Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Nam Nữ Thọ Thọ Bất Thân - hồ-ngo.c


     
   Nam Nữ Thọ Thọ Bất Thân

Nghe câu chuyện nam nữ thọ thọ bất thân do anh  Đạt Lý kể về cái tuổi  30 trên đất Mỹ nên  liên tưởng đến tích xưa truyện cũ  của đích thân hạ thần, sao mà có chút giông giống và chút khác khác của trường hợp ấy quá.
Chuyện kể rằng, đời xửa,  đời xưa, có nàng  bán dưa, mặc chiếc áo bà ba, đầu đội khăn rằng nửa đen, nửa trắng, nàng ngồi chồm hổm,  vừa rao bán hàng, ai mua dưa tui bán dưa cho... Khoan, khoan, cho xin  đính chính, chàng (không phải nàng) chàng từ Sàigon xuống Bến Tre  thăm người bạn bên kia cầu bắc Rạch miểu (?). Trên đường về, trời mưa lớn, từ bắc về bến xe tỉnh phải đi xe lôi đạp (kiểu giống Cao lãnh mình). Vì trời mưa nên chú đạp xe đã bao trùm sẵn miếng nhựa che kín xe, chỉ để hở đủ chổ cho người chun vào xe xong  rồi trùm nylon lại. Anh Ba được cho lên trước, còn ở duới đất (lòng đường) cạnh chiếc xe lôi còn  một cô gái (chắc cũng cở đang học tú tài) đang đứng đó,  ngập ngừng, nửa muốn lên xe, nửa còn e ấp! (cái văn hóa Á Đông nó hiền dịu, và  đẹp đến kiêu sa hơn là lối văn hóa thực dụng mời gọi của phương tây là thế đó, anh ĐL à!) Chú đạp xe lại giục – “lên xe đi cho tui chạy cho rồi, đứng hoài chi cho mưa ướt.” Mà mưa to trút nước ướt thật, nước mưa tại bến phà Rạch miểu không hiểu tại sao có thêm chất keo dán chặt áo dài vải trắng tétoron  ép sát vai, ngực người con gái cũng da trắng Bến Tre (thật đúng là dáng đứng Bến Tre), hai màu trắng (ton sur ton) của vải và da người hoà trộn lại, ngồi trên xe lôi ló đầu ra nhìn xuống, ồ, đó là màu trắng của thứ cơm dừa Giồng trôm hay Rạch miểu, vừa... cứng cạy! Chú đạp xe lại thúc, “lên đi, ngại gì, cho tui chạy cho rồi mà.” Được diểm phúc chiêm ngưỡng một bức tranh sống, một cô gái đứng dưới mưa thật quá là... (không biết... là gì nữa vì tìm không ra chữ!) Không biết tâm trạng thế nào, chứ lúc đó trong bụng  anh Ba cứ muốn cho xe đừng chạy, cứ mong cho trời cứ mưa, (lạy trời mưa xuống, cứ mưa xuống) và cứ ước cho nàng mãi đứng đó! (Ích kỹ cá nhân quá nhỉ? Bụng nghĩ sao thì nói thế ấy mặc ai có hiểu lầm hay chê mình là be he hay cù lần cũng xin ráng chịu) Anh Ba, không biết lúc đó nghĩ sao mà - mặc cho trời mưa  lớn, vội vén tấm nylon chun ra, nhảy gọn xuống xe, và nói đủ nghe, vừa tâm tình cũng vừa như ra lệnh: “Cô lên nhanh kẻo ướt, nếu cô ngại không ngồi chung xe với một vị tân linh mục, tôi sẽ đi xe sau.” (Không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà thinh không anh Ba lại nói được một câu khá dễ thương lúc đó nhỉ (?!) chèn ơi – mèo khen mèo). Tuân lệnh, nàng vén tà áo trước, thẹn thùng lên xe (lôi chứ không phải xe hoa), anh Ba nâng nhẹ tà áo sau cho nàng lên khỏi vướng (!).  Ô, wow, có đạo diễn xi la ma nào mà quay được cảnh này rồi đưa lên you tube chắc là thu được rất nhiều “like” lắm).  Nàng lên rồi, ngồi đó, không biết vì lạnh hay vì ngại, hay vì sợ mà thấy nàng nhè nhẹ, run run, đôi vai khẻ cựa quậy.  Phần chàng, đội mưa đứng dưói, cái anh chàng, anh Ba ấy, nhìn lên nàng như hỏi ý, có đồng ý cho “cha” lên cùng?  Thông minh, nàng hiểu ý, xích mình nép ra chút xa xa, miệng (ôi, cái miệng trái tim, đo đỏ, hồng hồng) như muốn lịch sự nói, tiếng nói không nghe được mà thấy nó nhẹ như mây, như khói rót vào lòng: “mời cha!” Chú đạp xe vừa kéo tấm vải nhựa đậy lại cho mưa đừng dột, vừa bảo – “chạy thẳng về bến xe nhá.”
Bấy giờ là đến màn 2. Trong không gian không đầy một mét rưởi vuông,  miếng nylon trùm kín hai linh hồn, linh hồn một chắc chưa qúa 20, còn linh hồn hai năm đó phong trần vừa chẵn hăm mấy!  Những giọt mưa  nặng hột dội vào tấm nhựa lách tách hoà với tiếng bánh xe khô dầu kêu cót két. Không ai nói với ai, caméra có quay lúc đó thì cũng quay được người nam lén  nhìn nhanh người nữ và ngược lại người nữ cũng cùng động tác lén nhìn người nam. Họ lén nhìn nhau, nhưng rồi cũng có lúc hai cái nhìn lén lại đụng nhau right time, right place! Người nam vội lật đật làm dấu thánh gíá! Không nghe người nữ miệng niệm nam mô đáp lại, nhưng trong cái ánh sáng mờ mờ, nàng nhoẻn nhẹ một nụ cười. (Ai, hay nhờ chị QH phân tích giùm tại sao nàng nhẹ cười, khi đang ngồi đó, (đi nhai, đứng nhép, ngồi cười!). Đang ngồi gõ những dòng này, hình dung và hồi tưởng lại, (trời ơi, nụ cười ấy), rồi  trách gia đình: “sao ba mạ không cho con đi học đến nơi đến chốn để con có đủ tí chút văn chương chữ nghĩa diễn tả bằng được hết cái đẹp của nụ cuời ấy trong không gian ấy, trong hoàn cảnh ấy để cho bạn bè con nghe, cho bạn bè cùng thầy trò của vợ con hiểu, thôi, xin  chịu đầu hàng thôi!) Vốn liếng có nhiêu, xin bắt chước thầy Lộc, tapis hay all in cả đây! Chà, khó bày tỏ cảm tưởng quá anh Đạt Lý ơi, có cách nào help anh Ba tí đi, nhanh lên, kẹt quá đây nè. Chàng vẫn không nói, nhưng vẫn nhìn... lén, và nàng, trông chừng như không nói mà vẫn len lén nhìn. Ngộ thế đấy! Khi hai cái nhìn của hai linh hồn trong không gian chiếc xe lôi ấy đi vòng vòng, đi quay quay tránh  sao mà chẳng đụng nhau, gặp nhau ở một điểm x, y (cà rét) nào đó. Và... đụng thật, cái đụng ấy lúc đầu hình như là một accident, và sau vài accident thì nó biến thành một cái habit, một sự cố ý nào đó quen quen, và dễ thương chi lạ. Một chu kỳ (cycle) bay của hai vệ tinh, dù đang ở trên qủy đạo rộng thênh thang bao la, nếu  có một chút sơ hở hay mistake nhỏ nào của programming chắc chắn có thể sẽ đụng nhau, huống hồ đây là hai linh hồn, hai con nguời, hai trái tim, hai bộ óc, hai con thú hoang(!) lạc bầy trong một không gian vỏn vẹn không quá một mét vuông. Cả hai,  đã lập sẵn chương trinh, đưa kế hoạch cho nó đụng mà! Và khi mà hai cái nhìn đụng nhau như thế, thì chàng (một tân linh mục... ảo) lại tiếp tục làm dấu thánh giá(!), và nàng, lại tiếp tục, một nụ cười, nhẹ phơn phớt, nụ cuời tỏ ra không... dữ tợn lắm, mà cũng có thể không... hiền như “ma soeur” (hay ta soeur ou votre soeur). Trời bên ngoài mưa vẫn không dứt, chiếc xe lôi vẫn chạy đều. Những hạt mưa vẫn giội lên tấm bạt nylon như nhắc nhở, như thúc giục hai con người khác phái: “thì nói gì đi chứ, không nói biết ai nghĩ gì, le temps n’attend personne, mon cher ami;  the time does not wait any man, man!” Đồng ý ràng, im lặng là vàng, là chì, nhưng im lặng trong trường hợp  này là sợ hãi, là nhát gan, là từ thua tới thua, là dịp may không bao giờ đến cho mình lần thứ hai nữa trong cuộc đời. Có phải là như thế không hở bà con, cô bác? Cờ tới tay là “phất” đi chứ còn chờ còn đợi làm chi cho lan sầu, huệ héo. Bao nhiêu nước đã trôi qua dưới cầu rồi!  Thời gian nó đi mau qua cửa sổ mà!
Cứ cà kê dê ngỗng cái đoạn này thì nó càng làm “nhức” cái đầu già trên 80 này quá, mà không khéo lại phải làm buồn lòng độc giả đang cần sự im lặng nghĩ ngơi relax sau một ngày miệt mài lao động nghiệt ngã, vậy thì đi mau, tóm gọn đoạn này (và cả đoạn sau nữa) như thế này. (Còn không thì nhờ chị QH, anh ĐL, hay thầy ML hoặc “ai đó”  “bổ chính” hay sửa “morasse” giùm, hay thêm chút mắm muối, hoặc độc giả cứ tự nhiên cũng như tự động zoom out cái trí tưởng tượng cho cái scène này vậy).
Chàng xuống xe trước (vì ngồi ngay cửa kéo của tấm bạt) xong rồi, tay nâng nhẹ tấm bạt che cho đủ rộng chỗ để công chúa (hay nữ hoàng) rộng rải bước xuống tiếp. Nàng xuống xe, nói với chú xe lôi, “cệ hai người, phải 12 đồng không chú?”, nói xong là trao tiền và lững thững bước đi, như không vương vấn một chút bụi trần nào, để chàng đứng yên kiểu Từ Hải, lặng thinh, miệng chẳng ứ ớ được một tiếng nói nào nghe cho mát ruột mà cứ lặng lẽ đứng đơ ra giống y như cái cán cuốc nhìn những bước chân nàng thoăn thoát bước nhanh. Ôi, những bước chân mềm mại pha chút tàn nhẫn (?!) đang thoăn thoắt bước đi! Nàng đi, “một nửa  hồn tôi (linh hồn của linh mục) mất, một nửa “người” kia bổng dại khờ! Ồ, lạy Chúa tôi, hình như nàng đang ngập ngừng, những bước chân chậm lại kia kìa, tay ôm cặp sách, tay kéo cây bút máy pilot kẹp trên hàng nút bóp của vạt áo dài trắng trước ngực, dừng hẳn lại và (hình như) cố ý chờ... chàng. Chút lanh trí còn vương vấn đọng lại trong có dại khờ thoạt đến, chàng liền đi lại gần (gần như không còn khoảng cách, “xích lại gần em tí nữa đi anh”, như anh đã xích lại gần bên em trên cái ghế gỗ ọp ẹp của chiếc xe lôi trong một “túi” ni lông vào một buổi chiều mưa bên này phà Rạch Miễu Bến Tre vậy đó!). Vừa khoảng một thước tây, nàng đưa cây bút máy và trao gấp cho chàng. Từ lúc lên xe lôi cho tới khi xuống xe, nãy giờ, không ai nói với ai lới nào, giờ mới nghe được tiếng nàng nói, tiếng nói hơi trong có chút xíu ngập ngừng , hơi muốn mời mọc, hơi muốn... dụ khị (?) mà nghe sao như  có hơi ngọt của mật đang rót vào hồn: “Rảnh, “cha” nhớ ghé thăm “em”. Nói xong nàng ngoảnh mặt đi ngay, bước nhanh, không có hay không còn chút chi vướng bận. Phần chàng, lại thêm lần nữa, lại đứng đơ ra. Lần này không còn đứng đực ra kiểu cái cán cuốc nữa, mà là đứng chơ vơ lắt lẻo như cây sào cắm trên mấy chiếc ghe ở chợ nổi, lắc lư theo con sóng, và trên đầu sào không có treo trái khóm, nải chuối hay bắp cải, trái vú sữa đù đưa. đù đưa mà là cây bút máy pilot màu xanh da trời, món hàng lậu từ vùng Tịnh biên, Châu Đốc xâm nhập lén lút vào nước! Mân mê bảo vật là cây bút máy này đây có ghi rõ hiệu và nơi sản xuất, còn khắc thêm hai hàng chữ  màu trắng: “ nguyênthị thúyh.. – nhà thương điên biênhoà”.
 À, thế là nàng báo cho biết, nàng đang ở tại nhà thương điên. Điên (?) Hèn chi mà đứng ướt chịu trân không muốn lên xe lôi, điên cho nên lên xe cứ lâu lâu ngồi cười (một cái) mà không nói một tiếng nào, điên mà sao đẹp nghiêng nước đổ thùng như vậy hở ông Trời? Điên mà sao lại còn trẻ uổng quá như thế này nhỉ, mà lại có bút máy hiệu (thời đó), chắc là loại điên chập dây nặng  lắm đây. Vẫn luôn biết tự nhủ với mình “là chiến sĩ ta đừng say đắm sắc, giỡn với tình là giỡn với đau thương, đa mang tình thêm nặng gánh sầu vương...”, nhưng cái tật ưa nghịch ngợm  phiêu lưu, ưa tò mò (loại curiosité malsaine), lại có chút óc trinh thám, nên “hạ quyết tâm” thăm viếng “tìm người điên” cho bằng được. Trước khi bắt tay vào cái “business” này, cũng đã cân nhắc suy nghĩ kỹ là... tự mình biết chắc mình không, hay chưa đến cái độ “điên”, mà dám đi chu du vào thế giới của những người điên; trong lúc những người điên (thật) không bao giờ nghĩ họ là người điên cả mà họ (cứ) considerer  tui mới là người điên đây, thế mới chết cho cái trò chơi ú tim này chứ! Cái ham muốn không vào hang cọp sao bắt được cọp con nó cứ ám ảnh, cho nên... “rầm rập bước chân “Tá” đi rung chuyển đường phố sài gòn -  biên hoà...” Không biết qúy vị có ai còn nhớ nhà thương điên Biên Hoà vào thuở đó nó nằm ở đâu không nhỉ? Nhớ lờ mờ,  hình như nhà thưong và doanh trại nằm lọt thỏm bên cạnh một đồn điền cao su gần quốc lộ thì phải. Vào cổng, trình chứng minh thư cho nhân viên gát cổng (sau này gọi là bảo vệ), nhân viên gát cổng chào hỏi lịch sự  sau khi xem carte de visite: thưa  thầy, thầy muốn tìm ai? – Tôi muốn gặp ntth. – Dạ, thầy vui lòng ngồi đợi chút, tôi sẽ gọi xin ý kiến bác sĩ giám đốc. “A lô, a lô, dạ, dạ, em sẽ huớng dẫn ngay vào tư dinh.”  Mời thầy cùng đi, bác sĩ bảo em đưa thầy vào tư dinh. Quý vị đọc đến cái đoạn này có thông cảm cho người viết thuật lại cả tình tiết, cả tâm trạng này không? Cá nhân tôi lúc ấy, thật lòng rất sợ,  sợ lắm, tương tự  như trong phim mission impossible, không biết có rắc rối gì sắp xảy ra tiếp theo. Từ cỗng gác đi bộ với anh gác cỗng vào tư dinh, tôi đã gặp nhiều người, áo quần đủ kiểu, đủ màu, đàn ông có, đàn bà có, trẻ tuổi có, lớn tuổi cũng có đang chạy nhảy, nô đùa, có người cười, người khóc, người ngồi ủ rũ, người đứng hát, người tập võ. Chà! Mấy ông bà tập võ này mà họ chạy lại chào mình mà cứ tưởng mình là một bao cát thì khốn đốn cho mình lắm đây! Để dịu bớt sự lo lắng, tôi hỏi người gát cỗng: “tôi tưởng nhà thương nhốt người bịnh chứ đâu có thả ra tùm lum như vầy sao?” – Không, hôm nay Chủ Nhật nên những   bịnh nhẹ được cho ra ngoài chơi thoải mái, nhưng vẫn có rất nhiều giám thị canh chừng, còn những ai bịnh nặng đâu có cho ra, nhiều khi phải chích thuốc cho họ dịu đau và bớt phá...” Hú hồn.
                                                
Vào nhà, người gác cỗng gõ cửa, ở trong nói vọng ra, bảo cứ vào đi. Hai người vào, người gác cổng xin phép bác sĩ giám đốc trở ra, còn lại... mình ên. Chàng lịch sự cúi đầu chào, chưa nói được câu gì thì bác sĩ (điên) hỏi ngay: "Có đem theo culotte không?”  Chờ một chút chưa thấy khách trả lời, bác sĩ (điên) giám đốc phán tiếp “lấy đở culotte của anh hai nó mà mặc cũng cà va”.
Anh Ba xin được giải thích một chút này cho nó sáng tỏ một tí. “Culotte” tiếng Pháp, có nghĩa là cái quần đùi, quần xà lỏn, mà ông bác sĩ  Giám Đốc hỏi mình có đem theo “cái quần xà lỏn” không (trong lúc mình đi tìm ntth nghĩa là làm sao)? Có ai đi thăm hay đi tìm một người con gái mà đem theo cái quần đùi, (hay cái quần xà lỏn) bao giờ, mà đem theo để mần chi rứa hè? (đúng là cùng nói chuyện với những người điên, nên biết sợ là phải). Hay là ntth có cho biết mình là một vị linh mục cho nên bác sĩ mới hỏi đùa minh là “ có đem theo cái calotte không, cái “calotte đọc gần gần như culotte, cũng là tiếng Pháp có nghĩa là cái nón (mũ) nho nhỏ tròn lúp xúp  ụp trên đầu các vị linh mục hay giám mục. Bác sĩ lại phang tiếp “lấy đỡ cái quần xà lỏn của anh hai nó mặc cũng được.”  Quỷ thần ơi, lại câu nói của người điên với nhau nữa rồi, vì, mắc mớ chi mà ông bảo tui lại phải lấy đỡ cái quần đùi của anh hai nó mà mặc cũng được, nghĩa là làm sao? Bộ khi nói chuyện với mấy người điên họ ưa xé áo xé quần hay sao mà  sợ tui không có áo quần để  mặc vào cho nên phải lấy đỡ “cái quần đùi” (tài sản) của anh hai nó mặc để có  tí  xíu... che thân mà cuốc chạy về nhà à?!
 Rắc rối quá lắm rồi đây. Cũng may, (vị thần hộ mệnh) ntth vừa chạy ra đúng lúc, và bác sĩ vừa đi vào (giống như vở diễn của một bi hài kịch). Vẫn nụ cười tươi trẻ và có phần đẹp hơn mấy hổm, nàng nói nhanh: “em giới thiệu với ba, cha dạy kèm em môn triết, mà ba có hỏi anh gì không?” - Triết, trót, cái gì, tôi trà lời, ủa mà ba em đấy hả, ba hỏi có đem theo culotte không? - Bạn anh hai và bạn em đôi khi đến chơi thường thích tắm piscine, mà lại không đem theo quần tắm, cho nên em mới đề nghị lấy quần của anh hai mặc đó mà. - Vậy sao, hèn chi mà làm cho “qua” mất cả hồn, hết cả vía!
Câu chuyện của những người điên, trong cuôc và ngoài cuộc cũng có cái kết khá hậu mà lại rất... điên. Tóm tắt ngắn gọn là sau 1975 mấy năm có  một nhân viên của bí thư huyện ủy một tỉnh phiá nam,  tìm ra được địa chỉ của vị linh mục “ảo” ấy, gặp được Mộng Hồ, nhắn với MH khi đi thăm chồng trong trại cải tạo, cho ntth gửi lời thăm hỏi, và cho biết sẽ ráng giúp đỡ hết mình nếu mình có nhu cầu. Chồng nói với vợ (MH)  “thôi, để ý làm chi câu chuyện điên với những người điên, hãy ráng về nuôi con cho chúng lớn lên, làm người”.
Viết để tặng qúy nơi nhận đọc cho vui nhân ngày July 4th, Lễ Độc lập Hoa kỳ vào ngày 4 tháng 7 chắc chắn sẽ có rất nhiều pháo bông, mà sao mình cứ tuởng tượng như là ngày lễ 14 Juillet có những người không (hay chưa) điên đang ầm ầm phá ngục Bastille.

hồ - ngo.c
Oceanside

      * Sở dỉ “ntth” trong truyện không viết hoa, vì trong cây bút máy có ghi rõ “ nguyênthi thúyh.. – nhà thương điên biên hòa” đều không viết (khắc)  chữ hoa.



Không có nhận xét nào: