Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Sống Độc Lập - Fukuzawa Yukichi / Nguyễn Sơn Hùng dịch

            SỐNG ĐỘC LẬP

       Tác giả: FUKUZAWA Yukichi
      Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Dùng văn từ để diễn giải cái gọi là sống độc lập có vẻ khó nhưng ý nghĩa của nó không thâm sâu khó hiểu. Sống độc lập chỉ là sống sao đừng để phải nhờ vả người khác đến mức làm phiền toái họ.

Được cha mẹ dưỡng dục từ lúc chào đời là lẽ thường tình của con người. Cha mẹ không lấy chuyện này làm đức (1), nhưng phận làm con không thể quên công ơn này. Nhưng vấn đề này thuộc phạm vi khác, không nên lấy việc sống độc lập để phán đoán con cái nhớ hay quên ơn cha mẹ.

Con người một khi đã trưởng thành, sống rời cha mẹ không nên tìm bảo hộ nơi người khác. Đối với người khác là lẽ đương nhiên, ngay cả đối với cha mẹ nếu còn nhờ vả cũng là trái với ý nghĩa thật sự của sống độc lập.

Cũng là độc lập nhưng có hai loại khác nhau: độc lập tinh thần và độc lập vật chất. Độc lập vật chất là tự sức mình có thể lo được cái ăn, cái mặc, cái ở, gọi chung là cái ăn mặc ở. Độc lập tinh thần là trong giao thiệp xã hội và xử thế, nói được và làm được cái mình nghĩ, sống sao cho không mất tiết tháo dù chỉ một ít, lúc nào cũngtrong trạng thái tỉnh táo rõ ràng như đang rửa sạch mình bằng nước lạnh. Có được cả hai cái độc lập mới thật sự đạt được ý nghĩa của cuộc sống.

Tuy nhiên, nếu hỏi trong hai cái độc lập cái nào phải có trước thì nên hiểu rằng: không có được cái độc lập vật chất trước thì khó hy vọng đạt được cái độc lập tinh thần. Trong thế giới vô số người này, không ai là không muốn tìm cái độc lập tinh thần. Người có địa vị cao sang tài giỏi không cần phải nói, ngay cả người có địa vị thấp như anh kéo xe, người đào đất mướn cũng không ai muốn dối mình để khuất phục kẻ khác. Mặc dù về phẩm cách có khác, như có học hay vô học, tinh tế hay chất phác nhưng tổng thể con người ai cũng mong muốn nói và làm theo ý chí của mình, không phải e dè hay ngần ngại với kẻ khác.

Tuy nhiên có được cái ăn mặc ở không phải là việc dễ. Không có đủ cái ăn mặc ở thì không thể nói hoặc làm theo ý, lúc nào cũng phải thoái nhượng, nhún mình. Nhún mình còn có thể chịu đựng được, nhưng không phải không có người vì cái ăn mặc ở mà tự mình phải nói hay phải làm điều mình không muốn. Vì giao thiệp, phải cùng người khác làm việc khó coi, mặc dù tự mình cũng biết nhưng phải sống trái với bản tính của mình. Những người này vì muốn được cái độc lập vật chất mà quên mất đi cái độc lập tinh thần, kết cuộc không thể tránh thành người ti tiện.

Nếu nghiêm khắc phê phán thì trường hợp trên giống như kẻ định gạt gẫm người để có tiền sống an nhàn, nhưng rồi bị luật pháp bắt tội, thủ đoạn tìm an nhàn ngược lại thành cái làm mình khốn khổ. Thật đáng thương!

Do đó, cách sống ở đời là trước hết cố gắng sao cho được độc lập ăn mặc ở, sau đó đến độc lập tinh thần, thứ tự phải như vậy. Trước hết phải tự sức mình giải quyết được sinh kế của bản thân và của gia đình. Nhưng không phải chỉ có thế, trong quá trình cố gắng cho sinh kế không bao giờ làm cái ti tiện như bẻ cong cái chí, cái lẽ phải của mình.

Tóm lại, con đường sinh sống không phải dễ, và nên hiểu rằng:hiểu từ “độc lập” dễ nhưng chính bản thân thực hành được là việc rất khó.

Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6/2017

Nguồn: Truyện số 1 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện Tiếp Theo” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.

Chú thích:

  • Ý nói là“công ơn”.









Không có nhận xét nào: