn phòng Trợ giúp luật pháp ở Parkville, chỗ hiện đang làm, điện thoại gọi Quyền lên nhà ông, vì có người mẹ của Cảnh, bên Việt Nam qua, Cảnh là thằng nhỏ trai mà ông bà nhận nuôi, từ hội nhà thờ khi nó mới đến Úc gần hai năm nay, ông vừa đón từ phi trường Tullamarine về nhà, một công hai chuyện, ăn trưa và thông dịch giùm trong việc điền một số giấy tờ cần thiết. Quyền quen ông Keith, một sáng đầu đông, khi xe buýt chở toán người từ Phi cả trăm mạng, lớn nhỏ tới khu nhà cư xá dành cho người tỵ nạn ở Wiltona Hostel, vì nằm ở một khoảng đồng trống lại gần biển nên trời ở đây lạnh ngắt, lạnh run cầm cập, lúc đó ông cùng nhóm người của hội nhà thờ Basilica of Our Lady of Victoria ở Camberwell xuống, mang theo quần áo, mùng mềm, thuốc men, sữa cho trẻ em, và mấy thứ đồ dùng lặt vặt khác, phân phát cho. Ông Keith lựa ra cái áo lạnh còn khá tốt đưa cho Quyền, cho tới giờ này Quyển vẫn còn mặc, hỏi qua hỏi lại, vì là người nói được chút ít tiếng Anh, nên Quyền trở thành thông dịch viên “bất đắc dĩ”cho nhóm ông.
    Từ hôm đó, ông Keith, là quản gia trông coi nhà thờ, có lần lái xe mang theo cả gia đình xuống cư xá thăm Quyền cũng như thỉnh thoảng đón anh về trên nhà ông, đường Denmark Hill, Camberwell, cách nhà thờ Basilica một ngã tư đường Burke. Khi Quyền dọn ra mướn nhà ngoài ở khu Essendon, ông bà đã mang xuống cho đủ thứ, từ bàn ghế, tủ lạnh, tới chén muỗng, lò sưỡi, nồi chảo. Dần dà một số người Việt qua trước, có đạo, đâu đó miệt phía Đông, vợ chồng con cái rủ nhau đi lễ mỗi Chủ Nhật hàng tuần khá đông, Quyền lại kiêm công việc dịch tiếng Việt và đánh máy cho nhà thờ, mấy cái thư từ hay thông báo giờ giấc, khi ông Keith gọi tới. Sau ngày có việc, bận phải đi làm, cộng với chuyện học thêm, Quyền không thường lên trên nhà ông Keith lắm, nhưng vẫn tiếp tục làm cái việc đã làm khi ông Keith cần. Một vài lần Quyền có gặp thằng Cảnh ở đó, sau ngày ông bà Keith nhận nó về nuôi, trông nó cũng khá dễ thương. Vì khá bận, lúc nào tới cũng vội cũng vàng, nào là việc làm, đôi khi phải ở lại trễ, nào là việc học, Thứ Bảy Chủ Nhật có khi đi làm thêm ở cái siêu thị Cole gần nhà vài giờ, nên chưa có dịp nói chuyện với nó nhiều, chào hỏi đôi câu rồi thì đôi khi cũng không nghĩ tới.
    Xuống xe điện, lửng thửng thả bộ về phía nhà ông Keith, giữa trưa, nắng hừng hực nắng, chưa đủ nóng như thiêu như đốt nhưng cây cỏ hai bên đường xem ra có phần khó chịu, dù vẫn còn ươn ướt dăm ba giọt nước như sương mà chủ nhà ai đó đã tưới từ buổi sáng. Phải đi hai ba chuyến xe từ Essendon, lại bị chuyến xe lửa ở ga chính Flinders chạy không đúng giờ, nên Quyền tới hơi trễ. Qua khúc quanh nhỏ, ngó lên, ông bà Keith cũng vừa đi xuống, có lẽ hai người định ra ngoài đường Burke xem sao, Quyền cười trừ. Hai người cười theo, trở lên nhà, cũng là lúc Jacquie, cô con gái lớn của ông bà Keith, học năm chót luật ở trường đại học Melbourne đi ra sân, “cho biết bữa ăn trưa đã sẵn sàng rồi”.
    Bàn ăn còn trống, bà Keith bỏ vào nhà bếp, ông Keith kéo Quyền ngồi xuống trước, rồi lớn tiếng gọi ra phía sân sau, Quyền nhìn ra, Cathy, em gái Jacquie, đi trước, cười ngặt nghẽo, tay làm dấu, chỉ chỏ gì đó cho hai mẹ con thằng Cảnh, có cả Jacquie đi sau. Khi cả nhóm bước vào nhà, Quyền đứng bật dậy, đẩy cái ghế ngã xuống sàn nhà sau lưng, nhìn Giêng chết trân, buột miệng “trời ơi, Giêng đây sao”, Giêng đứng yên, bật khóc thành tiếng “ông phó.” Thằng Cảnh trố mắt nhìn mẹ, lắc lắc tay Giêng gọi “mẹ mẹ.” Bà Keith từ trong nhà bếp nghe khóc, chạy vội ra phòng ăn. Cả nhà ông Keith, trố mắt nhìn hết Quyền rồi Giêng, không ai nói gì, lo lắng chờ. Quyền ngồi xuống ghế lại, mắt đỏ hoe. Ông Keith thủng thẳng đứng lên, bước tới bên cạnh Giêng, nhìn về phía Quyền hỏi “bộ hai người biết nhau trước đây hả?” Quyền gật đầu mà không nói. Bữa ăn xong, sau câu chuyện “một đêm hè ở trạm y tế xã Đắk Rơ Nga” kết thúc, ngậm ngùi, vui chưa đuổi được buồn, thằng Cảnh là kết quả của “chuyện một đêm” hôm đó. Giêng lại khóc lớn, khóc sụt sùi, giọng đứt quảng, kéo thằng Cảnh tới sát gần bên chỗ Quyền bảo “thưa ba đi con.” Thằng nhỏ ngớ người ra, bật khóc theo mẹ, vòng tay “dạ thưa ba,” Ông bà Keith không biết ất giáp gì, lo lắng hỏi đi hỏi lại “chuyện gì xãy ra vậy.” Quyền đứng lên, ôm chặt thằng nhỏ trong tay, rưng rưng “ anh xin lỗi Giêng, ba xin lỗi con”.
    Trời cũng vừa dịu nắng, chiều thấp thoáng xuống đâu đó ngoài sân, Quyền cùng mẹ con thằng Cảnh theo gia đình ông bà Keith qua nhà thờ đi lễ chiều Chủ Nhật. Thằng nhỏ xem ra “quen nước quen cái” nên lăng xăng nắm tay Giêng chỉ cái này cái nọ. Quyền ở ngoài cửa chánh tòa nhìn vào trong, hai mẹ con đứng bên cạnh ông bà Keith. Chuông bắt đầu thong thả đổ, có tiếng cha xứ Ford chào. Giêng bỡ ngỡ nhìn ra, Quyền gật đầu cười, vụng về bắt chước người xem lễ bên trong làm dấu thánh giá, lúng ta lúng túng của một người ngoại đạo và hai tiếng Amen. Trên chuyến xe điện về nhà đêm hôm đó, hẹn trở lại đón hai mẹ con, nhìn cây thánh giá cao, lung linh sáng trên nóc gác chuông nhà thờ, Quyền thì thầm từng tiếng một “lạy Chúa xin cho con được làm người có tội”.

Thuyên Huy
Mượn một số địa danh thật, tình tiết và nhân vật được viết bằng tưởng tượng.
   
   
   
   



Không có nhận xét nào: