Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

Không cần phải lo ngại trình độ giáo dục của một quốc gia quá cao - Tác giả: FUKUZAWA Yukichi / Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Không cần phải lo ngại trình độ giáo dục của một quốc gia quá cao

Tác giả: FUKUZAWA Yukichi

Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Có nhiều người chủ trương như sau:

“Hiện nay chính phủ đang phát triển giáo dục đến tận các nơi dân số ít. Kết quả của việc này là giáo dục đến con cháu của nhà nông cũng biết đọc sách, hiểu biết đạo đức (triết học) và khoa học. Từ đó nói xã hội văn minh hơn thì có lẽ là văn minh hơn thật, nhưng đó chỉ là nâng cao phẩm hạnh, khí khái của trẻ em, nhưng nếu nhìn ở mặt phát triển công nghiệp, kỹ nghệ thì đáng tiếc phải nói là bất lợi.

Đọc sách địa lý của nhiều nước trên thế giới, nghe được tình trạng phồn vinh của thành phố Luân Đôn hay Ba Lê (Paris), người học biết được nơi mình đang sống chật hẹp và dơ bẩn. Qua các dịp tiếp xúc, hiểu biết các tác dụng, chức năng của nhiều loại máy móc, thiết bị trong các lớp học ở trường, người học phát giác ra việc gánh phân, nước tiểu tưới cho ruộng rẫy là đã lỗi thời.

Đặc biệt báo chí là công cụ đem đến lòng ham muốn của giới trẻ. Giới trẻ sẽ hiểu và quan tâm đến thời cuộc, không còn bằng lòng với cuộc sống chỉ ở trong nhà và tích cực tham gia vào hoạt động xã hội. Hiện nay đang có nhiều người sai lầm trong cách chọn nghề nghiệp là sự thật. Nếu để tình trạng này tiếp tục, theo đà tiến bộ và phát triển của giáo dục, những nghề như nông nghiệp hay phải làm bằng tay chân sẽ không còn được xã hội quan tâm hay xem trọng và số người theo các nghề này ngày càng ít đi. Kết quả nền tảng công nghiệp của quốc gia sẽ bị đả kích trầm trọng. Tóm lại, là tai hại do trình độ quá cao của giáo dục gây ra cần có giải pháp thích hợp.”

Mới nghe qua, chúng ta có thể nghĩ chủ trương trên có lý nhưng trong thực tế không thể đúng được.

Những người có chủ trương nói trên hình như thấy người trẻ ở thôn quê kiêu ngạo nên quy kiêu ngạo đó là lỗi của phát triển giáo dục đến thôn quê. Nhưng thực tế không phải vậy mà ngược lại. Việc kiêu ngạo của các người trẻ thôn quê nói trên cần phải được xem là chứng cớ cho thấy rõ ràng rằng giáo dục thật sự chưa được phát triển rộng rãi ở nông thôn. Thông thường ở đời bất kỳ chuyện gì, cái gì ít có thì được người đời quý trọng. Học vấn cũng vậy. Ngày nay ở các vùng thôn quê không có gì tiến bộ, gần giống như thôn quê của thời đại mạc phủ Edo ngày xưa. Số người ở vào lứa tuổi 40 đến 50 được giáo dục chính quy rất ít. Ở địa phương nơi mà số người trẻ đến trường hiếm hoi thì chẳng khác hạc giữa bầy gà nên được mọi người xem trọng, nên kiêu ngạo tăng lên là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, về sau này khi số người đi học tăng lên ở thôn quê, sẽ không còn được mọi người trọng vọng như trước. Người ở thôn quê hay người ở thành thị không có gì khác nhau, mỗi người đều phải theo nghề nghiệp của mình để sinh kế không còn con đường nào khác. Tuy nhiên, dù buôn bán hay làm ruộng nhưng nếu có học vấn, kiến thức thì suy nghĩ đạo lý của sự việc sẽ dễ dàng hơn, giáo dục mang lại lợi ích này.

Nói rằng một khi giáo dục được phổ biến rộng rãi thì mọi người sẽ chán ghét các nghề nghiệp không được xã hội xem trọng là điều không thể có. Đó chỉ là không tưởng, không đáng để ý. Hãy xem lịch sử chứng minh sự thật này. Nếu chúng ta ngược vòng thời gian về 300 năm về trước, so với lúc đó giáo dục của ngày nay có thể nói là đã đạt tới đỉnh cao. Nếu chủ trương trên nói trên đúng thì ngày nay sẽ không còn có ai theo đuổi các nghề nghiệp mà xã hội không trọng vọng. Nhưng hiện nay không những điều này đã không xảy ra mà nhân số gia tăng và chênh lệch giàu nghèo càng ngày càng lớn và số người nghèo cũng gia tăng theo.

Có nhiều trường hợp, người nghèo nhờ trí tuệ, kiến thức của giáo dục mang lại không ít lợi ích trong nghề nghiệp. Số người theo các việc làm mà xã hội không xem trọng cũng không thiếu.

Tóm lại, khôn ngoan hay ngu dại là tương đối. Ở xã hội của toàn người tuyệt giỏi thì người chỉ giỏi một ít sẽ thành người ngu dại. Người giỏi của hiện nay sẽ thành người dở trong vài năm sau. Nếu nói công việc mà xã hội không xem trọng là công việc của người dở, thì theo tiến bộ không bao giờ ngừng của con người, việc phát sinh người dở tương đối cũng sẽ không bao giờ chấm dứt. Do đó, chúng ta không phải cần lo ngại giáo dục quá phổ biến hay phát triển quá rộng rãi.

Nguyễn Sơn Hùng

 tháng 6/2017







Không có nhận xét nào: