LIÊU TRAI ĐỀ TỪ
Nhắc đến tác phẩm Liêu Trai Chí Dị là người ta nghĩ ngay đến tác giả của nó là Bồ Tùng Linh. Người có cái họ và cái tên cũng rất lạ rất hiếm thấy và có chút gì đó mơ hồ, bí hiễm, huyền ảo như là các truyện Liêu Trai của ông viết ra vậy!
Thật ra LIÊU TRAI CHÍ DỊ 聊齋誌異 không có gì là rùng rợn ma quái cả. Vì LIÊU 聊 là Cô Liêu, vắng vẻ. TRAI 齋 là Thư Trai, là Phòng đọc sách, nơi học hành. CHÍ 誌 là Ghi lại, viết lại. DỊ 異 là Lạ, là Khác thường, nên...
LIÊU TRAI CHÍ DỊ 聊齋誌異 là "Ghi lại những chuyện lạ, chuyện khác thường ở nơi phòng học vắng vẻ" Thế thôi! Nhưng, vì những truyện khác thường của Bồ Tùng Linh là những truyện ma, truyện chồn tinh, truyện hồ ly tu luyện lâu năm biến thành người đẹp, cùng với các con ma nữ thác oan nên âm hồn bất tán hiện lên chập chờn trêu ghẹo, đùa cợt với các chàng thư sinh cô đơn nhưng tràn đầy sức sống ở các liêu trai vắng vẻ xa nhà! Vì thế mà Danh từ LIÊU TRAI biến thành Tính Từ LIÊU TRAI trong tiếng Việt thân yêu của chúng ta. Nghe một truyện yêu ma rùng rợn, ta hay nói: "Truyện đó có vẻ Liêu Trai qúa!" hay nhận xét về một cô gái có nét đẹp ủy mị hấp dẫn mà có vẻ bí hiễm, ta cũng nói là: "Nét đẹp Liêu Trai!" ...
Họa ảnh và tượng Bồ Tùng Linh
BỒ TÙNG LINH 蒲松齡(1640-1715) sinh vào năm Sùng Trinh thứ 13 đời Minh, mất vào năm Khang Hy thứ 54 đời Thanh. Ông tự là Lưu Tiên, một tự nữa là Kiếm Thần, biệt hiệu là Liễu Tuyền Cư Sĩ, người huyện Truy Xuyên tỉnh Sơn Đông. Người đời gọi ông là Liêu Trai Tiên Sinh (Ông già Liêu Trai) và xưng tụng ông là Vua Truyện Ngắn của thế giới nầy.
Ông xuất thân từ một gia đình thế gia vọng tộc đang đà xuống dốc, hành nghề tiểu thương, lại gặp thời buổi loan ly, xã hội nhiễu nhương tao loạn trong cảnh quân Thanh từ Mãn Châu nhập quan tràn xuống tiêu diệt nhà Minh. Năm 19 tuổi ông đã đoạt 3 giải nhất trong các kỳ thi Huyện, Phủ, Đạo với danh dự Tú Tài ưu hạng. Nhưng từ năm Khang Hy nguyên niên ( 1662 ) trở đi, ông luôn thất ý trong trong quan trường, mấy lần Hương Thí đều không qua được. Bất đắc chí ông sống bằng nghề dạy học và sưu tập những truyện hay, lạ, hiếm có trong dân gian. Tương truyền...
Ông thường bày trà rượu bánh trái bên vệ đường để chiêu dụ khách qua đường đến ngồi chơi xơi nước để kể lể lại những câu truyện lạ, hiếm trong đời sống và cả những truyện của thần tiên qủy quái. Ai kể đươc truyện hay sẽ được ông thưởng cho một chén chè đậu xanh tiểu mễ. Mỗi ngày, khi đêm về ông đều viết lại các câu truyện cho hợp lý, mạch lạc hơn. Đến năm 40 tuổi, ông đã hoàn thành tác phẩm Liêu Trai Chí Dị gồm 12 quyển, hơn 490 thiên. Mỗi lần viết xong một thiên, ông đều đưa cho người bạn thân ở cùng quê với ông là Vương Sĩ Trinh xem trước và lắng nghe lời góp ý.
Vương Sĩ Trinh rất xem trọng Bồ Tùng Linh, cho ông là bậc kỳ tài. Vương đã từng đề nghị bỏ ra 500 lạng bạc để mua bản thảo viết tay nguyên tác Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, nhưng Bồ không khứng bán, và còn căn dặn con cháu là phải bảo tồn theo kiểu cha truyền con nối, không được bán cho người ngoài. Nhưng đến đứa cháu đời thứ 8 là Bồ Anh Hạo làm thất thoát hết nửa bộ sau. Hiện thư viện của tỉnh Liêu Ninh chỉ còn giữ được nửa bộ trước. Đây cũng là thủ cảo viết tay duy nhất của các bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa còn sót lại cho đến ngày nay.
Họa ảnh và tượng Vương Sĩ Trinh
VƯƠNG SĨ TRINH 王士禛(1634-1711), Tiểu danh là Dự Tôn, tự là Di Thượng, hiệu là Nguyễn Đình, biệt hiệu là Ngư Dương Sơn Nhân. Người đời xưng ông là VƯƠNG NGƯ DƯƠNG, người huyện Tân Thành, Tỉnh Sơn Đông. Xuất thân là Tiến Sĩ và là nhà văn học nổi tiếng của đời Thanh, làm quan đến chức Hình Bộ Thượng Thơ dưới đời Khang Hy. Ông giỏi thơ văn, siêng sáng tác, tác phẩm gồm có Ngư Dương Sơn Nhân Tinh Hoa Lục, Trì Bắc Ngẫu Đàm...
Dưới đây là bài Thất Ngôn Tứ Tuyệt của ông làm để kết thúc cho bài Bình về quyển Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh mà Vương rất thích, chỉ vỏn vẹn 4 câu thôi mà nêu hết được cái ý chính và chủ đích của tác giả về tác phẩm bất hủ "Liêu Trai Chí Dị." Toàn bài thơ như sau:
姑妄言之姑聽之 Cô vọng ngôn chi cô thính chi.
豆棚瓜架雨如絲 Đậu bằng qua giá vũ như ti.
料應厭作人間語 Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
愛聽秋墳鬼唱詩 Ái thính thu phần quỷ xướng thi!
豆棚瓜架雨如絲 Đậu bằng qua giá vũ như ti.
料應厭作人間語 Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
愛聽秋墳鬼唱詩 Ái thính thu phần quỷ xướng thi!
Chú Thích :
* CÔ 姑 : là Chị em gái của cha. Ở đây CÔ là Phó Từ có nghĩa là : Tạm, Tạm thời.
* VỌNG NGÔN 妄言 : là Ăn nói lớn lối, Nói những điều qúa lố, không có thật. Cũng có nghĩa là: Nói bá láp bá xàm.
* BẰNG 棚 là Cái Khung, GIÁ 架 là Cái Giàn, nên ĐẬU BẰNG QUA GIÁ 豆棚瓜架 : là Giàn dưa giàn đậu.
* VŨ NHƯ TY 雨如絲 : là Mưa rả rít như những sơi tơ. Mưa phùn.
* LIỆU ƯNG 料應 : là Đoán là, ở đây có nghĩa "Chắc là, Vì là..."
* YẾM 厭: là Ghét, là Chán, như Yếm Thế là Chán đời.
* NHÂN GIAN NGỮ 人間語 : là Ngôn ngữ của người đời.
* ÁI THÍNH 愛聽 : là Thích Nghe. THU PHẦN 秋墳: là Những nấm mộ trong mưa thu.
* QỦY 鬼 : là Ma. QUỶ XƯỚNG THI 鬼唱詩: là Ma ngâm thơ.
Nghĩa Bài Thơ :
1. Nói quấy nói quá, nghe quấy nghe quá chơi mà thôi.
2. Trong cảnh mưa rơi lất phất như tơ trên giàn dưa giàn đậu.
3. Vì chưng chán ngán với ngôn ngữ của người đời rồi.
4. Nên thích nghe ma qủy ngâm thơ trong các nấm mộ thu
1. Nói quấy nói quá, nghe quấy nghe quá chơi mà thôi.
2. Trong cảnh mưa rơi lất phất như tơ trên giàn dưa giàn đậu.
3. Vì chưng chán ngán với ngôn ngữ của người đời rồi.
4. Nên thích nghe ma qủy ngâm thơ trong các nấm mộ thu
hiu hắt.
Bản Diễn Nôm của Cụ Đào Trinh Nhất:
“Nói láo” mà chơi, nghe láo chơi,
Dàn dưa lún phún hạt mưa rơi.
Chuyện đời đã chán không buồn nhắc,
Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời.
Dàn dưa lún phún hạt mưa rơi.
Chuyện đời đã chán không buồn nhắc,
Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời.
Câu đầu :
Cô vọng ngôn chi CÔ thính chi. 姑妄言之姑聽之
còn có dị bản như sau:
Cô vọng ngôn chi VỌNG thính chi. 姑妄言之妄聽之
Ý Nghĩa cũng tương tự như nhau mà thôi !
Cô vọng ngôn chi CÔ thính chi. 姑妄言之姑聽之
còn có dị bản như sau:
Cô vọng ngôn chi VỌNG thính chi. 姑妄言之妄聽之
Ý Nghĩa cũng tương tự như nhau mà thôi !
Diễn Nôm:
Nói quấy mà chơi nghe qúa chơi,
Dàn dưa dàn đậu tiếng mưa rơi.
Chán lời nhân thế nên nghe thích,
Ma qủy ngâm nga tỏ mấy lời.
Nói chơi quấy quá nghe chơi,
Giàn dưa giàn đậu mưa rơi não nề.
Chán lời nhân thế nên chê,
Mộ thu nghe thích ma về ngâm nga!
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét