Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

* Đại Việt Sử Thi Q. XV (Hồ Đắc Duy) Nhà Hậu Lê Trung Hưng & Trịnh - Nguyễn: Trịnh Tạc, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông, Lê Hy Tông, Trịnh Căn, Nguyễn Phúc Trăn, Nguyễn Phúc Chu, Lê Dụ Tông

       Đại Việt Sử Thi Q. XV (Hồ Đắc Duy)
                    Nhà Hậu Lê Trung Hưng 

                           Trịnh - Nguyễn 
                               *****
TRỊNH TẠC (1657 - 1682)
Trịnh Tráng chết, chúa nhường thừa kế
Giao con mình thay thế việc quân
Vua phong Trịnh Tạc đại thần
Nắm quyền cai trị trấn an biên thùy

Lê Thần Tông làm vì cho có
Vừa băng hà vào độ cuối thu
Đứa con Duy Vũ còn thơ
Huyền Tông là hiệu bấy giờ nhận ngôi

****
LÊ HUYỀN TÔNG HOÀNG ĐẾ (1663- 1671)
Vua Huyền Tông lên ngôi kế vị
Lãnh sắc phong theo lễ quốc vương
Vua sai Lê Hiệu lên đường
Mang theo lễ cống đem sang Thanh triều

Trong chín năm dưới triều Duy Vũ
Có năm lần bão lốc vỡ đê (1663, 1668, 1670…)
Gắt gay nắng, mưa dầm dề
Mùa màng mất trắng nhiều bề khó khăn

Đất Cao Bằng giao cho họ Mạc (1669)
Sau mấy lần Trịnh Tạc thảo chinh
Sau theo đề nghị vua Thanh
Bốn châu tạm cắt đất mình trao đi

Đạo Gia Tô, trong ngoài cấm đoán
Bắt người dân phỉ báng giáo điều
Đàng Ngoài giáo sĩ khá nhiều
Trăm ngàn tín hữu đi theo đạo này (1664)

Các giáo sĩ từ Tây Phương đến
Theo thương thuyền những chuyến ngang qua
Thương nhân nhưng lại thực ra
Họ là Giám Mục hay là Thừa Sai (1669)

Ơ Đàng Ngoài cho tàu được đáp (1672)
Các công ty Anh Pháp giao thương
Mở ra phố điếm, hiệu buôn
Đổi trao sản vật, mua hàng đem ra

Cấm triệt để buôn qua bán lại
Với nước ngoài các loại điểu thương
Nhất là quân dụng tai ương
Ai mà vi phạm khám đường giam ngay


***
LÊ GIA TÔNG HOÀNG ĐẾ (1672- 1675)
Năm Tân Hợi lên thay ngôi vị (1671)
Cho anh mình Hoàng đế Huyền Tông
Là người mới chết vừa xong
Triều thần tôn gọi Gia Tông từ này

Năm Nhâm Tí (1672)vua sai Trịnh Tạc
Cùng Trịnh Căn dùng các quân doanh
Ước chừng mười tám vạn binh
Vượt qua phòng tuyến tiến nhanh vào miền
Bị quân Nguyễn bao quanh đánh rát
Sáu tháng sau Trịnh Tạc phải lui
Chiến tranh tạm lắng từ nay
Sông Gianh đành cắt chia đôi hai miền

Đầu tháng tư nhằm năm Ất Mão (1675)
Phủ Trịnh cho khẩn báo vua băng
Cả nhà họ Trịnh bàng hoàng
Vì vua và chúa như tuồng anh em


****
LÊ HY TÔNG HOÀNG ĐẾ (1676- 1704)
Để nối ngôi chúa đem thế tập
Hoàng đế là Duy Cáp đưa lên
Vĩnh Trị năm ấy nguyên niên
Hy Tông hoàng đế rao truyền trong dân

Phạm Công Trứ là quan Đông Các
Một người hiền tháo vát tài ba
Cũng là một vị sử gia
Có nhiều trước tác như là: Tục Biên

Tám năm trước sanh tiền chưa mất
Trịnh Tạc cho đánh đất Cao Bằng
Đời Mạc hơn tám mươi năm
Đến đây chính thức diệt vong hoàn toàn

Ở Đàng Trong, Chúa ban tướng cũ
Của nhà Minh, đông phố định cư
Mạc Cửu được cấp đất cho
Mở mang cương thổ kể từ Hà Tiên
Đất phía Nam một miền sung túc
Mà Đàng Ngoài bão lụt liên miên
Thế mà còn sửa chùa chiền
Làm cho dân khổ hao tiền tốn công

Nguyễn Sĩ Dương, hết lòng soạn sử (1681)
Ông đã biên Thực Lục triều Lê
Trung hưng công nghiệp nhiều bề
Tục biên sử ký Lê Huy viết lời

Bài đề tựa vua sai biên soạn
Sửa những phần khôn đúng bổ sung
Giữ lại bài của Lê Tung
Làm bài tổng luận vô cùng tuyệt luân

***
TRỊNH CĂN (1682- 1709)
Con Trịnh Tạc: Trịnh Căn thế tử
Được truyền ngôi nối giữ tước vương
Sửa sang chính trị mối rường
Ngoại giao khôn khéo chỉnh trang nhiều bề

Hoàng đế Pháp Louis 14 (1682)
Gửi quốc thư đến chốn triều đình
Trịnh Căn chuẩn thuận hoan nghênh
Gửi thư phúc đáp tỏ tình bang giao

Lê Hy Tông yêu cầu Trung Quốc (1688- 1689)
Trả lại vùng đất nước biên cương
Mà dân Thanh đã lấn đường
Vượt qua cột mốc giao thương hai đàng


***

NGUYỄN PHÚC TRĂN (1687- 1691)
Nguyễn Phúc Trăn được trao ngôi chúa
Năm vừa rồi (1687)chọn lựa dời đô
Phú Xuân xây dựng cơ đồ
Thành trì gia cố bồi tô miếu đường

Ông cũng còn gọi là chúa Nghĩa
Chọn làm người kế vị tiên vương
Thuế tô tha giảm mọi đường
Tính tình rộng rãi nhún nhường khiêm cung

Cho tiên phong đem quân cứu viện
Vì Chân Lạp nội chiến tương tàn
Bổ sung cho tướng Dương Lâm
Tinh binh thiện chiến định an cả vùng

Chúa Nguyễn Phúc cuối cùng đánh bại
Vua Chiêm Thành ở mãi Đàng Trong
Bởi Chiêm không chịu phục tùng
Lại đem quấy nhiễu ở vùng Diên Ninh


***
NGUYỄN PHÚC CHU (1691- 1725)
Vừa trưởng thành thì cha tạ thế
Nguyễn Phúc Chu kế vị phụ vương
Một người am hiểu tinh tường
Lo toan chính sự mở mang cõi bờ

Đễ giữ vững cơ đồ xã tắc
Chúa chọn người sát hạch nghiêm minh
Quan tâm đãi sĩ chiêu hiền
Cầu lời nói thẳng ngục hình giảm khinh

Phủ Gia Định khai sinh gần cuối
Năm Mậu Dần (1698) triều đại Hiển Tông
Chưởng cơ Hữu Kính được phong
Làm quan Kinh Lược vào trong xây đồn

Xứ Sài Gòn lập doanh Phiên Trấn
Đất Đồng Nai là trấn Biên Dinh
Sài Gòn thuộc huyện Tần Bình
Minh Hương thị xã dành riêng Hoa Kiều

Đất Gia Định có nhiều sông rộng
Phía Đông Nam đất ruộng Cần Giờ
Tây Bắc dựa núi Lấp Vò
Có sông Ngưu Chữ bến đò Thủ Thiêm

Năm Canh Thìn (1700) Đàng Trong thao diễn
Lấy ngựa nòi nổi tiếng xung quân
Trong khi ngoài Bắc đăng quang
Mở ra thi Hội đỗ gần hai mươi

Năm Nhâm Ngọ (1702) nước trôi đê vỡ
Ở Thanh Hoa nước lội quá đầu
Mất mùa hạn hán năm sau
Nhân dân sơ tán lao đao vô cùng


***

  • LÊ DỤ TÔNG HOÀNG ĐẾ (1705- 1728)
Lê Hy Tông mới vừa tạ thế (1705)
Lê Duy Đường kế vị vua cha
Bấy giờ hết nạn can qua
Binh đao tạm lắng quốc gia thái bình
Ơ trấn biên giặc Nùng quấy phá
Tàu Anh Quốc đổ bộ Côn Luân
Đảo quốc cùng với Phúc Phan
Lập đồn trấn thủ đánh tan giặc này

Đai phòng ngự lập ngay Phiên Trấn
Sai Cửu Vân khai thác Vũng Cù
Xây thành đắp lũy phòng, lo
Luân phiên canh gác không cho giặc vào

Vua Ai Lao cưới con họ Trịnh
Cuộc hôn nhân để tránh ngoại xâm
Đàng trong dẹp loạn dân Chăm
Lấy tên nước cũ an phần nhân tâm

Chiêu tập dân khai hoang vỡ đất
Mạc Cửu xin thần phục Đàng Trong
Chúa bèn xuống lệnh gia phong
Cử làm trấn thủ coi vùng Hà Tiên

Miền đất biễn ngày thêm đông đúc
Là một vùng sung túc mở mang
Lập nên thương cảng phía Nam
Thuyền buôn các nước thuận đường ghé qua

(Còn tiếp)





Không có nhận xét nào: