Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Hoa Cỏ và Tình Người - Chơn Sung & Diệu Phước

Hoa Cỏ và Tình Người 
                               Chơn Sung & Diệu Phước

Sau khi uống xong ly cà-phê sáng, ông Phong khoác một lớp áo lạnh mỏng và mở cửa bước ra vườn. 
Buổi sáng mùa Thu khí trời lành lạnh; thảm cỏ còn ướt đẫm hơi sương.  Ông bước tới giàn Phong Lan do tay ông gầy dựng từ mấy năm trước.  Những chậu Lan Oncidium ra hoa vàng rực rỡ.  Tạo hóa thật kỳ diệu! Trên mỗi bông hoa, những cánh hoa và đài hoa tự xếp đặt sao đó mà khi nhìn vào, người ta thấy mỗi đóa hoa là hình một thiếu nữ duyên dáng mặc áo đầm xòe; cho nên người Việt mình gọi đó là Lan Vũ Nữ;  người Anh và Mỹ cũng dùng một từ tương tự, Dancing Lady Orchids. 

                                         (Lan Vũ Nữ)

Ông đang quan sát những chậu Cymbidium thì nghe tiếng động nhẹ ở sau.  Ông quay đầu nhìn thì thấy bà đang lững thững bước tới, trên môi nở một nụ cười rất tươi.  Ông chào bà cũng bằng một nụ cười.  Nụ cười của ông thì làm sao tươi tắn bằng bà được; nhưng bà cũng nhận ra được tính tình hiền hậu và chất phác trong nụ cười đó.  Bà thương và qúy ông.  Đổi lại, ông thương bà ở nét duyên dáng trong bước đi và giọng nói.  Hai ông bà tuổi đã cao, ông ngoài 70, bà kém ông vài tuổi, cũng xấp xỉ 70.  Tuổi cao, nhan sắc của bà lẽ dĩ nhiên có kém đi nhiều so mấy chục năm trước, nhưng mà nét duyên dáng không giảm đi chút nào, ngược lại còn tăng thêm sự quyến rủ là đằng khác.  Khi bà bước tới gần, ông nói:
-“Để anh chỉ cho em xem những nụ hoa Cymbidium vừa mới nhú.”
Ông dùng ngón tay trỏ chỉ cho bà thấy một nụ hoa và nói:
-“Đây là nụ hoa vừa mới nhú ra được mấy ngày, đằng sau, gốc bên cạnh còn có một nụ nữa.” 
Ông xoay chậu Lan để bà thấy nụ hoa ấy và tiếp:
-“Chậu Lan nầy hoa màu đỏ sậm, do em chọn hồi mình đi xem Orchid Show trên Peats Ridge cách đây hai năm, em còn nhớ không?”
-“Nhớ chứ!”
-“Sau khi hoa tàn đợt đầu, năm ngoái nó lại ra hai nhánh bông.  Năm nay mình có ít nhất hai nhánh nữa. Nếu để ý theo dõi, chừng một tuần lễ nữa, mình có thể biết chắc năm nay có hai hoặc ba hoặc bốn nhánh.  Có lẽ tối đa là ba.”
Bà trầm ngâm một hồi rồi hỏi:
-“Anh à! Những nụ vừa mới nhú ra, làm sao phân biệt được đó là nụ hoa hay nụ lá?”
-“Nụ hoa thì mập, cứng cát hơn và đầu chóp nhọn, còn nụ lá thì thon, dài và ở đầu chóp có tưa ra. Vả lại, Lan Cymbidium về mùa Thu, thì không ra thêm lá, mà chỉ ra hoa.  Cho nên vào mùa nầy nếu có nụ nào vừa mới nhú ra, mình có thể đoan chắc đó là nụ hoa.  Đến cuối Đông, hoa tàn, cây trở lại tăng trưởng mạnh vào mùa Xuân, nụ non nào nhú ra lúc ấy đều là nụ lá cả, chừng hai tháng sau nó thành một gốc mập, có mấy lá xanh ở bên trên.”
Ông Phong có tham khảo và học hỏi được một số kỹ thuật trồng Lan.  Ông thường để ý tới tên khoa học của từng loại Lan.  Bà thì ít để ý tới những chi tiết đó mà thường để ý tới loại Lan nào cho hoa đẹp và lâu tàn.  Khi đi mua Lan ở những nơi chưng bày, việc chọn chậu Lan nào đẹp xấu thì bà có cái nhìn bén nhạy hơn ông.  Có chậu Lan nào ông thích mua, ông đều hỏi ý kiến của bà trước khi nhấc lên đem tới trả tiền.  Cũng có khi bà không thích chậu Lan nào đó - hoặc không đẹp, hoặc quá đắt - nhưng thấy ông thích quá bà cũng để yên cho ông mua, không khen chê gì cả.  Ông biết điều đó và đôi khi nghĩ lại, ông cảm động lắm, cho đó là một sự biểu lộ nhẹ nhàng và kín đáo của tình yêu. 
Dàn Phong Lan của ông có nhiều loại.  Ngoài Oncidium và Cymbidium, ông còn có Cattleya, bông lớn và thơm, rất ngoạn mục, ông cũng có Dendrobium speciosum và D. delicatum.  Có một lần, hai ông bà ngắm nhìn và trầm trồ khen ngợi hai chậu Dendrobium speciosum chưng trong nhà đang nở rộ, mỗi chậu có trên 10 nhánh bông uốn cong rất ngoạn mục và thơm ngát.  Ông chỉ một chậu và hỏi bà:
-“Em biết chậu nầy có bao nhiêu nhánh bông không?”
Bà ngần ngừ vài giây rồi trả lời:
-“Chắc là trên 10 nhánh, anh nhỉ?”
-“Anh theo dõi mỗi ngày từ khi mới ra nụ và nay biết được nó có 13 nhánh, còn chậu kia có 12 nhánh.”


Hai chậu Dendrobium speciosum đang thời kỳ ra hoa

-“Đẹp quá anh nhỉ! Và thơm nữa chứ!  Hôm qua Sương, bạn của con mình, tới chơi, khen đẹp.  Nó hỏi: ‘Tại sao Bác không đem ra thi và trưng bày cho ngưới ta ngắm?’  Em trả lời: ‘Hai Bác trồng chơi để mình thưởng thức, chứ trưng bày để làm gì!’  Tuy nói vậy, trong lòng em rất thích và cảm thấy hãnh diện về ‘ông xã’ của mình.”
Bà nói với giọng dí dỏm và tươi cười nhìn ông.  Ông rất thích câu nói đùa ấy của bà, vừa nhẹ nhàng vừa tình tứ.  Lòng ông cảm thấy tràn trề hạnh phúc. Trong vườn ông, có nhiều chậu hoa khác nhau, phần lớn do bà gầy dựng.  Ông chỉ chú tâm nhiều tới hai loại: Phong Lan và Khóm kiểng.  Ông sưu tập được một số Khóm kiểng để xen lẫn với những chậu Lan của ông.  Người Tây phương gọi những cây Khóm nầy là Bromeliads.  Ông tra cứu thì biết được những cây Khóm kiểng nầy thuộc họ Bromeliaceae, một họ thực vật tương đối nhỏ, nhỏ hơn nhiều so với họ Lan.  Thấy ông thỉnh thoảng mua về mấy chậu cây lạ, bà ngạc nhiên hỏi:
-“Trước đây em thấy anh chỉ chú ý tới Lan, mà sao nay anh lại thích những cây nầy vậy?”
Ông vui vẻ trả lời:
-“Tại anh thấy trong nhà mình có một cây hơi lạ, không biết em mua về hay ai cho hồi nào, vừa rồi ra bông tương đối đẹp và lâu tàn, gần giống như Lan. Lá lại xòe ra cũng đẹp lắm. Anh tra cứu thì được biết cây đó là Guzmania, thuộc họ Khóm, Bromeliads.  Anh tra cứu tiếp thì được biết họ Khóm nầy phần lớn là cây kiểng, khi chưa ra hoa trông nó vẫn đẹp, nhờ lá xếp đều đặn quanh thân và rủ cong trông như một cái lọng.”

                                          (Illawarra Bromeliad)

-“Tại sao trong nhà mình có nhiều cây ra bông cũng đẹp lắm mà anh ít để ý, tới nay lại quan tâm nhiều tới những cây khóm kiểng nầy?”
-“Có lẽ tại cách chăm sóc gần giống như Lan.  Trước hết cả Lan và Khóm đều ít cần tưới nước.  Em nhìn xem!  Trên đầu mỗi cây Khóm đều có một bình chứa nước.  Những chiếc lá hình máng xối, kết lại thành một cái chén nhỏ, đáy rất kín.  Khi gặp trời mưa hoặc được tưới, những máng xối nầy gom nước vào chén, nước dự trữ ở đó để cây sử dụng dần.  Lan cũng có chỗ dự trữ nước, bên trong những chỗ phình ra, gọi là giả hành.”
Nhìn tấm vải mùng bằng ni-lông che trên giàn Lan, bà hỏi:
-“Anh đặt chung những cây khóm nơi dàn Lan có vải che như thế nầy, chúng có thiếu nắng không anh?”
-“Không đâu!  Cả Lan và Khóm đều không chịu được nắng mặt trời chiếu thẳng, nhất là vào buổi trưa.  Cứ để cho mặt trời chiếu suốt ngày và lọc bớt như vậy thì cả Lan và Khóm đều cho hoa đều đặn.”
Sực nhớ điều gì hay hay, ông Phong nói tiếp:
-“Có một điều giống nhau giữa Lan và Khóm là cả hai đều có thể bám trên cây để sống, không cần phải trồng dưới đất.  Chúng nó có thể hút nước và dinh dưỡng trong khí trời.”
Bà vốn có đầu óc bén nhạy, tự nhiên bà liên tưởng tới một điều thâm sâu hơn.  Bà mỉm cười và nói với ông:
-“Anh à!  Việc Lan và Khóm chung sống hài hòa như thế này làm em liên tưởng tới đời sống con người.  Con người ta có vài điểm giống nhau thường tìm tới với nhau.  Sống bên nhau rồi mà biết tận dụng những điểm giống nhau thì có thể tạo ra một nếp sống hài hòa, những điểm dị biệt trở nên nhỏ bé.  Hạnh phúc tự nhiên sẽ đến.”
Nghe bà nói vậy, thoạt đầu ông có vẻ ngạc nhiên, nhưng sau vài giây ông hiểu được sự ví von đó.  Ông xem việc trồng Lan và Khóm như một cách tiêu khiển đơn thuần, chỉ để làm cho cuộc sống có chút hương hoa.  Bà chăm sóc những chậu cây trong vườn cũng với mục đích đó.  Nhưng với tâm hồn sâu sắc, bà biết cách đưa những công việc tầm thường đó vào đời sống tâm linh.  Hình như khám phá ra một điều gì mới lạ trong tâm hồn, ông nhìn bà với cái nhìn trìu mến và thán phục.  Ông nói:
-“Những điều em vừa nói làm cho tâm hồn anh mở ra và biết cách nhìn vào một khía cạnh đẹp trong đời sống.”
Bà đáp lại ông bằng một nụ cười, biểu lộ sự hài lòng và hiểu biết.  Từ lâu bà đã biết con người của ông.  Đằng sau tính tình hiền hậu và chất phác, bà thấy nơi ông có một cái gì thật quý giá nằm sâu trong tâm hồn ông.  Bà muốn làm cái quý giá đó biểu lộ ra ngoài để đem lại an vui cho nhiều người. Vừa suy tư những điều bà vừa nói, ông vừa dùng kéo cắt cây để cắt những lá vàng nơi những chậu Lan của ông.  Biết ông đang suy tư, bà lảng tránh ra và lững thững bước tới những chậu Begonia gần đó mà bà đã bỏ nhiều công sức gầy dựng.  Những nụ hoa Begonia trắng và hồng nhạt đã trổ, xen lẫn trong những ngọn lá xanh có đốm trắng làm cho chậu bông của bà đẹp hẳn ra.  Bà thầm mong những cái qúy giá có sẵn trong tâm hồn ông một ngày kia sẽ lộ ra như những đóa Begonia nầy.  Bà biết rằng muốn được thừa hưởng những cái quý giá đó, bà phải biết giúp ông khơi dậy.
 
Sáng hôm nay, đứa con gái lớn của ông bà quây quần với hai đứa con của nó bên những cuốn album.  Thấy bà đi ngang, thằng Trí gọi:
-“Bà Ngoại! Bà tới đây coi mấy tấm hình này hay lắm!”
Bà lững thững bước tới và hỏi:
-“Tấm hình nào đâu?”
Nó chỉ một tấm hình trong một cuốn album và nói:
-“Má-mì nói đây là hình của ông Ngoại và bà Ngoại lúc làm wedding.  Con thấy lạ quá!  Bà Ngoại ốm và nhỏ như con Jennifer ở nơi trường học của con.  Ông Ngoại cũng vậy, chắc cỡ thằng Mathew trong lớp.”
Bà cười và xoa đầu nó:
-“Coi vậy chứ cả ông và bà lúc đó lớn tuổi hơn tụi nó nhiều.”
-“Mấy tuổi, bà Ngoại?”
-“Để coi, ông lúc đó được 29 tuổi, còn bà 25.”
-“Lúc đó con và thằng Đức được mấy tuổi, bà nhỉ?”
-“Hai đứa con hồi đó chưa sinh ra.  Cả má-mì cũng chưa sinh.  Con nói má-mì lật cuốn album kia để coi hình má-mì lúc còn nhỏ.”
Mẹ nó mở một cuốn album khác, nhằm đúng cuốn mà bà muốn.  Bà chỉ cho chúng nó xem và nói:
-“Đây là hình của má-mì được khoảng một tuổi.”
Cả thằng Trí và thằng Đức xúm đầu lại coi cho rõ.  Thằng Trí nói:
-“Lạ quá!  Lúc nầy má-mì nhỏ như con Jessica, con của bác Thái.”
Bà giải thích:
-“Chừng một năm sau ngày cưới của ông bà, má-mì mới được sinh ra.  Tính ra bây giờ cũng đã trên 40 năm.”

Bờ hồ hôm nay có vài người cầm cái máy nhỏ bấm nút điều khiển những chiếc thuyền con lướt trên mặt hồ, tất cả đều là người Tây phương và đã lớn tuổi.  Rải rác đây đó có những người đi bộ, chắc là để vận động cơ thể.  Ông bà Phong cũng trong số những người đi bộ đó.  Hai ông bà đi bên nhau mà không nói với nhau lời nào.  Ông ngắm nhìn những chiếc thuyền con lướt trên mặt hồ.  Bên kia bờ hồ là một bầy vịt cả trăm con đang tranh nhau những mẩu bánh mì do những người đứng trên bờ hồ quăng xuống.  Bà cẩn trọng bước những bước chân nhẹ nhàng trên lối đi bằng bê-tông, không để cho bước chân của mình dẫm đạp lên những con kiến hay là những sinh vật nhỏ bé khác.  Bà vốn có từ tâm, thương người và thương cả những sinh vật nhỏ bé.  Ông cũng có tấm lòng đó như bà.  Trên lối đi, thấy một con giun nằm bất động ông dùng một que nhỏ khơi nó lên đem tới chỗ đất ẩm, cho rằng con giun thấm nước sẽ được hồi sinh.  Nếu thấy một con giun khác nằm bất động gần đó, bà cũng làm như ông.  Trong lúc đi tản bộ nhàn nhã, những tấm hình trong mấy cuốn album hôm qua làm bà nhớ lại mấy chục năm về trước khi bà theo ông về sống ở một tỉnh lẻ.  Hai ông bà tới với nhau vì tình yêu.  Mỗi người tự thưa chuyện với cha mẹ mình và cuối cùng cuộc hôn nhân thành tựu.  Mãi sau nầy khi về già, họ mới thấy hai người có những điểm giống nhau rất căn bản.  Cả hai biết cách làm cho những điểm giống nhau đó chi phối nếp sống hằng ngày của họ, khỏa lấp đi những điểm dị biệt.  Nhàn là tên của bà lúc còn con gái.  Khi theo ông về tỉnh lẻ, bạn bè lại gọi bà là chị Phong.  Bởi vì bà đã để lại bạn bè và người thân trên Sài-gòn.  Bạn bè mới của bà là phu nhân của những người bạn của ông.  Bà tự nhiên chấp nhận cái tên mới của bà, cho đó là điều tự nhiên theo văn hóa của người Việt.  Bà mỉm cười thấy cái tên mới và tên cũ ghép lại với nhau nghe cũng hay hay.  Con người ta có ai lại không muốn được “Phong” “Nhàn”.  Nhìn lối sinh hoạt ngoài xã hội của ông bà, ai cũng tưởng bà đang chịu ảnh hưởng của ông. Nhưng nhìn kỹ bên trong, ông chịu ảnh hưởng của bà rất nhiều.  Từ lối suy nghĩ, cách hành xử giữa người và người cho đến cách ăn mặc, ông dần dần thay đổi theo cách của bà, mà không hề hay biết.  Cả hai ông bà đều thích lối ăn bận đơn giản. Cái đơn giản của bà thì đẹp và trang nhã.  Còn cái đơn giản của ông thì quá độ đến mức cẩu thả.  Những năm đầu bà phải sửa ông nhiều lần.  Tính ông vốn dễ chịu, thấy bà sửa đúng thì ông vui vẻ chấp nhận và nghe lời.  Dần dần ông cũng bớt đi sự cẩu thả trong ăn mặc.  Chỉ bớt đi thôi mà không bỏ hẳn.  Tới bây giờ thỉnh thoảng bà cũng phải nhắc ông sửa lại cái cổ áo, hoặc chỉ cho ông cái chéo áo chưa được tóm gọn vào quần.  Chọn nếp sống đơn giản là một trong những điểm giống nhau căn bản.  Nhưng cái đó vẫn chưa ảnh hưởng nhiều tới đời sống.  Cái giống nhau quan trọng đã ảnh hưởng tới đời sống gia đình là cả hai đều có niềm tin sâu xa về nhân quả và ý thức rõ rệt về tính chất vô thường của cuộc sống.  Điều nầy hai ông bà học hỏi được trong đạo Phật.  Có lẽ cả hai ông bà đã được gieo hạt giống Phật vào trong tâm thức từ nhiều tiền kiếp, cho nên kiếp nầy dễ tiếp cận với đạo Phật.  Cả hai đều cho đó là một điều may mắn.  Những người thân thuộc trong gia đình của hai ông bà cũng có nghe nói tới nhân quả và nghiệp báo mà nào ai có niềm tin sâu xa như thế đâu!

Sáng hôm nay, có hai vợ chồng anh Hoàng và chị Thu tới chơi.  Hai vợ chồng nầy kém ông bà Phong vài tuổi mà vẫn kể như cùng trang lứa.  Biết trước từ hôm qua, bà Nhàn có nướng một khuông bánh bột khoai mì pha với đậu xanh.  Bà cắt ra thành những miếng nhỏ xếp trên một dĩa tròn xinh xắn.  Bà bảo ông:
-“Anh lấy thêm mấy cái bánh bích-quy đem ra mời anh chị.”
Ông làm theo lời dặn của bà, sắp bánh trên những dĩa nhỏ, đem ra để trên một cái bàn đặt sẵn ngoài mái hiên.  Ông tới máy pha cà-phê, bấm nút pha ba tách cappuccino.  Biết bà Nhàn không uống cà-phê, ông pha cho bà một tách trà, không quên pha loãng bằng nước ấm.  Đây là điểm đặc biệt của bà.  Bà không thích uống cà-phê và nước trà đậm.  Đối với nhiều người, trà và cà-phê là những chất nước ngon ngon, uống vào sẽ có cảm giác khoan khoái.  Họ chê những người không biết uống cà-phê, cho rằng những người đó không biết thưởng thức hương vị thanh tao của cuộc đời.  Bà quan niệm khác.  Biết những chất nước ngon ngon đó làm cho mình mất ngủ mà vẫn dùng thì rõ ràng mình đang bị vị giác đánh lừa và lôi cuốn.  Còn ba tách cappuccino, ông rải đều bột sô-cô-la trên mỗi tách, đem ra mời anh Hoàng và chị Thu, rồi còn ông một tách.  Ông không quên đem một hủ đường nhỏ, để tự ý ai muốn dùng bao nhiêu đường tùy ý thích.  Bản thân ông, uống cappuccino không có đường.  Sau khi uống được vài ngụm cà-phê, anh Hoàng nhìn giàn Phong Lan của chủ nhà rồi nói:
-“Anh để chung Lan và Khóm gần nhau như vậy rất thích hợp.  Chúng nó có cùng một nhu cầu nước và dinh dưỡng như nhau, dễ chăm sóc. Vả lại, nước ở trong cốc những cây Khóm bốc hơi lên, những cây Lan có thể hút và nuôi cây được, không để lãng phí nước bay mất vào không khí.”
Nghe bạn nói như vậy, ông Phong như nắm được cơ hội để bày tỏ quan niệm sống của mình:
-“Anh nói đúng, để Lan và Khóm chung một giàn rất dễ chăm sóc, chúng nó có chung một nhu cầu về nước và dinh dưỡng.  Vấn đề tưới bón cũng thuận tiện.  Tôi không thấy một sự tranh giành nhau giữa Lan và Khóm.  Tôi thường nói đùa với bà Xã tôi rằng Lan và Khóm biết hài hòa trong việc mưu sinh và hài hòa trong việc thừa hưởng sự chăm sóc của con người.”
Nghe điều đó, bà Nhàn bỗng lên tiếng:
-“Anh chị biết không!  Ông ấy thường hay nói với tôi: ‘Lan và Khóm có cái đẹp riêng của chúng, không giống nhau.  Ấy vậy mà khi để gần nhau, chúng nó đồng tạo ra một nếp sống hài hòa.  Những cây Lan không ỷ mình có bông đẹp rạng rỡ và kiêu sa mà làm lu mờ cái đẹp kín đáo và khiêm tốn của hoa Khóm.  Để gần nhau, chúng làm tăng thêm vẻ đẹp chung của giàn hoa.  Những cây Vriesea zamorensis không ỷ mình có nhữnh thanh đoản kiếm để tìm cách chận đường “đòi tiền mãi lộ” những cây Lan khi những cây nầy lăm le trườn rễ tới để hút nước trong cốc.”
Nghe tới đây, chị Thu bỗng lên tiếng:
-“Như vậy Lan và Khóm biết sống hài hòa trong việc cống hiến cái đẹp cho đời, phải không anh chị?”
Cả bốn người cùng phá lên cười.
Bà Nhàn quay qua chị Thu và nói:
-“Anh chị biết không, ông Xã tôi mỗi khi ra vườn mà thấy cây Lan nào ra hoa theo ý ông muốn, gương mặt ông rạng rỡ thấy rõ.  Còn khi thấy một nhánh Lan Oncidium nào tối hôm qua bị con gì cắn đứt ngang nhánh bông, mặt ông nhăn nhó như bị ai đấm vào mặt.”
Ông Phong nói:
-“Quả đúng như vậy!  Mỗi khi chăm sóc những cây Lan và Khóm nầy, tôi tập nhìn chúng nó như chính bản thân mình.  Trước đây, khi quay lại nhìn cảm thọ vui buồn của mình, tôi cứ tưởng là do công chăm sóc của mình được đền bù xứng đáng khi những cây Lan cho ra hoa đẹp, hoặc là tiếc công o bế mấy tháng qua khi thấy cây Oncidium nay bị con gì phá hoại.  Nay tôi khám phá ra một điều quan trọng hơn.  Đó là trong lúc chăm sóc, tôi tập nhìn chúng như chính bản thân mình, trong vô thức của tôi nẩy sinh ra một ước muốn xóa bỏ ranh giới giữa tôi và những cây Lan, cây khóm.  Chăm sóc chúng nó mỗi ngày với ý thức như vậy, ước muốn trong vô thức dần dần được hình thành, ranh giới giữa ngưới chăm sóc và cây được chăm sóc xóa bỏ.”
Hình như cảm thấy đắc ý một điều gì, chị Thu lên tiếng:
-“Điều anh nói làm tôi nhớ đến giáo lý Duy Thức của nhà Phật.  Giáo lý Duy Thức dạy con người tập nhận thức sự vật bằng cách buông bỏ thói quen phân biệt chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức.  Những ai làm được điều nầy là bắt đầu có một chút tư lương để bắt đầu đi vào Duy Thức Quán và có thể được xem là đã bước vào Tư Lương Vị, địa vị tu chứng thứ nhất trong năm địa vị tu chứng.”
Nghe như vậy ông Phong như tìm được người đồng đạo và nói:
-“Đúng như vậy, chị có thể thực tập công phu phá ngã đó trong thiền quán hằng ngày hoặc trong đời sống khi chăm sóc cây cối và chăm sóc người thân.  Làm được điều nầy nhuần nhuyễn, chị sẽ thấy gần gũi với người thân của mình hơn và dễ dàng chấp nhận những khác biệt nơi họ, tạo ra một nếp sống hài hòa trong gia đình.”
Chị Thu như có một niềm hứng khởi, góp ý tiếp:
-“Trong Mật tông người ta cũng dạy một điều tương tự.  Khi quán bản thân mình như đức Quan Thế Âm là bắt đầu tập xóa bỏ ranh giới giữa chúng sanh và Phật.  Tâm thức mình dần dần tiếp cận với trí tuệ của Phật.  Đó là con đường chuyển hóa thân ô nhiễm của mình thành ba thân thanh tịnh của Phật: Hóa Thân, Báo Thân và Pháp Thân.  Và cũng là con đường nuôi lớn lòng từ bi.”
Bà Nhàn hằng ngày niệm Phật, nay nghe sự đối đáp như vậy, bà thấy một cái gì mới lạ hay hay.  Bà nói:
-“Vậy những ai tu Tịnh Độ mà học hỏi thêm đường lối phá ngã của Duy Thức và cách thức quán tưởng đồng nhất mình với Phật của Mật tông sẽ giúp ích rất nhiều trong công phu niệm Phật, phải không anh chị?”

Mùa Thu 2015,
                  




Không có nhận xét nào: