Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

             Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***


Xổi

 

Xổi : chưa đủ kỳ hạn

(ăn xổi ở thì – dưa xổi)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 


Tiếng lóng của dân bụi Hà Nội sau 75

-Cởi nhanh ra cho thử một cái, mướt (7) quá nhỉ?…


(7). Đẹp                     


(Thế Giang)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“xon: nốt xon trong bản nhạc”. (Gs Nguyễn Văn Khang)


Chỉ có một dạng chính tả chuẩn duy nhất là “nốt son”. “Son” là từ gốc Pháp, tên nốt nhạc thứ năm trong gam nhạc.

 

(Hòang Tuấn Công)

 


Chữ nghĩa làng văn - 1


Về thao thiết như "xanh thao thiết" Võ Phiến tìm ra trong bài thơ “Đợi thơ” của Hồ Dzếnh:

Biển chiều vang tiếng nhân ngư

Non xanh thao thiết trời thu rượi sầu

Nhớ thương bạc nửa mái đầu

Lòng vương quán khách nghe màu tà huân

 

(Anh Ngọc – Tản mạn về từ mới)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“xẩm: xẩm hát dong”. (Gs Nguyễn Văn Khang)


Viết đúng là “hát rong”, vì “rong” mới có nghĩa là: “Đi đây đó hết chỗ này đến chỗ khác, không dừng lại lâu ở đâu cả. Suốt ngày chỉ rong chơi. Đi rong phố. Bán hàng rong. Gánh hát rong.” 

 

(Hòang Tuấn Công)

 


Chữ nghĩa làng văn - 2

(trích lục lại kỳ trước) 


Trong truyện ngắn Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp, đoạn kết có một dòng nghe thật da diết:
"Trước mặt tôi, dòng sông đang thao thiết chảy".
Một từ đặt vào văn cảnh này thật tuyệt vời. Hình như nó được biến báo từ "tha thiết", nhưng chỉ thay đi một chút thôi mà nội hàm bỗng bao trùm hơn rất nhiều, sức biểu cảm cũng mạnh, mạnh mẽ hơn hẳn, nhờ vào sự mù mờ, không rõ ràng như chính tâm trạng con người vào những giây phút ấy.


(Anh Ngọc – Tản mạn về từ mới)

 


Câu đố có trong trường hợp nào?
Câu đố do dân quê chất phác mà có… Về những vùng quê, trong vụ làm mùa lúa hay mùa cói, trong lúc đập lúa, hay đánh bông chẻ cói, đố nhau một vài câu cho vui, hay nhiều khi bắt bí anh chàng xin miếng trầu hay điếu thuốc lào phải giảng một câu đố…
Trong lúc vui chơi ấy, nhiều câu đố thần tình đã ra đời và sau đã thành một di sản văn hóa dồi dào. 

(Câu đố  - Thanh Lãng)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“xẻ: chia xẻ. → không viết: sẻ”. (Gs Nguyễn Văn Khang)


“Xẻ” trong “chia xẻ” (chia, xẻ/cắt ra nhiều phần), chính là “xẻ” trong  “chia năm xẻ bảy”. Còn “sẻ” trong “chia sẻ” (cùng hưởng, cùng chịu), lại là “sẻ” trong “chia ngọt sẻ bùi”.


Như vậy, “chia xẻ” và “chia sẻ” không phải một từ với hai dạng chính tả, mà là hai từ khác nhau.


(Hòang Tuấn Công)

 


Câu đối

Một học trò nghèo, bữa kia phải đem áo đến cầm cho một ông quan hồi hưu. Ông quan  thương tình, bèn ra một vế đối thử tài:
Quân tử cố cùng, quân tử cùng, quân tử cố
(Người quân tử bền lòng lúc cùng khổ, quân tử lúc cùng, quân tử bền lòng - Luận ngữ).
Khó ở chữ cố, vì đây lấy nghĩa nôm là cầm cố, ở chữ cùng, nghĩa nôm là cùng quẫn.

Anh học trò đối ngay:
Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng, Khổng Minh cầm.
(Khổng Minh bắt, tha, Khổng Minh tha, Khổng Minh bắt - Tam quốc: Khổng Minh bắt Mạnh Hoạch bảy lần lại tha).
Tài tình ở chữ cầm, lấy nghĩa nôm cầm cố như trên, chữ túng nghĩa nôm là túng tiền, vừa đối chữ, vừa đối nôm.
Vị quan cấp ngay tiền cho, khỏi cần phải ... cầm với cố.

(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“xỉa: xưng xỉa. → không viết: sỉa”. (Gs Nguyễn Văn Khang)


Viết chuẩn là “sưng sỉa”: “sưng” = phồng, phù da thịt lên (như sưng mặt; sưng phù); “sỉa” = sưng phù lên (như mặt sưng mày sỉa). Mặt sưng sỉa như đang chửi nhau


(Hòang Tuấn Công)

 


Dự các phiên họp, tiếp bạn


Mấy năm sau 1975 tôi còn gặp non mười nhà văn và học giả miền Bắc như Vũ Tuân Sán, bạn học trường Bưởi của tôi, có cử nhân luật, thông chữ Hán, chuyên khảo về danh nhân và bia Hà Nội; Thạch Giang, nghiên cứu chữ Nôm và Truyện Kiều; Hoàng Phê soạn Tự điển Việt; Hướng Minh, bạn học trường Bưởi, dịch sách Pháp và viết báo v.v…
 
Có vài người ngỏ ý muốn lại thăm tôi, nhưng tôi nhờ bạn từ chối khéo cho. Ai lại thăm tôi cũng niềm nở tiếp nhưng không đáp lễ ai cả. Xét chung, các học giả miền Bắc có cảm tình với tôi, chính quyền đối với tôi cũng có biệt nhãn. Sở Thông tin Văn hoá Thành phố coi tôi như một nhân sĩ; Ban Tuyên huấn Thành phố có lần phái một nhân viên lại thăm tôi, nghe tôi sức khoẻ mỗi ngày mỗi suy, nhân viên đó đề nghị giới thiệu tôi để vào điều trị ở bệnh viện Thống Nhất  Tôi từ chối, tự xét bệnh chưa nặng.
Khi phong trào vượt biên rầm rộ, có tháng 65.000 người bỏ quê hương. Cơ quan cho người lại dò xét xem tôi có ý định đi không và khuyên tôi đừng đi đâu cả. Tôi bảo họ: “Nếu tôi muốn đi Pháp thì đi từ lâu rồi vì tôi có đủ điều kiện để đi theo cách chính thức”.
 
Tôi biết thái độ của chánh quyền đối với hạng nhà văn miền Nam mà họ gọi là “tiến bộ” như tôi. Cứ yên ổn sống, đừng thắc mắc gì cả, vài ba năm xuất hiện một lần trong một cuộc hội nghị nào đó, chẳng cần đưa ý kiến, hoặc viết một bài báo dài ngắn gì cũng được, để tỏ rằng mình còn ở trong nước và hợp tác với chính quyền, như vậy là được rồi; còn đường lối chính trị, kinh tế, văn hóa đã có chủ trương của họ. 

(Hồi ký Nguyễn Hiến Lê)



Đừng tưởng 

Đừng tưởng giàu hết cô đơn.. 

Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo

(Bùi Giáng)



Góp nhặt phố văn ngõ chữ 

Đào Mộng Nam 


Người ta một thời gặp anh Đào Mộng Nam thường xuyên trên các phố Bolsa, nhưng vài năm gần đây thì ít gặp anh hơn. Những công trình anh muốn làm thì nhiều hơn việc làm của một đời người. Khi gặp nhau, khi được hỏi về các vấn đề cổ học, Hán học, hay ngay cả về văn chương hiện đại, chúng ta thường nghe anh nói với những kiến thức đời thường ít gặp, ít thấy. Anh đọc nhiều hơn rất nhiều người, và đọc một cách sâu sắc lạ thường. Khi hỏi chuyện riêng tư, anh thường cười và quay mặt đi. Chỉ thỏang khi chúng ta mới gặp vài ngôn ngữ nồng thắm tư riêng của anh. 

 

Như thử trích câu thơ sau trong Đồi cỏ của Đào Mộng Nam:

Xin hãy cùng em bước lên đồi cỏ dại
Thế giới thủy tinh màu nắng là màu xanh
Thoảng nhẹ âm thanh chỉ tiếng gió thì thào
Ta riêng một cõi tạm quên đời dâu bể…


Nhưng dấu ấn lớn nhất của Đào Mộng Nam đối với văn học là vai trò một nhà Hán học của anh. Rất nhiều sinh viên của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh thời trứơc 1975 không thể nào quên công trình quảng bá chữ Nho của Đào Mộng Nam.

 

Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Làm trai cho đáng thân trai.
Đi đâu cũng có bộ bài sau lưng.



Thuở mơ làm văn sĩ

Căn nhà của các bạn tôi thuê ở góc đường Nguyễn Huệ giáp với đường Chi Lăng. Trần Dạ Từ (Hoài Nam) và Nhã Ca ở nhà đó chung với Viên Linh, Nguyễn Khắc Giảng, Phạm Hoán em ruột của họa sĩ Phạm Tăng cũng lui tới đó thường ngày. Tất cả số anh em đó đều là những người chưa có công việc làm chính thức, mà chỉ cầm chừng trong nghiệp văn nghiệp báo. Sự thiếu thốn theo đưổi họ ngày đêm, tôi cũng chẳng hơn gì. Đời sống của vợ chồng Trần Dạ Từ và Nhã Ca trong sự thiếu thốn đó rất là can đảm, thỉnh thoảng có sự gấu ó nhau vì thiếu thốn. Nhất là Nhã Ca, những cơn nổi điên của cô ta đang từ đời sống bình thường của một nữ sinh thành một người thiếu thốn trăm bề. Phía trước nhà có một bụi tre gai, nhưng cơn điên của Nhã ca, cô ta nhẩy lao đầu vào bụi tre, Viên Linh là người phải gỡ bụi tre lôi Nhã Ca ra.

Tôi phải nói thật rằng đời sống chúng tôi hồi đó thê thảm. Tôi không thể quên được suốt mấy chục năm trời. Trước căn riêng của vợ chồng Trần Dạ Từ và Nhã ca, một người bạn nào đó nghịch ngợm viết một hàng chữ “Porte de l'enfer”. 

Tôi không rõ người bạn có ác ý hay vì thời thượng thuở đó Sài Gòn đang chiếu phim nổi tiếng của Nhật là “Địa ngục môn”. Nếu là sự đùa cợt thì là sự đùa cợt hơi quá đáng trong hoàn cảnh thê lương, chẳng ai có thể cười được.

(Nguyễn Thụy Long)

 


Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Kiếp sau xin chẳng làm trai.
Làm thân con gái "chân dài" sướng ghê.

 


Tưởng nhớ những khuôn mặt văn chương


Dẫn nhập: Cũng như mọi người, giữa trần gian, họ đã đến, đã sống buồn, vui, vinh, nhục, đã làm việc, đã phấn đấu… và rồi theo lớp tuổi, thanh thỏa với cuộc đời, họ lần lượt ra đi. Ra đi, nhưng không hề biến mất; không những thế, tiếp tục tồn tại. Bằng thơ, văn, bằng chữ, nghĩa, họ vẫn hiện diện. Vẫn thở, vẫn nói, vẫn yêu, vẫn đối thoại với cuộc đời, giữa mọi người.


Họ! Đó là năm khuôn mặt văn học nghệ thuật, bốn ở hải ngoại và một ở trong nước, từ giã chúng ta năm 2019. Tin buồn đầu tiên đến từ San Jose: nhà văn Hoàng Ngọc Biên (16/5). Chưa tới một tuần lễ sau, nhà thơ Tô Thùy Yên (21/5/2019) từ Houston. Năm tháng sau, ngày 4/10/2019, nhà văn Phan Huy Đường, Paris (Pháp). Hai ngày sau, nhà thơ Du Tử Lê, Westminster, California (7/10). Một ngày sau, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt (8/10) từ Sài Gòn.

(Trần Dõan Nho)

 


Góp nhặt ngõ chữ đường văn

Đoàn Kế Tường - Đoàn Thạch Hãn

Chúng tôi gặp nhau tại phòng 10 khu BC trại giam T30 Chí Hòa, khi tôi chuyển từ trại giam T20 Phan Đăng Lưu sang đây đầu năm 79. Đoàn Kế Tường hơn tôi 5 tuổi, bằng tuổi anh cả tôi. Dù vậy, không câu nệ, anh bảo “gọi nhau mày tao cho thân, anh anh tui tui nghe mệt thấy mẹ.” Tôi vẫn giữ lễ, nhưng ngày càng thân, nên sau tôi chỉ gọi anh là Tường. Và anh gọi tên tôi, xưng “tui”. Sống chung lâu ngày, tôi (Đinh Quang Anh Thái?) biết Tường thường bị giằng co giữa thiện và ác. Lúc có thăm nuôi, Tường hào sảng lắm, đem phát cho những “con mồ côi” trong phòng. Tường bảo, “kệ mạ hắn, ăn cho đã rồi mai nhịn.” Đó là tính thiền của Tường.


Nhưng khi giỏ thăm nuôi trống không, Tường không nhịn được mồm. Lúc đó, tính ác lộ ra. Tường không ngần ngại “xoay sở” bằng nhiều cách để có tý muối, tý đường, tý thuốc lào. Tường còn táo tợn đến độ “kết bè” với vài bạn tù “bặm trợn” dọa nạt một số tù gốc Hoa có nhiều quà thăm nuôi hòng có thêm cái ăn chờ đợt nuôi kế tiếp…


Ra tù năm 84, tôi đi thoát, Tường vẫn đếm ngày tháng sau chấn song ở trại Chí Hòa. Và rồi Tường cũng được thả. Mừng bạn thoát tù, tôi gửi về chút quà nghèo cho Tường… Rồi nghe tin Tường làm cho báo Công An, ký tên Đoàn Thạch Hãn… 

Bạn bè còn lại quê nhà nhắn tin, Tường “bệ rạc quá, viết nhiều bài bôi nhọ anh em.”


(Đinh Quang Anh Thái hay Tưởng Năng Tiến?)  

 


Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Tóc thưa, dài, mướt, trắng da
Ở hàng lầu các, dung hòa phu nhân



Lời tựa Tam quốc chí diễn nghĩa


Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở như chữ quốc ngữ.

Điều ấy cũng đã nhiều khi nghị luận đến, là một sự quả nhiên rồi, đây chúng tôi cũng không phải giải nữa.


Chữ quốc – ngữ thời nay người An nam ta cũng đã nhiều người học lắm. Nên vui thay! Xưa kia đàn xông ta dùi mài bao nhiêu lâu, tốn bao nhiêu cơm cha mẹ, mới cầm được quyển sách; miệng ngâm, đùi rung, mà vị tất trong bụng đã được cái lý thú gì là lý thú thực; thế mà nay không những là anh em mình, nào đàn bà, nào con gái, trẻ con, cũng đã cầm được quyển sách đọc; mà đọc chữ nào biết chữ ấy quả là ngấm – nghía vào trong lòng trong ruột.

Cái hạnh – phúc ấy, cái điềm hay cho hậu vận nước Tổ – Việt ta ấy, là nhờ ở như chữ quốc – ngữ. Chữ đâu mà hay thay mà dễ đọc thay, gốc hai mươi ba chữ, năm dấu xoay vần, mà tiếng nước Nam bao nhiêu cũng viết được đủ.


Chữ quý hoá chưa! Học vài ba tháng mà tay đã cầm được quản bút, đến chốn chẳng cần ai! Nhưng ngặt vì một nỗi; chữ thì dễ đọc, ai cũng biết rồi; nhưng lấy sách đâu mà đọc. Hết Cung – Oán đến truyện – Kiều, bất quá được vài mươi quyển, người đọc nhanh ra không đầy ba ngày hết sách

Bởi thế chúng tôi mới in ra bộ sách này gọi tên chung là bộ “Sách – ngoài – dịch –nôm”, cứ mỗi tuần lễ in ra một quyển, bán cực rẻ, để cho sách quốc- ngữ mỗi ngày một nhiều ra, và người có kẻ nghèo, ai ai cũng mua và xem được.

Hết pho Tam – Quốc – Chí này lại in tiếp ngay pho khác, bất cứ truyện, tuồng, ca, rao, thơ, phú; cách trí, triết học, lý hoạ, sử học, địa dư học; chính trị học, lí – tài học, sách nào hay, có ích thì chúng tôi cũng in tất cả vào bộ này.

 

Nay tựa

Nguyễn Văn Vĩnh

Hà Nội – 1909

 


180 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Nói chung Khoa không thích văn trí thức như văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi. Khoa nói dứt khoát với tôi: “Đấy rồi thầy xem, mươi năm nữa người ta không đọc Nguyễn Tuân nữa đâu!”

Trong Chân dung và đối thoại, Khoa chê Nguyễn Tuân không biết uống nước trà. Bà Ân con gái cả của Nguyễn Tuân tức lắm. Bà nói: “Cái thằng ấy chỉ biết ăn cua ăn cáy chứ nó biết uống trà là cái gì mà dám chê ông cụ tôi. Tôi đã phục vụ ông cụ uống trà, tôi biết chứ. Pha trà phải kén nước giếng ở một ngôi chùa là chuyện có thật (trong truyện Nguyễn Tuân gọi là chùa Đồi Mai).

Rồi hầm củi ủ than để đun nước pha trà như thế nào... Nó biết cái gì mà dám nói láo!”. Hôm ấy, dự lễ trao giải thưởng Nguyễn Tuân cho sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, bà nói sôi sục. Anh Nguyễn Xuân Đào, con trai út Nguyễn Tuân, phải can mãi.


Nhưng Trần Đăng Khoa là tay chống chế rất giỏi. Trong Chân dung và đối thoại, Khoa chê cụ Ngô Tất Tố, trong Tắt Đèn cho chị Dậu bán con, so sánh với Fantine của V.Hugo bán tóc, là vô nhân đạo. Khoa bị phê phán là không hiểu ngày xưa người nông dân phải bán vợ đợ con là chuyện phổ biến. Khoa chắc thấy mình đuối lý nên tìm cách chống chế. Hôm ấy tôi và Khoa được trường

chuyên Hùng Vương (Việt Trì) mời lên giao lưu với học sinh. Khoa nói: “Tôi không phải không biết chuyện bán vợ đợ con của nông dân nghèo ngày xưa. Chính tôi có một bà cô phải bán con. Nhưng cụ Ngô Tất Tố cho chị Dậu đem con đến nhà Nghị Quế, khi nó bắt cái Tý ăn cơm của chó, lẽ ra phải thôi, đem con về, chấm dứt luôn truyện ở đấy. Ai lại mẹ thấy con phải ăn cơm của chó mà chịu được!”.


Tôi biết đấy là mồm mép chống chế của Khoa, chứ trong Chân dung và đối thoại , Khoa có viết thế đâu! Khoa có một hồi được mời đi nói chuyện khắp. Người nghe rât thích.

Khoa biết cách nói rất hấp dẫn. Một trong thuật hấp dẫn của Khoa là giỏi hài hước. Khoa ghét cái gì là chế giễu rất ác. Thí dụ, Khoa định nghĩa thơ Lê Đạt: Người ta nói “Tôi đi ăn cơm”, thì Lê Đạt viết “Cơm đi ăn tôi”. 


Trong một cuộc nói chuyện, Khoa dẫn thơ của Hoàng Hưng, Dương Tường để giễu cợt:

Anh lang thang em...

Anh mini em...

Anh xanh xao em...

Anh tiết canh em...


Khoa bây giờ là tay khôn ngoan có tiếng, đối đáp rất sắc sảo. Tô Hoài nói, Khoa là quân sư quạt mo của Hữu Thỉnh. Trong ban chấp hành Hội Nhà Văn khoá 7, Vàng Anh hay gây sự với Hữu Thỉnh. Khoa là người đứng ra gỡ bí cho Hữu Thỉnh. Theo chỗ tôi biết, Khoa còn là quân sư quạt mo cho Lê Lựu nữa trong việc điều hành tổ chức Văn hoá doanh nhân.

Hai tay nông dân này hợp nhau trên mọi phương diện.


(Chân dung Trần Đăng Khoa – Nguyễn Đăng Mạnh)

 


Tố Hữu và văn nghệ sĩ

Một lúc Kim Lân rầu rầu kể: 

Tớ kể một chuyện về Nam Cao. Hồi ấy khoảng năm 1951, các đồng chí trung ương nói phải lột xác, cải tạo triệt để, chứ lý lịch lập trường hôi hám quá. Một hôm Nam Cao đọc bản thảo để tổ văn nghệ góp ý. Đang đọc nửa chừng, Nguyên Hồng cười phá lên: “Nam Cao lột xác bịa hay quá”. Chỉ sau đó vài tháng, Nam Cao nhận công tác vào Nam Hà khu III làm thuế nông nghiệp do các đồng chí của Mao sang dậy: Nam Cao bị Tây bắn chết. Sau này Tô Hoài bảo tớ: “Nam Cao nếu còn sống thì không vướng vào Nhân Văn cũng sa vào xét lại như các cậu”.

 

Sau khi Nam Cao chết không bao lâu, Tố Hữu lại bảo tớ lên đường… Thì tớ lên đượng. May mà tớ nhát vì nghĩ đến Nam Cao, thuyền sắp đến bến, tớ bảo anh giao liên hãy cho thuyền ghé vào dưới bến một quãng xem sao. Tớ nghe thấy lính Tây đang đợi sẵn xuỵt chó, tiếng chó đánh hợi tiếng đạn lên nòng xoành xoạch. Hãi quá. Khoảng nửa giờ, lính Tây bật lửa châm thuốc hút rồi kéo nhau đi. Thế là thoát. Hú vía! Không thì lại như Nam Cao


Tớ họp hay ngồi dưới cùng, một hôm ông xuống hỏi sao không sáng tác. Ông Lành có con mắt ghê ghê nhìn tớ lạnh người…”


(Tố Hữu – Nguyễn Đăng Mạnh)

 


Con gái của Đề Thám


21 tuổi, Hoàng Thị Thế xin về Việt Nam, bà tiếp tục theo học ở Sài Gòn, sau đó quay về Hà Nội làm thủ thư ở phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Thời gian này, bà giúp đỡ các thanh niên yêu nước. Điều này khiến thực dân Pháp lo ngại, đưa bà trở lại Pháp khi bà 26 tuổi.


Ở Pháp, Albert Sarraut giới thiệu bà như là công chúa. Tổng thống Paul Doumer trở thành người cha đỡ đầu và giúp bà một khoản trợ cấp. Năm 1932, khi Paul Doumer bị ám sát, Hoàng Thị Thế là người đầu tiên sơ cứu cho vị tổng thống Pháp.

Hoàng Thị Thế bén duyên với điện ảnh từ năm 1930. Vai diễn đầu tiên của bà là đóng một công chúa Trung Hoa (trong bộ phim La Lettre). Năm 1931, bà đóng bộ phim La donna Bianca. Năm 1935, 1936, bà tham gia bộ phim thứ ba Le secret del’emeraude.

 

Hoàng Thị Thế kết hôn năm 1931 với con trai một gia đình đại tư sản giàu có, danh tiếng ở Bordeaux tên là Robert Bourgès. Họ có với nhau một người con trai. Tới năm 1940, bà ly hôn. Một giai thoại kể rằng, thời gian này, Hoàng Thị Thế đi học nghề bói với một nhà tu hành, và hành nghề bói vận số khá nổi tiếng.

 

Năm 1961, bà viết cuốn hồi ký Kỷ Niệm Thời Thơ Ấu, nói về những năm tháng sống cùng gia đình ở Yên Thế. Cuốn hồi ký sau đó được Hoàng Cầm dịch sang tiếng Việt (lấy bút danh Hoàng Kỳ Anh). Theo lời anh Hoàng Anh - con trai thi sĩ Hoàng Cầm, năm 1974, Hoàng Thị Thế về Hà Nội, sống tại căn hộ số 31 nhà E1, khu tập thể Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội). Ngày 9/12/1988, Hoàng Thị Thế qua đời, mộ bà đặt tại Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang (thuộc khu di tích khởi nghĩa Yên Thế).

 


Hồ Xuân Hương tân biên bản mục


Chồng bà Hồ Xuân Hương là Trần Phúc Hiển mất năm 1819, ở Yên Tử, bà vào tu ở chùa Giải Oan (Yên Tử). Người cũ của bà là Nguyễn Du mất năm 1820. Bà mất năm 1822, thân nhân đưa hài cốt bà về Nghi Tàm. Tùng Thiện Vương con vua Minh Mạng trong Thượng Sơn thi tập có bài thơ viếng mộ chí bà ở đây.

 

Cả ba nữ sĩ thời danh, bà Hồ Xuân Hương, Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm đều được chôn cất ở Tây Hồ. Riêng mộ chí bà Đoàn Thị Điểm mới tìm được gần đây, dưới một đống rác. (đạo diễn Trần Văn Thủy vô tình tìm được khi quay ngọai cảnh phim Hà Nội trong mắt ai khi đi tìm dấu tích bà huyện Thanh Quan)

 

(Trần Nhuận Minh – Tạp chí Tân Văn)



Giai thoại làng văn xóm chữ

Chữ nhất 

Tính ông Lê Quý Đôn kiêu ngạo, tự nghĩ rằng mình thuộc cả thiên kinh vạn quyển, nên sau khi đậu trạng, ông cho treo ngoài cửa tấm bảng:

"Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn"

(Ai có một chữ nào không biết thì lại mà hỏi)

Khi cha qua đời, ông thường lên chùa cầu siêu. Một hôm, ông vừa vào chùa thì sư cụ reo mừng nhờ ông giải cho câu đố vì không biết là chữ gì:

"Thượng bất khả thượng, hạ bất khả hạ, chỉ nghi tại hạ, bất khả tại thượng"

(Trên không thể trên, dưới chẳng thể dưới, chỉ nên ở dưới, không thể ở trên).


Câu đố nghe sao thật lạ kỳ, ông suy nghĩ hồi lâu vẫn chưa giải nổi, thì chú tiểu chạy vào thưa:

- Con mới nghĩ ra nghĩa thế này, quan lớn xem có đúng không? Ðó là chữ "nhất" :

"Thượng bất khả thượng () là trong chữ Thượng () thì chữ Nhất () nằm dưới.

Hạ bất khả hạ () trong chữ Hạ () chữ Nhất nằm trên!

Chỉ nghi tại hạ () là chữ Chỉ () và chữ Nghi () thì chữ Nhất nằm dưới.

Bất khả tại thượng () là chữ Bất () và chữ Khả () thì chữ nhất nằm trên"


Từ đó ông không dám treo cái bảng trước nhà nữa vì biết người đời đã dựa vào chữ nhất trên tấm bảng mà nhạo mình! 



Ngưu là… trâu

Các thầy đồ Nho học ngày xưa dậy học trò: “Ngưu là trâu, mã là ngựa”. Đó là sự hiểu lầm. Người Hoa khởi nguồn từ miền hoàng thổ khô cạn vùng Hoa Bắc, ở đó chỉ có giống bò“ngưu” nghĩa là… con bò.

Bành trướng xuống phương nam, người Hoa mới thấy con trâu và gọi nó là “thủy ngưu” (bò nước) hay “hắc ngưu” (bò đen).


Trâu là tiếng Nôm, để viết chữ trâu, người Việt ta dùng chữ Hán viết chữ ngưu là “”, bên cạnh viết thêm chữ lâu (lâu là trên gò đất) là âm…“âu” và gọi là…trâu.


(Trần Quốc Vượng – Văn hóa Việt Nam)



Chữ nghĩa làng văn

Trong văn học, người viết về đất quê như gà què ăn quẩn cối xay, quanh quẩn “Làng cổ” hay “Làng có nhiều ông cống ông nghè” với dăm bài viết ngắn. Trong khi Kẻ Noi mặc dù hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều hoặc người và đất quê không được như: “Nhất cao là núi Ba Vì – Nhất thanh nhất lịch kinh kỳ Thăng Long”. 

Ấy là chưa kể Kẻ Noi có ngõ Noi, con ngõ dài nhất Hà Nội, có nhà hát cô đầu lấp ló trong văn học. Với thơ, con ngõ đã đi vào sử thi thời Lê và Quang Trung qua vở kịch Kiều Loan. Hoàng Cầm gửi gấm trong kịch thơ: “Tôi đứng chờ thu trong biếc ngõ – Thấy ông ôm mặt khóc Tần phi”. 


Miếu thần hoàng làng Cổ Nhuế ắt hẳn không còn nữa, mang theo đôi gánh thúng, cặp đũa cả. Chỉ còn lại phảng phất những hào khí, hào sảng như một Kinh Kha sang Tần, “cấu” vào hồn người qua câu đối cách đây 500 năm: khóac tấm áo bào giang tay gánh vác thiên hạ, vung ba thước kiếm tận thu lòng dạ thế gian



“Ba Tàu” huyễn sử 

Sự việc khiến người Việt gọi người Hoa là Ba Tàu xảy ra vào khoảng năm 1807, (hoặc chậm lắm là vào năm 1820, khi vua Minh Mạng lên ngôi). Đó là kết quả một lệnh dụ kỵ húy do vua Gia Long ban ra: cấm cả nước nói từ Hoa!

Hoa là tên bà Hồ Thị Hoa, là vợ vua Minh Mạng. Một năm sau, bà sinh ra vua Thiệu Trị. Sau khi sinh con được 13 ngày, bà qua đời. Vua Gia Long rất thương tiếc đứa con dâu yểu mệnh, bèn ban chỉ dụ cho quan lại và bá tánh trong nước kiêng tên Hoa của bà.

Theo lệnh kỵ húy này, tỉnh Thanh Hoa đổi thành Thanh Hóa, cầu Hoa đổi tên thành cầu Bông, cửa Đông Hoa của Huế đổi thành cửa Đông Ba. Và chợ Đông Hoa cũng đổi tên thành chợ Đông Ba.

 

Từ đó trên cả nước không còn nơi nào và có ai còn gọi người Hoa là người Hoa nữa. Nhưng sao người ta không đổi từ Hoa này thành Bông (như cầu Bông) mà đổi thành Ba? Đó là vì sự biến đổi đầu tiên xảy ra ở kinh đô, với cửa Đông Hoa thành cửa Đông Ba như đã thấy; rồi sự kỵ húy từ đó lan vào Quảng Nam, với Hội An là cái “ổ Hoa kiều” lâu đời. Người Quảng Nam có câu ca dao:

Thủng thỉnh lượm bông ba rơi
Lượm cho có cách hơn người trèo cao

 

Ba là thay cho từ Hoa trong sự kỵ húy đó.

Từ Hoa được thay bằng từ Ba, nhưng gọi người Hoa thì ai cũng hiểu, trái lại gọi người Ba thì vừa lạ hoắc vừa vô nghĩa, chẳng ai biết đó là gì. Họ vốn là người Tàu. 

Thế thì gọi luôn Ba Tàu, không cần giải thích thêm, ai cũng biết.


(Thiếu Khanh)



Tản mạn chữ Hán-Việt - 1

Nói của đáng tội, có được người bạn biết chữ Tàu là may cho tôi, ví như có cuốn tự điển Hán Nôm biết nói, lại biết tra cứu giùm mình, thật tiện lợi trăm bề. Chả hạn những cái tên Trung Hoa, Pro-HV (1) có thể phiên âm chớp nhoáng. Gì chứ tôi không thể nghe vô mấy chữ phiên âm tiếng Tàu (pinyin). Nghĩ mà xem, khi trong bài viết có một đống tên Tàu mà nếu cứ để y sì chữ pinyin thì đọc lên sẽ ra thế nào? Thay vì Lưu Hiểu Ba thì là Liu Xiaobo, Mao Trạch Đông thì là Mao Tse-tung (Mao Zedong; Mao Tse-tung là hệ thống Wade-Giles cũ – DCVOnline), còn Lý Bạch sẽ ra Li Po (hay Li Bai – DCVOnline), v.v. Vậy là thay vào những âm thanh mềm mại dễ thương của tiếng Hán Việt sẽ là một mớ tiếng động loảng xoảng chát chúa “tchùng, tchéng, tchỏng”, “xằng, xáo, xẻng”, “pạch, pỉn, páo”… Ôi thôi, nghe điếc cái lỗ tai!


Nhờ có Pro-HV, tôi còn hiểu thêm nhiều điều thú vị về chữ Hán-Việt mà chỉ có dân “pro” mới biết. Như vừa rồi trong bài “Hiểu sai nên dịch sai” tôi có nhắc tới ba chữ Hán-Việt “vô”, “phi” và “bất” đều mang nghĩa Việt là “không” (như “không có, không còn”).

(Ngũ Phương)


Pro-HV (1)  : Pro chữ Hán Việt



Chữ Tàu tiếng Việt 

Học trò hỏi:

- Thừa thầy, bố mẹ vợ gọi là nhạc phụ, nhạc mẫu. Còn bố mẹ chồng gọi là gì?


Thầy đáp::

- Chữ Hán gọi bố mẹ chồng là công công.


(trích trong Quan phu – Khuyết danh)



Tản mạn chữ Hán-Việt - 2


Sau khi đọc bài viết của tôi, Pro-HV (1)  bảo:
– Còn điều này cũng nên biết thêm. Theo văn phạm tiếng Tàu, đi sau chữ “vô” và chữ “phi” phải là danh từ, như trong “vô lý, vô danh, vô đạo đức” và trong “phi nhân, phi pháp, phi chính phủ”, nhưng sau chữ “bất” lại phải là động từ, như trong “bất bạo động, bất tòng tâm, bất biến, bất thành nhân dạng”, v.v.


– Thật không, tôi vẫn thấy chữ “bất” đi chung với danh từ nhiều lắm, như câu “vô độc bất trượng phu”?
– Câu “Không độc địa không là đàn ông” tôi nghĩ động tự “là” (“thị” trong chữ Hán-Việt) có thể đã được bỏ ra ngoài, được hiểu ngầm, giống như ta vẫn bỏ qua những chữ “thì, là, mà, rằng” để câu văn bớt nặng nề.


– Vậy “bất lực” thì sao? “Bất lực” nghĩa là “không đủ sức”, như “Nhà cầm quyền bất lực trước nạn tham nhũng”. Chữ “lực” là danh từ kia mà.
– Trong tiếng Tàu làm gì có chữ “bất lực”, chỉ có chữ “vô năng” thôi. “Năng” là danh từ nên đi kèm với “vô”.
– “Vô năng”? Chữ gì lạ hoắc, chưa nghe qua.
– À, thì mình là người Việt chứ có phải người Tàu đâu mà chữ nào của Tàu mình cũng xài. 


Câu chuyện của hai chúng tôi dừng tại đây. 


(Ngũ Phương)


Pro-HV (1)  : Pro chữ Hán Việt



Chữ nghĩa làng văn 

Truyện Trầu cau của Trần Thế Pháp nằm trong sách Lĩnh Nam chích quái, được biên soạn vào khoảng năm 1370 -1400. Một thế kỷ sau, năm 1492 và 1493, sách bị Vũ Quỳnh và Kiều Phú nhuận sắc. 

Từ miếng trầu là đầu câu chuyện sinh ra những chuyện sau đây:

Cả ba miền nước ta đều có trầu. Riêng miền Bắc lại gọi là giầu không. Bị nhiều người miền Nam mỉa mai, chê cười. 

Đã giầu lại còn không

Ăn nói kì cục! Ai mà hiểu nổi.


Từ kép giầu không được dùng để chỉ một mình lá giầu, không có gì khác. Cô em bé xinh xinh khoe nhà mình có giàn giầu không.
Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều. 

(Nguyễn Bính, Qua Nhà, 1936)

Phương ngữ miền Bắc thỉnh thoảng dùng chữ không, với nghĩa là… không có. Thí dụ: phở không là phở không có thịt, chỉ có bánh và nước. “Đánh bát cơm không” nghĩa là ăn cơm (nguội) không có đồ ăn. Ăn không ngồi rồi: chỉ ăn, không làm gì v.v.

(Nguyễn Dư)



Nhớ Sài Gòn, chốn cũ đường xưa

Tân Định & Đa Kao những ngày xưa cũ


Hết đường Trần Quang Khải thì gặp đường Đinh Tiên Hoàng. Quẹo trái sẽ gặp một quán bán thịt gà, thịt vịt và thịt heo quay. Bên kia đường Trần Quang Khải là đường Nguyễn Huy Tự. Phía tay phải có chợ Đa Kao. Trước khi tới chợ Đa Kao, sẽ gặp một gánh chè chỉ bán đậu đen. Bà bán chè, người miền bắc di cư. Bà chỉ bán vào buổi chiều. Chè đậu đen bà nấu, hạt rất dẻo, hương vị ngọt đậm đà. Thú vị nhất là ngồi chồm hỗm ăn chè nóng dưới cơn mưa lất phất của Sài Gòn, vì không có ghế cho khách. 

 

Một con đường chạy ngang chợ Đa Kao là đường Trương Hán Siêu. Bên trong có đền thờ Phan Chu Trinh và quán bánh cuốn tráng hơi, mang tên Tây Hồ. Bà chủ bánh cuốn có tên là bà Cà. Bà khởi nghiệp năm 1960, bằng một cái quán xập xệ, một ít bàn ghế thấp lè tè và mấy tấm bạt cũ để che mưa. Khi chiều đến, có quán cháo lòng, mà bà chủ rất khó tánh. Bà luôn luôn ưu tiên bán trước cho nam gìới, còn nữ giới thì bà cho đợi mút chỉ cà tha. Cô hay bà nào không chờ được thì đi kiếm chỗ khác.. 


(Trần Đình Phước)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Sau một loạt ấn bản “từ điển Vũ Chất” bị “tuýt còi” với lỗi ngô nghê, mới đây, lại có thêm một cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách Khoa Hà Nội biên soạn có những định nghĩa gây choáng váng, chẳng hạn như: 

“nhà trường” là “trường học”

 

***


Phụ đính I


Chân dung hay chân tướng nhà văn

Khoảng giữa năm 1978 Hội nuôi ong Việt Nam mời một số nhà văn trong đó có tôi và Dương Thu Hương lên Tam Đảo nghe báo cáo về nghề. Sau đó tôi có viết bút ký “Thành phố con ong” về “tổ chức xã hội loài ong” mà nếu ta đi sâu sẽ phải nghĩ tới sự có mặt của… Thượng Đế, về vai trò con ong chúa sau một đời tận tụy, cuối đời thu hết tàn lực bay ra khỏi tổ chết cô đơn trên mặt đất khỏi làm ô nhiễm tổ ong. 


Bài ký đăng trang nhất báo Văn Nghệ, Nguyễn Tuân có đọc bởi lẽ gặp tôi ở giữa cầu thang NXB Văn Học, ông nhìn thẳng vào mặt tôi rồi vừa đi ông vừa nói như người ngủ mê: ”Thành phố con ong… thành phố con ong…”. Lúc đó tôi thầm đoán tuy không nói ra nhưng chắc Nguyễn Tuân cũng mong muốn “một con ong” chúa hy sinh cao thượng vì cộng đồng, một xã hội loài ong ưu việt gấp mấy lần “xã hội bầy cừu”. 


Hẳn là chuyến đi Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã làm ông suy nghĩ nhiều. 
Nhìn rõ những bước lận đận của Nguyễn Tuân, nhà thơ Xuân Sách đã làm thơ chân dung ông:
Vang bóng một thời đâu dễ quên,
Sông Đà cũng muốn đẩy thuyền lên
Chén rượu Tình rừng cay đắng lắm
Tờ hoa lại trút lệ ưu phiền”.

(Nhật Tuấn)


Tác giả: Nhà văn Nhật Tuấn tên thật là Bùi Nhật Tuấn, sinh ra tại Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà Văn. Truyện ngắn và tiểu thuyết là hai thể loại nổi bật trong sự nghiệp văn học của ông. Nhà văn Nhật Tuấn qua đời ngày 6-10-2015 tại bệnh viện Thống Nhất, Sài Gòn, hưởng thọ 74 tuổi.
Tác phẩm: Con chim biết chọn hạt

Đi về nơi hoang dã (tiểu thuyết, 1988)

Quê nhà Quê người (chung với Nhật Tiến, 1994)

Một cái chết thong thả (tập truyện, 1995)


(Nhà văn Nhật Tuấn là em nhà văn Nhật Tiến)

 

***


Phụ đính I


Chữ nghĩa làng văn

Lê Dư Sở Cuồng


1905, Lê Dư Sở Cuồng khi qua Cao Ly, ông là người đầu tiên phát hiện ra dòng họ Lý, hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường, con thứ của vua Lý Anh Tông vượt biển qua Cao Ly.


Chữ nghĩa làng văn

Trong số những phố phường cũ ở Hà Nội, phố Hàng Bạc thật có duyên với văn học: Nguyễn Tuân, Thạch Lam đều sinh ở đấy; Vũ Trọng Phụng đã sống ở đấy nhiều năm. Sau đây chúng ta sẽ thấy, ông thường tả rất kỹ chung quanh hồ Hoàn Kiếm. 


Vũ Trọng Phụng cũng thường nhắc tới trong các phóng sự tiểu thuyết của mình cảnh ăn chơi của những Tạ Hiền, Sầm Công, Hàng Buồm cách Hàng Bạc không xa. Riêng Thạch Lam có khác. Thuở nhỏ, ông theo gia đình về ở mãi cái huyện xa vùng Hải Dương (Cẩm Giàng) và Thái Bình (Tân Đệ), sau mới về học ở Hà Nội và ra làm báo. 


Theo Thanh Tịnh kể lại, thì bề ngoài Thạch Lam dáng cao cao, thân hình mảnh khảnh, ăn nói điềm đạm, mới gặp người ta dễ lầm là một nhà giáo hơn là một nhà văn. Chả thế mà viết văn giữa Hà Nội, ông chỉ tìm thấy niềm vui trong một mái nhà tranh trông ra Hồ Tây ở Yên Phụ. Thạch Lam sống như thế cho đến những ngày cuối cùng trong đời. 


(Vương Trí Nhàn)


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Không những chỉ sinh ở phố Hàng Bạc, mà Nguyễn Tuân còn chính là người gốc ở một vùng đất ngoại thành nổi tiếng: làng Nhân Mục (làng Mọc); tức ông đồng hương với Đặng Trần Côn.


Theo Xuân Diệu kể, thì Xuân Diệu cùng với Huy Cận ở 40 Hàng Than, ở đây Xuân Diệu và Huy Cận ở trên gác, còn người ở gác dưới là nhà thơ Lưu Trọng Lư. Lưu Trọng Lư từ miền trung ra Hà Nội trước Xuân Diệu, bấy giờ đã sống bằng ngòi bút, ông nhận làm thuê cho Tiểu thuyết thứ bẩy, Phổ thông bán nguyệt san.


(Vương Trí Nhàn)



Chữ nghĩa làng văn

Chúa Sãi   

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên được gọi là chúa Sãi vì nhà chúa ăn chay và mặc quần áo như sư.



Chữ nghĩa làng văn

Vụ án “Về Kinh Bắc”, một sự kiện “Hậu Nhân Văn”

Kết cục của vụ án Về Kinh Bắc tóm tắt như sau: 

Hoàng Cầm sau mấy tháng bị giam thì kiệt sức vì bị khủng bố tinh thần liên tục mà lại không có nàng tiên nâu trợ lực, phải nhận tội phản động, chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội, chống chế độ, để mong sớm được ra.


Tôi không thể nào quên cái buổi sáng ấy trong Hỏa Lò. Sau mấy tháng không thuyết phục được tôi thừa nhận VKB là “phản động”, CA để tôi nghỉ một hơi dài. Rồi bỗng một hôm tôi lại được gọi đi “làm việc”. Người CA đưa tôi vào một phòng hỏi cung, nhưng không có ai trong đó. Mà lại có một tập giấy thếp viết sẵn để trên bàn. Tôi tò mò giở ra, thì... trời ơi, đó là bản tự khai của Hoàng Cầm, tôi nhận ra chữ viết rất nắn nót, đẹp, của ông. Tôi đọc lướt, càng đọc càng hoang mang vì ông nhận tuốt tuột các ý tưởng chống đảng, đả kích chế độ... trong tập thơ. 

(Hòang Hưng)



(xem tiếp kỳ tới: Vụ án “Về Kinh Bắc”)



 






Không có nhận xét nào: