Thứ Năm, 15 tháng 2, 2024

Ước Mơ - Đào Anh Dũng

                            Ước Mơ

Đào Anh Dũng


Xa quê hơn 40 năm, sau khi nghỉ hưu ông bà Thu mới có dịp về Việt Nam ăn Tết. Bảy ngày sau rằm tháng chạp ông bà đã có mặt ở quê nhà, một tỉnh lẻ cách Sài Gòn không xa, khoảng 100 cây số. Vì chưa quen giờ địa phương nên ngày nào ông bà Thu cũng thức dậy vào khoảng năm giờ sáng. Nói vậy chứ thức sớm rất tiện, trời còn mát, đường ít xe cộ, không khí chưa bị ô nhiễm nên ông bà tháp tùng cô em đi vòng quanh thị xã, vận động cơ thể được khoảng một tiếng đồng hồ, thiệt là khoẻ.


Sáng hôm ấy, trời hơi lành lạnh cả ba người phải mặc thêm chiếc áo khoác mỏng. Tản bộ trên vỉa hè khi mặt trời vừa ló dạng, dọc đường ông bà Thu chú ý, thấy có khá nhiều cây mai đã được lặt lá và đã ra nụ, nhưng chưa trổ bông. Ông nói: "Một tuần lễ nữa Tết đến, mai sẽ nở rộ..." và ông cảm thấy hạnh phúc vì sau bao năm ông bà mới có dịp hưởng Tết tại quê nhà. Bỗng nhiên, ông nghe tiếng rao lanh lảnh: "Ai mua bánh ú, bánh tét, bánh ích không..." Bà Thu hỏi cô em: 

"Nghe rao mà phát thèm! Bánh bán dạo như vầy ăn có an  toàn không vậy cô Tám?"

"Bánh chị này bán ăn khá ngon và sạch sẽ. Để em mua cho anh chị vài cái ăn lót lòng." 

Cô em nói xong, ngoắt tay gọi người bán bánh, hỏi mua hai cái bánh ú và hai cái bánh tét nhân mặn.

Người bán bánh là một chị đàn bà tuổi độ hơn ba mươi, đầu đội nón lá, co ro trong bộ đồ bà ba cũ mèm, mốc thích. Chị ta dựng chiếc xe đạp cà tàng trên pọt-pa-ga có gắn một cái giỏ sắt treo lủng lẳng năm ba cái bánh tét nhỏ, dài khoảng một gang tay, và vài cái bánh ú lớn bằng cườm tay. Trong giỏ còn có một mớ bánh ích nữa.

"Cô Tám ơi, con chỉ có hai cái bánh ú nhưn mặn; bánh tét, bánh ú còn lại toàn là nhưn chuối. Bánh ích thì có cả hai thứ, nhưn đậu và nhưn dừa."

Biết anh chị mình chỉ thích bánh nhưn mặn nên cô Tám trả lời:

"Anh chị của cô chỉ thích ăn bánh nhưn mặn mà thôi. Cháu làm ơn bán cho cô hai cái bánh ú nhưn mặn."

Chị bán bánh lẹ tay lấy hai cái bánh ú bỏ vào bọc ni-lông. Khi thấy cô Tám đưa ra tờ giấy hai trăm ngàn đồng, chị ta nhỏ nhẹ nói:

"Dạ, còn sớm, chắc con không có đủ tiền thối lại cho cô. Hôm qua con phải đóng tiền hụi chết." 

Rồi như để chứng minh, chị bán bánh lấy cọc tiền ra đếm. Trời vừa hừng sáng nên ông Thu thấy mấy tờ mười, hai chục ngàn đồng, tổng cộng được khoảng một trăm ngàn đồng, đâu có đủ tiền để chị ta thối lại cho cô em. 

Ông Thu nhìn cái giỏ sắt, trong đầu ông ước tính nó chứa khoảng hai, ba chục cái bánh, mỗi cái năm, mười ngàn, bán hết thì được hai, ba trăm ngàn. Một lời một, vậy thì chị bán bánh này mỗi ngày kiếm được khoảng một trăm rưởi, hai trăm ngàn, không hiểu có nuôi nổi gia đình chị ta hay không. Vì thế, ông lên tiếng đề nghị cô em mua thêm vài cái bánh cho đủ tiền thối, nhưng cô không đồng ý, nói với chị bán bánh:

"Trong ngày, khi có bánh mới cháu ghé nhà, cô sẽ mua."


Chị bán bánh đạp xe đi rồi mà đầu óc ông Thu vẫn còn vấn vương đến cái giỏ bánh tét, bánh ú, bánh ích ấy nên ông hỏi cô em:

"Bánh mới?! Thời giờ đâu mà gói, mà nấu, mà có bánh mới để chị ấy đạp xe đi bán hôm nay nữa hả cô?"

"Anh chị không biết chứ chị này bị chồng bỏ, ở với bà mẹ già và hai đứa con còn nhỏ. Bà mẹ ở nhà giữ cháu, gói bánh, nấu bánh cho chị ta đi bán rong suốt ngày. Cực khổ kiếm từ cắc, từ đồng, vậy mà chị ta mê bài bạc, số đề, vé số nên mắc nợ tứ giăng!"


Vài hôm sau, vì trời đổ mưa nên đến sáu giờ rưỡi sáng ông bà Thu và cô em mới có thể tản bộ. Khi họ đi ngang qua ngôi trường tiểu học thị xã thì vừa đến lúc thiên hạ đưa con đi học. Đa số phụ huynh đưa con đến trường bằng xe gắn máy, nhưng điều làm ông Thu ngạc nhiên là ở tỉnh lẻ này có khá nhiều người đưa con đi học bằng xe hơi đủ hiệu, có cả chục chiếc Lexus,  Mercedes và BMW. Ông Thu tính nhẩm trong đầu, ở bên Mỹ mỗi chiếc xe sang trọng này giá khoảng năm, sáu chục ngàn đô. Những người đi làm cho chính phủ hay các công ty tư, thuộc giới trung lưu như vợ chồng ông khó mà rớ tới nếu còn mang nợ mua nhà trả góp hay có con chưa xong đại học. Còn ở bên này, xe cộ giá gấp đôi, gấp ba, tính ra tiền Việt Nam gần ba, bốn tỷ bạc cho mỗi chiếc xe loại sang trọng, vậy mà cũng có khá nhiều người mua sắm nổi. Mấy hôm rày, đi vòng quanh thị xã ông bà Thu thấy một số tư dinh xây cất thật nguy nga, tráng lệ, tương phản với những căn nhà ọp ẹp, dột nát xung quanh. Ông hỏi thì cô em nói đó là "biệt phủ" của các quan chức nhà nước. Câu trả lời của cô em với từ ngữ mới làm cho ông bà Thu phì cười nhưng nó cũng khiến ông nhớ đến cái cổng chào dưới phố, màu sắc rực rỡ, ban đêm đèn đóm sáng choang với câu:

"Mừng Đảng Quang Vinh

Mừng Xuân No Ấm"


Tiếp tục tản bộ, ông Thu vừa đi vừa nghĩ đến mấy cái bánh tét, bánh ú giá năm, mười ngàn đồng và những chiếc xe, những tư dinh bạc tỷ, rồi ông khuyên cô em nên thông cảm với chị bán bánh rong hôm trước. Mong sao gia đình chị ấy được hưởng một cái Tết no ấm. Ước mơ ăn bài, trúng đề, trúng số có lẽ là lý do duy nhất để chị ấy có thể nuôi hy vọng sống còn dưới cái "xã hội chủ nghĩa" này. 


Đào Anh Dũng


 Nguồn: Báo Trẻ số Xuân Giáp Thìn 2024.







Không có nhận xét nào: