Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Chữ Nghĩa Làng Văn 33 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

           Chữ Nghĩa Làng Văn 33

                                                Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

***


Chữ Việt cổ


Chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại


Thộ: thùng, gỗ 


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Ba ông đầu rau

Ba ông đầu rau gồm có: 

Thần đất

Thần bếp

Thần chợ 


(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)



Tong

Tong : gầy và cao

(ốm tong)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Họ Trần qua họ Trình

Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) được sử sách đánh giá là một minh quân, nhưng lại đi vào vết xe của nhà Trần. Vừa cầm quyền được hai tháng, Lê Thánh Tông hạ chiếu ra lệnh đổi tên những họ nào đã phạm vào chữ huý của Cung Từ Hoàng Thái Hậu. Bà nầy tên huý là Phạm Ngọc Trần, vợ của Lê Thái Tổ, mẹ của Lê Thái Tông, tức bà nội của Lê Thánh Tông. 

Nhà vua cho rằng bà nội của mình tên Trần nên yết thị cho dân chúng khắp nước, nơi nào có họ "Trần" đều phải đổi chép thành chữ "Trình". 


(Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử - Trần Gia Phụng)



Từ họ Lý ra họ Nguyễn

Tháng Tư năm Nhâm Thìn (1232), nhân việc ban chữ húy về tiên tổ họ Trần, ông nội của Trần Thái Tông tên là Trần Lý, nên Trần Thủ Độ buộc con cháu họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn.

Gần cuối năm Nhâm Thìn (1232), tôn thất nhà Lý tập trung làm lễ tế tổ tiên ở thôn Thái Đường, (nay thuộc Bắc Ninh). Trần Thủ Độ cho làm nhà tế lễ bằng tre lá trên một cái hầm, khi con cháu nhà Lý tập trung hành lễ, Trần Thủ Độ ra lệnh chôn sống hết con cháu nhà Lý để dứt điểm một vấn đề làm cho Trần Thủ Độ lo lắng bấy lâu nay. Sau cuộc thanh trừng khủng khiếp này, con cháu nhà Lý không còn dám về Bắc Ninh làm lễ tế hàng năm, và họ thay tên đổi họ sống lẫn khuất trong dân gian để tránh bị tiêu diệt. (1)


(1) Đặc biệt hoàng tử Lý Long Tường, con trai thứ của Lý Anh Tông đã bỏ nước ra đi năm 1226, cùng đoàn tùy tùng khoảng 40 người vượt biển sang lập nghiệp ở Cao Ly. 


(Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử - Trần Gia Phụng)



Ghép chữ Nôm 

Với chữ ”ăn” mà đem ghép làm bốn chữ thành rất nhiều thành-ngữ để mô- tả mọi hoàn-cảnh sinh-hoạt rất phong-phú…

Như: 

ăn cám trả vàng, ăn cháo đá bát, ăn chay nằm mộng, ăn chực nằm chờ, ăn dơ ở dáy, ăn dưng ngồi rồi, ăn đấu trả bồ, ăn đói mặc rách, ăn gian nói dối, ăn gởi nằm nhờ, ăn kiêng nằm cữ, ăn miếng trả miếng, ăn ngay nói thẳng, ăn nhờ ở đậu, ăn sung mặc sướng, ăn tục nói phét, ăn thiệt làm dối, ăn trên ngồi trước, ăn trắng mặc trơn, ăn trước trả sau, ăn vóc học quen...


(Tiếng Việt hồn Việt – Lê Thương)

 


Thành ngữ hiện đại, hiện thực

Thất bại vì... ngại thành công.

 

Đã có một thời…

Đi tìm ông nặn tượng

Anh chỉ tay về phía bức tượng một thôn nữ, tay ôm bó lúa:
– Đó là tác phẩm mới nhất của tôi đấy. Về đây tôi mới làm. Tôi đã làm chừng hơn mười bức tượng như thế rồi. Kể cả khi còn ở bên Mỹ và thời gian đầu, khi trở về đây. Nhưng làm rồi phá, phá rồi làm. Cái gì không có hồn, tôi dẹp liền. 


– Có phải là tác phẩm anh ưng ý nhất không?
– Đúng thế, bức tượng này là hình mẫu, trong toàn cảnh bức tượng lớn mà tôi đang ấp ủ. Đây là bức tượng nhỏ, cũng như hồi tôi làm tượng Tiếc Thương trước hết phải có một bức tượng nhỏ mang mô hình của nó. Khi có điều kiện thực hiện, cứ theo đó mà làm. Lúc dựng tượng lớn, khó mà thay đổi được.

Tôi nghĩ, mỗi người nghệ sĩ đều có những “giấc mơ” của riêng mình. Người nghệ sĩ thật sự, thường âm thầm nuôi những hoài bão lớn lao. Còn có thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Không phải là những kẻ chỉ hành động nhất thời, mưu cầu một chút danh lợi hoặc tiếng tăm, “ăn bám” trên những tên tuổi của người khác. Cũng không phải là người chỉ đắc chí với một tác phẩm nổi danh rồi ngồi đó, vuốt râu hoài cho đến bạc phếch. 

Nguyễn Thanh Thu còn hăng lắm, còn say sưa với những cái mới hơn, lạ hơn. Có thể cái sau không bằng cái trước, đã có không biết bao nhiêu nghệ sĩ danh tiếng, sáng tác những tác phẩm cuối đời dở hơn những tác phẩm đầu đời. Nhưng tâm hồn người nghệ sĩ luôn tràn đầy ước vọng mới là điều cần thiết. 


Nguyễn Thanh Thu đang có được sức sống mãnh liệt đó. Rất có thể nó là sự “hoang tưởng” như anh Phương đã nhận định. Và ngay chính chúng tôi, cũng thấy được điều này khi anh nói đến số tiền phải bỏ ra thực hiện tác phẩm của anh.

(Văn Quang)



145 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Talawas: Sau chiến tranh, anh là người Hà Nội  vào Sài Gòn và ở lại đó cho đến nay. Là người của phía chiến thắng giữa những người chiến bại. Sống với cảm giác ấy có dễ không? 


NT: Tháng 6-1975, trên đường phố Đà Nẵng tôi thấy một cô gái nhìn theo một xe tải chở đầy ti vi, tủ lạnh chạy ra Bắc với ánh mắt ác cảm, tôi nghĩ cũng còn may cô ta không được thấy những đoàn xe bịt vải bạt chạy trên đường Trường Sơn cũng ra Bắc. Nhưng đó là chuyện buồn khó tránh khỏi sau chiến tranh, còn nhiều chuyện vui khác, những cuộc trùng phùng chẳng hạn. 


Tháng 10 -1975 tôi vào Sài Gòn gặp ông anh ruột là nhà văn Nhật Tiến, đang là giáo viên trường trung học Hưng Đạo. Ông ấy kể, công đoàn trường vừa chia mỗi người được 10 điếu thuốc Tam Đảo, ông không nhận và hỏi sao không để nguyên bao, kỳ này anh nhận, kỳ sau tôi nhận, sao lại xé ra? Rồi ông ấy khóc vì sự "xúc phạm con người". Tôi bảo: "Thôi ông ra nước ngoài đi, người như ông không sống ở đây được đâu!".


Tôi không có cảm giác mình là "phe chiến thắng" mà chỉ là dân "ngụ cư", dân "Bắc Kì 75", bởi lẽ năm 1980, chuyển vào ở hẳn Sài Gòn, nhập hộ khẩu rất khó khăn. "Những người chiến thắng" chính là những người như ông Mười Xuân, Cục Trưởng Cục In Ấn ở rừng về, hoặc những nhà văn tập kết như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng… và cả những người cách mạng 30-4 như các nhà văn nhà thơ Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Viện… mà tác phẩm của họ chiếm lĩnh đầy các trang báo ở Sài Gòn. 


(Phạm Thị Hoài nói chuyện với nhà văn Nhật Tuấn)



Vĩnh biệt họa sĩ Thái Tuấn

Phía dưới trang giấy kẻ ô vuông là dòng chữ của lão nghệ sĩ nhiếp ảnh “râu dài” Mạnh Đan: “Vô cùng thương tiếc người bạn cố tri. Thái Tuấn ra đi không bao giờ trở lại. Vĩnh biệt - Nguyễn Mạnh Đan”.

(ảnh Mạnh Đan)


Còn vài chục trang giấy như thế của những người thân, những người bạn, những người anh em, già trẻ lớn bé, lớp trước lớp sau, tôi không thể kể hết. Điều đó chứng tỏ khi sinh thời ông đã sống như thế nào. Đó là điều quan trọng chứ không phải là tên tuổi, nổi danh hay không nổi danh. Thái độ sống và cách sống với những người xung quanh mới chính là con người thật.


Vĩnh biệt hoạ sĩ tài hoa Thái Tuấn.

(Văn Quang)



Đừng tưởng


Đừng tưởng rằm sẽ có trăng.. 

Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu 

(Bùi Giáng)

Về khúc Tống Biệt

Giới thiệu bài thơ này của Tản Đà, Bùi Giáng có lời bình:

đào rơi rắc lối thiên thai

"Lá rơi - Hình ảnh của lìa tan, của ly biệt... Người đi. Khách phàm trần đã lên đây, đem lên đây tình yêu của hạ giới, gây bàng hoàng cho lòng xanh tiên nữ, để giờ đây chia biệt, đem tình về hạ giới, cho lòng xanh tiên nữ lại bâng khuâng... Lời tiễn đưa vang nhè nhẹ giữ Đào Nguyên trăng sáng rộng vô ngần. Như hồn xuân đêm yểu điệu. Như ngậm ngùi tình vương vấn thiên thai. Như gió lùa thổi vào tâm hiu hắt...

Đá mòn, rêu nhạt,

Nước chảy, huê trôi,

Cái hạc bay lên vút tận trời!

Trời đất từ đây xa cách mãi.

Cửa động,

Đầu non,

Đường lối cũ,

Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

            (Tống Biệt - 1922)


Sực tỉnh rồi... còn đâu nữa mộng lòng xuân. Nụ hồng giữa vườn xuân không hé phơi lần nữa. Đá mòn. Rêu nhạt. Nước chảy-Huê trôi. Cái hạc bay lên vút tận trời... đem đi mộng cũ của lòng ta... Tình của người lặng đi giữa bốn bề câm nín. Lạnh mang mang vây ám mãi nghìn năm. Đường lối cũ, nơi đầu non cửa động. Trăng chơi vơi còn sáng mãi, hững hờ. Mộng Thiên Thai võ vàng, đã mòn mỏi...


Bài thơ mang ý nghĩa tượng trưng đó. Tống biệt? Vĩnh biệt Thiên Thai là vĩnh biệt hồn thơ của tuổi mộng- Tuổi mộng không ở mãi với hồn thơ, để thắm mãi giữa đời....".

 

Đừng Tưởng 

Đừng tưởng cứ đợi là chờ... 

Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần

(Bùi Giáng)

Tản Đà 

Nếu tiên sinh còn sống, ắt tại hạ xin được phép cùng tiên sinh nhậu nhẹt một trận lu bù. Thơ của tiên sinh làm, chẳng có chi xuất sắc. Nhưng bản dịch “Trường Hận Ca” của tiên sinh quả thật

là vô tiền khoáng hậu.

 

* chân dung tự họa của Bùi Giáng

* xem Bùi Giáng họa sĩ - tr 67 ở P2 Tg & Tp


Trần Trọng Kim cũng là một thiên tài thi sỹ. Ông dịch thơ Đường không đạt tới cái độ tài hoa của Tản Đà, nhưng trong mạch ngầm lại thâm hậu hơn Tản Đà. 

Tản Đà bị tẩu hỏa nhập ma. Trần Trọng Kim lại là người duy nhất trong thế kỷ này, giữ vững được tâm hồn trong niềm tịch nhiên bất động giữa mọi phong ba. 

Tản Đà chú giải Truyện Kiều một cách thô thiển lệch lạc quá. Trái lại Trần Trọng Kim có những ghi chú hoằng đại âm thầm. 
 

(Bùi Giáng)


Đừng Tưởng 

Đừng tưởng đời mãi êm đềm.. 

Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.
(Bùi Giáng)


Bùi Giáng và Bút Tre

Thơ Bùi Giáng, theo Tô Hoài cũng là một thứ thơ Bút Tre

Có một giai thoại thơ Bút Tre liên quan đến nhà thơ Bùi Giáng khá thú vị đã được đồn đãi như sau: Sau biến cố Tháng Tư năm 75, các văn nghệ sĩ miền Nam người thì đã vượt biên, người bị cầm tù. Một trong số những người ở lại mà không phải chịu cảnh tù tội là nhà thơ Bùi Giáng. Ông không bị bắt vì là người mang bệnh tâm thần. 


(Bò khát bia - tranh của Bùi Giáng)


Nghe kể một hôm ông ghé trụ sở hội Nhà Văn ở thành Hồ chơi. Lúc bấy giờ nhà thơ Thu Bồn, một ủy viên ban chấp hành Hội Nhà Văn, đang đứng trò chuyện với nữ sĩ Thu Ba, trông thấy ông bèn gọi lại bảo rằng:
- Nghe đồn ông có tài xuất khẩu thành thơ, làm một bài cho anh em nghe chơi.

Bùi Giáng gãi tai trả lời:
- Lâu quá tui không có làm thơ, quên mất cả rồi.
Thu Ba năn nỉ:
- Làm đại một câu lưu niệm đi mà. Bấy lâu chỉ "kiến văn kỳ thanh" hôm nay mới "kiến diện kỳ hình" ông đó.
Bùi Giáng cười móm mém:
- Nhưng tui làm dở, đùng có cười tui nghe!
Thu Bồn giục:
- Thôi mà đừng khiêm tốn nữa, không ai cười đâu.

Bùi Giáng tằng hắng một tiếng rồi đọc:
Thu Ba khen ngợi Thu Bồn
Thu Bồn cảm động sờ... vai Thu Ba

Thu Ba đỏ mặt hứ lên một tiếng. Bùi Giáng lại móm mém cười một cách ngây thơ rồi quay đi…

Xin cụ nào biết tại sao "Thu Ba đỏ mặt” 

 

Đừng Tưởng

Đừng tưởng cứ gió là mưa.. 

Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
(Bùi Giáng)


Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Hoàng Cầm: Bài thơ của Phùng Quán

Phùng Quán tạm dứt ngang câu chuyện thơ với Hoàng Cầm và đi ra sau bếp. Cái bếp không có bàn tay đàn bà, lạnh tanh lạnh ngắt. Mấy cục gạch ngả nghiêng. Nồi soong trống hốc. Nghe tiếng khua sột soạt, Phùng Quán nhìn lên nóc nhà: một mảng rách được che bằng một tấm giấy xi măng có in hình con rồng đỏ, nhãn hiệu của nhà máy xi măng Hải Phòng Cải Tiến. Gió thổi giấy lật lên tạo nên âm thanh như nhạc. Con rồng chỉ uốn éo nhưng không bay được, vì sợi dây buộc vào chiếc sườn tre quá chắc. Phùng Quán giơ tay giật phắc rồi tiện tay nhặt mấy mẫu gạch non đi trở lại nhà trên.

Hoàng Cầm vẫn còn ngồi ở bàn, tay chống cằm, mắt trống không chẳng chút xúc cảm. Hoàng Cầm nhìn Phùng Quán trãi tờ giấy trên mặt bàn hồi lâu mới hỏi:

- Cậu làm gì thế?

- Em viết bài thơ tặng anh

- Tôi không đọc được thơ

- Nhưng thơ em, em tin anh đọc được.


Rồi Phùng Quán cắm cúi viết bằng mẫu gạch non. Một mạch, Phùng Quán viết xong bài thơ, đưa cho Hoàng Cầm và nói: 

- Dù anh không đọc anh vẫn hiểu em viết gì. Em không tin rằng một người như anh lại suy sụp và không làm thơ nữa. Em xin phép anh dán nó lên vách này. Mưa không xóa nổi nó, gió không giật nổi nó. Nó sẽ ở bên anh. Em đi đây!.

Phùng Quán bước ra cửa. Bài thơ chữ nào cũng lớn, ngời ngời:


Tôi tin núi tàn

Tôi tin sông lấp

Nhưng tôi không thể nào tin

Một nhà thơ như anh lại ngã lòng suy sụp

(…)

Sông Đuống sẽ mặc đại tang

Khóc bên bồi bên lỡ

Sóng cuộn bờ nức nở

Ngàn đời chịu tang anh


Hoàng Cầm nhìn bạn bước nhanh ra sân rời khỏi ngõ, không một lời. Anh gục đầu trên mặt bàn. 

(Xuân Vũ)



Con lợn khác con heo chỗ nào? 

Miền Bắc không heo nhưng thích… nói toạc móng heo.
Miền Nam không lợn lại thích ăn… bánh da lợn.



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Hoàng Cầm và nhóm Nhân Văn Giai Phẩm 

Lúc bấy giờ cuộc cách mạng Nhân Văn Giai Phẩm bùng nổ. Họ họp đại hội tố nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bằng tiếng nói của "quần chúng văn nghệ sĩ" xong rồi còn dựng Tòa án Nhân dân để xử án... mà những kẻ bị tố là phản động hoặc bị kêu án không ai lạ, là những công thần của đảng: Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hữu Loan, Tử Phác, Nguyễn Hữu Đang, Sỹ Ngọc, Nguyễn Sáng, v…v… 


Tôi có gặp hoặc được dịp nói chuyện với tất cả những nghệ sĩ kể trên. Trong đó, Văn Cao và Hoàng Cầm, với tôi có một vài kỷ niệm nhỏ... Lúc đó văn nghệ sĩ Hà Nội chia làm ba phe rõ rệt. Phe thứ nhất là nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, phe thứ hai là phe chống Nhân Văn Giai Phẩm, phe thứ ba là phe khi chống đảng khi theo đảng, hoặc lừng khừng, chống, theo đều không rõ, hoặc ngấm ngầm chống đảng mãi sau mới biết như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Kim Lân, v.v...

Hoàng Cầm đứng đầu cùng với Văn Cao. Ai nghe danh Hoàng Cầm cũng giật mình. Giật mình vì hai lẽ: Cái ông đã từng làm hai bài thơ kháng chiến chống Pháp lại chống đảng. Còn lẽ thứ hai: Giữ mình cẩn thận, kẻo có kẻ rình rập báo cáo với Tố Hữu rằng mình có bắt tay, có nói chuyện với Hoàng Cầm... thì khốn.

(Xuân Vũ)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trời nắng rồi trời lại mưa,
Tính nào tật nấy có chừa được đâu.



Địa danh miền Nam 

 

Ở thế đất cao có loài chim muông trú ngụ như con công gọi là Gò Công, Gò Sơn Qui (rùa). Ở cánh đồng có nhiều nai đang ăn cỏ gọi là Đồng Nai. Hình tượng núi giống con voi, con sam biển, gọi là Núi Voi, Núi Sam.

 

Vùng có cây giá nhiều, cây này giống cây mãng cầu có mủ màu trắng, gọi là Rạch Giá. Những gò, giồng cao, dài thì có tên Giồng Trôm (cũng do nơi này có nhiều cây trôm), Vấp, vì có nhiều cây vấp. Và Gò Tượng (là chỗ voi tắm và uống nước).

         (Một thoáng về địa danh đất Việt – Trần Khánh)



Những cái cũ & xưa nhất của Saigon

Ngôi đình cổ nhất 


Một trong những ngôi đình cổ nhất của đất Gia Định xưa và xưa nhất miền Nam là đình Thông Tây Hội, xây dựng vào khoảng năm 1679, là chứng tích còn nguyên vẹn nhất của thời kdân Ngũ Quảng kéo vào khai khẩn vùng Gò đất có nhiều “cây vắp”, từ đó trở thành tên địa phương là Gò Vấp. 


Đình Thông Tây Hội có vị thành hoàng rất độc đáo. Hai vị thần thờ ở đình là hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, do tranh ngôi với Thái Tử Vũ Đức nên bị đày đi khai hoang ở vùng cực nam và trở thành “Thủy tổ khai hoang” trong lịch sử Việt Nam; hai vị thần đó là: Đông Chinh Vương và Dục Thánh Vương. 

Ngôi đình còn giữ được nguyên vẹn về quy mô kiến trúc, kết cấu, với những chạm khắc đặc trưng miền Nam. 



Tên đường phố Sàigòn sau năm 1975

Sài Gòn theo ai đấy thì:

“…Sau 1975, chúng ta biết có những đợt thay đổi tên đường theo sau đổi tên thành phố. Nhìn qua cách đổi tên đường, chúng ta có thể đoán được rằng mấy người trong chính quyền hiện nay không ưa triều Nguyễn, vì những ông vua và quan của triều này bị cho biến đi gần hết. Vài ví dụ:

* Gia Long là ông vua gây ra nhiều tranh cãi, nhưng là người có công mở rộng bờ cõi và khai sáng triều Nguyễn; ông ấy phải “nhường” chỗ cho cậu bé Lý Tự Trọng.


* Minh Mạng là ông vua nổi tiếng thơ ca, nhưng đành phải nhường cho Ngô Gia Tự (chẳng biết ông này là ai). (*)

(*) Ngô Gia Tự là người Việt gốc Tàu qua Tàu (Quảng Châu) làm cách mạng.


* Thiệu Trị cũng là vua triều Nguyễn, nay bị Trần Hữu Trang làm cho biến mất.


* Tự Đức bị cho lên đường, và thay vào là cái tên lạ hoắc Nguyễn Văn Thủ.


* Đồng Khánh bị Trần Hưng Đạo chiếm, nhưng sự thay đổi này chẳng ai thắc mắc.


* Duy Tân là con đường đẹp đã đi vào thơ ca, nhưng nay thì bị Phạm Ngọc Thạch cho lên đường biến mất luôn.


* Khải Định cũng là một vị vua triều Nguyễn, nhưng sau 1975 thì ông bị đuổi đi và nhường cho Nguyễn Thị Tần (là ai?)


* Hiền Vương tức chúa Nguyễn Phúc Tần là một nhân vật quan trọng trong sử và mở mang bờ cõi về phía Nam, bị cô Võ Thị Sáu chiếm và đuổi đi.


* Còn những tướng lãnh và danh nhân đời Nguyễn như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Võ Di Nguy, Võ Tánh, v…vbị cho lên đường gần hết.

                 (Khuyết danh)



Xóm Gà

Ngả Tư Bình Hòa trước có quán cơm tấm rất nổi tiếng, giá bình dân, ngon nhất là cơm bì xườn, hoặc cơm lòng heo phá lấu. Quán của bà chỉ bán từ 5 gìờ sáng đến 11-12 giờ trưa là xong. Mì Minh Sanh nổi tiếng vùng này giống như mì Cây Nhản ở Đakao.


Một điểm đáng chú ý có lẻ nơi đây là nơi xuất phát món bánh mì thịt có bơ đánh hột gà và paté. Xe bán bánh mì này dĩ nhiên rất thành công, mỗi lần ba tôi “thăm” ông hớt tóc cũng mua bánh mì về cho các con vì tiệm này sát xe bán mì. 

Tất cả, bây giờ chỉ còn là kỷ niệm đẹp của một thời.

(Y Nguyên-Mai Trần)



Đường Phan Huy Chú 

Nếu đô thành có bất công chút ít, chẳng qua là vì quên đó thôi. Chẳng hạn như ông Phan Huy Chú được nêu danh trong Chợ Lớn mà ông Phan Huy Vịnh lại không. Đô Thành trọng văn nghệ lắm. Không có nhà văn, nhà thơ nào ngày xưa mà không được lấy tên đặt tên phố cả, khiến lũ văn nhân thi sĩ hậu sanh là ta đây nức lòng muốn cố gắng để có thể được biệt đãi như thế về sau.
Chỉ phiền văn nhân thi sĩ của thế hệ ta đông quá, mà đường phố chỉ có hạn thôi, dễ gì tìm được một chỗ “mần”. Có một điều đáng chú ý là họ Nguyễn chiếm đa số trong các phố Sàigòn. Dân tộc ta họ Nguyễn cũng như dân tộc Pháp họ Dupont vậy mà !

(Phố của thành phố: Nhân Loại – 1957 Bình Nguyên Lộc)



Sài Gòn một chút quán xá 

Bánh mì Hà Nội


Trong khu vực Bàn Cờ, ngoài tiệm bánh mì Hòa Mã, còn phải kể đến tiệm bánh mì Hà Nội cũng thuộc loại nổi tiếng thâm niên, với cơ sở khang trang, sạch sẽ, ngày nay tọa lạc tại 83-85 đường Nguyễn Thiện Thuật.

 


(Bánh mì Hà Nội ngày nay ở SàiGòn)

 

Như chủ nhân bánh mì Hòa Mã, với nghề làm thịt nguội, gia đình ông Lê Văn Đối từ Hà Nội di cư vào Nam, mở cửa hiệu bánh mì đồ nguội trên đất Sài Gòn, đặt tên là bánh mì Hà Nội. 

 

Lúc đầu quán nhỏ, vài bàn ghế lụp xụp nhưng bánh mì nóng giòn, dọn bên cạnh đĩa jambon, chả lụa, patê, dưa leo, cà chua, ớt đỏ và sốt mayonnaise tiệm tự làm để riêng. Món đặc biệt của tiệm ngày trước là gà rút xương dồn thịt, jambon và nấm hương. Bánh mì Hà Nội bây giờ trở thành một cửa hàng ăn uống rộng lớn, bán thêm bánh mì kẹp thịt mang đi, bánh ngọt, xôi chè…

Bàn tay bỏ quên túi áo
Mân mê cây bút chì
Không có mẫu bánh mì
Tìm nghĩa của từ chẳng thấy

(Phan Huyền Thư)

 

Có lẽ không nơi nào có nhiều chỗ bán bánh mì thịt như Sài Gon. Đại loại cũng chừng đó nguyên liệu, nhưng mỗi tiệm, mỗi xe bánh mì có một tính cách, một gout riêng, không nơi nào giống nơi nào. Hầu như dân Sài Gon ai cũng có một chỗ “ruột“ để mua bánh mì mà mình cho là ngon, người ta ăn chỗ nào thì quen chỗ đó, vì lâu lâu mua đại một chỗ nào đó, xui xui gặp bánh mì dở, nhá không trôi, nhưng cũng có khi hên, bất ngờ khám phá ra một chỗ bán bánh mì ngon mới, không biết trước được. 

 

Trong bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Nguyễn Đình Chiểu năm 1861, ta thấy có hai câu như sau:

Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn
Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ. (Huỳnh Ngọc Trảng)

 

Bánh mì theo chân người Pháp đến Sài Gòn đầu tiên, sau đó ra Hà Nội, nên khi người ta đề cập đến Sài Gon: bánh mì Sài Gòn. Ta thấy những thực phẩm, mà người Tây mang sang nước ta, đều được gọi kèm theo chữ…”tây” như: khoai tây, hành tây, rượu tây… Trong khi ngoài Bắc gọi bánh mì là bánh tây, thì Sài Gòn gọi là bánh mì ổ. Có lẽ một trong các loại bánh mì mà người Pháp du nhập sang đầu tiên là pain de champagne (bánh mì đồng quê) ổ bự, to bè, nhiều ruột, để được vài ngày hay các loại bánh mì hình tròn, hình bầu dục gọi tên là le pain rond, le complet, le bâtard…

 

(Bánh mì Sài Gòn theo giòng thời gian – Xuân Phương)



Tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu?

Hỏi: Kính chào toàn thể quý cao thủ tiền bối nhà nho,
Mình đã nghe, nhiều và rất nhiều chử “Tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu” mà chẳng hiểu nghĩa gì hết, xin thoại dáo các tiền bói, mình biết mình viết say chính tả nhiều lắm xin các tiền bối bỏ qua cho... Cám ơn nhều thiệt nhều nha.


Đáp: Uống rượu (nhậu) mà gặp tri kỷ thì ngàn chung vẫn còn thấy ít đấy ông bạn à. Cái này là cách nói cường điệu hoá của người xưa chứ mặc dù là cái chung tuy nhỏ nhưng thực tế ít người uống được ngàn chung. 


Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Mạc ngộ tri âm bán cú đa
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến khứ nhân hồi


Nâng chén, cụng li, chạm cốc…

Nước ta còn thiếu nhiều cái nhưng chắc chắn không thiếu những tiệm cà phê, quán nhậu. Chỗ này cười nói, chỗ kia hò hét. Ăn uống món gì hạ hồi phân giải. Trước mắt, cứ dzô xem ra sao...


Cách uống của ta đã trải qua nhiều thăng trầm, trồi sụt. Thời xa xưa, các cụ hãnh diện bảo nhau nam vô tửu như kì vô phong. Bọn đàn ông không có rượu trông vô duyên như cờ không được gió phất. Những lúc trời đất nổi cơn gió bụi, ngồi trong nhà rung đùi chén tạc chén thù, chén chú chén anh, phong lưu ra phết. Rượu vào. Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ (Cao Bá Quát). Nhưng rượu vẫn là thú tiêu khiển chính của văn nhân mặc khách.

Trời say trời cũng đỏ gay, 
Đất say đất cũng lăn quay ai cười (Tản Đà).


Ngoài rượu, chè (trà), bạn bè còn mời nhau uống cà phê (café), uống bia (bière).

Cụng li , chạm cốc tưng bừng. Mắt mờ, tay run... Dzô ! Dzô!  Uống nước nhớ nguồn. Uống cà phê, uống rượu, uống bia thì nhớ cái gì? Đề nghị nhớ mấy cái chén, bát, li, cốc, tách đựng đồ uống. Nhân lúc trà dư tửu hậu, tội gì không đem mấy cái bát, chén, li, cốc, tách ra bàn cho sướng miệng vậy thôi!


(Nguyễn Dư)

 


Tình dục trong làng văn xóm chữ

Tình dục

Có quá nhiều người nghĩ rằng bất cứ truyện viết nào dính líu đến tình dục là khiêu dâm. Điều này xa với sự thật. Một câu chuyện có tình dục trong đó, có thể gợi tình nhưng không có nghĩa là nó thuộc loại khiêu dâm.
Hélène Cixous, một tiểu thuyết gia kiêm nhà phê bình nữ, trong bài tiểu luận Le rire de la Méduse (1975) đã nhắc nhở phụ nữ viết. Viết chính là tiếng nói của phụ nữ, tiếng nói được xem như cất lên từ dục tính chứ không phải từ văn hoá, tiếng nói để tạo ra cuộc đời, lạc thú chứ không phải để tích tụ.

Viết về tình dục, mở được cánh cửa nội tâm con người. Nó bày được những trạng thái tâm, sinh lý thường nhật. Phụ nữ viết về sex để diễn đạt cảm quan của mình. Họ cũng có trí tưởng tượng như nam giới nhưng xã hội đã dạy họ rằng phụ nữ chỉ được quyền làm cái này, tránh làm cái kia. Viết về ngôn ngữ thân xác giúp cho phụ nữ giải tỏa những uẩn ức đó. Nó là một hình thức nghiệm sinh, một hành trình qua đó con người tìm ra căn cước tình dục mà cũng là căn cước con người đích thực của mình.
Có một số người viết nữ có khuynh hướng bung thoát khỏi tầm ngắm. Họ muốn bứt phá bức tường thành kiến xã hội, tả và viết về tình dục như một biểu trưng của nữ quyền. Đồng thời họ cũng là mục tiêu cho nhiều phát đạn từ nhiều phía bắn vào.

(Sex: dưới mắt nhìn của người viết nữ – Trịnh Thanh Thủy)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Yêu nhau vì sinh lý

Quý nhau vì đồng tiền



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Hồ Xuân Hương

Người đọc Việt Nam có thói quen, tất cả những gì dính dáng bộ phận sinh dục hay hành động tính dục đều cho là dâm ô, tục tĩu. Định kiến xã hội có thói quen cảm nhận những từ ngữ thân xác là thô tục, trơ trẽn, sống sượng, và hung bạo, v.v… trên bình diện nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng.

Trong kho tàng văn học Việt Nam thời xưa, người viết nữ đề cập đến tình dục nhiều nhất là nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bà dùng thơ ca để phản kháng mãnh liệt sự đối xử bất công của xã hội đã chèn ép, đánh giá thấp thân phận người phụ nữ qua bản thân của chính bà. Ngày nay những tác phẩm văn chương của bà được ca tụng nhưng dĩ nhiên vào thời của bà, bà ắt chịu nhiều dè bỉu và phê bình gay gắt. Là một phụ nữ có tài thơ văn nhưng duyên phận long đong, Hồ Xuân Hương phải làm lẽ ông Tri Phủ Vĩnh Tường luống tuổi. Sau ông mất sớm, bà phải gá nghĩa cùng ông Cai Tổng Cóc nhưng không lâu ông cũng qua đời. Trong bài thơ “Lấy chồng chung”, bà nói lên được nỗi đắng cay chua xót của người phụ nữ lấy chung một chồng qua quan niệm đa thê, “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”:


Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm thì mười họa hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết đường nào nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.


Rốt cuộc bà cũng chẳng hưởng được gì, khát vọng tình yêu và uẩn ức tình dục đã đẩy nữ sĩ Hồ Xuân Hương vào con đường cầm viết mà là một cây viết tình dục nữ như một duyên kiếp.

(Sex: dưới mắt nhìn của người viết nữ – Trịnh Thanh Thủy)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Cúm gà chỉ chết mình gà
Cúm chim thì chết cả bà... lẫn ông.



Văn hoá chửi 

Hãy thử để ý đến các câu chửi tục hay văng tục của người Việt Nam. Nói chung, cách chửi tục và văng tục của người Việt Nam có mấy đặc điểm chính: 


Thứ nhất, hay nhắc đến các bộ phận sinh dục; thứ hai, phái nào nhắc đến bộ phận sinh dục của phái ấy. Chính ở điểm thứ hai này, chúng ta có cơ hội nhìn thấy những khác biệt trong cách nhìn của hai phái nam và nữ về bộ phận sinh dục của chính họ.

Cứ lấy ngay những câu chửi tục làm ví dụ. Ðiều cần ghi nhận đầu tiên là, trong tiếng Việt, ở phía nữ giới, hoàn toàn không có từ nào có thể được xem là tương đương với từ “trỏ cặc” hay “văng cặc” ở nam giới. Rõ ràng là phụ nữ không “văng” và cũng không “trỏ”. Chửi nhau, họ dùng các động từ khác: bú, liếm, chui, nhét, v.v... 


Trong khi đó, nam giới thì khác. Ðã đành là có một số trường hợp, người ta cũng đòi “nhét” của quý của mình vào miệng đối thủ, nhưng những cách diễn tả như vậy khá hiếm hoi. Phổ biến hơn, người ta chỉ nói một cách ngắn gọn: “Cặc!” hay “Cặc tao đây nè!" 

Vậy thôi.

(Nguyễn Hưng Quốc)



“Ảo từ”, “ẩn từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt?  

Thông thường, "đi" trong Việt ngữ là từ vựng chỉ hành động di chuyển từ A tới B, không phân biệt đi bộ, đi xe đạp, đi xe ngựa xe bò, đi xe ôm, đi xe máy, đi xe đò, đi xe hơi, đi tàu bè hay đi bằng máy bay. Bất kể sử dụng phương tiện giao thông gì, dân Việt đều nói "đi" tuốt luốt. Ca dao có câu:

"Ði đâu cho thiếp theo cùng. 
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam."

 

"Đi đâu", ở đây, không nêu rõ đích đến của "đi", mà ngụ ý "dù bôn ba chân trời góc bể nào"… Ðôi khi, cả hai thể cùng có mặt, như trong bài thơ "Dạ khúc" của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền được nhạc sĩ Phạm Ðình Chương soạn thành nhạc phẩm "Dạ ‘Tâm’ khúc":


"Ði đi chúng ta đến công viên. 
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối. 
Ôi môi em như mật đắng. 
Như móng sắc thương đau.

Ði đi anh đưa em vào quán rượu. 
Có một chút Paris. 
Ðể anh được làm thi sĩ. 
Hay nửa đêm Hà nội…"

 

Cũng chưa thấy gì "quan ngại" lắm! Chuyện đáng ngại chỉ xảy ra, khi "đi" cặp kè với "thôi". Còn gì đau lòng hơn, khi lời đề nghị của chàng bị nàng ngắn gọn phang cho hai chữ: "Thôi đi!". Trong tình huống này, kiểu nói, hay văn hoa bóng bẩy, phong cách diễn đạt của đối tượng nàng giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Nếu giọng nàng ngọt ngào, nũng nịu với một ngắt quãng giữa hai chữ thì chưa sao. Hy vọng còn tràn trề. Chỉ khi nào nàng đổi giọng cau có, thì hy vọng gần như tiêu tùng, liệu tìm lời năn nỉ thì hơn! Và từ "đi" bỗng hoá vô nghĩa, biến dạng thành một thứ gì rất… kỳ cục, người viết không biết phải giải thích sao cho ổn.

 

(Ngô Nguyên Dũng)








Không có nhận xét nào: