Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

THỬ TÌM HIỂU NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ NGÀI NGUYỄN Ư DĨ - Hoàng Đằng

 THỬ TÌM HIỂU NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT

           VỀ NGÀI NGUYỄN Ư DĨ

 

Ngày 10 và 11/10/2022 vừa rồi, tại thôn Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị khánh thành đền thờ (nhà thờ ?) Ngài Nguyễn Ư Dĩ.

Thôn Trà Liên xưa gọi là Trà Bát – nơi chúa Tiên Nguyễn Hoàng lập dinh trại từ năm 1570 đến 1626.

Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa từ 1558, mới vào lập dinh trại ở Ái Tử, đến năm 1570 dời dinh trại về Trà Liên (Trà Bát); năm 1626, chúa Nguyễn Phúc Nguyên – con chúa Tiên Nguyễn Hoàng – rời đất Triệu Phong, Quảng Trị vào lập thủ phủ ở Thừa Thiên.

 

NGUYỄN Ư DĨ LÀ AI?

Nguyễn Ư Dĩ là cậu ruột của Nguyễn Hoàng. Mẹ của Nguyễn Hoàng là em gái của Nguyễn Ư Dĩ.

Nguyễn Ư Dĩ cũng vừa là cha nuôi của Nguyễn Hoàng. Năm Nguyễn Hoàng mới hai tuổi (1527), thân phụ Nguyễn Hoàng lên miền Tây tỉnh Thanh Hóa rồi qua Lào, “chiêu binh mãi mã” khôi phục lại nhà Lê vừa bị Mạc Đăng Dung cướp quyền, lập ra nhà Mạc; Nguyễn Kim giao Nguyễn Hoàng cho Nguyễn Ư Dĩ nuôi dạy.

Nguyễn Ư Dĩ cũng là người phò tá, cố vấn cho Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa dựng nghiệp. Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa với một đoàn tùy tùng, nghe sử sách ghi lại, có đến cả ngàn người. Việc chọn đất Ái Tử - Trà Bát và sắp xếp dân địa phương đón tiếp dâng các vò nước trong lên Nguyễn Hoàng chắc do Nguyễn Ư Dĩ sắp xếp. Mục đích để Nguyễn Hoàng vững tâm trên vùng đất mới và tin tưởng việc dựng nghiệp thành công – dâng các vò nước (thủy   ) mang hàm ý dâng nước (quốc  ).

Dân Trà Liên (Trà Bát) truyền miệng rằng nghĩ đến công lao lớn lao của ông cậu Nguyễn Ư Dĩ đối với cơ nghiệp chúa Nguyễn lúc ban đầu, một người con gái Nguyễn Hoàng cho lập chùa Liễu Bông (tên khác Liễu Ba) trong địa phận dinh phủ để về già Nguyễn Ư Dĩ tu hành và lúc Ngài mãn phần, chùa là nơi thờ phượng Ngài.

Trong chùa, ngày xưa có tôn tượng Ngài. Tôn tượng này bằng đồng; kỹ thuật đúc khá tinh xảo; nhưng ai đúc, đúc thời nào không có thông tin để lại.

Chiến tranh làm cho chùa sụp đổ, tôn tượng vẫn còn. Làng Trà Liên dựng nơi thờ tự tam để đặt tượng thờ. Tượng đã bị kẻ trộm lấy khỏi nơi thờ tự nhiều lần, nhưng lần nào làng Trà Liên cũng thu hồi về được.

Vì thế, lần này, đền thờ kiên cố được lập lên để thờ phượng Ngài cho nghiêm túc và cũng để bọn trộm khó đột nhập.

Đã có nhiều sách báo viết về Ngài Nguyễn Ư Dĩ, tôi khỏi viết lại, với bài viết này, tôi chỉ thử tìm hiểu 2 điều mà sử sách chưa nói đến. Ấy là năm sinh của Ngài và mộ phần của Ngài.

Những điều tôi viết ra chỉ là suy đoán, tôi tin đúng nhưng tôi không đoan chắc.

 

TÔI TÌM NĂM SINH CỦA NGÀI NGUYỄN Ư DĨ

Theo sách sử, Nguyễn Ư Dĩ  於  còn có tên khác là Ư Kỷ於 , Ư Tỵ 於 . Ba chữ: Dĩ , Kỷ  , Tỵ 巳 có hình dạng gần giống nhau. Vì vậy, có thể Ngài chỉ có một tên, việc có đến 3 tên là do 3 cách đọc khác nhau của người đời sau.

Ngày xưa, tôi bắt đầu học chữ Hán, thầy bày cho cách phân biệt 3 chữ này: Tỵ 巳 trồi, Dĩ 已 trụt, Kỷ 己 đèo queo.

Theo suy đoán của tôi, tên Ngài được cha mẹ đặt cho là Tỵ - Ư Tỵ (vào năm Tỵ) để nói Ngài sinh vào năm Tỵ.

Thân sinh của Ngài có tài liệu nói là Nguyễn Kính Diện, có tài liệu nói là Nguyễn Minh Biện; chữ lót trong gia đình Ngài là Kính hoặc Minh, chứ không phải Ư. Tên họ Ngài không lấy chữ Kính hay chữ Minh mà đổi qua Ư (ở, vào) vì cha mẹ Ngài muốn nói đến năm sinh của Ngài.

Thông tin về năm sinh của Ngài sử sách không nói tới, năm mất của Ngài sử sách cho biết năm 1602. Vậy nếu năm sinh của Ngài là năm Tỵ thì năm Tỵ đó là năm Tỵ nào? Năm Kỷ Tỵ (1509) hay năm Đinh Tỵ (1497)?

Nếu Ngài sinh năm Kỷ Tỵ thì tuổi thọ của Ngài là 94 tuổi ta hay 93 tuổi Tây (1509 – 1602); nếu Ngài sinh năm Đinh Tỵ thì tuổi thọ của Ngài là 106 tuổi ta hay 105 tuổi ta (1497 – 1602). Tuổi thọ người Việt thời đó 93 hay 94 là tương đối tin được; còn 105 hay 106 e không thể đạt được.

Vì vậy, tôi đoán Ngài sinh năm Kỷ Tỵ (1509).

 

Vậy thì em gái Ngài - bà Nguyễn thị Mai - là chánh thất phu nhân của Nguyễn Kim, mẹ của Nguyễn Hoàng  phải sinh từ 1510.

Sử sách cho biết Nguyễn Kim có 3 vợ:

1- Chánh thất phu nhân Nguyễn thị Mai (sinh năm ? – mất 23/Giêng ÂL, không rõ năm) sinh ra Nguyễn Hoàng.

2- Thứ thất phu nhân Đỗ thị Tín (sinh năm ? – mất năm ?) sinh ra Nguyễn thị Ngọc Bảo  – chị của Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng và vợ của Trịnh Kiểm.

3- Thứ thất phu nhân (không rõ tên họ, năm sinh, năm mất) sinh ra Nguyễn Uông.

Nguyễn Hoàng sinh năm 1525, giả sử bà Nguyễn thị Mai sinh năm 1510; như thế bà Nguyễn thị Mai phải lấy Nguyễn Kim 1524, nghĩa là mới 14 hoặc 15 tuổi, lúc đó Nguyễn Kim đã 56, 57 tuổi - Nguyễn Kim sinh năm 1468 ...

Việc bà Nguyễn thị Mai ít tuổi và là vợ cuối cùng của Nguyễn Kim được sử sách ghi chánh thất phu nhân cũng dễ hiểu thôi. Con cháu của bà lần lượt nắm quyền thời họ Nguyễn làm chúa và cả khi họ Nguyễn làm vua. Các chúa, các vua tôn xưng ngôi thứ và các sử quan theo đó mà chép.

 

MỘ NGÀI NGUYỄN Ư DĨ Ở ĐÂU?

Khi Ngài Nguyễn Ư Dĩ mất, mộ táng ở đâu không có thông tin.

Hôm 03/10/2022, ông Trình Đình Thạnh, trưởng thôn Trà Liên, kể cho tôi nghe chuyện hồn thiêng Ngài Nguyễn Ư Dĩ nhập đồng.

Ở làng Trà Liên (Trà Bát xưa), năm 2013, trong quá trình đào móng làm nhà, ông Trịnh Hùng phát hiện tượng rùa tạo hình bằng vữa trộn từ vôi, cát, vỏ hến kết dính bằng nước đường và nước bời lời giã nhuyễn; tượng nằm trong một quách xây bằng gạch, tượng xây mặt về hướng Nam, nặng đến mức tám thanh niên lực lưỡng bê không nổi. Mộ có tấm bia đá chỉ còn lại một phần, trên đó có 4 chữ Hán.

Tôi có hỏi trong mộ, ngoài tượng rùa, còn có dấu vết hài cốt gì không, thì ông trưởng thôn cho biết đào đến tượng rùa thì ai cũng sợ không dám đào thêm nữa. Mà giả sử có hài cốt, tôi nghĩ vùi trong nước cát dỉ hơn 400 năm rồi, hài cốt đã tan biến.

Ngày 18/3/2022, trưởng thôn Trịnh Đình Thạnh vận động được tài chánh xây lại mộ cho tượng rùa. Ông trưởng thôn Trịnh Đình Thành được hồn thiêng Ngài Nguyễn Ư Dĩ nhập cho biết ngôi mộ có chôn tượng rùa là mộ của Ngài.

Dù là chuyện thuộc lãnh vực tâm linh, theo tôi, mức độ khả tín cũng cao.

Mảnh bia tìm thấy cùng với tượng rùa, còn lại trên đó nét khắc của 4 chữ Hán (không biết bao nhiêu chữ tiếp theo nằm phần dưới của tấm bia đã bị vỡ vụn !!!); hai chữ đầu rõ, dễ đọc là VIỆT  và CỐ ; hai chữ sau còn phần bên phải khá rõ, phần bên trái rất khó giải mã.

Trước tiên tôi đoán là VIỆT CỐ CHÂN BẮC     (Người Việt quá cố thật đúng người ngoài Bắc); tôi nằm nghĩ, rồi xem lại, tôi đoán không đúng rồi; các chữ phải nằm hàng dọc thẳng; chỉ dựa vào phần bên phải còn rõ của chữ, tôi đoán 2 chữ sau là CHÂN BẮC  thì hàng dọc các chữ hết thẳng. Vô lý!

Tôi lên mạng hỏi vài bậc thông chữ Hán và nhận được sự giúp đỡ sốt sắng; Yến Thọ đoán đọc là VIỆT CỐ HIỂN TỔ   𩕃  (Người Việt quá cố là ông nội…); Tam Ngng đoán đọc là VIỆT CỐ HIỂN TỶ  𩕃  (Người Việt quá cố là mẹ …); Đỗ Chiêu Đức đoán đọc là VIỆT CỐ TRẤN THỬ    (Người Việt quá cố trấn giữ nơi này). Cảm ơn Yến Thọ, Tam Ngng, Đỗ Chiêu Đức nhiều.

Tôi nghiêng về cách đoán đọc của Đỗ Chiêu Đức; 4 chữ trên mảnh bia là:     (Ngườì Việt quá cố trấn giữ nơi này).

Người trấn giữ nơi này chỉ có thể là Nguyễn Hoàng hay Nguyễn Ư Dĩ. Nguyễn Hoàng đã được sử sách nói rõ khi mất mộ chôn trên núi nguồn sông Thạch Hãn thì mộ chôn tượng rùa với mảnh bia vỡ tìm thấy chắc là của Nguyễn Ư Dĩ.

Hiện tại, mộ đã được xây mới trên chỗ mộ cũ; tượng rùa đặt trên mộ chứ không chôn lấp nữa. Rùa là biểu tượng của sự vững bền. Người xưa chôn thêm tượng rùa chắc muốn quê hương, cõi bờ bền vững …

*

Tôi nhắc lại một lần nữa mấy dòng viết trên không phải là bài nghiên cứu sử mà chỉ là những dòng suy nghĩ của một ông già thích sử…


Hoàng Đằng

         14/10/2022

                                    1. Tượng ngài Nguyễn Ư Dĩ

2. Ảnh tượng ngài Nguyễn Ư Dĩ

3. Ảnh mảnh bia vỡ còn lại

  
4 Ảnh rùa chôn dưới mộ
                                               5. Ảnh đền thờ mới xây




Không có nhận xét nào: