Tôi Đọc Bài Thơ Hay
Đọc trên mạng, tình cờ tôi bắt gặp bài thơ “Ta Với Ta” sáng tác 2010 của vhp.Hải Vân trên blog havuvhp.blog. Bài thơ phô bày sự khát tình của một phụ nữ đa cảm.
Mời bạn đọc cùng tôi đọc lại bài thơ:
Ta với ta
Tim tan nát chen chân vào cõi mộng.
Mơ ngọt ngào, mơ hoa bướm tuổi thơ.
Nhớ thương ai, sao ray rứt không ngờ!
Đêm khắc khoải, đêm dài, đêm đối bóng,
Lòng bừng sôi như lửa cuồng gió lộng.
Khát môi hôn như khát nước trưa hè.
Thèm tay ấm như thèm vòng tay mẹ.
Tình tôi ơi bao giờ tình trở lại?
Mắt thôi buồn, son thôi nhạt môi ai.
Đêm thinh lặng, lịm tắt tiếng thở dài!
Bài thơ chứa đựng điều gì đó đặc biệt thu hút sự tìm hiểu của tôi. Và đây mời các bạn xem điều đặc biệt mà tôi khám phá trong bài thơ là gì nhé!
Sự khát tình trong bài thơ đã được đưa lên mức hoảng loạn. Mười câu thơ, theo tôi, có thể chia ra 3 đoạn: Đoạn đầu và đoạn cuối mỗi đoạn 3 câu, còn đoạn giữa 4 câu.
Sự hoảng loạn thể hiện ngay ở đoạn đầu; tâm trạng thi nhân diễn biến không theo trật tự bình thường từ trên xuống - ý câu 1 xuống câu 2 rồi đến câu 3 - mà xuôi ngược ngược xuôi – ý câu 3 lên câu 1 xuống câu 2 :
Tim tan nát chen chân vào cõi mộng.
Mơ ngọt ngào, mơ hoa bướm tuổi thơ.
Nhớ thương ai, sao ray rứt không ngờ!
Thi nhân “nhớ thương ai”; “ai” ở đây không phải là từ để hỏi mà là từ trách móc. “Ai” ở đây có thể là người tình, người chồng đã tuột khỏi tầm tay.
Đêm về, thi nhân, thay vì yên ngủ, lại nhớ thương người đã từng tay ấp đầu gối; sự nhớ thương bùng phát bất ngờ. Nó dai dẳng giằng xé, “ray rứt”. “Ray rứt” có thể hiểu như một hội chứng hàm nghĩa đay nghiến, nhức nhối, xót xa.
Vì bị “ray rứt”, là bộ phận trong cơ thể được phân công phụ trách tình yêu, con tim phải “tan nát”, tức là vỡ ra từng mảnh, như vậy con tim đã chết, và yêu đương sẽ chết theo. Tuy nhiên, chuyện ngược đời ở đây là thi nhân bảo nó có “chân”, còn hoạt động: “Tim tan nát chen chân”; con tim có chân là một suy nghĩ kỳ quặc chứng tỏ thêm tâm trạng thi nhân đang hoảng loạn; tại sao hoảng loạn? Câu trả lời là bởi vì thi nhân quá khao khát yêu đương, mà những khao khát ấy, trong thực tế, không được đáp ứng. “Tim tan nát chen chân vào cõi mộng”; câu thơ có thể hiểu 2 cách: hoặc là tim tan nát chen chân – tim tan nát làm chủ ngữ (sujet) - hoặc là với con tim tan nát, thi nhân chen chân – chủ ngữ ẩn là thi nhân; muốn hiểu theo cách thứ 2, sau “tim tan nát”, phải đặt một dấu phẩy (,); nói vậy thôi, chứ người đọc hiểu theo cách nào tuỳ ý; thơ mở cửa tự do cho cả người sáng tác lẫn người đọc - thi nhân cứ “viết đại”, ai hiểu sao thì hiểu.
Muốn vào cõi mộng, thi nhân phải ngủ, đằng này, thi nhân thao thức thì làm sao mộng được; “chen chân” diễn tả sự cố gắng để vượt qua cái khó khăn là thức mà muốn mộng.
Cuối cùng, sự cố gắng không kết quả; mộng bất khả, nên thi nhân đành chỉ mơ: “Mơ ngọt ngào, mơ hoa bướm tuổi thơ”. Đây là hình ảnh đẹp: Con bướm bay lượn lờ trên đoá hoa; từ từ đậu xuống, châm vòi vào nhuỵ hoa hút mật; trong khoái cảm dâng tràn, bướm chuyển động hai cánh theo nhịp điệu dồn dập. Hình ảnh này không những thoả mãn phần nào sự thèm khát yêu đương của thi nhân mà cũng làm cho người đọc hứng khởi.
Tuy nhiên, mơ là một chuyện, được như mơ hay không là một chuyện khác. Ta hãy đi vào đoạn hai của bài thơ:
Đêm khắc khoải, đêm dài, đêm đối bóng,
Lòng bừng sôi như lửa cuồng gió lộng.
Khát môi hôn như khát nước trưa hè.
Thèm tay ấm như thèm vòng tay mẹ.
Ôi thôi! Hoa bướm ngọt ngào chỉ có ở tuổi thơ. Hiện giờ, thi nhân đang trong cảnh: “Đêm khắc khoải, đêm dài, đêm đối bóng”. Trạng từ “khắc khoải” gợi ra tình trạng buồn nản kéo dài khiến người trải nghiệm bồn chồn trong lòng, lo nghĩ mông lung trong trí. Trằn trọc không ngủ được, thi nhân ngồi dậy, đốt đèn lên; ánh đèn chiếu bóng thi nhân lên vách, thi nhân “đối bóng” – nhìn bóng mình như thử đang tiếp một người nào đó. Bé Trương Đản - con chàng Trương sinh và nàng Vũ thị Thiết trong chuyện cổ tích - bị mẹ dối, tin bóng mẹ cũng là người – bố nó, vì nó còn bé, chưa đủ trí khôn; bởi vậy, vụ ghen oan xẩy ra, kết cục đưa đến cái chết của nàng Vũ thị Thiết; ở đây, thi nhân đã luống tuổi, nhưng do tâm trạng hoảng loạn, vẫn tưởng cái bóng kia là người đàn ông mình đang mong đợi; hành vi “đối bóng” làm nổi bật sự cô đơn vô vọng của thi nhân.
Trong thế kỷ XIX, lên đỉnh đèo Ngang trên đường vào kinh đô Huế, bà Huyện Thanh Quan cũng cảm thấy lẻ loi:
Dừng chân đứng lại trời, non, nước;
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Bà Huyện Thanh Quan cô đơn vì không biết chia xẻ “mảnh tình riêng” với ai; mảnh tình của Bà Huyện Thanh Quan, nói là riêng, vẫn mang tính chất chung:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc;
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Cố nhạc sĩ Thanh Tùng cũng gởi gắm nỗi niềm cô đơn của mình trong bài hát “Một mình”:
... Bao đêm tôi đã một mình nhớ em,
Đêm nay tôi lại một mình ...
Thanh Tùng cảm thấy cô đơn vì vợ mất để lại nhiều kỷ niệm in sâu trong tâm trí mà mỗi lần hồi tưởng, nhạc sĩ bồi hồi xúc động:
Nhớ em vội vàng trong nắng trưa,
Áo phơi trời đổ cơn mưa,
Bâng khuâng con đang con nhỏ,
Tan ca bố có đón đưa.
Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai,
Gió sương mòn cả hai vai,
Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ,
Nghiêng nghiêng bóng em gầy.
Còn thi nhân cô đơn, lý do khó biết! Chồng hay người tình lạnh nhạt, không nồng ấm như xưa? Chồng hay người tình đã mất? Thi nhân cô đơn trong thực tế hay cô đơn trong hồi tưởng?
Thôi, đừng hỏi nữa! Đừng tọc mạch chuyện riêng của người! Ta chỉ biết hiện tại thi nhân:
Khát môi hôn như khát nước trưa hè.
Thèm tay ấm như thèm vòng tay mẹ.
Sự yêu đương thể hiện bằng nhiều phương tiện: lời nói, ánh mắt, nụ cười, hành vi... Ở đây, thi nhân chỉ chú trọng hai động tác: hôn và ôm; hôn và ôm là sự chung đụng xác thịt tạo ra khoái cảm; khoái cảm không còn, thi nhân “khát” và “thèm”. Khát, thèm là hai nhu cầu bức bách của xác thịt; ngoài diễn tả nhu cầu của thi nhân, hai từ “khát” và “thèm” còn tạo ấn tượng mạnh nơi người đọc; nếu như thi nhân dùng 2 từ “tiếc”, “nhớ” thì hiệu quả không đạt - tiếc, nhớ chỉ là trạng thái của tâm hồn.
Chính sự khát thèm đã đẩy “lòng bừng sôi như lửa cuồng gió lộng”; thi nhân ví lòng mình như chảo nước đang sôi sùng sục vì lửa nung được gió lồng bùng lên cuồng dại. Dữ dội thật!
Ý trong đoạn 2 này cũng không theo trình tự trên xuống: câu 4, câu 5, câu 6, câu 7 mà ý đi từ câu 4, qua câu 6, câu 7 rồi trở lại câu 5; điều đó thêm một chứng cứ để ta suy diễn chắc nịch tâm trạng thi nhân hoảng loạn.
Tuy nhiên, ở đời, cái gì lên đỉnh điểm cũng xuống. Nước sôi trong chảo lòng của thi nhân dưới lửa cuồng gió lộng đến lúc phải khô đi.
Ta đi vào đoạn ba – đoạn cuối bài thơ - để xem có đúng thế không nhé!
Tình tôi ơi bao giờ tình trở lại?
Mắt thôi buồn, son thôi nhạt môi ai.
Đêm thinh lặng, lịm tắt tiếng thở dài!
Thi nhân, sau cơn cuồng tình, đã trở về trạng thái bình tĩnh. Vẻ trách móc không còn, nhường chỗ cho sự cầu xin, mong mỏi: “Tình tôi ơi bao giờ tình trở lại?”, khách thể được xưng hô bằng từ “tình” – ngụ ý âu yếm – thay vì từ “ai” – ngụ ý trách móc. “Bao giờ tình trở lại?”; câu hỏi đã nhen nhúm sự hy vọng.
Viễn cảnh sẽ tươi lên: “Mắt thôi buồn, son thôi nhạt môi ai”. Từ “ai” ở đây chỉ chủ thể - thi nhân - chứ không phải khách thể như trong “nhớ thương ai” ở đoạn trên. Thi nhân sẽ vui, sẽ trang điểm trở lại – son thôi nhạt - để làm vừa lòng khách thể.
Và nghĩ đến viễn cảnh ấy, thi nhân kết thúc bài thơ bằng câu: “Đêm thinh lặng, lịm bắt tiếng thở dài”. Thở dài là chỉ dấu của buồn phiền đến độ ngao ngán, do khát thèm tình “ray rứt” đưa đến tâm trạng “khắc khoải”; lúc này tiếng thở dài cũng “lịm tắt” trả lại sự “thinh lặng” cho màn đêm.
Trong bài thơ “Ta Với Ta”, sự khát thèm yêu đương của người phụ nữ được đẩy đến độ cháy bỏng. Ở đời, bất cứ việc gì cũng đừng nên thái quá hay bất cập mà cứ giữ mức trung dung. Tuy nhiên, theo nhận xét của tôi, sự thái quá trong khát thèm yêu đương ở đây lại làm cho bài thơ hay – nồng nàn, mạnh bạo, lãng mạn. Thành thử, tôi viết đôi dòng lạm bình bài thơ.
Tôi chỉ căn cứ theo lời thơ của thi nhân để bình; dù vậy, tôi cứ ngại lời bình của tôi đi ra ngoài ý của thi nhân. Mà thôi, mong thi nhân thông cảm! Phải hiểu cho rằng người bình, dù muốn hay không, cũng tái hiện tác phẩm qua lăng kính riêng của mình và luôn được xem như tác giả thứ hai của tác phẩm./.
Hoàng Đằng
22/7/2017 (29/6/Đinh Dậu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét