Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Chữ Nghĩa Làng Văn 34 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

            Chữ Nghĩa Làng Văn 34

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.


***

 

Chữ Việt cổ


Do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại…


Bàn thối: bàn tọa


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Tục ngữ, thành ngữ


Tục ngữ là những câu nói gọn ghẽ và có ý nghĩa lưu hành tự đời xưa, rồi do cửa miệng người đời truyền đi.


Thành ngữ là những lời nói do nhiều tiếng ghép lại đã lập thành sẵn, ta có thể mượn để diễn đạt một ý tưởng của ta.


Sự khác nhau của tục ngữ và thành ngữ là ở chỗ này: 

Một câu tục ngữ tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ, còn như thành ngữ chỉ là những lời nói có sẵn để ta tiện dùng mà diễn một ý gì hoặc tả một trạng thái gì cho có màu mè.

(Việt Nam Văn Học Sử Yếu - Dương Quảng Hàm)



Tớ

Tớ : con đòi

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 


Chữ là nghĩa

Trong Kiều có câu “Giấc hương quan luống lẫn mơ canh dài”.

hương quan hương: làng. quan: cổng (làng).

 


Ghép chữ Nôm

Chữ “ở” đem ghép với chữ khác ta có: 

ở ác, ở ẩn, ở cữ, ở bạc, ở chung, ở dơ, ở đậu, ở đợ, ở giá, ở góa, ở không, ở lính, ở ngoải, ở rể, ở riêng, ở tù, ở trần, ở trỏng, ở truồng, ở vậy...

(Tiếng Việt Hồn Việt – Lê Thương)



Hát chèo 

 

Chèo sử dụng tối thiểu là hai loại nhạc cụ dây là đàn nguyệt đàn nhị và cả sáo nữa. 

Ngoài ra, nhạc công còn sử dụng thêm trống và chũm chọe. Bộ gõ đầy đủ thì có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ. Trống con để giữ nhịp cho hát, cho múa và đệm cho câu hát. Có câu nói "phi trống bất thành chèo" chỉ sự quan trọng của chiếc trống trong đêm diễn chèo. 


(nguồn: ttvhq5.com.vn)



Con Lợn khác con heo chỗ nào?

 

Miền Bắc có lợn sề, lợn nái, lợn giống, lợn cấn, lợn sửa, lợn choai, lợn thóai, lợn ỷ.

 

Miền Nam có heo nhà, heo ruộng, heo bông, heo lang, heo cỏ, heo bò, heo nọc, heo hạch, heo nái, heo nưa, heo lứa, heo mọi.

 


Đã có một thời…

Đi tìm ông nặn tượng

Vài nét chính về cuộc đời Nguyễn Thanh Thu



(chân dung người lính 

làm mẫu cho tượng)


Chúng tôi đến bên bức tượng  nhỏ Tiếc Thương, anh còn để bên những bức khác trên kệ. Đây là hình tượng lúc ban đầu của khi anh bắt tay vào sáng tác “Tiếc Thương” và được dựng tại Nghĩa Trang Quân Đội vào ngày 1-11- 1966. Hình dung lại khung cảnh đó, tôi không khỏi bùi ngùi. .  

Hỏi đến chuyện gia đình, anh Thu cho biết: hiện nay anh đang sống cùng với vợ và 7 người con. Quán Cà Phê Tượng Đá cũng đủ sống. Trước đây anh là sĩ quan QĐVNCH, cấp bậc sau cùng là Thiếu Tá Quân Nhu, phụ trách tổng quát về các công trình ở Sài Gòn và đặc trách về Nghĩa Trang Quân Đội. Tôi hỏi anh có ý định ở hẳn lại Việt Nam với gia đình anh không?
Anh cười:
– Nếu có một người nào đó yểm trợ cho công trình dựng tượng của tôi thì tôi sẽ ở lại thực hiện nó cho đến cuối đời, không đi đâu nữa cả. Nhưng nếu không có người tài trợ, có lẽ tôi sẽ trở lại nơi định cư như những người khác thôi.


Tôi viết bài này chỉ có mục đích thông tin về người nghệ sĩ tài hoa đã làm nên một Bức Tượng Tiếc Thương để lại trong lòng mọi người và anh có dịp tâm sự với bạn đọc.

(Văn Quang)

 


Câu đố dân gian

Đi nhăn răng, về nhăn răng
(cái cào cỏ)

 


Đã có một thời…

Thanh Nam


Tôi viết về Thanh Nam, một người bạn thân trong số vài người bạn thân của tôi từ xưa tới nay. Khi Thanh Nam mất ở Mỹ, tôi hoàn toàn không biết và dù có biết cũng chưa thể “nói gì” với nhau được khi VN còn “mù internet” và hoàn cảnh của tôi cũng chẳng dễ chịu chút nào.


Thấm thoát thế mà đã hơn hai mươi năm. Ngày giỗ Thanh Nam lại đến. Tôi chỉ còn nhớ có một người bạn nào đó gửi cho tôi vài tấm hình về những ngày tháng cuối cùng của Thanh Nam, có các cháu Mai Hương, Quỳnh Giao… đến bên giường bệnh hát cho chú nghe lần cuối. Những chi tiết làm tôi cảm động. Bùi ngùi nhớ lại khoảng thời gian dài chúng tôi sống và làm việc cùng nhau từ tòa soạn báo Điện Ảnh của anh Nguyễn Ngọc Linh rồi đến Kịch Ảnh của ông Quốc Phong. Nhưng nhiều kỷ niệm nhất vẫn là những ngày tháng 


Thanh Nam chưa lập gia đình. Hầu như mỗi buổi tối chúng tôi thường ngồi với nhau hoặc ở một quán cà phê, hoặc ở một quán ăn, hoặc ở một dancing nào đó, mà thường là Tự Do, Mỹ Phụng giữa Sài Gòn. Có Thanh Nam là có Mai Thảo, Hoài Bắc, đôi khi có cả các anh Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ. Các ông này uống rượu tì tì, tôi thì không dám uống vì bịnh bao tử, nên chỉ ngồi ăn giỗ mồi. Có khi các ông ấy say khướt, người tỉnh nhất là tôi nên phải lái xe đưa các ông về từng nhà. Có lúc hứng, tan tầm ở tiệm nhảy Baccara đã là 3-4 giờ sáng, các ông ấy đòi đi Vũng Tàu - Đà Lạt cùng với mấy em ca-nhe nổi máu điên bất tử, tôi cũng lại là người lái xe. Từ ngày Thanh Nam lập gia đình với Túy Hồng, chàng có vẻ ngoan hơn và tôi cũng ít có dịp đi chơi với Thanh Nam.


(Thanh Nam trong hoài niệm – Văn Quang)



Câu đố dân gian

Đi thì nằm, nằm thì đứng

(bàn chân)



Đã có một thời…

Nhà thơ Tô Kiều Ngân từ đời lính đến Tao Đàn

Lâu lắm rồi, tôi không gặp anh Tô Kiều Ngân, mặc dù chúng tôi cùng ở chung một thành phố Sài Gòn. Được tin anh từ trần vào ngày 20-10 vừa qua khiến tôi ngỡ ngàng. 


Tô Kiều Ngân và tôi không đi theo diện HO, mỗi người có một lý do riêng. Tô Kiều Ngân ở lại, có gia đình vợ con, có nhà cửa. Còn tôi lông bông ở trọ, ở chui hết trong chợ Bàn Cờ đến Trương Minh Giảng rồi đến chợ An Đông, cuối cùng về cái chung cư Nguyễn Thiện Thuật và là “dân ABC đi ở thuê” với bốn năm cái “không”. Không bạn bè, không nghề ngỗng gì mặc dù qua 12 năm, 2 tháng 26 ngày ở “trại cải tạo”, tôi trồng rau muống rất giỏi. Khối đội phải nhờ tôi đến gieo hạt rau muống cho khu ruộng mới. Tôi gieo hạt đều lắm và… có tay nên ruộng nào cũng tốt. 


Thế mà về Sài Gòn thất nghiệp nặng. Tôi cứ nhìn mấy cài hè phố mới được đào xới lên để lát gạch mới, và ước ao rằng chỗ đó cho tôi trồng rau muống thì thành phố không thiếu rau. Cái ước mơ thật ngu xuẩn, vậy mà khi còn ở trong cái gọi là “trại cải tạo”, đôi khi tôi lại cho điều đó có thể thành sự thật! Bởi 12 năm, người ta dạy chúng tôi được có thế thôi và thành phố vào những năm đó toàn dép lốp, nón cối thì việc trồng rau ở hè phố gọi là “tăng gia sản xuất” cũng có thể được lắm chứ. Hè phố là một sự “lãng phí của bọn tư sản”. Ý nghĩ chưa hẳn là hoàn toàn ngu xuẩn.


Tôi không rõ anh Tô Kiều Ngân được tha về năm nào và cũng không biết anh ở đâu. Cái ngõ Phan Văn Trị, nơi anh ở trước kia, tôi có đến một hai lần, nhưng không chắc anh còn ở đó không. Sau này tôi mới biết tin anh ở mạn Bình Thạnh và rất ít khi lên trung tâm thành phố gặp bạn  bè. Cho đến khi trong một đám cưới, khoảng năm 2007-2008 tôi mới gặp lại Tô Kiều Ngân. Anh có vẻ khỏe mạnh hơn lần cuối chúng tôi gặp nhau trong “trại cải tạo” ở Sơn La, vào khoảng năm 1977-78.

(Văn Quang)

 


Ca dao tục ngữ thời hiện đại

Đầu bạc răng... vàng.

 


146 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Nhà văn Mai Thảo viết : 

“Những trong nắng và những ngoài nắng ấy, Nhật Tiến đã thấy đã trải qua, đã viết ra, đã thuật lại. Gọi đó là  nắng  cáo trạng, nắng bạch thư, gọi đó là nắng Ko Kra, nắng Nhật Tiến. 

Trước cái khuynh hướng muôn thuở của con người là sự kiếm tìm những tàn cây đầy bóng mát cho tâm hồn và đời sống văn chương bây giờ của Nhật Tiến, những lên tiếng không ngừng của Nhật Tiến cho thấy ông vẫn lựa chọn đứng ở đó. Ngoài nắng. Giữa nắng. Thái độ ấy có thể bị nhìn là khô cứng. Hoặc với những tâm hồn bóng rợp là một đọa đầy vô ích. Tôi chỉ nhìn thấy tự nhiên và bình thường nơi người nhà văn lưu đày ở Nhật Tiến.


Có một sự kiện mà có rất nhiều sách vở hoặc tư liệu ghi chép lại. Đó là bài  Điếu Văn nhà văn Nhất Linh  Nguyễn Tường Tam  mà nhà văn Nhật Tiến đã ứng khẩu khi hạ huyệt.


Nhà văn Nhất Linh là một lãnh tụ đối lập với chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ngày 7 tháng 7 năm 1963 ông bị đưa ra tòa để xử án nhưng ông đã tự quyên sinh để phản kháng và cho rằng đời ông chỉ có lịch sử phán đoán công tội  mà thôi và hành động đàn áp đối lập bắt giam những lãnh tụ quốc gia sẽ làm cho mất nước về tay cộng sản. Đám tang của ông bị mật vụ bao vây vì chính quyền không muốn bị  tai tiếng  với dư luận quốc tế  nhưng lại có nhiều sinh viên học sinh đến đưa tiễn.


Nhà văn Nhật Tiến ở trong phái đoàn của Trung tâm Văn bút Việt Nam  với tư cách là Phó Chủ Tịch nên có mặt lúc hạ huyệt và ông đã ứng khẩu bài điếu văn và đọc như là một cách thế phản kháng của người cầm bút trong hoàn cảnh thời thế ấy. Trong khi nhiều lãnh tụ đảng phái bị bắt giữ và các văn nghệ sĩ bị theo dõi thì hành động kể trên phải được coi như một phản ứng can đảm của kẻ sĩ không ngại ngùng vì có thể bị bắt giam bất cứ lúc nào…


(Nhà văn vẫn đứng ngoài nắng: Nhật Tiến – Nguyễn Mạnh Trinh) 

 


Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Hoàng Cầm và nhóm Nhân Văn Giai Phẩm - 1

Lúc đó tôi còn trẻ lắm và ngơ ngác giữa Hà Nội nhốn nháo khóc mếu cười cợt nghí ngố, giữa cái "chợ trời thiệt giả đâu chân lý" đó? Có một lần tôi gặp Hoàng Cầm đi băng qua đường Hai Bà Trưng, quần nâu áo sơ mi trắng dép cao su. Tôi gặp và biết anh trước đó, nên lần này gặp lại tôi nhìn rất lâu. Đối với tôi Văn Cao, Hoàng Cầm là tiên thánh chớ không phải người phàm, nên gặp họ là tôi mê mải nhìn. Có lẽ vì thấy có người ngó mình châm bẫm như vậy nên anh cũng nhìn lại tôi hơi lâu và hơi mỉm cười. 

Chắc anh không biết tôi là ai, nhưng tôi biết rõ anh: Chính Trị Viên đoàn Văn Công của Nguyễn Chí Thanh. Với chức vụ này, anh còn là Chính Trị Viên tiểu đoàn. Và phải là đảng viên. Cũng chẳng sao, thiếu gì đảng viên đồng sàng dị mộng với đảng, ly khai chạy tét ghèn nữa là đằng khác. 


Ngoài ra tôi còn được nghe hai "âm thanh majeur Hoàng Cầm" trong các cuộc đấu tố Hoàng Cầm vắng mặt ở dinh của Hoàng Cao Khải ở Thái Hà ấp. Nhiều nhà văn có tiếng đã đích thân đứng lên trước hằng ngàn văn nghệ sĩ toàn Hà Nội lớn tiếng tố cáo "tội" và bới móc sự trụy lạc của Hoàng Cầm. 


(Xuân Vũ)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Rượu bất khả ép, ép bất khả từ, thì… từ từ để tao… uống



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Hoàng Cầm và nhóm Nhân văn Giai phẩm - 2 

Nguyễn Huy Tưởng, đảng viên do Trường Chinh kết nạp, đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh, tiểu thuyết gia cự phách có bài đăng trên Nhân Văn số 2 đã đứng lên phủ nhận những điều đó là bịa đặt.

Nguyễn Huy Tưởng nói:

"Hoàng Cầm là một nhà thơ và là một nhà giáo, có trụy lạc chăng thì cũng là cái trụy lạc mà tất cả chúng ta đều có, và lắm khi say rượu và làm thơ trong lúc say. Tôi biết rõ Hoàng Cầm không phải là người trụy lạc bằng chứng là anh ấy đã đi theo suốt cuộc kháng chiến với chúng ta, đã sáng tác hơn hẳn cả nhiều người trong chúng ta nữa và còn lãnh đạo một đoàn văn công kháng chiến cho tới về Hà Nội. Tôi không bênh vực Hoàng Cầm nhưng chúng ta không nên bôi nhọ, bằng thứ nhọ lấy chính từ sự sáng tạo của chúng ta. Làm như vậy e rằng toàn bộ lời lẽ của chúng ta tố cáo Nhân Văn Giai Phẩm làm cho quần chúng nghĩ chỉ là sự bịa đặt..."


Nguyễn Huy Tưởng bị mất chức đại biểu quốc hội ở phiên họp Quốc Hội ngay sau đó, vì lời "bênh vực" này, đồng thời bị thất sủng nặng vì ngoài lời lẽ kể trên còn bị tố cáo giao du thân mật với Hoàng Cầm và Văn Cao, Nguyễn Tuân

Nguyễn Huy Tưởng đứng lên, mỉa mai: "Tôi có đi ăn chả cá với họ (tức nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) ở Hàng Chả cá, không biết đó có phải là giao du thân mật không?" . Nguyễn Huy Tưởng làm cả hội trường cười rộ lên trước cặp lông mày nhíu lại của Tố Hữu.

(Xuân Vũ)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Về hưu tính nết đổi thay
Làm việc thì ít lại hay nói gàn

 


Về khúc Tống Biệt

Nhà nghiên cứu Thạch Trung Giả viết:

"Ngậm ngùi" là nỗi buồn sâu xa thấm thía, tuy không mãnh liệt đốt xé lòng người nhưng dư vang bất tuyệt. Trong cuộc tiễn đưa, bốn người đã ngầm biết không bao giờ gặp lại nên tình cảm của họ lắng sâu như thiên cổ.

Nửa năm tiên cảnh, một bước trần ai...

Diễn tả nỗi bàng hoàng của người thấy cuộc vui qua mau như giấc mộng. Trần ai xuất từ kinh Phật ví cõi đời ô trọc và vô thường. Để rồi từ đó mạch thơ chuyển sang thơ Đá mòn rêu nhạt, nước chảy huê trôi cốt nói thêm cuộc tan vỡ này không phải là ngẫu nhiên mà là theo định luật chung của vũ trụ. 

"Cái hạc" không những chỉ chiếc xe tiên mà còn ám tỷ hạnh phúc từ đây hoàn toàn mất hút. Tiếng "thơ thẩn" như tả một người đi lẻ loi. "Bóng trăng" có thể coi như là một linh hồn trầm tư cúi xuống chứng kiến nơi đã ghi dấu một cuộc tình đẹp nhất và cũng bi ai nhất... Chữ dùng tinh vi, gợi cảm đến mức cuối cùng...".

 


Tên phố tên đường

Một người Pháp quen biết kể chuyện rằng thuở Đức chiếm đóng nước Pháp, khi kia quân đội Đức bố ráp ở một ngoại ô nhỏ tại Ba Lê để bắt ông Dupont nào đó. Cuộc bố ráp thi hành xong thì chúng bắt được tất cả tám trăm mười bảy ông Dupont. Một cựu thông ngôn nhà binh Pháp ở đây cũng kể rằng khi kia Pháp ruồng bố ở làng nọ để bắt Nguyễn Thị Hai nào đó. Chỉ một quận ấy thôi, mà họ đã bắt đến bốn mươi tám Nguyễn Thị Hai chẳn chòi.
Vậy thì họ Nguyễn chiếm đến 55 con phố ở Sàigòn – Chợ Lớn không phải là chuyện lạ. 
 

(Phố của thành phố – 1957 Bình Nguyên Lộc)

 


Tên đường phố Sàigòn sau năm 1975

Trước năm 1975, đường Duy Tân bắt đầu từ đường Hiền Vương dẫn đến nhà thờ Đức Bà đường Thống Nhất. Sau năm 1975 đường Duy Tân được đổi tên là Phạm Ngọc Thạch. 

“…Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là anh em cô cậu ruột với tôi. Anh Thạch gọi cha tôi bằng cậu ruột. Theo tôi biết cha tôi rất quý anh Thạch, thường khen ngợi tài năng đức độ của anh. Cha tôi vẫn nói: Đi làm cách mạng như Phạm Ngọc Thạch mới đúng nghĩa. Bỏ hết, bỏ tất cả, bỏ cả gia tài, sự nghiệp, vợ đẹp, con thơ... , lại học ở Pháp về…. (sau Phạm Ngọc Thạch làm ngọai giao)

 

Anh Thạch cũng rất quý mến cha tôi, hai cậu cháu cũng rất gần gũi. Cha tôi có nói cho tôi biết là: Anh Thạch rất kính phục vua Duy Tân. Vì thế, khi bỏ con đường Duy Tân để đặt tên anh, tôi thầm nghĩ có lẽ hương hồn anh cũng không được vui”. 

(Tôn nữ Hỷ Khương)


Những cái cũ & xưa nhất của Saigon

Ngôi nhà xưa nhất còn lại tại Sài Gòn nằm trong khuôn viên Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn -180 Nguyễn Đình Chiểu. 

Năm 1790, Vua Gia Long cho cất ngôi nhà này ở gần Rạch Thị Nghè làm nơi ở cho Linh mục Bá Đa Lộc và làm nơi dạy học cho hoàng tử Cảnh. Ngôi nhà được xây dựng bên bờ sông Thị Nghè trong địa phận Thảo Cầm Viên bây giờ. 


Sau khi vua Tự Đức ký hòa ước với Pháp, ngôi nhà được trao lại cho Tòa Giám Mục và được di chuyển về vị trí đường Alexandre de Rhodes hiện nay. Sau đó năm 1900 Tòa Giám Mục được xây cất tại 180 đường Richaud thì ngôi nhà gỗ lại được dời về đây làm nhà thờ của Tòa Giám Mục. 

Ngôi nhà 3 gian 2 chái, lợp ngói âm dương, sườn, cột bằng gỗ, khung cửa và các khung thờ đều được chạm trỗ công phu hình hoa, lá, chim thú, hoa văn. Trong các di vật còn lại của ngôi nhà có giá trị lịch sử, đó là đôi liễn gỗ có tám chữ triện khảm xà cừ là tám chữ vua Gia Long ban tặng giám mục Đá Ba Lộc, một bên là “Tứ Kỳ Thịnh Hy”, một bên là “Thần Chi Cách Tư”. 


Trải qua hai thế kỷ ngôi nhà không giữ được nguyên trạng nhưng đây là một di tích kiến trúc mang dấu ấn lịch sử và văn hóa. Đây là một tài sản có giá trị mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta, không chỉ là truyền thống- bản sắc dân tộc mà còn là bộ mặt quá khứ mang tính văn hóa kiến trúc, một khía cạnh văn minh tại một vùng đất mới mọc lên từ đầm lầy, kênh rạch.



Xóm Gà

Đường Lê Quang Định Xóm Gà, đi về hướng Gò Vấp, bên phải có chùa Dược Sư,  và chùa  Già lam, hai chùa Dược Sư và Già Lam là hai chùa nổi tiếng ở miền Nam, nhất là trong khoảng thời gian 1960-1974. Chùa Già Lam được xem là nơi lai vảng của các Hoà Thượng, Thượng Tọa thuộc khối Ấn Quang. Chùa Dược Sư chỉ dành cho sư nữ. 




Chùa Dược Sư

Chùa Già Lam 


Được biết Thich Trí Quang trước 75, linh hồn của khối PG Ấn quang, người đã gián tiếp đưa đến sự sụp đổ VNCH, trên 90 tuổi, đang tu thiền, tu thư kinh Phật ở chùa Già Lam. 

(Y Nguyên- Mai Trần)

 


Chửi mất gà 

“Bố thằng chết đâm, cha con chết xỉa kia! Mày day tay mặt, mày đặt tay trái, nỡ ăn cắp của bà đây con gà. Này bà bảo cho mày biết: Thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn. Con gà nó ở nhà bà là con gà. Nó bị bắt trộm về nhà mày thì thành con cú, con cáo, con nanh mỏ đỏ, nó sẽ mổ mắt, xé xác ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con cái nhà mày đấy! 

 

Cha tiên nhân ông nội, ông ngoại, ông dại, ông khôn, đồng môn chi rễ nhà mày nhá! Mày gian tham đã ăn trộm ăn cắp con gà mái nhà bà. Rồi ra, nhà chúng mày chết một đời cha, chết ba đời con, đẻ non, đẻ ngược, chân ra trước đầu bước ra sau, đẻ sót nhau, chết mau, chết sớm, chết trẻ, đẻ ngang nhá. Bốn thằng cầm cờ xanh đứng đầu ngõ, ba thằng cầm cờ đỏ đứng đầu làng, đưa đám tang cả nhà mày ra đồng làng chôn đấy. Mày có khôn hồn, mang trả ngay con gà đó cho bà, kẻo không bà đào mồ, quật mả cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỉ, thúc, bá, đệ, huynh, cô, dì, tỷ, muội nhà mày…".

 


Văn hoá chửi 

Sự khác biệt ở đây là gì? Khác, trước hết, ở chỗ: với phụ nữ, chửi là một cách hạ nhục đối phương, chà đạp lên nhân phẩm của đối phương, bắt đối phương phải làm những chuyện bị xem là thật đáng xấu hổ. Với nam giới, chửi là một hành động thách thức và khiêu khích, tự nâng mình lên cao hơn đối phương. 

Khác, còn ở điểm nữa: trong cách nhìn của nữ giới, bộ phận sinh dục của chính họ là một cái gì xấu xa và dơ dáy, nơi dùng để trừng phạt, để đày đoạ và để sỉ nhục người khác. Trong cách nhìn của nam giới, bộ phận sinh dục của họ là cái gì rất đáng... tự hào, với nó, người ta xác định một thế đứng đầy ngạo nghễ.


Thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Ðã đành cả hai đều là những bộ phận quan trọng nhất trong việc xác định cái giống (sex) của con người, nhưng trong khi bộ phận sinh dục của phái nam là cái gì lộ hẳn ra ngoài. Bộ phận sinh dục của phái nữ lại nằm sâu hút bên trong, trở thành một thế giới đầy bí ẩn, có mặt như một sự vô hình, thậm chí, như một sự khiếm khuyết, một thứ dương vật bị cắt bỏ hay bị lộn ngược vào trong trong khi bộ phận sinh dục của nam giới có thể bị thiến, bộ phận sinh dục của phụ nữ không có nguy cơ bị biến mất. Nó có đó và nó sẽ còn đó mãi. Vì vậy, người ta không phải lo lắng đến sự tồn tại của nó. 

(Nguyễn Hưng Quốc)

 


Thành ngữ hiện đại, hiện thực

Tiên học lễ hậu học… ăn

 


Văn hóa ẩm thực


Theo Sơn Nam, hai quán café đầu tiên của người Pháp hiện diện khá sớm (1864) tại Saigon, là Café Lyonnais đường De Lagradière- Gia Long và Café de Paris đường Catinat- Tự Do.

Ngoài Bắc, khi Pháp chiếm Hà Thành (1882) thì năm sau xuất hiện quán café ở phố Thợ Khảm (nay là Tràng Thi) trong hai năm (1884,1885), số quán tăng lên rất nhiều, có các hiệu Café du comerce, Café de Paris, Café Albin, Café de la Palace, Café Block,  nhưng sớm nhất và nổi tiếng nhất là Café de Beira”.

 

Trong tiểu thuyết Ngoại Ô (1941) của Nguyễn Đình Lạp, bóng dáng café lẫn trong tiếng rao đêm inh ỏi bên cạnh những đồ ăn, thức uống ở đầu phố Vạn Thái (Hà Nội): “Phở…ở…phở…ở!..., Cà phê ô lê bánh tây... Ai ngô rang, hạt dẻ, mía không nào!... Giò…dầy! Giò …dầy..ỳ…ỳ…!”

 

Người bán nhiều khi hám lợi tận dụng đến nước bã café sái hai: 

Bác hàng cà phê đang tỉ mỉ xếp mấy cái phích ra trước mặt. Bác mở nắp, tháo cái rây trong ruột phích ra, rồi vội vàng bác đổ những bã cà phê vào một cái hộp sắt tây lót giấy nhật trình. Khi nhận thấy những bã cà phê hãy còn hung hung nâu, bác đưa lên mũi ngửi rồi mỉm một nụ cười láu lỉnh: ”Còn ngát chán! Chỉ phơi qua một nắng là lại pha được một nước nữa chứ chả bỡn”. 

(Tản mạn café & tôi - Phan Văn Thạnh)

 


Nâng chén, cụng li, chạm cốc…

- Mấy khi khách đến chơi nhà 
Lấy than quạt nước chén trà người xơi (Dân ca Quan họ)

- Tay tiên chuốc chén rượu đào 
Đổ đi thì tiếc uống vào thì say (Dân ca Quan họ)

- Mừng ông dâng rượu ngon một bát 
Thế cũng là đàn hát lọ chi (Nguyễn Khuyến)


Bát có rất sớm. Tàu và ta đều có bát.

Tên bát có nguồn gốc từ tiếng Phạn bát đa la nghĩa là cái bát ăn của nhà sư (Thiều Chửu).

- Một bầu, một bát, vững sơn tăng, 
Thế sự ngoài tai, biếng nói năng (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

(Nguyễn Dư)

 


Sài Gòn một chút quán xá 

Bạnh mì đầu đường cuối ngõ


Bánh mì ở Saigon phải nói là: thiên hình, vạn trạng về “hình thức“ cũng như “nội dung“. Ngoài vô số kể những xe bánh mì đẩy rong ruổi khắp nẻo Sài Gòn đâu đường cuối ngõ, những xe bánh mì ngon nổi tiếng, tọa lạc tại một vị trí cố định cũng rất nhiều như: xe bánh mì Tám Cầu, ở trước rạp xi nê Việt Long, trước rạp Văn Hoa Sài Gòn, hay xe bánh mì Thăng Long, nằm trên đường Cao Thắng, ngay ngã ba đường Trần Quý Cáp, v…v… 

Ta còn phải nói đến số lượng các tiệm bánh mì như bánh mì Ba Lẹ (Tân Định), Lan Huệ (Lê Văn Sỹ). Các tiệm bánh mì lâu năm, nhiều người biết đến như: Bánh mì Nguyễn Ngọ (Cầu Kho – Trần Hưng Đạo), Anh Phán (Cống Quỳnh), Bánh mì Hà Nội (Nguyễn Thiện Thuật), Như Lan (Hàm Nghi). Như Lan trước là một tiệm nhỏ, sau vài chục năm, đã chiếm một miếng đất bề thế ở mặt tiền đường Hàm Nghi, gồm ba cửa hàng ăn uống, ngày đêm tấp nập khách, ngoài bánh mì thịt họ còn bán đủ thứ, như: heo vịt quay, xôi chè, bánh ngọt… và các món nước gồm cháo, miến, phở…

 

Xe bánh mì ở đường Hàm Nghi (Chợ Cũ), ăn bánh mì với các món Tàu là phá lấu, lạp xưởng, xá xíu, thịt quay, xíu mại.
Các tiệm chuyên môn bánh mì bí tết (bifteck) như: Nam Sơn (Công Lý), Hỏa Diệm Sơn (Trần Quý Cáp), v…v…

 

(Bánh mì Sài Gòn theo giòng thời gian – Xuân Phương)



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Lê Thị Thẩm Vấn

Gần đây, Lê Thị Thấm Vân, một cây viết nữ cấp tiến, đã kể lại câu chuyện của một nhân vật nữ, có người yêu bị bất lực nên rơi vào tình trạng uẩn ức tình dục. Để bù đắp tình trạng khiếm khuyết, phụ nữ này đã sống với nhiều người đàn ông và đắm chìm trong tình dục với bản năng của loài thú. 

Qua tiếng nói của bà, chúng ta thấy được sự phản kháng mãnh liệt thành kiến hủ lậu và sự bùng vỡ của tiếng nói bấy lâu bị bắt buộc phải nín lặng trong văn chương.
”Mình ớn mình, sợ mình. Không lẽ cứ sống cái đời lăng quăng quanh mấy thằng đàn ông con trai mãi vầy sao?

Tối qua mình nằm nghĩ thật tình như vầy: đàn ông khỏe mạnh trẻ trung to con cỡ như thằng Mễ, một ngày ra ba lần là hết xí quách, đi chân nam đá chân xiêu, mắt nhìn gà hóa chó. Còn con mụ đàn bà, như tụi điếm, làm tình một ngày cả tá thằng đàn ông chẳng sao cả, vẫn ca vọng cổ, cải lương rất ư mùi mẫn... 


Đúng ra đàn bà có thể lấy một lúc nhiều chồng được, chứ tại sao một ông mà có hàng lố bà vợ được??? Một bà có thể làm thỏa mãn ba thằng đàn ông trong cùng một lúc. Còn đàn ông là no way! Không cách chi làm thỏa mãn được mụ vợ thứ ba chứ đừng nói chi đến mụ vợ thứ bẩy!!!. Chắc vậy mà đàn ông hay sợ quê, tự thấy mình bị lép vế, yếu kém thua đàn bà nên ưa toác họng ưỡn ngực thằng nào cũng mạnh mồm cho ta đây mạnh khỏe, sức lực dồi dào macho, đêm bảy ngày ba, loe ngoe chưa tính. Dóc tổ mẹ. Toàn một lũ nói cho đã miệng. Thằng nào cũng nhiều đào, nhiều em, nhiều vợ... 


Cả một lũ nằm mơ. Thôi thì cho tụi nó ước ao sống tận cùng với những giấc mơ, nhưng trong thực tế tụi nó tự biết là đéo chẳng bao giờ đạt được. Ừ, mình nghĩ con người cũng lạ lùng”.
(Lê Thị Thấm Vân, Âm Vọng)

(Sex: dưới mắt nhìn của người viết nữ – Trịnh Thanh Thủy)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Theo “Tự điển tiếng Viêt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):

 Giao cấu: hai đứa lấy nhau rồi



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Miêng

Từ xưa, văn chương là địa bàn của nam giới. Erica Jong có nói “Phụ nữ chọn nghề văn thường là để tạo dựng chỗ đứng trong một xã hội do đàn ông cai quản”. Nhà văn nam đề cập tới tình dục khác nhà văn nữ. Họ không có khuynh hướng tả miên man và kéo dài một phân cảnh. Họ thích chớp nhoáng và đạt mục tiêu mau lẹ. Họ tập trung trên diễn tiến sinh vật lý. 


Phụ nữ thì nghiêng về cảm xúc sinh lý hơn:
”Tôi ngước mặt lên đón nước, bộ ngực thanh tân chưa hề ai đụng tay vào lồ lộ ngẩng cao… Bỗng chàng đặt hai tay lên người tôi, xoa nhè nhẹ. Tôi run rẩy, kích động. Một cảm giác rạo rực chưa bao giờ biết trong đời con gái bỗng làm tôi suýt khóc. Dưới nước mà tôi nghe lửa cháy rực người. Tôi nhắm mắt lại, mở mắt ra, quýnh quáng chẳng biết phải làm sao. Tôi lụp chụp ghì hai bàn tay chàng, nhẩn nha cắn những ngón tay thô bạo gợi tình. Từ cổ họng phát ra tiếng kêu rên là lạ”.
(Miêng, Đồng thiếp)

(Sex: dưới mắt nhìn của người viết nữ – Trịnh Thanh Thủy)

 


Nét “tục” trong tục ngữ phong dao  

Nằm đất hàng hương còn hơn nằm hàng cá

L. cô hàng cá còn nhẵn hơn má anh chàng hương.

 

(“Tục Ngữ Phong Dao” - Nguyễn văn Ngọc)



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Phạm Thị Hòai

Viết về Sex là một trò đu dây đầy cám dỗ dành cho những cây bút nhiều năng lực và bản lãnh. Người viết non tay dễ dàng cho những dòng chữ mình viết rơi xuống sự khiêu dâm thấp kém. Ngược lại, với người viết cao tay, có thể soi rọi và làm thăng hoa những ẩn ức bí mật chìm sâu trong thế giới tâm linh, bản năng khuất lấp thân phận con người.

Truyện ngắn “Ám thị” của Phạm Thị Hoài tả cảnh nhân vật nữ là một người đàn bà được chồng cưng chiều cho người về đấm bóp để trị bệnh đau nhức. Hoài đã tung hoành ngòi viết của mình trong ghetto sex cấm kỵ mà người đọc không mảy may cảm thấy bà đang đụng chạm đến “Taboo” tình dục:
”Thày ngồi chắc chắn phía sau, đỡ tôi bằng hai đầu gối, cằm tì nhẹ trên gáy tôi, tay vòng qua nách ra trước, ôm quanh hai vai, khoá lại. Thày thúc nhẹ. Lưng tôi kêu rất đẹp. Tôi uốn người ra sau như cánh cung, chân chơi vơi không chạm chiếu, đầu ngả xuống ngực thày. Thày nghiêng xuống, má ấp má tôi một thoáng, miệng kề miệng tôi trong tích tắc. Tay nhẹ nhàng buông vai, hứng lấy hai bầu ngực. Ngực tôi từ cương dễ sợ, hai núm vểnh lên thật đáng xấu hổ.

Tay ấy vê ngón tay tôi, vuốt mu bàn chân tôi, không quên một ly… Tay ấy mười con mắt. Bây giờ tay ấy ôm ngang eo tôi, lùa trên bụng tôi, toả xuống ngang hông, chập chờn, thăm dò. Rồi quả quyết chườm quanh rốn. Rồi xoa, mỗi vòng một rộng, tay này đuổi tay kia, một quành xuống bụng dưới và một lội qua vùng ngực. Rồi ngọt ngào miết dọc những dẻ xương sườn. Rồi miết đi miết lại từ cổ xuống ức, lách giữa hai bầu ngực”.
(Phạm Thị Hoài, “Ám thị”)

(Sex: dưới mắt nhìn của người viết nữ – Trịnh Thanh Thủy)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ Điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân


bàng hoàng 彷 徨 

Theo cách dùng của chúng ta ngày nay, bàng hoàng nghĩa là choáng váng, không ổn định tâm thần. Soạn giả đã nêu được định nghĩa đúng cho từ bàng hoàng theo cách hiểu của người Việt.


Nhưng khi giải thích nghĩa của các từ tố bàng và hoàng thì soạn giả lại suy luận một cách tuỳ tiện, vì không biết mặt chữ nên không hiểu nghĩa của chúng. Theo ông, bàng = ở bên, bất định; và, hoàng = nghi hoặc. Nhưng trong tiếng Hán, từ bàng hoàng có nghĩa là đi tới đi lui, bồi hồi do dự. Chữ bàng 彷 trong bàng hoàng khác hẳn chữ bàng 旁 nghĩa là ở bên cạnh; nó chỉ có thể đi theo chữ hoàngđể tạo nên từ bàng hoàng 彷 徨. 


(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)



“Ảo từ”, “ẩn từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt? 

Khi nói đến từ "mới", người Việt chúng ta đều nghĩ "mới” là hình dung từ, trái nghĩa với “cũ ". Ấy mà, khi mẹ nhắn nhủ con gái: "Con ạ, cái thằng tuy xấu trai học dốt, nhưng là con nhà danh giá. Con lấy được nó, tình nghĩa mới bền, mới thật sự là duyên tiền định, con ạ!", thì "mới" lại mang nghĩa "có như vậy".

Không như, trong:

"Khôn ngoan đến cửa quan mới biết. 
Giàu có ba mươi Tết mới hay"

 

"mới" hàm ý "sẽ rõ, sẽ vỡ lẽ".

 

Ngoài ra, "mới" cũng còn có nghĩa "thoạt, thoáng, vừa". 

Thí dụ như hai câu ca dao tân thời sau đây:

"Nàng thủ thỉ, tháng này em chưa có. 
Chàng mới nghe, muốn cuốn vó chạy cho rồi."

 

(Ngô Nguyên Dũng)







Không có nhận xét nào: