Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Không Nên Hiểu Sai Ý Nghĩa Của Từ “Giúp Đỡ” - Dịch giả: Nguyễn Sơn Hùng

Không Nên Hiểu Sai Ý Nghĩa Của Từ “GiúpĐỡ”

FUKUZAWA Yukichi (*)

Dịch : Nguyễn Sơn Hùng

***

Trong cuộc sống, khi con cái đã ra riêng và sống bằng sức mình, cha mẹ không nên can thiệp vào. Ngay cả quan hệ giữa cha mẹ và con cái, quan hệ thiêng liêng nhất của con người, đã vậy nói chi đến quan hệ với người khác. Đối với bà con thân tộc hoặc bạn bè không nên can thiệp dư thừa là điều quá dễ hiểu. Tuy nhiên, nhìn vào thế gian rộng lớn này, chúng ta sẽ thấy thường xảy ra việc can thiệp dư thừa vào cuộc sống người khác để rồi gây ra bất mãn, phiền hà lẫn nhau cho cả hai bên, can thiệp và bị can thiệp.


Bên bất mãn cho đó là can thiệp dư thừa vào chuyện người khác. Còn bên can thiệp lại nói thấy đối tượng đang gặp khó khăn thật sự nên khuyên bảo, giúp đỡ nhiều lần nhưng bên kia chẳng chịu nghe. Sau đó cả hai bên bất bình, bất mãn lẫn nhau, tiếp theo sinh ra xung đột, chống đối. Cha mẹ và con cái bất hòa; thân thuộc cãi vã, gây gổ. Thay vì sống vui vẻ lại trở thành cảnh ngộ đau khổ và khó chịu.


Kết cuộc, khi tìm hiểu nguồn gốc, biết ra là do hiểu ý nghĩa của từ “giúp đỡ” không đúng hoặc không hiểu đến nơi đến chốn.


Hỗ trợ chi phí sinh sống hay cung cấp ăn mặc ở, hoặc gián tiếp dạy phương cách hoặc cung cấp phương tiện để đối tượng có ăn mặc ở, các việc này gọi là “giúp đỡ”. Hoặc không liên quan đến bảo hộ sinh kế nhưng chỉ lắng nghe vấn đề khó khăn và góp ý giải quyết cũng gọi là “giúp đỡ”. Như vậy “giúp đỡ” có hai ý. Nếu xem xét, tra cứu nghiêm túc cái “giúp đỡ” đã trở thành nguyên nhân bất bình thuộc về ý nào trong hai ý nói trên thì sẽ rõ ràng minh bạch được ai đúng, ai sai.


Khi tự bản thân chưa sống độc lập, còn trực tiếp hoặc gián tiếp nhận bảo hộ hay chịu ân huệ của người khác, tùy theo tình huống nên nghe theo chỉ thị hoặc phải tôn trọng mệnh lệnh của người bảo hộ hoặc người hỗ trợ. Đó là lẽ đương nhiên dù đối tượng can thiệp vào đời sống của mình cũng không nên bất bình.


Không bảo hộ hay hỗ trợ thực tế bằng vật chất hoặc tiền bạc mà chỉ vì lòng tử tế góp ý hoặc khuyên bảo, trường hợp này nếu đối tượng không nghe theo, cũng không có lý do gì bất bình.


Thí dụ trường hợp con cái của gia đình giàu. Chúng ỷ vào tài sản cha mẹ, ở nhà cha mẹ cất, mặc y phục do cha mẹ cung cấp, không những sáng tối sống đầy đủ lại có thể tự ý xa xỉ. Đối với người đời chúng trang điểm trau chuốt đẹp đẽ ngoại hình, lời nói hay cử chỉ làm dáng như người trưởng thành. Đối với cha mẹ chúng đỏi hỏi được tự do, không muốn bị câu thúc ràng buộc, khi không được như ý thì lớn tiếng nói cha mẹ can thiệp dư thừa hoặc quá đáng.


Hoặc trường hợp của ông chú hay ông bác ngoan cố ở thôn quê. Ông lấy oai nghi của bậc bề trên trong thân tộc tự ý vào nhà người cháu còn nhỏ tuổi. Ông không có hỗ trợ gì cho cháu nhưng nhận chi viện từ thân tộc của nó. Ông lại thường can thiệp, chen vào chuyện gia đình của cháu. Không những làm phiền khổ người cháu, ông còn bất bình, bất mãn nó không chịu nghe lời ông.


Cả hai trường hợp phải nói là đều hiểu sai ý nghĩa từ “giúp đỡ”.


Tóm lại, đối với trường hợp hỗ trợ sinh kế, tiền bạc cụ thể, bên nhận nên tiếp nhận “giúp đỡ” cùng với việc thực hiện theo chỉ thị, mệnh lệnh ứng với trình độ của nội dung. Nhưng nếu chỉ đơn giản là góp ý, khuyên bảo thì không nên bất bình khi đối tượng tiếp nhận không nghe theo. Phải hiểu rằng trong xã hội con người, đạo lý của “giúp đỡ” dựa trên nguyên tắc “cho và nhận”.


Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6/2017


(*) Nguồn: Truyện số 30 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.










Không có nhận xét nào: