Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

***

Chùa Chiền 

Theo ý kiến của giáo sư Lê Thước và nhà văn Hoàng Ngọc Phách thì từ ghép “Chùa chiền” được hiểu như sau: 

Chùa - có nguồn kinh tế là tự điền (ruộng sở hữu của nhà chùa) để lấy hoa lợi dùng vào việc đèn hương cúng tế. 

Chiền - không có tự điền nhưng được thu thuế ở một ngôi chợ bên cạnh để dùng vào việc đèn hương cúng tế. 

Các chợ này thường có tên gọi là chợ chùa.



Vạn

Vạn : phường hội ở vùng biển và sông nước

Vạn chài : hội người làm nghề chài lưới

Vạn đò : hội người làm nghề đưa đò

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Một vài cách nói độc đáo của người miền Nam - 1

Lại nữa, thí dụ, anh A bịn rịn chia tay chị B. do không muốn như nhân vật trong “Quốc văn giáo khoa thư” đã than thở: "Ôi! Cái cảnh biệt ly sao buồn quá vậy", anh A bèn bông đùa: "Cưng ơi, ô rờ lui nhá". Cách nói này, "quái" chỗ khi sử dụng tiếng Pháp "au revoir": hẹn gặp lại, lời chào tạm biệt nhưng họ chỉ vay mượn "au re" (phát âm ô rờ), và gắn nó vào với "lui". Như vậy, thành phần còn lại "voir" trong "revoir" đã bị "thiến" gọn băng. 

Sở dĩ, "lui" chen ngang chình ình ra đó, bởi nó nghĩa là ngược trở lại vị trí đã xuất phát, tức đi về.

Nghe câu đùa duyên dáng ấy, chị B cười mà rằng: "Dạ anh, hẹn ngày tái nạm". Ta hiểu "tái nạm" đích thị từ "tái ngộ" mà ra. 

Sao không tái gì khác mà phải tái nạm? Cái này, là… do ăn món phở quá nổi tiếng với những "phụ tùng" đặc trưng như tái nạm giòn, tái nạm mỡ... Ngon phải biết. 


Thuyết "luân hồi"

Theo thuyết "luân hồi" của sinh, mệnh, lão, tử 

Sinh : bắt đầu 

Tính từ lúc đầu thai đến khi khóc chào đời

Mệnh : trải qua

Từ lúc chào đời đến 70 (Chịu phận)

Lão : được hưởng

Từ 70 tuổi đến chết (Hưởng phúc)

Tử : hoàn thành

Trở về với cát bụi (Xong kiếp luân hồi)



Một vài cách nói độc đáo của người miền Nam - 2

Sử dụng lối chơi chữ kiểu này, không phải bây giờ mới có, từ đầu thế kỷ XX đã xuất hiện. Ta hãy đọc một đoạn ngắn trong “Tuấn, chàng trai nước Việt” của Nguyễn Vỹ: "Đàn bà con nít trong xóm làng và trong thành phố nghe chú nói tiếng Tây rằng, chú là lính "deuxième classe", họ cười rộ lên, và gọi ngạo chú là "đơ dem cùi bắp" (bản in năm 1969, tr.152-153). 


Ta biết "deuxième classe" dùng chỉ hạng lính binh nhì, khi nhảy vào tiếng Việt, thương cảm thay, "classe" đã bị hoán đổi thành "cùi bắp" để có sắc thái mỉa mai, trào lộng. Bởi trong tâm thức người Việt, cùi bắp là thứ hạng bét, chỉ vứt đi, chẳng nên tích sự gì. Nhưng khi nghe câu cửa miệng: "giận lẫy xẩy cùi", thì cùi này cũng cùi bắp chứ gì? Không, nó chính là... cùi chỏ.


Đượi

Người Hà Nội gọi các cô gái điếm thời Tây là đượi.” Có người cho rằng đượi là nói trại của đười (con đười ươi, cùng họ với khỉ, tườu) vì các cô điếm đầu tóc bù xù, nửa người nửa ngợm, nửa đười ươi. Giải thích này nghe không xuôi tai vì phần đông các cô đượi đều ăn mặc hấp dẫn, son phấn, đầu tóc chải chuốt, “phi dê” (frisés). 

  (Xướng ca vô loài – Nguyễn Dư)



Hát cung văn

Quá trình phát triển hát cung văn

Theo truyền thuyết, tục thờ Thánh mẫu bà Chúa Thượng Ngàn, là công chúa Mỵ Nương, con gái Sơn Tinh. Bà cùng cha được Ngọc Hoàng gọi về trời giao việc.

Công chúa Mỵ Nương, còn tên gọi là La Bình, bà được trông coi 81 cánh rừng, do công đức bảo hộ rừng, cùng vạn vật bình yên, người dân suy tôn là Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Theo truyền thuyết thì hát cung văn ra đời từ tục thờ Thánh Mẫu, có thể coi hát cung văn tồn tại lâu đời trong dân gian, xuất xứ từ thày cúng


Hát chầu văn sau tục thờ đức Thánh Trần chuyển thành nghi lễ suy tôn người thật, việc thực, những ông, bà có công đức với dân. Hát cung văn dù là truyền thuyết hoang đường, vào cái buổi hồng hoang ấy, người dân vẫn gắn vào những sự tích như là ngưới thật, có thực để tôn thờ. Sau này, hát chầu văn, chầu thánh, ý nghĩa thiết thực, hiện thực đời sống. 

(Tuấn Giang)



Nhớ Chóe và thơ - 1

Em vứt đi ngọn lửa

Ta từ bỏ kiếp rơm

Để đời sau không còn là tro bụi

Đó là bài thơ ngắn của một họa sĩ nổi danh trong làng mỹ thuật Nguyễn Hải Chí (tức họa sĩ Chóe). Đã 5 năm, họa sĩ Chóe rời xa cõi nhân gian đầy màu sắc. Chóe trong ký ức tôi chỉ như một chớp hiện. Chỉ một chớp hiện thôi nhưng đa dạng và sắc nét.


Họa sĩ Chóe tên thật Nguyễn Hải Chí 

sinh năm 1943 tại Long An Nam Việt.

Mất ngày 12-3-2003 tại bệnh viện 

Fairfax Hopital Virginia USA thọ 60 tuổi. 

(Lê Thiếu Nhơn)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

So với cái mênh mông của vũ trụ
Thì nỗi buồn của hạt bụi có ra chi.



Nhớ Chóe và thơ - 2

Tôi vẫn nhớ, tôi nhận được tin ấy từ một cuộc điện thoại trĩu nặng của nhà báo Chánh Trinh. Dù biết họa sĩ Chóe bị bệnh tiểu đường từ lâu và chuyến đi xa chữa chạy cũng hầu như không có hy vọng gì, nhưng tôi vẫn nghe nghẹn đắng. 

Và thú thật, dẫu đã ngồi đối diện với họa sĩ Chóe rất nhiều lần và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào lý giải được tại sao người đàn ông tướng tá đạo mạo với chòm râu quai nón ấy lại có thể vung tay ra những bức hí họa sâu sắc và hóm hỉnh như vậy? Hình dong và tác phẩm của Chóe như hai vùng trời khác biệt, mà người nào muốn hiểu ông chỉ có cách khám phá từng chút.


Người yêu mến nhiều hay người yêu mến ít đều phải thừa nhận Chóe là một người tài hoa. Ông viết truyện, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác nhạc… đều có dấu ấn riêng. Chẳng biết có phải may mắn không, tôi từng có lần được Chóe hát cho nghe liền tù tì hơn chục ca khúc bằng chính cái giọng khàn đục của ông, mà tôi còn nhắc tên được vài bài như Ngả lưng trên đồi, Soi bóng bên hồ, Vô tình mây bay, Bầu trời đáy giếng, Hoa hồng đầy gai…


Với thơ thì khi cao hứng Chóe cũng đọc một lúc cả chùm, mà toàn là thơ ngắn, ví dụ bài Mùi môi vỏn vẹn bốn câu: 

Môi em mùi son
Môi em mùi rượu
Giờ uống một mình
Ta pha rượu với son


(Lê Thiếu Nhơn)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Sống là khách qua đường
Chết là về cố hương
Trời đất là quán trọ
Bụi muôn đời xót thương.



Con đường Dương Nghiễm Mậu

Ít lâu sau, quả nhiên Dương Nghiễm Mậu đã "phải đi", cùng với anh em văn nghệ sĩ miền Nam. Đi thẳng vào trại tập trung Phan Đăng Lưu. Một lần khác, gặp trên hè đường Tự Do, xế cửa nhà sách Xuân Thu. Mậu, một cây dù Tú Xương, tay kia xách một túi giấy, nói ở trong là một cái chăn len, đồ dùng quý nhất còn lại trong nhà, và Mậu đang trên đường ra chợ trời Tôn Thất Đạm bán lấy ít tiền đem về cho vợ mua gạo. 

Kể chuyện khốn quẫn mà cười thật vui, nét mặt sinh hoạt, ánh mắt riễu cợt. Sau 1975, tôi đã nhìn thấy ở nghệ sĩ ta một số bản lĩnh chói loà. Những phong thái trầm tĩnh, những bản ngã dũng liệt, trong nghịch cảnh mới như một đường kiếm tuốt ra khỏi vỏ, mới lấp lánh hiện hình. Nhưng tươi tắn, vững vàng và trong sự trẻ trung đặc biệt, gần như không có tuổi, thì là Dương Nghiễm Mậu thôi. Chỗ này là chỗ nói đến võ công thâm hậu, đến tư duy đạt thành và kín thầm nhưng đoán thấy, sự kiêu hãnh tuyệt của người nhà văn nơi Dương Nghiễm Mậu.


Lần sau cùng gặp, thời gian này Mậu vừa được trả tự do, là chiếc dù đen hiền triết tôi nhìn thấy ở trước rạp chiếu bóng Trương Minh Giảng. Lần đó, kẻ bên này đường, kẻ bên kia, tôi đang bị truy lùng ráo riết, nên chỉ nhìn nhau gật đầu, vẫy tay chào không ai đứng lại. Khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng tôi nhớ vừa đi vừa còn nhìn lại, nhìn cây dù đen văn chương xa dần, lòng đầy quý mến.


Bạn hữu còn kể ít nhiều chuyện về hơn một năm lao tù của Mậu ở Phan Đăng Lưu. Như về cái thái độ trầm tĩnh của Mậu đã có một ảnh hưởng rất tốt đẹp với anh em cùng tù, đặc biệt là với Nhã Ca, bao nhiêu năm vẫn trước sau kính trọng Dương Nghiễm Mậu như một người anh lớn. Biết Nhã Ca ngạo ngược nóng nảy, Mậu vắn tắt khuyên: "Cô còn phải trở về nuôi tụi nhỏ", và kèm sát Nhã Ca trong những buổi học tập kiểm thảo. Phải nên có thái độ nào như thế nào mới là khôn ngoan, an toàn, nhất nhất Nhã Ca đều chịu nghe theo những chỉ dẫn của anh "Dương Nghiễm Mậu". 


Một chuyện ngộ nghĩnh về Phan Đăng Lưu: Buổi sáng hai anh em được trả tự do, Nhã Ca có người đến đón ở cửa trại, Mậu không có ai, Nhã Ca còn 5 đồng trong túi, Mậu không có một đồng nào. Nhã đưa cả 5 đồng cho bạn, để đi xe. Mậu cầm tiền cười lớn: "Anh là ông vua đi bộ ở Sàigòn, cần gì xe cộ nữa" và dùng 5 đồng của Nhã Ca ung dung vào quán uống cà phê. Chi tiết này đủ cho thấy bản lỉnh Dương Nghiễm Mậu trong nghịch cảnh.

(Mai Thảo)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Bởi kiếp sống biến ta thành gỗ mục
Ta vươn mình hóa kiếp phong Lan.


Chia tay Thương xá Tax

Tôi biết đến Thương Xá Tax từ năm 1953 khi gia đình từ Bắc di cư vào Nam. Tax đã hiện diện tại Sài Gòn từ năm 1880 trong thời Pháp thuộc với cái tên “Cửa hàng Charner” (Grands Magasins Charner – GMC) tại góc của hai con đường Charner (Nguyễn Huệ ngày nay) và đường Bonard (Lê Lợi).

Trước đó, đường Bonard (Lê Lợi) mang một cái tên rất bình dân: “Đường 13”. Đó chỉ là một con đường trong một xóm nhỏ mà cư dân địa phương thời đó gọi bằng một cái tên cũng dân dã không kém: “Xóm Thơm”. Mãi đến năm 1955, thời Tổng thống Diệm mới đổi tên đường Charner thành Nguyễn Huệ, đường Bonard trở thành Lê Lợi. Hai tên đường từ đó mang tên các danh nhân Việt thay thế những ông tướng Pháp.

(Trần Thị Vĩnh Tường)



Dương Kiền 


Dương Kiền: Tên thật cũng là bút hiệu của ông. Ông sinh ngày 28-12-1939 tại Huế

Mất ngày 17.11,2015 tại Bergen, Na Uy. Tốt nghiệp đại học Luật Khoa năm 1962, và gia nhập Luật Sư Đoàn cùng năm. Nguyên là chủ bút tạp chí Văn Học (1962-1965) tại Sài Gòn và được giải thưởng Văn Chương toàn quốc 1966 với kịch bản Sân Kháu. 


Tác phẩm

Biển trầm lặng  (Truyện dài)

Máu của mẹ (Truyện ngắn) 

Sân Khấu  (Kịch) 

Kẻ xa lạ   (Dịch)  


Thơ

Thú đau thương 

Mùa gặt giữa hư vô 

Thơ tình cho vợ

Sáu mươi



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Muốn thành công phải trải qua thất bại
Trên đường đời có dại mới có khôn.



213 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Cụ Tú Sót chậm rãi: "Thơ không phải lúc nào muốn là bật ra được, nó phải là những cảm xúc căng chật trong lòng, là những nỗi buồn khắc khoải mà không viết ra anh không thể hóa giải nỗi lòng mình được". Ban đầu, cụ Vũ Đình Liên khắc họa hình ảnh Ông đồ chỉ bằng một câu vè: 

Hàng Bạc đi lên Hàng Bồ. 

Trên đường đi học, ông đồ buồn thiu


Nhưng rồi, có một ngày xuân, nhà thơ đi qua con phố thân thuộc đó, bỗng thấy trống vắng, chỉ còn những bậc thềm hoang lạnh vì không thấy ông đồ đâu nữa. Nhìn phố xá và dòng người thờ ơ vô tình đang thưởng ngoạn vui Xuân, nhà thơ nhận ra vì sao ông đồ đã rời bỏ nơi này. Người đời lãng quên ông đồ, lãng quên luôn nét văn hóa truyền thống. Chỉ kịp nghĩ đến đó, trái tim đa cảm của nhà thơ bỗng bật lên tiếng nấc thương xót kẻ "hàn nho mãi tự": 

"Năm nay đào lại nở. 

Không thấy ông đồ xưa. 

Những người muôn năm cũ. 

Hồn ở đâu bây giờ?!". 

Sau này, khi bài thơ Ông đồ đã trở thành một tác phẩm văn học về niềm hoài cổ thì có người cho rằng, nếu Vũ Trọng Phụng là ông "vua cười", cười bật máu ra đầu ngòi bút thì nhà thơ Vũ Đình Liên phải là ông "vua khóc", khóc tuôn ra đầu ngòi bút những dòng nước mắt, tiếng khóc lay động cả tâm hồn vô cảm nhất. 


Tâm sự lại điều này với người bạn thơ già Tú Sót, cụ Vũ Đình Liên mắt ngấn nước: "Nhưng bạn ạ, có lúc tôi cảm giác bài thơ Ông đồ hình như không phải của mình mà là tiếng nói từ ngàn xưa vọng lại"... Câu chuyện xúc động này được nhà thơ Tú Sót ghi lại vào một chiếc băng cassette cũ kỹ, thi thoảng, nhớ bạn nhớ cảnh, nhớ tình, ông lại mang ra nghe để ngâm ngợi, đủ thấy mối thâm tình của hai tâm hồn hoài cổ đồng điệu. 
Tôi chợt nhớ mấy vần thơ cuối trong bài thơ "Gửi tác giả bài thơ Ông đồ" của nhà thơ Tú Sót:

 

"Ông đồ sống lại khóc nhà thơ. 

Hay là xót mới với thương xưa. 

Tiếng nấc nối liền bao thế kỷ. 

Nhà thơ nay lại hóa thành thơ". 


Những ông đồ hiện đại dù không khăn xếp, áo the nhưng có lẽ sự hướng thiện thành tâm với văn hóa cổ trong họ sẽ là một cầu nối thực tại với quá khứ, để mỗi cái Tết vẫn lưu giữ được hương vị truyền thống ngày xưa. 

(Mối tình trong bài thơ Ông đồ - Lê Chánh Thiêm)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà.


Xuân Sách: viết chân dung

Mùa hè năm 1982, tôi lên Tam Đảo nghỉ mát vài hôm. Hồi đó khách còn vắng. Một buổi chiều tôi một mình đi dạo trên con đường dưới bóng thông, tôi nhìn thấy nhà thơ Tố Hữu đang đi về phía tôi. Tôi nghĩ ông không biết tôi nên cứ lẳng lặng đi qua ông. Không ngờ ông gọi :

-  Xuân Sách đó à?

-  Thưa vâng, chào anh.

-  Sách lên đây để viết hay sao?

-  Dạ không, cơ quan cho đi nghỉ mát ít hôm.

-  Ra rứa!  Còn mình thì lên đây có việc.


Tất nhiên tôi không hỏi ông việc gì. Ông đặt nhẹ tay lên vai tôi, nói nhẹ nhàng:

- Bên công an họ thu thập được những bài ca dao đồng dao, và những truyện tiếu lâm thời bây giờ, có đến gần hai trăm trang đánh máy. Mình lên đây để đọc cho yên tĩnh.

-  Thưa anh, anh thấy thế nào? 

Tôi hỏi và nhận được câu trả lời khá bất ngờ: “ Cực kỳ phản động, cực kỳ hay”. Có hai ông Tố Hữu trong câu nói này. Tôi nghĩ vậy và chợt nghĩ giá như lúc này tôi đọc bài thơ viết về ông mà ông cũng phán một câu như vậy thì tôi yên lòng. 


***

Xưa nay đã có những nho sĩ nhờ có câu thơ hay, vế đối hay mà thoát chết đó sao. Nhưng rồi tôi không đọc, và đến năm 1992 khi tập thơ được Nhà xuất bản Văn Học ấn hành mọi người mới biết”.


Bài thơ chân dung Tố Hữu “nằm chờ” suốt 19 năm đó như sau:
Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng

Mắt trông về tám hướng phía trời xa

Chân dép lốp bay vào vũ trụ

Khi trở về ta lại là ta

Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát

Trông về Việt Bắc tít mù mây

Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt

Máu ở chiến trường, hoa ở đây.


(Đỗ Ngọc Thạch)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngước lên cao để thấy mình còn thấp
Nhìn xuống thấp để thấy mình chưa cao.



Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi - 1

Hỏi : Anh làm việc và giữ chức vụ gì sau khi tốt nghiệp ?

Đáp : Vào năm 1968, tôi được bầu vào Hội Đồng Khoa Học của Viện. Cũng năm đó, tôi được giao phụ trách Nhóm Thơ Văn Lý Trần, chuyên làm bộ sách Thơ Văn Lý Trần trong 40 năm qua. 1978, được đề cử làm Trưởng Ban Ban Văn Học Cổ Cận Đại của Viện Văn Học. 1984, được công nhận Phó Giáo Sư. 1991, được công nhận giáo sư thực thụ. 


Hỏi : Anh có học chữ Nôm? Việc học chữ Nôm của anh ra sao?

Đáp : Người học chữ Hán bắt buộc phải học chữ Nôm. Chữ Nôm là bộ môn phải học trong khi học chữ Hán.


Hỏi : Công trình nghiên cứu của anh là những gì ?

Đáp : Cho đến nay tôi đã có vài chục đầu sách do tôi viết hoặc chủ biên. Cuốn sách công bố đầu tiên là cuốn tôi cộng tác với cụ Nguyễn Văn Huyến sưu tầm và dịch thuật tất cả các tài liệu về Nguyễn Trãi, in năm 1963, gọi là Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi, gần 350 trang. Tôi chịu trách nhiệm sưu tầm và sao chép những tài liệu có trong thư tịch mà lúc bấy giờ chưa mấy ai biết nhiều. Vì chữ Hán lúc ấy còn kém, tôi chép tài liệu rất vất vả và khổ công, nhưng tìm đọc tư liệu thì không sót. Chép được bao nhiêu, tôi phân loại và đưa cho cụ Huyến dịch. Dựa trên bản dịch của cụ, tôi làm nhiều bảng đối chiếu, chú giải tỷ mỷ và xây dựng thành một hệ thống văn bản tin cậy.

(Thượng Văn)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Uống ba chén rượu khoanh tay ngủ
Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười.



Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi - 2

Hỏi : Quyển Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi như thế nào ?

Đáp : Hầu hết những ý kiến bình luận về Nguyễn Trãi của những nhân vật tiêu biểu như Trần Khắc Kiệm (thế kỷ XV), Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII), Phan Huy Chú, Nguyễn Năng Tĩnh, Ngô Thế Vinh, Dương Bá Cung (thế kỷ XIX)... đều được tập hợp vào đây. 


Hai bộ sử lớn có viết về Nguyễn TrãiĐại Việt Sử Ký Toàn ThưViệt Sử Thông Giám Cương Mục, bài tựa bản gia phả Nguyễn Trãi do Dương Bá Cung soạn 1822, những phần "Bình luận chư thuyết" và "Ức Trai sự trạng khảo" trong Ức Trai Di Tập đều được dịch ra, đặt trong đối chiếu và tham khảo tư liệu. Trước đó một thời gian anh Hà Văn Tấn chú giải cuốn Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, anh Trần Quốc Vượng dịch cuốn Việt Sử Lược, đều là những cuốn sách có tiếng vang rộng rãi. Phương pháp làm việc của chúng tôi là bắt chước cách chú giải tỷ mỷ của các cụ như cụ Hoàng Xuân Hãn, cụ Đào Duy Anh và các cụ khác.


Hỏi : Anh có tham gia vào việc biên soạn Nguyễn Trãi Toàn Tập ?

Đáp : Nguyễn Trãi Toàn Tập là do Viện Sử Học đứng ra tổ chức, người đứng đầu là Giáo sư Văn Tân. Cuốn ấy có sự tham gia của người dày kinh nghiệm khoa văn bản học là Giáo sư Đào Duy Anh, nhờ thế bộ sách có mặt mũi và đàng hoàng. Tất nhiên bây giờ tác phẩm của Nguyễn Trãi cần phải bổ sung, phải làm lại văn bản một cách cơ bản.

(Thượng Văn)


Nói lái trong nước

Nhiều cô gái ngây thơ ôm mộng ban đầu 

để rồi… ôm bầu đan mộng.



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ 

Thể lọai “Kịch lịch sử” 


Trúc Đường

Trúc Đường, tên thật Nguyễn Mạnh Phác (1911-1983) là nhà viết kịch Việt Nam, quê ở thôn Thiện Vinh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Mồ côi mẹ sớm, nhà nghèo, ông cùng em trai là nhà thơ Nguyễn Bính ra Hà Nội mưu sinh.


.

Ông sáng tác văn học và chuyên soạn kịch về đề tài lịch sử. 

      Thái hậu Dương Vân Nga

      Cành đào Quang Trung

      Hoàng Diệu

Tấm vóc đại hồng


***

“…Còn nhớ một đêm, vở Tấm Vóc Đại Hồng của Trúc Đường diễn ở Hà Nội. Có lẽ đêm ấy tác giả hào hứng lắm. Anh giục tôi phải đi xem. Nửa đêm ra về, trên đường lá đa rụng xào xạc thành tiếng lẫn ánh điện và bóng trăng. Tôi nhận ra sức mạnh sáng tạo của Trúc Đường sở trường dựng được những nhân vật khá lớn Trần Thủ Độ, Lê Hoàn, Quang Trung…, những quang cảnh lớn bằng Hội thề Đông Quan, cuộc tụ nghĩa Lam Sơn, điện Diên Hồng.. 


Tôi còn thấy những vương vấn, bâng khuâng, những thiết tha thấp thoáng bóng trúc, ngõ tre, bến nước đò ngang. Một cô gái canh cửa. Một ông tiều. Một quán nước bên đường, những vai phụ, một cảnh thoáng qua, ví như một nét nhướn mày của người đàn bà họ Dương vốn kiên nghị, tài sắc. Nhưng tôi lại tưởng như đấy mới là tâm sự người viết. Người viết nào chẳng gửi tâm sự vào sáng tác của mình niềm vui, nỗi hờn của tâm sự, của tấm lòng vào một cảnh, một vấn đề trong sáng tác. Cái lớn của sự sáng tác được góp lại từ một mảnh chấu, một hạt kê vì từ những đam mê những thương cảm đến không bao giờ nguôi của người nghệ sĩ. Người viết nào chẳng vậy. Với Trúc Đường, cái tên của hình ảnh vách trúc nhà tranh đơn chiếc ước mơ. Khóm trúc thêu tuôn dòng lệ cũ. Con thuyền… đấy là Trúc Đường ư?


Một hôm, tôi nói với anh như vậy. Anh cười hiền lành như mọi lúc, rồi bảo tôi: “Thằng này thế mà quái quỷ.” Tôi hiểu có thể là anh có ý khen tôi”. Anh mất năm 1983, thọ 72 tuổi


(Alger Tháng tư năm 1983 - Tô Hoài)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Thương em chẳng dám vô nhà,
Thập thò ngoài ngõ hỏi… gà bán không?



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Từ chèo và kịch” 


Lịch sử chèo

Từ thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, họ đã diễn các vở chèo đầu tiên trên sân đình. Kinh đô Hoa Lư-Ninh Bình được coi là đất tổ của sân khấu chèo, và người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca trong hoàng cung nhà Đinh vào thế kỷ 10. Chèo bắt nguồn từ múa hát dân gian, nhất là trò nhại. Qua thời gian, người Việt đã phát triển các tích truyện ngắn của chèo dựa trên các trò nhại này thành các vở diễn trọn vẹn dài hơn.
 
Sự phát triển của chèo có một mốc quan trọng từ một người lính Mông Cổ bị ta bắt làm tù binh vào thế kỷ 14. Người lính này vốn là một diễn viên nên đã đưa nghệ thuật vừa múa vừa hát hát của người Mông Cổ (nhà Nguyên) mang vào nước ta. 


Tới thế kỷ 18, hình thức chèo đã được phát triển mạnh ở dân gian. Những vở chèo nổi tiếng như Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kínhxuất hiện trong giai đoạn này.


(Quan âm trò, tên khác Mẹ Đóp)



Từ chèo qua kịch

Đầu thế kỷ 20, chèo được đưa lên sân khấu thành thị trở thành chèo “hiện đại” với một số tuồng tích mới ra đời dựa theo tích truyện cổ tích, truyện Nôm như Tô Thị, Nhị Độ Mai, v…v…


Thế kỷ 20, chèo được đưa lên sân khấu đôi khi được gọi là “tuồng”, từ “tuồng” bắt qua…“kịch” hiện đại


Trấn Kinh Bắc

Có thuyết cho rằng: “Trấn Kinh Bắc được thành lập vào thời vua Lê Thánh Tông năm 1469 vì rằng sau trận chiến với quân Minh của Lê Lợi, để bảo vệ thành Thăng Long, vua Lê Thánh Tông cho lập bốn trấn chung quanh hoàng thành là Trấn Hải Dương, Trấn Sơn Nam hạ (Nam Định), Trấn Sơn Nam Thượng (Hưng Yên) và Trấn Kinh Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh).


Minh Mạng, đổi trấn Kinh Bắc thành tỉnh Bắc Ninh. Do có đường quốc lộ lên ải Bắc chạy qua, nên vị trí của Bắc Ninh rất hệ trọng. Vì thế, năm 1884, Pháp đánh thành Bắc Ninh hoàn thành công cuộc bảo hộ.


   


Tục ngữ có câu “ăn Bắc, mặc Kinh”: Kinh là kinh đô Thăng Long, còn Bắc đây chỉ xứ Kinh Bắc cổ xưa với thành Cổ Loa và thôn Cổ Pháp, quê hương của Lý Công Uẩn, người sáng lập ra triều Lý. Đời vua Lý Anh Tông, nhà Tống thừa nhận nước ta qua tên An Nam Quốc. Vì vậy không thể phủ nhận Bắc Ninh là cái nôi của lịch sử nước nhà từ khi lập quốc cho đến ngày nay.


Thăng Long - Hà Nội xưa

Sau nhiều năm chiến tranh đã diễn ra liên tiếp tại kinh thành Thăng Long cho nên Văn Miếu - Quốc Tử Giám dã bị hưhại đổ nát. Đời Tây Sơn khi vua Quang Trung ra Bắc dân chúng sở tại đã dâng sớ xin triều đình sửa sang tu bổ. Vua đã phê vào tờ sớ hai câu thơ bằng chữ Nôm như sau: "Nay mai dựng lại nước nhà, Bia Nghè lại dựng trên toà muôn gian". Đời Nguyễn: Năm 1804, sau khi vua Gia Long lên ngôi, đã chuyển kinh đô vào Huế, Văn Miếu chỉ còn lại ở trấn Bắc Thành. Quốc Tử Giám được chuyển vào Huế. Năm 1805, tổng trấn Bắc Thành là Nguyễn Văn Thành đã cho tu sửa Văn Miếu và xây dựng thêm Khuê Văn Các..

 

Về hai tấm bia trong hai bi đình trên sân Văn Miếu (Huế) ghi khắc các nội dung khá đặc biệt: Tấm bia bên trái khắc bài Dụ của vua Minh Mạng đề ngày 17 tháng 3 năm 1836 nói về các thái giám trong nội cung thì không được liệt vào hạng người có thể tiến thân; còn tấm bia bên phải khắc bài Dụ của vua Thiệu Trị đề ngày 2 tháng 12 năm 1844 nói rõ rằng bà con bên ngoại của vua không được nắm những vai quan trọng trong triều đình.

Hai nội dung nầy khiến cho ta suy nghĩ. “thái giám” là những công bộc phục vụ trong cung, chịu nhiều hành hạ về thể xác, để phục vụ vua lại mất hết con đường tương lai trong công danh. 


(Văn Miếu và Quốc Tử Giám – Kiêm Thêm)



Tục hát úp đèn thờ thần, điểm ngực 

Những tài liệu dưới đây được viết bằng chữ Hán – Nôm, là những ghi chép về dân tục của vùng Kinh Bắc, năm Khải Định thứ 5 (1920), do Viễn Đông Bác Cổ thu thập:

Làng Ném Thượng có tục giết lợn tế thần. Tối hôm đó mời đào nương đến hát. Khấn xong, mọi người cùng lễ bái thần, 3,4 người kỳ mục ngồi ở gian giữa, đánh trống xem hát. Đào nương đứng ở ngoài hương án ca hát. Hát đến 2 giờ đêm. Một người kỳ mục bưng đĩa đèn đứng thẳng trên mặt đất giữa đình, lấy một cái chõ úp lên trên đèn, trong đình, trong cung ấy tối om om. 


Một người kỳ mục ngồi ở gian chính giữa mới nhảy xuống sờ ngực người đào nương. Còn đàn ông đàn bà người nào người nấy thấy đèn bị che đi, lại thấy kỳ mục sờ ngực đào nương thì các đàn ông cũng sờ ngực đàn bà. Khoảng ba phút đồng hồ thì có một người nhấc cái chõ ra, đèn lại sáng. Mọi người không sờ ngực nữa, lại ngồi nghiêm chỉnh như cũ để nghe hát.



(Nguyễn Xuân Diện)


Chưa… hỏi đã… ngã 

Vấn đề: Dùng tự điển để tra dấu hỏi ngã được không?
Tự điển cũng không 100% chính xác. Có khi cùng một từ mà tự điển này viết khác tự điển kia. Tự điển cũng chỉ là một trong những phương tiện để viết chính tả, nhưng tự điển cũng không thuận tiện lắm, vì cứ viết một chút lại phải tra tự điển mất hết mươi phút, thì còn hứng mà viết. Có tác giả viết nguyên cả một cuốn sách vài trăm trang để chỉ dẫn hỏi ngã cho thiên hạ. Nhưng người viết sách với qui tắc hỏi ngã không thấy được cái khó khăn của người miền Nam, nên nêu ra hằng lô qui tắc, hằng trăm từ có hỏi ngã phải học thuộc lòng, và tin rằng ai cũng nhớ được.


Vấn đề: Cứ theo giọng nói mà viết hỏi ngã.
Có người cho rằng viết hỏi ngã rất dễ, cứ lần theo giọng người ta nói, từ nào lên giọng là dấu ngã, từ nào xuống giọng là dấu hỏi.
Giải pháp: Khi viết có người đứng kề bên để nhắc? Mà ai nhắc? Ông này là người Trung hay Nam thì không khá hơn. Phần đối thoại dưới đây nghe lỏm được, xin để ý đến dấu ngã, dấu hỏi:


Tối lửa tắt đèn, vợ nói với bồ:

“Muốn cỡi thì cởi nhanh lên, làm gì như là rùa vậy hã?”.
Bồ nhỏ nhẹ: 

“Khẻ chứ, cởi nhanh thế nào được nhẻ?”.

(Đoàn Văn Phi Long – Hỏi ngã)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ăn trộm có tang, chơi ngang có tích 

Nói những kẻ gây rối trong xã hội.


Không đúng! Tục ngữ ý nói: những việc làm phi pháp bao giờ cũng để lại dấu tích, tang chứng, cuối cùng sẽ bị phát hiện.

(Hoàng Tuấn Công)



Công dã tràng

Tục truyền có chàng thợ săn tên Dã Tràng, một ngày kia nhìn thấy một cặp rắn. Khi con rắn cái lột da thì rắn đực đi tìm đồ ăn mang về. Nhưng khi rắn đực lột da thì rắn cái bèn bò đi tìm rắn đực khác. Dã Tràng bất bình bèn bắn chết rắn cái. Rắn đực đi tìm vợ, gặp Dã Tràng mới hiểu ra vợ mình xấu xa. Rắn đực bèn trả ơn Dã Tràng bằng một viên ngọc lạ, mỗi lần Dã Tràng ngậm viên ngọc này thì có thể nghe và hiểu được tiếng nói của loài vật.
Vua cho đòi Dã Tràng tới, mượn viên ngọc của chàng, ngậm viên ngọc, nghe được các loại cá mực hát rất haỵ vua bật cười, viên ngọc bị rơi xuống biển. Dã Tràng tiếc viên ngọc, ngày đem ngụp lặn tìm kiếm, kiệt sức chết. Dã Tràng biến thành một loài cua bể ngày đêm tha cát lấp biển để tìm lại viên ngọc đã mất.


Dã Tràng xe cát biển đông,
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì



Học lại chữ Hán 

Bài thơ Đường “Lương Chân Từ” là: Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi.

Toàn thể dịch giả ta đều dịch dạ quang bôi ra là “chén ngọc” kể cả ông dịch giả được xem là thành công nhất về bài đó, là ông Ngô Tất Tố, cũng dịch là: Rượu bồ, chén ngọc sáng choang.

Tôi hơi ngạc nhiên, vì hồi còn là học trò trung học, tôi có học về địa chất, và không thấy ở đâu có nói đến loại ngọc nào mà dạ quang (sáng ban đêm) hết. Như thế thì có thể là khoa học thái Tây mà tôi học sai chăng ? 

Đến khi tôi học tới Kinh Thi, thì tôi thấy có thơ cổ nói về loại chén rượu chế tạo bằng sừng con tê ngưu. Sách chưa nghĩ rằng hồi cổ thời, người Tàu khoét sừng con tê ngưu để làm chén uống rượu. Sự thật là đây. Sừng con tê ngưu chứa đầy dẫy chất lân (tinh). Và chính loại chén đó mới sáng ban đêm bởi chất lân, ở trong bóng tối sáng lên trước mắt ta. 


(Bình Nguyên Lộc)


Trở lại tuổi thơ cùng Lucky Luke 


             


Trong cuốn “O.K Corral” có cuộc đấu súng huyền thoại của Miền Tây, kẻ nào “bắn chậm thì chết”. Trong “Pony Express” đoàn ngựa tốc hành với việc cố gắng rút ngắn thời gian vận chuyển thư giữa miền Tây và miền Đông. Mọi chuyện ở các thị trấn Miền Tây được Morris vẽ một cách hài hước nhưng lại đầy tính “nhân văn”. 


  


Tên cướp “Billy the Kid” cũng chỉ bị Lucky Luke phạt bằng cách… phết vào mông. Trong toàn bộ các tập truyện, Lucky Luke chỉ một lần duy nhất bắn hạ Mad Jim trong tập về mỏ vàng (La Mine d'Or de Dick Digger) và một lần khác bắn bị thương Phil de Fer, một nhân vật có “đôi chân dài” như các kiều nữ thời bây giờ.


Cuộc chiến với người da đỏ cũng thường xuyên được đề cập đến nhưng luôn kết thúc êm đẹp với sự kiện hai bên cùng ngồi hút… "tẩu thuốc hòa bình" (peace pipe). Và hình ảnh không đổi cuối mỗi tập truyện là Lucky Luke cưỡi chú ngựa Jolly Jumper đi về phía cuối chân trời và hát bằng tiếng Anh: "Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương, mà đường về nhà còn xa vời vợi...”

“I'm a poor lonesome cow-boy

And a long far way from home”


 


Ban đầu, Lucky Luke luôn xuất hiện với điếu thuốc lá trên môi, nhưng về sau để tránh hình ảnh người hùng nghiện thuốc lá, Morris cho thay thế bằng một cọng cỏ ngậm trên miệng. Xử lý các tình huống một cách hài hước, thông minh, cộng với tài bắn súng “nhanh như chớp” và sự may mắn, Lucky Luke luôn thành công ở cuối mỗi tập truyện.

(Nguyễn Ngọc Chính)



Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)

Khi xe của nhóm phóng viên sắp rẽ sang đường khác, bất chợt xuất hiện trên bên trái khung ảnh của Eddie Adams là Đại Tá Loan (trong bài phỏng vấn, Eddie Adams nhớ lầm Chuẩn tướng Loan là Đại tá – TGT) bước đến trước mặt Bảy Lốp rút súng bắn vào đầu cán binh Nguyễn Văn Lém. Vài ngày sau đó Eddie Adams mới biết thêm Bảy Lốp bị bắt trên lầu 2 của toà nhà cao tầng tại mặt trận ở Chợ Lớn sau khi vừa giết chết một cảnh sát. Thật ra cả gia đình của viên sĩ quan thân tín của Tướng Loan đã bị Bảy Lốp giết (3).


(3) Tấm ảnh đó “kết tinh sự tàn nhẫn của chiến tranh nhưng không hề cho biết hoàn cảnh để hiểu rõ sự kiện.” Bùi Diễm, In the Jaws of History. Bloomington IN: Indiana University Press, 1999.

Khi bấm máy ảnh chụp hình Bảy Lốp và Tướng Loan, Eddie Adams vẫn ngỡ rằng cũng nhiều lần khác, đây chỉ là một cách doạ – kê súng vào đầu khi hỏi cung tù binh – thường xảy ra. Tướng Loan quay sang nói với Eddie Họ giết nhiều người Mỹ các anh và nhiều lính của tôi rồi.”

Cảm tưởng của Eddie hôm mồng hai Tết Mậu Thân: một người bị bắn − Chuyện thường ngày ở chiến trường Việt Nam thời đó. Mỗi ngày nhìn thấy hàng hàng lớp lớp những bao xác người chồng chất lên nhau, mãi rồi ai cũng xem thường và chấp nhận mình có thể chết bất kỳ lúc nào tại Việt Nam.


Hình của Eddie Adams chụp được AP chuyển đi; AFP đưa tin 8 cột báo và cả thế giới đồng loạt ca bản “chiến tranh tàn nhẫn”, “vi phạm công ước Geneva về tù binh”, “Tội phạm chiến tranh”, v.v… 

(Trần Giao Thủy)


Tác giả: Trần Giao Thủy tên thật Lã Mạnh Hùng, cựu học sinh Petrus Trương Vĩnh Ký niên khoá 1964-71. Hiện đang định cư ở Montreal, Canada.

Tác phẩm: Đoàn sứ giả Việt Nam tại Paris năm 1863, Petrus Trương Vĩnh Ký trong chuyến đi Tây 1863, Tấm bia chí sĩ Phan Bội Châu dựng năm 1918 tại Nhật Bản, Bùi Viện đi Mỹ, lịch sử hay ngụy biện…, Nhân dạng, hình ảnh của Bùi Viện


Ai về Bình Định mà... xơi

Lâu nay, khá đông người bị nhầm lẫn bởi đọc lẫn viết rằng bún song thần hoặc song thằn. Đó là từ vựng tiếng Hoa: 雙 繩 / 双 绳 phiên âm Hán-Việt thành song thằng. Song nghĩa là đôi. Thằng nghĩa là sợi. Nơi có nhiều bà con Minh Hương sinh sống xưa nay là thị trấn An Thái, huyện An Nhơn, tả ngạn sông Kôn, bún nổi tiếng được làm bằng bột đậu xanh, có pha bột huỳnh tinh và bột mì nhất (bột khoai mì tức củ sắn loại thượng hảo hạng), được bắt dây từng cặp rồi tạo thành từng tấm vuông mỗi cạnh 30cm.


Ăn trứng vịt lộn và trứng chim cút lộn, mọi người quá quen. Ghé Bình Định, nhiều du khách bất ngờ khi được mời dùng trứng gà lộn trái vải:

Quê ta biết mấy món ngon,
Trứng lộn trái vải, cu con ra ràng.


Trứng gà ấp 21 ngày thì nở con, nếu ấp 15 ngày thì gọi lộn trái vải. Cách ăn tương tự hột vịt lộn, nghĩa là ăn hột gà lộn với muối tiêu và rau răm.

Với nguồn nguyên liệu thường gặp, người Bình Định thoải mái tạo nên những món đạt sắc-hương-vị đặc trưng. Cá tràu mà miền Bắc thường gọi cá quả, miền Nam quen gọi cá lóc, được miền đất võ nướng bẹ chuối, kho nghệ, xuất sắc nhất là cá tràu nấu ám được tục ngữ khẳng định: cá tràu nấu ám, cá trám nấu chua

Tỉnh Bình Định vừa có biển, vừa có rừng núi, lâu nay giao du thuận tiện với nhiều nơi nhờ các tuyến đường bộ, thuỷ, sắt, hàng không. Dẫu không quá chú trọng sự cầu kỳ, nhiêu khê, mà lại thiên về bình dị, chân chất, song nghệ thuật ẩm thực Bình Định cung hiến bao món ăn thức uống đa dạng và độc đáo, thừa sức hấp dẫn đông đảo khách sành điệu.

(Phanxipăng)


Phanxipăng có họ tên Trần Ngọc Tĩnh

Chào đời năm Canh Tý 1960 ở thành phố Huế

Cựu sinh viên khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện cư trú ở Sài Gòn

Tác phẩm Vàng máu (Tiểu thuyết) - Cốt cách mùa xuân (Tập phóng sự), Sài Gòn nay (Tập phóng sự) - Huế chừ (Tập phóng sự)



Lẩm cẩm quanh chuyện Từ điển chính tả tiếng Việt 

Ý kiến đóng góp, phê bình

Cuốn “Từ Điển Chính Tả Tiếng Việt” do PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên được Nhà Xuất bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội ấn hành hồi năm 2017. Tuy nhiên, sau 3 năm được xuất bản, quyển từ điển này đang thu hút sự quan tâm của giới học thuật bởi vì là một quyển từ điển về chính tả nhưng lại bị sai chính tả.


Nhà giáo Chu Mộng Long, trên trang Facebook cá nhân đã viết bài “Từ điển chính tả hay từ điển ẩu tả?”. Ông Chu Mộng Long lập luận rằng “việc chuẩn hóa chữ viết là công việc của ngành giáo dục vì chữ viết là công cụ quan trọng nhất của giáo dục”, và “sách giáo khoa dạy chữ đã là luật”. Ông Chu Mộng Long kết luận rằng những cách viết khác nằm ngoài cái khế ước đã được cộng đồng thừa nhận đều bị xem là tùy tiện, ẩu tả và một từ điển ẩu tả như “Từ Điển Chính Tả Tiếng Việt” của ông Hà Quang Năng không thể xem là từ điển chính tả.


Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc, cũng có bài viết đăng tải trên báo mạng khẳng định rằng lời giải thích của chủ biên Hà Quang Năng là “sự ngụy biện nguy hiểm”.

PGS-TS Hoàng Dũng dẫn lời rằng các tác giả của từ điển chính tả… sai chính tả đừng quanh co nữa.

(Vương Trùng Dương)


***


Phụ đính 


Hồ Xuân Hương

Căn cứ vào các tư liệu mới phát hiện người ta đã xác định được năm sinh của Hồ Xuân Hương là 1772, đặc biệt năm mất là 1822. Điều đó đã được dòng họ Hồ Quỳnh Đôi Nghệ An, quê hương bà, cho khắc vào tấm bia đá lớn, thờ ở ngay đầu làng.


Nếu năm mất được xác nhận là 1822, thì nơi mất có thể là chùa Giải Oan ở Yên Tử, vì cùng một nguồn tư liệu: Sau khi chồng chết, để thể hiện lòng thủy chung đúng đạo nhà Nho của bà, bà tu ở Yên Tửkhi mãn tang chồng thì chết theo chồng ở đây. 

Bà mất năm 1822, năm 1823, phủ Tam Đới, nơi quan Tham hiệp trấn Yên Quảng  Nguyễn Phúc Hiển từng làm tri phủ khoảng hơn 10 năm trước, mới đổi tên là phủ Vĩnh Tường. Vậy bài thơ Khóc ông phủ Vĩnh Tường mà hàng chục năm nay gán bừa cho bà là không phải của bà vậy


(Vấn đề Hồ Xuân Hương đã rõ - Trần Nhuận Minh)













Không có nhận xét nào: