Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Góc Đường Thi : Bài thơ DU SƠN TÂY THÔN (Đỗ Chiêu Đức)

 Góc Đường Thi :         

            Bài thơ  DU SƠN TÂY THÔN 
                 
                   
                  
   Sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ,         山 窮 水 盡 疑 無 路,
  Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn!  柳 暗 花 明 又 一 村!

Có nghĩa :
     Núi đã cùng, nước đã tận, ngỡ là đã cùng đường rồi, không ngờ phía trước lại có... Liễu xanh om hoa rực rỡ lại đưa ta đến một thôn làng khác nữa!
     Câu nầy còn dùng để chỉ: Những việc tưởng đâu đã hết hi vọng rồi, nào ngờ lại mở ra được hướng giải quyết mới còn tốt hơn là cơ hội cũ nữa! Ta hay đọc thấy câu nầy trong  các truyện xưa, nhất là trong các truyện võ hiệp kỳ tình Trung Hoa:
                 Non cùng nước cạn ngờ vô lối,
                 Liễu biếc hoa hương lại một thôn !

     Thực ra đó là hai câu Thực trong bài Du Sơn Tây Thôn của Lục Du đời Tống. Hai câu thơ đó nguyên là:

山 重 水 復 疑 無 路, Sơn trùng thuỷ phục nghi vô lộ,        
柳 暗 花 明 又 一 村。 Liễu ám hoa minh hựu nhất                                                         thôn.         

       Nhưng trong THIÊN GIA THI 千 家 詩 đã chép sai  "Sơn Trùng Thủy Phục 山 重 水 復" thành "Sơn Cùng Thủy Tận 山 窮 水 盡 " là câu nói quen miệng của dân gian. Hai cách nói nầy khác nhau rất xa, nếu ta phân tích theo văn chương, còn đối với giới bình dân thì cho là "Ý nghĩa của NÓ cũng tương đương với nhau" mà thôi!

     * SƠN TRÙNG THUỶ PHỤC 山 重 水 復 : SƠN TRÙNG là Núi trùng trùng điệp điệp, hết núi nầy đến núi khác, nên ở xa nhìn thì thấy toàn núi là núi. THỦY PHỤC là Hết dòng nước nầy đến dòng nước khác, nên nhìn thấy toàn nước là nước.
        Vì NÚI và NƯỚC trùng phục ở trước mặt, cho nên mới NGHI VÔ LỘ 疑 無 路 : là "Ngỡ là đã hết đường đi rồi". Nên mở ra câu sau rất thú vị không ngờ là:
         Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn!  柳 暗 花 明 又 一 村!
  Còn nếu là ...
     * SƠN CÙNG THỦY TẬN 山 窮 水 盡 : là Núi đã Cùng đường rồi, Nước cũng đã tận cùng rồi, là ở nơi Cuối Đất Cùng Trời rồi, thì đâu có NGHI VÔ LỘ nữa, mà là CHUNG VÔ LỘ 終 無 路 là Rốt cuộc đã "Hết Đường Đi Thật rồi!" thì làm sao còn có câu sau là: Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn  柳 暗 花 明 又 一 村 cho được!

        Bây giờ thì ta hãy đọc toàn bài thơ của bài Du Sơn Tây Thôn này nhé:

    遊 山 西 村                     Du Sơn Tây Thôn
莫 笑 農 家 臘 酒 渾,    Mạc tiếu nông gia lạp tửu hồn,          豐 年 留 客 足 雞 豚。    Phong niên lưu khách túc kê đồn      
山 重 水 復 疑 無 路,    Sơn trùng thuỷ phc nghi vô lộ        
柳 暗 花 明 又 一 村。    Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn      簫 鼓 追 隨 春 社 近,    Tiêu cổ truy tuỳ xuân xã cận   
衣 冠 簡 樸 古 風 存。    Y quan giản phác cổ phong tồn tồn    從 今 若 許 閑 乘 月,    Tòng kim nhược hứa nhàn thừa                                                   nguyệt         
拄 杖 無 時 夜 叩 門。    Trụ trượng vô thì dạ khấu môn.          
                    陸 游                                      Lục Du   
     
                         

CHÚ THÍCH :           
    * LẠP TỬU : Lạp là Tháng Mười Hai Âm Lịch, ta đọc trại thành Thánh CHẠP, nên Lạp Tửu là rượu của tháng Chạp, rượu được ủ để uống vào dịp Tết Âm Lịch.
    * PHONG NIÊN 豐 年 : là Năm Được Mùa.
    * KÊ ĐỒN : Kê là Gà, Đồn là Heo.
    * XUÂN Xà春 社 : là Ngày Mậu Nhựt thứ 5 sau tiết Lập Xuân làm ngày XUÂN Xà để cúng tế Thần Làng, như ta cúng Đình Làng vậy, để cầu cho sang năm lại được trúng mùa. Vì thế mà có thổi tiêu đánh trống ...
     * 從 今 若 許 閑 乘 月 Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt: là Từ nay về sau nếu như có rảnh rổi thì hay thừa lúc trăng sáng ...
     * 拄 杖 無 時 夜 叩 門 Trụ trượng vô thì dạ khấu môn: là Hãy chống gậy mà đến gỏ cửa nhà ta bất cứ lúc nào trong đêm (cũng hổng sao!) VÔ THÌ : là Bất cứ lúc nào.

NGHĨA BÀI THƠ : 
                         Dạo Chơi Thôn Xóm Núi Tây
          Xin đừng cười chê thứ rượu tế lễ không được trong của nhà nông trong tháng Chạp. Năm nay được mùa, nên giữ khách lại, đủ cả heo gà để đãi khách. Đừng vì núi liền với núi sông liền với sông mà ngỡ rằng đã không còn đường để đi tới, vì thấp thoáng trong bóng râm rặng liễu và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ phía trước sẽ lại mở ra một thôn làng mới. Trống tiêu như giục giã vì ngày tế lễ đầu Xuân đang gần kề. Áo mũ giản dị nhưng vẫn theo tục lệ cũ còn giữ lại. Từ nay về sau nếu như có rảnh rổi thì cứ thừa lúc trăng sáng... hãy chống gậy mà đến gỏ cửa nhà ta bất cứ lúc nào trong đêm (cũng hổng sao, vì ta luôn luôn sẵn sàng đón tiếp!)

        Đây là cảnh nông dân ăn Tết ở Tây Thôn là một làng miền núi của một năm được mùa, chất phác chân thật mà nhiệt tình của đời sống thôn dã sau một năm cày sâu cuốc bẫm.                       
             

DIỄN NÔM :

                       DẠO NÚI XÓM TÂY
                Thôn dã chớ cười rượu nhạt phèo,
                Cuối năm đãi khách sẵn gà heo.
                Núi liền sông nước ngờ vô lối,
                Liễu rũ đường hoa đến xóm nghèo.
                Tiêu trống rộn ràng Xuân Xã đến,
                Áo xiêm giản dị cổ phong theo.
                Từ nay nếu rảnh đêm trăng sáng,
                Gỏ cửa cùng vui gậy khẳng kheo.
 Lục bát :
                Chớ cười rượu lễ nhạt phèo,
                Được mùa đãi khách gà heo sẵn sàng.
                Non liền nước ngỡ hết đàng,
                Hoa chào liễu đón thôn làng lại sang.
                Trống tiêu xuân xã rộn ràng,
                Tục xưa áo mão nghiêm trang chỉnh tề.
                Từ nay trăng sáng đi về,
                Thăm nhau gỏ cửa chẳng nề đêm thâu.
                                     Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

       Hẹn bài dịch tới !

                                                                杜 紹 德
                                                            Đỗ Chiêu Đức 

  Bài viết trên đây đã được Yên Bồ đọc và đưa lên YouTube  Nov.18.2023                                                  
        Lục Du 陸 游 (1125─1210), tự là Vụ Quan 務 觀, hiệu là Phóng Ông 放 翁, là nhà thơ rất nổi tiếng thời Nam Tống. Hoạn lộ thăng trầm, tình duyên trắc trở. Ông chủ trương kháng Kim đến cùng, chống đối lại với phái hòa Kim, vì thế mà bị bãi quan lúc mới có 42 tuổi, nên có nhiều bài thơ mang tâm trạng ưu thời mẫn thế như Đỗ Phủ hay tình cảm phóng túng lãng mạn như Lý Bạch. Ông có bài Từ "Vịnh Mai" rất sâu sắc, tỏ chí khí quật cường. Du Sơn Tây Thôn là một trong những bài thơ hay để đời của ông trong số 9300 bài vừa từ vừa thơ mà ông còn để lại.
                                                        Đỗ Chiêu Đức





Không có nhận xét nào: