Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Dạ Tọa Nguyễn Trung Ngạn & Dạ Tọa Nguyễn Du (Bài dịch Mailoc, Mai Xuân Thanh) & Bài viết của Đỗ Chiêu Đức

 Xin Gởi đến quý độc giả hai bài thơ của hai thi nhân tài danh của chúng ta ngày xưa với cùng một đề tài Dạ Toạ , mời các bạn lắng nghe nỗi niềm của hai thi nhân khi ngồi một mình trong màn đêm tối.

Thân mến
Mailoc

DẠ TOẠ 
           Nguyễn Trung Ngạn

Ðiệp mộng, gia thiên lý,
Quyên đề, dạ ngũ canh.
Bi phong hào dã quán,
Cổ mộc ám hoang thành.
Phiêu đãng bồng bình khách,
Yêm lưu khuyển mã tình.
Hữu hoài thành độc toạ,
Mao điếm hựu kê thanh.

     Dịch Thơ:
         Ngồi Trong Đêm

Ngàn dặm xa quê hương bướm mộng
Khắc khoải lòng, quyên vọng năm canh.
Gió sầu len lén quán tranh
Âm u cổ thụ hoang thành mờ che.
Đời bềnh bồng não nề thân khách
Khuyến mã tình canh cánh nặng mang.
U hoài bóng lẻ canh tàn
Tiếng gà eo óc mơ màng điếm tranh.      
MaiLoc phỏng dịch 

                                          *****

   
    DẠ TOẠ 
               Nguyễn Du

Tứ bích cùng thanh náo dạ miên
Ải sàng đi hướng khúc lan biên.
Vi phong bất động sương thuỳ địa
Tà nguyệt vô quang tinh mãn thiên.
Kim cổ nhàn sầu lai tuý hậu
Thuần lô hương tứ tại thu tiên.
Bạch đầu sở kế duy y thực
Hà đắc cuồng ca tự thiếu niên!

    Dịch Thơ:
       Ngồi Trong Đêm

Suốt đêm thâu tư bề dế khóc
Quay chỏng tre hướng góc hiên nhà.
Đất mờ gió nhẹ sương sa
Sao trời lấp lánh trăng tà nhạt phai
Men đã nhạt xưa nay sầu lại
Mùi cá rau thu dậy nhớ nhà
Bạc đầu cơm áo xót xa
Còn đâu niên thiếu cuồng ca một thời.   
         MaiLoc phỏng dịch 


Đọc thơ “Dạ Toạ”của Cụ Thi Hào Nguyễn Du, MXT xin phép có một bài thơ dịch như sau :


Lặng Ngồi Trong Đêm

Dế khóc canh thâu vẳng tứ bề...
Hiên nhà xoay góc hướng giường tre
Sương sa mặt đất hiu hiu gió
Trăng lặn sao trời lấp lánh quê
Sầu muộn rượu men phai nhạt ấy 
Nhớ nhung rau cá vị thu tê
Trắng đầu cơm áo lo ngay ngáy 
Niên thiếu cuồng ca thuở não nề !

Mai Xuân Thanh 
Ngày 20/10/2020

 

 Đọc thơ “Dạ Toạ” của tiền bối Nguyễn Trung Ngạn qua diễn Nôm của quý thầy, Mai Xuân Thanh mới có một bản dịch như sau:

Lặng Ngồi Trong Đêm

Ngàn dặm xa nhà trong giấc điệp
Nghe quyên ra rả suốt năm canh
Quán tranh gió rít nghe hiu quạnh 
Cổ thụ thành hoang thấy vắng tanh 
Gác trọ cô đơn buồn lữ thứ
Vua, tôi canh cánh nặng mang tình 
Xót thân lẻ bóng ngồi chờ sáng 
Eo óc nghe gà gáy điếm canh...

Mai Xuân Thanh 
Ngày 20/10/2020 


                       DẠ TỌA


A. Bài thơ DẠ TỌA của Nguyễn Trung Ngạn

        Nguyễn Trung Ngạn 阮 忠 彥 (1289-1370) tự Bang Trực 邦 直, hiệu Giới Hiên 介 軒, sinh tại làng Thọ Hoàng, huyện Thiên Thi, tỉnh Hưng Yên. Nguyễn Trung Ngạn từ nhỏ đã thông minh xuất chúng, nổi tiếng thần đồng. Năm 15 tuổi (1304) ông đã đỗ Hoàng Giáp đời vua Trần Anh Tông, có trong tay bằng tiến sĩ (cùng khoa với Mạc Ðĩnh Chi), năm 24 tuổi được làm Giám Quân, năm 28 tuổi đi sứ nhà Nguyên. Bài thơ DẠ TỌA ông làm trong lúc đi sứ lần nầy. 

                          

         夜 坐                        DẠ TỌA
  蝶 夢 家 千 里,    Điệp mộng gia thiên lý,
  鵑 啼 夜 五 更。    Quyên đề dạ ngũ canh.
  悲 風 號 野 館,    Bi phong hào dã quán,
  古 木 暗 荒 城。    Cỗ mộc ám hoang thành.
  飄 蕩 蓬 萍 客,    Phiêu đãng bồng bình khách,
  淹 留 犬 馬 情。    Yêm lưu khuyển mã tình.
  有 懷 成 獨 坐,    Hữu hoài thành độc tọa,
  茅 店 又 雞 聲。    Mao điếm hựu kê thanh.
       阮 忠 彥                 Nguyễn Trung Ngạn

                        

* Chú Thích :
  - HÀO 號 : Tiếng gầm của con hổ, nên HÀO có nghĩa là Gào, thét, gầm gừ; ở đây chỉ tiếng gió hú, tiếng gió gào. Chữ nầy còn một âm nữa đọc là HIỆU 號 : là Lời kêu gọi, như Hiệu Triệu 號 召. Khi là Danh Từ thì có nghĩa là Tên Hiệu.
  - ÁM 暗 : là Mờ, là Tối. Ở đây ÁM là Động từ, có nghĩa là Làm Cho Mờ Tối.
  - Phiêu Đãng 飄 蕩 : là Trôi nổi dật dờ. 
  - Bồng Bình Khách 蓬 萍 客 : BỒNG là cỏ bồng, BÌNH là bèo; một bay theo gió, một trôi theo nước; nên BỒNG BÌNH KHÁCh là Người khách lạc loài trôi nổi vô định. 
  - Yêm Lưu 淹 留 : Từ có xuất xứ từ Thiên LY TAO của SỞ TỪ, có nghĩa : Lưu lạc nơi xứ lạ quê người.
  - Khuyển Mã Tình 犬 馬 情 : Là Cái tình của chó và ngựa, hai con vật rất trung thành với chủ; Ở đây mượn chỉ "Cái lòng trung thành đối với nhà vua".
  - Mao Điếm Hựu Kê Thanh 茅 店 又 雞 聲 : Câu thơ nầy làm cho ta nhớ đến 2 câu thơ trong bài Thương Sơn Tảo Hành 商 山 早 行 của Ôn Đình Quân 溫 庭 筠 là:

  雞 聲 茅 店 月,     Kê thanh mao điếm nguyệt,
  人 跡 板 橋 霜。     Nhân tích bản kiều sương.

    ... mà cụ Nguyễn Du đã mượn để gom lại thành một câu thơ rất hay để tả cảnh khi Thúy Kiều trốn khỏi Quan Âm Các là:

           (mịt mờ dặm cát đồi cây),
   Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương!

                           

* Nghĩa bài Thơ:
                           Ngồi Trong Đêm
        Ngồi một mình trong đêm chỉ mơ về quê hương ngàn dặm trong mộng điệp mà thôi; Tiếng cuốc kêu suốt cả năm canh đêm hè. Gió buồn rít mạnh nơi quán trọ hoang vắng, và các cây cổ thụ che kín mờ cả thành hoang. Thân ta nơi đất  khách trôi nổi như cỏ bồng như bèo nước, nhưng luôn luôn giữ lòng trung như khuyển mã đối với quân vương. Vì trong lòng hoài cảm nên mới ngồi suốt trong đêm khi tiếng gà đã eo óc gáy nơi quán cỏ nầy.

* Diễn Nôm:
                      Ngồi Trong Đêm

               Nhớ nhà ngàn dặm qua mơ,
               Cuốc kêu ra rả tờ mờ năm canh.
               Gió sầu rít mạnh quán tranh,
               Thành hoang u ám bóng xanh cây già.
               Nổi trôi bèo giạt gió qua,
               Gửi thân đất khách tình nhà không khuây.
               Một mình đêm vắng ngồi đây,
              "Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương"!

                                             Đỗ Chiêu Đức


B. Bài thơ DẠ TỌA của Nguyễn Du 

                        

          夜 坐                                     DẠ TỌA
四 壁 蛩 聲 鬧 夜 眠,    Tứ bích cùng thanh náo dạ miên,
矮 床 移 向 曲 欄 邊。    Ải sàng di hướng khúc lan biên.
微 風 不 動 霜 垂 地,    Vi phong bất động sương thùy địa,
斜 月 無 光 星 滿 天。    Tà nguyệt vô quang tinh mãn thiên.
今 古 閒 愁 來 醉 後,    Lim cổ nhàn sầu lai túy hậu,
蓴 鱸 鄉 思 在 秋 先。    Thuần lô hương tứ tại thu tiên.
白 頭 所 計 惟 衣 食,    Bạch đầu sở kế duy y thực,
何 得 狂 歌 似 少 年?    Hà đắc cuồng ca tự thiếu niên ?!
               阮 攸                                   Nguyễn Du
        
                       

* Chú Thích :
    - Cùng Thanh 蛩 聲 : là Tiếng dế kêu.
    - Ải Sàng 矮 床 : Chiếc giường thấp.
    - Khúc lan 曲 欄 : Chỗ quanh của hành lang.
    - Thuần Lô 蓴 鱸 : THUẦN là Rau thuần, như rau nhút, một loại rau của đồng quê; LÔ là cá Chép. Theo sách Tấn Thư, Trương Hàn Truyện 晉 書·張 翰 傳:Hàn nhân kiến thu phong khởi, nãi tư Ngô trung cô thái, Thuần canh, Lô ngư khoái 翰 因 見 秋 風 起,乃 思 吳 中 菰 菜、蓴 羹、鱸 魚 膾。có nghĩa: Trương Hàn nhân thấy gió thu nổi lên thì lại nhớ đến canh cải cô cải THUẦN, và gói cá LÔ. Ý chỉ: Nhớ đến mùi vị của quê hương. Như trong Truyện Kiều, khi tả Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư suốt một năm trường đã chán với mùi vị của quê hương rồi, nên cụ Nguyễn Du viết: 
                Thú quê THUẦN HỨC bén mùi,
          Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô...

    - Sở Kế 所 計 : Cái kế sách mà ta phải lo lắng đến, Ở đây chỉ "Cái sinh kế phải quan tâm..."
    - Cuồng Ca 狂 歌 : Không phải là "Hát khùng hát điên" mà là "Hát một cách phóng khoáng thoải mái".

* Nghĩa Bài Thơ :
                                     Ngồi Trong Đêm
       Tiếng dế ri rỉ bốn bên vách suốt đêm không ngủ được, Ta quay chiếc giường nhỏ thấp vào bên khúc quanh của hiên nhà. Gió nhẹ hắt hiu sương rơi đầy cả mặt đất, Bóng trăng chênh chếch mờ ảo nên ta thấy bầu trời đầy các vì sao. Nỗi buồn bâng quơ từ kim cổ chợt đến, khi rượu đã ngà ngà say; và nỗi nhớ nhà trước tiên trong mùa thu là thấy được gỏi cá Lô và canh rau Thuần. Tuổi đã già, đầu đã bạc rồi thì cái sinh kế phải quan tâm duy nhất là cơm áo mà thôi; làm sao còn có thể sống phóng khoáng như lúc tuổi còn trẻ được nữa chứ?!

* Diễn Nôm :
                         Ngồi Trong Đêm

                   Dế kêu ri rỉ bốn bề,
            Giường nằm dời chỗ hướng về phía hiên.
                   Gió lay sương ướt bên thềm,
           Trăng mờ chênh chếch sao thêm rạng ngời.
                   Mối sầu kim cổ khôn vơi,
           Thuần Lô thu đến nhớ mùi quê hương.
                   Bạc đầu cơm áo lo lường,
          Được sao như lúc đường đường thiếu niên ?!

                                 Đỗ Chiêu Đức



 

Không có nhận xét nào: