Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Hello, Chào Jennifer, Buổi Sáng

Hello, Chào Jennifer, Buổi Sáng,

Mới nhận hình Em gửi, đứng chụp bên tượng Phật và một hình ảnh con cò bên cạnh.  Nhớ hồi nhỏ đi học, có nghe thầy đọc – cái cò, cái vạc, cái nông, sao mày giậm lúa nhà ông hởi cò? Nhìn kỹ con cò này không giậm lúa , mà đang  đi ăn, con cò mà đi ăn đêm, đâu phải cành mềm lộn cổ xuống ao. Không, nó đi  ăn ban ngày và chưa lộn cổ xuống ao, hình như nó đang lặn lội tìm mồi để ăn, con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng, nước mắt nỉ non. Con cò lặn lội thì còn nghe được, chứ con cò mà gánh gạo nuôi chồng thì vuợt qúa mức tưởng tượng của loài người, hay là thân  cò gánh quảy vượt đồi, vượt suối đem quà nuôi chồng cải tạo như em thăm nuôi anh,  độ nào?


Thấy em hơi ốm nên gọi là thân cò có thể nghe được. Em lại đứng bên cạnh tuợng Phật A di đà ( hơi có da có thịt, và trông đẫy đà (!) nhân hậu (?)  nên hình  ảnh một người ốm tương phản lộ hẵn ra. Anh biết rất rõ kể từ ngày em có tin và gặp lại được “chàng” ấy, mỗi ngày em lại ốm đi một tí, bù lại anh thì bị la rầy càng ngày càng nhiều thêm! Ngồi viết bài này, nhìn ra cửa sổ với mấy chậu hoa treo lơ lững có con chim hummingbird đang tranh job  của con ong  bay chuyền và nhích cái mũi dài từ  hoa này sang hoa khác, hèn chi, nhìn nó mới khám phá ra được một bí mật chôn dấu ẩn sâu mấy thập niên nay, chim chuyền bụi  ớt líu lo, lòng thương quân tử ốm o gầy mòn. Phải mà, ngẫm kỹ cái kiếp sinh ra không là thân quân tử, cũng chẳng phải số mạng anh hùng  rừng rú, xuống nam, nam chạy loạn, lên đoài, đoài vượt biên, mà là cái thân trôi sông lạc chợ, ăn quán ngủ đình đã xâm nhập bất hợp pháp vào lòng chiến khu Mỹ ngãi hồi mấy nẳm đã là nguyên do thầm kín khiến cho  em sầu, em mộng, em... ốm! Ráng ăn chơi cho mau lớn (mập), để người đời khỏi  trách chồng gì mà cứ dành ăn để cho vợ phải ốm, yếu, nhe em!
Cũng vì lý do và suy nghĩ như thế, cho nên mấy ngày em về Việt nam chơi thì anh bên này, nấu nướng chi cho vô ích, cứ mỗi bửa nhịn đói được thì nhịn, còn không thì chơi đẹp, một gói mì là xong, cho tiện, trong những ngày em đi, khỏi phải rửa chén, rửa bát, chỉ tốn có chút nước sôi! Anh đã phải cắn răng  can đảm từ chối nhiều lời mời  gọi của bạn bè rũ đi ăn nhậu (cho nguôi ngoai nỗi nhớ, cho vơi nỗi sầu)  tự cố gắng  hảm mình làm thế nào để cùng “ốm” như em cho vừa miệng với ... người đời, cho thiên hạ khỏi tị ganh rằng hai đứa chúng mình đẹp đôi, vừa lứa! Nhưng em nào có chịu, khi nhìn  ảnh anh gửi về, em vội meo  khuyên bảo cảnh giác rằng : “đừng có ăn kiểu đó nũa, mà bịnh đấy”. Chà, chị Nguyệt xem hình còn cảm thấy xót xa, Liên Ngô còn muốn rớt nước mắt (!) huống hồ chi mà  “một người dưng khác họ” lại sợ lo cho  “người cầu thực tha phương” (này) phải ... bịnh!  Chèn đét ơi!
Báo cáo em rõ, những gì em dặn anh đã ráng hoàn thành tốt. Vụ tưới bông thì rất kỹ luật, “nghiêm túc”, tuới chúng đều đều, nhưng tụi nó lại “phản ảnh” như cây “tulip” khi tưới thì nó la lên : “sặc, sặc..., cô ba mỗi tuần cho tui uống một lần, còn ông dượng thì ngày nào cũng bắt tui uống nước đầy nhóc, gốc rễ bắt đầu thúi dần rồi đó, tui mà không “sặc” thì bửa nào cô ba về thấy tui ngũm cù đeo, là ông ba có chuyện lớn cho mà xem”. Còn  cây bông trà mi thì nó lại giận run lên, làm rụng hết cả bông, hỏi nó sao vậy, nó vừa thở, vừa ngáp ngáp rồi than, “có cô ba ở nhà, mỗi ngày cô cho tui một xô nước đều đặn, còn dượng ở nhà, thì mãi  một tuần nay dượng mới nhểu an ủi cho tui vài giọt, không đủ cho tui thấm giọng làm sao mấy cái bông tui sanh ra nó không rụng ... yểu, người chi mà đoản hậu, ác nhơn, ác đức, ác cả đến loài hoa!”  Không hiểu ngưòi ra lệnh không rõ, hay là người nhận lệnh không nhớ, hay lộn tùng phèo, cây cần tưới thì không tưới mà cây  không cần thì tưới thả giàn. Cũng có những cây hơi eo sèo, anh nghi, có lẽ nó nhớ thiết tha  chủ của nó đi chơi xa chưa về, hay là mùa đông gió rét không chịu nỗi lạnh, đến cả miền đông đất nuớc bảo tuyết lên cả thước tây con người có cặp có đôi ôm nhau quấn quít còn không kham nổi huống hồ là lá với hoa!


À, còn chuyện  này nữa, hết chuyện người rồi đến chuyện lá hoa, bây giờ xoay qua chuyện ... chó. Anh là tuổi con chuột, mà chó thì không hạp với tất cả con chi xung quanh quấy rầy nó, mà anh đâu có dám quấy rầy chi với chúng nó đâu. Này nhé, em bảo và dặn anh “nhớ cho nó ăn, cho nó uống, cho nó ngủ, vv, không nuôi nó thì thôi mà nuôi là biết lo cho nó vì nó không là người nên nó không nói được v..v..” Em đã dặn anh, lại cẩn thận dặn thêm thằng út ở nhà, và rồi em còn lo xa, dặn luôn cả nhỏ cháu ngọai nữa, thành ra cả ba người nhận lệnh bà là phải thi hành lệnh bà cho đúng. Cả ba đều cho chúng nó ăn, ăn nhiều thì phải ... ẻ, ẻ nhiều không ai hốt ( vì em có chỉ thị  cho ai làm đại công tác này đâu) thế là mang thân  chủ hộ khẩu  nên “khâu” này là anh phải liệu mà...lo cho hoàn tất (kẻo bà chủ về bả rầy rà)  Mỗi ngày ba bận, phần lo việc nhà phần lo việc (nước)nấu mì, phần lo việc hốt phân ... chó mà tối tăm mặt mũi (!), xịu lơ cán cuốc, eo xèo,  xỉu lên xỉu xuống, tay cầm cái xẽng nhỏ, tay cầm cái chổi cùn đi chu du quanh vườn (tìm đường cứu nước), hể chỗ nào có phân (fund, fun) là chỗ đó có mặt ...thằng chồng già (vô duyên mất nết ?)của ...em. Vừa đi vừa suy nghĩ, đúng là trời có mắt, quả báo nhãn tiền. Hồi xửa, hồi xưa, ông nội tụi nhỏ yếu già, ăn ẻ không ai lo, giờ này bị trả báo, ăn ẻ của chó là mình phải ... lo! Không phải trách, mà cũng chẳng dám than, chỉ nói và viết cho em đọc chơi cho vui thế thôi, chứ tụi nó cũng có rất nhiều cảm tình, thấy anh ngồi một mình buồn trên cái đu đù đưa qua lại, cái khăn len choàng quấn cổ chống lạnh, đôi mắt già nua mất gần hết những nét tinh anh của  thời dỉ vãng đang nhìn vào bầu trời xanh lơ  xa thẳm thẳm, còn phất phơ chút màu gió cũ, tụi nó biết chắc là ông chủ đang nhớ bà chủ ghê lắm (hổng biết bà chủ có nhớ ông chủ không?), chúng nó bèn rù gọi nhau tập họp lại, quanh quẫn bên mình, đứa quẫy đuôi an ủi, đứa nằm cọ chân cọ đầu gối, đứa sũa ăng ẵng líu lo...
Thôi, để anh vào nhà kiếm vài cái bánh biscuit chia cho chúng đây.


PS. Có thấy tác phẩm “chiếc lá” anh chụp và gửi trong “hèn gì” chưa, sao không thấy ý kiến gì hết vậy? Bửa nào cái lá ...diêu bông em mang theo từ bên đó về, thì anh sẽ không còn ngồi suốt ngày ngắm nhìn chiếc lá vô tri, vô vị này nữa đâu. Nó là “thứ lá” giả, đồ... ảo mà, dồ ảo làm sao so nổi với ... đồ thiệt?!

hồ - ngo.c 

Oceanside - CA

Không có nhận xét nào: