Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

* Cậy Tiếng - Hoàng Đằng

Cậy Tiếng                               
Truyện ngắn của Hoàng Đằng                                
Lão vào bệnh viện thăm người em rể đang điều trị tim mạch đã mấy ngày.
Phòng bệnh chỉ có 4 giường; bệnh nhân mới có hai người chiếm hai giường - em rể lão và một đàn ông khoảng 50 tuổi; hai giường còn lại đang trống. Phòng bệnh trông lý tưởng – toát lên vẻ rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát.
Lão đến bên giường người em rể, hỏi tình trạng sức khoẻ hiện giờ thế nào, việc điều trị có kết quả tốt không. Xong, lão quay mặt, chào xã giao bệnh nhân nằm giường bên.
Trông dáng vẻ bề ngoài của ông bệnh nhân, lão hơi ngạc nhiên - không ngạc nhiên sao được khi trước mắt lão là một người đàn ông trung niên vạm vỡ, không có dấu hiệu gì về bệnh tật cả. Ông không mặc đồng phục dành cho bệnh nhân, có lẽ do thời tiết quá oi bức của mùa hè. Trên người ông, cái áo maillot xanh, cái quần short trắng để lộ bắp tay, bắp chân rắn chắc, màu đồng thau láng do rám nắng. Lão chào xã giao và bắt chuyện làm quen:
Chào chú nghen, chú đau chi mà phải vào điều trị đây ri?
Ông bệnh nhân vội vàng ngồi dậy, mỉm cười, nói:
Dạ, không đau chi hết, cụ  nờ!
Lão thắc mắc:
Không đau, răng vô bệnh viện nằm chi cho vừa mất thời gian vừa mất tiền?
Ông bệnh nhân, mặt đổi dáng buồn, giải thích:
Kể ra tui cũng có đau – đau ít thôi, nói đúng hơn là mỏi mệt, nhưng phải nhập viện để tĩnh dưỡng và tránh những tiếng nói vô, nói ra đau đầu nhức óc của làng xóm.
Rồi hình như tìm thấy lão là người có thể kết làm tri âm tri kỷ, ông dốc bầu tâm sự bị dồn nén cả thời gian nay:
- Tui ở dưới vùng quê sát biển; sau năm 1975, vùng tui có nhiều người vượt biên ra định cư ở nước ngoài –  bây giờ họ được gọi là Việt kiều đó. Không biết ở bên ấy, họ làm việc gì mà kiếm được nhiều tiền lắm! Khi nhà nước Việt Nam có chính sách mở cửa, sự liên lạc giữa hai bên kết nối lại; ở bên này, kinh tế khó khăn, thiếu thốn, nghèo đói, Việt kiều gởi đô-la về giúp; trong giai đoạn đầu, Việt kiều chỉ gởi cho bà con thân của họ; tình hình xã hội Việt Nam khởi sắc nhanh, người ta tiêu xài trong mua sắm đồ gia dụng, người ta cúng tế kỵ giỗ lớn mời nhiều người tham dự, người ta xây nhà xây cửa khang trang đón chờ Việt kiều về nghỉ lại, người ta xây lăng đắp mộ tổ tiên hoành tráng để đền đáp công ơn sinh thành, chu toàn đạo hiếu ... Rồi đến giai đoạn gần đây, Việt kiều nghĩ xa hơn, lo xa hơn, họ muốn giúp tu sửa hoặc nâng cấp hoặc xây mới các công trình thờ phượng cộng đồng như nhà thờ  họ, đình làng, chùa làng ... Làng tui được Việt kiều tài trợ xây lại đình làng; vì việc này mà tui mệt đó, cụ nờ!
Lão thắc mắc:
Việt kiều giúp thì dân làng cứ nhận mà làm để bộ mặt nông thôn tươi đẹp lên, chứ răng mà chú mệt? Ờ nông thôn mình ngày nay, các cơ sở công ích: điện, đường, trường, trạm đã có nhà nước lo; chừ các ông các bà Việt kiều muốn lo các cơ sở tâm linh thì tốt quá nì!
Ông bệnh nhân thở ra một hơi dài rồi phân giải:
Có phải đơn giản như cụ nghĩ mô! Tiền từ bên ấy gởi về bên này qua tay bà con, thì không phải bà con nào bên này cũng sốt sắng giao ngay lại đầy đủ cho làng mô! Một số có bụng tham: hoặc giả bộ quên đưa, hoặc tự đổi từ đô-la ra tiền Việt rồi ăn chận số lẻ chỉ giao số chẵn... Nào ngờ! Thời đại này, việc thông tin liên lạc dễ dàng và nhanh chóng, những chiêu trò ấy của bên này Việt kiều ở bên ấy rõ hết; thành thử họ không gởi qua bà con thân của họ nữa mà gởi thẳng cho ban điều hành xây dựng đình ở địa phương; từ đó, sinh chuyện ra, cụ nờ!
Lão thật thà hỏi:
Răng mà sinh chuyện? Việt kiều gởi cho ban điều hành xây dựng thì ban điều hành xây dựng ký nhận, gởi lời cảm ơn; tiền chi tiêu xong, gởi cho họ bản quyết toán; đơn giản rứa mà mần không được hay là, xin lỗi, các ông điều hành cũng lem nhem!
Ông bệnh nhân lắc đầu, ngao ngán nói:
- Tui là trưởng ban điều hành; làng bầu tui vì họ biết tui có học hành đàng hoàng và có tính sòng phẳng. Khổ nỗi là mấy người bà con của Việt kiều mất quyền lợi bất chính, đâm ra ghét cay ghét đắng tui; họ tụ năm tụ ba bịa đặt chuyện nói xấu tui, có người đi ngang nhà tui chủi đỏng, thậm chí có người vô nhà tui đứng giữa sân mắng nhiếc; vợ con tui rầy la, bảo tui: “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tui thấy chuyện nan giải quá! Không lẽ tui chửi bậy với họ, không lẽ tui đâm đơn kiện –  ai đứng ra xử mấy chuyện đó! Không biết cụ có nhận ra điều này không? Trật tự nông thôn ngày nay không còn nữa; luân lý, đạo đức, tôn ti, thượng hạ... mất rồi; dân đa số không còn biết phân biệt phải trái, mạnh ai cứ làm càn, cứ nói càn. Tui cảm thấy quá mệt, huyết áp lên cao; tui đành tạm nghỉ, lên đây nhập viện để vừa tránh mặt mấy người nhiều chuyện ấy, vừa nghỉ ngơi cho vơi bớt bực nhọc.
Với kinh nghiệm bản thân dày dặn hơn, lão phân tích chuyện đời, góp ý cho ông bệnh nhân:
Chuyện mấy người bà con Việt kiều bên này kiếm một chút lợi trong số tiền gởi về cho cộng đồng qua trung gian của họ, như chú nói, là chuyện nhỏ; đó là “miếng”, mất “miếng” nhỏ chưa đến nổi làm dữ rứa mô! Chuyện lớn là ở chỗ mất “tiếng”; chú biết chứ? Làng mô cũng có nhiều họ; tâm lý người nông thôn là hễ  họ mình có người cúng tiền vào xây dựng đình làng nhiều chừng nào thì sự tự hào hãnh diện của con dân họ đó lớn chừng ấy.  Theo cách nghĩ của người dân bình thường, Việt kiều gởi tiền về xây dựng đình làng phải qua tay ông trưởng họ; ông trưởng họ lập đoàn đại biểu họ, sắm lễ trầu rượu, khăn đóng áo the, ra trịnh trọng trình thưa giữa một buổi họp đầy đủ thành phần dân làng: “Thưa cụ hội chủ, thưa các vị tộc trưởng, thưa toàn thể dân làng, con dân bổn tộc đang định cư ở nước ngoài, nhưng “ly hương bất ly tổ”, nghe tin làng xây dựng đình, có gởi về... đô-la, góp tấm lòng vào công việc “trên đầu trên cổ””. Cả hội trường vỗ tay; ông hội chủ nói lời cảm ơn; chức sắc làng rót rượu, cụng ly, dân làng chia nhau cau trầu, nhai bỏm bẻm; thủ quỹ làng mở phong bì, nắn từng tờ đô-la, giơ cao, đọc số cho thư ký làng ghi (1). Chỉ mấy giờ sau, cả làng, nhà nhà đều biết thông tin ông A, bà B thuộc họ này họ kia ở Mỹ có cúng làng tiền xây dựng đình. Dân gian có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ”, tui muốn nhại, nói rộng ra: “Một người giàu sang cả họ được nhờ”; từ “nhờ” có thể mang nghĩa vật chất mà cũng có thể mang nghĩa tinh thần; được “tiếng” lây  cũng là “nhờ”...
Từ nãy đến giờ, ông bệnh nhân im lặng, chăm chú nghe lão nói. Lão dừng lời, ông đưa hai bàn tay vuốt mặt, xoa lên xoa xuống – ý chắc là muốn làm cho người tỉnh hẳn – rồi nói như thử đã ngộ ra chân lý:
Hèn chi, tui thấy mấy người Việt kiều về làng, nghe tin ai đau ốm, tới thăm, tặng chút quà mọn, luôn có người thân ở địa phương đi theo.

Kim đồng hồ đã chỉ 12 giờ trưa. Lão chào tạm biệt em rể lão và ông bệnh nhân, ra khỏi phòng bệnh, kiếm xe về nhà.
Trên đường về, lão suy nghĩ miên man; chuyện rắc rối mà ông bệnh nhân mắc phải, đúng rồi, bắt nguồn từ sự ràng buộc nặng nề gia đình, dòng tộc mà người Việt Nam, từ thế hệ này qua thế khác, đã bị trói chặt. Sự ràng buộc ấy, dù có cái hay là gắn bó tình cảm thân ái, tinh thần trách nhiệm giữa những người cùng huyết thống, cùng cội nguồn, vẫn có cái dở là tạo ra sự đối xử thân sơ, dẫn đến tình trạng bất công trong xã hội; ngoài ra, nhiều công việc chung bị phức tạp hoá, cản đà tiến của cộng đồng, thậm chí của quốc gia./.  
02/7/2017 (09/6/Đinh Dậu)

(1) Động tác này để tránh thủ quỹ sau này có thể thay đô-la thật bằng đô-la giả.




Không có nhận xét nào: