Thứ Ba, 13 tháng 2, 2024

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 Chữ Nghĩa Làng Văn

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng 


***

Chữ Việt cổ

Tục: thói quen - phong tục, tục lệ.

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)


Một vài cách nói độc đáo của người miền Nam - 1

Lại nữa, đi vào miền Nam, ta còn nghe câu cửa miệng "Tam hoàng ngũ đế". Hiểu ra làm sao? Xin dẫn chứng văn liệu, năm 1888, nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký thực hiện tờ Thông Loại Khóa Trình, trong lời phi lộ, ông cho biết mục đích: 

"Coi sách dạy lắm, nó cũng nhàm; nên phải có cái chi vui pha vào một hai khi, nó mới thú. Vậy ta tính làm ra một tháng đôi ba kì, một tập mỏng mỏng nói chuyện sang đàng, chuyện Tam hoàng cuốc chí, pha phách lộn lạo xào bần để cho học trò coi chơi cho vui. Mà chẳng phải chơi không vô ích đâu, cũng là những chuyện con người ta ở đời nên biết cả".


Chữ Việt cổ

Chừ: bây giờ

(Đại Nam Quốc Âm Tự Vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)


Một vài cách nói độc đáo của người miền Nam - 2

Gần đây, trong hồi ký “Hơn Nửa Đời Hư” (NXB Tổng hợp 1992), học giả Vương Hồng Sển viết: "Mua một món đồ lạ, rồi đắc ý gặp ai đến nhà cũng lấy ra khoe, quên rằng ép người ta nghe mình nói chuyện Tam Hoàng Cuốc Chí, người ta mau chán ngán" (tr. 501).


Câu Tam hoàng cuốc chí là cách nói ghép từ hai chuyện: 

1. Khi nói về lịch sử xa xưa, xa lắc xa lơ của Trung Quốc, người ta thường bắt đầu từ thời Tam hoàng, Ngũ đế

2. Tam quốc chí là tiểu thuyết chương hồi nhiều tập, phải đọc/ kể ròng rã nhiều ngày mới xong. Khi kết hợp cả hai, từ "ngũ đế" bị loại bỏ; Tam quốc chí, chỉ lấy "quốc chí" đơn giản đã có tam/ Tam hoàng rồi, thế thì nó phải là Tam hoàng quốc chí mới đúng catalogue, không đâu, nếu thế, có gì vui, có gì lắt léo? 


Từ hai nghĩa trên, câu này hàm ý muốn nó là chuyện xa xửa xa xưa, từ đời bà cố Hỷ không ăn nhậu gì với hiện đại , nghe nhàm tai, không thiết thực, đã thế nó còn được kể lại một cách dông dài, dài dòng, tràng giang đại hải, nói cà kê, dây cà ra dây muống… Nghe chán ngán là phải rồi.


Về…“hưu”

Chữ “hưu” hình thành từ chữ “nhân” và “mộc”. 

Ý là khi người ta về già hãy vui thú điền viên với cây cỏ.


Chửi mất khoai

Cha năm đời mười đời bố cụ nhà mày nhá, mày lấy thuổng mày đào, mày lấy dao mày cạo, mày bỏ thỏm vào nồi, mày đun sôi sùng sục, mày múc ra mâm, mày ăn ngấm ngầm, mày khen khoai nhà bà ngọt nhá.

(Vùng sáng ký ức – Khuyết danh)



Góp nhặt cát đá

Cá rô cây 
Lão hành khất vào ngồi trong hiên chùa, bắt đầu bữa ăn xin được trong ngày: ít vắt cơm, muối và... một con cá rô cây.

Bà vãi nhìn bữa ăn, thấy con cá rô cây được đẽo gọt khá cẩn thận, dọn ra giống y con cá thật đã được nấu nướng đàng hoàng. Bà hỏi người hành khất: 
- Này ông lão, ông làm gì với con cá gỗ ấy hay cuối cùng cũng chỉ cơm với muối?

Lão hành khất đưa tay chỉ tượng Phật giữa chánh điện trả lời: 
- Này bà, còn bà làm gì với tượng Phật kia và…ăn chay


Con đường Dương Nghiễm Mậu

Tuần lễ trước đây, ở một lá thư của một người bạn thân gởi sang từ Sàigòn, có một đoạn bạn tôi vắn tắt cho hay về Dương Nghiễm Mậu sau 1975. Dương Nghiễm Mậu không đi năm 1976, phải trình diện học tập cải tạo, bị giam ở trại tập trung Phan Đăng Lưu Gia Định, hơn một năm sau được thả về cùng một đợt với Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Hiệu, Nhã Ca. Thư kể Mậu bây giờ làm việc ở một xưởng sơn mài thành phố, vẫn sống cùng vợ con trong ngôi nhà cũ vùng ngoại ô Trương Minh Ký, một đời sống từ lâu đã biết làm cho đơn giản đến tận cùng khiến nghèo túng đến mức nào cũng không còn là thảm kịch, và dẫu ở cảnh ngộ nào cũng thư thái ung dung. 


Thư kể Mậu đi bộ khoan thai trên hè phố, cái dù đen nơi tay, cái nhìn hóm hỉnh, nụ cười tươi tắn. Đúng là Dương Nghiễm Mậu, vẫn là Dương Nghiễm Mậu ấy, sau Rượu chưa đủ đến tìm tôi và đưa thêm những truyện mới, những sáng tác mở đầu cho sự nghiệp văn chương tốt đẹp này của Mậu đều được trang trọng giới thiệu trên tờ Sáng Tạo Bộ Cũ và Bộ Mới. Nụ cười tươi tắn, cái nhìn hỏm hỉnh. Đúng là Dương Nghiễm Mậu, độc lập một trời riêng, tách biệt một đường riêng, phản chiếu trong văn viết và trong một tấm hình nổi tiếng độc đáo của Trần Cao Lĩnh, Mậu nhắm mắt mĩm cười dưới một mặt kim đồng hồ kim phút kim giờ cùng ngộ nghĩnh rớt xuống.



Sau biến cố 1975, trước khi bị truy nã và do đó đứt hết liên lạc bằng hữu, tôi còn gặp Dương Nghiễm Mậu nhiều lần. Một lần ở cổng xe lửa số 6. Trời râm mát mà tác giả Địa Ngục Có Thật vẫn chiếc dù đen trong tay, như một vật tùy thân. Mừng rỡ đứng lại trò chuyện giữa tan hoang cộng sản đã vào. Mậu cười nói với tôi: "Nhiều chuyện lạ lắm sắp xảy ra, đây chỉ là bắt đầu và anh em mình sắp nhìn thấy". Rồi kể là đã sắp đặt tức khắc xong xuôi đời sống. Đã đơn giản còn chỗ đơn giản hơn nữa. Đã thu hẹp còn cho thu hẹp hơn nữa. Để lúc nào phải đi thì đi.


(Mai Thảo)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Ngày sau nếu không là tôi nữa
Sỏi đá vô tri chắc cũng buồn.

(Đăng Học)



Thú đau thương không còn nữa

Từ cuộc đời đau thương của Dương Kiền, tôi nhớ một lần, một lần đầy kịch tính như phim hành động của điện ảnh Hoa Kỳ. Tôi tới quán cà-phê quen thuộc ở góc đường Kỳ Đồng - Thanh Quan như thường lệ. Trời chiều sậm màu. Một người khách mang kính đen ngồi bàn bên, mũ vải kéo sụp xuống. Anh ta nhìn sang phía tôi, hỏi nhỏ thì thầm: “Đạt phải không?” Hóa ra Dương Phục. Anh vượt ngục ở vùng Sông Bé, nơi có trại tù sĩ quan học-tập-cải-tạo. Vì thế anh mang kính đen che đôi mắt, đội mũ vải có vành, kéo xuống sát gọng kính. “Moa vượt ngục mà. Đợi thằng NgM. tiễn nó đi chầu Diêm Vương, thằng khốn kiếp nó rù quến...” Dương Phục nói tên người phụ nữ mà anh bảo là bị NgM. rù quến. 


Tôi nhìn thấy con dao găm, là lưỡi lê gắn đầu súng garant, chả hiểu anh kiếm ra nó ở đâu, thọc sâu nó bên hông quần kaki. Tôi toát mồ hôi, dù từng dùng lưỡi lê hơn một lần, khi xáp lá cà với Vixi ở A Sao A Lưới. Tuy nhiên... “Thằng cha NgM. (đã mất) văn nghệ văn gừng này tôi từng xem là bạn. Một lần khác đi, nếu thấy nhất thiết phải như vậy. Một lần nào cũng được, miễn không phải lần này...” Tôi nói với Dương Phục như vậy. Dương Phục uống cạn ly cà-phê đá, lên chuyến xe Traction đen cuối cùng về Biên Hòa. Tôi ngồi lại. Năm mười phút sau NgM. từ bên kia đường bước sang, anh chàng thấy tôi ở quán. Nếu lần nào Dương Phục cũng vì thương anh mình mà “giải quyết vấn đề” như vậy, chắc là anh đã phải đóng phim hành động Hoa Kỳ ít nhất năm bảy lần. Dương Kiền thì đã phổ hết đời mình trong Thú Đau Thương.

Hôm nay, tưởng niệm người anh của bạn tôi, người bạn của anh tôi, tôi chẳng đặng đừng nhắc nhớ những chuyện như vậy. Chỉ là những gì tôi muốn quên, và Dương Kiền thì đã quên tất cả rồi.

(Nguyễn Đạt)


Đoàn Kế Tường & Đoàn Thạch Hãn - 1

Đoàn Kế Tường tên thật là Đoàn Văn Tùng, sinh năm 1949 tại làng Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

(Đoàn Kế Tường 1949-2014)


Theo lời Tường, năm 13 tuổi, do bố từng là lính cho Pháp nên Tường được vào học Trường Thiếu Sinh Quân-Vũng Tàu, sau đó vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường chọn Lực Lượng Đặc Biệt, đóng ở Cao Nguyên, rồi đào ngũ về quê Quảng Trị, sau làm lính địa phương quân và do cơ duyên tình cờ, trở thành phóng viên của báo Sóng Thần. Tường gia nhập làng báo từ 1971 với các bút danh: Đoàn Kế Tường, Đoàn Thạch Hãn


Chúng tôi gặp nhau tại phòng 10 khu BC trại giam T30 Chí Hòa, khi tôi (Đinh Anh Quang Thái) chuyển từ Phan Đăng Lưu sang đây. Đoàn Kế Tường hơn tôi 5 tuổi, bằng tuổi anh cả tôi. Dù vậy, không câu nệ, anh bảo “gọi nhau mày tao cho thân, anh anh tui tui nghe mệt thấy mẹ.” Tôi vẫn giữ lễ, nhưng ngày càng thân, nên sau tôi chỉ gọi anh là Tường. Và anh gọi tên tôi, xưng “tui”…

(Đinh Anh Quang Thái)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Lời nói không mất tiền mua
Tha hồ mà nói đừng thua câu nào



Đoàn Kế Tường & Đoàn Thạch Hãn - 2

Ra tù năm 84, tôi đi thoát, Tường vẫn đếm ngày tháng sau chấn song ở trại Chí Hòa. Và rồi Tường cũng được thả. Mừng bạn thoát tù, tôi gửi về chút quà cho Tường… Rồi nghe tin Tường làm cho báo Công An, ký tên Đoàn Thạch Hãn… Bạn bè còn lại quê nhà nhắn tin, Tường “bệ rạc quá, viết nhiều bài bôi nhọ anh em.”

Xa quê nhà nửa vòng trái đất, tôi (Đinh Anh Quang Thái) không thể phán xét gì về bạn mình. Chỉ thầm nghĩ, cái anh chị trong con người Tường lại lấn cái THIỆN rồi. Tường chết bệnh năm 2014 ở Sài Gòn. Nhà báo Huy Đức báo ngay tin này cho tôi, và nói sẽ đến viếng Tường lần chót trước khi thi thể được đưa về với đất ở Hải Lăng. Huy Đức cho biết, ngoài vài người cháu và bạn bè văn nghệ, không có ruột thịt nào bên Tường lúc Tường ra đi…


Đọc bài viết của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, tôi mới biết Tường có lần tự phán “mình rất tiếc đã tự bôi đen đời mình quá nhiều.” Giá Tường được sống trong môi trường khác, tôi tin cái THIỆN trong anh sẽ lấn cái anh chị.

“Giá được sống trong một môi trường khác” thì rất nhiều người cũng khác, chứ chả riêng chi họ Đoàn. Nguyễn Khải, chả hạn, sẽ không đợi đến lúc gần nhắm mắt xuôi tay mới dám mon men “đi tìm cái tôi đã mất.” Nguyễn Đình Thi cũng thế, cũng chả phải “tự phán” bằng những lời lẽ chua chát – vào lúc cuối đời:

Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ

(Đinh Anh Quang Thái)



Xuân Sách: viết chân dung

Về tập thơ Chân Dung Nhà Văn

Trở lại với bài thơ tôi (Xuân Sách) viết về Tố Hữu. Chín mươi chín bài thơ tôi viết xong đều được anh em đem truyền khẩu (hoặc tôi đọc trước những người tôi viết, trừ bài thơ về Tố Hữu).


Viết xong bài thơ tôi hiểu ngay rằng không thể nào truyền bá ra được, cũng phải biết trời biết đất chứ làm sao bây giờ. Tôi biết có một nhà văn gửi một bản tường trình lên thủ lĩnh tố cáo tôi đã làm thơ bôi xấu các nhà văn, rồi trích ra một số bài, nhưng ông ấy nếu không có bài thơ về Tố Hữu thì chưa đủ sức nặng. Ông liền ghi mấy câu ở vỉa hè nhại bài thơ Bầm ơi của Tố Hữu: “Bầm ơi có biết không bầm. Vôn ga con cưỡi, gà hầm con xơi. Con nay đã khác xưa rồi (…) Bầm ra ruộng cấy bầm rung/ Con ngồi sưởi ấm mà thương lại bầm Làm thế nhà văn nọ vô tình đã phạm thượng. Xuân Sách đã viết về những nhà văn như thế không thể viết về tôi như vậy, tôi chờ.


Và tôi cũng phải chờ. Một lần nhà văn Đặng Thái Mai gọi tôi đến nhà. Cụ bảo tôi đọc bài thơ tôi viết về Tố Hữu cho cụ nghe. Thấy tôi chần chừ, cụ nói: “Cậu sợ tôi phản cậu hay sao?”

-  Thưa bác, cháu đâu dám nghĩ về bác như thế, có điều cháu nghe lời ông Hàn Phi rằng vua là con rồng nhưng có thể gần được thậm chí có thể cưỡi lên mình nhưng tuyệt đối không được sờ vào cái vuốt dưới hàm. Cháu muốn giữ được cái đầu để hoàn thành tập thơ.

-  Thế là phải, nhưng cậu đọc riêng cho tôi nghe cơ mà!

-  Thưa bác- tôi lại múa mép: Cái đạo của những trí giả như bác có cái hay trong bụng không thể truyền cho người khác. Cho phép cháu khoe một chút, bài này là bài hay. 

Rồi tôi âm ử… Chúng tôi ngồi trên sàn nhà bằng gỗ. Cụ gác cằm lên đầu gối cười khục khục rồi mắng yêu tôi: - Thằng tiểu quỷ!

(Đỗ Ngọc Thạch)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ
Thong dong tự tại vậy mà vui.


212 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Mỗi năm khi hoa đào nở, tôi lại đến thăm nhà thơ trào phúng Tú Sót (tên thật là Chu Thành), một ông đồ trong CLB Cảo Thơm Thư Hiên. Trong cái thanh tịnh của một sớm đầu Xuân Bính Tuất, nhà thơ Tú Sót kể lại cho tôi nghe buổi "hầu chuyện" thơ của ông với cụ Vũ Đình Liên cách đây vừa đúng 15 năm như một sự tri ân với tác giả bài thơ "Ông Đồ". 

Đây cũng là buổi "hầu chuyện" cuối cùng của Tú Sót với tác giả Ông Đồ vì sau đó vài năm, thi sĩ tài hoa này đã về nơi vĩnh hằng. Thật ra ý định ghi lại xuất xứ bài thơ Ông Đồ đã được ông Tú ấp ủ từ năm 1989, nhưng rồi cứ nấn ná vì lý do này nọ mà chưa thực hiện được. Và ngày 24/10/1991, một buổi chiều thu nhạt nắng, sau khi thắp hương viếng phần mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà thơ Tú Sót đã mời nhà thơ Vũ Đình Liên lại nhà mình để được "hầu chuyện". Kể lại kỷ niệm này, ông rưng rưng: 


"Rất ít người biết rằng, bài thơ Ông Đồ và nhiều bài thơ khác của cụ Vũ Đình Liên còn nặng kỷ niệm về người vợ tảo tần của nhà thơ. Cụ gọi đó là cái tình tri âm, tri kỷ đã theo cụ trọn cuộc đời. Bà chẳng làm nghề gì cao sang, chỉ là cô hàng xén ở phố Hàng Bồ. Cụ Liên khi đó là anh chàng thư sinh học trường Bưởi, ngày nào cũng đi qua con phố có cô hàng xén dễ thương đó và chẳng biết tự bao giờ, chàng trai trẻ thi sĩ này đã phải lòng. Phải lòng gánh hàng chỉ có kim, chỉ, đèn dầu, phải lòng người bán hàng đôi má ửng hồng e thẹn, nhưng chàng thanh niên Vũ Đình Liên còn phải lòng cả cái khung cảnh bình dị mà chỉ có trái tim thi sĩ mới rung lên được sợi tơ tình cảm đó: 


Bên cạnh cô hàng xén còn có một ông đồ già ngồi viết chữ. Họ ngồi cạnh nhau nhiều tháng trên hè phố cùng kiếm sống nhưng cũng không bị "Pu-lít" (cảnh sát) đuổi phạt bao giờ. 


(ông đồ Vũ Đình Liên tranh Bùi Xuân Phái)


Thời đó, kẻ sĩ nước mình có mấy ai giàu. Ông đồ nghèo đến nỗi phải ngồi ở vỉa hè để bán chữ, mà còn không có cả tiền mua giấy nên phải ngồi bên cô hàng xén. Để khi có khách đến thuê viết, ông đồ chỉ cần với tay về phía cô hàng xén: "Này, này, cô cho tôi nhờ tờ giấy, nhờ cái bút", vậy là được cả đôi bên! Họ cứ dung dị sống, dung dị gắn bó mưu sinh với nhau trên một góc vỉa hè chật chội mà đâu có biết rằng, có một anh chàng thư sinh nho nhã đã khắc ghi hình ảnh đó trong lòng”. 

(Mối tình trong bài thơ Ông Đồ - Lê Chánh Thiêm)



Nói lái trong nước 

Tình chan chứa là tình… chưa chán.


Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ 

Thể lọai “Tiểu thuyết lịch sử” (không hư cấu)

Tiểu thuyết lịch sử 

Theo nhận xét của tôi, nét tiêu biểu của cây bút Đào Trinh Nhất là biên khảo sử học.. Muốn viết tiểu thuyết lịch sử một cách đích thực, đầu tiên là phải có một cái nhìn rất riêng. Điều này Đào Trinh Nhất làm được rất xuất chúng, ở mặt này. - (Lại Nguyên Ân)



Đào Trinh Nhất sinh năm 1900. Nguyên quán tại Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Ông là con Đình Nguyên Nhị Giáp Tiến Sĩ (tức Hoàng giápĐào Nguyên Phổ. Mẹ là Lương Thị Hòa, con gái Lương Ngọc Quyến và là cháu ngoại Lương Văn Can.


Thuở nhỏ, Đào Trinh Nhất theo học chữ Hán ở quê nhà, sau lên Hà Nội học chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Năm 1926, ông sang Pháp du học, ông tới Paris, liên lạc với Nguyễn Thế TruyềnNguyễn Như Phong và viết cho báo Việt Nam Hồn.

Từ năm 1921-1925, ông bước vào làng báo, làm biên tập Hữu Thanh Tạp Chí. Rồi viết bài cho báo Đông Pháp. Năm 1925, ông vào Sài Gòn, làm thư ký tại Chez Phan Chu Trinh, số 5 Catinat. Trong khoảng 10 năm ấy, ở Sài Gòn, ông đã cộng tác với các báo: Thần chung, Tân Văn, Việt Nam, và làm chủ bút báo Ðuốc Nhà Nam. Sau năm 1945, chạy loạn về, tiên-sinh làm báo Ngày Mới, báo Việt Thanh (Bắc), năm 1948 làm báo Phụ Nữ Tân Văn

Ra Hà Nội, ông viết cho tờ Trung Bắc Chủ Nhật (1940-1945). báo Nước Nam (1944-1945).

Năm 1950, ông vào Sài Gòn  viết cho báo Ánh Sáng, Sài Gòn Mới, Dân Thanh cho đến ngày mất.


Tác phẩm: Một Chuyện Về Lịch Sử (s. 677, ngày 2/2/1928), Mấy Ông Vua Nhà Nguyễn (s. 679, ngày 7/2/1928), Phan Đình Phùng (Đại La 1936), Việt Sử Giai Thọai. Cô Tư Hồng dưới đây là một tác phẩm hết sức đặc biệt của Đào Trinh Nhất. 


Ông mất trong một gian nhà nhỏ ở xóm Hòa Hưng ngày 23-11-1951, hưởng dương 52 tuổi, an táng tại nghĩa địa Hòa Hưng. Được tin ông mất, trong Nam ngoài Bắc làng báo, làng văn đều tỏ tình mến tiếc. Báo Tiếng Dội (Sài Gòn) chủ xướng việc xây mộ cho ông. Báo Cải Tạo (Hà Nội) tổ chức ngày lễ truy điệu long trọng. Các báo đều có nói nhiều về thân thế, văn nghiệp tiên sinh, đăng đủ điếu từ, đối phúng, văn tế, thơ viếng.


(Nhị Linh)



Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Tên tuổi ông gắn liền với bộ sách Thơ Văn Lý Trần nổi tiếng từ 40 năm nay, và đối với bạn đọc hải ngoại, ông đã có mặt trên tạp chí Hợp Lưu từ 8 năm trước. Nhưng chúng ta chỉ thật sự được nghe nói đến nhiều về ông kể từ kể từ khi William Joiner Center thuộc trường đại học UMASS quyết định mời ông và một người khác, ông Hoàng Ngọc Hiến, sang Hoa Kỳ tham gia vào một chương trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam ở hải ngoại.

Dưới đây là một phần của cuộc nói chuyện khá dài nhân dịp ông Nguyễn Huệ Chi ghé qua San Jose mới đây trong tháng Chín. Vì lý do tế nhị, đề tài cuộc nói chuyện được thỏa thuận trong giới hạn của những vấn đề văn hóa dù biết rằng sự cách biệt tuyệt đối giữa văn hóa và các vấn đề khác là điều không phải dễ. Trong trường hợp này, nếu phải đọc bài giữa hai hàng chữ là chuyện riêng của độc giả và ở ngoài ý muốn của người đặt câu hỏi và người trả lời câu hỏi dưới đây.


***

Hỏi: Nếu có người hỏi ông là ai, ông sẽ trả lời ra sao ?

Đáp : Tôi trả lời theo hai cách. Cách đơn giản nhất: tôi là Nguyễn Huệ Chi, có mặt ở nước Mỹ từ mùa hè 2001 cho đến bây giờ. Còn trả lời kỹ càng hơn: tôi là sinh viên khóa đầu tiên của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ 56-59, sau đó được học một lớp Đại học Hán học từ 1965, và thi bằng tốt nghiệp 4 năm, năm 1972. 

Từ đầu 1961, sau khi rời trường Tổng hợp được một năm, tôi được chuyển về Viện Văn học. Đứng đầu Viện lúc bấy giờ là Giáo sư Đặng Thái Mai. Ông gợi ý với tôi đi vào ngành văn học cổ và vì vậy tôi phải theo học lớp Đại học Hán học. Kể từ đấy, ngành chính của tôi là văn học cổ và Hán Nôm.


(Thượng Văn)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Đường trần ta cứ rong chơi
Vui thêm bước nữa buồn thôi lại về.



Nhà sử học Đào Duy Anh - 1

Đào Duy Anh sinh ngày 25.4.1904 tại Thanh Hoá và mất ngày 01.4.1988 tại Hà Nội. Họ Đào vốn gốc ở làng Khúc Thuỷ, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, từ đời ông nội chuyển cư vào Thanh Hoá (huyện Nông Cống). Sau khi tốt nghiệp Thành Chung tại Trường Quốc Học Huế (1923), ông ra dạy ở Trường Tiểu học Đồng Hới (Quảng Bình). 


Giữa lúc đó, dấy lên sôi động với tiếng bom Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc) của Phạm Hồng Thái năm 1924, phong trào đấu tranh đòi “ân xá” cho Phan Bội Châu năm 1925, đám tang Phan Chu Trinh năm 1926, đã cuốn hút tâm trí Đào Duy Anh. Cuối năm 1925, ông có mặt trong buổi Hội Quảng Tri Đồng Hới đón tiếp Phan Bội Châu trên đường từ Hà Nội vào Huế. Năm 1926, ông từ chức giáo học, vào Đà Nẵng và có ý định vào Sài Gòn để “thoát chốn ao tù”, có điều kiện “mở mang tri thức” và tiếp xúc với những hoạt động yêu nước. Từ đó, ông dấn thân vào các hoạt động chính trị, văn hoá. Trên đường vào Đà Nẵng, ông ghé qua Huế thăm cụ Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở chùa Phổ Quang, vào Quảng Nam gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ông giúp cụ Huỳnh sáng lập báo Tiếng Dân, giữ chức Thư Kí toà soạn.
Tháng 7.1929, Đào Duy Anh bị chính quyền thực dân bắt, cho đến đầu năm 1930 mới ra khỏi nhà tù. Từ đây, ông chọn con đường hoạt động văn hoá.

(Phan Huy Lê)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Bỗng nhiên ta gặp lại ta
Bồng bềnh trong cái gọi là nhân gian.

(Thái Thanh Nguyên)



Nhà sử học Đào Duy Anh - 2

Lĩnh vực văn hoá đầu tiên mà Đào Duy Anh quan tâm là Từ điển học. Ông đã hoàn thành và xuất bản hai bộ từ điển: “Hán – Việt Từ Điển” (1932), “Pháp – Việt Từ Điển” (1936). Từ năm 1938, ông chuyển sang lĩnh vực văn hoá, văn học. Những công trình nghiên cứu đã xuất bản là “Việt Nam Văn Hoá Sử Cương” (1938), “Khổng Giáo Phê Bình Tiểu Luật“(1938), “Khảo Luận Về Kim Vân Kiều” (1943). Sau năm 1945, GS. Đào Duy Anh được mời giảng dạy môn Lịch sử tại Đại Học Văn Khoa Hà Nội. Năm 1954, ông dạy tại Trường Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa. Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập, ông được cử làm Chủ Nhiệm Bộ môn Cổ Sử Việt Nam, chăm lo công tác đào tạo và nghiên cứu. Thời gian công tác ở Khoa Lịch sử, Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội cho đến năm 1958. 

Ngay sau đó, ông bổ sung và viết lại thành “Lịch Sử Cổ Đại Việt Nam” (1957) gồm 4 tập: “Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam“, “Vấn Đề An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc“, “Văn Hoá Đồ Đồng và Trống Đồng Lạc Việt“.

Theo sự phân công của Viện Sử Học, ông đã hiệu đính và chú giải nhiều bộ sách quý đã dịch ra tiếng Việt như “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí“, “Đại Nam Thực Lục“, “Phủ Biên Tạp Lục“, “Đại Việt Sử Kí Toàn Thư“, “Đại Nam Nhất Thống Chí“, “Binh Thư Yếu Lược, và Hổ Trướng Khu Cơ“, “Gia Định Thành Thông Chí“, “Nguyễn Trãi Toàn Tập“. Cũng trong thời gian này và sau khi nghỉ hưu (1965), ông biên soạn một số công trình như “Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời” (1964), “Từ Điển Truyện Kiều” (viết xong 1965, xuất bản 1974), “Chữ Nôm, Nguồn Gốc, Cấu Tạo, và Diễn Biến” (1975), dịch và chú giải “Khoá Hư Lục” (1974), “Sở Từ” (1974), “Truyện Hoa Tiên” (1978), “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” (1988).Cuối đời, ông viết tập hồi kí “Nhớ nghĩ Chiều Hôm“(viết xong 1974, xuất bản 1989). 

Trên chặng đường dài từ 1928 cho đến lúc đi vào cõi vĩnh hằng, GS. Đào Duy Anh đã để lại một di sản đồ sộ với nhiều trước tác trên nhiều lĩnh vực từ Từ điển, Ngôn ngữ, Văn hoá, Văn học đến Sử học, Khảo cổ học, Văn bản học, Dân tộc học, Địa lí học. 


(Phan Huy Lê)


Chữ nghĩa làng văn

Những năm gần đây, tôi ít thấy thơ lục bát trên mạng văn chương. Thi thoảng, một hai bài nhen nhúm như ngọn đèn dầu leo lắt nhưng rồi lại tắt ngúm, chìm lịm dưới lượng thơ tự do ào ạt đổ vào thị trường thơ, nhất là thị trường thơ trên mạng. Điều này không lạ. Từ lâu thể thơ lục bát đã không còn sức quyến rũ đối với các nhà thơ Việt Nam nữa, nhất là các nhà thơ trẻ. Ngày nay họ chuộng thể tự do hơn, cho thích hợp với phong cách và tinh thần “Hậu Hiện Đại”. Có nhà thơ còn thẳng thừng tuyên bố ông thà làm thơ tự do dở chứ không thèm làm thơ lục bát hay!

Tại sao có tình trạng này? Tại sao một thể thơ truyền thống của dân tộc, gắn bó với tâm hồn Việt cả nghìn năm, ngày nay lại lâm vào tình cảnh bi đát, bị quay lưng lại, bị ruồng rẫy một cách đáng thương như thế? Phải chăng nó là vấn đề của hình thức biểu đạt cho những thao tác sáng tạo mới? Phải chăng niêm luật thơ lục bát gò bó quá, thơ lại đơn điệu, dễ nhàm, ý tình chẳng thể nào biểu đạt cho trọn vẹn? Phải chăng nó cổ lỗ một cách thảm hại, như bà cụ đầu vấn khăn vuông, mình mặc áo dài nhung đen, lưng khòm, xệch xạc từng bước nặng nhọc lên chùa lễ Phật? 


(Thơ lục bát: một duyên phận long đong – Trịnh Y Thư)


Thăng Long - Hà Nội xưa

Thời nhà Lý thì gọi là Quốc Tử Giám; thời Trần gọi là Quốc Tử Viện, sau lại đổi là Quốc Học Viện; thời Lê gọi lại là Quốc Tử Giám; tới thời nhà Nguyễn buổi đầu thì gọi tên là Quốc Học, sau cũng gọi tên lại là Quốc Tử Giám.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa là nơi tưởng niệm và tôn xưng những bậc tiền hiền, cũng vừa là nơi đào tạo nho sĩ.

Những dấu vết cũ như tấm biển đề "Hạ Mã", "Văn Miếu Môn" cho đến khu vực "Nhà Giám" đã đổ nát vẫn còn được bao bằng tường xây gạch vồ - loại gạch phổ biến của thời Hậu Lê. 


(Văn Miếu và Quốc Tử Giám – Kiêm Thêm)



Trấn Hải Dương

Thành Hải Dương - Thành Đông năm 1885, 1 trong 4 thành trong Thăng Long tứ trấn.



Hải là miền duyên hải, vùng đất giáp biển. Dương là ánh sáng, ánh mặt trời. Hải Dương có nghĩa là "ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về". Tên gọi Hải Dương chính thức có từ năm 1469.


Thành Hải Dương, còn gọi là Thành Đông, là một ngôi thành cổ thời nhà Nguyễn được được đắp bằng đất năm 1804 theo kiến trúc Vauban với mục đích vừa là trấn thành, vừa án ngữ phía đông kinh thành Thăng Long. 



An Nam tứ đại khí

An Nam tứ đại khí là bốn kỳ quan, bốn vật quốc bảo của nước ta thời Lý, Trần. Đó là: Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng chùa Quỳnh Lâm, và vạc Phổ Minh.



Trấn Sơn Nam


Đời Lê, Nam Định thuộc xứ Sơn Nam, đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2, vùng đất này thuộc Sơn Nam Hạ. Trong suốt thời kỳ từ Thiên Trường đến Nam Định ngày nay, trải qua các triều đại TrầnHồMạc,Tây SơnNguyễn đã nhiều lần đổi tên như Thiên Trường, Vị Hoàng, Sơn Nam, Thành Nam rồi Nam Định. Đây là thành phố có nhiều tên gọi trong văn học: Thiên Trường, Vị Hoàng, trấn Sơn Nam Hạ, Thành Nam, Non Côi sông Vị, thành phố Hoa Gạo, thành phố Dệt, thành phố bên sông Đào, Nam Định...


Danh xưng Nam Định chính thức có từ năm 1831, dưới thời Minh Mạng. Thời đó Nam Định còn có trường thi Hương, thi Hội, có cả Văn Miếu như Hà Nội.



Tháp Báo Thiên

Tháp Báo Thiên có tên gọi đầy đủ là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp, được xây cất vào năm Đinh Dậu (1057) đời Lý Thánh Tông. Theo Đại Việt Sử Lược, tháp cao 20 trượng (khoảng 70 mét) và gồm 30 tầng (có tài liệu chép là 12 tầng). Tháp nằm trong khuôn viên chùa Sùng Khánh ở phường Báo Thiên nên còn gọi là tháp Báo Thiên

Lý do để tháp được coi là một trong tứ đại khívì tầng trên cùng và đỉnh của tháp đều được đúc bằng đồng. Trận bão năm Mậu Ngọ (1258) đời Trần Thánh Tông đã làm ngọn tháp này bị đổ. Sau khi được trùng tu, tháp lại bị sét đánh sạt mất hai tầng vào năm Nhâm Tuất (1322) đời Trần Minh Tông. Đến tháng sáu năm Bính Tuất (1406) đời Hồ Hán Thương, nghĩa là 84 năm sau khi được trùng tu lần thứ hai, đỉnh tháp lại bị đổ. An phủ sứ Đông Đô lúc đó là Lê Khải vì không báo tin này cho Hồ Hán Thương biết mà bị biếm tước 1 tư (giáng xuống một trật). Thời thuộc Minh (1414-1427), quân Minh đã cho phá tháp để chế súng. Chỗ tháp bị phá sau đó được đổ đất thành gò cao để dựng đàn tràng.


(Phùng Thành Chủng)


Chưa… hỏi đã… ngã 

Viết cho đúng dấu hỏi (?) ngã (~) không đơn giản, làm nhức đầu một số người Nam, đồng thời lại quá dễ dàng đối với người Bắc. Người Nam không biết tại sao chỉ có hai dấu mà mình không làm sao nhớ được, người Bắc lại không thể tưởng tượng được lại có người không nhớ nổi hai dấu này. 

Một số người Nam không cần thắc mắc, chỉ dùng một dấu, tới đâu thì tới, ai mà để ý. Bài này viết, theo cái nhìn của phương Nam, một phần dựa theo các thắc mắc do thân hữu đề ra…


Vấn đề: Viết sai hỏi ngã vì là dân trường Tây. Nhiều người cho là tại vì học chương trình Pháp nên viết tiếng Việt sai chính tả.
Giải thích: Các nhà văn tiền chiến, như nhóm Tự Lực Văn Đoàn, ai mà không học trường Tây, thế mà họ viết tiếng Việt đâu có sai. Vậy không phải chỉ có Tây, mà cả Ta cũng thế.

Vấn đề: Chữ thông thường dùng hằng ngày, nhiều từ, nghe, nói, đọc hằng chục lần, viết hằng chục lần, bị sửa sai bao nhiêu lần mà chứng nào tật ấy, sai vẫn cứ sai hỏi ngã.
Giải thích: Tại sao tiếng Anh, tiếng Pháp chữ nào cũng dài thoòng, âm tiết kỳ lạ, nói giọng khịt mũi (Pháp), ưỡn ẹo như bóng (giọng Ăng lê), cà giựt như xe thổ mộ (giọng HongKong), cà xịt như xe lửa chạy (giọng Nga), rồ rồ trong cổ họng như bị hen suyễn (giọng Bắc Mỹ), líu lo dính cả lưỡi (giọng Japan), mà ít khi quên, trong khi chỉ có hai dấu quèn mà không nhớ

Thế nghĩa là thế nào?

(Đoàn Văn Phi Long – Hỏi ngã)



Học lại chữ Hán 

Một thắc mắc lớn nứa của tôi, đó là danh từ thần nông. Thần nông là gì. Những lần tôi học chữ nho, các ông dạy tôi học, dù cho rằng Thần nông có nghĩa là vị thần trông coi về nông nghiệp. 

Tôi đã hiểu như thế trong rất nhiều năm, mãi cho đến khi tôi biết rõ cơ cấu của Hoa ngữ thì tôi bắt đầu nghi ngờ. Trong cơ cấu của Hoa ngữ thì ở các từ loại đó, chữ thứ nhì là chữ quan trọng, khác với trong Việt ngữ mà chữ thứ nhứt là quan trọng. Trong Việt ngữ thì Thần là chữ quan trọng, nhưng sách Tàu thì lại viết là Thần Nông chớ đâu có viết là Nông Thần. Mà cơ cấu Hoa ngữ thì như thế đó Nông mới là quan trọng. 


Chú Lý Văn Hùng đã được tôi tín nhiệm, thế nên tôi cũng cứ hỏi chú Thần Nông là cáí gì. Chú ấy biết tiếng Pháp, chú giải thích: “Thần Nông là nông nghiệp thiêng liêng, chớ không phải ông thần của nông nghiệp đâu. Nếu nói ra bằng tiếng Pháp thì đó là agriculture sacrée, chớ không làm sao mà là Génie de l'agriculture được hết.”. Tôi thấy là chú ấy có lý quá. Vậy quý vị nhà nho ta nghĩ sao? Đây là học hỏi của tôi với một người Tàu. Ông họ Lý đó, dở hay giỏi, tôi không đủ sức biết, nên xin ghi lại đây cho quý vị nho học ta xét lại. Nếu ông họ Lý dạy sai thì tôi sẽ bỏ những gì mà tôi được biết nhờ ông ấy, và sẽ nghe theo những lời chỉ dạy hữu lý hơn của các vị khác.

(Bình Nguyên Lộc)


Trở lại tuổi thơ cùng Lucky Luke 



Các bạn vào lứa “sáu bảy bó” ở miền Nam chắc hẳn vẫn còn nhớ Lucky Luke, nhân vật Cao bồi Miền Tây “Wild Wild West” bắn súng còn nhanh hơn… cái bóng của mình! Đó không phải là lời khen ngợi của người viết bài này mà là câu quảng cáo cho tập truyện Lucky Luke khi đăng trên tạp chí Pilote, năm 1968. Để ra mắt tập truyện tranh “Dalton City”, Pilote đã giám cả quyết: “Lucky Luke: L’homme qui tire plus vite que son ombre”. 


Ấy vậy mà chuyện tranh Luck Luke nổi tiếng thế giới lại không xuất phát từ Mỹ, xứ sở của các chàng cowboy… mà lại từ Bỉ, một quốc gia nhỏ bé tại Châu Âu! Cha đẻ của Lucky Luke là họa sĩ người Bỉ, Maurice de Bevere (1923-2001), còn có biệt danh là Morris. Mãi về sau Morris mới sang Hoa Kỳ.


Lucky Luke “ra chào đời” năm 1947 qua “ông bố” Morris và kể từ đó, một loạt truyện tranh Lucky Luck được phát hành làm “nức lòng” người đọc khắp nơi. Bạn có thể là cậu bé 9 tuổi và có thể là ông già 99 tuổi… nhưng tựu chung đều say mê với các cuộc phiêu lưu khắp Miền Tây Hoang Dã của Hoa Kỳ.


(Nguyễn Ngọc Chính)


Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008

Tội phạm chiến tranh – Tấm hình chiếm giải Pulitzer Ảnh về Tin ngắn và giải Nhiếp ảnh Báo chí Thế giới năm 1969, nhiếp ảnh gia Eddie Adams đã nói nhiều lần trong cuộc phỏng vấn với National Public Radio (NPR), trong điếu văn Tướng Loan trên Tạp chí Time, và ở cả cuộc phỏng vấn (2) với David Culbert, một sử gia tại Louisiana State Univerity.


(2) Transcript, Eddie Adams Interview, by David Culbert (theo Ed Moïse). Virtual Vietnam Archive, of the Vietnam Project, at Texas Tech University. Online: http://snipurl.com/20tha [star_vietnam_ttu_edu], February 15, 2008.


“Ông Tướng giết Việt Cộng. Tôi giết ông Tướng bằng máy ảnh của tôi… Ảnh là vũ khí mạnh nhất thế giới. Người đọc tin vào ảnh, nhưng ảnh cũng gian dối, ngay cả khi không bị cạo sửa.”

(Eddie Adams, Time Magazine, 24/06/2001).

“Ảnh, chỉ là nửa sự thật, chỉ thấy một chiều”

(Eddie Adams, NPR)


“Tướng Loan qua đời vào tháng 7, 1998, như tấm hình đã hại đời ông, đa số những sơ lược tiểu sử người chết chỉ là những tấm ảnh phiến diện, không khoan dung.”

(Jonah Goldberg, There Are Tears in My Eyes, 26/08/1999)


Ediie Adams tại Việt Nam. I’m sorry. There are tears in my eyes (Eddie Adams gởi tướng Loan).  Nguồn: nppa.org


Trả lời David Culbert, Eddie Adams cho biết 3 người cùng Eddie vào Chợ Lớn săn tin ngày 1 tháng 2, 1968 là ký giả (Howard Tuckner), người quay phim (Võ Sửu) và người thu thanh; cả ba là nhân viên của hãng truyền hình NBC.

Trên đường trở lại khách sạn sau khi chụp ảnh quay phim cuộc giao tranh nhỏ ở một ngôi chùa trong Chợ Lớn, đoàn ký giả, nhiếp ảnh viên chợt thấy Nguyễn Văn Lém (Trung uý Việt Cộng bí danh Bảy Lốp) bị bắt dẫn đi; Như thói quen của một nhiếp ảnh viên chuyên nghiệp, Eddie Adams chụp hình tù binh Bảy Lốp.

(Trần Giao Thủy)


Ai về Bình Định mà... xơi

"Nước có lửa" với món hấp dẫn


Nguyễn Thanh Xuân - viết lách thường ký bút danh Hạt Cát - nửa đùa nửa thật:
- Về Bình Định nhậu, nên ực bia "Lâu quên", rồi đi đâu cũng nhắc.


"Lâu quên" là cách phiên âm và rút gọn thương hiệu Löwen Pils - loại bia do Bình Định sản xuất bằng dây chuyền công nghệ của Cộng Hoà Liên Bang Đức từ năm 2000. 


Kỳ thực, đưa cay đúng điệu Tây Sơn thì phải khề khà rượu Bàu Đá. Lão võ sư Phan Thọ gật gù:

- Rượu Bàu Đá ngâm với biệt dược, nếu dùng đúng cách thì giúp người luyện quyền cước và vũ khí được mạnh gân cốt, phục hồi sức lực, chữa lành một số chấn thương.


Xóm Bàu Đá - tức xóm Tân Long ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn - hình thành nghề nấu rượu gạo đạt nồng độ cao từ năm 1947 sau khi được ông Hương Lễ Nghè từ huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) đến truyền nghề. Rượu Bàu Đá hiện được một số doanh nghiệp ở Quy Nhơn sản xuất, đóng chai, bán nhiều nơi trong lẫn ngoài nước.

Bàu Đá nhắm với mực khô,
Có về âm phủ cũng đội mồ mà lên.


Không chỉ "nước có lửa" với mực khô lẫn tươi, Bình Định còn bao đặc sản ngon lành khác như chim mía Tây Sơn, gié bò Phú Phong, bún song thằng An Thái, v.v.

Nữ võ sĩ Tây Sơn phái mà đoạn mở đầu bài này có nhắc, đọc tôi nghe chùm ca dao liệt kê mồi màng Bình Định, như:

Bún song thằng An Thái,
Lụa đậu tư Nhơn Ngãi,
Xoài tượng chín Hưng Long,
Mặc ai mơ táo ước hồng,
Tình quê em giữ vẹn lòng trước sau.


Lẩm cẩm quanh chuyện Từ điển chính tả tiếng Việt 

25. trừu mến tv 𝒕𝒓𝒊̀𝒖 𝒎𝒆̂́𝒏. Ví dụ trong ca khúc có câu: Vài hàng gởi anh trìu mến

26. táng gia bại sản tv 𝒕𝒂́𝒏 𝒈𝒊𝒂 𝒃𝒂̣𝒊 sản.

27. xỉ mắng tv sỉ mắng.

28. sít xoa tv xuýt 𝒙𝒐𝒂.

29. xừng xộ tv sừng sộ.

30. triêu mộ tv chiêu mộ

chiêu mộ đgt: tuyển người làm một việc gì (tuyển mộ), còn triêu mộ (sớm chiều), như “Tiếng Chuông Triêu (sic) Mộ” tác phẩm của nhà văn Võ Hồng.

31. sán lạn tv xán lạn

xán có nghĩa là rực rỡ, chói lọi; lạn cũng có nghĩa là tươi sáng, rực rỡ. Hán Ngữ Đại Từ Điển giảng: “xán lạn: vẻ rực rỡ, tươi đẹp; hình dung sự việc hoặc sự nghiệp huy hoàng, tốt đẹp. Viết đúng chính tả là xán lạn - không viết: sán.

32. siêu tán tv xiêu tán. Xiêu có nghĩa là trôi nổi, lưu lạc (hồn xiêu phách lạc, xiêu lạc, xiêu dạt, xiêu lưu…).

33. trưởng bạ tv chưởng bạ. Chưởng nghĩa là nắm, giữ; “chưởng bạ” là người nắm giữ sổ sách giấy tờ; “chưởng ấn” là người giữ ấn tín.

34. thống xuất tv thống suất. Suất có nghĩa là dẫn đầu, chỉ huy. Thống suất đg là chỉ huy, đốc suất toàn quân đội…


Theo sự nhận xét thì cuốn tự điển nầy chép nguyên cuốn Tự Điển Chính Tả Tiếng Việt Phổ Thông của Nguyên Văn Khang, ấn hành năm 2003.


(Vương Trùng Dương)


***


Phụ đính I


40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn

nhà thơ đã khuất núi 

(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn 

Tổng hợp từ nhiều nguồn)


Vũ Khắc Khoan
(1917-1986)


Ông sinh năm 1917 tại Hà Nội, theo học trường Bưởi, nhập học trường Y Khoa nhưng rồi đổi sang Cao đẳng Canh Nông, tốt nghiệp kỹ sư sau chuyển sang văn học và lịch sử, dạy học ở trường trung học Chu Văn An.


Ông là tác giả những vở kịch Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (1948), Thành Cát Tư Hãn, và Giao thừa (1949). Hai vở Giao thừa và Thằng Cuội đã được trình diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội vào những năm 1951 và 1952. Bài vở của ông cũng được đăng trên báo Phổ thông và Quan điểm.


Sau năm 1954 ông di cư vào Nam viết cho các báo Tự Do, Quan Điểm rồi làm chủ nhiệm nguyệt san Vấn đề. Ông là giám đốc kịch nghệ của Trường Quốc gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ ở Sài Gòn. Ông tỵ nạn sang Mỹ năm 1975, định cư ở Minnesota nơi ông dạy Pháp văn ở đại học Minnesota và thành lập Hội Phật giáo Việt Nam tại đây. Ông mất ngày 12 tháng Chín, 1986.


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Thanh Tịnh 

Thanh Tịnh ở ngoài Bắc, không lấy vợ. Ông vẫn chung thuỷ với bà ở trong Nam. Sau 1975, ông vào Nam, vợ ông đã lấy chồng khác, con ông thì đi quân đội SG, cũng không tha thiết gì với ông cả. Ông lại quay trở về Hà Nội, sống độc thân ở số 4 Lý Nam Đế như cũ. 

Ông có câu thơ cám cảnh thân phận của mình:

Ra đi mấy chục năm trường
Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân


Cuộc đời buồn thế mà ông hay nói chuyện vui, nói đùa. Có lẽ chính vì đời buồn quá nên ông phải cố cười cho quên đi. Ông nói: “Bây giờ nhà thờ tổ không còn, nhà  cũng không, “nhà tôi” đã thành “nhà” người ta mất rồi. Ông đọc cho tôi nghe một vế câu đối, không biết do ông đặt ra hay người ta thách ông. Vế câu đối chưa có ai đối lại được: Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ, cả bốn nhà đều không nhà ở”. Thanh Tịnh đúng là bốn “nhà” mà không có nhà cửa gì.


(Nguyễn Đăng Mạnh)





Không có nhận xét nào: