Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Đóa Phượng Hiếm Hoi - đàoanhdũng

Đóa Phượng Hiếm Hoi - truyện ngắn đàoanhdũng



Bà Trọng và bà Nhơn vừa bước lên tắc-xi đi thương xá Parkson mua sắm, ông Trọng văng tục, mày tao mi tớ ngay với người bạn nối khố của mình là ông Nhơn. Chờ  hai bà đi rồi, ông mới “xì nẹt” bạn, một mặt vì nể bạn đã lo chu toàn cho vợ chồng ông trong chuyến về Việt Nam lần đầu tiên này, mặt kia vì bà đã đôi ba lần lưu ý ông: “Mình cũng trọng tuổi rồi, con cái đã trưởng thành, mình phải thận trọng đôi chút. Khi riêng tư với nhau thì không sao, chứ có người khác, anh cứ ‘mầy, tao’ với anh Nhơn hoài coi kỳ khôi lắm!”
“Đ. m., vừa thôi chứ! Mầy bắt tao đi hầu banh với mấy thằng sếp của mầy à?”
Ông Trọng nổi nóng vì vừa rồi bạn ông cho hay đã mời vài “đại gia” cùng chơi gôn với hai ông trong chuyến du lịch vùng cao nguyên sắp tới. Ông Nhơn cười to, nói:
“Cái thằng! Chứng nào tật nấy, mấy chục năm rồi mà không bỏ, nóng nảy như Trương Phi. Tao rủ mầy đi đánh banh với đối tác làm ăn của tao, có ai là sếp đâu!”
Ông Trọng nhếch mép, mỉm cười, giả lả:
“Ai chứ tao “rành me” mầy lắm! Mầy mánh mung, mưu mẹo, không “đề cao cảnh giác” thì mất mạng với mầy như chơi.” 
Ông Nhơn cười xòa, bảo bạn:
“Ừ, biết vậy là tốt đó con. Mà mầy có đi không? Hai bà đã lập chương trình đi chơi trên đó rồi nghen! Mầy liệu hồn đó!”
“Đi thì đi! Sợ gì mậy? Chuyện nhỏ! Nhưng mầy đừng có hòng bắt tao phải thua để mầy lấy điểm, nghe rõ chưa!”
“Mầy khỏi phải lo chuyện này. Đối tác của tao từng chơi gôn ở Hawaii, ở tận lục địa Mỹ nữa kìa. Đánh gôn với mầy mấy lần bên Mỹ, tao thấy mầy cũng khá lắm. Tao lỡ đánh bóng mầy nên mấy thằng chả muốn so tài. Vậy mới hào hứng, mà cũng tốt cho việc làm ăn của tao. Chuyến hàng nhập trong tháng tới phải suông sẻ, không thì vợ chồng tao sẽ chật vật đó… Hai đứa nhỏ còn học bên Úc, chưa ra cơm cháo gì hết. Tụi nó mà được ở luôn bên đó, vợ chồng tao cũng phải sang theo thôi. Tuổi mình ngày càng cao, làm ăn ngày càng khó khăn …”
Nếu nói ông Trọng đồng ý tham gia chầu đánh gôn vì muốn giúp bạn thì cũng phải, bảo ông “nể” vợ, muốn bà có những ngày thăm quê hương vui vẻ và thoải mái, cũng không sai. Tuy nhiên, cả hai điều này chưa hoàn toàn đúng.  Thật ra, ông cũng muốn thấy tận mắt giới “đại gia” ngày nay ăn chơi đến mức nào. Ông ngả người nằm dài trên ghế xa lông. Mới về Việt Nam có một tuần lễ mà ông đã cảm thấy thấm mệt. Những cảm xúc thường tình khi gặp lại bà con, bè bạn, kẻ còn người đã khuất. Chốn cũ nay đã thay đổi quá nhiều. Thời tiết oi bức, thành phố ồn ào, đông đúc, gần như hỗn loạn đối với ông, một người xa xứ đã 30 năm. Hơn nữa, lịch trình thăm viếng của ông bà quá khắc khe. Thật vậy, từ lúc bước ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất đến nay, ông ít có thời giờ thư giãn, nghỉ ngơi. Về quê thăm nhà, mồ mả Ông Bà, viếng bà con thân thuộc vài ngày, xong vợ chồng ông Trọng trở lại Sài Gòn họp mặt bạn bè. Hôm qua hơn chục bạn thời trung học; hôm kia bảy, tám người bạn lúc ở đại học; còn bạn đồng ngũ chỉ có vài ba người, không ai dư ăn, dư mặc như ông Nhơn. Buổi họp mặt nào cũng ăn và nhậu, tất cả đều do ông Nhơn liên lạc tổ chức. Vì thế, khi vợ chồng bạn đề nghị đưa ông bà đến thị trấn cao nguyên để nghỉ mát, ông Trọng hưởng ứng ngay. Họ sẽ lợi dụng lúc hai bà thăm viếng danh lam thắng cảnh để chơi vài ván gôn. Gôn là một môn thể thao ông Trọng rất ưa thích. Ông đã mê nó từ lâu.
Hai ông là đôi bạn chí thân từ thời học hành, ăn ở trong một trường nội trú nhà dòng. Xong trung học, cả hai cùng vào trường đại học Minh Đức, tuy có khác phân khoa – ông Trọng theo ngành Truyền Thông, ông Nhơn học Kinh Thương – họ vẫn liên lạc với nhau. Mùa Hè Đỏ Lửa với lệnh đôn quân kéo hai ông vào quân trường Thủ Đức. Mãn khóa, cuộc đời hai ông mới thật sự tách rời nhau – ông Nhơn được bổ ra Vùng I chiến thuật, Trọng về Vùng IV. 30 tháng 4, 1975 ông Trọng may mắn được di tản ra Đệ thất Hạm đội Hoa kỳ nhờ có một người bạn là phi công trực thăng. Ông không nhận được tin tức nào của bạn từ ngày quân đội triệt thoái khỏi Vùng I. Ông cứ luôn cầu xin cuộc chiến ác liệt không cướp mất người bạn nối khố của mình. Ông định cư tại một tiểu bang Bắc Mỹ, nơi có rất ít đồng hương so với các tiểu bang miền Nam. Ông lập gia đình, sống đời lưu vong, cố gắng quên dĩ vãng, không nghĩ đến ngày trở về cố hương. Vậy mà cách nay gần hai năm ông Trọng đã tìm được Nhơn, người bạn năm xưa. Chính người bạn này đã thuyết phục, mời vợ chồng ông về thăm quê hương…

oOo

Nghĩ lại chuyện bạn bè tương phùng hơn sau hơn một phần tư thế kỷ cách biệt, qua bao trận cuồng phong, người bên này, kẻ bên kia quả địa cầu, ông Trọng thấy thật hi hữu. Chuyện tưởng không thể xảy ra đã thật sự xảy ra nhờ có kỹ thuật vi tính, mạng lưới toàn cầu hiện đại. Khi cuộc sống được ổn định, ông Trọng gửi nhiều lá thư cho ông Nhơn về địa chỉ  ở Sài gòn nhưng không nhận được hồi âm. Ông nhờ người em họ còn ở Việt Nam tìm tận nơi mới biết nhà đã đổi chủ. Bẵng đi nhiều năm, khi  “.com” nổi lên như cơn sóng thần, một hôm ông thử truy cập một tài liệu hiếm có cho việc làm và đạt được kết quả mỹ mãn. Khi ấy ông mới tự trách mình sao không gõ trên mạng tên ngôi trường nội trú ngày xưa. Thật bất ngờ, ông tìm được một nhóm trao đổi điện thư mang tên ngôi trường ấy. Ông lập tức xin gia nhập nhóm và gửi vài hàng tự giới thiệu. Hôm sau, mở hộp thư trên mạng, ông nhận được trên chục điện thư của bạn cũ cùng trường hiện còn ở Việt Nam hay tứ tán khắp nơi trên thế giới, trong số có ông Nhơn.
Thư qua thư lại, hai người bạn già kể cho nhau nghe những gì đã xảy ra cho họ sau biến cố 30 tháng 4. Ông Trọng, do đó, mới biết ông Nhơn kẹt ở miền Trung, cả tháng sau mới thoát được về nhà. Ông Nhơn đang mang lon trung úy, nhưng nhờ công tác ở miền Trung, ít khi về thăm nhà, lối xóm ở Sài gòn không ai biết ông làm gì, chỉ biết ông đi lính mà thôi. Vì thế, khi ra trình diện ông khai mình là chuẩn úy, chỉ đi tù cải tạo có sáu tháng. Ra tù, ông làm đủ thứ nghề: chạy xe đạp ôm, bán quán cà phê, môi giới bán thuốc tây, phụ tùng xe đạp … Đến trào “cởi mở”, nhờ có chút vốn liếng ngoại ngữ cùng với tài len lỏi, chạy chọt, ông gặp hên tìm được việc làm trong ngành nhập cảng. Nghề dạy nghề, cộng với kiến thức của những năm học kinh tế ở trường Minh Đức, ông khá thành công, bắt đầu từ những áp-phe nhỏ dẫn đến những vố hàng nhập có tầm vóc. Riêng ông Trọng, biết mình không cách nào kiếm sống được với nghề truyền thông, báo chí ở xứ Mỹ vì lúc đầu còn gặp khó khăn về ngôn ngữ, ông trở lại đại học theo ngành cơ khí. Ra trường, ông may mắn được việc làm với công ty X tại địa phương ông cư ngụ. Công ty này chuyên sản xuất máy đông lạnh dùng cho xe vận tải và tàu hàng. Sau hơn 20 năm cật lực làm việc, ông leo lên đến chức giám đốc kỹ thuật của công ty. Qua nhiều lần liên lạc, ông Nhơn ngỏ ý nhờ ông Trọng giới thiệu để ông được phép đến Hoa Kỳ với tư cách là một khách hàng của công ty X. Thật ra, chuyến đi này là để thăm bạn và du lịch nước Mỹ.  Việc này không ngoài tầm tay của ông Trọng, nên trong vòng một tháng, ông Nhơn có mặt tại Mỹ. Qua những lần thăm viếng cơ xưởng do ông Trọng hướng dẫn và giới thiệu, ông Nhơn biết được công ty bạn mình đang công tác có một số lớn máy đông lạnh đã xài rồi, do các công ty vận tải hoàn lại sau thời gian thuê dài hạn. Họ đang tìm người tiêu thụ với giá rất hời. Năm tháng sau, ông Nhơn trở lại Hoa Kỳ với vài người thợ máy để kiểm tra máy móc. Kết quả là ông ký hợp đồng mua 200 máy đông lạnh đủ cỡ để nhập về Việt Nam. Đợt hàng ấy thành công mỹ mãn.  Gần một năm sau, ông Nhơn trở lại Hoa Kỳ lần thứ ba cùng một toán thợ máy hùng hậu hơn. Lần này, ông chọn lựa mua non một ngàn máy đông lạnh. Trong lúc hàng trên đường vận chuyển, ông Nhơn mời vợ chồng bạn về thăm quê hương. Chi phí do ông đài thọ, gọi là trả ơn cho bạn đã giúp đỡ ông trong việc làm ăn.

oOo

Ông Trọng đứng vào vị trí, tay cầm cây côn số 3, mắt nhìn trái banh màu trắng xinh xắn đang nằm bất động trên chiếc cọc tee, cạnh bên đầu cây côn. Đoạn ông đưa mắt nhìn đường banh chạy dài, trải thảm cỏ xanh mướt, hai bên là rừng cây thẳng tắp. Xa xa, hơi khuất vào một chòm cây, lá cờ màu đỏ, mục đích của đường banh, đang phất phới bay, khi ẩn khi hiện dưới ánh nắng nhạt của buổi ban mai. Bầu trời xanh với chút mây trắng, không khí trong lành, gió man mát. Vậy mà ông Trọng không tập trung tư tưởng được. Ông bỏ vị trí, tay cầm cây côn chống xuống đất, mắt nhìn mông lung vào đường banh. Ông bực bội, giận mình đã lầm lẫn, vội vã tham gia làm chi chầu đánh gôn này. Khi nãy, bước vào sân số 1, ông nhìn chiếc bảng song ngữ:


ông mím môi thầm nghĩ: “À, bây giờ họ gọi cái club là cây gậy.” Ông nhớ đến những từ ngữ mới ông biết được trong mấy ngày qua, nghe thật chướng tai. Ví dụ như “đảm bảo” thay vì “bảo đảm”, “nhanh lên” thì nói là “khẩn trương lên”, khen cái gì hay người ta bảo là có  “ấn tượng”, “đồng ý” thì gọi là “nhất trí” … Ông lầm bầm:
“Hừm! dùng côn mà đánh, còn gậy để chống. Chữ nghĩa loạn cào cào!”
Ông Trọng nói khẽ, không cố ý cho người khác nghe. Ông không biết các “đối tác”, “đại gia” làm ăn với bạn ông xuất thân từ đâu, có thể họ là những thương gia “đại ma đầu” như bạn của ông hay là những kẻ có “quyền”, có “thế” của thời này, bạn ông phải núp bóng để làm ăn. Ông chỉ biết họ bay từ Sài gòn đến chơi một chầu gôn chín lỗ, xong họ bay đi Hà nội. Riêng ông, ông hiểu rõ thân phận của mình, một kẻ lìa bỏ quê hương khi cuộc chiến xoay chiều, nay lại trở về như một khách du lịch trên chính quê hương của mình. Vì thế, ông giật mình khi nghe ông Năm phê bình:
“Anh Bảy xa xứ quá lâu nên quên đó chứ. Xứ ta dùng cả côn lẫn gậy để đánh. Sở dĩ ta không dùng từ côn vì côn là một vũ khí của Trung Quốc. Ta độc lập, không dùng những từ dính líu đến ngoại bang. Vả lại, từ gậy rất thân thương, gần gũi với nhân dân ta.”
Ông Năm là một trong ba vị khách ông Nhơn mời đánh gôn ngày hôm nay.  Họ dùng thứ để gọi nhau - ông Trọng thứ bảy, ông Nhơn thứ chín, hai người kia thứ ba và thứ tám. Ba vị “đại gia” này “vũ trang” đến “tận răng”: áo Polo, quần Dockers, giày Footjoy, côn Callaway và Ping, toàn là những đồ hiệu đúng mốt. Nhìn đôi giày đánh gôn và bộ côn Wilson cũ kỹ thuê của sân Bạt Ngàn, ông Trọng bỗng có cảm giác như mình đang cầm cạc-bin đối chọi với AK ngày nào trên chiến trường Vùng IV. Ông muốn trả lời câu nói có vẻ trịch thượng của ông Năm cho thật tương xứng, nhưng nhớ đến tình huống của bạn, ông cười trừ:
“Ông anh nói đúng đó. Tôi xa xứ lâu quá rồi, cái gì tôi cũng thấy lạ - phong cảnh, phố xá, chữ nghĩa …”
Ông định nói thêm “con người” nhưng cố nén lại và rồi ông cảm thấy mình sao quá hèn. Ông đứng lặng yên. Ông Nhơn chợt la lên:
“Ơ … em gì đó phục vụ cho anh Bảy. Em … em Phượng, em cầm cây gậy số 15 cho anh Bảy. Ảnh phải có cây gậy này mới trị được cái “lỗ mù” …”
Bọn người đánh gôn cười toán lên, phá tan ngay cái không khí ngột ngạt khi ấy. Riêng ông Trọng vẫn còn lúng túng, không hiểu tại sao họ cười. Bên này, họ có cây côn số 15 nữa à? Còn “lỗ mù” là cái quái gì? Ông nhìn năm cô gái phục vụ, bốn cô đang che miệng cười khúc khích trong khi Phượng, người phục vụ của ông giả lơ, ngó sang phía khác. Ông Nhơn vỗ vai bạn, nói to:
“Quí vị thông cảm. Bạn hiền của tôi thiệt quá … là hiền. Coi vậy chứ bên đó hét ra lửa với bọn Mỹ thuộc cấp chứ không phải chơi đâu. Còn  đánh gôn, thì quí vị cứ chờ xem.”
Đoạn, ông Nhơn nói nhỏ vào tai bạn:
“15 là 15 phân, hiểu chưa!”

… Trò chơi phải tiếp tục. Ông Trọng bước vào tư thế, xoay người, vung cánh tay. Đường banh ngọt xớt. Ánh mắt ông theo dõi trái banh đang bay vút trên không trung như thói quen, nhưng trong tâm trí ông ước sao mình là trái banh ấy, đang tự do bay bổng, không phải tiếp tục ván gôn trơ trẽn này.

oOo

        “Sân số hai, 375 yards, sân đồi, tiêu chuẩn bốn gậy, có bẫy cát và gió thường thổi từ hướng Tây Bắc, bên tay phải. Anh lưu ý nghe!”  Phượng vừa lái chiếc xe điện, vừa nhắc ông Trọng, đúng theo cung cách của một caddy chuyên nghiệp.
       Ông Trọng đã có nhiều lần đánh gôn bên Mỹ, được mời với tư cách là khách hàng, được tiếp đãi tận tình, nhưng người phục vụ toàn là nam giới chứ không phải nữ như lần này. Vì thế, ông có phần bỡ ngỡ khi nhân viên sân gôn mang chiếc máy vi tính xách tay đến tận bàn mời ông chọn người phục vụ. Khi ấy, ông và bạn đang dùng điểm tâm ở nhà hàng của sân gôn Bạt Ngàn, chờ các vị khách của bạn ông đến. Ông Trọng duyệt qua danh sách cùng hình ảnh nhân viên phục vụ, thấy đa số là phái nữ, cô nào cũng xinh đẹp. Cũng có một vài cậu nhưng theo ghi chú trên máy vi tính họ đều bận cả. Ông nói với bạn: “Lạ thật, tao chưa lần nào nhờ các cô làm caddy. Đã vậy, còn chọn trênlaptop nữa chứ! Bên đó, nói thiệt, tao chưa chơi ở club nào có caddy nữ. Chỉ có dânpro, hay là bọn trọc phú mới dám chơi thôi. Còn bên này, muốn mượn caddy nam chắc khó lắm vì tao thấy chỉ có vài cậu mà ai cũng có người thuê hết rồi.”  Ông Nhơn cười thật tươi, vỗ vai bạn: “Thì lần này mày tha hồ, phải không con?”, nhưng khi nhận ra vẻ mặt nghiêm nghị của bạn, ông xuống giọng: “Nói chung thì dân pro, chánh gốc thể thao, tụi nó thích mướn con trai hơn. Thời bây giờ phần đông người ta đánh gôn theo mốt thời thượng, ăn chơi, cho nên họ thích được các ‘em’ phục vụ. À, coi vậy chứ mầy đừng có khi dể các cô à nghe. Tao đã gặp nhiều cô nàng chỉ dẫn cho nhiều chiêu đánh gôn không ngờ được.”  Ông Trọng đưa con chuột qua các trang, ông bấm vào một ô, chọn người phục vụ cho ông theo tên, chứ không theo hình dáng. Ông chọn cô Phượng, tên của một loài hoa đỏ thắm thời học trò vẫn còn sâu đậm trong tâm khảm của ông.

“Em quên hỏi anh chứ mấy anh có cá độ không? Anh coi chừng đó nghe, mấy tay kia đã từng đánh gôn nhiều lần ở đây. Cừ khôi lắm! Số tiền họ cá độ với nhau nghe mà lạnh mình luôn!”
Nghe Phượng nói, ông Trọng giật mình, nhận ra mình đã thả tâm tư đi khá xa. Ông đưa mắt nhìn qua cô gái phục vụ nhỏ con, gọn gàn trong bộ đồng phục. Gương mặt cô trông phúc hậu, riêng cặp mắt rất sáng, lộ vẻ thông minh. Ông ngập ngừng nói:
“Ơ … Tôi là bạn của ông Chín. Tôi không quen với mấy người kia, chỉ chơi giao hữu thôi.  À, xin lỗi cô Phượng. Tôi tuổi đã tròm trèm 60. Còn cô, tôi đoán cô chừng 20. Cao lắm là 25. Nếu tôi nhỏ tuổi hơn cha của cô, xin đề nghị cô gọi tôi bằng chú, không thì bằng bác, dễ nghe hơn.”
“Dạ, cháu cảm ơn chú. Xin lỗi chú, ở đây nhân viên phục vụ phải gọi khách hàng nam giới bằng anh. Khi có mặt khách khác, xin chú thông cảm cho phép cháu gọi chú là anh, bằng không có đứa tọc mạch thì cháu có thể bị mất việc đó.”
“Ừ, vậy đi! À, khi nãy ông chín nói bông đùa cợt nhả, cho chú xin lỗi thay cho ông bạn của chú. Đừng buồn nghe cháu.”
“Không sao đâu chú, tụi cháu nghe quen rồi …”
Ngập ngừng đôi chút, rồi với một giọng gần như ngậm ngùi lẫn chua chát, Phượng nói tiếp:
“Cái khó là ngày qua ngày, không biết mình có bị xập bẫy hay không. Khi xưa họ ngọt mật, mình nghe lời. Hậu quả, giờ ai cũng thấy. Bây giờ họ tung tiền nhử mồi, tại mình yếu đuối nhảy vào chứ có ai buộc mình hả chú?”
Ông Trọng ngồi lặng yên, không ngờ Phượng bộc lộ suy nghĩ của cô khá đường đột như thế. Vì cô biết ông là “người nước ngoài”, không thuộc giới “đại gia” ngày nay? Tuy nhiên, nghĩ đến cái mác “Việt kiều” của mình so với tình cảnh của những cô gái phục vụ ở các nhà hàng, quán bia, phòng trà, dịch vụ tẩm quất, sân đánh gôn … ông hổ thẹn vì thấy mình không khác những “đại gia” thời đại, mình cũng bỏ tiền mua vui …
Phượng bỗng đổi giọng, líu lo, hơi tiếu lâm, có lẽ cô muốn thay đổi không khí nặng nề khi ấy.
“Thưa chú, lúc nãy cháu nói bẫy cát, chú biết là gì không? Là sand trap đó! Cònblind hole người ta gọi là lỗ mù.”
Ông Trọng không sao nhịn nổi, phải mỉm cười.
       “Bẫy cát thì chú đoán ra được. Còn lỗ mù … bộ thiên hạ hết chữ rồi sao hả cháu?”
“Dạ, cháu cũng không biết nữa. Người ta dạy sao mình nói vậy. Ba cháu cũng như chú, ổng cứ thắc mắc từ này, từ nọ hoài.”
Nghe giọng nói của Phượng, ông Trọng đoán cô là người sanh trưởng trong Nam, nên ông hỏi thêm:
“Cho chú hỏi thăm ba má cháu về hưu chưa? Lúc trước ba cháu làm gì?”
      “Dạ, trước 75 ba cháu là sĩ quan ngụy … bây giờ ba cháu làm nghề sửa ổ khóa ngoài chợ.”

oOo

“Ngụy”, ông Trọng nghe nói lúc sau này người ta không còn gọi những người như ông, trước kia phục vụ trong quân đội và chính quyền miền Nam, là ngụy nữa. Nó trở nên nhàm tai, không còn là một từ ngữ để mạ lỵ. Vậy mà câu nói: “Ba cháu là sĩ quan ngụy …” của Phượng ông nghe sao quá đắng cay. Phải đợi đến sân số ba, khi có những giây phút riêng tư, ông mới có dịp hỏi về gia cảnh của Phượng. Cô kể rằng cha cô nguyên là đại úy bộ binh quân lực VNCH. Sau biến cố 1975 ông đi tù cải tạo hết bảy năm. Mẹ cô ở nhà buôn bán tảo tần nuôi bốn con và tiếp tế cho chồng. Ra tù, ông học được nghề sửa ổ khóa, phụ vợ kiếm ăn đấp đổi qua ngày. Sau bao năm xa cách, ông bà sanh được một đứa con muộn là Phượng. Vì lý lịch “ngụy” và vấn đề tài chánh của gia đình, anh chị em  Phượng không ai vào đại học được. Họ chỉ có cách làm thuê, làm mướn lặt vặt để sinh sống mà thôi. Khi chánh phủ Hoa Kỳ mở đường, nhận cựu tù nhân cải tạo cùng gia đình di dân sang Mỹ, ba má Phượng coi đó như là một cái phao cứu vớt họ. Chẳng may mẹ Phượng mang một chứng ung bướu cần phải giải phẩu và chữa trị bằng hóa chất trong lúc nhà không có tiền lo dịch vụ xuất cảnh, nói chi đến phí tổn bệnh viện. Vì thế, cả nhà đồng lòng bán toàn bộ giấy tờ gia cảnh cùng chứng minh học tập cải tạo của cha Phượng cho một gia đình có “máu mặt”. Họ được đi Mỹ, còn gia đình Phượng có tiền thuốc thang cho mẹ cô. Nghèo lại hoàn nghèo, nhưng bù lại mẹ Phượng thoát cơn hiểm nghèo, gia đình vẫn còn có nhau.

Trên mấy sân gôn kế tiếp, ông Trọng chơi cầm chừng mà thôi, bàn này ông thua người dẫn đầu một, hai điểm, bàn kia ông gỡ lại. Khả năng đánh gôn của mấy vị “đại gia” không xuất sắc lắm, nhưng hình như họ rất hào hứng, nhất quyết hạ ông đo ván trong chầu gôn này. Như vậy là đúng ý của ông Nhơn, bạn của ông rồi. Ông không màng đến chuyện ăn thua, tâm tư ông để trọn vào những lời chia sẻ giữa ông và Phượng về quá khứ lẫn tương lai. Những câu hỏi, lời đối thoại của Phượng rất lễ phép, mạch lạc, và khôn ngoan. Nó vượt ngoài tầm của một người chưa từng bước vào ngưỡng cửa đại học. Điều này chứng tỏ cô thuộc gia đình có một nền giáo dục căn bản, truyền thống. Ông Trọng nghĩ rằng những người trẻ, thông minh như Phượng mà không có dịp tiến thân qua con đường học vấn là một điều đáng tiếc. Trong đầu ông nảy ra một ý tưởng là vợ chồng ông có thể sẽ bảo trợ một học bổng cho Phượng vào đại học, không ngoài mục đích giúp cô có một tương lai sáng lạn hơn. Việc này không khó thực hiện, hai người con của ông bà đã trưởng thành nên ông bà có dư khả năng tài chánh để giúp Phượng. Ông định sẽ bàn cùng bà ngay khi về đến khách sạn.

Bận tâm về những dự tính đó, ông Trọng đánh cú đầu tiên trên sân số tám, banh bay xa, nhưng lệch ra ngoài, đáp xuống bìa rừng. Trên đường đến chỗ quả banh rơi, Phượng chăm chú lái chiếc xe điện, bỗng hỏi:
“Chú định thua nữa hả chú?”
Ông Trọng giật mình khi bất ngờ nghe câu hỏi của Phượng. Hơi bối rối, ông trả lời:
“Tại chú bị phân tâm, đang suy nghĩ đến một chuyện khác nên mới ra cớ sự. Tình hình thế nào hả cháu?”
“Thưa chú, người dẫn đầu là ông Năm. Mình theo sau ổng một điểm, sau sân này còn một sân nữa là hết ván gôn rồi.”
“Cháu nghĩ sao mà hỏi chú câu hồi nãy?”
“Dạ, cháu xin lỗi … Cháu thấy hình như chú chỉ chơi cho có lệ mà thôi. Ba cháu nói ngày xưa sở dĩ thua trận là do lỗi của ổng và đồng đội đã quá phân tâm y như chú lúc nãy …”
Nghe Phượng nói đến đó, ông Trọng cảm thấy vừa đau nhói trong lòng vừa cảm phục cô gái này. Ông không ngờ cô sinh sau đẻ muộn, không trực tiếp dính dáng đến cuộc chiến, nhưng cô có những ưu tư về nó. Cha của Phượng, một đàn anh đồng ngủ kém may mắn của ông, chắc chắn vì “Danh Dự và Trách Nhiệm” mới có can đảm một mình nhận lỗi cùng con như vậy. Còn ông, trong suốt năm tháng qua ông có nhiều suy tư về quá khứ đau thương của mình, một người lính bại trận sống đời lưu vong, nhưng ông đã làm gì? Đột nhiên, ông nhủ thầm: “Không, mình không thể thua ván gôn này, không phải vì tự ái cá nhân mà cho Phượng. Trong xã hội nhiễu nhương, đầy chông gai và cám dỗ này, điều kiện ‘ắt có và đủ’ để vươn lên của một người trẻ tuổi như Phượng là cần có niềm tin vào lẽ phải và niềm tự hào về cha ông của mình.” Ông nhìn sâu vào mắt Phượng, nói rất chân thành:
“Phượng, chú nghĩ ba cháu dạy như vậy chỉ vì ông quá khắt khe với mình mà thôi, chứ người lính VNCH mình chiến đấu rất hào hùng với lý tưởng bảo vệ tự do và hạnh phúc cho dân tộc. Tuy nhiên, cuộc chiến vừa qua rất phức tạp … Nội bộ phức tạp mà thế lực trợ giúp từ bên ngoài cũng phức tạp. Chú muốn góp ý với cháu như vậy. Riêng ván gôn này, chú cảm ơn cháu đã nhắc nhở chú. Chú sẽ hết sức cố gắng …”
Môi Phượng nở một nụ cười thật tươi. Đến nơi, cô bước xuống xe, cùng ông quan sát địa hình đôi ba phút, đoạn hỏi:
“Dạ, thưa chú, chú thấy thế nào?”
Ông Trọng mỉm cười, không trả lời mà hỏi ngược lại:
“Đâu cháu thử ‘cố vấn’ chú xem sao!”
“Dạ, chú cho phép nên cháu bàn thế này. Sân này dài 519 yards, tiêu chuẩn năm gậy, sân hồ. Còn khoảng 330 yards nữa đến khu lỗ cờ. Chú đánh một gậy xéo qua tay phải để banh bay qua hồ, đi xa chừng 180 yards. Từ đó, chú đánh một gậy nữa, độ 150yards, đáp lên khu lỗ bên tay phải vì khu này nghiêng 10 độ về phía trái. Cháu thấy chú có thể đạt birdie dễ dàng, may mắn thì Eagle. Còn sân số chín, sân đồi, 164 yards, tiêu chuẩn ba gậy, cháu nghĩ chú có thể đạt birdie như trở bàn tay.”
Ông Trọng dỡ cái nón kết, một tay cầm nón, nghiêng mình, chào cô phục vụ như một chàng ngự lâm pháo thủ trong phim xi-nê.
“Được, chú sẽ đánh hết mình, lại được tận tình giúp đỡ ý kiến thì làm sao mà thua hả cháu?”
Đứng trước đám rừng cây xanh rì, Phượng thấy vui, miệng chúm chím cười. Cô đâu có biết lúc ấy dưới mắt ông Trọng cô là một đóa phượng hiếm hoi giữa rừng cây bạt ngàn …


đàoanhdũng
Cuối mùa gôn 2008

Vài từ ngữ gôn trong truyện:
-        Sand trap: Còn được gọi là bunker. Là một chướng ngại bằng cát được cố ý đặt ra trên đường gôn.
-        Tee: Cọc dùng để banh gôn cho cầu thủ đánh ở điểm xuất phát.
-        Caddy: Nhân viên phục vụ mang dụng cụ cho cầu thủ gôn.
-        Blind hole: Đường gôn mà người chơi khó nhìn thấy khu lỗ cờ.
-        Birdie: Một điểm dưới tiêu chuẩn. Ví dụ sân tiêu chuẩn 5 (Par 5), nhưng sau 4 cú đánh đã đạt mục đích (banh xuống lỗ) thì gọi là Birdie (trừ 1)
-        Eagle: Hai điểm dưới tiêu chuẩn.

(Trích blog của đaoanhdung)

Không có nhận xét nào: