Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Tĩnh Lặng - Trải Nghiệm - Thực Nghiệm - Trực nghiệm (Đỗ Chiêu Đức)

        
Tĩnh Lặng - Trải Nghiệm - Thực Nghiệm -                            Trực Nghiệm
                                Đỗ Chiêu Đức

       TĨNH LẶNG là một từ kép, ghép bởi một từ Hán và một từ Nôm cùng có nghĩa như nhau. TĨNH nghĩa là Yên Lặng, nên TĨNH LẶNG có nghĩa là thật Yên Lặng. TÂM TĨNH LẶNG là để cho lòng Lắng Đọng xuống cho thật là Yên Tĩnh. Mời đọc Câu Chuyện TĨNH LẶNG trong cuộc sống sau đây...
       Một lần nọ, có một người nông dân bị mất một chiếc đồng hồ trong kho thóc. Nó chỉ là một cái đồng hồ thông thường, nhưng nó có giá trị về mặt tình cảm đối với ông. Sau một hồi tìm kiếm vô vọng, người nông dân phải nhờ sự trợ giúp của những đứa trẻ đang chơi bên ngoài. Ông hứa nếu ai tìm được chiếc đồng hồ bị mất sẽ được thưởng. Nghe thấy vậy, đám trẻ con xúm nhau chạy xung quanh kho thóc tìm kiếm. Chúng đi khắp nơi, lục tìm ở mọi chỗ, từ nơi chứa thóc đến tận cả chỗ cho gia súc ăn nhưng vẫn không thấy.
       Mãi đến khi ông đề nghị bọn trẻ dừng việc tìm kiếm thì có 1 bé trai chạy tới yêu cầu ông cho nó một cơ hội nữa. Người nông dân nhìn đứa bé và nghĩ: "Tại sao lại không chứ?  Thằng bé này có vẻ khá chân thành."  Ông dẫn cậu bé trở lại trong kho. Một lúc sau, cậu ta đã chạy ra và trên tay là chiếc đồng hồ của ông. Người nông dân rất vui mừng và ngạc nhiên, ông hỏi cậu bé: "Làm cách nào mà cháu có được nó, sau khi tất cả các bạn khác đã bỏ cuộc?" Cậu bé đáp: "Cháu không làm gì cả mà chỉ ngồi im một chỗ để lắng nghe. Trong im lặng, cháu nghe thấy tiếng kim đồng hồ chạy và theo đó cháu tìm ra nó."

        Đúng vậy, sự tĩnh lặng trong tâm hồn có thể sẽ tốt hơn so với một trí não luôn hoạt động. Hãy để cho tâm trí của bạn những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn hàng ngày. Và hãy xem, sự hiệu quả mà nó đem lại khi giúp bạn xây dựng cuộc sống hằng mong đợi của mình....

      Về việc tìm hiểu Ý Nghĩa của 3 từ : TRẢI NGHIỆM, THỰC NGHIỆM và TRỰC NGHIỆM, thì trước tiên ta tìm hiểu và phân tích chữ NGHIỆM trước nhé!

      NGHIỆM 驗 : là loại chữ Hài Thanh thuộc bộ MÃ 馬 bên trái chỉ Ý, và chữ THIÊM 僉 bên phải chỉ ÂM, nên NGHIỆM nghĩa gốc vốn là TÊN của một loại NGỰA quí chạy thật nhanh. Có 3 nghĩa thông dụng hiện nay của chữ NGHIỆM là:
    1. NGHIỆM là XEM XÉT, là KIỂM TRA, như: XÉT NGHIỆM, Nghiệm Thi (Xem xét xem tử thi chết vì lí do gì). Nghiệm Thu (Xem xét kiểm tra để chấp nhận)...
    2. NGHIỆM là HIỆU QUẢ, là Có Hiệu Quả, như Ứng Nghiệm, Linh Nghiệm, Hiệu Nghiệm,...
    3. NGHIỆM là CHỨNG NGHIỆM, là Bằng Cớ, là Từng Trải, là Kinh Nghiệm.
        Cho nên...
       NGHIỆM: có nghĩa chung là: Sự Hiểu Biết có Chứng Cứ, Từng Trải hoặc Thông qua quá trình Xét Nghiệm hẵn hoi, chớ không phải sự Hiểu Biết Khơi Khơi hoặc suy đoán!

     Vì vậy, ta có thể hiểu:

     *  TRẢI NGHIỆM: là từ viết gộp lại của 2 từ TỪNG TRẢI và KINH NGHIỆM, có nghĩa: Những Hiểu Biết Kinh Nghiệm do quá trình Từng Trải mà có được. TRẢI NGHIỆM là Cái Kết Quả có Quá Trình!

     * THỰC NGHIỆM: Chữ THƯC 實: là chữ Hội Ý, gồm Bộ MIÊN 宀 là Cái Nóc Nhà ở trên và chữ QUÁN 贯 là Tài Vật, Đồ Đạc bên dưới. Ý chỉ: Đồ Vật đầy cả Nhà, nên THỰC có nghĩa là GIÀU CÓ, Nghĩa phát sinh là ĐẦY ĐẶN, là CÓ THẬT, trái với chữ HƯ 虛 là trống lỏng không có gì! Từ đó, THỰC có nghĩa là THẬT như THỰC TẾ, THỰC THỂ, THỰC TIỄN... Nên,
      THỰC NGHIỆM: là Sự Hiểu Biết, Kinh Nghiệm  có được thông qua Thực tế có thật do mắt thấy tai nghe hoặc do Quá trình làm việc  hẵn hoi.
      Còn...
    * TRỰC NGHIỆM: TRỰC 直: là chữ Hội Ý, gồm chữ THẬP 十 là số Mười ở trên, bên dưới là chữ MỤC 目 là con Mắt ở dưới. Ý chỉ Mười con Mắt cùng đổ dồn về một hướng, nên có nghĩa là THẲNG, như Trực Tiếp, Trực Diện, Trực Giác... Nên,
      TRỰC NGHIỆM: là Cái Kinh Nghiệm, Hiểu biết đến một cách Trực Tiếp thông qua những kiến thức, kinh nghiệm CÓ SẴN từ trước.
      Vì thế...
        TRỰC NGHIỆM chỉ dựa vào quá trình hiểu biết chủ quan rồi CẢM NHẬN ra sự việc, thiếu cơ sở vững chắc như THỰC NGHIỆM và TRẢI NGHIỆM !

      Thưa quý độc giả,
             Hiểu biết của tôi chỉ giới hạn có bấy nhiêu, không biết có giúp ích gì được cho Tư Duy của quý bạn không, mong thông cảm!
          
                Đỗ Chiêu Đức 


Không có nhận xét nào: