Nhớ Về Một Người Bạn:
Anh
Nguyễn Hữu Thông, Trung Đoàn Trưởng 42 mất tích sau 30/4/1975
Bài
của GS Nguyễn Lý-Tưởng, cựu Dân Biểu VNCH
Theo yêu cầu của GS Phùng Ngọc Hiếu là vợ
của anh Nguyễn Hữu Thông, Trung Đoàn Trưởng Trung đoàn 42 SĐ 22 BB tại Pleiku,
mất tích trong biến cố 30/4/1975... Tôi viết lại những gì tôi biết về anh Nguyễn
Hữu Thông từ 1949, lúc đó tôi mới 10 tuổi, học cùng lớp với anh Thông tại trường
Têrêxa, Thạch Hãn, Quảng Trị cho đến sau này...
Do
hoàn cảnh cha tôi bị Việt Minh (CS) bắt giam (1946) và đã
chết trong tù tại Trại Đưng, (1947) miền núi tỉnh Hà Tĩnh. Anh tôi cũng bị Việt
Minh bắt giam tại Trại Đưng nhưng sau đó đã trốn thoát từ Hà Tĩnh về đến nhà
vào dịp Tết Kỷ Sửu (1949), chừng 05 tháng sau, anh tôi bị Việt Minh phục kích,
giết chết khi mới 28 tuổi. Chị tôi lấy chồng xa, trong nhà chỉ còn chị dâu, một
đứa cháu gái mới 6 tuổi. Việt Minh thường đến bao vây và tấn công vào lực lượng
tự vệ Công giáo làng tôi, đốt nhà, giết người, mẹ tôi quá lo sợ, nên phải tìm
cách cho tôi trốn lên tỉnh học vì tôi là con trai duy nhất còn lại trong gia
đình.
Năm
1949, chưa được 10 tuổi, tôi tạm trú nhà bà Tham Thanh tại làng Trí Bưu, cách
thị xã Quảng Trị hơn một cây số. Niên khóa 1949-1950, tôi vào học lớp nhì
(tương đương lớp 4) trường tiểu học tư thục Têrêxa, bên cạnh nhà thờ Thạch Hãn,
Quảng Trị. Cùng lớp với tôi có bạn Nguyễn Hữu Thông (sinh 1937), Nguyễn Hữu
Minh (sinh 1938), Nguyễn Hữu Kế (sinh 1937 hay 1938)... đều lớn hơn tôi một, hai
tuổi... Qua niên khóa 1950-1951, chúng tôi đều thi đỗ tiểu học, mỗi người chia
tay nhau, có người vào tu học tại Huế, có người vào tu học tại tiểu chủng viện
An Ninh (Cửa Tùng)... Niên khóa 1951-1952, tôi vào học lớp Đệ Thất (lớp 6) trường
Trung học tư thục Quảng Trị, trường mới lập chỉ có hai lớp Đệ Thất và Đệ Lục. Từ
đó, tôi không gặp lại hai anh Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Hữu Kế. Tôi nghe nói hai
bạn này có người bà con là Linh Mục Gioakim Nguyễn Định (hay Nguyễn Hữu Định)
tu Dòng Chúa Cứu Thế và đã chịu chức Linh Mục năm 1949 nên mới biết đường xin
vào Huế học. Anh Nguyễn Hữu Minh, bạn cùng lớp với tôi cho biết: anh Nguyễn Hữu
Thông vào Tiểu chủng viện An Ninh (Cửa Tùng) cùng lớp với anh Minh. Mấy năm
sau, anh ra khỏi chủng viện và về lại Quảng Trị tiếp tục học bậc Trung học tại
trường Phước Môn (sau này đổi tên là trường Thánh Tâm do các Thầy dòng Thánh
Tâm Huế phụ trách). Anh Thông học lên đến Tú Tài I thì vào trường Võ Bị Quốc
Gia Đà Lạt, khóa 16.
Anh
Kế, bà con với anh Thông, cũng là bạn học một lớp với tôi khi còn tiểu học, năm
1951, anh Kế vào tu Dòng Chúa Cứu Thế, mấy năm sau thì xuất, tiếp tục học, đậu
Trung học đệ nhất cấp, thi vào trường Sư Phạm tiểu học Huế, ra trường đi dạy tiểu
học. Anh tự học và thi đậu Tú Tài I, rồi Tú Tài II và ghi tên học Đại Học Văn
Khoa Huế. Có lần tôi đến trường Đại học Văn Khoa Huế tìm một người bạn giáo sư
tại đó, bất ngờ anh Kế đang ngồi trong phòng thi chạy ra chào tôi và nhờ tôi
nói giúp với vị Giáo sư bạn tôi đang làm giám thị phòng thi. Về sau tôi được biết
anh Kế tốt nghiệp thủ khoa ban Anh văn. Năm 1972, trên đường vào Sài Gòn, anh bị
tai nạn máy bay, gia đình tìm được xác đưa về Đà Nẵng.
Niên
khóa 1952-1953, nghe lời khuyên của anh Nguyễn Văn Chương, chồng chị tôi, mẹ
tôi cho tôi vào học trường Dòng La San Pellerin, Huế, học lớp 6 chương trình
Pháp (tương đương với lớp đệ Thất chương trình Việt) vì phải bổ túc tiếng Pháp
nên tôi phải vào lớp 6 gọi là lớp sixième (six là 6). Năm sau đó, 1953, tôi
chuyển qua học trường Thiên Hựu do các Linh Mục người Pháp thuộc Hội Truyền
Giáo Paris (MEP) phụ trách. Trường Thiên Hựu rất gần với Dòng Chúa Cứu Thế, Huế,
nên tôi thường tham dự Thánh Lễ tại nhà thờ Dòng và nghe các Cha Dòng giảng
thuyết mỗi ngày Thứ Bảy, nhờ vậy tôi mới có cơ hội quen biết các Cha nhất là
các Cha cùng tỉnh Quảng Trị với tôi trong đó có Cha Trần Hữu Thanh và Cha Định
(làng Thạch Hãn, bà con với anh Thông, anh Kế), Cha Lê Viết Phục (làng Trí Bưu)...
Năm
1962, sau khi đậu Tú Tài II, tôi thi vào trường Đại Học Sư Phạm Huế, trong số
sinh viên cùng học với tôi có cô Nguyễn Thị Thanh là cháu Cha Định, bà con với
anh Thông, anh Kế. Trong những lần sinh hoạt Đoàn sinh viên Công Giáo, tôi thường
gặp cô Thanh và quen biết nhau. Mùa Hè 1963, tôi được Trung Úy Bửu Oai, quận
trưởng Hướng Hóa (Khe Sanh) cho quá giang từ Huế lên Khe Sanh (cách Lao Bảo,
biên giới Lào chừng 30 cây số) là nơi khí hậu mát mẻ vào mùa hè, vùng đất đỏ
basalte rất tốt, người Pháp đã lập đồn điền cà phê, trồng cam, v.v. Người Việt
Nam cũng đến lập vườn trồng mít và trái cây, mở quán ăn, quán buôn bán tạp hóa
chung quanh quận lỵ, đặc biệt mua bán trao đổi với người thiểu số (Quảng Trị gọi
họ là người Mọi, người Cà Lơ...) Tôi có người bạn học cùng lớp tại Đại Học Sư
Phạm là Trần Vinh Anh có gia đình cha mẹ, họ hàng lập nghiệp tại Khe Sanh nên mấy
anh em sinh viên chúng tôi quá giang xe của Trung Úy Quận Trưởng từ Huế ra Quảng
Trị, Đông Hà, lên Cam Lộ rồi mới đến Khe Sanh. Mùa Hè, tại Quảng Trị, Đông Hà
có gió Lào, danh từ địa lý gọi là gió Phơn (Foehn) vừa khô vừa nóng rất khó chịu
nhưng mùa Hè ở Khe Sanh thường hay có mưa, khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, cây cối
xanh tươi... Trong số các gia đình người Pháp lập nghiệp ở đây, có một người Việt
Nam lấy chồng Pháp, gia đình này thường đi lễ ở nhà thờ Công giáo, con cháu họ
học ở Huế, về nghỉ hè, tôi thường gặp mấy người con trai học trường Thiên Hựu,
con gái học trường Jeanne d’Arc... Chúng tôi vào tiệm phở trước mặt trụ sở hành
chánh quận Hướng Hóa, tình cờ gặp anh Nguyễn Hữu Thông trong bộ quân phục với cấp
bậc Thiếu Úy. Anh nhận ra tôi và chạy đến bắt tay. Tôi nói:
-Hơn
mười năm rồi không gặp nhau mà anh còn nhớ đến tôi. Cám ơn anh nhiều. Nghe tin
anh vào học trường sĩ quan Đà Lạt (khóa 16), chương trình đào tạo bốn năm, về
văn hóa tương đương Đại học như bên Mỹ, tương lai sẽ là cấp chỉ huy quan trọng
trong quân đội. Mừng cho anh.
Anh
Thông đáp lại:
-Tôi
cũng được tin anh đã vào được trường Đại Học Sư Phạm, tương lai sẽ làm Giáo Sư
ban Tú Tài. Trong các bạn cũ, phần nhiều vào ngành Cảnh sát, dạy tiểu học, hay
vào quân đội. Vào được Sư Phạm như anh và cô Thanh (cháu Cha Định) rất ít. Bạn
cũ ngày xưa chưa có ai học Y Khoa, Dược Khoa, v.v...
Ở
Khe Sanh có giáo xứ Công giáo do Linh Mục người Pháp phụ trách và có nhà thờ
Tin Lành do các Mục Sư người Mỹ và người Việt, hoạt động truyền giáo cho người
Thượng (dân thiểu số vùng núi Trường Sơn). Ở chơi Khe Sanh mấy ngày, chúng tôi
được ông Quận Trưởng cho đi thăm Bản Phường gần sông Tchépône (Xê Pôn), sông
này chảy về phía Tây là nước Lào, chảy về hướng Đông là sông Thạch Hãn của Việt
Nam. Chỗ chia hai dòng nước gọi là đường phân thủy chia ranh giới giữa hai quốc
gia Lào – Việt. Theo chính sách “ấp chiến lược” của Tổng Thống Ngô Đình Diệm,
chính quyền đã gom dân thiểu số lại một chỗ tại Bản Phường, cấp súng để tự vệ... Từ
Khe Sanh có đường đi tới Ba Lòng (chiến khu cũ của Việt Minh trước 1954), và
Cùa (chiến khu của vua Hàm Nghi năm 1885), khi Pháp chiếm kinh thành Huế
(5/7/1885), Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghị chạy ra Quảng Trị, lên Tân Sở
(Cùa), vượt sông Tchépône qua Lào... Một số lính VN theo vua ở lại vùng này đã sống
với người thiểu số nên hiện nay có nhiều người ở Bản Phường trông giống người
Việt. Họ nói tổ tiên họ là người Việt. Có người còn giữ được những đồng tiền và
kiếm vua ban cho (loại tiền vàng quý giá)... Dân địa phương thường kể chuyện về
con voi của vua Hàm Nghi không qua sông được vì quá sâu, nên chỉ có vua và một
số tùy tùng qua sông bằng thuyền, voi và lính ở lại. Người ta thường thấy voi
xuất hiện ở vùng này nhưng nó sống một mình, không đi theo voi đàn. Có lần vua
Bảo Đại đi săn với viên Đại Tá người Pháp tại Quảng Tri, bị voi này đuổi. Đại
Tá người Pháp bị voi giết chết, chôn tại Quảng Trị gần nghĩa trang Công Giáo
Trí Bưu. Nhưng voi không xúc phạm đến vua vì nó nhận ra đó là chủ cũ của nó nên
nó bỏ đi. Có người giải thích sự kiện này, theo họ thì các vua nhà Nguyễn thường
sử dụng một thứ nước hoa đặc biệt dành cho hoàng gia, vì thế voi đã quen với
mùi nước hoa này, nhận biết đó là vua nên bỏ đi... Chúng tôi cũng đi qua những đồi
cỏ xanh tươi của Làng Vei trong khi ở Quảng Trị, Đông Hà mùa này đồng khô, cỏ
cháy vì nắng nóng và Gió Lào...
Năm
1963 xảy ra vụ tranh đấu của Phật giáo chống TT Ngô Đình Diệm khắp miền Trung
và Sài Gòn, rồi biến cố 1/11/1963, đảo chánh lật đổ chế độ đệ I Cộng Hòa, chiến
tranh càng ngày càng leo thang. Năm 1964, quân Mỹ công khai đổ bộ vào bãi biển
Đà Nẵng, Mỹ bắt đầu tăng quân số tại Việt Nam và cho B.52 ném bom Bắc Việt... Mùa
Xuân 1966, nhân vụ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I tại Đà Nẵng
bị cách chức, Thượng Tọa Thích Trí Quang hô hào Phật tử xuống đường ủng hộ Nguyễn
Chánh Thi, đòi lật đổ Thiệu- Kỳ (Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban
Lãnh Đạo Quốc Gia và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung
Ương)... Lúc đó tôi có mặt ở đại học Huế nên biết rõ hoạt động của nhóm sinh
viên thân Cộng và sự xâm nhập của cán bộ CS nằm vùng tại Huế và các tỉnh Miền
Trung nhất là trong các trường học. Ngày 31/5/1966, Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm,
Tư Lệnh Sư Đoàn 2 BB tại Quảng Ngãi được đưa lên làm Tư Lệnh Quân Đoàn I sau
khi các Tướng Nguyễn Văn Chuân, Tôn Thất Đính và Huỳnh Văn Cao được Trung Ương
đưa ra thay thế Nguyễn Chánh Thi nhưng không ổn định được tình hình. Thiếu Tướng
Hoàng Xuân Lãm với quyết tâm dẹp loạn, được sự phối hợp của Biệt Động Quân, Thủy
Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, v.v. đã tái lập trật tự. Sau cuộc bầu cử Quốc Hội Lập
Hiến 9/1966, tôi được về Bộ Giáo Dục làm việc tại Văn Phòng Công Cán Ủy Viện đặc
trách Thanh Niên bên cạnh Tổng Trưởng là BS Nguyễn Văn Thơ... Hiến Pháp do Quốc
Hội Lập Hiến soạn thảo, được ban hành ngày 1/4/1967, tiếp đến là tổ chức bầu cử
Tổng Thống, Thượng Nghị Viện, Hạ Nghị Viện... Tôi đã nộp đơn ứng cử Dân Biểu tại
tỉnh Thừa Thiên. Trong khi đi vận động bầu cử Dân Biểu, tôi tình cờ gặp anh
Thông đang chỉ huy một tiểu đoàn từ Quảng Trị vào Huế tăng cường an ninh cho cuộc
bầu cử. Anh Thông hứa sẽ giới thiệu tôi là bạn của anh từ thời còn học tiểu học
và xin lính của anh ủng hộ. Ngoài anh Thông, tôi còn được anh Phạm Văn Đính
(Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Hắc Báo kiêm Quận Trưởng Quảng Điền (Thừa Thiên) và
anh Trần Sơn (chỉ huy lính Nhảy Dù) đang đóng quân tại cây số 17 (trên Quốc Lộ
I) hứa giúp... Kết quả cuộc bầu cử 23/10/1967, tôi đắc cử Dân Biểu tại tỉnh Thừa
Thiên. Trong một lần đến thăm Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, tôi có giới thiệu với
Trung Tướng anh Nguyễn Hữu Thông, Tiểu đoàn trưởng thuộc Sư Đoàn 1 BB là bạn học
với tôi khi còn nhỏ, đồng hương Quảng Trị, xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia
Đà Lạt khóa 16 năm, là người đạo đức, gương mẫu, cấp chỉ huy giỏi, được cảm
tình của mọi người. Trung Tướng Lãm cũng là người đồng hương Quảng Trị, là cựu
sinh viên Võ Bị Đà Lạt, du học Pháp, du học Mỹ... Cụ Hoàng Trọng Thuần, thân
sinh của Trung Tướng là bạn thân của cha tôi... nên rất quý tôi. Trung Tướng có
hứa sẽ quan tâm đến anh Thông khi có cơ hội sẽ tiến cử anh. Mấy năm sau, tôi được
tin anh Thông đã lên Trung Tá, Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 2 BB trấn giữ vùng
Đông Hà, Bến Hải, phía Nam vĩ tuyến 17. Khoảng 1973, 1974, tôi xem TV Sài Gòn
thấy anh Thông, mang cấp bậc Đại Tá, đang ở trong hầm chỉ huy của Trung Đoàn 42
SĐ 22 BB tại Pleiku.
Sau
ngày 30/4/1975, tôi đã trải qua nhiều nhà tù dưới chế độ CSVN, từ Nam chí Bắc,
tôi đã từng sống chung trong tù với các tướng lãnh, sĩ quan VNCH... gặp ai tôi
cũng hỏi tin tức về anh Thông... nhưng chỉ biết anh mất tích vào giờ chót, còn
việc sống chết ở đâu... thì không ai biết rõ. Tôi rất thương và chỉ biết cầu
nguyện cho anh mà thôi.
Năm
1988, tôi được ra khỏi nhà tù CS , từ Miền Bắc trở về Sài Gòn, nhân dịp LM
Simon Nguyễn Văn Lập, cựu Viện Trưởng ĐH Đà Lạt, mừng 50 năm Linh Mục tại giáo
xứ Fatima Bình Triệu, tôi có đến chúc mừng ngài. Trong số cựu sinh viên có mặt
trước sân nhà thờ, có một người chạy đến vỗ vai chúc mừng tôi “còn sống trở về
sau 13 năm tù” Tôi không nhớ người đó là ai? Vì lâu ngày quá, gương mặt ai cũng
thay đổi.
-Anh
không nhận ra tôi à? Tôi là Thanh cháu cha Định đây.
GS
Nguyễn Thị Thanh, dạy Pháp văn, vợ GS Trần Văn Thuấn, chị Thanh cùng học Sư Phạm
Huế với tôi là cháu Cha Định DCCT, người bà con với anh Nguyễn Hữu Thông. Trước
1975, Cha Định có tổ chức Trung Tâm Văn Hóa Duy Linh tại đường Nguyễn Thông gần
Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, ngài mời tôi tham gia sinh hoạt văn hóa “duy linh”,
lâu lâu có việc gì cần, ngài cho ông già... chạy xe mobylette đến gặp tôi... Ngài
biết tôi là bạn học cùng lớp với anh Thông khi còn nhỏ và cũng là bạn học với
anh Thuấn tại trường Thiên Hựu, chúng tôi đều quen nhau. Có lần Cha Định trao
cho tôi hồ sơ của GS Nguyễn Thị Thanh, nhờ tôi xin với Bộ Giáo Dục cho GS Thanh
về dạy ở Huế vì ngài biết tôi là đàn em của BS Nguyễn Văn Thơ, Tổng Trưởng Giáo
Dục lúc đó. Ngoài ra tôi còn là Dân Biểu và cũng đã từng làm việc tại Bộ Giáo Dục
thời BS Nguyễn Văn Thơ nên hy vọng lời nói của tôi sẽ được việc... Kết quả, GS
Thanh được về Huế để gần gia đình bên chồng. Qua câu chuyện với chị Thanh, tôi
được biết Cha Định hiện sống tại vùng Phương Lâm-Định Quán, mai danh ẩn tích
sau ngày 30/4/1975... Ngài đã qua đời tại VN cách nay mấy năm. Gia đình GS Trần
Văn Thuấn – Nguyễn Thị Thanh hiện sống tại Sài Gòn.
Tết
năm 1989, LM Trần Văn Lộc (con ông bà Trần Văn Lợi ở Phủ Cam, Huế) mời tôi cùng
đi thăm Cha Bề Trên Nguyễn Văn Đệ Dòng Bosco ở Thủ Đức, họp mặt đồng hương Quảng
Trị. Tôi biết Cha Đệ có bà con với anh Thông, ngài cũng là cháu Cha Định DCCT
Huế. Lần đầu tiên tôi đi thăm Cha Đệ... Tôi nghe tiếng Cha Đệ là người khôn
ngoan, học giỏi, có uy tín trong Dòng Bosco, lại là người bà con với Cha Định,
anh Thông... nên cũng muốn đi thăm ngài cho biết nhau. Tâm trạng của tôi, lúc đó
mới thoát cảnh tù tội dưới chế độ Cộng Sản... nghe nói chuyện “họp mặt đồng
hương” tôi cũng ngán, nhưng vì có Cha Trần Văn Lộc chở đi, nên tôi không ngại... Cha
Lộc cũng đã từng bị tù vì liên quan đến vụ chuyển thư của Đức Cha Điền ở Huế
cho Tòa Thánh (qua Tòa Đại Sứ Pháp ở sài Gòn)... Hôm đó, Cha Đệ dâng Thánh Lễ Tạ
Ơn đầu năm và cho bà con “ăn Tết”... Tục ở quê tôi đi thăm nhau ngày Tết gọi là
“đi ăn Tết” tất nhiên phải có bánh trái rượu thịt dọn ra để mời khách... Quả thật
Cha Đệ vẫn còn giữ cái tục xưa của quê hương... Tôi vừa ra khỏi nhà tù mà được
đãi một bữa ăn có rượu thịt, bánh tét, bánh chưng như “ăn Tết” ngày xưa ở Quảng
Trị... thật không có gì thích thú bằng. Được nói chuyện với Cha Đệ tôi mới thấy
được ngài là người khôn ngoan, đạo đức đúng như lời người ta nói. Tôi qua Mỹ được
gặp Đức Cha Hoàng Văn Tiệm, Giám Mục Bùi Chu, cũng là bạn thân của Cha Đệ, dòng
Thánh Bosco... Ít lâu sau nghe tin Cha Đệ được về làm Giám Mục Phó GP Bùi Chu,
phụ tá cho Đức Cha Tiệm. Ai cũng ngạc nhiên về cái tin này, nhất là dân Bùi Chu
ở Mỹ. Nhưng tôi không ngạc nhiên vì tôi biết Đức Cha Tiệm là đàn anh của Cha Đệ,
người biết Cha Đệ hơn ai hết. Đức Cha Hoàng Văn Tiệm đã đề nghị với Tòa Thánh
thì còn ai hơn nữa. Rồi từ Bùi Chu, Đức Giám Mục Nguyễn Văn Đệ lại được Tòa Thánh
đưa qua làm Giám Mục Chánh Tòa GP Thái Bình, vựa lúa Miền Bắc, là tỉnh có dân số
đông nhất Miền Bắc, tất nhiên là nơi quan trọng đối với Giáo Hội Công Giáo Việt
Nam. Thái Bình có một nhà thờ mới, nguy nga, tráng lệ, được xem là đẹp nhất Việt
Nam lúc đó. GP Huế có ba Đức Cha là người Quảng Trị (ĐC Tổng Giám Mục Têphanô
Nguyễn Như Thể người làng Cây Da và Đức TGM Phanxico Xavie Lê văn Hồng người
làng Trí Bưu) Đức Cha Bùi Văn Đọc (người làng An Lộng, Triệu Phong, Quảng Trị,
gia đình vào lập nghiệp tại Dalat... Đức Cha Đọc hiện là Tổng Giám Mục Sài Gòn) nay
thêm Đức GM Nguyễn Văn Đệ, người làng Thạch Hãn... rõ ràng là con cháu Đức Mẹ La
Vang. Người ta thường nói: “Quảng Trị là đất phát về tôn giáo” xưa cũng như bây
giờ, bên Công Giáo cũng như bên Phật Giáo... đều có những nhà lãnh đạo danh tiếng.
Năm
1994, sau hai lần tù dưới chế độ CSVN tổng cộng 14 năm, tôi và gia đình được định
cư ở Mỹ, tình cờ tôi được gặp chị Phùng Ngọc Hiếu, Giáo Sư Quốc Văn tại trường
Nguyễn Hoàng (Quảng Trị) trước 1972... Chị là vợ anh Thông... Tôi rất mừng khi được
biết chị đã vượt biên cùng các con, hiện các cháu đã thành đạt, có người là Bác
Sĩ Y Khoa tại Hoa Kỳ... Một số bạn bè ngày xưa của tôi và anh Thông như anh Nguyễn
Hữu Minh (người Thạch Hãn) anh Nguyễn Văn Bình (Thạch Hãn), anh Nguyễn Văn Phẩm
(Thạch Hãn) anh Lê Đình Học (Trí Bưu) anh Lê văn Vĩnh (Trí Bưu)... thường liên lạc
với tôi... Các bạn xưa vẫn còn nhớ anh Thông... Cá nhân tôi không quên gương mặt
anh Thông, da sạm nắng, dưới mắt có nốt ruồi... Anh Thông người cao lớn hơn tôi
nhiều, tướng bề ngoài đúng là sĩ quan, là cấp chỉ huy trong quân đội... Còn tôi,
tầm vóc vừa phải, hơi gầy từ khi còn nhỏ, thích làm thơ, viết văn, dạy học, hoạt
động chính trị, tranh đấu... Một người là võ, một người là văn, tuy không có cơ
hội sống gần bên nhau nhưng chúng tôi vẫn nhớ đến nhau.
Chị
Hiếu (vợ anh Thông) có cho tôi biết lần cuối cùng chị nhận được tel. của anh
Thông từ chiến trường gọi về nhà ở Nha Trang là đêm 31/3/1975, sau đó thì không
còn liên lạc được với anh ấy nữa. Sau ngày Ban Mê Thuột bị Việt Cộng chiếm
đóng, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú bỏ Pleiku, toàn bộ
Quân Đoàn II rút về Nha Trang. Cuộc rút lui đó là một thất bại vô cùng thảm khốc
của Quân Đội VNCH, đã làm tan rã toàn bộ Quân Đoàn II. Trên đường từ Pleiku về
Phú Bổn, dân chúng bỏ nhà cửa chạy theo lính, đã bị Việt Cộng chận đánh, pháo
kích chết rất nhiều. Nghe nói đơn vị của anh Thông đã về bãi biển Quy Nhơn, thế
cùng, lực tận, nhiều người bơi ra ngoài khơi hy vọng được tàu của Mỹ và hải
quân VNCH cứu vớt. Anh Thông cũng có mặt trong những người đó, đã kiệt sức và mất
tích có thể ở trên biển. Trường hợp anh Thông, có một bác sĩ quân y đã viết một
bài đăng trên nhật báo Người Việt ở Cali, nói rằng anh Thông đã tự tử chết bên
cạnh đồng đội, chôn dưới cột cờ bệnh viện tại Nha Trang. Nhưng câu chuyện đó
cũng không thuyết phục lắm vì gia đình cũng đã đi tìm mà không có chứng tích.
Tôi
cũng có người bạn là Trung Tá Trần Văn Sơn, người làng Bố Liêu, Triệu Phong, Quảng
Trị, Liên Đoàn Trưởng liên đoàn Nhảy Dù, cũng bị mất tích vào giờ chót trước
khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng tại Sài Gòn, nghe nói lúc đó đơn vị của
anh đang chiến đấu tại Phan Rang. Trường hợp anh Phạm Văn Đính, Trung Tá Trung
Đoàn Trưởng thuộc Sư Đoàn 3 đóng tại căn cứ Bastogne gần Đông Hà, vào mùa Hè
1972, quân Bắc Việt tấn công Quảng Trị, anh bị địch bao vây, không có tiếp viện
nên bắt buộc phải ra đầu hàng giặc để cứu mạng sống cho lính. Các anh Nguyễn Hữu
Thông, Trần Văn Sơn và Phạm Văn Đính là ba người bạn đã giúp tôi trong cuộc bầu
cử Dân Biểu tại Thừa Thiên vào tháng 10/1967 đều đã ra đi.
Anh
Trần Tiễn San, Thiếu Tá Biệt Động Quân là con trai của Cụ Trần Điền (Nghị Sĩ
VNCH bị VC thảm sát trong Tết Mậu Thân 1968 tại Huế), là bạn bọc cùng lớp với
tôi tại trường Thiên Hựu Huế, cho tôi biết về Khóa 16 Võ Bị Đa Lạt như sau:
Khóa 16 nhập học vào cuối năm 1959 và mãn khóa vào cuối năm 1962. Vì nhu cầu
chiến trường vào thời chiến nên Bộ Tổng Tham Mưu đã rút ngắn chương trình học lại
chỉ có ba năm thay vì bốn năm. Điều kiện nộp đơn thi tuyển không đòi hỏi phải
có văn bằng Tú Tài II, nhưng sau một năm học, trường cho sinh viên đi thi để lấy
văn bằng Tú Tài II, những người thiếu điểm văn hóa bị đưa về Trường Hạ Sĩ Quan
Đồng Đế (Nha Trang) tiếp tục học một năm và sẽ tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn Úy
hiện dịch. Từ Khóa 19 trở đi, bắt buộc phải có bằng Tú Tài II mới được thi nhập
học, sau bốn năm, các sĩ quan tốt nghiệp được cấp bằng tương đương với Cử Nhân
Khoa Học ứng dụng. Khi thi vào khóa 16 Đà Lạt, anh Thông chưa có Tú Tài II,
nhưng anh là một sinh viên siêng năng học tập và đã thành công trong Quân Đội.
Năm 1972, Đại Tá Đạt bị tử trận tại Tân Cảnh, lúc đó anh Thông là Trung Tá
Trung Đoàn phó, lên làm Trung Đoàn Trưởng, đã tổ chức lại hàng ngũ và đã đẩy
lui được sự tấn công của địch, anh được thăng cấp Đại Tá tại mặt trận. Năm
1973, anh được lên Đại Tá thực thụ.
GS
Nguyễn Lý-Tưởng, Cựu Dân Biểu VNCH
(viết
ngày 20/7/2017 kỷ niệm 63 năm ký kết hiệp định Geneve, chia cắt đất nước
20/7/1954)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét