NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ PHẬT THẦY TÂY AN VÀ CÁC ĐẠI ĐỆ TỬ
TRỊNH BỬU HOÀI
Chùa Tây An là một trong bốn di tích được xếp hạng cấp quốc gia của khu danh thắng núi Sam, một khu du lịch cấp quốc gia. Chùa được Tổng đốc An Hà Doãn Uẩn, tên thật là Doãn Ôn, xây dựng năm 1847. Tên chùa mang ý nghĩa bình an cho vùng đất phía tây.
Liên quan đến ngôi chùa, có một người được dân gian tôn vinh là Phật Thầy Tây An dù ông chưa một ngày khoác áo cà-sa và trụ trì ngôi chùa nầy. Đó là Đoàn Minh Huyên, sinh năm 1807 tại làng Tòng Sơn, trấn Vĩnh Thanh, nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, mất năm 1856 tại núi Sam, tỉnh Châu Đốc. Tuy lý lịch ghi rõ ràng như vậy, nhưng thân thế ông là một điều bí ẩn. Theo các tài liệu xưa để lại, vào khoảng giữa thế kỉ 19, một người đàn ông đi ghe buôn đến vàm Tòng Sơn thì ghé lại và lên đi bộ theo bờ rạch. Được một quãng, ông thấy dân làng rất đông tụ lại kéo cây đa do giông gió xô ngã chắn ngang con rạch làm xuồng ghe không qua lại được. Cả nhóm mấy chục người lớp kéo lớp đẩy ì ạch mà cây đa vẫn trơ trơ bởi nó to quá, trong khi xuồng ghe bị kẹt kéo dài hàng trăm mét. Thấy vậy, ông bước xuống nói mọi người để ông tiếp một tay. Thấy ông gầy gò ốm yếu ai cũng phì cười, nhưng lạ thay, khi ông nắm dây kéo nhẹ thì như có sức mạnh vô hình, cái cây to dạt ngay lên bờ rạch. Ai cũng reo hò mừng rỡ, xuồng ghe vẫy chào tạ ơn dân làng rồi thong thả chèo đi. Đến khi mọi người quay lại, người đàn ông kia đã đi đâu mất. Đó là lần đầu tiên Đoàn Minh Huyên xuất hiện tại Tòng Sơn, nơi được cho là quê quán của ông nhưng người làng từ già trẻ bé lớn không một ai biết ông. Sau đó, ông vào tá túc ở mái hiên sau của đình làng. Ông thường hay đốt lửa nấu nước nấu cơm, bác Từ đình thấy ông hơi quái gở, khác người nên lo lắng có ngày cháy Đình, tới nhắc nhở nhưng ông trấn an, không bao giờ có chuyện cháy lan đâu. Bác Từ Đình bán tín bán nghi, lúc nào cũng để mắt tới ông.
Khi làng Tòng Sơn phát bệnh dịch tả và nhanh chóng lây lan, chức việc của làng và dân chúng cùng nhau làm gà làm vịt tổ chức cúng tống ôn tống dịch. Ông đứng ra khuyên ngăn là hãy mua bông cúng Phật, đừng sát sinh nữa, rồi ông sẽ trị bệnh cho. Dân làng cho rằng ông khùng nói nhảm nên đuổi đi nơi khác. Lúc nầy ông mới xưng tên mình là Đoàn Minh Huyên, người của làng, sau thời gian lưu lạc nay trở về. Dân làng ngạc nhiên vì không ai biết ông. Tìm những người họ Đoàn đến cũng không ai nhận ra ông. Sau đó, có hai người cao tuổi là Đoàn Văn Viên, Đoàn Văn Điểu đến gặp ông truy hỏi nguồn gốc và nhận nhau là anh em chú bác. Biết ra thân thế, dân làng xin lỗi và khuyên ở lại nhưng ông cương quyết ra đi. Khi ông xuống xuồng bơi đi, anh em ông Điểu và ba người dân làng cũng xuống một chiếc xuồng khác bơi theo. Có một điều lạ là chỉ bơi với một miếng tre nhỏ nhưng xuồng của ông cứ băng băng vượt lên phía trước, xuồng ông Điểu có năm người năm dầm nhưng cứ rơi lại phía sau cho đến khi xuồng ông mất hút. Từ đó, nơi nào có dịch là ông đến chữa trị cứu dân. Ông qua Trà Bư rồi Xẻo Môn, vùng giáp ranh giữa Long Xuyên và Sa Đéc. Làng Tòng Sơn tiếp tục bị dịch hoành hành, người ta tìm đến và ông chỉ cách về chữa trị. Tiếng lành đồn xa, người ta kéo đến trị bệnh ngày càng đông, ông vừa bốc thuốc vừa giảng dạy học Phật tu nhân, được nhiều người tin tưởng. Ông đề ra thuyết Tứ Ân rất cụ thể, hòa nhập cuộc sống nhưng vô cùng ý nghĩa. Tứ ân gồm có bốn ơn mà làm người ai cũng phải giữ, đó là ơn cha mẹ tổ tiên, ơn đất nước, ơn tam bảo (Phật, pháp, tăng), ơn đồng bào nhân loại. Bỗng có người tố cáo ông là gian đạo sĩ, chánh quyền địa phương lo ngại báo về quan Tổng Đốc tỉnh An Giang. Quan cho mời ông đến tra hỏi, cuối cùng xét thấy ông chỉ chữa bệnh cứu người và dạy dân ăn hiền ở lành, không làm gì phạm pháp, nhưng vẫn đề phòng ông xách nhiễu dân nổi loạn chống triều đình như một số nơi khác nên đưa ông lên núi Sam (Châu Đốc) vào ở chùa Tây An để dễ bề quản thúc.
Tại chùa Tây An, ông vẫn tiếp tục bốc thuốc cứu người, dạy võ nghệ cho thanh niên trong làng và tiếp tục truyền đạo, thu phục nhiều đệ tử. Trụ trì chùa Tây An lúc nầy là thiền sư Hải Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Giác, thấy ông là người trung thực, hiền lành, đạo hạnh cao thâm nên ủng hộ ông hành đạo. Những người quy y theo ông được cấp một lòng phái có đóng triện son với bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương.
Ông hành đạo ở chùa Tây An núi Sam vỏn vẹn chỉ sáu năm nhưng được người đời tôn kính và gọi là Phật Thầy Tây An. Ông không đơn thuần một bậc chân tu mà còn là một chí sĩ yêu nước. Ông thu nhận nhiều đệ tử, trong đó có 12 đại đệ tử nổi bật kỳ tài và sau khi đi thực địa vùng Thất Sơn và biên thùy Châu Đốc, ông thành lập một số trại ruộng và giao mỗi nơi cho một đại đệ tử dẫn tín đồ về nơi đó khẩn hoang sản xuất. Một đoàn do Đạo Lành tức Quản Cơ Trần Văn Thành về Láng Linh, lập trại ruộng Bửu Hương Các ở rừng Bảy Thưa, nay là xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, An Giang. Đoàn thứ hai vào Thất Sơn khai phá dưới chân núi Kéc (Anh Vũ Sơn) lập nên hai trại ruộng Hưng Thới và Xuân Sơn do hai ông Bùi Văn Thân tức Tăng Chủ Bùi Thiền Sư và Bùi Văn Tây tức Đình Tây chỉ huy. Hai trại ruộng qui tập được nhiều lưu dân nên thành lập hai làng Hưng Thới và Xuân Sơn (nay là xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên). Tại đây, người dân đã xây dựng đình Thới Sơn và hai trại ruộng, hình thành hai ngôi chùa là Phước Điền và Thới Sơn (còn gọi là chùa Lâm Vồ). Tôn chỉ của Bửu Sơn Kỳ Hương không thờ tượng Phật mà chỉ thờ đơn giản một tấm trần điều (vải đỏ). Cánh thứ ba do Đạo Ngoạn (Đặng Văn Ngoạn) chỉ huy khai phá vùng Đồng Tháp Mười, mở ra một khu vực rộng lớn ở rạch Trà Bông, sông Cần Lố, rạch Ông Bường, nay thuộc xã Nhị Mỹ, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp. Người dân xây dựng một ngôi chùa bên rạch Trà Bông gọi là chùa Ông Chín. Cánh thứ tư do Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến) dẫn tín đồ về khai thác khu vực Cái Dầu (nay là thị trấn Cái Dầu và xã Bình Long, huyện Châu Phú), lập nên chùa Long Thới. Thực chất, những trại ruộng nầy không đơn thuần là khai hoang, lập làng, sản xuất, mà Phật Thầy Tây An đã nhìn thấy sự nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp ngày càng bộc lộ ý đồ xâm chiếm Việt Nam. Các trại ruộng đều nằm ở những khu vực có địa thế hiểm trở, thích hợp làm căn cứ kháng chiến hơn là sản xuất. Láng Linh là vùng bùn lầy ẩm thấp, cây Bảy Thưa mọc dày đặc; Hưng Thới và Xuân Sơn là vùng đất cao, thiếu nước, đất nhiều cát sỏi hơn phù sa. Trong khi còn nhiều nơi hoang hóa bên bờ kinh Vĩnh Tế và sông Hậu, sông Tiền nhưng ông không khai thác.
Đoàn Minh Huyên và Bửu Sơn Kỳ Hương chủ trương tu tại gia qua thuyết Tứ Ân, được đông đảo người dân vùng biên thùy Châu Đốc tin tưởng và ngưỡng mộ, trở thành mối đạo bản địa đầu tiên được dân gian tín ngưỡng và tôn vinh dù không ai xưng là giáo chủ cũng như không có trụ sở hay thánh địa. Tất cả đều tồn tại trong lòng người.
Tuy tài liệu ghi lại rõ ràng như vậy, nhưng thân thế của ông khá bí ẩn. Thuở nhỏ đi học với ai, lớn lên làm nghề gì, sinh sống như thế nào, không ai biết. Nhưng ông lại là một người hay chữ, giỏi võ nghệ và có nghề bốc thuốc chữa bệnh. Dân làng Tòng Sơn không hề biết đến ông, cho đến khoảng giữa thế kỉ 19 ông xuất hiện và phải nhắc nhở gốc tích một số người họ Đoàn mới nhận ra ông là họ hàng. Lúc nầy rất nhiều câu chuyện được thêu dệt quanh ông. Có người xem ông như vị thánh, có người nghĩ ông là kẻ lập dị, có người coi ông là gã khù khờ. Có người nghi ông là con nhà danh gia vọng tộc hoặc quan quyền xứ khác trôi giạt về đây, vì làng Tòng Sơn vốn rất nghèo, không ai có thể nuôi con học hành giỏi giang như thế. Thậm chí, có tài liệu dựa vào bộ Kim Cổ Kỳ Quan của ông Nguyễn Văn Thới (Ba Thới) rồi diễn giải nói ông là con của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, bị Gia Long chu di nên cải trang, thay tên đổi họ vào đây lánh nạn. Giở lại lịch sử, Nguyễn Huệ tự là Hồ Thơm, con ông Hồ Phi Tiễn, sinh năm 1753 và mất năm 1792, chỉ thọ 40 tuổi, còn Đoàn Minh Huyên sinh năm 1807, mất năm 1856, thời gian không trùng khớp nhau sao là cha con được. Trong khi đó ông Nguyễn Văn Thới sinh năm 1866, cũng chưa từng gặp ông Đoàn Minh Huyên, cho nên dựa vào Kim Cổ Kỳ Quan để nói về thân thế của Phật thầy Tây An chỉ là suy diễn.
Các đại đệ tử của Phật thầy Tây An trong thời gian hành đạo và hành thiện cũng để lại nhiều giai thoại, truyền thuyết trong dân gian. Năm 1867 Pháp chiếm An Giang thì Trần Văn Thành dấy binh tại trại ruộng ở Láng Linh tạo nên cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa oanh liệt, tiếc rằng lực lượng và vũ khí không cân sức nên chỉ kéo dài được 6 năm.
Đầu năm 1873, quân Pháp tìm cách chiêu dụ Trần Văn Thành và các nghĩa binh ra hàng. Chúng gởi thư cho ông với lời hứa trọng thưởng nếu chịu hợp tác. Ông khước từ và quyết tâm kháng chiến. Không chiêu dụ và mua chuộc được ông, vào tháng 3 năm 1873 giặc Pháp tập trung lực lượng hùng hậu mở cuộc càn quét qui mô vào căn cứ. Tinh thần chiến đấu của nghĩa quân rất kiên cường nhưng do hỏa lực của địch quá mạnh, các đồn dần dần bị phá vỡ. Ngày 20 tháng 3 năm 1873 nhằm ngày 21 tháng 2 âm lịch, quân Pháp tấn công đồn Hưng Trung là tổng hành dinh của nghĩa quân do Trần Văn Thành chỉ huy. Ông và các nghĩa quân đã xả thân chiến đấu, nhưng chỉ cầm cự được đến tối thì đồn thất thủ. Tương truyền, sau khi quân Pháp rút đi, ông Trần Văn Đinh, một người thân cận với gia đình Trần Văn Thành quay lại chiến trường thấy 8 xác nghĩa quân còn nằm đó. Ông xem kỹ thì thấy có cả thi thể Trần Văn Thành nên vội vã chôn 7 người, còn xác Trần Văn Thành ông dùng vải bó lại rồi chạy đi cấp báo cho bà Nguyễn Thị Thạnh và gia đình. Khi bà Thạnh (vợ Trần Văn Thành) và các con đến thì không còn thấy xác ông. Mọi người và giặc Pháp không tìm được thi thể ông, nhưng có lẽ ông đã hi sinh trong chiến trận này. Vợ con ông và một số nghĩa quân thoát được khỏi vòng vây. Dù không để lại mồ mả, nhưng hình bóng ông vẫn sống mãi trong ký ức bao người.
Một đại đệ tử khác là Đình Tây, người được Phật thầy Tây An giao nhiệm vụ cùng với Bùi Tăng chủ lập trại ruộng Hưng Thới và Xuân Sơn. Dân gian kể lại cách đây hơn 150 năm, ông Bùi Văn Tây, thường gọi Đình Tây, trong lần đi Láng Linh đã tình cờ giúp một sản phụ chuyển dạ một mình trong chòi ruộng giữa đồng sâu. Khi anh chồng về tới thì mọi chuyện đã xong, thấy mẹ tròn con vuông, người chồng quá vui mừng và rối rít cảm ơn ông Đình Tây. Anh lấy từ trong rộng ra một con sấu nhỏ màu đỏ, có điểm những chấm hoa rất đẹp, nói là vừa bắt được đêm qua và thấy ngộ nên mang về. Anh ta trao tặng cho ông Đình Tây như một kỉ niệm và tạ ơn vì anh quá nghèo không có gì hơn. Ông Đình Tây thấy con sấu có tới năm cái chân, vừa lạ vừa đẹp nên nhận và mang về nuôi. Một lần Phật thầy Tây An đến chơi ông mang ra khoe, xem xong Phật thầy bảo ông đem giết, không nên nuôi vì sau nầy lớn lên nó sẽ trở thành con ác thú gây hậu họa khôn lường. Ông Đình Tây không nỡ giết con sấu bé nhỏ dễ thương như thế, nên ông lén Phật thầy mang về trại ruộng Xuân Sơn tìm chỗ cất giấu, cột dây và trông chừng cẩn thận. Chỉ vài năm sau nó lớn rất nhanh và có sức mạnh vô song. Ông Đình Tây dùng dây xích cột chân nhưng trong một đêm mưa gió nước tràn ngập nó đã cắn đứt chân mình để thoát thân. Ông Đình Tây rất lo lắng và cất công đi tìm nhưng không gặp nên báo cho Phật thầy biết. Nghe tin, Phật thầy buông tiếng thở dài rồi lấy cho ông Đình Tây năm món bảo bối gồm hai cây lao, một lưỡi câu, một lưỡi mun, và một cuộn dây, bảo tiếp tục đi tìm và bằng mọi cách phải bắt con sấu nầy lại. Các bảo vật nầy hiện nay vẫn còn lưu niệm tại khu mộ và đền thờ ông Đình Tây ở xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, An Giang.
Thời gian sau, có người từ Láng Linh lên cho hay con sấu mà người ta gọi là Năm Chèo bởi có năm chân, nổi lên cắn phá và bắt người, gia súc để ăn thịt. Ông Đình Tây vội vàng mang bảo bối đến nhưng chờ mãi vẫn không thấy sấu xuất hiện. Ông vừa quay về thì sấu lại nổi lên phá phách làng xóm. Có lúc thấy sấu hung dữ quá người dân hoảng hốt kêu đại tên ông Đình Tây ơi đến cứu, sấu vội vàng lặn mất. Một lần, ông Đình Tây đến Láng Linh ở suốt nửa tháng trời quyết chờ bắt cho được Năm Chèo nhưng nó vẫn biệt tăm. Cảm thấy mỏi mòn, ông đành quay về sau khi ra bờ sông nói to: “Nếu sấu thần ngươi chưa tới số thì từ nay hãy yên lặng mà tu hành, đừng lên phá hại xóm làng nữa. Còn như mạng đã hết thì lên đây sớm chịu lệnh trời, đừng để ta nhọc công truy tìm”. Lạ thay, từ đó về sau sấu không còn nổi lên phá phách. Người ta kể rằng trong cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, khi bị giặc Pháp với hỏa lực mạnh bao vây, một số Binh Gia Nghị mở đường rút khỏi căn cứ nhưng bị đám lúa quá dầy cản trở, đoàn xuồng không di chuyển nhanh được trong khi giặc Pháp rượt tới ở sau lưng, chợt có một con sấu thật to nổi lên vẹt đường cho đoàn binh rút nhanh an toàn. Trong cơn nguy khốn, mọi người tin là Năm Chèo đã nổi lên cứu giúp nên bái tạ ông. Dân gian nói rằng sau lần đó Năm Chèo đã về nằm ẩn thân dưới lòng sông Vàm Nao nhưng sự thật chẳng còn ai thấy con sấu nầy nữa. Những trận sóng to gió lớn làm nước xoáy nhận chìm tàu ghe, người ta nói do ông Năm Chèo trở mình hoặc quẫy đuôi. Các lần sạt lở gây thiệt hại đường xá, hoa màu, nhà cửa hai bên bờ sông, người ta cũng cho rằng do ông Năm Chèo “cựa quậy”. Thậm chí, có người còn tiên tri sau nầy đời tới phải chạy qua sông Vàm Nao, nơi đó có ông Năm Chèo nằm chờ sẵn từ hàng trăm năm qua. Khi ấy ông sẽ nổi lên như chiếc cầu phao, ai hiền ông cúi đầu cho qua, ai dữ ông hả miệng ra cho chạy tuốt vô bụng.
Có lần Phật thầy Tây An vào thăm trại ruộng, thấy trước cửa có một con cọp ngồi ủ rũ, ông liền bước đến hỏi:
- Ngài bị bệnh hả?
Cọp đưa đôi mắt lờ đờ mệt mỏi nhìn ông rồi gật đầu. Phật thầy vừa bước vào trại ruộng vừa kêu lớn:
- Ông Tăng Chủ ơi, ra xem ông hổ nầy bị bệnh gì mà ốm yếu quá.
Bùi Tăng Chủ đi ra, đến bên cọp quan sát thấy nó chảy nước dãi lòng ròng bèn hỏi:
- Ông bị mắc xương hả?
Cọp gật đầu lia lịa.
- Ông chịu khó ngồi yên, ráng chịu đau tôi trị cho nghen.
Bùi Tăng Chủ đến đè đầu cọp xuống rồi đấm mạnh vào cổ cúc. Cọp khạc một cái văng ra khúc xương lớn. Ông phủi tay đi vào sau khi nói:
- Xong rồi đó, về ráng ăn bồi dưỡng cho khỏe mạnh. Sau nầy ăn uống nhớ kỹ lưỡng, cọp mà ốm yếu như cọp giấy người ta cười chết. Thôi đi đi.
Cọp đứng dậy vươn vai, ánh mắt hàm ơn cúi nhìn hai ông rồi bỏ đi. Phật Thầy nói với theo.
- Khỏe mạnh rồi nhớ bảo vệ trại ruộng và dân làng chớ đừng phá phách nghe.
Ba hôm sau, hổ cõng xác một con heo rừng đến để trước trại ruộng, tạ ơn cứu mạng của ông Tăng Chủ. Giai thoại nầy dân làng Thới Sơn ai cũng biết.
Trịnh Bửu Hoài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét