Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Còn Tiền Còn Bạc Còn Đệ Tử - An Hoàng

           

                 

     Còn Tiền Còn Bạc Còn Đệ Tử

Câu  nói của cổ nhân thường như đinh đóng cột vì trải qua bao đời, bao thế hệ, mới đúc kết thành... như hai câu dưới đây tôi mượn của người xưa, nói về thế thái, nhân tình là "phù thịnh", chứ không ai "phù suy" bao giờ:
                   Còn tiền còn bạc, còn đệ tử
                   Hết cơm hết rượu, hết ông tôi!

Ấy thế mà..
Chiều 29 Tháng Tư năm 1975, trước một ngày Sài Gòn rơi vào tay Cộng Sản, tôi vẫn còn một đệ tử trung thành, là một anh hạ sĩ đào binh.
Giờ đó, tôi đâu còn tiền bạc mà cho anh ta nữa! Tôi bỏ cả tháng lương Thiếu Tá một vợ 3 con (hơn bốn chục ngàn đồng), không màng đi lãnh (không phải chê tiền chê bạc mà đầu óc rối bời lo cho vợ con nên quên) và cũng hết cơm, hết rượu để mời anh ta ăn một bữa cơm thanh đạm. Vậy mà anh ta vẫn gọi tôi bằng hai tiếng "ông thầy", thay cho Thiếu Tá, kể ra chàng ta cũng biết thời thế, rất nguy hiểm khi gió đã đổi chiều:

                    "Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
                     Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do"

Tôi làm Trưởng Khối điều hành ở TTQT/TƯ, coi ba bốn trăm quân phạm, đối diện với Trại Đào Bá Phước (BCH/BĐQ ) hàng ngày đi làm vẫn gặp Th/Tướng ĐKG , CHT . Tôi ở sau Trại Đào Bá Phước, một khu gia binh, hậu cứ của Tr/Đoàn 52/SĐ18BB. Tên đệ tử đó do Tr/úy trưởng trại, một thuộc cấp chọn cho tôi. Ngày nó về văn phòng, lầm lũi, trông không cảm tình, tôi gọi xuống trại hỏi Tr/úy trại trưởng: " Này Tr. , không còn anh chàng nào khá hơn à?" và được trả lời: "Trông vậy, chứ ngon lành và trung thành lắm xếp ơi!" Và tôi tin ở thuộc cấp của mình như một người biết "dụng nhân như dụng mộc".
Chiều 29 Tháng Tư 1975, người đệ tử này chạy đến nhà, thúc dục: "Không xong rồi, thầy cô và các em phải ra khỏi nhà ngay, ở lại nguy hiểm lắm, tụi "nằm vùng" có đầy trong trại. Thế là anh ta lái chiếc xe thùng Samba chở chúng tôi tới nhà quen của anh. Tôi chỉ kịp quăng cây AR-18 của người em họ (dân Biệt Kích) cho, quơ ít quần áo, vài hộp sữa, bình nước nóng cho con bé con chưa đầy năm, và không quên mang theo cây colt 45 với một băng đạn (không cho vợ con biết), dắt trong người.
Tối hôm đó, chúng tôi ngủ trên sân thượng một cao ốc ba tầng, đầu đường Lý Thái Tổ, nhìn ra thấy Tượng Phù Đổng Thiên Vương ở bùng binh (không biết là Ngã Năm hay Ngã Sáu gì đó). Tôi không ngủ được, ba đứa con nhỏ dại chả biết gì (đứa lên 6, đứa lên 3, còn đứa chưa đầy năm).  Nếu ngày mai là một New Year thì sẽ là một chiều vui biết mấy: NEW YEAR  EVE. Nếu là một ngày Mừng Chúa ra đời, một CHRISTMAS EVE mang đầy ơn phước... nhưng không! Ngày ấy là một ngày nước mất, nhà tan:
                  Ta mất người như người đã mất tên  
                   Như giòng sông nước quẩn quanh buồn
                   Ta hỏi thầm em có nhớ không...

Tôi tự hỏi lòng mình :

Trước giờ hấp hối của chúng ta
Biết nói gì đây, chốn quê nhà
Con thơ, vợ dại, đời cô thế
Phía trước bầu Trời hay bãi tha ma? 
 
Sau ngày đó, tôi không được gặp lại người đệ tử còn nghĩ đến mình lúc ngã ngựa. Anh ta đi tuyệt tích giang hồ. Tôi nhớ những ngày anh này phục vụ mình: lau bàn lau ghế, pha cho tôi từng ly cà phê, cốc nước cam, bảo vệ an ninh... và tôi đã đối xử với anh  bằng tình nghĩa thầy trò, không hách dịch, Tết nhất còn lì xì cho nữa!
Anh trả ơn tôi như thế là quá đủ rồi! Nếu anh không khuyên tôi và gia đình chiều 29 tháng Tư ra khỏi nhà, không biết chuyện gì sẽ xẩy ra trong lúc tranh tối tranh sáng, quân hồi vô phèng, tên bay đạn lạc... Phải nói chính tôi còn "nợ" anh thì đúng hơn!
Sài Gòn giờ thứ 25 ngày đó  là một vùng đất LAND OF NO LAWS!  Đám Cộng Sản 75, đám đeo băng đỏ, có súng trong tay, dễ trở thành những kẻ sát nhân, giết người vô tôi vạ mà không cần license to kill !   
 Người đệ tử cuối cùng trong đời, nay chẳng biết ở đâu, có còn trên cõi đời này hay đã về bên kia thế giới, chỉ có Trời mới biết!  Nếu được gặp bây giờ, chắc gì tôi còn nhận ra anh!  46 năm chứ đâu phải một giấc ngủ trưa!
N. ơi ! Tao vẫn còn nợ mày một cái ơn, mày có biết không?

                                    AN HOÀNG 




Không có nhận xét nào: