Tác giả Hoàng Đằng
HẠNH PHÚC & CẠM BẨY
Truyện ngắn của Hoàng Đằng
Thời trai trẻ, cụ Hoành đi theo Việt Minh, tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi sau năm 1954 ra Bắc. Sau ngày 30 - 4 - 1975, cụ cùng vợ con về sống với làng xóm.
Khác với một số người có theo cách mạng, sống trong cộng đồng, thường ra vẻ “ta đây” kể công “đuổi Mỹ đánh nguỵ”, cụ Hoành không bao giờ, cụ sống chan hoà với mọi người. Tuy nhiên, những gì riêng tư của cụ thì không ai biết dù có người, do tính tò mò, cố dò hỏi, tìm hiểu. Thậm chí bà con thân thuộc cũng thắc mắc không biết cụ đã từng làm việc gì và giữ chức gì mà nay tuổi cao về nghỉ, cụ lãnh tiền hưu lớn đến thế – nghe nói trên mười triệu đồng mỗi tháng.
Năm ngoái, cụ bà mất do già yếu bệnh tật, cụ sống với người con trai út làm viên chức nhà nước.
Cụ có bản tính năng động, thích giao lưu; ngoài thường xuyên dự các buổi họp làng, họp họ, bàn việc tu sửa các cơ sở thờ phượng bị hư hỏng do chiến tranh, việc cúng tế thần linh tiên tổ hàng năm để tri ân, cầu an, cụ còn sinh hoạt trong rất nhiều hội đoàn: đảng bộ cơ sở, hội người cao tuổi, hội hưu trí, hội cựu quân nhân, câu lạc bộ thơ...
Cụ cho biết quan điểm:
- Tham gia hội họp, sinh hoạt hội đoàn vừa tiêu phí thời gian nhàn rỗi, vừa với tư cách và vai trò của một đảng viên nhiều tuổi đảng, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự địa phương.
Các bạn đồng hội, đồng đoàn cảm thương hoàn cảnh đơn chiếc của cụ. Ai cũng thì thầm, hít hà:
- Dù tiền bạc không thiếu, cụ Hoành thiếu tình cảm, tội nghiệp!
Mà đúng vậy; đêm về, thằng con út cụ cùng vợ con nó vô phòng riêng đóng cửa lại; cụ một mình bên ngoài, xem TV xong, lên giường, nằm, gác tay lên trán; trong cảnh vắng vẻ, cụ buồn vui không biết san sẻ cùng ai. Lắm lúc, đang nằm, cụ gượng người dậy, ngồi, rồi lần đến bên bàn thờ cụ bà, đốt que hương, nhìn chằm chằm ảnh cụ bà – cái ảnh qua photoshop trông rất hiền thục; nỗi niềm thương nhớ chạy từng luồng trong con người cụ; rồi cụ lủi thủi trở về giường, thở ra thở vô như tiếc nuối cuộc sống hạnh phúc của mình đã vụt tắt.
*
Dạo này, các bạn đồng hội, đồng đoàn đưa ra lời thuyết phục cụ nên “đi thêm bước nữa”; người này lý luận: “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”; người nọ giải thích: nào là con trai thì yêu thương vợ nó, con gái thì yêu thương chồng nó, ai yêu thương cụ! nào là khi trở trời trái gió, the da nóng chắc, có nhiều việc riêng, mà dù cụ có nhờ và con cái có làm giúp cũng chỉ cực chẳng đã, chi cho bằng vợ với chồng, chỉ có vợ mới làm những việc “tế nhị” ấy chu đáo ...
Đất có khô đến mấy mưa lâu cũng thấm; những lời khuyên ấy, cụ nghe, thấy có lý; tâm hồn cụ máy động xúc cảm trở lại; nhưng nếu tỏ thái độ bằng lòng ngay, cụ sợ bị thiên hạ bêu giếu là ông già “rửng mỡ”, “mất nết; cụ giả bộ than thở:
- Tui già quá rồi, còn “mần” chi được nữa mô mà lấy vợ, cặp đôi!
Nghe vậy, một cụ chừng bằng tuổi cụ trong hội người cao tuổi góp ý:
- Răng mà nói không còn “mần” chi được, con người chỉ hết “mần” khi tim hết đập, máu hết chảy. Mà lo chi, không “mần” được việc ni thì “mần” việc khác; trong đời sống lứa đôi, thiếu chi việc để “mần”, cùng lắm thì “trẻ mần cấy mần giông, tra mần ông mần mụ”!
Họ mai mối cho cụ nhiều phụ nữ “rảnh tay” mà từ ngữ vùng này gọi là “cụt đọt” – chết chồng, ly dị chồng, lỡ thì.
Với những bà trên 50 tuổi, cụ từ chối, viện cớ:
- Tui đã già, đem thêm một bà già nữa về trong nhà; lão thì bệnh, quy luật là thế. Khi cả hai đều bệnh, thì nhờ ai săn sóc đây. Không được, không được!
Giọng cụ vừa ngoay ngoảy vừa vung văng vừa thẳng thừng không làm cho những người mai mối thất vọng mà qua đó, họ đoán biết ông già này đúng là “ông già gân”, còn thích “cỏ non”. Thôi được... Có đó!
*
Hội người cao tuổi làng này rất “chịu chơi”; đừng tưởng tuổi già là kèm theo vẻ đạo mạo! Mỗi lần, hội họp xong, các cụ ông cụ bà ít khi chịu về nhà ngay với con, cháu, chút, chít mà rủ nhau đi hát karaoke.
Cô Lài, chủ quán karaoke đầu làng, mới khoảng 40 tuổi; không phải là người địa phương, cô, nghe nói, từ một tỉnh nào trong Trung Trung Bộ ra đây thuê nhà mở hàng kinh doanh; dân địa phương thấy cô sống một mình, cứ nghĩ cô độc thân, chứ biết đâu cô có chồng có con trong quê!
Nhan sắc cô hấp dẫn, giọng hát cô tình tứ; khách nào muốn “hát karaoke ôm” cô cũng sẵn sàng. Mấy cụ trong hội người cao tuổi vào hát, thường mời cô tới... hát cùng; cụ Hoành luôn được sắp xếp ngồi gần cô Lài; ban đầu, cụ bẽn lẽn, sắc mặt thay đổi, cử động luống cuống; còn cô Lài cứ xích sát vào cụ, cất tiếng hát não nùng: “Đừng để em một mình ... Đừng bỏ em một mình ... Trời lạnh quá ... Trời lạnh quá ... Sao đành bỏ em một mình...” (1); những âm điệu lời hát của cô Lài vang lên, ngọt ngào như mật rót vào tai, níu kéo cụ Hoành; rồi cụ ngây ngất, ngửa người dựa vào ngực cô Lài.
Sau đó ít lâu, cụ Hoành, nếu rảnh, sáng chiều kêu “xe ôm” chở tới quán, nghe cô Lài hát và trò chuyện.
Tình yêu nam nữ đã sống lại mãnh liệt trong tâm hồn, cụ Hoành cố gắng chỉnh trang cơ thể để ra vẻ trẻ trung; râu, mặt luôn cạo nhẵn nhụi; đi đứng luôn ưỡn người để uốn thẳng lại cái lưng đã còm; thỉnh thoảng, dịp cuối tuần, cụ vào các siêu thị tìm đến các quầy mỹ phẩm mua những loại nước hoa “ngoại” đắt tiền, mỗi lần đi ra ngoài, cụ không bao giờ quên ria mùi thơm rải đều lên người.
Dạo này, ai khen cụ trẻ lại, hồi xuân lại, cụ mừng lắm, cười, nhe hai hàm răng trắng bóng đều đặn do vừa mới trồng và cạo sạch cao. Cụ và cô Lài bên nhau đã có phần nào cân đôi vừa lứa, không còn lộ rõ sự cách biệt về tuổi tác như lúc mới quen.
Chiều chiều, đóng quán sớm, cô Lài đưa xe máy tới đón chở cụ đi chơi, cô lái xe, áo hở ngực, váy ngang đùi, cụ ngồi sau, quần short trắng, áo pull xanh lá cây; xe cứ tìm chạy vào những con đường vắng; những tiếng thì thầm “mình ơi, ơi mình” qua về, những nhịp đập rộn ràng từ tim của người này người kia có thể nghe rõ; đừng lầm ai già rồi thì mắt cũng mờ, tai cũng điếc! Nơi người cụ Hoành, cái dây thần kinh thính giác, xưa nay bị liệt do tuổi tác không nghe được, giờ có hơi đàn bà cũng hồi sinh.
Ngồi xe mệt, hai người vào phòng trọ, thuê giờ... nghỉ ngơi; cô Lài tỏ ra là người từng trải: cô dựng xe máy trước phòng trọ bao giờ đầu xe cũng xoay ngoài, còn đuôi xe xoay trong, không cho người thân quen, do tình cờ, thấy biển số xe.
*
Cụ Hoành nhờ đứa cháu gọi bằng bác, lên quầy bán xe máy, chọn mua một chiếc “xịn”; chiếc xe sơn màu mỡ gà có chạy những sọc màu hồng; cụ quyết định tập đi cho được để trong một thời gian ngắn nữa cụ sẽ lái đèo cô Lài cho thuận lẽ đời – ai đời cứ để người phụ nữ “cầm cương” hoài, ôốc dộôc lắm!
Chiều hôm ấy, cụ nhờ đứa cháu đưa xe lên quốc lộ tập. Ban đầu, đứa cháu cầm lái, cụ ngồi sau, người hơi chồm phía trước; đứa cháu hướng dẫn cụ bấm nút nào để nổ máy, nhích cần số thế nào để khởi động xe, nhả ga đạp phanh thế nào để dừng xe. Cụ chăm chú nghe. Cụ thấy cũng dễ thôi, nhủ thầm: “Không có việc gì khó... Thiên hạ lái được thì mình lái được”.
Đứa cháu cầm lái, chạy khoảng vài chục cây số, ngoái cổ hỏi cụ:
- Giờ bác lái được chưa?
Cụ Hoành trả lời không chút do dự:
- Dễ ẹc, có chi mà lái không được, để đó cho bác!
Đứa cháu tạt xe về bên lề đường, dừng. Cụ Hoành loay loay, ngồi vào yên, hai tay nắm guidon, đứa cháu cẩn thận ngồi sau, sát vào cụ, có ý nếu cụ lỡ động tác nào thì chỉnh ngay.
*
*
Không biết cụ bấm nút gì, tay vặn chỗ nào, chân đạp chỗ nào mà chiếc xe vụt chạy ra giữa đường, ngung ngăng, chạy theo đường zigzag; một chiếc xe ô-tô tải đang chạy ngược chiều, trên đường trường với tốc độ cao, vụt chồm tới.
“Rầm”... một âm thanh khủng khiếp do va chạm mạnh vang lên cùng nhiều âm thanh lẻng kẻng khác. Chiếc ô tô tải dừng lại, tiếng phanh rột roạt, đầu xe ngoặt ra giữa đường; chiếc xe máy bị hất tung nằm bên đường, đứa cháu nằm trên cỏ, xa chiếc xe máy khoảng một mét, cụ Hoành nằm sát bánh trước chiếc ô tô tải, máu lênh láng khắp cái đầu hói.
Đứa cháu may mắn, chỉ xây xát mặt mày, nó tự đứng dậy được, hoảng hồn, nhìn ngơ ngác, hình như chưa biết rõ ràng chuyện gì đã xẩy ra. Rủi cho cụ Hoành! Cụ nằm bất tỉnh. Một vài người đi đường dừng lại, la hét:
- Ông lão chết rồi kìa! Sao không sớm kiếm phương tiện đưa ông đến bệnh viện; hoạ may... còn nước còn tát...
*
Xe cấp cứu đưa cụ Hoành vào bệnh viện; chẩn đoán ban đầu cho biết dù bị chấn thương sọ não, cụ còn có thể được cứu sống.
Một cụ cao tuổi tình cờ ngang qua, thấy chuyện, vội vã chạy báo với cô Lài là cụ Hoành bị tai nạn nhập viện, cô Lài giả bộ hỏi:
- Cụ Hoành nào vậy!
Nghe thế, ngao ngán, thiên hạ trách cô Lài sống không tình, không nghĩa, thiếu thuỷ chung. Cô lên giọng, mắng:
- Ông Hoành là cái ông có đi chơi với tôi, phải không? Ông ấy chỉ là một người khách như trăm ngàn khách khác, có chi mà phải tình, phải nghĩa. Còn chung thuỷ à! Giả dụ ông ấy là chồng của tôi, tội gì mà tôi phải chung thuỷ! Tôi lấy ông già ấy là để mong hưởng cái tiền hưu hơn mười triệu mỗi tháng, tôi không lấy ông ấy như là một ông già; huống gì bây giờ ông ấy là một bệnh nhân, là một người tàn tật nếu có cơ may sống còn! Tôi đi tìm hạnh phúc, chứ không đi rước cực khổ vào thân. Tội gì mà tôi phải săn sóc một ông già, một bệnh nhân, một người tàn phế! Tôi cũng chưa điên! Mấy người nhiều chuyện đã hiểu chưa?
Hoàng Đằng
Hoàng Đằng
16/6/2017 (22/5/Đinh Dậu)
(1) “Đừng bỏ em một mình”, tên bản nhạc của Phạm Duy phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét